cuối cùng thì cũng đến được cặp ấy, sau không biết bao nhiêu cặp khác - các cặp trung gian (chẳng hạn, chẳng hạn và chẳng hạn)
vậy là tiếp tục câu chuyện Flaubert (cũng thực sự bắt đầu luôn câu chuyện Jacques: qua tận mấy trang rồi mới bắt đầu được)
(tiếp tục "Simmel & Scheler" và "no reply")
Lần đầu tiên tôi đọc Bouvard và Pécuchet là năm 2003, trong mùa hè. Kể từ đó, tôi đã đọc lại nó mấy lần: cuốn tiểu thuyết chưa xong hẳn ấy của Flaubert hạp với tôi nhất trong tổng số những gì Flaubert từng viết, nếu không kể những bức thư. Hơn cả Madame Bovary và cũng hơn luôn Giáo dục tình cảm. Bởi vì, bởi vì - a, nhưng tôi cũng chẳng biết vì sao.
Mùa hè năm 2003, tôi hay đi xe đạp. Tôi úp quyển sách lớn in nhiều thứ của Flaubert kẹp vào gióng xe, rồi đạp đi, chỗ nào dừng lâu thì đọc vài trang, tất nhiên chủ yếu là đọc Bouvard et Pécuchet. Một lần, xế chiều, tất nhiên vẫn rất nắng (những ngày ấy, quá mười giờ trời mới bắt đầu tối), tôi đi ngang qua một đoạn phố rộng thì quyển sách xét cho cùng để quá chênh vênh rơi xuống đường: tiếng nó rơi nghe không khác gì tiếng bom nổ. Phải vòng lại lấy: chuyện cũng đơn giản, trong mùa hè, thành phố vắng tanh, sự hoang vắng càng làm cho trời nắng trở nên bồng bềnh hơn; đó là những ngày không cần hút cần sa thì cũng lờ đờ được. Đó là quãng gần Babylone, Mabillon, tôi nhớ chắc chắn là ngay phía trước khách sạn Lutétia.
Hồi đó, tôi đọc trong quyển sách thuộc bộ "Bouquins", nhưng lần này tôi sẽ dùng édition La Pléiade (nếu quyển La Pléiade mà bị rơi như vừa kể thì chắc giờ đã không còn, à nhưng nếu vậy thì cũng chẳng kẹp được vào gióng xe mà mang đi đâu thì đi.
Đấy, mải kể câu chuyện tiếng kêu rất nổ như là rơi bom, suýt thì quên khuấy mất Salammbô (đây thì lại nối vào kia).
Còn đây là Correspondance, volume 1, của édition La Pléiade (mà tôi rất không thích, tôi thích kiếm được đúng bộ mà Vargas Llosa từng nhịn đói để mua hơn: mùa hè năm 2003 ấy mọi thứ đều phơi phới còn vì tôi vừa xong nhiều tháng dài tháng nào cũng phải è cổ trả - trả dần - để mua một bộ sách, tất nhiên không phải bộ Correspondance Flaubert):
(hơi tương tự như khi nghĩ, Stendhal viết các tiểu thuyết chủ yếu là để đảm bảo Nhật ký của mình sẽ không tan biến, tôi cũng hơi cho rằng Flaubert viết các tiểu thuyết chủ yếu để người ta không quên được Thư)
Bouvard và Pécuchet
- Flaubert
I
Vì trời nóng đến 33 độ, đại lộ Bourdon hoàn toàn vắng lặng.
Phía dưới, kênh Saint-Martin, có hai cái đập khóa lại, trải thứ nước màu mực của nó thành đường thẳng. Giữa kênh có một con tàu chở đầy gỗ và trên bờ, hai dãy thùng.
Đi quá con kênh, giữa các ngôi nhà phân tách với nhau bởi những công trường, bầu trời thuần khiết rộng lớn hiện ra thành các khoảng màu da trời và, dưới khúc xạ của mặt trời, những mặt tiền trắng, những mái đá lát, những bờ ke granit sáng chói lên. Có tiếng rì rầm hỗn độn dâng lên xa xa trong bầu không khí ấm nóng, và thảy dường ngây độn ra do nỗi vật vờ ngày Chủ nhật cùng nỗi buồn của những ngày hè.
Hai người đàn ông xuất hiện.
Một từ phía Bastille đi đến, người kia thì từ Jardin des Plantes. Người cao hơn, vận đồ vải thô, bước đi, cái mũ lật về đằng sau, áo gi-lê phanh cúc và cà vạt cầm trên tay. Người thấp hơn, chui tọt vào trong một cái áo rơ đanh gốt màu hạt dẻ, cúi đầu xuống bên dưới một cái mũ cát két lưỡi trai nhọn.
Đi tới đoạn giữa đại lộ, họ ngồi xuống, cùng môt phút, cùng một cái ghế băng.
Để lau mồ hôi trán, họ rút khăn ra, cả hai để khăn xuống bên cạnh; và người thấp nhỏ nom thấy, được viết bên trong cái mũ của người ngồi cạnh: Bouvard; trong khi người kia dễ dàng đọc được bên trong cái cát két của nhân vật vận rơ đanh gốt từ: Pécuchet.
- Kìa, ông ta nói, chúng ta đã có cùng ý tưởng, đó là viết tên vào trong mũ.
- Chúa ơi, đúng, bằng không ở văn phòng người ta dễ lấy mất mũ của tôi!
- Vậy thì giống tôi, tôi là nhân viên.
Rồi họ nhìn nhau.
Ngay lập tức Pécuchet thích mê dáng vẻ thân ái của Bouvard.
Cặp mắt màu xanh nhạt của ông ta, lúc nào cũng nhắm hờ lại, mỉm cười trên khuôn mặt đa sắc.
Giáo dục tình cảm (1, I, II, III)
No comments:
Post a Comment