Mar 2, 2022

Jacques Người định mệnh cùng ông chủ

giờ thì thực sự bắt đầu, sau khi để đó hơi lâu

điều không ngờ hơn cả nằm ở chỗ, chính khi thấy cần bắt đầu Bouvard và Pécuchet thì Jacques và Diderot liền quay trở lại; nhưng rất có thể đấy là vì, Bouvard và Pécuchet là khi Flaubert thể hiện khía cạnh Diderot của mình



Jacques Người định mệnh cùng ông chủ

- Diderot


Làm sao mà họ gặp nhau? Do tình cờ, như tất cả mọi người. Họ tên là gì? Quan trọng gì với các người? Họ từ đâu đến? Thì từ chỗ ngay gần. Họ đi đâu? Người ta có biết là mình đi đâu hay không? Họ nói gì? Ông chủ chẳng nói gì; còn Jacques thì hay nói rằng viên đại úy của anh ta hay nói rằng mọi điều gì xảy tới với chúng ta, cả tốt lẫn xấu, nơi cõi trần này đều đã được viết sẵn ở trên kia.

ÔNG CHỦ. - Câu đấy rất lớn đấy.

JACQUES. - Ông đại úy của con còn bảo, mỗi viên đạn bắn ra từ một khẩu súng đều có vé riêng.

ÔNG CHỦ. - Và ông ta đúng...

Sau một quãng ngừng ngắn, Jacques kêu lên: "Quỷ tha ma bắt tên chủ quán cabaret và quán cabaret của hắn!"

ÔNG CHỦ. - Tại sao lại gí đồng loại cho quỷ? Thế thì không được Ki-tô giáo cho lắm.

JACQUES. - Đấy là bởi, con đang ngà ngà với thứ rượu tệ của hắn, thì con quên mất phải đưa lũ ngựa đi uống nước. Bố con thấy ngay; bố con mới nổi tức. Con lắc đầu; ông ấy vớ lấy một cây gậy nện lên vai con không nương tay. Một trung đoàn đi ngang qua, trên đường đến trại trước Fontenoy; con đăng lính luôn vì nản. Bọn con tới nơi; trận đánh nổ ra.

ÔNG CHỦ. - Và mi lĩnh phải một viên đạn.

JACQUES. - Ông đã đoán đúng; một phát đạn trúng vào đầu gối; và Chúa mới biết các cuộc phiêu lưu cả hay lẫn dở mà phát đạn đó đưa đến. Chúng sít chằn chặn chẳng khác gì những cái mắt của dây xích đeo đồng hồ. Nếu không có phát đạn ấy, thì trời ơi, con nghĩ suốt đời con sẽ không bao giờ yêu, cũng như đi khập khiễng.

ÔNG CHỦ. - Tức là mi từng yêu?

JACQUES. - Con từng yêu hay không ấy hả!

ÔNG CHỦ. - Và là do một phát đạn?

JACQUES. - Do một phát đạn.

ÔNG CHỦ. - Mi chưa bao giờ kể cho tao lời nào về chuyện đó.

JACQUES. - Con cũng nghĩ vậy.

ÔNG CHỦ. - Tại sao lại thế?

JACQUES. - Thì là bởi chuyện đó không thể được kể sớm hơn hay muộn hơn.

ÔNG CHỦ. - Thế lúc để được biết về những tình ái đó đã đến chưa?

JACQUES. - Ai mà biết?

ÔNG CHỦ. - Tại ngẫu nhiên hết, như mọi khi...


Jacques bắt đầu kể chuyện về các mối tình của mình. Đó là sau bữa: thời tiết nặng nề; chủ anh ta ngủ thiếp đi. Họ gặp trời tối ở giữa cánh đồng; vậy là họ đã bị lạc. Thế là ông chủ lên cơn tức giận khủng khiếp và cầm roi lao vào quật lấy quật để lên tên hầu, và khi nhận mỗi cú đánh con quỷ khốn khổ lại nói: "Cú này có vẻ cũng đã được viết sẵn ở trên kia..."

Anh thấy không, độc giả, tôi đang ở trên con đường rất tiện, và mình tôi có thể tùy ý quyết bắt anh phải đợi một năm, dăm ba năm thì mới được nghe câu chuyện về các mối tình của Jacques, chỉ cần tách anh ta khỏi ông chủ và bắt mỗi người gặp hết ngẫu nhiên này đến ngẫu nhiên khác, như tôi thích. Có gì ngăn cản tôi cho ông chủ lấy vợ và bị mọc sừng đâu? rồi thì đẩy Jacques lên các hòn đảo? dẫn theo ông chủ tới đó? đưa cả hai về lại Pháp trên cùng một con tàu? Bịa chuyện thì dễ ợt! Nhưng cả hai sẽ thoát khỏi những cái đó, đổi lại là một đêm tệ hại, còn anh thì khỏi phải chịu kỳ hạn kia.

Bình minh đã rạng. Họ kia rồi, ngồi trên lưng mấy con vật của họ và đi tiếp. - Thế họ đang đi đâu? - Lần thứ hai anh hỏi tôi câu ấy rồi đấy, và lần thứ hai tôi đáp: Có liên quan gì đến anh không? Nếu tôi chuyển sang chủ đề chuyến đi của họ, thì từ biệt nhé các mối tình của Jacques... Họ im lặng đi một hồi. Khi người nào cũng bớt buồn rầu một chút rồi, ông chủ hỏi người hầu: "Ê Jacques, những mối tình của mi sao rồi nhỉ?

JACQUES. - Con cho là ta đã đến chỗ quân địch tháo chạy. Tán loạn hết cả, đuổi theo nhau, ai cũng chỉ nghĩ tới bản thân mình. Con ở lại trên chiến địa, bị vùi dưới đống người chết và bị thương, đông lắm. Hôm sau cùng khoảng chục người khác con bị ném lên một cái xe để đưa về bệnh viện. A! thưa ông, con không nghĩ bị thương ở đâu thì thảm như bị thương ở đầu gối.

ÔNG CHỦ. - Thôi nào, Jacques, mi cứ chế nhạo.

JACQUES. - Không, lạy hồn, thưa ông, con có chế nhạo đâu! Ở đó có không biết bao nhiêu là xương, gân, lại còn những thứ khác người ta gọi là gì con chẳng biết nữa...


Một chú nông dân đi đằng sau họ, cắp theo một gái nọ ngồi trên mông ngựa, để tai lắng nghe họ, chợt cất tiếng: "Ông nói đúng..."

Không biết ông là định nói người nào, nhưng Jacques và ông chủ thấy như vậy thì rất không được; và Jacques bảo luôn với người lỗ mãng kia: "Anh xía vào chuyện gì đấy?

- Tôi xía vào nghề của tôi; tôi là bác sĩ phẫu thuật, xin được phục vụ các ông, và tôi sẽ chứng tỏ cho các ông thấy..."

Người phụ nữ trên mông ngựa nói với ông ta: "Thưa ông đốc tờ, thôi ta cứ đường ta ta đi, để mặc mấy ông đây, họ không muốn người ta chứng tỏ cho họ thấy.

- Không, viên bác sĩ phẫu thuật đáp, tôi muốn chứng tỏ cho họ thấy, và tôi sẽ chứng tỏ cho họ thấy..."

Và, trong khi xoay ngang xoay ngửa để chứng tỏ, ông ta va phải người đi cùng, làm chị ta mất thăng bằng ngã luôn xuống đất, chân vẫn mắc vào đuôi áo ông ta, váy lót trùm hết cả lên đầu. Jacques bèn nhảy xuống đất, gỡ chân của cái tạo vật khốn khổ đó và vuốt lại váy xống. Tôi không biết anh kéo váy trước hay gỡ chân trước; nhưng cứ nhìn vào tình trạng gái kia, dựa theo những tiếng hét của chị ta, thì chị ta đã bị thương tích nặng. Và ông chủ của Jacques nói với viên bác sĩ phẫu thuật: "Đấy, chứng tỏ tức là như thế đấy."

Và viên bác sĩ phẫu thuật: "Đấy, không muốn người ta chứng tỏ cho mình xem tức là như thế đấy!..."

Và Jacques thì nói với gái kia, bị ngã, hay cũng có thể là được nhặt lên: "Thôi bớt buồn khổ, chị bạn tốt tính, không phải do lỗi của chị, của me xừ đốc tờ, cũng chẳng phải lỗi của tôi, hay của ông chủ tôi: mà là vì trên kia đã được viết sẵn, rằng hôm nay, trên con đường này, vào đúng cái giờ này, me xừ đốc tờ sẽ ba hoa chích chòe, ông chủ tôi và tôi sẽ khó tính, còn chị thì sẽ bị ngã u đầu và lộ hết cả đít..."

Nếu như mà tôi bỗng nảy ra khoái thú tai ác muốn làm cho anh phải tuyệt vọng, thì phải chi cuộc phiêu lưu ấy đừng rơi vào tay tôi! Bằng không tôi sẽ biến gái kia trở nên quan trọng; tôi sẽ làm chị ta thành ra cô cháu gái của một ông cha xứ làng bên; tôi sẽ khuấy tung beng đám nông dân trong làng; tôi sẽ tạo ra các trận đánh cùng những mối tình; bởi, thì, cô nông dân kia cũng đẹp dưới lần đồ lót. Jacques và ông chủ anh ta đã thấy rõ; đâu phải tình yêu luôn luôn đợi đến một cơ hội quyến rũ nhường đó. Tại sao Jacques lại không yêu thêm, lần thứ hai? tại sao anh không, lần thứ hai, trở thành đối thủ tình trường, và thậm chí là đối thủ đáng ngại nhất của ông chủ? - Chuyện ấy từng xảy tới với anh bao giờ chưa? - Vẫn là các câu hỏi. Tức là anh không muốn Jacques kể tiếp chuyện những mối tình của anh ta đấy à? Nào, một lần cho xong luôn đi, anh hãy giải thích; anh thích điều đó, hay anh không thích điều đó? Nếu mà anh thích, thì thôi ta hãy nhấc chị nông dân lên lại mông con ngựa sau lưng người cưỡi nó, cứ để cho họ đi, rồi ta quay lại với hai lữ khách của chúng ta. Lần này, Jacques là người lên tiếng trước, anh nói với ông chủ:

"Thế giới là như vậy đấy; cả đời ông chưa bao giờ bị thương và không biết dính một phát đạn đúng vào đầu gối nghĩa là thế nào, ông lại cứ đi gây với tôi, trong khi tôi đây từng bị vỡ vụn đầu gối và hai mươi năm nay phải đi khập khiễng..."

ÔNG CHỦ. - Thì chắc mi nói đúng. Nhưng cái tay bác sĩ phẫu thuật láo xược kia là nguyên do khiến tận bây giờ mi vẫn ở trên một cái xe cùng đồng đội của mi, còn cách bệnh viện xa, xa luôn chuyện khỏi bệnh và cũng xa chuyện yêu đương.

JACQUES. - Ông thích nghĩ gì thì nghĩ, đầu gối con đau kinh lắm; nó lại càng đau hơn vì cái xe cứng quá, vì đường thì khấp khểnh, cứ xóc một cái là con lại hét tướng lên.

ÔNG CHỦ. - Vì đã được viết ở trên kia là mi sẽ hét?

JACQUES. - Chắc chắn đi rồi! Con mất bao nhiêu là máu, và con đã ngoẻo rồi nếu cái xe của bọn con, xe đi cuối hàng, không dừng lại trước một túp nhà mái rạ. Ở đó, con đòi xuống; người ta bèn quẳng con xuống đất. Một phụ nữ trẻ, đang đứng ở cửa nhà mái rạ, đi vào nhà rồi gần như ngay tắp lự đi ra với một cái cốc và một chai rượu. Con vội uống dăm ba nhát. Đám xe đi trước đã lên đường. Người ta chuẩn bị ném con lên giữa đám đồng đội của con, thì, bám cứng lấy quần áo của người phụ nữ kia và vào mọi thứ gì ở xung quanh, con nhất quyết không chịu lên xe lại và bảo, chết thì chết, con thà chết tại nơi con đang ở còn hơn là cách đó hai dặm. Nói xong lời vừa xong thì con ngất lăn ra. Lúc thoát khỏi trạng thái đó, con thấy mình đã được cởi quần áo và nằm trên một cái giường kê trong góc túp nhà mái rạ, quanh con là một người nông dân, chủ của chỗ ấy, vợ ông ta, chính là người đã cứu giúp con, và vài đứa trẻ con lít nhít. Người phụ nữ đã nhúng vạt tạp dề vào giấm rồi xoa lên mũi và hai bên thái dương con.

ÔNG CHỦ. - A! đồ đểu! a! khốn quá!... Đồ tệ hại, ta thấy là mi đã tới nơi rồi.

JACQUES. - Ông chủ, con e là ông chẳng thấy gì.

ÔNG CHỦ. - Không phải mi sẽ yêu người phụ nữ đó à?

JACQUES. - Thế khi nhỡ con yêu bà ấy, thì phải nói gì nào? Người ta có làm chủ được việc yêu hay không yêu không? Và khi yêu, người ta có làm chủ được việc mình hạnh động như thể là không yêu? Nếu cái đó đã được viết ở trên kia, tất tật những gì ông định nói với con, thì hẳn con đã tự nói với chính con rồi; thì con sẽ tự tát vào mặt; thì con sẽ đập đầu vào tường; thì con sẽ giật tóc: có vậy hay không vậy, hơn kém tí chút, thì người làm phúc cho con cũng sẽ vẫn bị cắm sừng thôi.

ÔNG CHỦ. - Nhưng lý luận như mi thì làm gì có tội ác nào mà người ta phạm nhưng lại chẳng sám hối gì.

JACQUES. - Điều ông đang phản đối con đây từng hơn một lần làm lủng óc con ra rồi; nhưng với tất thảy những cái đó, dẫu cho con có óc đi nữa, thì lúc nào con cũng quay về với lời ông đại úy của con: Mọi điều gì xảy đến với chúng ta, tốt hay xấu, nơi hạ giới này, đều đã được viết sẵn ở trên cao kia. Thưa ông, ông có biết cách nào để xóa thứ chữ viết đó đi không? Con có thể nào không phải là con? Và khi là con là con, thì con có thể làm khác với con chăng? Con có thể vừa là con lại vừa là một kẻ khác? Và kể từ khi con có mặt trên cõi đời, có giây phút nào điều đó không đúng chăng? Ông có rao giảng đến mức nào mà ông muốn, các lý luận của ông có thể hay lắm; nhưng nếu đã được viết bên trong con hoặc ở trên cao kia rằng con sẽ thấy chúng tệ, thì ông muốn con phải làm gì?

ÔNG CHỦ. - Ta mơ đến một điều: là người làm phúc cho mi bị cắm sừng vì điều đó đã được viết sẵn ở trên kia; hay là điều đó đã được viết sẵn ở trên kia vì mi sẽ cắm sừng lên người làm phúc cho mi?

JACQUES. - Cả hai đã được viết, cạnh nhau. Mọi điều đều đã được viết cùng một lúc. Giống như một cuộn giấy lớn dần dà trải ra ấy...

Anh cũng hình dung được rồi đấy, độc giả, tôi có thể đẩy tới đâu cuộc trò chuyện ấy, về một chủ đề mà người ta đã bàn rất nhiều, đã viết rất nhiều từ hai nghìn năm nay, nhưng tiệt chẳng tiến được lấy một bước. Nếu không thấy biết ơn tôi vì những gì tôi nói với anh, thì anh hãy biết đường mà biết ơn tôi thật nhiều vì những gì mà tôi không nói.

Trong khi hai nhà thần học tranh cãi mà chẳng buồn nghe nhau nói, như chuyện có thể xảy đến trong thần học, đêm sắp buông đến nơi. Họ đang băng ngang một vùng không mấy an toàn vào mọi lúc, và lại càng ít an toàn hơn khi mà sự quản lý tệ hại cùng nỗi bần cùng đã làm tăng vọt không điểm kết số lượng lũ bất lương. Họ dừng chân tại quán trọ tồi tàn nhất trong số các quán trọ. Người ta dựng cho họ hai cái giường đai vải trong một căn phòng vách thủng lỗ chỗ tứ bề. Họ đòi ăn. Người ta mang cho họ nước múc dưới ao lên, bánh mì đen và rượu vang chua loét. Chủ quán, vợ chủ quán, bọn con cái, đám người hầu, tất tật đều có vẻ hắc ám. Họ nghe thấy ngay bên cạnh những tiếng cười rống lên và nỗi vui tươi loạn xà ngậu của chừng một chục tên kẻ cướp đã đến trước họ và giật hết mất đồ ăn. Jacques khá là bình thản; còn xa thì ông chủ mới bình thản như thế. Ông đưa mối lo của mình đi đi lại lại, trong khi tên người hầu của ông ta ngấu nghiến vài mẩu bánh mì đen, và nhăn nhó hốc vài cốc rượu tệ hại. Họ đang ở trong cảnh đó thì nghe thấy tiếng đập cửa; đó là một tên hầu mà những người hàng xóm láo xược và nguy hiểm kia bắt phải mang tới cho hai lữ khách của chúng ta, đựng trong một cái đĩa của bọn chúng, toàn bộ xương gà xương vịt mà chúng đã chén. Jacques, nổi cơn phẫn nộ, cầm lấy mấy khẩu súng của ông chủ.

"Mi đi đâu đấy?

- Ông cứ để mặc con, đừng can.

- Mi đi đâu? tao đang hỏi.

- Dạy cho lũ khốn kia biết điều.

- Mi có biết chúng có tận chục tên không?

- Chúng có là cả trăm, thì con số cũng đâu nhằm nhò gì, nếu trên kia đã viết sẵn rằng vậy không đủ.

- Quỷ tha ma bắt mi đi, cùng cái câu xấc xược của mi!..."

Jacques vùng ra khỏi tay ông chủ, bước vào phòng của đám móc túi khoét ngạch kia, mỗi tay cầm một khẩu súng lên sẵn đạn. "Nào, mau, nằm hết xuống, anh nói với lũ kia, thằng nào nhúc nhích tao bắn cho vỡ sủ..." Jacques có dáng và có giọng thật chuẩn, cho nên lũ khốn, vốn dĩ cũng coi trọng mạng sống ngang với những người hiền lương, rời ngay khỏi bàn không dám hé răng nửa lời, cởi quần áo và đi nằm. Ông chủ, thấy không chắc chắn lắm cuộc phiêu lưu sẽ kết thúc theo cách nào, run cầm cập mà đợi anh. Jacques quay về, vác theo đống quần áo của đám người kia; anh vơ lấy mang theo để chúng khỏi có ý định dậy nữa; anh tắt đèn phòng đi, khóa trái cửa lại, cầm chìa khóa cùng một khẩu súng. "Giờ thì, thưa ông, anh nói với ông chủ, chúng ta chỉ còn mỗi một việc để làm là kéo giường của chúng ta chẹn lấy cửa rồi tha hồ ngủ ngon thôi..." Và anh bắt tay đẩy giường luôn, vừa đẩy vừa kể, lạnh lùng và ngắn gọn, cho ông chủ nghe chi tiết chuyến đột kích vừa xong.

ÔNG CHỦ. - Jacques, sao mi quỷ quái thế! Tức là mi tưởng...

JACQUES. - Con không tưởng cũng chẳng tưởng.

ÔNG CHỦ. - Thế nếu chúng không chịu ngủ thì sao?

JACQUES. - Không thể nào có chuyện.

ÔNG CHỦ. - Tại sao?

JACQUES. - Vì chúng đã không làm vậy.

ÔNG CHỦ. - Thế nhỡ chúng dậy?

JACQUES. - Thì kệ, thì càng tốt.

ÔNG CHỦ. - Nếu... nếu... nếu... và...

JACQUES. - Nếu, nếu nước biển sôi, thì, như người ta nói, sẽ có nhiều cá chín. Quỷ thật, thưa ông, vừa mới thôi ông đã tưởng con gặp mối nguy lớn lắm nhưng chẳng có gì sai hơn thế; giờ ông tưởng đang gặp phải mối nguy lớn lắm, và có lẽ chẳng gì sai hơn nữa. Tất tật, trong cái nhà này, chúng ta đều sợ lẫn nhau; điều đó chứng tỏ tất cả chúng ta đều là bọn xuẩn...

Và, nói đoạn, anh đã cởi quần áo, nằm xuống và ngủ luôn. Chủ của anh, đến lượt mình cũng ăn một mẩu bánh mì đen, và uống chút rượu vang tệ, dỏng tai nghe ngóng xung quanh, nhìn Jacques đang ngáy và nói: "Cái thằng quỷ quái này!..." Noi gương thằng hầu, ông chủ cũng nằm xuống giường, nhưng không ngủ được giống vậy. Ngay khi trời tờ mờ sáng, Jacques cảm thấy một bàn tay lay anh; ấy là tay của ông chủ, ông thì thào gọi: "Jacques! Jacques!

JACQUES. - Gì?

ÔNG CHỦ. - Trời sáng rồi.

JACQUES. - Chắc có lẽ.

ÔNG CHỦ. - Dậy thôi.

JACQUES. - Tại sao?

ÔNG CHỦ. - Để đi khỏi đây càng sớm càng tốt.

JACQUES. - Tại sao?

ÔNG CHỦ. - Vì ở đây tệ quá.

JACQUES. - Ai biết được rằng ở chỗ khác thì đỡ tệ hơn?

ÔNG CHỦ. - Jacques?

JACQUES. - Nào, nào, Jacques! Jacques! quỷ quái gì nhà ông thế?

ÔNG CHỦ. - Mi là cái loại quỷ quái gì thế? Jacques, bạn của ta, ta xin mi.


Jacques dụi mắt, ngáp lia lịa, duỗi tay, nhỏm dậy, đủng đỉnh mặc quần áo, đẩy mấy cái giường về chỗ cũ, ra khỏi phòng, đi xuống nhà, ra chuồng ngựa, thắng yên cương lũ ngựa, đánh thức chủ quán hẵng còn đang ngủ, trả tiền, nhưng giữ chìa khóa hai phòng; và vậy là mấy người của chúng ta lên đường.

Ông chủ muốn phóng nhanh đi xa khỏi đó; Jacques thì muốn đi chầm chậm, và vẫn theo đúng phương pháp của anh. Khi họ đã ở khá xa nhà trọ đáng buồn kia, ông chủ, nghe thấy tiếng gì đó vang lên trong túi áo Jacques, mới hỏi là cái gì: Jacques đáp, đó là chìa khóa các phòng.

ÔNG CHỦ. - Thế tại sao không trả chúng?

JACQUES. - Ấy là vì bọn kia sẽ phải phá hai cái cửa; cửa phòng lũ hàng xóm của chúng ta thì mới thoát được khỏi nhà tù, cửa phòng chúng ta nhằm lấy quần áo; vậy thì ta sẽ có nhiều thời gian.

ÔNG CHỦ. - Tốt lắm đấy, Jacques! nhưng tại sao lại phải có nhiều thời gian?

JACQUES. - Tại sao? Làm sao mà con biết được.

ÔNG CHỦ. - Và nếu mi muốn có nhiều thời gian, thì tại sao lại cứ đi đủng đỉnh như vậy?

JACQUES. - Ấy là bởi, vì không biết trên kia được viết những gì, người ta đâu biết cả những gì người ta muốn lẫn những gì người ta làm, và thế là người ta bèn theo phăng te di của người ta, mà người ta gọi là lý trí, thế nhưng mà lý trí của người ta thông thường lại chỉ là một thứ phăng te di nguy hiểm lúc xoay trở tốt, khi thì tệ.

ÔNG CHỦ. - Mi có thể nói cho ta một thằng điên là thế nào, một nhà thông thái là thế nào chăng?

JACQUES. - Sao lại không?... một thằng điên... đợi đã... đó là một người bất hạnh; và do đó một người hạnh phúc là nhà thông thái.

ÔNG CHỦ. - Thế một người hạnh phúc hay bất hạnh là gì?

JACQUES. - Về một loại, thì dễ. Một người hạnh phúc là một người mà hạnh phúc đã được viết sẵn trên kia; và do đó người mà bất hạnh đã được viết sẵn trên kia, là một người bất hạnh.

ÔNG CHỦ. - Thế ai đã viết trên kia hạnh phúc và bất hạnh?

JACQUES. - Thế ai đã làm ra cuộn giấy lớn trên đó mọi điều được viết? Một ông đại úy, bạn ông đại úy của con, sẵn sàng cho đi một đồng écu để biết điều đó; ông ấy, thì ông ấy sẽ chẳng chịu đưa một obole đâu, con cũng không; bởi cái đó thì ích gì cho con đây? Có phải nhờ thế thì con sẽ tránh được cái hố mà con phải ngã xuống gãy cả cổ không?

ÔNG CHỦ. - Ta nghĩ là có.

JACQUES. - Còn con, thì con cho là không; bởi nếu vậy thì sẽ phải có một dòng sai trên cuộn giấy lớn chứa sự thật, chỉ chứa mỗi sự thật, và chứa toàn sự thật. Hẳn là được viết trên cuộn giấy lớn: "Jacques sẽ ngã gãy cổ vào ngày này ngày này", và rồi Jacques không ngã gãy cổ? Ông có hình dung được điều đó là có thể không, dẫu tác giả của cuộn giấy lớn có là ai đi nữa?

ÔNG CHỦ. - Có rất nhiều thứ để nói về điều này...

JACQUES. - Ông đại úy của con nghĩ rằng thận trọng là một giả định, trong đó kinh nghiệm cho chúng ta được nhìn những hoàn cảnh chúng ta rơi vào như là các nguyên nhân của một số kết quả để hy vọng hoặc để mà sợ cho tương lai.

ÔNG CHỦ. - Và mi hiểu được gì đó ở trong đó?

JACQUES. - Chắc cú đi chứ, dần dà con cũng đã quen được với ngôn ngữ của ông ấy. Nhưng, ông ấy bảo, ai có thể tự tán dương là mình có đủ kinh nghiệm đây? Kẻ nào tự phỉnh mình là có lắm kinh nghiệm hơn cả, lại chưa bao giờ từng bị lừa ư? Và rồi, có không một người nào đủ khả năng nhìn nhận thật đúng các hoàn cảnh mà anh ta rời vào? Sự tính toán diễn ra trong óc chúng ta, và sự tính toán đã được quyết trong quyển sổ trên cao, là hai sự tính toán rất khác nhau. Chúng ta dẫn dắt số phận, hay số phận dẫn dắt chúng ta? Biết bao nhiêu dự định được phối hành đầy khôn ngoan đã thất bại, và bao nhiêu nữa sẽ thất bại! Bao nhiêu dự định ngu đần thì lại thành, và bao nhiêu nữa sẽ thành! Đấy là điều mà ông đại úy không ngừng nhắc đi nhắc lại với con, sau khi chiếm được Berg-op-Zoom và Port-Mahon; và ông ấy còn nói thêm rằng sự thận trọng chẳng hề đảm bảo cho chúng ta một thành công tốt đẹp, nhưng nó an ủi chúng ta và khiến chúng ta có cớ thoát khỏi cái tệ hại: vì vậy mà ông ấy ngủ vào hôm trước một trận đánh dưới lều của ông ấy như ở nơi đồn trú và ông ấy lao vào lửa đạn như vào vũ hội. Chính về ông ấy mà ông hoàn toàn có thể kêu lên: "Cái thứ người quỷ quái gì thế này!..."


Họ đang nói đến đó thì nghe thấy, không xa đằng sau lưng, tiếng ồn cùng những tiếng hét; họ ngoái đầu lại, và nom thấy một toán người cầm sào và bồ cào đang chạy bổ về phía họ. Anh sẽ tưởng đó là những kẻ ở quán trọ, quân hầu của bọn họ cùng đám kẻ cướp mà chúng ta đã nhắc tới. Anh sẽ tưởng rằng hồi sáng người ta đã phá cửa phòng chúng do không có chìa khóa, và rằng lũ cướp kia cứ ngỡ hai lữ khách của chúng ta đã phới, mang theo quần áo của chúng. Jacques tưởng vậy, và lẩm bẩm giữa kẽ răng: "Mấy cái chìa khóa đáng nguyền rủa, cũng đáng nguyền rủa luôn phăng te di hay lý trí đã khiến mình cầm chúng theo! Sự thận trọng đáng nguyền rủa! v.v... và v.v..." Anh sẽ tưởng rằng đội quân nhỏ bé kia sẽ lao vào Jacques cùng ông chủ anh ta, rằng sẽ có một hành động đẫm máu, những cú vụt gậy, những phát súng nổ; và sẽ chỉ phụ thuộc vào mỗi mình tôi để toàn bộ chuyện ấy diễn ra; nhưng vĩnh biệt nhé sự thật của câu chuyện, vĩnh biệt nhé chuyện tình của Jacques. Hai lữ khách của chúng ta chẳng hề bị đuổi theo: tôi chẳng hề biết có những chuyện gì tại quán trọ sau khi họ đã đi. Họ cứ tiếp tục trên đường, cứ đi mãi mà chẳng biết là đi đâu, dẫu họ cũng biết tương đối về việc họ muốn đi đâu; vừa đi vừa đánh lừa nỗi buồn chán cùng sự mệt bằng nỗi im lặng và sự chuyện gẫu, như vẫn hay làm vậy, những người đi, và đôi khi cả những người không đi mà chỉ ngồi.

Rất hiển nhiên, tôi đang không viết một cuốn tiểu thuyết, bởi vì tôi lơ là những gì mà một tiểu thuyết gia hẳn sẽ không khỏi dụng đến. Người nào coi những gì tôi viết đây là sự thật có lẽ ít bị nhầm lẫn hơn so với người nào coi đó là chuyện bốc phét.

Lần này ông chủ là người nói trước và khởi đầu bằng điệp khúc quen thuộc: "Thế nào! Jacques, chuyện các mối tình của mi?"

JACQUES. - Tôi không biết đã kể đến đâu rồi. Tôi hay bị ngắt ngang giữa chừng quá, nên chắc giờ tôi kể lại từ đầu.

ÔNG CHỦ. - Không, không. Tỉnh lại sau khi bị ngất ngoài cửa ngôi nhà mái rạ, mi thấy mình đang nằm trên giường, vây quanh là những người sống trong đó.

JACQUES. - Tốt quá! Việc cấp bách hơn cả là phải tìm một ông bác sĩ, và chẳng có mống bác sĩ nào trong bán kính một dặm quanh đó. Ông kia bèn cho một thằng con cưỡi lên lưng ngựa, bảo nó đi tới chỗ gần nhất. Trong lúc đó bà vợ đã hâm nóng rượu, xé một cái sơ mi cũ của chồng; và thế là đầu gối của con được ủ lại, phủ băng gạc và quấn vải xung quanh. Người ta cho vài mẩu đường, giật lấy từ lũ kiến, vào một phần rượu vang đã được dùng để băng bó, và con uống nó; sau đó người ta bảo con kiên nhẫn. Đã muộn, những người đó ngồi vào bàn và ăn. Họ ăn xong. Trong lúc ấy thằng bé không thấy quay lại, và chẳng có ông bác sĩ nào. Ông bố trở nên xấu tính. Đó là một người bản tính hay buồn bực; ông ta dỗi vợ, ông ta không thấy gì đúng ý mình. Ông ta mắng mỏ bắt lũ con đi ngủ. Vợ ông ta ngồi xuống một cái ghế băng và cầm lấy cọc sợi. Còn ông ta thì cứ đi đi lại lại; và trong lúc đi đi lại lại, ông ta kiếm cớ cãi lộn với bà ta suốt. "Nếu bà đi tới cối xay gió đúng như tôi nói, thì..." và ông ta kết thúc câu bằng cách hất đầu về phía giường con.

"Mai đi cũng được.

- Phải đi hôm nay, như tôi đã bảo bà... Thế còn chỗ rơm thừa vẫn còn trên vựa, bà còn chờ gì nữa mà chưa xốc?

- Thì để mai xốc.

- Rơm của ta sắp hết rồi; lẽ ra bà phải xốc hôm nay thì mới được, như tôi đã bảo bà... Còn đống đại mạch sắp hỏng trên gác, tôi cược là bà đã không nghĩ đến chuyện đảo nó.

- Bọn trẻ con đảo rồi.

- Bà phải tự làm chứ. Nếu ở trên gác, thì bà đã không ra ngoài cửa..."

Trong lúc đó một ông bác sĩ tới, rồi thêm một ông thứ hai, rồi lại một ông thứ ba, cùng thằng bé con ở cái nhà mái rạ.

ÔNG CHỦ. - Mi và các ông bác sĩ giống y thánh Roch và đống mũ.

JACQUES. - Ông thứ nhất đi vắng vào lúc thằng bé đến nhà ông ta; nhưng vợ ông ta cho người đi báo với ông thứ hai, còn ông thứ ba thì đi cùng thằng bé. "Kìa! xin chào, các ông đồng hội; các ông cũng ở đây à?" ông thứ nhất nói với hai ông kia... Họ đã nhậm lẹ hết sức, cho nên họ bị nóng, họ lại còn khát. Họ ngồi xuống quanh cái bàn mà khăn trải còn chưa bỏ. Bà vợ xuống dưới hầm, rồi từ đó mang lên một cái chai. Ông chồng lầm bầm rít lên giữa các kẽ răng: "Kìa! bà ta đã làm cái quỷ quái gì ở ngoài cửa thế?" Họ uống, họ nói về các thứ bệnh trong tổng; họ liệt kê những ca chữa của mình. Tôi than thở; họ nói với tôi: "Một lát thôi là chúng tôi xem cho anh." Sau chai đó, họ đòi thêm một chai nữa, tiền tính vào công chữa cho tôi; rồi chai thứ ba, chai thứ tư, vẫn tính vào công chữa cho tôi; và ở mỗi chai, ông chồng lại quay ngược về câu cảm thán đầu tiên: "Kìa! bà ta đã làm cái quỷ quái gì ở ngoài cửa thế?"


Còn có điều gì mà một người nào khác không rút ra từ ba ông bác sĩ ấy, từ cuộc trò chuyện của họ khi tới chai rượu thứ tư, từ hằng ha sa số lần chữa khỏi cho thiên hạ như bằng phép mầu, từ nỗi sốt ruột của Jacques, từ tâm trạng tệ hại của ông chủ nhà, từ lời lẽ của những Esculape đồng quê của chúng ta quanh cái đầu gối của Jacques, về các ý kiến khác nhau của họ, bởi một người bảo Jacques sẽ chết nếu không khẩn trương chặt chân anh đi, một người khác thì lại, cần phải moi viên đạn cùng mẩu quần áo đi cùng vào trong đó, và giữ chân cho con quỷ khốn khổ kia. 


3 comments:

  1. thế Jacques với Ông chủ anh í đang đi đến nhà Ông Godot hay sao

    ReplyDelete
  2. rất có vẻ đây là một cuộn giấy giống như "cuộn giấy" "ở trên kia", tốt như có thể - nên theo lời khuyên của ông tác giả xưng "tôi" - là nó chứa đựng "không có gì ngoài sự thật." vậy cho dễ hơn: chỉ còn một câu hỏi: ai (đang ?) viết trên đó?

    ReplyDelete