Jul 20, 2021

HD


"Chúng tôi lần bước qua cánh đồng chiều có những tiếng thầm thì của bóng tối, như qua một thời đại mà tất cả đều đen xạm, mịt mờ."



Cuốn sách không tên là sản phẩm một tìm thấy trong đống giấy tờ bút tích mà Hồ Dzếnh để lại. Một posthume. Ấn bản 1993, tức là hai năm sau khi Hồ Dzếnh qua đời. Khó mà biết đây đã là toàn bộ câu chuyện mà Hồ Dzếnh muốn viết, hay còn nữa, cái phần còn chưa bao giờ được viết. Nó kết thúc ở đoạn chôn người phụ nữ, trong cảnh có máy bay ném bom, cái áo quan kiếm được một cách khó nhọc xuống đến hố mới đào thì những (cụ thể là ba) người ở đó bỗng cảm thấy có điều gì không ổn: dường như nắp áo quan không đóng chặt lại được vì bị một ít tóc thò ra chẹn lại.

Còn tôi đọc cuốn sách (tất nhiên đã có tên, dẫu tên ấy có được chính nhờ sự không tên) hoàn toàn do tình cờ: lục lọi (tất nhiên để tìm những cái khác) bỗng tôi thấy nó. Tôi nhớ tôi đã có nó từ rất lâu nhưng cũng nhớ là đã quên mất nó: sự tìm ra khiến tôi rơi vào một trạng thái rất kỳ cục, bởi thì ra vẫn còn một cái gì đó của Hồ Dzếnh mà tôi chưa đọc.

Thế mà, tôi rất chắc chắn, "Em Dìn" là một trong những thứ khủng khiếp nhất đầu tiên tôi từng đọc, tất nhiên cách đây đã rất lâu. Nó, cái truyện trong Chân trời cũ đó, là một trong những gì khủng khiếp nhất, kể cả vào thời điểm ấy chắc chắn tôi đã không còn xa lạ với Chekhov hay Maupassant.

Nhất là mấy từ, một cụm từ, ở cuối truyện: dĩ vãng thiếu tươi đẹp. "Em Dìn" là một trong những gì có thể xô đổ mọi mường tượng sáng ngời. Kể từ đó, đối với tôi, Hồ Dzếnh là một trong những người tồn tại là để nhận (và ghi nhận) những điều đau đớn. Chúng ta chẳng bao giờ biết họ, những người như thế, quan trọng đến mức nào.

Cuốn sách không tên còn buồn hơn mọi thứ gì khác mà Hồ Dzếnh từng viết.


(nỗi đau)


Hai truyện nữa trong Chân trời cũ cũng có tên người nằm ngay ở tên truyện: "Chú Nhì" và "Chị Yên". Dìn, Nhì, Yên, toàn những cái tên chìm đi. Chìm sâu xuống, không biết đi đâu nữa, chẳng bao giờ trồi lên trở lại; như những mất tích hiển nhiên.

Chắc chắn tôi phải đọc Hồ Dzếnh từ rất sớm, vì suốt một thời gian rất dài, tôi cứ tưởng đâu bán trong câu "Mày ai bán nguyệt người ai nhỏ" là động từ (mua bán). Đấy là một trong những câu tôi rất nhớ, vì tôi không thực sự hiểu nó nói gì. Một anh hoa hiếm hoi trong thơ Việt Nam là của Hồ Dzếnh: "Anh hoa ngàn thuở rạng phong hầu". "Nàng là hoa tươi đất Việt/Chàng là tinh túy trời Ngô". Những câu như "Chị tôi phụng phịu má hồng", "Phố tôi trông dáng buồn rầu/Khó khăn của kẻ làm mầu vô duyên/Ba ngày một chuyến xe lên/Chở thư và chất người trên mui hàng", "Tôi và Hiền ở cách/Vẻn vẹn một giàn dưa": phong vị tiêu điều của một nơi nằm ở rìa Thanh Hóa. Còn những câu như "Lung linh nến cháy hai đầu áo quan", "Ta nằm trong ván trông ra" khiến ta hiểu tại sao dường như Hồ Dzếnh tìm được ở Đinh Hùng một tâm hồn không xa mình, thuộc về cùng một gia đình tinh thần.

Ấn tượng của tôi về Hồ Dzếnh luôn luôn là: bờ sông buồn thê lương. Mãi rất lâu về sau, bắt đầu biết về các tiểu sử, tôi mới hay, mẹ của Hồ Dzếnh là một người lái đò, tại Quảng Xương. Ông bố Trung Quốc của Hồ Dzếnh thì tất nhiên dễ biết hơn.

Đọc đoạn đầu Cuốn sách không tên, tôi nghĩ là tôi dễ dàng đoán được Hồ Dzếnh đang kể câu chuyện của chính mình, một đoạn cuộc đời đau thương. Thử tìm hiểu một chút, rồi tôi lại thôi ngay: chút tìm hiểu khiến tôi nhận ra, phần lớn chi tiết tiểu sử Hồ Dzếnh lấy từ nguồn là người vợ sau, nhưng Cuốn sách không tên kể về người vợ đầu.

Đọc Hồ Dzếnh (không chỉ "mày ai bán nguyệt") luôn luôn thấy rất dễ rơi vào một mơ hồ nào đó. Những mơ hồ, rất nhiều khi, cả về nghĩa. Mở đầu "Em Dìn" là câu bốn năm sau ông bố qua đời, em Dìn "ra đời": tức là chào đời? Tức là có một đứa trẻ được sinh ra sau khi một ông bố đã chết vài năm? Rất khó hiểu; nhưng ở đây "ra đời" muốn nói chính cái điều mà ta hay gọi là "vào đời": một đứa bé bắt đầu hết là một đứa bé và khởi sự bước vào cuộc đời: một ẩn dụ dường như muốn nói, ra khỏi cái nhà và đi vào một cái khác. "Ra" và "Vào" được dùng thay cho nhau: đích xác là, nhìn vào (cách sử dụng) giới từ, có thể thấy rõ nhất một điều: khía cạnh nước ngoài. Một contresens ở tận mức độ đối xứng. Cũng trong "Em Dìn", bà mẹ của Dìn được gọi là "dì ghẻ": Dìn là em cùng cha khác mẹ với nhân vật "tôi". Ta sẽ nghĩ ngay, mẹ của "tôi" đã chết, sau đó ông bố lấy vợ mới. Nhưng không, đúng là ông bố đã chết (trước khi chết thì đã tiên đoán về số phận của Dìn), nhưng bà mẹ của "tôi" vẫn sống, hai bà vợ sống cùng trong một nhà, bà thứ nhất có ba con trai ("tôi" là út trong đó), bà thứ hai có đứa con gái nhỏ tuổi nhất trong cả tập hợp: Dìn. Như vậy, bà mẹ Dìn không phải "dì ghẻ", mà là "vợ lẽ". Thêm một lần nữa, yếu tố nước ngoài - và ta đã có thể gọi đúng tên: ngoại ngữ - hiện ra, trong một cách dùng từ sai (nói đúng hơn, sái).

(thêm một lần nữa, điều Marcel Proust nói lại được chứng thực: ta nhận ra một văn chương đúng là văn chương chính ở chỗ như thể nó được nói bằng ngoại ngữ; dường như chúng ta chẳng bao giờ hiểu nổi, những nhà văn nói ngoại ngữ với chúng ta, họ quan trọng đến mức nào)

Trở lại (tức là ở lại) với Cuốn sách không tên: tuy không có gì nói rõ, nhưng có thể đoán, thêm một lần nữa khung cảnh lại là Thanh Hóa. (đầu tiên, khi hai vợ chồng mới có một đứa con, thì ở vùng núi non, "bán sơn lâm", sau thì về lại đồng bằng, và đứa con thứ hai ra đời)

Đã rất nhiều năm sau Chân trời cũ, nhưng rất nhiều điều không thay đổi trong Cuốn sách không tên, khác biệt là trước đây Hồ Dzếnh ghi nhận những nỗi đau (đều nhìn từ khoảng rất gần), còn giờ đây thì tự nhận lấy chúng. Lời kể chuyện ("tôi") là của đứa trẻ, kể về một hình bóng (ông bố) của Hồ Dzếnh ở tuổi ba mươi: tản cư, túng quẫn, tuyệt vọng, thê thảm. Vẫn một dĩ vãng thiếu tươi đẹp, vẫn một cái váng tàn, vẫn một cái bóng tàn: trước đây, sự tàn chủ yếu nằm ở phía gia đình Trung Hoa (quê nội) của Hồ Dzếnh, từ chỗ (một tổ tiên) là ông quan đầu huyện có cả vạn lính dưới quyền, đến một hậu duệ mỗi ngày bắn sáu mươi điếu thuốc phiện, mua cái kẹo giấu giếm, đứa cháu nhỏ gọi thì vội nuốt vì sợ nó xin mất, chuyển sang sự tàn của một phụ nữ, qua đời khi mới hai mươi tuổi.

Câu chuyện thực về người vợ đầu của Hồ Dzếnh có lẽ đúng như được viết trong cuốn sách (dưới dạng nhật ký): đó là một độc giả (con nhà giàu) đọc những câu chuyện đăng báo của một nhà văn còn trẻ cho đến ngày tình cờ biết nhà văn đang bị ốm, lặn lội từ nơi heo hút mình ở (chắc cũng vẫn Thanh Hóa) ra Hà Nội tìm. Lần ấy, họ gặp nhau nhưng cô gái còn rất trẻ không dám đưa 800 đồng, toàn bộ tiền mà cô gái có, cho nhà văn ốm.

Cỗ áo quan chôn người vợ giá 300 đồng nhưng người chồng chỉ có 200 đồng.

"Qua màu áo cũng bạc, cũng cũ ấy, cái màu áo xông lên mùi Á Đông, tự nhiên, tôi cảm thấy ai hoài, chua xót." Ngôn ngữ của Hồ Dzếnh lưu ký vào không ít mùi của ngoại quốc, nhưng văn chương Hồ Dzếnh không bao giờ tạo cảm giác ta vẫn hay có những lúc gặp cái bọn cứ Tàu Tàu dẫu Việt Nam đích thị; "còn dĩ vãng thì lưu lại những dấu vết đau lòng": đây là biểu hiện của một ý thức thực sự hoạt động, chỉ trên những ý thức như vậy, nhiều điều mới khắc vào được. Cuộc chạm trổ lên ý thức chính là công việc lớn của chân trời cũ, mà dấu hiệu có thể là "cháy trên bàn thờ những ngọn nến, ngùi lên những que hương". Đấy là vì có chân trời, dẫu cũ.

Bùi Giáng, với sự không bao giờ nhầm lẫn của mình, dễ dàng thấy Hồ Dzếnh là một trong những thi sĩ đúng nghĩa rất hiếm hoi; vả lại, "Phụng hiến" cũng nằm trong cùng một câu chuyện với Chân trời cũ hay Cuốn sách không tên. Tức là câu chuyện của gánh lấy khổ đau - cái câu chuyện nếu thiếu thì sẽ chẳng có gì hết. Những năm đen tối (đen sạm thì đúng hơn) của Hà Nội, Hồ Dzếnh chắc là một trong hai nhân vật văn chương lạc lõng hơn cả; người còn lại là Quang Dũng. Thời điểm 1954, Hồ Dzếnh đi con đường ngược: trong khi rất đông từ Hà Nội vào Sài Gòn thì Hố Dzếnh lại từ Sài Gòn ra Hà Nội.

Và quãng cuối cùng, "thiên truyện cuối cùng" của một cuốn sách không tên là hiệu sách nhỏ nằm không xa một phố.


(tôi không hề thích bài hát nổi tiếng của Dương Thiệu Tước phổ nhạc một bài thơ nổi tiếng của Hồ Dzếnh, đó là một bản nhạc đô trưởng; phần lớn các bài hát lấy lại y nguyên những bài thơ, chúng nghèo nàn đến đáng ngạc nhiên, dẫu hầu hết được thừa hưởng những gì không hề nghèo nàn; chúng giống tầm gửi; không chỉ nghèo nàn, các bài hát như thế còn kitsch - trong đó, Phạm Duy là người đứng đầu, một thứ âm nhạc đặc biệt kitsch: nghe và xem mấy bà mặc áo dài "hạc trắng bay về về Bồng Lai" mà không nổi da gà thì da ấy đúng là còn đặc biệt hơn cả da gà)


Phần thứ hai, tức phần bên kia của Hồ Dzếnh nhìn thấy người phụ nữ như thể từ xa thẳm, dẫu rất gần: một cái nhìn được cộng thêm khoảng cách, nhờ sự khác. Cái nhìn ấy tuyệt đối độc đáo, vì xuất phát từ vị trí và (nhờ thế) đậu lên chỗ duy nhất. Những người phụ nữ sống xung quanh Hồ Dzếnh luôn luôn, do có yếu tố đẩy ra xa (vì vậy, kéo dài chân trời: đối với một cái nhìn tương tự, chân trời không ở hút tầm mắt, mà ngược lại, cái nhìn khởi phát từ chính chân trời), trở thành "người phụ nữ Việt Nam". Không một người Việt Nam nào có ấn tượng ấy, vì quá mức Việt Nam, vì không đảo ngược được chân trời - hoặc giả, khi đó, những phát ngôn thuộc dạng "cái gì đó Việt Nam" chủ yếu chỉ có tính cách kệch cỡm.

Hồ Dzếnh lưu ký (như thể để lại một suối hương) một chị đỏ Đương vào văn chương Việt Nam. Chị đỏ Đương ấy ở bên cạnh bà ký Đường, hay chị Hoài không có gì nhiều ngoài nhiều tóc.

Đoạn cuối cuộc đời, có những lúc Dostoievski được hỏi lời khuyên về viết văn. Đến cả một người như Dostoievski cũng chỉ có thể trả lời, đừng bịa, đừng bao giờ bịa gì, nhưng sao lại bịa chuyện? Hồ Dzếnh đã làm đúng như vậy, tuy không hỏi Dostoievski lời khuyên. Chẳng bao giờ chúng ta thực sự hiểu được, các nhà văn không bịa gì, họ quan trọng đến mức nào.


4 comments:

  1. lần đầu tiên em đọc HD là Cuốn sách không tên, kể từ đấy không dám cầm lại quyển sách mỏng. HD nói, sống là quên

    đứa con đầu lòng, ông không muốn đóng nắp cỗ quan tài lại; còn người vợ, do nhiều sự, cỗ quan tài bị ngắn... người phụ nữ ấy, cử chỉ hẩy tay đẩy đứa con bốn tháng rưỡi như hành động của hồi quang sắp tắt. Người phụ nữ ấy có điều gì đó, em vẫn nhớ cảm giác của mình khi đọc những dòng nhật ký của bà...

    có thể đã dám mở lại quyển sách

    ReplyDelete
  2. Hỡi Thiên Chúa! Sao Người không có xác
    Để tôi sờ? Không máu uống cho no
    Sao giấc thiêng. Người lặng lẽ không bờ?
    Hay bí mật! Hay..Người không phải Chúa?

    (HD)

    ReplyDelete
  3. Em rất thích cuốn Chân Trời Cũ. Cuốn sách không tên thì em chưa đọc, mà không thấy nhà nào in lại.

    ReplyDelete
  4. mấy cái năm dịch dã này nhiều năm sau nhìn lại cũng thấy đau khổ và đáng nhớ phết đây.

    mong anh khoẻ.

    ReplyDelete