Vậy là đã đến bản dịch thứ ba của năm nay (thứ nhất, thứ hai - nhất là khi number two đã cho thấy là nó đi được thực sự xa) - well, để xem trong năm sẽ đến được số bao nhiêu.
Đây cũng sẽ là chỗ để nhìn vào một nhân vật: tất nhiên, Miguel de Cervantes Saavedra ("Saavedra" là Cervantes tự thêm vào tên mình), bằng một con mắt khác (ít nhất thì cũng hơi khác). Hoặc cũng có thể nói, lộn ngược lại với cái nhìn chính yếu vào Cervantes của thế kỷ 17.
(tiếp tục "C", "33", "Internet", "ngoài hiệu sách (2)" và "định mệnh Jacques")
Tức là, dẫu mọi sự (đối với chúng ta) có thể lạ đến đâu, hậu thế gần của Cervantes, mà ta sẽ nói là thế kỷ 17 (Cervantes qua đời năm 1616: hãy nhớ cái năm này; vả lại, nó rất dễ nhớ - quá dễ nhớ) cho ngắn gọn và đơn giản, coi trọng truyện ngắn của Cervantes hơn nhiều so với Don Quijote. Thế kỷ 18 (cũng để nói một cách đơn giản và ngắn gọn) mới bắt đầu "phát hiện" Don Quijote.
Don Quijote là best-seller của thế giới ngay khi nó được xuất bản (năm 1605). Giữa phần đầu và phần thứ hai, 10 năm sau đó, của Don Quijote, Cervantes cho in một tập truyện ngắn. Tập truyện gồm hơn mười tác phẩm. Như vậy, tiểu thuyết, truyện ngắn và kịch (như ta đã thấy ở post về Cervantes, "C"): nhưng thế thì vẫn chưa đủ, vì Cervantes có nhiều hơn vậy - tôi sẽ trở lại sau. Và các truyện ngắn ấy cũng lại có số phận rất lớn (Cervantes khẳng định mình là người Tây Ban Nha đầu tiên viết truyện ngắn - và một trong những danh hiệu của Cervantes là "Boccaccio của Tây Ban Nha"). Chính ở đây (ở các truyện ngắn), ta thấy Cervantes là một hình thức Bồ Tùng Linh, như đã nói (nói ở đâu thì tôi quên mất rồi).
(thật may mắn vì ở đây có Jean Cassou - tôi sẽ còn quay lại với Jean Cassou)
Tú tài thủy tinh
- Cervantes
Hai nhà quyền quý đang đi học, một hôm dạo chơi trên bờ sông Tormès, trông thấy nằm ngủ dưới gốc cây một thằng bé khoảng mười hai tuổi, ăn vận như một dân cày; họ bèn bảo người hầu đánh thức nó; thằng bé tỉnh dậy, họ hỏi nó từ đâu đến và nó làm gì, mà lại đi nằm ngủ một mình thế kia. Nó đáp là tên vùng của nó thì nó quên mất rồi và rằng nó tới Salamanque tìm một ông chủ để theo hầu nếu ông chủ đó cho nó phương tiện để học hành. Họ hỏi nó có biết đọc không; nó bảo là có, nó lại còn biết viết.
- Thế thì, một trong hai hiệp sĩ nói, hoàn toàn không phải do trí nhớ kém mà mi quên mất tên vùng của mi.
- Vì một lý do này hay một lý do khác, thằng bé đáp, sẽ chẳng ai biết gì về vùng của tôi, cũng như vùng của cha ông tôi, rằng tôi làm rạng danh cho cả nó lẫn họ.
- Mi nghĩ làm thế nào để khiến họ rạng danh đây? hiệp sĩ còn lại hỏi.
- Bằng cách nhờ học tập mà trở nên nổi tiếng. Bởi tôi đã nghe nói, người ta phong cho nhiều người làm giám mục.
Câu trả lời ấy làm cho hai hiệp sĩ kia nhận lấy nó và mang nó theo: nó sẽ có thể, theo đúng tập quán, theo các lớp ở trường Đại học ấy, nếu trở thành gia nhân. Thằng bé tự nhận tên nó là Thomas Rodaja, cái tên, cùng quần áo mà nó mặc, xui khiến hai ông chủ của nó cho nó chắc là con của một người nhà quê nghèo khó nào đó. Họ cho nó mặc đồ đen và sau đó vài tuần, Thomas cho thấy các dấu hiệu của một trí tuệ hiếm có, phục dịch các ông chủ hết sức trung thành, chỉn chu và nhậm lẹ, tới nỗi, dẫu chẳng hề bỏ bê việc học chút nào, cứ như thể nó chỉ làm độc một việc là phục vụ họ. Vì sự chăm chỉ của thằng hầu chấn động đến lòng từ tâm của ông chủ, Thomas Rodaja đã trở nên, không phải gia nhân cho hai ông chủ của nó nữa, mà là bạn đồng hành của họ. Nói tóm lại, trong vòng tám năm ở với họ, nó trở nên lừng danh tại trường Đại học nhờ trí tuệ và sự khéo léo, đến mức nó được đủ loại người coi trọng và yêu quý. Thứ mà nó học chủ yếu là luật; nhưng địa hạt nó nổi tiếng hơn cả là văn chương thế tục; và trí nhớ của nó tuyệt hảo tới độ gây kinh ngạc rất nhiều; nhưng thêm vào đó nó lại còn biết điều, đặc điểm này cũng không kém phần lừng danh.
Đã đến lúc hai ông chủ của nó học xong và quay trở về vùng của họ, một trong những thành phố tuyệt vời nhất của vùng Andalusia. Họ mang Thomas theo, nó ở lại cùng họ vài hôm. Nhưng vì rất muốn quay lại học, quay lại Salamanque vốn dĩ là chốn bỏ bùa cho ý chí tất cả những ai từng được nếm các khoái thú được ở đó, thành thử phải quay lại đó, nó xin phép hai ông chủ được từ biệt họ. Họ, lịch thiệp và rộng rãi, đồng ý cho nó làm như vậy và cho nó tiền đủ để sống ba năm.
Nó từ giã, cho thấy trong lời lẽ của mình lòng biết ơn, đi ra khỏi Malaga (ấy là tổ quốc của hai ông chủ nó) và trong lúc xuôi theo bờ biển Zambra, trên đường đi Antequera, gặp một nhà quyền quý cưỡi ngựa, ăn mặc rất bảnh bao, theo sau là hai tên hầu cũng cưỡi ngựa. Nó bèn đi cùng họ và biết họ đi cùng đường. Hai bên nhanh chóng trở thành bạn tốt, trò chuyện về nhiều điều và, sau một hồi, Thomas đã có thể cho thấy các dấu hiệu của trí tuệ đặc biệt ở nó, trong khi kỵ sĩ thì tỏ ra hết sức lịch thiệp. Ông là đại úy bộ binh của Hoàng Thượng và lính cầm cờ của ông đang tìm đội lính của ông ở quanh Salamanque. Ông ca ngợi cuộc sống lính tráng, vẽ nên bằng những nét sống động nhất vẻ đẹp của Naples, các khoái thú của Palermo, sự phong nhiêu của Milan, những bữa tiệc ở Lombardie, các bữa ăn thịnh soạn của những tửu điếm; ông miêu tả cho nó dưới khía cạnh êm dịu nhất và chính xác nhất, l'aconcha, ông chủ; tới đây, manigoldo; mang macatela ra cho tôi, li pollastri e li macarroni. Ông tung hô lên tận mây xanh cuộc sống tự do của người lính bên Ý, nhưng không hở lời nào về cái lạnh của lính gác, mối nguy của các cuộc a la xô, nỗi kinh hoảng của những trận đánh, cái đói của các cuộc vây hãm, thảm họa khói đạn cùng những điều khác cùng dạng mà ai cũng tưởng đâu chỉ là một chi tiết thêm nếm vào cuộc sống doanh trại, trong khi chúng tạo nên phần chính yếu cho cuộc sống đó. Rốt cuộc, ông nói hay tới nỗi lý trí Thomas Rodaja của chúng ta bắt đầu lảo đảo và ý chí nó thì khởi sự thấy thích cuộc sống kia, vốn dĩ ở ngay cận kề với cái chết.
Viên đại úy, tên là don Diego de Valdivia, sung sướng trước sự hoạt bát, trí tuệ và sự thong dong của Thomas, bảo nó đi cùng mình sang Ý, dẫu chỉ để thỏa nỗi hiếu kỳ nhìn thấy nơi đó. Ông bảo sẽ chu cấp đồ ăn cho nó và thậm chí, nếu cần, lá cờ của ông, bởi tên lính cầm cờ sẽ sớm phải rời bỏ ông. Ông không cần uốn lưỡi nhiều Thomas đã nhận lời, trong thoáng chốc suy nghĩ và thấy là chắc sẽ tốt nếu thăm thú Ý, Flandres cùng các vùng khác, bởi những chuyến đi xa làm con người ta khôn ra và để thực hiện chúng thì nó có thể dùng cùng lắm dăm bốn năm, mấy năm này, cộng thêm vào số tuổi ít ỏi của nó, sẽ không quá lớn đến mức chẳng bao giờ nó còn quay trở lại đi học được nữa. Và như thể mọi sự đều phải diễn ra theo những ý định cùng mong muốn của nó, nó nói với viên đại úy là mình rất sung sướng được đi theo ông sang Ý, nhưng với điều kiện là nó sẽ không phụng sự dưới lá cờ nào và không bị ghi tên vào danh sách lính nào. Và dẫu viên đại úy đảm bảo với nó rằng nó chẳng phải cam đoan điều gì nếu ghi danh vào một bản danh sách, rằng bằng cách ấy, ngược lại, nó còn được hưởng các giúp đỡ cùng tiền lương mà người ta cấp cho đội lính, và rằng rốt cuộc ông sẽ cho nó được nghỉ mọi lần nào mà nó đòi:
- Như vậy thì sẽ, Thomas đáp, đi ngược lại ý thức của tôi cũng như ngược lại ý thức của đức ông đại úy. Tôi thích được tự do mà đi hơn là bị buộc phải đi.
- Một ý thức nhiều nỗi đắn đo như thế, don Diègue bảo, thuộc một người tôn giáo thì nhiều hơn là một người lính. Nhưng cứ đúng như cậu muốn thôi: giờ chúng ta là chiến hữu rồi.
Ngay tối hôm ấy họ đến Antequera, và sau vài hôm đi cật lực, tới được chỗ đội lính vừa được hình thành và khởi sự tiến về phía Carthagène, cùng bốn đội lính khác hành quân cùng, vào ở các ngôi làng mà bọn họ gặp trên đường. Thomas nhận thấy uy quyền của đám thừa ủy, sự xấu tính của một số viên chỉ huy, nỗi sung sướng của những ai kiếm được chỗ ở, sự thiện xảo cùng các tính toán của đám giữ quỹ, những lời phàn nàn của dân chúng, các trò mua bán, những hỗn xược của lính mới, những cãi cọ của khách ở nhờ, những đòi hỏi quá mức của hành lý, nói tóm lại là nỗi cấp thiết cần phải làm mọi điều gì mà nó thấy là độc ác.
Thomas chuyển sang mặc đồ sặc sỡ, từ bỏ trang phục sinh viên hay, như người ta hay nói, quẳng áo chùng vào đám tầm gai. Đống sách rất nhiều mà nó có, nó thu nhỏ lại chỉ còn một quyển sách lễ Notre-Dame cùng một Garcilaso [một nhà thơ] không kèm bình luận, nhét vào hai túi áo. Họ đến được Carthagène nhanh hơn so với họ muốn từ trước, bởi cuộc sống ăn nhờ ở đậu thì rộng rãi và đa dạng, ngày nào người ta cũng gặp cả nghìn thứ đồ mới mẻ và vui tươi. Ở đó, họ lên bốn con tàu có nô lệ chèo đi Naples, và cũng ở đó Thomas Rodaja nhận thấy cuộc sống lạ thường của các ngôi nhà vùng biển, nơi chủ yếu thời gian phải chịu sự hành hạ của lũ rệp, các thói trộm vặt của đám tù khổ sai, những nỗi khó chịu của bọn thủy thủ, các cuộc tàn phá của chuột cùng các mệt mỏi do biển gây ra. Nó cảm thấy chút e sợ trước những xoáy lốc lớn, đặc biệt là tại Vịnh Sư Tử, nơi bọn họ dính hai lần, một ném họ lên đảo Corse và một kéo họ tới Toulon, bên Pháp. Rốt cuộc, sau nhiều đêm, người ướt đầm đìa và mắt thâm quầng, bọn họ đến được thành phố rất đẹp, tuyệt diệu Genoa và đổ bộ lên bến cảng được bố trí rất khéo léo tránh được gió ấy. Họ đi thăm một nhà thờ, rồi viên đại úy cùng tất tật bạn bè của ông vào một khách sạn, tại đó họ có thể quên đi tất tật những khổ nhọc đã qua và ăn mừng hiện tại bằng các gaudeamus vui tươi.
Họ học cách nhận biết vị ngọt ngào của Trébbian, phẩm hạnh của Montefiascone, sự mạnh mẽ của Asperin, sự hào phóng của hai loại Hy Lạp, Candie và Samos, và độ lớn lao của Cinq-Vignes, sự êm và óng của cô Guarnache, sự thô mộc của cô Centola, mà không ai trong số những lãnh chúa đó dám tỏ ra sự hạ đẳng của Romagne. Ông chủ quán, sau khi liệt kê cho bọn họ ngần ấy thứ rượu khác nhau, rốt cuộc đề nghị sẽ mang ra cho họ, không dùng tới xảo thuật hay các bức tranh, mà rất thực và rất đúng, Madrigal, Coca, Alaejos, và Impériale, cộng thêm Royale Cité, chỗ lui về ẩn náu của thần cười; ông ta mời họ Esquivias, Alanis, Cazalla, Guadalcanal và Membrilla, không bỏ quên Ribadavia và Descargamaria. Rốt cuộc ông ta điểm qua và mang cho họ nhiều thứ rượu hơn so với từng bao giờ các hầm của đích thân Bacchus có được.
Thomas tốt bụng cũng ngây ra mà ngắm những mái tóc vàng của các phụ nữ Genoa cùng sự dễ mến và táo tợn của đám đàn ông, cũng như vẻ đẹp đáng kinh ngạc của thành phố đó, mà các ngôi nhà dường lồng vào trong đá giống kim cương vào với vàng. Rất mau chóng, tất tật các đội lính sẽ đi sang Piémont cũng cập bến. Nhưng Thomas chẳng hề muốn đi nốt chuyến ấy, mà từ đó tới Rome và Naples, theo đường bộ, để sau đó quay về bằng ngả Venice vĩ đại cùng Lorente, đến Milan và Piémont, nơi don Diègue de Valdivia bảo nó là sẽ tìm được mình, trừ phi họ đã bị đưa sang Flandres, như có nhiều lời đồn. Thomas chào tạm biệt viên đại úy sau đó hai ngày, và năm hôm nữa thì đi vào Florence, sau khi đã thăm Lucques, thành phố thì nhỏ nhưng có cấu tạo rất gớm, tại đó người Tây Ban Nha, hơn mọi nơi nào khác trên đất Ý, được nhìn nhận và đón tiếp vô cùng niềm nở. Nó thích Florence hết sức, cả do vị trí dễ chịu của nó lẫn vì sự sạch sẽ ở đây, những tòa nhà lộng lẫy, dòng sông trong mát của nó cùng các phố khả ái của nó. Nó ở lại đó bốn ngày, rồi đi Rome, nữ hoàng của các thành phố và bà chủ của thế giới. Nó thăm những ngôi đền của nó, chiêm ngưỡng các thánh tích của nó, ngưỡng mộ sự kỳ vĩ của nó. Và cũng giống từ những móng vuốt của con sư tử mà người ta biết được về độ dữ tợn cùng các kích cỡ của con thú, nó hiểu ra nguồn rễ sự huy hoàng của Rome nằm ở những khối đá hoa cương, các bức tượng còn đầy đủ hoặc không đầy đủ, các vòm cung gãy cùng khu tắm đổ nát, những cổng cùng các nhà hát tròn tuyệt vời, dòng sông xuất chúng và thiêng lúc nào cũng tắm đẫm hai bên bờ và phú cho chúng vô số thánh tích từ những thân thể người tuẫn đạo đã tìm được trong nước quách liệm cho mình, những cây cầu của nó, chúng dường nhìn nhau cùng các phố của nó, mà chỉ riêng cái tên thôi cũng đã áp đặt uy quyền cho các phố của mọi thành phố trên thế giới: via Appia, Flaminia, Julia, và biết bao via khác nữa. Nó không kém phần ngưỡng mộ những ngọn núi kia phân chia bên trong thành phố: Caelius, Quirinal và Vatican, cùng bốn núi khác nữa mà những cái tên cho thấy ngay sự lớn lao cùng uy nghi La Mã. Nó cũng nhận thấy vẻ kỳ vĩ của Collège các Hồng y, bộ máy trác tuyệt của Pontife Tối cao, sự dồn tụ cùng sự đa dạng của những người và những quốc gia. Nó nhìn thấy mọi điều, ngưỡng mộ mọi thứ, đánh giá chuẩn xác mọi sự. Và sau khi đã đặt chân tới bảy nhà thờ, đã xưng tội cho một người chăn chiên, và hôn chân Đấng Chí thánh, nó quyết định đi khỏi, thấm nhuần Angus Dei cùng các bài kinh lần tràng hạt, để đến Naples, và bởi đang là giữa lúc mùa hè nóng nhất, khi thật nguy hiểm khi đi vào Rome hay từ đó đi ra bằng đường bộ, nó tới Naples bằng đường biển và sự ngưỡng mộ mà nó đã có khi thăm Rome được thêm vào sự ngưỡng mộ thành phố kia gây cho nó, vưu vật của châu Âu, thậm chí của thế giới, theo lời tất cả những ai từng nhìn thấy chốn đó.
Từ đây nó sang Sicile, nơi nó thăm Palerme, rồi đến Messine: Palerme khiến nó được thưởng thức vị trí cùng vẻ đẹp; còn Messine, là bến cảng; và toàn bộ hòn đảo, sự dồi dào: chẳng phải nó được đặt biệt hiệu - và vậy là rất chính xác - vựa lúa của Ý? Nó quay lại Naples và Rome, và từ đó, đến Notre-Dame-de-Lorette, trong ngôi đền thánh tại đó nó không thể phân biệt các tường cao với những tường thấp, vì chúng phủ đầy nạng, khăn liệm, dây xích, vòng sắt, cùm tay, tóc, tượng bán thân bằng sáp, tranh vẽ cùng tranh thờ, các chứng nhận hiển hiện cho thấy vô số ân sủng mà nhiều người từng được nhận từ bàn tay của Chúa, nhờ phúc từ người mẹ thánh thần của Người, nhân vật muốn làm tăng uy quyền của hình ảnh tối thánh của mình bằng hằng hà sa số phép mầu, để thưởng cho lòng tận tụy của những ai trang trí các đồ đẹp kia cho những bức tường trong ngôi nhà của mình. Nó nhìn thấy chính khu nhà cùng căn phòng dành cho ủy sứ cao nhất và quan trọng nhất từng có bao giờ thấy - và chẳng hề được hiểu - các tầng trời cùng tất tật những thiên thần và mọi cư dân của các chốn trú ngụ muôn thuở.
Nó lên tàu ở Ancône, đi đến Venice, cái thành phố, nếu thế giới còn chưa sinh ra được một Colomb, thì hẳn chẳng bao giờ tìm được nơi tương tự: nhờ bầu trời và Hernan Cortez vĩ đại, người chinh mục Mexico lớn lao, để người ta có thể đặt đối lập một dạng đối thủ cho Venice vĩ đại! Hai thành phố lừng danh ấy giống nhau ở các phố của chúng, đều ngập đầy nước: thành phố châu Âu thì tạo niềm ngưỡng mộ cho thế giới cũ, còn thành phố châu Mỹ, nỗi kinh ngạc thế giới mới. Nó thấy sự giàu có của thành phố dường bất tận, thuật trị thị thì khôn ngoan, cách bố trí khiến rất khó phá, sự phong phú bất tận, vùng phụ cận thì xinh tươi, tất tật ở nơi này đều thật xứng với danh tiếng mà nó lan rộng đi khắp chốn, mà còn làm tăng thêm nữa nhờ những gì người ta biết được về cỗ máy trong arsenal lừng danh, ấy là chỗ sản xuất các tàu lớn có nô lệ chèo cùng vô số tàu bè loại khác.
Kẻ hiếu kỳ của chúng ta biết đến, ở Venice, các cuộc đua thuyền và những trò giải trí ngang bằng được với những cái đó của Calypso, bởi chúng khiến nó gần như quên biến dự đồ ban đầu. Nhưng sau khi ở đó được một tháng, nó quay trở lại qua Ferrare, Parma và Plaisance, tới Milan, ổ của Vulcain, đối tượng cho các ước nguyện của vương quốc Pháp, cái thành phố, rốt cuộc, về đó người ta đảm bảo rằng nó có thể hội hành động vào với lời lẽ: sự kỳ vĩ của nó, sự kỳ vĩ ngôi đền của nó, sự phong phú tuyệt diệu mà nó ở hữu ở tất tật các thứ cần thiết cho cuộc sống con người, biến nó trở nên một thành phố huyền hoặc. Từ đó nó đi Asti và đến được nơi đúng vào lúc đội lính của nó đã sẵn sàng chuẩn bị lên đường sang Flandres. Nó được người bạn, tức là viên đại úy, đón tiếp rất nồng nhiệt và đi theo ông tới Anvers, cái thành phố chẳng kém phần đáng kinh ngạc hơn so với những thành phố mà nó đã thấy bên Ý. Nó thăm Gand cùng Bruxelles và thấy rằng cả vùng sắp cầm vũ khí bước vào chiến dịch vào mùa hè sắp tới. Và bởi đã hiện thực hóa được ham muốn dẫn nó đến chỗ nhìn những gì mà nó từng nhìn, nó quyết chí về lại Tây Ban Nha để học nốt, ở Salamanque. Điều này, nó thực hiện luôn, trước nỗi tiếc nuối to lớn của người đồng chí kia, ông bảo nó, khi họ từ biệt nhau, phải báo cho ông biết về sức khỏe của nó, việc nó về đến nơi và về thăng trầm cuộc đời nó. Nó hứa với ông sẽ làm như vậy và, qua ngả Pháp, quay trở về Tây Ban Nha, mà không đến xem Paris, nơi người ta đang đánh nhau. Rốt cuộc nó đã ở Salamanque, tại đó nó được bạn bè mở tiệc mừng để đón và có thể, với sự giúp đỡ của họ, theo đuổi việc họ hành cho đến bậc tú tài luật.
Xảy ra chuyện, vào cùng quãng thời gian ấy, một dame chẳng phải không đã đủ dạn dày tới thành phố. Mọi con chim của chốn ấy vội ùa đến chỗ chim mồi, chẳng còn một học sinh nào chưa tới thăm nàng. Người ta nói với Thomas rằng quý bà đó bảo mình từng đi Ý và Flandre và, để xem mình có quen nàng hay không, anh đến gặp nàng, ngay sau đó nàng đem lòng yêu Thomas. Nhưng anh, chẳng thấy gì ở đó, không muốn quay lại chỗ nàng nữa, nếu chẳng phải do bị ép buộc, những lúc bạn bè lôi kéo anh. Rốt cuộc nàng thổ lộ niềm đam mê của mình và nói sẵn sàng tặng anh hết của cải. Còn anh, vốn dĩ gắn bó với những quyển sách của anh hơn mọi trò giải trí cho qua thời gian khác, chẳng hề đáp lại các ý định của dame ấy, nàng, thấy mình bị hắt hủi, thậm chí, theo như những gì nàng thấy dường như, bị kinh tởm, và nghĩ hẳn mình sẽ không thể, bằng những con đường thông thường, chinh phục được khối đá trơ trơ kia, bèn viện tới các phương cách mà nàng cho là hữu hiệu hơn và thích hợp hơn nhằm được thỏa lòng ước ao. Thế là, theo lời khuyên của một con rồ Mauresque, nàng đưa cho Thomas, chứa trong một quả mộc qua Tolède, những thứ mà người ta gọi là bùa ngải, hí hửng vì sắp bắt được anh phải chiều ý mình, như thể cũng tồn tại nơi thế giới của các loài cây cỏ, những bùa cùng thần chú có khả năng bắt người ta theo ý. Do vậy người ta gọi là hảo độc nữ những gái nào dùng mấy thứ nước hay bùa yêu đó, bởi bọn họ chẳng đưa gì khác ngoài nọc độc, như đã được thí nghiệm chứng minh, ở nhiều dịp đa dạng.
Thomas, bất hạnh thay, ăn quả mộc qua ấy và ngay lập tức khởi sự giậm chân, đập tay như thể bị làm sao ghê lắm và suốt nhiều tiếng đồng hồ không hồi tâm được, sau đó như thể anh trở nên ngây độn, nói ra một thứ ngôn ngữ rối mù và ấp úng, bảo rằng một quả mộc qua mà anh đã ăn đã giết anh và nói tên người đã đưa nó cho anh. Nhà chức trách, biết được sự việc, bèn truy tìm gái gớm ghê kia; nhưng nàng ta, thấy vụ việc không ổn, vội chuồn và chẳng bao giờ còn xuất hiện trở lại nữa.
Thomas nằm liệt giường mất sáu tháng, trong khoảng thời gian ấy anh trở nên khô héo quắt queo và rốt cuộc, như người ta hay nói, chỉ còn da bọc xương. Ngũ quan của anh rối loạn và dẫu có cho anh dùng mọi phương thuốc có thể có, người ta cũng chỉ có thể chữa được sự tàn tật của cơ thể anh, chứ không phải sự tàn tật niệm năng của anh. Anh khỏe mạnh, và bị điên theo lối điên lạ thường nhất mà người ta từng thấy cho tới khi ấy, giữa các chứng điên. Người bất hạnh tưởng mình được làm bằng toàn thủy tinh, và những lúc ai đó lại gần anh, anh liền la hét hoảng sợ, dùng cả nghìn lời và lý lẽ thích hợp cầu xin người ta đừng xáp lại gần mình kẻo làm vỡ, thề rằng thực sự anh không giống những người khác, rằng anh được làm bằng toàn thủy tinh, từ chân lên đến đầu.
Nhằm kéo anh ra khỏi sự tưởng tượng kỳ khôi đó, nhiều người, chẳng buồn để tâm tới những tiếng hét cùng các cầu xin của anh, nhảy xổ vào anh và túm chặt lấy anh, bảo anh nhìn cho rõ, là anh đâu có bị vỡ. Nhưng họ chỉ làm được độc một điều, đó là con người bất hạnh lao mình lăn xuống đất, cùng cả nghìn hú hét, rồi ngất xỉu, và phải mãi bốn tiếng sau mới tỉnh lại được. Lúc đó lại là những cầu xin người ta để cho anh yên, kể từ nay. Anh đòi người ta nói với anh từ xa và như thế thì cứ việc đặt cho anh bao nhiêu câu hỏi tùy thích: anh sẽ trả lời chúng với nhiều khôn ngoan hơn, ở tư cách người thủy tinh chứ không phải người xương thịt; bởi thủy tinh là một vật chất tinh tế và khẽ khàng, và tâm hồn thông qua nó được thực thi với nhiều mau mắn cùng nhiều hiệu quả hơn so với nếu cậy vào cơ thể, thứ vốn dĩ làm nên từ một chất nặng trịch và nhiều mùi trần thế. Ai cũng muốn thử xem anh nói có đúng không, cho nên người ta đặt cho anh nhiều câu hỏi khó, anh trả lời ngay được hết, với một sự sống động tinh thần rất lớn. Những nhà bác học lớn nhất của Đại học cùng các giáo sư y khoa cũng như triết học hết sức sửng sốt khi thấy rằng một chủ thể, có khả năng mắc một chứng điên ngoạn mục đến nỗi nghĩ mình làm bằng thủy tinh, lại có thể chứa một niệm năng lớn tới độ trước mọi câu hỏi anh đều có được lời đáp thích ứng và thiện xảo.
vậy cổ điển làm ra mặt cắt điển hình của các hình thức nhỉ?
ReplyDeletetiếp tục
ReplyDeleteVì muốn được đọc cái kết nên ngóng, tttt không bị anh bỏ dở, nằm chung số phần drawer
ReplyDelete