Jul 8, 2021

ever and anon

"Chưa từng bao giờ có nhân vật lớn nào cả đời sống trên đất liền. [...] Cuộc đời thủy thủ, tôi nhắc lại, có ở đó để hé lộ cho người ta họ đáng giá gì."

(Herman Melville, White-Jacket)

Ai cũng thích biển, vì biển rất vô luân.

(Joseph Conrad)

Ta chào mi, đại dương già nua!


Melville không viết Moby-Dick ở New York quen thuộc mà ở Tây Massachusetts. Khi ấy, Melville có một người hàng xóm rất không tầm thường: Nathaniel Hawthorne. Melville từng bình luận tác phẩm của Hawthorne và ngược lại, từ rất sớm, Hawthorne thuộc vào số những người viết review khi Typee mới được in (cùng, chẳng hạn và để ngắn gọn, Walt Whitman và Margaret Fuller; Washington Irving cũng có liên quan đến việc in cuốn tiểu thuyết đầu tay của Melville, xuất bản khi Melville 26-27 tuổi, tức là trước quãng thời gian Melville viết Moby-Dick chừng 5, 6 năm).

Herman Melville: đó là một con người rất thế kỷ 19, sinh năm 1819 và mất năm 1891 - không lâu sau khi nước Mỹ trở nên như vậy, cho nên nhiều lần ta thấy Melville nói đại ý, từ vài chục năm nay khi có nước Mỹ, etc. Nhưng Melville không có ngay danh tiếng văn chương như ta thấy ngày nay: Billy Budd tác phẩm posthumous mãi sau khi Melville qua đời vài chục năm mới được in. Đương thời thì khó hiểu, hậu thế thì mong manh: ai nhỉ (tôi quên mất rồi) khi được hỏi nghĩ gì về hậu thế thì đã hỏi lại, Thế hậu thế, nó đã làm gì cho tôi?

Trước Moby-Dick. Ngoài TypeeOmoo, còn là một Mardi và hai màu, trắng và đỏ: White-JacketRedburn.

Chuyến đi biển đầu tiên thì như thế nào? Đấy là câu chuyện của Redburn: thành phố nước ngoài đầu tiên của cậu bé Redburn (và cũng chính là của Melville): Liverpool bên Anh, sau khi băng qua biển từ Mỹ. Nhưng chuyến đi ấy được thực hiện trên một con tàu bình thường. Sau vài tháng, Melville về lại Mỹ và gần hai năm sau tiếp tục đi biển, nhưng lần này là trên một con tàu săn cá voi. Bắt đầu bước vào địa hạt của whale, whaler, whaling, và cả sperm whale.

Melville miêu tả: "những đường vĩ tuyến tư lự của vùng nhiệt đới". Một trong những miêu tả hải trình hay nhất là cú ôm cua ở Cape Horn, kèm với khung cảnh Patagonia. Cape Horn, niềm mơ ước của bất kỳ thủy thủ nào, và tùy thuộc vào hướng đi, từ Thái Bình Dương sang Đại Tây Dương hay ngược lại, mà mức độ nguy hiểm rất khác nhau. Nhờ đọc Melville mà ta biết không chỉ có một Blake (William) mà còn có Robert Blake, nhân vật hiển hách của câu chuyện con người trong liên quan với đại dương, cũng như biết rằng trong số những người nổi danh nhờ đi qua Cape Horn không chỉ có Byron mà còn có một Drake (như vậy không phải chỉ có Drake biết hát).

Dường như có thể dễ dàng thấy một nỗi hãi hùng, một nỗi ám ảnh (và do đó, cái nhìn) ở Melville: hơn một lần ta thấy có cảnh tàu không thuyền, tức là ship không có boat. Một con tàu không được trang bị các thuyền nhỏ thì cũng không khác mấy so với một người trông lành lặn đầy đủ nhưng không có gân cốt. Khi "tôi" cùng một người bạn, Jarl, trốn khỏi con tàu săn cá voi trong Mardi, sau nhiều ngày lênh đênh thì họ bắt gặp một con tàu kỳ quái; sự kỳ quái của con tàu nằm ở chỗ trên đó gần như không có ai, nhưng cũng nằm ở chỗ không thấy có con thuyền nào. Tương tự, trong Benito Cereno, một tiểu thuyết ngắn kiệt tác thuần khiết của Melville, khi thuyền trưởng Delano lên con thuyền kỳ quặc bắt gặp giữa đường thì tuy tàu vẫn có thuyền trưởng (Benito Cereno) và mọi sự trông như rất bình thường nhưng một thuyền trưởng như Delano dĩ nhiên nhận ra ngay, trên con tàu không có các thuyền.

Thuyền thì rất quan trọng cho nhiều việc, trong đó có việc trốn khỏi tàu. Melville cũng trốn khỏi con tàu săn cá voi, cùng một người bạn ("Toby"). Đi biển tất nhiên khiến Melville nhìn thấy nhiều thứ, nhưng chắc chắn vụ trốn đi làm cho Melville trở thành nhà văn.

Chỉ cần vài năm, Melville đã là một tác giả không thể xem thường. Mới 33 tuổi, đã có 6 cuốn tiểu thuyết, nói đúng hơn là 3 cặp: Typee & Omoo, Redburn & White-Jacket, Mardi & Moby-Dick.


ever & anon. Nếu Redburn là đi, là lên đường, còn nhiều chỗ khác là trốn khỏi tàu (bằng thuyền), thì White-Jacket là trở về (đã thành nhà văn, Melville còn sang Anh một lần nữa, lo liệu cho màu trắng): qua Cape Horn rồi thì bến cảng quê hương mỗi lúc một gần thêm. Càng về đến gần nhà, người ta càng muốn chăm lo cho râu tóc, nhưng không phải là sao cho nhẵn nhụi bảnh bao mà là phải rậm rịt, càng um tùm sum suê càng tốt. Chính vì thế, một trong những câu chuyện cuối cùng của WJ (cuốn sách có đặc biệt nhiều câu chuyện) là cuộc nổi loạn của ông già Ushant quyết giữ bằng được bộ râu dài, tức là chống lệnh cắt tóc cạo râu của captain Claret.

Chống lệnh thuyền trưởng (ngoài thuyền trưởng, trên tàu Neversink còn có viên Commodore) trên một tàu chiến (một frigate) gồm tổng cộng 500 người trong crew thì không thể đùa được: đó là một tàu chiến (ship of war). Một tàu chiến thì có nhiều đại bác, nhiều sĩ quan, có cả lính, nhưng dĩ nhiên đông nhất là các seaman (một trong số đó là "tôi", hỗn danh "White-Jacket"). Rất đông trong đó là những người bất hạnh, tội phạm muốn trốn tránh, phần lớn thậm chí không biết chữ, nhưng lại cũng có (vài) nhà thơ: Lemsford, nhà thơ trên tàu Neversink, đã tìm ra (tất nhiên là vô ý mà tìm ra) một cách thức xuất bản rực rỡ: Lemsford giấu bản thảo của mình vào họng một khẩu đại bác rồi nút chặt nó lại. Không ngờ khẩu pháo được lôi ra bắn, và thế là bản thảo tập thơ (hình như tên là Tiếng hát nàng tiên cá) bỗng mang một số phận tráng lệ, nó được phát hành dưới hình thức nổ to chưa từng có. Melville cũng viết, về sau, một bài báo ngắn, về "book-binding".

Và mọi chuyện hết sức rõ ràng, không vương chút hồ nghi nào, đối với WJ: WJ nói đại ý, đi trên một con tàu (nhất là tàu chiến như Neversink) thì cũng tương đương với học đại học Harvard.

Rất dễ nhầm lẫn về Herman Melville: những miêu tả về đi biển, rất nhiều tính cách practical khiến người ta dễ nghĩ rất không đúng về Melville. Nhưng đó là một người đọc rất nhiều, vô cùng nhiều, thuộc về thế giới của những cuốn sách có khi còn hơn thế giới của biển và các tàu thuyền. Miêu tả thư viện trên tàu Neversink trong White-Jacket hết sức đáng nhớ và một nhân vật nhiều dấu ấn trong văn chương Melville, thủy thủ Jack Chase (một Jack khác: Mad Jack), thích đọc thơ Camoëns, coi đó là nhà thơ trác tuyệt nhất viết về biển. Về phần mình, Robert Louis Stevenson sẽ nói, viết hay nhất về một vùng biển là Melville cùng một người khác nữa. Và câu chuyện về người hàng xóm Hawthorne (chưa kể thành công rất lớn từ khi còn rất trẻ) dễ làm người ta nghĩ đó là một con người bặt thiệp, nhiều quan hệ trong văn giới, etc. Nhưng Melville là một trong những con người cô độc nhất trên đời. Chính vì thế, chúng ta yêu quý văn chương của Melville.

Rất thế kỷ 19: kể từ những cuốn sách (rất) nhiều chương cho đến các tít phụ đáng nhớ: Redburn có "His First Voyage", White-Jacket có "The World in a Man-of-War" và nhất là Mardi: "And a Voyage Thither". Trong văn chương của Melville có rất nhiều "thither" và "hitherto", đúng như một thủy thủ cần phải thế. Nhưng cũng có nhiều "ever and anon". Nhưng, rất có thể, Moby-Dick chỉ thực sự vĩ đại nếu đừng tin (ít nhất, đừng tin quá) những gì Melville dùng để miêu tả cá voi. Cá voi thì không như vậy.

Sau. Sau Moby-Dick và nhất là sau Pierre or the Ambiguities, càng ngày sự im lặng càng lớn thêm (rồi sẽ mau chóng trở nên tuyệt đối). Ở quãng sau này, nhất là I and My Chimney, một truyện ngắn, một "short piece", về một ngôi nhà (ta dễ nghĩ đó chính là "Arrowhead" của Melville) có cái lò sưởi to bất thường: cứ như thể cái nhà được xây chỉ để chứa lò sưởi. Trong nhà có hai thứ bốc khói: lò sưởi và Melville, cả hai đều hút píp.


(sách hơi xấu)

Viết nhiều cuốn sách không chỉ dày mà còn rất dày, nhưng thuộc tính của Melville lại nằm chính xác ở ngược lại với đó: nằm ở sự im lặng.

Khi viết về những nhà văn im lặng (những người đã viết, ai cũng biết họ là nhà văn rất lớn, thậm chí rất lớn, thậm chí lớn chưa từng có, nhưng rồi không viết nữa, rất đột nhiên; khi được hỏi tại sao không viết nữa, Juan Rulfo đã có một trong những câu trả lời lớn nhất - vì gây hoang mang nhất - giải thích cho sự im lặng của mình: có ông chú ông cậu tên là Celerino, trước ông ấy hay kể chuyện cho nghe nên Rulfo viết chúng ra nhưng giờ ông ấy chết rồi chẳng ai kể chuyện nữa nên Rulfo cũng không viết được nữa), Enrique Vila-Matas đã thấy ngay là cần phải lấy một nhân vật từ thế giới của Melville cho vào nhan đề: cuốn sách ấy tên là Bartleby và những người cùng hội cùng thuyền.

(Nhưng ngược lại, có những lời giải thích tại sao lại viết: Onetti đáp, đấy là tại bà mẹ, bà mẹ cấm Onetti hút thuốc lá, nhưng các Chủ nhật cứ dài lê thê mãi mà không hết như thế, lại không được hút thuốc lá, cho nên đành phải viết.)

Câu chuyện về viên thuyền trưởng, với bên cạnh là người hầu da đen Babo rất đáng gờm:


(hay là làm luôn một kỳ "Herman Melville ở Việt Nam" nhỉ? nhưng vậy thì lại dễ quá)


Melville, giống Sebald, là độc giả của Sir Thomas Browne. White-Jacket có đoạn (dài) vô cùng nổi tiếng phê phán luật, nhất là cái thứ luật để cho các thủy thủ có thể phải chịu hình phạt bị quật roi trước mặt toàn crew, ngay chỗ một cột buồm trung tâm; ở đoạn ấy Melville thể hiện mình là độc giả của Blackstone (do you know him?), tác giả Commentaries. Melville cũng hay thể hiện mình vô cùng thích Coleridge.


- call me Ishmael

- I would prefer not to



7 comments:

  1. Đọc đến đoạn anh viết “đừng tin... Cá voi thì không như vậy.”, em nghĩ, có lẽ thế nên trước khi đọc Moby Dick em không thể phân biệt ngay được sự khác nhau giữa (từ/ hình dáng) cá voi, cá mập (cả cá heo) và rồi sau khi đọc thì sự thể :p càng mù mờ hơn

    ReplyDelete
  2. anh có dự định gì cho Hawthorne không nhỉ?

    ReplyDelete
  3. Thật ra em vẫn đang in process ạ. Nhưng, sớm nhất có thể, em sẽ gửi anh một, hai bài, để anh xem qua và em tiếp tục process ấy.

    ReplyDelete
  4. hi anh, lại là em đây, em vừa xong một truyện trong tập Mosses from old manse, anh muốn đọc qua không? Nếu có thì cho em xin liên lạc để gửi file qua nhé, cảm ơn anh rất nhiều (tim)

    ReplyDelete
  5. cái blog nào của blogger cũng đi kèm một email: nhilinhblog@gmail.com

    ReplyDelete