Dec 20, 2022

Thomas Bernhard ở Việt Nam

thêm một ởVN nữa


Thomas Bernhard xuất hiện trong tiếng Việt, ở đây, là do tôi - ít nhất là một phần không nhỏ.

Ngày đó, tôi được một người đề nghị gặp (tức là không hẳn là gặp, mà xem thế nào) một người thân của người ấy; người đó bỗng dịch sách và người quen của tôi (tức là người thân của người đó) muốn hỏi tôi có in cuốn sách mà người đó đã dịch hay không, etc. etc. Không có gì là bất thường: chuyện này xảy đến với tôi rất nhiều lần. Vì mối quan hệ như vậy, cho nên mặc dù khi xem text có thể thấy ngay rằng đấy là một thứ tầm thường từ bản gốc đến bản dịch, tôi vẫn đồng ý. Thêm một cuốn tiểu thuyết không lớn thì cũng chẳng vấn đề gì; dẫu sao thì nó cũng không quá mức tệ hại. Vừa lúc ấy

có một nhân vật xuất hiện (tức là xuất hiện trở lại), tôi thấy quá tiện vì có thể đẩy luôn công việc biên tập đi. Vậy là xong. (tôi sẽ còn quay trở lại với thời điểm này sau)

Nhưng té ra lại chưa xong hẳn. Người dịch cuốn sách cứ đòi gặp tôi, thì tôi cũng gặp. Đấy là lần duy nhất tôi gặp. Sau này, còn nhiều lời mời gặp nữa nhưng tôi lờ đi - đồng thời tôi cũng nói với người giới thiệu (tức là người thân của người kia) là như thế, tôi đã gặp một lần, tôi thấy tôi đã hoàn thành mọi trách nhiệm (có thể có), còn như gặp thêm - điều này tôi nói rất rõ - thì không, vì gặp nhân vật kia rất chán.

Nhưng cái lần gặp duy nhất ấy lại có hệ quả (thế mới phiền). Đấy là một trong những quả rendez-vous diễn ra như công nông sắp hỏng leo dốc (từ phía tôi: từ phía ngược lại thì có vẻ không như vậy, vì sau còn mấy lần mời tôi); những lúc như thế, phải cào óc theo đúng nghĩa đen để nghĩ ra điều để nói. Vì chẳng biết nói gì, tôi mới hỏi nhân vật là có đọc Thomas Bernhard không. Người đối thoại của tôi cái lần duy nhất ấy ngẩn ra, vì còn chưa bao giờ nghe thấy tên Bernhard.

Rất không ngờ khi quay về nơi thường trú, nhân vật ấy viết mail bảo tôi là tìm đọc rồi, thích lắm. Nếu vậy thôi thì không những chẳng sao, mà còn quá tốt: tôi kiếm thêm được một độc giả cho Bernhard, và đấy là honneur của tôi. Ai dè, không chỉ đọc rồi, thích lắm, nhân vật ấy lại còn nói là muốn dịch Bernhard sang tiếng Việt. Tới đây thì tôi lạnh gáy: tôi đã biết nhân vật ấy dịch một cuốn tiểu thuyết tầm thường như thế nào (trên đây đã nói). Vừa lúc, có một cơ sở xuất bản mới, tôi bèn giới thiệu hai bên với nhau, cho xong chuyện, trong lòng thầm kêu: thôi rồi Bernhard ơi.


Tôi sẽ còn quay trở lại câu chuyện trên đây; đại cương thì chỉ có thế, nhưng nó bao hàm không ít khía cạnh, trong đó một số hẳn rất có ích trong việc nhìn vào đối tượng đang cần nhìn. Vì cần phải nói đến một nhân vật khác nữa.

(Ja, Bernhard; và cũng cả nữa)


Bởi vì, tôi không chỉ là người làm Thomas Bernhard xuất hiện ở Việt Nam. Tôi cũng là người làm Sebald xuất hiện ở đây.

(Ja, Sebald)

Cả lần này nữa (tức là cũng giống chuyện với Bernhard), lại liên quan đến một cơ sở xuất bản mới - vào thời điểm đó. (có liên quan) Cũng không chỉ có vậy: Machado de Assis cũng là do tôi. Vẫn còn nữa, nhưng tôi sẽ không liệt kê.

Điều mà tôi nhận ra (không hề biết trước), là Sebald - cũng như Bernhard - đã rơi vào tay các nhân vật (và những nơi) tuyệt đối không tương thích. Văn chương của Bernhard là văn chương chống bourgeois lớn nhất của cả một thời, thì rơi vào ổ bourgeois Việt Nam. Số phận văn chương Sebald không khá hơn. Nơi làm ra nó là một ổ lớn nouveau riche.


Nhưng tôi cũng thấy, có lẽ phải đúng như vậy. Paradox thì mới đúng được: paradox ở Bernhard, chẳng hạn, phải lớn đến mức không thể tưởng tượng nổi. Từ đó mà đến được với một thứ: Irony. Bởi vì, nếu không có nó (irony) thì đâu có ý nghĩa gì mấy. Thậm chí, nếu thiếu mất irony thì còn chẳng thở nổi.


Chỗ in (mấy quyển) Sebald: sau một thời gian, tôi mới thử nhìn xem. Sau một début không hề tệ, cả quãng thời gian sau đó là cả một phập phù, rơi vào đủ thứ trung bình và tầm thường, gần như chẳng có đầu sách sáng sủa nào, toàn bộ chỉ là sự chạy theo mốt này và mốt nọ.

Điều đó nói lên một sự thật: một phóng viên theo dõi mảng sách vẫn có thể (thậm chí còn chắc chắn) là một người không biết đọc. Sau khi làm phóng viên, trở thành editor, một nhân vật dạng như vậy bắt đầu thể hiện rõ khía cạnh không biết đọc của mình: vì đã có cả một mảnh đất rộng lớn để thể hiện điều đó. Vả lại, hồi nhân vật đó còn làm phóng viên, cứ cuốn sách nào khó (khoai thì đúng hơn), thì lại nhờ tôi viết.

Nơi in Bernhard hoàn toàn tương tự, début giống như một lời hứa lèo.

Nhưng, có vẻ không thể khác được, bởi vì các nhân vật thoát thai từ những chỗ như giới báo chí và những gì liên quan chặt chẽ đến nước ngoài (các NGO, các tổ chức, quỹ văn hóa, etc.) chính là những người ít tương hợp nhất với sách, và với sự đọc.


Những gì sáng sủa (như bọn trẻ con hay nói: phông bạt) lại chính là nơi rất tăm tối.


Quay trở lại với nhân vật dịch Bernhard. Đây là một ca cho thấy nhiều điều nữa. (và không có gì đáng ngạc nhiên, khi nhân vật ấy được chính trang web đang nhắc đến biến thành ngôi sao: trả lời phóng vấn, etc. - một chuyện dường như không thể khác, vì tất tật những tương tự cứ phải hút chặt lấy nhau)

Đây là một trong những người của category trốn ở lại. Tức là những người được hưởng nhiều ân huệ, không hề bị vùi dập gì, chính vì thế cho nên mới được đi nước ngoài (cách đây mấy chục năm, điều đó vô cùng khó), và đã trốn ở lại. Và sau này, khi đã chẳng còn gì để làm nữa, thì bỗng quay sang văn chương, với cả dịch sách.


5 comments:

  1. rất cảm ơn anh về Sebald.

    ReplyDelete
  2. Việc in Lukacs ở nxb khai phóng gì đó e thấy cũng irony hehe

    ReplyDelete
  3. the irony of fate

    ReplyDelete
  4. Những tác giả được anh nghiên cứu tổng kết tác phẩm trong label “ở Việt Nam” bên cạnh cho sự đọc cá nhân (anh) còn cho sự gì nữa không? http://nhilinhblog.blogspot.com/search/label/oVietNam

    ReplyDelete
  5. để nhìn vào sự hiện diện & vắng mặt

    ReplyDelete