Aug 13, 2010

hai mươi tư

Xin phép bác Lâm Tím cho post cái này (tức cái mới nhất) lên sớm vì mục đích làm một cái kỷ niệm nho nhỏ. Đang buồn tình, chim vặn dây cót một cái :p Hic cũng chẳng có gì: hai năm giữ mục đọc sách cho một tờ tạp chí ra hằng tháng. Mục duy nhất của tôi, mọi mục khác đều thất bại, phần lớn là từ trong trứng nước.

Cũng định xếp cho đúng trình tự thời gian nhưng không nổi, chỉ áng chừng thôi, mà lý do chủ yếu là vì tôi lười không ghi lại chính xác thứ tự, còn lý do phụ là mình chưa hề bao giờ nhận được báo biếu cả, nhiều khi chả biết mặt mũi nó ra sao nữa. Cũng như chẳng biết có ai thèm đọc hay không hic.

[trình tự ngược từ dưới lên, khổ thân các bác di chuột thế nào cũng mỏi tay :d]


----------

Hài hước còn lại

Câu chuyện ở hậu cảnh của “Lược sử máy kéo bằng tiếng Ukraina” (Marina Lewycka, Hồ Thanh Ái dịch, Nhã Nam & NXB Lao động) nằm trong số những gì mà các tiểu thuyết gia mơ ước, nếu muốn tác phẩm của mình thật hấp dẫn. Không phải ai cũng có một quá khứ được bảo chứng bằng trải nghiệm cá nhân để có thể tự nhiên mà đưa vào truyện của mình những đại lộ của thủ đô Kiev, đồi Babi Yar đẫm máu, các trại ghê gớm của thời chiến tranh, nguyên soái Voroshilov như một người quen biết của gia đình, rồi một loạt nhân vật kiệt xuất của ngành hàng không Ukraina.

Và, điều này mới thực đáng nói, câu chuyện ở “tiền cảnh”, tuyến truyện chính của “Lược sử máy kéo” đã ghép chung với hậu cảnh lịch sử-chính trị kia bằng những đường ghép nhẵn lì như trên một cái máy bay được sản xuất bằng công nghệ tiên tiến nhất. Đến phần cuối, các chi tiết hợp lại - lựa chọn hết sức thông minh của một tác phẩm viết theo hướng “phân mảnh” - trên một tấm “bản đồ hai chiều”. Tấm bản đồ này vạch ra con đường trở về Ukraina từ nước Anh của bộ ba Valentina-Dubov-Stanislav sau một chuyến nhập cư thất bại, đồng thời vạch theo chiều ngược lại chuyến đi gian khổ ngày trước của gia đình ông kỹ sư già thích lấy vợ trẻ. “Cùng hành trình, khác hướng” là lời giải thích của ông bố cho cô con gái Nadezhda. Chuyến đi tưởng chừng đơn giản của mẹ con Valentina (thông qua kết hôn giả) thất bại trong khi chuyến đi xưa cũ của gia đình ông kỹ sư lại thành công, dù cho khó khăn hơn nhiều lần.

Cuộc trò chuyện ở chương gần cuối này (chương 30, “Hai cuộc hành trình”) đặc biệt ở chỗ đây là lần duy nhất ông kỹ sư thực sự có một cuộc trò chuyện, mà không liên tục cố tình hay vô ý trượt sang bên cạnh chủ đề chính. Khi thuật lại cảnh bị cô vợ vú bự (thật ra là đã qua phẫu thuật nâng đắp) hành hung, ông chỉ chú trọng vào chi tiết vợ ông nói với ông bằng tiếng Nga và chuyển ngay sang phân tích tiếng Nga. Hoặc trong những lần phải bàn bạc về các vấn đề hết sức gay cấn, quan hệ tới bản thân cuộc sống của ông, thì ông hân hoan vì người đối diện có biết về Nietzsche, về Shopenhauer. Cuối đời có lẽ là một giai đoạn kỳ lạ: người ta thôi không còn thực sự sống cuộc đời mình nữa, mà ngắm nhìn nó, đi bên cạnh nó. Bao nhiêu chuyện lùm xùm, khó chịu, đau đớn xảy đến (thậm chí có lần còn bị cô vợ đẩy ngã đập đầu máu chảy lênh láng phải đi cấp cứu), ông kỹ sư già đều như không thực sự cảm nhận thấy. Ông sống trong cuộc đời mình ở một mức độ vừa phải, tối thiểu, và quan tâm nhiều hơn đến cuốn sách ông đang viết, một “lược sử máy kéo”.

Quãng hiện tại lầm lũi tiến lên phía trước, điểm xuyết bởi những kiện tụng, ghen tuông, lừa dối, đe dọa, theo dõi, hòa lẫn với một hành trình đi vào quá khứ, để chỉnh sửa các chi tiết, những đặt cạnh nhau của ký ức cá nhân (chủ yếu của hai chị em gái Vera và Nadezhda, quyết định hòa thuận với nhau, thậm chí còn gặp lại nhau lần đầu tiên từ sau đám tang bà mẹ, để chung lưng trong cuộc tranh đấu chống lại một cuộc hôn nhân mà họ cho là quái gở) khiến quá khứ vừa trở nên chính xác hơn, lại vừa tiết lộ tính chất bất định đáng gờm, gần như không đáng tin, của nó.

Nhưng điều còn lại rõ nhất của “Lược sử máy kéo” hẳn là tinh thần hài hước của nó. Ở đây, như thể có một cuộc bám móc của các chữ cái thuộc hệ ki-rin (tức Cyrillic, sáng tạo của thánh Cyril) trong tiếng Ukraina vào bảng chữ cái Latinh của tiếng Anh, tạo ra những tình huống ngôn từ và tình huống hành động chỉ có thể xuất hiện trong các hoàn cảnh thiếu tính chất đồng nhất như thế này. Một nét hài hước rất Anh: “Nhưng bọn họ đơm đặt những lời đồn kinh khủng về cô ấy. Bọn họ nói cô ấy bán dê và bò của mẹ để lấy tiền chăm chút nhan sắc nhằm quyến rũ đàn ông phương Tây. Bọn họ nói toàn thứ nhảm nhí. Mẹ cô ấy chỉ nuôi gà lợn chứ nào có dê hay bò” có thể nằm cạnh món táo nấu kinh khủng của ông già cô đơn và những điều điên khùng chỉ có thể có trong lịch sử một đất nước như Ukraina.

Người đọc có thể không quan tâm đến lịch sử Ukraina hay lịch sử máy kéo, nhưng còn đọng lại sẽ là một cảm giác dễ chịu về tính chất hài hước được pha chế theo một công thức khéo léo hiếm thấy.

----------

Có cần học giỏi?

Được đề tặng cho “tất cả những ai, mà một ngày nào đó, từng ngồi mơ mộng, một mình, trong góc phòng”, cuốn “Bách khoa thư học sinh lười” viết riêng về “những kẻ phá cách, bậc thiên tài”, đưa ra một ý tưởng không phải thiên tài nhưng cũng không hay gặp: nhìn lại những con người xuất chúng từ nhược điểm của họ, ở đây là nhược điểm hồi còn đi học, vì “Bách khoa thư” này được viết cho trẻ em. Cuốn sách của hai tác giả, Jean-Bernard Pouy và Serge Bloch, dựa trên ý tưởng của Anne Blanchard, in trong tủ sách thiếu niên của nhà xuất bản Gallimard năm 2006, mới được NXB Kim Đồng ấn hành bản tiếng Việt năm 2009 qua bản dịch của Vũ Đức Tâm.

Cuốn sách này rất tự nhiên lôi tuột ta vào những câu chuyện nho nhỏ về các nhân vật chủ chốt đã làm nên lịch sử của chúng ta. Thường thì các tác giả chọn cách thức phổ thông là thuật chuyện, ông ấy là con nhà ai, ông ấy đã làm gì trong đời, ông ấy đã hư hỏng không nghe lời bố mẹ như thế nào, vân vân và vân vân, nhưng cũng có lúc họ đặt lời kể vào miệng nhân vật, để cho Claude Debussy hay Thomas Edison xưng “tôi” và ngay lập tức câu chuyện của họ trở nên đáng tin hơn nhiều. Mục đích chính của cuốn sách có lẽ là làm cho bạn đọc nhỏ tuổi lỡ học không giỏi hiểu ra một điều (cái điều chúng ta người lớn rồi cũng sẽ hiểu) là học hành thì quan trọng thật đấy nhưng học giỏi chưa chắc đã nhất định phải là mục đích cuộc đời trường lớp của chúng ta.

Các bậc cha mẹ chắc cũng không hẳn đồng ý với cách nhìn này, trường lớp bây giờ thì đắt đỏ, mỗi ngày đưa con đi học đưa con về học đã mất bao nhiêu thời gian rồi thì chồng chất khó khăn đời sống, ai chẳng muốn ít nhất cũng mang trong mình niềm hãnh diện là con mình học giỏi (hơn con nhà hàng xóm). Nhưng điều hữu lý ở đây là đâu có thể nào mọi đứa trẻ đều đứng nhất lớp được, cũng như bố mẹ của chúng thôi, đâu có thể nào ai cũng là giám đốc hay luật sư “in house”. Các bố mẹ tìm đến liệu pháp tinh thần chẳng hạn như thiền, yoga hay đi phượt, thì lũ trẻ con cũng nên có một chút an ủi tinh thần như là biết được cái ông nghĩ ra cái định lý vật lý thật là mù mờ kia thực chất hồi nhỏ còn chưa chắc đã giải đúng một bài số học đơn giản. Tinh thần quan trọng hơn vật chất, tương lai quan trọng hơn hiện tại, ít nhất là ở điểm này.

Vì là một “Bách khoa thư” nên cuốn sách có nhiều “mục từ”, mỗi mục từ gồm bốn trang giấy nhiều tranh ảnh, bao quát nhân vật của nhiều ngành nghề, lĩnh vực, từ các nhà bác học (Bell, Einstein, Darwin…), các quân vương tướng lĩnh (Charlemagne, Napoléon…) cho tới văn nghệ sĩ (Balzac, Cézanne, Cocteau…). Họ rất khác nhau, dĩ nhiên, nhưng họ đều không phải là học sinh giỏi. Ngoài những người hồi nhỏ học dốt nổi tiếng như Albert Einstein hay Alexandre Dumas, khi đọc bộ “Bách khoa thư” này ta sẽ hào hứng mà phát hiện còn khối người cứ tưởng học giỏi lắm hóa ra cũng rất tệ.

Khi học đại học Edinburg, Darwin “không chịu được các cuộc giải phẫu cơ thể để nghiên cứu các bộ phận bên trong, cái đó làm cậu kinh tởm”, nhưng “về sau này cậu hối hận vì không chịu nỗ lực”. Darwin vẽ rất kém nên có kết quả không thể tồi hơn ở môn giải phẫu là môn đòi hỏi sinh viên phải vẽ chi tiết các bộ phận cơ thể con người. Bù vào đó Darwin thời tuổi trẻ biết nhồi rơm các con thú đã chết. Nhạc sĩ thiên tài Debussy thì “chả đi học bao giờ và suốt đời toàn mắc lỗi ngữ pháp”. Thật là buồn khi đọc thấy Edison hồi tám, chín tuổi đã “khóc lóc trở về nhà vì một thầy giáo mắng tôi là kẻ hay ngọ nguậy và làm mất trật tự”.

Cũng cần để ý rằng tâm lý chung của con người là khi về già nhìn lại cuộc đời người ta hay có khuynh hướng nhấn mạnh vào những gì không dễ dàng từng phải đối mặt (khía cạnh tô hồng của hồi ký, tiểu sử bắt nguồn từ nơi đây và từ nhiều nơi khác); cứ nghe các vĩ nhân nói thì họ chẳng bao giờ bẩm sinh mà khá cả, toàn phải nỗ lực rất ghê gớm. Vả lại, đặt giả định theo chiều ngược lại, ta cũng nên hiểu rằng nếu hồi nhỏ các vĩ nhân chịu học hành hơn thì biết đâu thế giới đã có máy bay từ hồi Leonardo da Vinci và Einstein đã hiểu ra từ sớm rằng năng lượng nguyên tử là một thứ rất nguy hiểm.

----------

Oscar Wao: ngắn ngủi và lạ kỳ

Những đổi thay vô vàn của thế giới khúc xạ vào văn chương của ngày hôm nay như thế nào? Mấy quyển tiểu thuyết xuất chúng nhất của một thế hệ nhà văn mới dường như đang tìm cách tiết lộ cái điều quan yếu này, dù là theo một cách thức vô cùng khó nắm bắt. “Cuộc đời ngắn ngủi và lạ kỳ của Oscar Wao” (Junot Diáz, Nguyễn Thị Hải Hà dịch, Youbooks & NXB Văn hóa Sài Gòn) mang một cái nhan đề có tính cách hiện tượng: dòng văn chương này “ngắn ngủi” và “lạ kỳ”.

Xếp cùng “Oscar Wao”, cuốn tiểu thuyết về các nhân vật Cộng hòa Dominic sống tại Mỹ, có thể kể vài ba tác phẩm cùng được viết ra bởi các nhà văn tương đối cùng thế hệ với Diáz, và tất cả đều thành công vang dội: “Cọp trắng” của Aravind Adiga, “Cộng hòa phi lý” của Gary Shteyngart và tiểu thuyết còn chưa được dịch ra tiếng Việt có tên “Everything Is Illuminated” của Jonathan Safran Foer. “Cọp trắng” từng nhận giải thưởng Booker danh giá, “Oscar Wao” thì gánh trên vai giải Pulitzer không hề thua kém về uy tín, còn “Cộng hòa phi lý” lẫn “Everything Is Illuminated” đều là những sản phẩm giành được cả thắng lợi về phê bình lẫn thắng lợi về doanh thu.

Bốn cuốn tiểu thuyết trên rất giống nhau, chúng gợi lên một tâm thức chung, mà trước hết là một hoàn cảnh của sự cọ xát vừa quyết liệt vừa dai dẳng về văn hóa và gốc tích con người. Ngoài “Cọp trắng” không thật rõ về hành trình truy tìm nguồn gốc, “Everything Is Illuminated” là một cuộc truy vấn gốc gác Ukraine của nhân vật chính, còn “Cộng hòa phi lý” và “Oscar Wao” đều miêu tả sự đụng độ giữa một nền văn hóa khác và nền văn hóa Mỹ: nước Nga trong “Cộng hòa phi lý” và Cộng hòa Dominic trong “Oscar Wao”.

Cả bốn tiểu thuyết đều rất kỳ khôi, với các nhân vật chính đậm đặc tính “grotesque”, rất nhiều đoạn như thể phình to, trào ra khỏi sự tao nhã văn chương để chui rúc vào những xó xỉnh xấu xí, hôi thối. Những nhân vật rất béo, rất xấu (trong “Cộng hòa phi lý” và trong “Oscar Wao”) thi đua về độ thô kệch với nhân vật rất ác, rất mưu mô (trong “Cọp trắng”), về bản chất là một tên tội phạm không biết đến ăn năn hối hận. Những tiểu thuyết này đều cố làm ra vẻ vui tươi, rất nhiều tiếng cười, những mẩu chuyện hài lắm lúc cũng có duyên, nhưng về bản chất chúng đều buồn nẫu ruột, đều lấy cái cười nhếch mép và sự mỉa mai chua cay vụng về trét lên trên sự nhàm chán kinh người của kiếp sống, đặc biệt lại thường là những kiếp sống lạc lõng co cứng. Các chàng Borat lặc lè đi qua trước đám đông độc giả mong gây cười, nhưng những người đa cảm thậm chí còn có thể khóc trước cảnh tượng ấy.

Dường như có một “nhu cầu thời đại” đối với kiểu văn chương “phì nộn” như thế này, một thứ văn chương hòa trộn lịch sử và hiện đại, nối liền những đứt đoạn và chia cắt về địa lý cũng như thời gian trên một mặt phẳng rất không đồng nhất về chất liệu. Như thể tồn tại nỗ lực của văn chương một thế hệ nhà văn mới tìm cách nắm bắt thực tại của di cư, thể hiện một cách thức khác hẳn so với những nhà văn lớp trước cũng đã đào xới không ngừng thân phận và tình thế nhập cư.

Junot Diáz và các nhà văn cùng thế hệ đã khác Saul Bellow, Isaac Singer, Wladimir Nabokov hay Witold Gombrowicz lắm rồi. Không còn là một ý hướng áp đặt những cái nhìn thiên tài rọi xuống cái trải nghiệm vừa phấn khích vừa đau lòng của sự rời bỏ quê hương, mà dường như ngay từ đầu sự quy thuận với các nhà văn trẻ đã là một đặc điểm chung, và họ cứ loay hoay với các câu hỏi về gốc gác như chơi nghịch với mấy câu hỏi tu từ. Nếu vị thánh văn chương bảo trợ các nhà văn thế hệ trước là Cervantes, giúp họ sản sinh ra các Don Kihote kiêu hãnh dấn thân vào thế giới lạ lẫm, thì hẳn vị thánh mới lại là Gogol, nhà văn của nghịch dị và kỳ quặc; các nhà văn như Junot Diáz, nhất là Shteyngart, bước ra từ cái bóng của nhà văn Nga xa xôi.

Cái nhìn của các nhà văn này “pop” hơn nhiều, mất đi rất nhiều tính chất thượng lưu, kiêu hãnh, nhưng lại đặc biệt vượt trội về mức độ “cay đắng cụ thể”, cũng như những gì trực tiếp động chạm tới cơ thể con người, cơ thể của mỗi cá nhân ở vào cái hoàn cảnh trớ trêu của thiên đường không tưởng về đa chủng tộc và đa văn hóa.

Và một đặc điểm cuối cùng: cả mấy cuốn tiểu thuyết này đều xuất chúng về mặt văn chương ở đoạn đầu, rồi nhanh chóng đuối hẳn đi ở những đoạn sau, chúng “kỳ lạ”, nhưng “ngắn ngủi”.

----------

Lớn của sự nhỏ

Nếu có một nhà văn hiện còn sống xứng đáng được xếp vào thứ hạng những nhà văn tuyệt vời cho trẻ em, những nhà văn viết cho trẻ em nhưng là nhà văn lớn, thì tôi sẽ kể tên Marie-Aude Murail. Một cái tên chắc hẳn chưa hề quen thuộc với độc giả Việt Nam, nhưng chắc chắn sau này sẽ xuất hiện bên cạnh những Lewis Carroll, Astrid Lindgren, Francis Burnett hay… Beatrix Potter.

Năm 2008, Murail bất ngờ cho xuất bản cuốn tiểu thuyết trẻ em rất dày mang tên “Miss Charity” lấy cảm hứng từ cuộc đời Beatrix Potter, nhà văn nữ người Anh sống vào nửa cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, tác giả bộ truyện vô cùng thành công đương thời, về “Peter Rabbit”. Cuốn tiểu thuyết-tiểu sử của Murail ngay lập tức làm người ta quên đi độ dày bất thường của một cuốn sách thiếu nhi, cũng như làm người ta thấy bớt ngột ngạt vì tính chất thương mại đáng nể và đáng gờm của các tập “Harry Potter”, để rơi thẳng vào thế giới tuổi thơ của một cô bé gái sống giữa thiên nhiên ngập tràn. Thực vậy, thành công ngột ngạt của “Harry Potter” khiến rất nhiều người nuối tiếc những câu chuyện về con thỏ tai dài, con chó mũi bẩn, đứa trẻ nhà quê bình thường, những “Khu vườn bí ẩn”, “Gió qua rặng liễu”, “Cánh buồm đỏ thắm”, hay thậm chí là chú bé đánh giày “Ti-co-lo” ở Việt Nam. Có rất nhiều ngả đường để đến với người đọc trẻ em, không nhất thiết phải là những cô cậu phù thủy biết múa đũa thần và còn biết hôn nhau. Cũng là người Anh như Potter, nhưng hiện thân của Beatrix trong “Miss Charity” thực sự sinh động, mà không cần tới phép màu hay những trận chiến thiện ác bóng tối ánh sáng rất ly kỳ. Cái mũ phủ thủy của Harry Potter có cái chóp quá nhọn và vành mũ thít quá chặt vào đầu.

Tác phẩm ra mắt độc giả Việt Nam của Marie-Aude Murail (sinh năm 1954) là “Oh boy!” (Trần Anh Thư dịch, Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn). Câu chuyện cuốn hút đặc biệt này đề cập một loạt vấn đề lớn: trẻ mồ côi, chiến đấu với bệnh tật, và nhất là thái độ đối xử với người đồng tính trong xã hội. Thế nhưng nó vẫn đặc thù là một cuốn sách thiếu nhi, nghĩa là cách suy nghĩ, lập luận của các nhân vật trong “Oh boy”, tức là mấy anh em nhà Morlevent, đều đúng là của trẻ con, không bị uốn nắn, áp đặt, không dạy dỗ, không thông điệp lộ liễu. “Miễn sao nó vừa ngu ngốc vừa xinh đẹp để thực sự may mắn là được!”, những câu nói đơn giản như vậy xuất hiện rất nhiều và rất đúng thời điểm trong “Oh boy!”.

Ba anh em nhà Morlevent, Siméon, Morgane và Venise một hôm bỗng mất hết bố mẹ. Mô típ rất quen thuộc trong truyện cổ tích và truyện thiếu nhi. Nhưng diễn tiến sau đó của câu chuyện “Oh boy!” thì thực sự đặc biệt, khi xuất hiện nhân viên bảo trợ xã hội, rồi thẩm phán chuyên phụ trách các vấn đề trẻ em, nhất là khi người anh nửa dòng máu Barthélemy (tức Bart) của ba đứa trẻ kia.

Theo lời tâm sự của Murail, một tác giả “năng suất” đến đặc biệt, “Oh boy!” được viết ra với một tinh thần tranh đấu rất lớn trong nhiều khía cạnh xã hội. Điều này khiến Murail gần với Lindgren, người bỏ cả đời chiến đấu cho một sự nghiệp: sự nghiệp vì con người, bằng một công cụ hiếm người nghĩ tới, là văn học thiếu nhi. Murail, cựu sinh viên văn khoa đại học Sorbonne, là tác giả của hàng chục, thậm chí hàng trăm tác phẩm đủ loại, các tác phẩm vô cùng đa dạng.

Chắc hẳn bạn sẽ nhớ rất lâu cái câu đầu lưỡi “Oh boy!” của anh chàng đồng tính trong truyện, và cũng sẽ nhớ rất lâu cái cách tinh tế mà Murail miêu tả thế giới trẻ con, ba anh em nhà Morlevent và không chỉ ba anh em nhà Morlevent.

----------

Sắp xếp cuộc đời

Các nhà văn tự sát, Stefan Zweig, Ernest Hemingway, Arthur Koestler hay Wladimir Maiakovsky, khi thực hiện hành động tối hậu của cuộc đời mình, ai cũng hiểu là họ biểu hiện niềm tuyệt vọng và nỗi chán chường không thể vượt qua, trước một yếu tố của cuộc đời hay toàn bộ cuộc đời nói chung. Nhưng, với tư cách những con người sáng tạo và quyết định cuộc đời của những người khác, của các nhân vật hư cấu, họ cũng mơ hồ biểu đạt ý muốn không để lại quyền quyết định số phận của họ cho một đấng toàn năng nào đó. Họ dàn xếp cuộc đời mình, đặt một dấu chấm hết đầy kịch tính và ý nghĩa cho tác phẩm-cuộc đời họ.

Khi lấy tên Émile Ajar để viết truyện, Romain Gary, tác giả “Lời hứa lúc bình minh”, cũng đã hoàn thành một phần chặng đường đổ dốc xuống tuyệt cùng. Sự việc bốn tác phẩm viết bằng tên mới, một nhân dạng mới, một căn cước mới, thành công tuyệt đối như thể chỉ làm cho cuộc đổ dốc ấy diễn ra mau chóng hơn nữa. Bốn tác phẩm (“Gros Câlin”, “Cuộc sống ở trước mặt”, “Pseudo” và “Nỗi hoang mang của vua Salomon”) nổi như cồn và văn đàn Pháp náo nhiệt vì vừa tìm ra một nhà văn “mới” thiên tài càng khiến cho cái tuổi chớm già của Romain Gary thêm nhuốm mùi cay đắng.

Và thật trớ trêu, trong mấy tác phẩm này lại đầy hy vọng, đầy hoài bão lớn lao, và đầy tuổi trẻ. Ít nhất là nếu chỉ nhìn qua bề mặt câu chuyện và văn phong của chúng. Hai lần liền Romain Gary sử dụng đề tài tình yêu bất khả giữa một chàng thiếu niên hoặc một chàng trai trẻ và một người đàn bà sắp bước qua ngưỡng cửa cái chết, ở “Cuộc sống ở trước mặt” (Hồ Thanh Vân dịch, Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn) và “Nỗi hoang mang của vua Salomon”. Nỗi sống như bất chợt cuộn lên không gì ngăn cản nổi khi nỗi chết đã gần kề hơn bao giờ hết. “Con kỳ nhông Romain Gary”, như sau này người ta sẽ gọi tên ông, bày ra thêm một nghịch lý nữa cho hậu thế, sau khi đã đủ tuyệt vọng vì tài năng lớn lao của ông không được nhìn ra, không được công nhận trong khi ông còn sống.

Rất có thể toàn bộ những điều trên đây khiến cho Romain Gary thực hiện một cử chỉ không thể mỉa mai hơn đối với cuộc đời, nhất là với bầu khí quyển văn chương Pháp khi ấy với ông đang hết sức bất công với tài năng chân chính. Ông đã quyết định dàn xếp để trở thành một nhà văn hiếm hoi được tận mắt chứng kiến thành công sau khi chết của mình. Nhờ đến một đứa cháu tên là Paul Pavlowitch, Gary tạo dựng cả một màn kịch về căn cước, bắt người ta phải chấp nhận Émile Ajar. Sau cái chết của ông, ngay khi Pavlowitch quyết định thú nhận sự thật, rằng anh ta chỉ được Gary mượn tên, tờ “L’Express” liền đăng di cảo mang tên “Cuộc đời và cái chết của Émile Ajar” nơi Gary buồn bã cho biết rất nhiều thứ xuất hiện trong “Cuộc sống ở trước mặt” đã từng có trong những tác phẩm ông viết trước đây, ký tên thật, nhưng không một ai nhận ra.

Trong đời mình, Romain Gary đã không ít lần dùng tên giả viết truyện, cũng như đã từng mượn tên người khác. Cuốn sách dưới dạng những cuộc trò chuyện mang tên “Đêm sẽ bình yên” (“La Nuit sera calme”) chỉ có một tác giả là Gary chứ không hề có người đối thoại nào khác; đơn giản là người bạn thời thơ ấu ở Nice, François Bondy, đã đồng ý để tên mình lên bìa sách để Gary có thể chế tạo, nhào nặn đời mình tùy thích mà vẫn không làm mất đi tính chất khách quan.

Đoạn cuối “Cuộc sống ở trước mặt” kể là chú bé Momo không chấp nhận sự kiện Madame Rosa đã chết; chú vẫn ngày đêm tô màu lên khuôn mặt đang phân hủy của bà, chú vẫn bướng bỉnh phản kháng lại cuộc đời, như thể chỉ ý chí non trẻ của chú là đủ để ngăn cản một điều mà chú coi là bất công. Sự bướng bỉnh của Romain Gary cũng có tầm vóc và đối tượng như thế, Gary cũng không nhất trí với sự an bài của cuộc đời. Chỉ có điều, so với Momo của “Cuộc sống ở trước mặt”, việc Romain Gary tự bắn một viên đạn vào đầu là hành động mang ý thức đầy đủ của một “người-kỳ nhông” đã trưởng thành.

----------

Mất bóng

Đánh mất đi cái bóng của mình là một việc rất nghiêm trọng. Lịch sử văn chương đã chứng kiến rất nhiều bận các nhà văn nhà thơ miêu tả cái bóng, thậm chí còn đi đến mức bàn luận, chơi đùa, uống rượu với bóng (Lý Bạch); Nhất Linh trong bài thơ mà ông gọi là đầu tay đã viết: “Con thuyền đè sóng tênh tênh vượt/Chiếc bóng sau người lướt thướt theo”. Cũng thỉnh thoảng có người chột dạ: nhỡ ra cái bóng bị mất đi thì sao? Haruki Murakami trong “Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới” (Lê Quang dịch, Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn) là một trong số ấy.

Còn trước Murakami, nếu muốn kể tên tác phẩm kinh điển về chủ đề này thì nhất thiết không thể bỏ qua cái tên Peter Schlemihl. Nhan đề đầy đủ của cuốn sách là “Câu chuyện huyền hoặc của Peter Schlemihl hay Người đã bán đi cái bóng của mình” của nhà văn người Đức gốc Pháp Adelbert von Chamisso. Viết năm 1814, cuốn truyện mỏng manh được coi như là một trong những thành tựu đặc sắc nhất của sơ kỳ chủ nghĩa lãng mạn châu Âu. Ở Việt Nam, tác phẩm này tồn tại dưới dạng một bản dịch ngày nay ít người biết đến, “Người mất bóng” (Cô Lữ dịch, Nguyệt Quế xuất bản, 1973).

Peter Schlemihl, câu chuyện về nhân vật này sau được bạn đọc nhỏ tuổi rất ưa chuộng, là một chàng trai trẻ nghèo khó, vì tham một thứ đồ rất quý mang tên cái túi Fortunatus (bản Việt ngữ dịch thành “chiếc túi của thần tài”) nên đã bằng lòng đổi cái bóng của mình cho một gã đàn ông bí ẩn. Kể từ đó, cơn ác mộng bắt đầu: tuy rất giàu nhưng Peter Schlemihl bị cả thế giới khinh rẻ. Khi gặp lại gã đàn ông kia, bị gạ đổi linh hồn để lấy lại bóng, Peter Schlemihl đã từ chối rồi vứt túi tiền đi, sau đó chu du khắp nơi và tập trung nghiên cứu khoa học, tìm thấy sự thanh thản nội tâm.

Nhân vật chính của Haruki Murakami ở “Xứ sở diệu kỳ tàn bạo…” cũng rơi vào hoàn cảnh oái oăm ấy, và cũng không sung sướng gì hơn Peter Schlemihl. Đó là chuyện xảy tới với vị “toán sư” ở một nơi chốn mang tên “tận cùng thế giới” do chính tiềm thức của anh ta tạo ra.

Nhưng Murakami đã rất khác với Chamisso: câu chuyện của nhà văn Nhật Bản không hướng tới một mục đích đạo đức, mà lợi dụng hình thức khoa học viễn tưởng để trình bày một cái nhìn có thể gọi tên là kỳ quặc: tiến về phía tận thế nhưng không chút bi quan, đối diện với cái tàn khốc của thiên nhiên và trí tuệ nhưng không mất đi sự tươi tắn trong giọng văn, và nhất là cận kề với cái chết nhưng lại gần như là tận hưởng nó.

Và thêm một lần nữa, ta có thể thấy Murakami thành thạo kỹ thuật phân đôi tiểu thuyết đến thế nào, bởi đây lại là một cuốn sách nữa có hai tuyến truyện riêng biệt (giống như ở “Biên niên ký chim vặn dây cót” hay “Kafka bên bờ biển”). Ở Murakami, người sử dụng ẩn dụ nhiều và với một cách thức thản nhiên tới mức đôi khi ta tự hỏi không biết với ông khái niệm “ẩn dụ” có cùng trị số với định nghĩa tu từ học và với các nhà văn khác hay không, một cấu trúc tiểu thuyết như vậy cũng có thể coi là một gợi ý về ẩn dụ: trong bất kỳ cuốn sách nào dùng dạng cấu trúc này, Murakami cũng triệt để khai thác chủ đề một con người cá nhân đơn độc đối diện với thế giới, tìm cách thoát ra khỏi thế giới để quan sát từ bên ngoài. Cái lạ của tiểu thuyết Murakami là một hành trình như vậy lại không bao giờ có màu sắc của chán chường, bi thảm.

Cuốn tiểu thuyết viết năm 1985 này của Murakami vẫn còn rất nhiều sự duyên dáng, điệu đà của một nhà văn mới cầm bút chưa lâu, nhưng đã có rất rõ tài năng của ông trong việc miêu tả sự kỳ quặc, điên rồ một cách tỉ mỉ và rốt cuộc, đầy bất ngờ, biến những điều kỳ quặc, điên rồ thành một cái gì đó thật nhẹ nhõm, cũng như trong việc để cho nhân vật phát biểu ra những điều lẽ ra phải rất phức tạp bằng một sự phảng phất như những giấc mơ đòi hỏi được siêu thoát nơi thành phố chốn tận cùng thế giới: “Muốn nói gì thì nói, bóng là cái ở gần người ta nhất” (tr. 481, lời viên đại tá nói với nhân vật chính).

----------

Lưng của đàn ông

Làm thế nào để viết văn hay thì khó trả lời, ngay đến các đại văn hào vấp phải công án này cũng phải trợn mắt vê râu rồi lững lờ lỉnh mất, chứ câu hỏi làm thế nào để viết văn như Nguyễn Việt Hà thì cũng mơ hồ khó, nhưng tuyệt đối không phải là một trọn vẹn bất khả tư nghị.

Sở dĩ có đề tài hóc hiểm như thế này là bởi mới gần đây vào một buổi trưa Hà Nội mưa xuân phơi phới bay tôi bị hai đồng nghiệp bất thần đồng loạt tặng sách. Nguyễn Việt Hà và Phạm Thị là hai cái tên xuất hiện nhiều nhất trên tờ DAN ONG (nhân viên ngân hàng thường e lệ hỏi phải chăng đây là tờ báo của hội người nuôi ong Việt Nam), chỉ sau mấy ôtô sedan và dăm anh chàng ngực nhô bụng múi túi lắm tiền phiền một nỗi chỉ xem tranh. Hai kẻ dại dột ấy tặng sách cho tôi, cũng là một “chroniqueur” chuyên thiếu đề tài. Xóm báo chí ít tiêu thụ listerine ở nước ta đồn rằng Nguyễn Việt Hà khi bí đề tài sẽ chép lại một bài viết cũ nhưng đảo ngược thứ tự các dòng, còn Phạm Thị nếu không biết viết gì cho số tới sẽ đọc ba lần toàn bộ các trang tư vấn tâm lý của mười tờ báo có tia ra lớn nhất của Hà Nội.

Cuốn sách của Nguyễn Việt Hà mang tên “Đàn bà uống rượu”, NXB Văn học, còn tác phẩm của Phạm Thị thì đanh thép hơn: “Một nửa”, Phương Đông & NXB Lao động. Vậy là đã đủ đề tài cho hai số của chuyên mục “Đọc” (hihihi).

Quay trở lại với đối tượng Nguyễn Việt Hà: dù là “mãi không tới núi” nhưng “cố rồi sẽ nhớ”, nguyên tắc thứ nhất để viết giống Nguyễn Việt Hà là đẩy hết tính từ và trạng từ lên phía trước làm tiền đạo, để chúng thoải mái ghi bàn trong tâm hồn người đọc: đừng nói “đức tin chân thành” mà hãy nói “chân thành đức tin” (Tin ở đức tin, tr. 165). Tập “Đàn bà uống rượu” này, hay các tập sách khác của Nguyễn Việt Hà, đều kinh hoàng dày đặc tiền đạo trong một chiến thuật kamikaze mà theo ngôn ngữ vỉa hè Hà Nội là “một đập ăn ngay”: “nông nổi bật xi nhan trái rồi hồn nhiên rẽ phải” (Tuyệt vọng tiểu thư, tr. 5); “Chân hoa hậu không những phải mịn màng thon mà bắt buộc phải dài” (Chân hoa hậu, tr. 16); “hoặc hát tốp ca hoặc hát đơn ca đều hùng hồn hoành tráng” (Người đàn ông hát, tr. 80).

Nguyên tắc thứ hai: sau khi đã tổng lực tấn công, nếu đối tượng vẫn còn thoi thóp thở, hãy dồn sức cắm một nhát dao kết liễu. Vấn đề cần tập trung cao độ ở đây là công tác điều khí. Muốn như vậy thì đan điền không bao giờ được lỏng, cho nên nhất thiết buộc phải liên tục tráng ruột bằng rượu. Làm được như thế mới có thể tung những câu kết như sau: “Đã thế, rất nhiều nàng lại còn thanh thản ngáy” (Tuyệt vọng tiểu thư, tr. 9).

Nhưng chưa hết, đòn thế trong cao thủ công phu không chỉ cốt ở hiệu quả, mà còn phải đẹp. Không đẹp thì đi chơi sumo cho rồi, mất công đọc chưởng tàu làm chi. Nguyễn Việt Hà giải quyết chuyện đẹp bằng một chiêu na ná sự vô chiêu trong chưởng Kim Dung: chẳng làm gì cả. Trong khi chờ tới thời điểm thích hợp để tung chiêu độc, chàng chép sách, mà nhiều nhất là chép từ điển. Hàng xóm nhà Nguyễn Việt Hà cho biết sáng sớm nào nhà văn của chúng ta cũng đứng ở cửa sổ sang sảng đọc thuộc lòng hai trang từ điển bất kỳ, để khi cần là cứ tự nhiên rút ra như rút đồ trong túi. Ví dụ kinh điển: “chân là một bộ phận thân thể dùng để đi, đứng, chạy, hoặc là phần ở dưới cuối cùng của vật gì để giữ vật ấy cho khỏi ngã”.

Công cuộc vạch lưng tác giả “Mặt của đàn ông” xin dừng ở đây, vì đã đủ cho một công thức. Ghi chú cuối cùng: chiêu thức mới là một phần, nội công mới là yếu tố quan trọng. Trong rất nhiều năm, Nguyễn Việt Hà chung thân tự làm cuộc đi đày ở thư viện quốc gia Việt Nam, ngồi nhiều đến mức để lại cái bóng vĩnh viễn in trên tường. Cái bóng có dáng vẻ rất lạ, nhìn kỹ thì phảng phất có hình chữ SÁCH.

----------

Tự đặt tên cho mình

Chúng ta thử đọc đoạn văn sau đây trong cuốn tiểu thuyết rất đặc biệt mang tên “Lời hứa lúc bình minh” (của Romain Gary, Nguyễn Duy Bình dịch, Nhã Nam & NXB Văn học): “Mãi sau này, khi lần đầu tôi nghe tên Tướng de Gaulle trên đài phát thanh, lúc ông đọc lời kêu gọi lừng danh của mình, phản ứng trước tiên của tôi là tức giận bởi tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện lấy cái tên đẹp đẽ này mười lăm năm trước đó: Charles de Gaulle, cái tên hẳn sẽ làm mẹ tôi vừa lòng” (tr. 35). Đoạn văn này, ngoài việc nhắc tới de Gaulle là nhân vật có ý nghĩa quan trọng trong đời nhân vật chính, còn “định giọng” cho cả cuốn tiểu thuyết.

Bởi “Lời hứa lúc bình minh” là câu chuyện về công cuộc định danh, xác lập một sự nghiệp trên cơ sở một cái tên có đủ sức biến một con người thành một “nhân vật lịch sử”; nhưng ở đây có một điều rất hi hữu: logic của người mẹ và người con trai trong cuốn tiểu thuyết không dừng ở mức thông thường là xây dựng tương lai dựa trên những gì hiện có, mà là làm thế nào để xứng đáng được với cái tên do chính họ đặt ra.

Romain, con trai của một bà mẹ đơn độc, một người di dân với đầu óc được tráng một thứ men tráng lệ có tên gọi niềm tin ở thành công nhất định sẽ có của tương lai, đã thất bại thảm hại trong mấy nỗ lực tìm kiếm vinh quang bằng âm nhạc, hội họa hay các môn nghệ thuật khác, chỉ còn lại văn chương như hy vọng cuối cùng. Niềm thất vọng của Romain Kacew, Do Thái gốc Litva, muôn lần như một, sẽ sống dậy đầy đau đớn mỗi khi vấp phải những cái tên thiên tài âm nhạc như Menuhin hay Heifetz, như thể chính những cái tên riêng ấy có quyền năng gây đau khổ. Khi Romain còn nhỏ, người mẹ ấn đàn vào tay con và ấn cả niềm tin sắt đá rằng con trai bà sẽ ngang hàng với những thần đồng danh tiếng nhất. Niềm tin này không hề bình thường như một niềm tin đúng nghĩa - bà mẹ “biết” con trai mình sẽ kỳ vĩ; bà không hy vọng, mà bà bắt buộc tương lai phải quy thuận mình, vì một lẽ rất giản đơn: quá khứ đã khước từ bà.

Chúng ta sẽ thấy Romain Gary miêu tả cái cơ chế niềm tin kỳ quặc (nhưng cũng thật đẹp) này tài tình như thế nào trong một văn phong gây sửng sốt trong niềm sung sướng phát hiện rằng văn chương chẳng việc gì phải sầu khổ, nặng nề mà vẫn bộc lộ được tất cả những gì đặc quánh nhất, tinh chất nhất của tình cảm con người. Còn nhỏ, cậu bé Romain dành trọn những ngày dài để viết ra trên giấy các cái tên ngõ hầu tương xứng nổi với mình, hay nói đúng hơn là xứng nổi với cậu và mẹ cậu, người không một lúc nào tách khỏi cậu, người đã bằng một lời hứa ở bình minh của cuộc đời mà chi phối hoàn toàn con đường đời sau này của cậu, ngay cả khi bà đã không còn sống nữa.

Thường thì người ta đi từ cái nhỏ đến cái lớn, đôi khi may mắn thì đến được cái lớn lao (“tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”), còn mẹ con Gary lại từ một cõi lớn lao nào đó bước ra cuộc đời, giơ gậy và chỉ tay bắt cuộc đời phải tuân phục sự kỳ vĩ mà họ đã mang sẵn trong người. Với bà mẹ của Romain, Victor Hugo là Tổng thống Cộng hòa, và không thực tế nào đủ sức lay chuyển cái hình dung méo mó ấy; còn Romain thì đi đến một kết luận chắc hẳn làm sững sờ bất kỳ ai từng động tay vào viết văn: “Tôi gần như đi đến kết luận là với tư cách phương tiện biểu đạt văn chương, bút danh là chưa đủ, mà còn cần phải viết sách nữa” (tr. 24).

“Lời hứa lúc bình minh”, một cách xuất sắc như văn chương vốn phải như vậy, như thể nói rằng con người ta tuyệt đối có thể lấy hư cấu bao trùm lên thực tại, coi thực tại chỉ là một phản ánh nào đó nhất thời và ngẫu nhiên của trí tưởng. Romain của “Lời hứa lúc bình minh” tự đặt tên cho mình để lôi hẳn cõi sống bên trong ra làm “khuôn mẫu” cho đời thực, còn Romain Gary sau này cũng sẽ tự đặt tên cho mình thành Émile Ajar, bắt cuộc đời chấp nhận thêm một hiện thân khác nữa của ông; khi ấy cuốn tiểu thuyết xuất sắc nhất của “giai đoạn Ajar” sẽ là “Cuộc sống trước mặt” (1975), một cách viết lại chính “Lời hứa lúc bình minh”.

----------

Sống giữa sách

Sống giữa sách, trước tiên, cũng có hai loại. Sống giữa những cuốn sách là kiểu của Don Kihote nhà quý tộc tài ba xứ Mantra, còn sống giữa những quyển sách là kiểu của Mendel người bán sách cũ của Stefan Zweig. Như bạn cũng đã nhận ra, sống giữa những cuốn sách là sống trong bầu không khí, trong không gian vô hình, tưởng rằng những câu chuyện trong sách là có thật. Còn sống giữa những quyển sách, là sống trong không gian vây quanh là nhiều quyển sách thực, có thể sờ mó, động chạm được.

Sau nữa, sống giữa sách kiểu một thường thường liên quan tới một chứng bệnh vĩ đại của con người, đặc biệt phổ biến ở con người và ngày càng được coi trọng: bệnh điên. Những con thú vật mà bị điên thì chỉ có một giải pháp: hạ sát, như hành động mang tính anh hùng của luật sư Atticus trước con chó điên trong “Giết con chim nhại”, được đạo diễn Robert Mulligan cho diễn lại y chang trong bộ phim cùng tên. Bệnh điên ở con người trước đây cũng bị ghê sợ và khinh rẻ lắm, nhưng Freud, rồi Foucault mở mắt cho chúng ta thấy rằng cứ nhảy cẫng lên mà khinh thường người điên là sai lầm lắm, bởi điên rồ chẳng qua cũng chỉ là một biểu hiện mà người bình thường không hiểu nổi mà thôi. Nói một cách vắn tắt, bởi vì không điên nên ta tưởng người khác là điên, và ngược lại, rất có thể vì điên nên ta cứ tưởng người không điên bị điên. Điên và bình thường thật khó biết đâu là ranh giới.

Van Gogh lên cơn điên thì được coi là đẹp, Don Kihote bây giờ trở thành một mẫu hình tuyệt đối lung linh, không nhà phê bình nào ngày nay dám nói chàng hiệp sĩ mặt buồn điên vớ điên vẩn, điên lẩn thẩn nữa. Bởi vì nguồn gốc cơn điên của Don Kihote cao quý lắm: chàng điên vì đọc quá nhiều sách, vì chàng thực tâm và hào hùng cả gan sống trong những gì tưởng tượng ra, không mặc cảm, không dồn nén, không ẩn ức. Người như thế mới là hùng mạnh.

Hoặc là giáo sư Peter Kien của cuốn tiểu thuyết kỳ thú nữa về thế giới sách vở mang tên “Die Blendung” của văn hào Đức gốc Bun, Elias Cannetti: là một chuyên gia về Trung Quốc, Kien sống giữa đám sách, lấy bà giúp việc làm vợ cũng chỉ vì muốn có người nhiệt tình phủi bụi cho đống sách của ông. Kien thuộc loại sống giữa sách loại một pha với loại hai.

Lại có những người thuần túy sống giữa sách theo kiểu số hai: mấy tay chơi sách. Đợt trưng bày vừa rồi tại Hà Nội mang tên “Nét xuân trên những trang sách xưa” (trung tâm Văn hóa và Ngôn ngữ Đông Tây) làm người ta ngã ngửa ra vì khám phá dân chơi sách cũ ngày nay lắm người đến là trẻ, và phát hiện té ra đến nhiều người thích sách cũ, có khi còn hơn sách mới. Từ điển Taberd, Bonnet, Huỳnh Tịnh Của thuộc quyền sở hữu của những người chưa tới tuổi ba mươi, sách in của nhà xuất bản Mai Lĩnh, nhà xuất bản Tân Việt, nhà xuất bản Sông Nhị, vân vân và vân vân do mấy bạn trẻ rút từ túi đựng máy tính xách tay ra trao đổi cho nhau, rồi thì người đến xem tha hồ ngắm thủ bút của Nguyễn Tuân, Trần Trọng Kim, Lê Văn Hòe bày đơn giản trong mấy tủ kính mỏng manh. Cũng như đọc thơ ngày nay khỏi cần kèm với “mùi hương trầm thơm lắm”, ngồi vào mâm khỏi phải mời vòng quanh, sách vở cũng dần dà đâm ra giống như mớ rau, quả trứng.

Công việc của người sống giữa những quyển sách có thật, đầy đủ thành phần về mặt vật chất nằm ở tìm kiếm và lọc lựa. Tìm kiếm để có những bản sách cũ, nhưng sau đó phải lọc dần theo thời gian để tìm đến được bản đẹp nhất, rồi không những đẹp mà còn cần phải là bản đặc biệt, in giấy khác, có đánh số, nếu có thêm cả chữ ký của tác giả, rồi lời đề tặng do chính tác giả viết tặng cho một tác giả khác cũng nổi danh không kém… thì mới là hàng cực phẩm.

Mà muốn làm được như vậy, ngây thơ như Don Kihote là không có được, mà phải khôn ngoan, phải quan hệ rộng, bặt thiệp, biết nở nụ cười trìu mến, biết thả mồi thả thính đúng lúc đúng chỗ. Những người sống giữa sách kiểu như thế này, ta không thể gọi họ là “Đông Ki-sốt”, mà phải gọi họ bằng đúng tên: nhà sưu tầm.

----------

Tại sao nhiệt đới lại buồn?

“Nhiệt đới buồn” (Claude Lévi-Strauss, Ngô Bình Lâm dịch, Nguyên Ngọc hiệu đính, NXB Tri Thức, 2009), nếu coi là một hồi ký, thì nó đúng là một hồi ký rất dở và rất gở: chẳng có cuốn hồi ký nào lại được viết ra để rồi tác giả mãi hơn nửa thế kỷ sau mới qua đời. Nếu coi là một cuốn tiểu thuyết, thì tác phẩm in lần đầu năm 1955 này (về phần mình, tác giả mới mất cách đây vài tháng) vẫn quá cỡ kể cả so với một trường giang tiểu thuyết; nó có quá nhiều câu chuyện, quá nhiều cảm giác, và quá nhiều miêu tả tinh tế, tới mức người ta đâm ra ngờ vực ngay chính bản thân khái niệm tiểu thuyết, và Viện Hàn lâm Goncourt năm ấy đã có lý khi ngậm ngùi mà thôi không trao giải cho cuốn sách. Còn nếu coi “Nhiệt đới buồn” là một chuyên khảo khoa học, thì biết lý giải sao đây sự xuất hiện của câu mở đầu: “Tôi ghét du hành và các nhà thám hiểm” và hình ảnh kết thúc: “một con mèo”?

Hẳn ý thức được tính chất “không thể xếp hạng” tuyệt đối của của cuốn sách này, nên mặc dù nó được đọc rất nhiều trong hơn năm chục năm qua bởi vô số người thuộc đủ mọi giới, bài báo chính của chuyên đề Claude Lévi-Strauss của “Magazine Littéraire” (tháng Năm 2008) đã tìm cách né tránh vấn đề bằng cách đặt tít “Cuộc phiêu lưu vĩ đại của trí tuệ” và chú trọng miêu tả một nhà khoa học khi tuổi trẻ thực sự không biết phải làm gì với cuộc đời mình. Khi là một cuộc phiêu lưu, thì tập tục hôn nhân ở các xã hội “nguyên thủy”, đời sống trí thức Paris, các dải núi non Nam Mỹ, tất tật đều có thể là những điều bất ngờ vĩnh viễn, làm người ta quên đi, hay lờ đi, những câu hỏi gây bực mình về thể loại hay là gì gì nữa.

Nhưng dù có thế nào, thì vẫn còn một câu hỏi không thể bỏ qua: tại sao nhiệt đới lại buồn? Tại sao lại đem quết một vệt màu lạnh lên một thực thể nếu không phải là nóng bỏng thì cũng là luôn luôn có nguy cơ nồng cháy? Hóa ra là những tươi vui nhiệt tình và sắc màu rộn ràng của lễ hội Rio de Janeiro (thì chính nó đấy, đối tượng quan trọng của “Nhiệt đới buồn”) không thể đại diện cho một hình ảnh về “xứ nhiệt đới”?

Và cái “buồn” của “Nhiệt đới buồn” cũng đặc thù ghê gớm, khiến cho bản dịch tiếng Anh vẫn giữ nguyên nhan đề của nguyên bản tiếng Pháp, “Tristes Tropiques”.

Nếu muốn đẩy suy nghĩ đi đến chỗ tận cùng (đó cũng là điều mà “phiêu lưu” gợi ý cho chúng ta), có lẽ ta nên hiểu Lévi-Strauss phản ứng mạnh mẽ với du ký Tây phương đến thế nào, tới mức cho là kỳ khôi cái chuyện đồng bào của ông cứ mải miết đi tìm kỳ hoa dị thảo độc đáo của Đông phương; và cũng vậy, không thể bỏ qua cái sự buồn cứ vương lại như một nốt ruồi khó ưa trên bìa cuốn sách.

Nhiều người đã tìm cách giải thích, trong đó có một người Đông phương, thuộc về một đất nước không hẳn nhiệt đới nhưng cũng trong một thế giới “khác” so với Tây phương: với nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Orhan Pamuk, cái thành phố Istanbul nằm trên vĩ tuyến 41 của ông gợi nên “nỗi buồn” ở người quan sát Tây phương (cụ thể là Lévi-Strauss) là bởi vì trong cái nhìn của họ trước những hoang phế của nơi đây có lẩn quất một mặc cảm tội lỗi, khiến họ cứ ra sức mà tô vẽ, mà phết sơn lòe loẹt lên cảnh tượng xa lạ mà họ đang chứng kiến.

Trong cuốn “Istanbul” (cũng một hồi ký và cũng đồng thời là khảo cứu, cũng đồng thời là tiểu thuyết thành ra chẳng thuộc về cái gì hết), Pamuk (cũng một người có thiên hướng nghệ thuật và cũng không biết làm gì với cuộc đời mình khi trẻ tuổi) phân biệt nỗi buồn tự bên trong con người Istanbul với nỗi buồn xuất hiện trong cái nhìn của người ngoài. Cũng tương tự như vậy, lẽ dĩ nhiên “Nhiệt đới buồn” có thể hiểu trực nghĩa rằng có những điều buồn bã của nhiệt đới mà nếu nhạy cảm người ta có thể cảm nhận, nhưng quan trọng hơn cả, và ở đây có một sự chuyển dịch hao hao với phép hoán dụ, “Nhiệt đới buồn” còn có nghĩa nỗi buồn nằm trong chính bản thân Lévi-Strauss, người từ xa tới. Điều này được thể hiện một cách chu đáo ở các phần hai và phần ba, nhất là khi nhà nhân chủng học nhận ra tuyệt đại đa số cảnh hoang sơ Nam Mỹ không có lý do từ tính chất nguyên thủy, mà do bị tàn phá, và khi ông ngao ngán với cái nỗi niềm suy nghĩ kỳ khôi của đám trí thức thuộc địa chỉ chăm chăm kiếm lấy mảnh bằng mà chẳng mảy may quan tâm tới khoa học hay tới nhiệt đới của họ.

Vì quá sáng suốt, Lévi-Strauss không sao tự bó hẹp tác phẩm của mình vào một khuôn khổ nào, và cũng chính vì lẽ ấy, ông không thể không nhìn thấy sự buồn của miền nhiệt đới vui.

----------

Lịch sử của tương lai

Năm 1965, Frank Herbert xuất bản “Xứ Cát” (Dune) và kể từ đó, đây là tác phẩm kinh điển tuyệt đối của dòng tiểu thuyết khoa học giả tưởng (Sci-Fi, hay SF), hiện diện trong nhà hàng triệu người và lâu lâu lại khơi lên những đợt cuồng nhiệt mới với các tập truyện khác trong bộ saga khổng lồ, với các bộ phim và với các trò chơi điện tử. Năm nay, quyển sách-tượng đài ấy đã có phiên bản tiếng Việt (bản dịch của Trần Tiễn Cao Đăng, Nhã Nam và NXB Văn học).

“Xứ Cát” kinh điển ở nhiều mặt. Trước hết độ dày của nó (bản tiếng Việt trên 700 trang kèm phụ lục) đã hàm chứa một nội dung mênh mông. Câu chuyện mà “Xứ Cát” kể lại mang dáng dấp cổ điển của sự hoàn chỉnh: cuộc đời một con người cá nhân (một cá nhân quan trọng) được miêu tả kỹ càng qua tất cả các giai đoạn và biến cố. Paul Atreides từ tuổi lên mười cho đến khi chiến thắng Hoàng đế của thiên hà trưởng thành và dần khám phá thế giới qua từng trang sách mà ta đọc, mỗi trang sách là một sự kỳ thú và trong quá trình đọc độc giả hiểu rằng điều hấp dẫn nhất vẫn nằm phía trước. Ngày nay, “Xứ Cát” vẫn được đọc phổ biến bởi vì những vấn đề nó đặt ra không hề cũ: quyền lực, chiến tranh, tôn giáo, lòng tin, và một chủ đề đầy hiện đại: sinh thái.

Mọi chuyện bắt đầu khi gia tộc Atreides được lệnh của Hoàng đế tới Arrakis (tức Dune - Xứ Cát), nơi duy nhất có các mỏ “melange” (hương dược) quý giá của cả thiên hà. Tất nhiên, câu chuyện đã bắt đầu từ trước đó rất lâu, từ mối hiềm khích không thể hàn gắn giữa gia tộc Atreides và gia độc Harkonnen đầy mưu mô (cả hai lại là các nhánh của Corrino). Công tước Leto bị sát hại và Paul rơi vào cuộc phiêu lưu dài dặc cùng người mẹ, một phù thủy xuất thân từ Bene Gesserit. Cùng người dân bản địa Fremen mang đôi mắt màu xanh, Paul xây dựng lực lượng và vài năm sau chiến thắng các đối thủ.

Dù cũng có không ít người không thích cách triển khai câu chuyện của Frank Herbert trong “Xứ Cát”, nhưng hầu hết đều ngưỡng mộ cách cuốn sách được xếp vào dạng “hard SF” này dựng lên bối cảnh của Arrakis. Xứ Arrakis xa xôi giống như một ẩn dụ về sa mạc trên Trái đất, nơi chứa đựng cả hiểm nguy (bão cát và sâu cát khổng lồ) lại vừa có rất nhiều tiềm năng như hương dược, nhưng còn cả khả năng di chuyển dựa vào những con sâu cát, và nhất là con người. Tộc người Fremen vốn bị Đế chế khinh thường, lại chính là những chiến binh tài năng và can đảm, biết cách sống cùng sự khắc nghiệt với một niềm hy vọng sau nhiều thế hệ cải tạo, hậu duệ của họ sẽ được sống trong một khí hậu tuyệt vời không bao giờ phải lo thiếu nước. Hiện tại của người Fremen là những bộ “sa phục” có chức năng tái tạo nước của chính cơ thể người mặc, nhưng viễn cảnh mà nhà sinh thái học Kynes vẽ ra trước họ đã đặt một niềm tin không thể lay chuyển vào tương lai.

Còn tương lai của Arrakis, chàng công tước trẻ tuổi Paul Atreides đôi khi thoáng nhìn thấy nhờ khả năng tiên tri của mình. Điều đáng chú ý là Frank Herbert không gán cho khả năng tiên tri hiếm có này một ý nghĩa hay tầm quan trọng nào quá lớn lao. Paul biết cách lợi dụng tôn giáo để xây dựng lực lượng cho mình, nhưng cùng lúc chàng tìm mọi cách để tránh cuộc thánh chiến đã được bày ra trong tương lai của sự tiên tri. Quan tâm tới sinh thái và thái độ chống chiến tranh là thêm hai yếu tố nữa làm nên chiều sâu của “Xứ Cát”. Paul, hay Muad’Dib, có thể thoáng thấy tương lai, nhưng đó vẫn luôn là một “thị kiến bất toàn” không thể tin tưởng tuyệt đối.

Hiện tại trong khoa học giả tưởng là tương lai (có thể có) của chúng ta, còn quá khứ của khoa học giả tưởng phần nào đó chính là chúng ta. Điều hấp dẫn hơn cả của dòng văn học này là những giả định về thời gian, nhiều khi là cả những giả định kỳ quặc và điên rồ nhất. Trong tương lai giả định lại có tương lai giả định, và trong tương lai giả định lại có quá khứ giả định về một hiện tại giả định… Theo Adam Roberts tác giả cuốn sách “Lịch sử khoa học giả tưởng” (2006) thì khoa học giả tưởng là hiện tượng đã đi cùng con người trong suốt các giai đoạn của nền văn minh: ngay người Hy Lạp cổ đại đã mang yếu tố này vào sáng tạo của mình, ví dụ như cuộc phiêu lưu đầy huyền hoặc của người anh hùng Ulysses trong trường ca “Odyssey” của Homer. Và khoa học giả tưởng sẽ còn tiếp tục quyến rũ chúng ta.

----------

Lộn trái Ấn Độ

Ấn Độ? Thông thường điều đó nghĩa là vô vàn thần linh (theo nhân vật Hổ Trắng là 36 triệu vị thần), là vô vàn bò, vô vàn những người đầu đen kín đặc nhà ga và mặt đường (ấn tượng lớn nhất của nhà văn Ba Lan Ryszard Kapuściński khi lần đầu đặt chân đến Ấn Độ); còn người, với Hổ Trắng, là những “người nâu” (brown man): “tương lai của thế giới nằm cùng với người da vàng và người da nâu” (trích từ “The White Tiger” - “Hổ Trắng”, Atlantic Books, 2008). Những người nâu ấy sống trong một thế giới đen kịt bùn sông Hằng và u tối tội lỗi, giống hệt như nhân vật Balram Halwai, tức “Munna”, tức “Hổ Trắng”.

Năm nay 50.000 bảng Anh của giải Man Booker danh giá hàng đầu thế giới lại về tay một người Ấn Độ, và đó đã là lần thứ ba kể từ năm 1997. Năm ấy, Arundhati Roy trẻ trung xinh đẹp cho thế giới biết rằng văn chương Ấn Độ không chỉ có Tagore bằng tiểu thuyết “The God of Small Things” (tức “Trùm chuyện vặt” theo cách dịch của nhà văn Hồ Anh Thái - đã từng có một bản dịch tiếng Việt mang tên “Chúa trời của những điều vụn vặt”). Roy và Aravind Adiga của “Hổ Trắng” năm 2008 mới chỉ là hai trên bốn nhà văn giành giải Booker ngay từ cuốn tiểu thuyết đầu tay, tính trong suốt lịch sử của giải thưởng kể từ năm 1969 tới giờ.

Ở giữa “Trùm chuyện vặt” và “Hổ Trắng”, năm 2006 cũng ghi tên một nhà văn (nữ) nữa của Ấn Độ: Kiran Desai của “The Inheritance of Loss”, mới có bản tiếng Việt trong một sự chuyển ngữ khó có thể hoàn hảo hơn dưới nhan đề “Di sản của mất mát” (Nham Hoa dịch, Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn). Cả Roy và Desai đều tinh tế và tài tình trong miêu tả thế giới phức tạp tại Ấn Độ qua con mắt của những đứa trẻ hoặc các thiếu niên bắt đầu khám phá cuộc đời và chớm nhận ra nó không phải giống như những tờ tạp chí “National Geographic” mà cô bé Sai trong “Di sản của mất mát” cứ lật giở xem mãi không ngừng. Ấn Độ của “Trùm chuyện vặt” thì huyền bí mơ màng của sông hồ và tình dục bị kìm nén, Ấn Độ của “Di sản của mất mát” thì bất ổn trong sự bình thản, nhưng cả hai cuốn tiểu thuyết đều là những tuyệt tác về thế giới nội tâm và tài kể chuyện.

Đó cũng là nỗ lực của các nhà văn Ấn Độ trong tái hiện cuộc sống đất nước mình, thoát ra khỏi cái nhìn theo kiểu “phương Đông là sản phẩm của phương Tây” như học giả Edward Said đã trình bày theo một lối vừa đáng ngưỡng mộ vừa đáng căm ghét trong tác phẩm “Đông phương học” lừng danh. Trong “Di sản của mất mát”, các nhân vật ở vùng núi Kanchenjunga bàn luận về sách vở, nói về “Khúc quanh của dòng sông” của V.S. Naipaul, “nhưng Lola, Noni, Sai và Cha Booty đều nhất trí rằng họ không khoái mấy nhà văn Anh viết về Ấn Độ; đọc phát buồn nôn; thế nào mà sốt rét và mê sảng lại gắn với đền đài và rắn rết, với cuộc tình ngang trái, đổ máu và sẩy thai; không phản ánh đúng thực tế” (tr. 322). Vị thế khó ở của người Ấn Độ trong cuộc toàn cầu hóa, trong cuộc va chạm của cách nhìn pha màu sắc phương Tây dõi chiếu về cái thường nhật cũng nâng “Trùm chuyện vặt” và “Di sản của mất mát” lên hàng các tác phẩm phân tích thấu đáo hoàn cảnh hiện đại ở phạm vi toàn thế giới. “Làm sao người Ấn Độ có thể đi lại trên thế giới và sống trong thế giới như người phương Tây?... Người ta kết tội thế giới thứ ba vì là thế giới thứ ba” (tr. 332), một nhân vật trong “Di sản của mất mát” đã tự nhủ như vậy.

Đến “Hổ Trắng” của Aravind Adiga, các vấn đề được đặt ra trực tiếp hơn nhiều, ngắn gọn hơn nhiều, sắc nét và đau đớn hơn nhiều. Được viết dưới dạng những lá thư Hổ Trắng viết trong bảy đêm gửi cho Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo sắp sang thăm Bangalore để nói về “sự thật Bangalore”, cái “phần đen tối” của bước nhảy vọt công nghệ Ấn Độ, trung tâm thế giới về outsourcing (dịch vụ thuê ngoài), được cuốn tiểu thuyết đưa ra ánh sáng của văn chương. Friedman của “Thế giới phẳng” từng dành nhiều trang cho sự kỳ diệu Bangalore, nhưng Hổ Trắng, con trai một người kéo xe thuê nghèo khổ, hiểu rằng sông Hằng chỉ có thể hấp dẫn khách du lịch người Mỹ, còn bản thân nó chỉ là bùn đen. Hổ Trắng thông minh, được một vị thanh tra giáo dục đặt biệt danh như vậy sau đoạn hội thoại nhiều ý nghĩa ẩn dụ: “Ở mỗi khu rừng rậm, đâu là loài thú hiếm hoi nhất mỗi thế hệ chỉ sinh ra được một con?” - “Hổ trắng.” - “Vậy thì mày là hổ trắng đấy, ở trong khu rừng rậm này.” Bố của Hổ Trắng thì dạy con: “Cả đời tao, tao đã bị đối xử như một con lừa. Tất cả những gì tao muốn là một đứa con của tao - ít nhất là một - phải được sống như một con người.” Và con người đó quả thực đã thành công, ít nhất là theo một phương diện nào đó, nhưng là sự thành công thông qua tội lỗi, thậm chí là cả tội sát nhân: “Hổ Trắng” từng được các nhà phê bình so sánh với “Macbeth” của Shakespeare ở khía cạnh chủ đề.

Ấn Độ và vô vàn vấn đề của nó, cứ như vậy, bị các nhà văn của một thế hệ hoàn toàn mới liên tiếp lộn trái trong một tinh thần không chút khoan nhượng.

----------

Chi tiết

Có nhiều cách để làm cho một cuốn sách trở nên đặc biệt, nổi bật hẳn trong số những quyển tương tự nơi nó thường được xếp vào. Nói đúng ra là không phải rất nhiều cách, nhưng các tác giả tinh tế luôn tìm ra được, và thường xuyên qua việc sử dụng những chi tiết rất nhỏ. Ở lĩnh vực văn học trinh thám, Fred Vargas, dù mới chỉ xuất hiện chưa lâu, đã là một bậc thầy về chi tiết.

Dĩ nhiên, trong tiểu thuyết trinh thám, chi tiết là xương sống, thậm chí là “alpha và omega” làm nên hình dạng, kết cấu và quyết định sự đánh giá của độc giả đối với tác giả, và dõi theo cách xếp đặt của từng cuốn sách, ta có thể nhận ra được một số nhà văn rất tài năng ở phương diện huy động, triển khai, thậm chí là thao túng chi tiết. Không chi tiết nào ngang bằng với một chi tiết khác: điều này chắc hẳn các điều tra viên được hư cấu ra cũng như tác giả trinh thám đều nhất trí cao độ.

Cảnh sát trưởng Adamsberg ở “Trong những cánh rừng vĩnh cửu” (Lê Quang Toản dịch, Nhã Nam và NXB Văn hóa Sài Gòn) không săm soi các chi tiết giống như đồng nghiệp, mà anh vắt vẻo trên chúng, trong một bộ dạng không lấy gì làm “cớm” (Adamsberg hay lang thang, không mấy khi lập luận logic, và lại còn thích nhặt sỏi dưới suối). Từ mấy con chuột bị kẻ nào đó giết chết vứt ở một nhà kho, Adamsberg làm đảo lộn cả hướng điều tra của một vụ án tưởng như đã giải quyết xong. Adamsberg đặc biệt không phải ở chỗ anh tìm được rất nhiều chi tiết, mà là việc anh thấy những kết nối rất ít người hình dung ra giữa các chi tiết rời rạc nhưng thần kỳ. Nhiều khi đọc trinh thám ta sẽ rất mệt mỏi với quá nhiều chi tiết; nhà văn giỏi sẽ biết cách không gây hỏa mù vô lối.

Xuyên suốt câu chuyện là một lý thuyết đầy thẩm quyền của bác sĩ pháp y nổi tiếng nhất nước Pháp, Ariane Lagarde: lý thuyết về sự “phân ly”, theo đó những kẻ tội phạm tâm thần phân lập chia ra làm hai nửa con người, một Alpha và một Omega, hai nửa này có thể hoàn toàn đối nghịch với nhau, thậm chí không hay biết sự tồn tại của nhau, Omega tội phạm có thể giấu đồ sao cho Alpha người bình thường không thể tìm ra để rồi phát giác Omega. Những tên tội phạm thuộc dạng này hết sức nguy hiểm, và Adamsberg đang phải đối đầu với một trong số đó. Mà cũng rất có thể không chỉ có một, như dần dà độc giả sẽ nhận ra.

Chắc chắn kết cục của “Trong những cánh rừng vĩnh cửu” sẽ làm nhiều người phải bất ngờ, nhưng điều đáng nói hơn là trên con đường đi tới điểm kết ấy, Fred Vargas đã dẫn dắt chúng ta đi qua rất nhiều khu rừng và cánh đồng tuyệt đẹp, từ có thật đến tưởng tượng, nhất là những khu rừng và cánh đồng của các chi tiết.

Nhân vật Veyrenc, người mới xuất hiện trong Đội Hình sự của Adamsberg, nói chuyện bằng thơ, dạng thơ cổ điển mười hai “chân” mang tên “alexandrin”, từng được những thi sĩ lớn nhất trong lịch sử văn học Pháp đưa lên đến đỉnh cao. Ở đây, “Trong những cánh rừng vĩnh cửu”, là dấu ấn của Racine, một trong các nhà thơ vĩ đại nhất của thế kỷ XVII. Người đọc có chút hiểu biết về lịch sử văn học sẽ tán thưởng việc đưa Racine (và một đôi chỗ, cả Corneille) vào đây, bởi ngay lập tức cái tên Racine sẽ gợi đến những bóng ma, âm mưu, và nhất là những người đàn bà tội lỗi (đặc biệt trong các vở kịch “Athalie” và “Esther”), không thể hợp hơn với cốt truyện của Vargas.

Có thể mở một ngoặc đơn nhỏ ở đây: nhân vật của James Patterson đọc tiểu thuyết của John Updike, một nhà văn đương đại Mỹ, nhưng các nhân vật trong tiểu thuyết trinh thám chủ yếu là không đọc gì cả, vì thời lượng truyện được dành toàn bộ cho hành động, cái khá thiếu vắng ở truyện của Fred Vargas hay một người có cách viết không khác bà nhiều lắm: Henning Mankell (nhân vật thanh tra Wallander của Mankell thích nghe Maria Callas).

Xuất thân là một chuyên gia khảo cổ học, Fred Vargas không ngần ngại đưa rất nhiều yếu tố vùng miền vào tác phẩm (nhất là Normandie, Pyrénées và Bretagne), tạo ra các nhân vật nhà khảo cổ học, cũng như đưa vào tác phẩm của mình một lượng không nhỏ chi tiết thuộc các ngành khoa học khác nhau, ở “Trong những cánh rừng vĩnh cửu” là kiến thức về những mẩu xương ít người biết nằm ở một số bộ phận ít người để ý của vài con vật. Những chi tiết này, cùng một chi tiết xuyên suốt là cặp sừng hươu kiêu hãnh (nhan đề truyện còn có thể hiểu là “Trong những cặp sừng vĩnh cửu”) đã góp phần tạo nên một cuốn tiểu thuyết trinh thám có hạng, giữ nhịp rất tốt và đầy tính khai phá.

----------

Lại một mùa giải thưởng văn chương

Mùa thu, chắc chắc như vậy, là mùa của văn chương. Không phải vì rất nhiều lá vàng rơi tạo hậu phương vững chắc củng cố hình ảnh đầy nguy hại về thi nhân văn sĩ: “mắt đếm lá chân đá ống bơ”, cũng không chỉ vì thời tiết mang màu sắc đồng đội ủng hộ cho việc hưởng thụ một tách trà ấm bên trang sách. Mùa thu còn là thời điểm tập trung chú ý, nảy nở hy vọng và tràn lan tham vọng với các giải thưởng văn chương được trao đồng loạt khắp thế giới, kể cả ở Việt Nam. Đây không chỉ là chuyện thị trường, đây còn là chuyện ứng xử và, một phần không nhỏ, chuyện vinh dự và danh dự.

Khi sắp qua đời, người còn lại trong hai anh em Goncourt (tức Edmond; Jules de Goncourt, người em trai thân thiết của Edmond, cũng là người đầu tiên có ý tưởng về một giải thưởng văn chương không sa vào tật phiến diện như giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp, đã yểu mệnh qua đời vào năm 1870) đã di chúc để lại tài sản của mình cho một Viện Hàn lâm Goncourt với chức năng chính là mỗi năm trao giải thưởng cho một nhà văn có triển vọng. Di chúc này vừa được thực hiện đầy trách nhiệm (vì kể từ đầu thế kỷ XX năm nào cũng có giải thưởng, đều đặn như Rolland Garros) nhưng cũng vẫn là một “di chúc bị phản bội” phần nào (vì đã nhiều lần trao giải cho những người rất già, hoặc trao kiểu vuốt đuôi: khi Marguerite Duras còn trẻ thì không trao, đến khi tóc bà bạc phơ tuy vẫn có người tình, thì mới trao).

Giải Goncourt cho thấy hai ý nghĩa chính của một giải thưởng văn chương: phát hiện và công nhận, trong đó tiêu chí căn bản nằm ở phát hiện tài năng. Khi lỡ quên mất Duras để rồi mãi sau này (chính xác là năm 1984, tiểu thuyết “Người tình”) mới trao, thì yếu tố phát hiện đã không còn nữa. May mà vẫn còn tính chất công nhận.

Năm 2009 đã xong xuôi hai giải thưởng văn chương quan trọng: giải Booker, rồi giải Nobel. Booker năm nay tạm ngưng làn sóng mãnh liệt của các nhà văn trẻ gốc Ấn Độ mà quay trở lại với “chính quốc”: Hilary Mantel nhận giải cho một cuốn tiểu thuyết đồ sộ về một đề tài không thể “Anh quốc” hơn: Thomas Cromwell. Cuốn sách (mang tên “Wolf Hall”) mở ra bằng một danh sách dài dặc nhân vật lịch sử, kèm với bảng phả hệ nhà Tudor và nhà York, hứa hẹn cả một câu chuyện lịch sử kỳ thú, chiến tranh và chính trị, âm mưu và tình yêu.

Mantel đã có sau lưng hơn chục tác phẩm, nhưng đó vẫn là một phát hiện lớn của giới thưởng ngoạn văn chương quốc tế, bởi nếu Booker nghiêng về phía “công nhận” nhiều hơn, hẳn giải thưởng đã không thoát khỏi tay hai nhân vật nặng ký: A.S. Byatt và J.M. Coetzee.

Giải Nobel trao cho Herta Müller lại tiếp tục làm người Mỹ hét lên những câu kiểu như không biết bà nhà văn này là ai, chưa từng nghe nói tới, châu Âu thiên vị châu Âu vân vân và vân vân. Nước Mỹ đã nói thì chắc là đúng, nhưng ta cũng nhớ rằng năm ngoái khi một người như Le Clézio nhận Nobel người Mỹ cũng phát ngôn kiểu như vậy. Có thể thông cảm được với những phàn nàn này, tuy nhiên có lẽ nước Mỹ nên dịch nhiều tác phẩm nước ngoài hơn nữa thay vì tự đặt mình vào tình trạng thiếu hiểu biết như vậy, và cần hiểu rằng sự phát hiện có thể còn quan trọng hơn sự công nhận.

Còn lại chưa trao là các giải thưởng văn chương Pháp, trong đó mấy giải quan trọng đều được công bố vào đầu tháng Mười một tới. Người duy nhất được hưởng hơi ấm từ xa của anh em nhà Goncourt lừng danh sẽ được rút ra từ danh sách tám người của vòng bầu chọn thứ hai, trong đó chỉ có hai nhà văn nổi tiếng là Jean-Philippe Toussaint và Marie Ndiaye. Ở giải Medicis và Renaudot, rất hy vọng năm nay nhà văn trẻ như David Foenkinos (tiểu thuyết “La Délicatesse”, tạm dịch là “Sự tế nhị”, một cuốn sách vô cùng duyên dáng) hay Vincent Message với tác phẩm đầu tay sẽ được “trở thành” các phát hiện. Những điều mới mẻ làm ta tin vào tính chất rộng lớn của thế giới, và thông qua phát hiện, thông qua việc làm mọi người phải bất ngờ, giám khảo của các giải thưởng cũng chứng tỏ mình là độc giả xịn đến thế nào.

Giải thưởng năm nay của Hội Nhà văn Hà Nội với ba “khôi nguyên” Ma Văn Kháng, Đỗ Lai Thúy và Nguyên Ngọc, cho thấy rằng sau vài lần dũng cảm phát hiện, lần này Hội đã chắc chắn, thậm chí rất chắc chắn, đứng về “phe” công nhận.

----------

Chưa kết được!

Không biết có phải nhà văn Bảo Ninh bị rơi vào một nông nỗi bồng bột (hay bí bách cảm hứng, hay cơ chế của ký ức của ông bị “mắc cạn” ở một điểm nào đó) mà ông lại đặt tên tập truyện ngắn mới nhất của mình là “Chuyện xưa kết đi, được chưa?” gồm 14 truyện, NXB Văn học ấn hành.

Từ đầu đến cuối cái câu hỏi đặt lên bìa sách này hóa ra lại là một câu hỏi tu từ. Bởi vì người viết ra các truyện ngắn ấy không thực sự tìm cách quên, và cũng còn bởi vì không còn gì để quên nữa cả. Những gì quên được thì đã quên mất rồi (nhiều nhân vật trong tập truyện này thực sự bị rơi vào trạng thái quên, như các nhân vật của truyện “Gọi con” phải lần hồi ráp nối ký ức mới “tìm lại được” một người thân trong gia đình). Những gì để quên đã được viết ra hoặc không cần được viết ra thì cũng tan biến, nhưng còn lại ở tập “Chuyện xưa kết đi, được chưa?” thì toàn điều không thể quên, cũng không thể kết.

Nếu chỉ tập trung vào truyện được lấy làm nhan đề chung cho cả tập, “Chuyện xưa kết đi, được chưa?”, và bị chi phối quá nhiều bởi câu hỏi khó nói được là chính xác cho tập truyện này, hẳn cái nhìn của người đọc sẽ phần nào bị thiên lệch đi: chỉ trong thời điểm hiếm hoi của truyện ngắn ấy Bảo Ninh mới viết về chiến tranh ở tư thế có liên hệ trực tiếp về ký ức với người đang sống hiện nay.

Còn ở phần lớn các truyện ngắn khác, chiến tranh không phải đối tượng chính, thậm chí không phải bối cảnh cơ bản. Cũng như trong “Nỗi buồn chiến tranh”, có các phần trước cuộc chiến đặc biệt quan trọng đối với cốt truyện chung cũng như tiến triển tâm lý các nhân vật, ở đây lại thêm một lần nữa người lính chiến Bảo Ninh không lấy chiến tranh làm trọng tâm cho tác phẩm của mình. Ở nhiều truyện của tập, nhất là những truyện đầu, chiến tranh chỉ giống như là một tiếng vọng; nhân vật của Bảo Ninh ở tập truyện này thuộc vào dạng nhân-vật-tiền-chiến-tranh: họ có thể được “nắm bắt” ở khoảnh khắc chuẩn bị cho cuộc chiến, nhưng họ cũng có thể chuẩn bị để trốn tránh khỏi cuộc chiến. “Nó sẽ đến”, nhưng nó sẽ đến theo cách vuột qua, sát bên cạnh; sự chờ đợi chính vì vậy giống như là một “nhân vật” quan trọng của cả tập.

Những kỷ niệm thuộc loại này (về thời đi học, về sơ tán, tình cảm đầu đời…) không phải là những kỷ niệm gây nên chấn thương tâm lý, nỗi ám ảnh, gọi tắt là nỗi đau, căn bệnh của chiến tranh. Bởi vậy mà thật đáng ngạc nhiên khi Bảo Ninh xếp tất cả các truyện ngắn ở đây vào dưới cùng một cái tên chung là một câu hỏi (tu từ, như đã nói): “Chuyện xưa kết đi, được chưa?” Những câu chuyện này đơn giản là không kết đi được, cũng không quên đi được - nếu quên thì tức là ký ức sẽ có những lỗ thủng nghiêm trọng không thể cứu chữa.

Cứ như thể trí nhớ của Bảo Ninh ở lần này đã vượt qua khoảng trống bao la là cuộc chiến tranh, vòng tránh nó, coi nó như không tồn tại để nhớ và viết về “rìa bên kia của ký ức”, những cuốn “sách cấm” truyền nhau trong ngăn bàn, những cuộc đạp xe chở bạn gái đi chơi (“Cái búng”), những cô bạn Thủy, Hiền, Giang, Loan… rồi các tình huống nhỏ bé tưởng chừng vô nghĩa nhưng làm thay đổi cuộc đời cả một con người (như trong “Mối ngờ”, “Thách đấu”), nơi sự hèn nhát lấn lướt lòng can đảm và dư vị ngậm ngùi là điều còn lại sau khi theo dõi mỗi thân phận. Tình cảm đầu đời ở các cô bé cậu bé học sinh cấp III (và đều lỡ dở) đều được Bảo Ninh miêu tả trong một cảm giác xộc xệch rất đặc trưng: nhân vật có xuất thân lý lịch khác nhau, nhân vật từ thành phố về nông thôn sơ tán, nhân vật có nguồn gốc tôn giáo lệch với nhau… Cảm giác buồn bã buông phủ lên cả tập truyện ngắn, điểm xuyết thêm bởi những câu văn chiêm nghiệm như “Thành phố chiến tranh, như bên bờ vực” hay “Đất nước sau chiến tranh trời đất bao la tiêu điều”.

Đó là những điều chừng nào còn sống, người ta còn chưa “kết” được: ký ức ở tập truyện ngắn của Bảo Ninh là ký ức ở dạng kết tinh, không thu nhỏ hơn được nữa. Đã viết xong một tập truyện về rìa bên này của ký ức (“Lan man trong lúc kẹt xe”) và lần này là về rìa bên kia, không biết lúc nào Bảo Ninh sẽ “kết” những bên lề để quay trở lại ký ức chính của ông?

----------

Còn triết học thì sao?

Thường thì một thể xác lành mạnh chứa đựng một tinh thần mạnh khỏe, nhưng (cũng) thường thì một thể xác mạnh mẽ tự công nhận sự lấp lánh của mình bằng trang phục, xe cộ, mỹ nhân và lờ tịt đi sự thật rằng không phải cái gì lấp lánh cũng là vàng.

Còn triết học thì sao? Tất nhiên nó không lấp lánh lắm, chẳng mấy khi (đúng hơn là chẳng bao giờ) lên bìa tạp chí (như “Thể thao Văn hóa và Đàn ông”) và hơi khó dùng làm đồ trang sức, nhưng nếu suy nghĩ kỹ triết học, cũng như các giá trị hơi có phần trừu tượng khác, có thể góp phần củng cố sức mạnh cho tinh thần và, tất nhiên, qua đó mà bồi bổ cho thể xác. Thậm chí còn tồn tại các triết học hào hùng đầy dũng khí, như triết học của Nietszche (“triết lý với cái búa”) chẳng hạn.

Nói đến Nietszche giữa nóng bỏng mùa hè hẳn là một việc liều lĩnh và gây mệt mỏi, nhưng hoàn toàn có thể tiếp cận triết học theo một ngả đường mềm mại như cách của quyển sách mới được tái bản của Trần Văn Toàn mang tên “Hành trình vào triết học” (Đại học Hoa Sen và NXB Tri Thức).

Cuốn sách này còn có một giá trị lịch sử (lịch sử cũng là một kích thước quan trọng của con người, bất kỳ nhà tư tưởng nào cũng sẵn sàng khẳng định điều đó). Trần Văn Toàn là giáo sư triết học của Đại học Huế, viết “Hành trình vào triết học” như một hướng dẫn nhập môn triết học cho các lớp dự bị văn khoa mà ông phụ trách hồi đầu những năm 1960. Đồng nghiệp của Trần Văn Toàn ngày đó tại Huế có những tên tuổi lừng lẫy của một miền Nam trí thức như Đỗ Long Vân, rồi Lê Tôn Nghiêm, Lê Văn Lý… Triết học của miền Nam trước 1975 cũng luôn ghi tên những người như Trần Văn Toàn, Lê Tôn Nghiêm, rồi Lê Thành Trị, Nguyễn Văn Trung, Trần Thái Đỉnh. Mấy chục năm trở lại đây, người thích đọc sách khi vào tới Sài Gòn thường đi tìm sách triết (không chỉ triết lý hiện sinh như nhiều người hay đơn giản hóa) của những tên tuổi ấy tại cửa hàng bán sách cũ. Đến giờ không còn dễ tìm được chúng nữa, mà có tìm được thì cũng khó mua, vì phần lớn được bán với những cái giá rất cao. Rất may là sách của Lê Tôn Nghiêm, Trần Thái Đỉnh đã được tái bản, và giờ đây là Trần Văn Toàn, như một sự khẳng định mức độ nghiêm túc của Ban Tu thư Đại học Hoa Sen.

Cuốn sách “Hành trình vào triết học” của Trần Văn Toàn như thể muốn nói với người đọc rằng: triết học không phải là những gì tuyệt đối không thể hiểu, được giới nhà giàu mới nổi mua về để xếp lên giá sách Ikea và bao nhiêu năm vẫn mới tinh trong sự chếnh choáng với vẻ phù phiếm của tri thức, cái tri thức ở bên cạnh nhưng không bao giờ ở bên trong.

Triết học, theo Trần Văn Toàn, không đơn giản, không dễ dàng, nhưng cũng “không phải là một mớ tư tưởng biệt lập ở bên ngoài đời người”, triết học càng không phải “một hệ thống tư tưởng mà thần linh đem từ trên trời xuống cho loài người”. Triết học “từ đất mà lên, do trí óc con người tạo ra”, với điều kiện con người có “những giây phút suy nghĩ để tìm hiểu cuộc đời”. Cái thú vị của triết học theo dẫn giải của Trần Văn Toàn là ta có thể nhập cuộc với tác giả để cùng suy nghĩ, chứ không bị buộc phải ngượng ngùng nhẹ nhàng đặt một cái ghế vào góc phòng để kinh sợ chiêm ngưỡng các triết gia, những con người từ cõi khác, múa may với những “siêu hình học” và “hiện tượng luận”. Trần Văn Toàn nhỏ nhẹ và thân tình dẫn người đọc vào các suy tư về con người sống trong cuộc đời, về mối quan hệ giữa con người với người khác mình, về “thế giới bên kia” hoặc về “vị trí của tri thức trong đời người”. Nói tóm gọn, Trần Văn Toàn đưa triết học lại gần với chúng ta.

Mỗi lần có cơ hội suy nghĩ sâu xa hơn mức độ thông thường, như cơ hội đọc “Hành trình vào triết học”, chúng ta có thể hiểu rõ hơn chính mình, điều đó một phần nào giúp từng người tránh được một sự kiện đáng buồn mà Trần Văn Toàn là một trong những người chủ chốt tại Việt Nam từng phân tích: sự kiện “vong thân” (sau này hay được gọi là “tha hóa”).

----------

Chạy để viết

Không thường khi công chúng văn học biết được bia mộ nhà văn mà họ yêu mến sẽ viết gì, vào lúc mà nhà văn vẫn sống và vẫn viết, thậm chí là viết khỏe. Thế nhưng Haruki Murakami, không mấy vương vấn với những tránh né kiêng kỵ kiểu Á Đông, đã công khai hóa những gì sẽ được đề trên bia mộ của ông sau này ở phần cuối cuốn sách mới nhất, “What I Talk About When I Talk About Running” (Tôi nói gì khi bàn về chạy bộ, NXB Knopf 2008, Philip Gabriel dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Anh): “Haruki Murakami (1949-20**), nhà văn và người chạy bộ. Ít nhất thì ông chưa bao giờ đi bộ”.

Mấy dòng vắn tắt này (bia mộ nói chung cũng thường vắn tắt, như nhà thơ Thường Quán từng viết: “Xứ này bia mộ chỉ vắn tắt”) ngoài tiết lộ Murakami kiệm lời, còn cho biết với chính ông hai hoạt động quan trọng nhất của cuộc đời chính là viết và chạy. Thêm một điểm nữa khiến Haruki Murakami khác với một nhà văn Nhật cùng họ với ông và cũng lừng danh không kém: trong cuốn tiểu thuyết 69 mới được dịch sang tiếng Việt, Ken, nhân vật chính của Ryu, không bao giờ chịu đựng nổi cái trò chạy bộ ngớ ngẩn. Dù được trời phú một dung tích phổi lớn đặc biệt, nhưng chỉ cần chạy được vài phút là Ken nhất quyết thong thả đi bộ (và tất nhiên là chấp nhận về bét trong mọi cuộc thi, không bao giờ thấy cắn rứt lương tâm).

Cuốn sách mới nhất của Haruki Murakami tương tự như một hồi ký, một dự án mà nhà văn đã có ý định thực hiện trong nhiều năm nhưng phải đến giờ mới hoàn thành được, sau khi đọc lại đống sổ chuyên dùng để ghi chép việc chạy bộ, một dạng nhật ký nhà văn, nhưng chỉ về một chủ đề duy nhất. Không giống những cuốn tiểu thuyết của ông, lần này lời đề tặng hết sức rõ ràng: “Tôi đề tặng cuốn sách này cho tất cả những người chạy bộ mà tôi từng gặp trên đường – những người tôi đã vượt qua, và những người đã vượt qua tôi. Không có các bạn, hẳn tôi đã không thể duy trì việc chạy bộ lâu đến vậy.” Một lời đề tặng nhìn chung là đặc biệt, phần nào đó có thể so sánh với lời đề tặng hay nhất lịch sử theo chuyên gia điểm sách người Pháp Pierre Assouline: theo ông, Jules Vallès đã viết được lời đề tặng số một đó, và chúng ta có thể đọc được câu văn trứ danh này trong tiếng Việt theo bản dịch của nhà thơ Trần Dần: “Tôi tặng cuốn sách này cho NHỮNG AI bụng nhồi đầy tiếng Hy-lạp, tiếng La-tinh, mà chết đói” (câu này nằm ở đầu tập thứ hai mang tên “Cậu tú” của bộ sách ba tập ký tên Jules Vallès, một thời cũng từng khuynh đảo tâm trí của giới bạn đọc Việt Nam).

Nhờ lấy chạy bộ làm hoạt động thường nhật (hoặc gần như vậy) mà Haruki Murakami có được một trải nghiệm rất đặc biệt và gây thèm muốn với bất kỳ dịch giả nào trên đời (ngoài viết văn ông còn dịch rất nhiều tác phẩm của Mỹ): trong khi dịch cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của John Irving viết về những con gấu, Murakami xin được gặp nhà văn, và đã được Irving mời chạy bộ cùng trong Công viên Trung tâm (New York), tranh thủ vừa chạy vừa trao đổi luôn. Rồi suốt một thời gian dài ở Tokyo, sáng nào đi chạy ông cũng có một cơ hội đầy phấn khích là được gật đầu chào một người phụ nữ tuyệt đẹp thường xuyên chạy giống như ông (điều này khẳng định tính đúng đắn của câu ngạn ngữ “Con chim dậy sớm thì bắt được sâu”). Nhưng quan trọng hơn cả, nhờ chạy bộ thường xuyên mà Murakami, một con nghiện thuốc lá trước đây, giữ được sức khỏe tốt để liên tục cống hiến cho độc giả thế giới những cuốn tiểu thuyết hấp dẫn. Cho đến lúc viết cuốn sách này, ông đã không còn ngần ngại mà đặt tên cho một chương là: “Phần lớn những gì biết về viết văn tôi đều học được bằng cách chạy bộ mỗi ngày”.

Trong cuốn sách sử dụng lại cái nhan đề nổi tiếng, như nhiều độc giả hẳn đã nhận ra, của một tập truyện ngắn Raymond Carver (“What We Talk About When We Talk About Love” – Chúng ta nói gì khi bàn về tình yêu; sắp có bản dịch tiếng Việt), Murakami trình bày con người mình theo một cách thức đặc biệt trực tiếp, trong đó nổi bật là quan niệm của ông về sự nghiêm túc. Khi mới bắt đầu chạy, ông đã đến Athens với mục đích viết phóng sự về chạy maratông, và trước sự kinh ngạc của các phóng viên, ông thực sự chạy hết quãng đường của người chiến binh năm xưa, không ăn bớt lấy một mét nào. Có thể đây là một sự kỳ quặc của tính cách Murakami, cũng kỳ quặc như khi ông có lần kể mình hay ra sau vườn nhà đào lỗ, lấp lại, rồi lại đào. Nhưng xét cho cùng, chạy để viết là một hình thức tập luyện còn lành mạnh hơn nhiều so với một số phương cách khác thông dụng hơn và cũng được không ít nhà văn coi là nghiêm túc, như uống rượu, ra đường hứng mưa, hoặc thậm chí là dùng thuốc lắc.

----------

Du hành cùng một quyển sách

Cuối cùng thì một nhân vật đặc biệt xuất sắc của thế giới báo chí quốc tế thế kỷ hai mươi đã đến được với Việt Nam thông qua một tác phẩm rất nổi tiếng: “Du hành cùng Herodotus” (Nguyễn Thái Linh dịch từ tiếng Ba Lan, Nhã Nam và NXB Văn hóa Sài Gòn). Nhân vật đó tên là Ryszard Kapuscinski, chắc hẳn là người Ba Lan được biết đến nhiều nhất trên toàn cầu cùng với Lech Walesa và Karol Woltyla (tức Giáo hoàng Jean-Paul II). Và khi đọc “Du hành cùng Herodotus”, người ta có thể hiểu tại sao một nhà văn khó tính như Salman Rushdie lại từng dùng sự ngưỡng mộ để miêu tả Kapuscinski: “Nếu nghe nói về một con đường không ai đi nổi mà sống sót, ông sẽ đi vào đó, chỉ để xem mình có vượt qua được hay không” và nữa: “Một Kapuscinski đáng giá bằng một nghìn nhà văn làng nhàng chuyên rên rỉ và mơ mộng hão huyền”.

Vào năm 1964, Kapuscinski (khi đó 32 tuổi), được Hãng Thông tấn Ba Lan (PAP) cử làm thông tín viên nước ngoài duy nhất của hãng, điều đó có nghĩa là trong mười năm liền ông phụ trách đưa tin từ 50 nước. “Sở trường” của Kapuscinski là viết về các nước thuộc Thế giới Thứ ba, và không bỏ qua vụ việc lớn nào trong đời sống chính trị của các nước ấy. Trong “Du hành cùng Herodotus” ông kể lại vụ đảo chính đầy kỳ lạ ở Algeria; đang ở Dar es-Salaam, bỗng nhiên ông được vị đại sứ Algeria mời đến gặp để nói ông nên đi sang đất nước Bắc Phi, dù chưa hề có một dấu hiệu nào cho thấy sẽ có một cuộc đảo chính lớn. Thế nhưng Kapuscinski, tuân theo sự nhạy cảm nhà nghề của một thông tín viên chuyên nghiệp, đã trở thành chứng nhân của cuộc đảo chính lật đổ “bạo chúa” Ben Bella để đưa Boumedienne lên nắm quyền tại Algiers, “thành phố lớn, đầy nắng, trải ra bên bờ vịnh rộng hình vòng cung” (tr. 286).

Rồi Iran của cuộc cách mạng Hồi giáo dưới sự đứng đầu của “ông già cứng rắn và nguy hiểm” Ayatollah Khomeini (tr. 189) năm 1979, khi mà Kapuscinski ở Tehran để theo dõi và viết về những tuần lễ cuối cùng của các vị Shah Hồi giáo. Tất nhiên không thể bỏ qua Uganda, Congo, Ấn Độ, Trung Quốc và rất nhiều nơi nữa, mà “Du hành cùng Herodotus” đã kể lại một phần (rất nhỏ so với hàng chục năm không dừng chân của một phóng viên quả cảm, dĩ nhiên!).

Theo tổng kết, khi quay về sống ở Ba Lan cuộc đời Kapuscinski đã trải qua 27 cuộc cách mạng hoặc đảo chính, 40 lần bị nhốt vào tù, và sống sót qua bốn án tử hình. Một cuộc đời phiêu lưu như vậy dĩ nhiên làm người ta cảm thấy bị cuốn hút, và quả thực là một điều vô cùng hiếm có của thời chúng ta sống ngày nay, khi mà phương tiện đi lại thuận tiện cũng đồng nghĩa với các hiểm họa trên con đường du hành giảm đi đáng kể. Nhưng không chỉ có vậy, con người văn hóa của Kapuscinski cũng khiến ông tìm thấy vẻ đẹp của sự nhiệt hứng ở những giọt mồ hôi đầm đìa trên cơ thể Louis Armstrong khi nhạc sĩ tài danh đến biểu diễn ở Khartoum (Sudan) năm 1960 trước một nhúm người cùng màu da với ông nhưng gần như không được hoan nghênh (tr. 159-161).

Thế nhưng, điều thực sự làm nên giá trị văn học cho “Du hành cùng Herodotus” nằm ở cái nhân vật vô hình nhưng lúc nào cũng ở bên cạnh nhà phóng viên kể từ đầu sự nghiệp quốc tế: sử gia Hy Lạp cổ đại Herodotus. Quyển “Sử ký” của Herodotus là món quà tặng của vị tổng biên tập cho chuyến đi nước ngoài đầu tiên của Kapuscinski (sang Ấn Độ) và sẽ luôn ở bên cạnh ông. Trong “Du hành cùng Herodotus” ông đã viết như thế này: “Khi ấy ở Congo, những câu chuyện Herodotus kể cuốn hút tôi đến mức nhiều khi tôi sống trong nỗi kinh hoàng của trận chiến giữa Hy Lạp và Ba Tư nhiều hơn là của cuộc chiến tranh Congo đang diễn ra mà tôi là thông tín viên này” (tr. 212). Kapuscinski thuộc vào hạng người ấy: cuộc du hành thực tế trong cuộc đời luôn song song với một cuộc du hành vô hình, trong tâm trí, một bên thì đi xuôi thời gian, còn bên kia thì đi ngược. Kapuscinski đọc Herodotus để biết về lịch sử các miền đất mà mình đặt chân đến, nhưng đi kèm đó cũng là niềm khát khao được nhìn thấu đáo mọi điều, được mở rộng lòng mình cho những mới mẻ, được thông cảm với những con người không một chút giống mình.

Một điều đặc biệt nữa là trong “Du hành cùng Herodotus”, Kapuscinski đã thực hiện một phân tích hết sức tỉ mỉ phương pháp làm việc và bản thân con người của Herodotus, như ông cảm nhận khi đọc đi đọc lại các đoạn trong tác phẩm bất hủ về những sự kiện và con người xa xăm. Không chỉ học được thái độ làm việc nghiêm túc từ sử gia, Kapuscinski còn có thể đưa ra một hình dung về nhân vật rất ít được biết tới ngày nay, hay nói chính xác là viết một “hư cấu” về nhân cách Herodotus và đặt nó vào một cuốn sách phi hư cấu như “Du hành cùng Herodotus”. Tác phẩm của Kapuscinski, ngay lập tức, trở nên đa dạng và vươn lên một tầm cao của thể loại du ký rất thường xuyên bị biến thành những bản ghi chép phong tục rườm rà không mấy có ích cho sự hiểu của chúng ta với thế giới.

----------

Wasabi Ogawa

Các nhà văn nữ Nhật Bản được dịch ra tiếng Việt trong thời gian gần đây đã đưa đến một hình tượng văn chương hiếm khi thấy trong tiểu thuyết: hình tượng dịch giả. Người nghèo, người giàu, bác sĩ, luật sư, kẻ si tình, gã phụ bạc, cô nương diễm lệ, và đặc biệt nhà văn, tất thảy đều từng có những cái tên riêng gây lưu luyến cho người đọc bao đời. Nhưng dịch giả, cái kẻ từng bị nhà văn García Marquez gọi là “con khỉ” bắt chước mình, có lẽ không mấy gợi hưng phấn văn chương, cái công việc đều đều tẻ nhạt đặc thù của nghề này, sự cần mẫn thô kệch của nó dường như không thích hợp để tạo ra vòng hào quang thu hút, hay một sự say mê vượt khỏi cái thông thường, hay một sự nhọc nhằn đáng sợ, hay một tầm vóc lớn lao gây choáng ngợp…

Banana Yoshimoto có một nhân vật chính là dịch giả kỳ bí trong “N.P.”, và gần đây hơn Yoko Ogawa cũng làm điều tương tự trong “Quán trọ Hoa Diên Vỹ”. Hoa diên vỹ (Iris) vừa là tên một loài hoa, vừa là tên một nữ thần trong thần thoại Hy Lạp. Dường như ngoài đó ra còn có thêm một dấu ấn thần thoại Hy Lạp khác nữa, ở nhân vật dịch giả - kẻ tự yêu mình Narcissus và nữ thần buồn bã Echo (cô gái trẻ Mari) cứ không ngừng chạy theo chàng Narcissus để si mê trong vô vọng.

Dần dà, đọc văn chương Nhật Bản, ta chợt hiểu ra không chỉ trong ẩm thực người Nhật mới thích cá sống và wasabi, mà ở lĩnh vực nào họ cũng thích những gì xộc thẳng lên mũi làm mụ mị cả đầu óc. Các khái quát về căn tính dân tộc tuy luôn đơn giản và “cliché” đến đáng ngạc nhiên nhưng phần lớn cũng đúng đến đáng ngạc nhiên: khó tìm được người Đức nào không “vuông vắn”, người Pháp nào không hoa lá cành, người Ý nào không nói nhiều, người Việt nào không nhổ nước bọt ra đường  và tiểu thuyết Nhật nào không đậm đặc tình dục kỳ quái. Tình dục trong tác phẩm của những nhà văn như Tanizaki hay Murakami (nhất là Ryu) luôn cay nồng, xộc lên gây choáng váng. Nhiều người không ăn được wasabi, nhưng khi đã quen thì thường lại rất thích.

Cô gái trẻ ở quán trọ Hoa Diên Vỹ có cơn choáng váng đầu tiên trong truyện (và hẳn cũng là đầu tiên trong đời) vào cái đêm lộn xộn ấy, khi quán trọ của mẹ con cô bỗng ồn ào lên khi nhân vật người đàn ông trung niên sắp về già dẫn gái bán hoa vào rồi hai bên cãi nhau. Toàn bộ sự lộn xộn bị dập tắt bằng một câu nói duy nhất, phát ra bằng một giọng nói làm rung động cô gái trẻ đến tận sâu xa trong lòng. Đó là “một giọng nói đầy chín chắn”, một “chất giọng tuyệt vời” (tr. 11), nói đúng hơn là một giọng nói ma lực sẽ dẫn dắt cô gái Mari mười bảy tuổi bước vào và đi qua một cuộc phiêu lưu vừa quyến rũ vừa khủng khiếp với dịch giả tuổi trung niên kia.

Từ đầu đến cuối “Quán trọ Hoa Diên Vỹ”, Yoko Ogawa dẫn dắt người đọc bằng rất nhiều mảnh nhỏ của sự tinh tế. Tinh tế trong những nhận xét, cảm nhận, như khi lần đầu tiên hẹn hò cùng dịch giả, Mari thấy từ ông ta không tỏa ra chút “hương vị gia đình” nào, và như thể là một nhân vật “chẳng liên quan gì đến dòng chảy thời gian” (tr. 44). Sự tinh tế còn đặc biệt nằm trong các chi tiết rất nhỏ mà Ogawa liên tục đưa vào mạch truyện, một cách đầy tự nhiên và duyên dáng: mái tóc của Mari, người đàn bà trùng tên (Iris) với quán trọ, rồi Mari trùng tên với nhân vật chính trong cuốn sách tiếng Nga mà dịch giả đang dịch, sự xuất hiện của người cháu nhân vật dịch giả, và đặc biệt là câu chuyện xảy ra với bà giúp việc. Những chi tiết tâm lý trong một cuộc đối đầu ngầm đầy khốc liệt nhưng không được ai biết tới giữa cô gái trẻ và người đàn bà có thói ăn cắp vặt được Ogawa xếp vào tiểu thuyết như một cách để đẩy các nhân vật đi xa hơn trong các giới hạn nội tâm của mình. Cách miêu tả những sự kiện vặt vãnh nhưng đầy ý nghĩa đó gợi ta nhớ đến hai nhà văn bậc thầy của Ogawa: Tanizaki, mà cô kính trọng, và Paul Auster, mà cô từng gặp và rất ngưỡng mộ, đặc biệt là tiểu thuyết “Moon Palace”.

Vẫn sự tinh tế ấy được Ogawa thể hiện theo những cách thức hoàn toàn khác trong “Nhật ký mang thai” hoặc “Giáo sư và công thức toán”, hai tiểu thuyết khác đã được dịch ra tiếng Việt. Khi nồng ấm thì rất mực nồng ấm và đầy xúc cảm, như ở “Giáo sư và công thức toán”, nhưng lúc cần lạnh lẽo thì cô cũng có thể đẩy sự ghê sợ và nỗi ám ảnh lên mức độ rất cao, như trong “Quán trọ Hoa Diên Vỹ”. Wasabi của Ogawa có nồng độ rất mạnh, hiếm khi nó để cho độc giả được bình thản đứng bên ngoài. “Quán trọ Hoa Diên Vỹ” lôi tuột chúng ta vào một câu chuyện đầy chênh vênh, bắt đầu từ một giọng nói, và kết thúc bằng một âm thanh khác: tiếng rơi xuống nước của nhân vật dịch giả.

----------

Những con chim không ẩn mình, không chờ chết

Trong tiếng Anh, những người như Đan Đông được (đúng hơn là “bị”) gọi là “rệp” (bug): con rệp hút trộm máu các bữa tiệc. Chính vì vậy nhan đề tiếng Anh cuốn tiểu thuyết “Khách không mời” (tác giả: Geling Yan tức Yến Kha Lăng, Lê Quang dịch, Phương Nam và NXB Hội Nhà văn) có tên “The Banquet Bug” (Rệp Tiệc).

Còn trong tiếng Pháp, những người trơ mặt đến đóng giả nhà báo hoặc nhân vật mang lý lịch vượt trội để được tiệc tùng ngon lành và no nê có lúc được gọi là “hirondelle”, nghĩa là “chim nhạn”. Những con chim này không ẩn mình và không chờ chết; không có gì chung giữa những con chim chiến đấu vì cái dạ dày này và những con chim của dòng văn học nhiều nước mắt (Cha Ralph, xén lông cừu và trang phục màu tro của hoa hồng). Ngược lại, đó là những con chim xuất hiện ở những bữa tiệc xa hoa nhất, đụng đũa vào các món ăn cầu kỳ và bí ẩn nhất, thậm chí nhiều khi mặt còn lấp ló trên báo chí. Chúng cũng hoạt động rất tích cực để sống, quẫy đạp trong cõi đời khó nhọc, giống như Đan Đông của nhà văn Yến Kha Lăng, người có độc hai chiếc áo sơ mi nghiêm chỉnh, một màu trắng một xanh da trời, rất lo gây tổn thất cho cà vạt và luôn tự hỏi đến ăn tiệc lén lút như vậy thì sao lại có tội, vì lúc nào cũng “có quá nhiều thức ăn cơ mà”.

Đan Đông thò mỏ vào “mổ” các bữa tiệc cần có truyền thông làm bệ đỡ. Và vì bản chất vốn là “một con rệp thật thà” nên anh ta cũng có đạo đức riêng của mình: “Ăn tiệc là một công việc nghiêm túc và căng thẳng, đòi hỏi đạo đức nghề nghiệp tốt, siêng năng, dũng cảm, vân vân và vân vân” (tr. 17). Nghe rất giống đạo đức của mọi thứ nghề có chỗ đứng đường hoàng dưới mặt trời nào khác. Đạo đức này, trong “Khách không mời” sẽ còn được lồng vào với một đạo đức khác: không hề ngờ trước, Đan Đông dần trở nên giống như đích thực một “nhà báo chân chính”. Những cuộc gặp gỡ không ngờ bên bàn tiệc dẫn anh ta đến với một số con người đau khổ. Đến một lúc, Đan Đông “ngộ” ra được một điều mà ngay cả nhiều nhà báo được cấp thẻ hành nghề cũng chưa bao giờ nghĩ tới: làm báo nghĩa là “tìm những nhân vật thương đau, rồi đào bới những nỗi thống khổ của họ lên” (tr. 360).

Thủ pháp của Yến Kha Lăng không có gì mới mẻ, nhưng cũng chính có thể vì vậy mà nó thuyết phục: đặt sự xa hoa bên cạnh sự bần cùng, sự thờ ơ bên cạnh những xúc động chân thành từ tâm hồn một con người vẫn chưa thoát hết khỏi nguồn gốc nông dân như Đan Đông. Tương phản càng lớn, nhất là giữa những gì đút được thẳng vào mồm (tổng giám đốc Vũ chuyên xây nhà chung cư chất lượng tồi tệ ăn một bữa bằng tiền lương mấy năm của công nhân) khiến sự chua xót hiện lên không gợn một chút nghi ngờ: “Cái xã hội này bệnh hoạn rồi” (tr. 23).

Cũng vì đưa cái thấp kém vào đặt cạnh cái hào nhoáng nên tuy cũng cùng bày ra khung cảnh tồi tệ và xấu xa của nghề báo nhưng Đan Đông của “Khách không mời” không có gì chung với nhân vật lừng danh Georges Duroy của Guy de Maupassant trong “Bel Ami” (Anh bạn điển trai). Duroy lợi dụng nghề báo để tiến thân và đi lên trong xã hội, trong khi Đan Đông lợi dụng danh nghĩa phóng viên chỉ để ăn, rồi đi xuống trong xã hội: từ tư cách một “công nhân dự phòng” trở thành tội phạm, bị công an bắt, nghĩa là lâm vào số kiếp của một “con rệp có thể bị nghiền nát bất cứ lúc nào” (tr. 68).

Cuốn tiểu thuyết này xứng đáng được xếp vào danh mục tác phẩm xuất sắc lấy lưu manh làm chủ đề sáng tác. Danh mục này rất dài trong văn học Trung Quốc (cũng như văn học Việt Nam). Dù được thể hiện theo cách này hay cách khác, được nhìn nhận không giống nhau ở mỗi trường hợp, nhưng văn học Trung Quốc quả thực dày đặc lưu manh, từ các chàng thảo khấu thích bắn cung và đào tường khoét ngạch trong “Thủy Hử” của văn chương cổ điển cho tới kiệt tác “AQ chính truyện” của Lỗ Tấn sau này, rồi cả trong tác phẩm của các nhà văn trẻ hiện nay. Văn học hóa sự lưu manh dường như là một dòng văn chương không thể bỏ qua; mặt khác nó cũng đặc biệt hấp dẫn. Dù thế nào đi nữa, văn học hóa sự lưu manh chắc chắn vẫn tốt hơn nhiều so với lưu manh hóa văn học.

----------

Sống ở đâu?

Đưa tới hai từ “nước Mỹ” vào nhan đề tập truyện ngắn (“Nước Mỹ, nước Mỹ”, Phương Nam và NXB Trẻ), Phan Việt tỏ ra còn tham vọng hơn cả khi chọn nhan đề “Tiếng người” cho cuốn tiểu thuyết mới xuất bản cách đây không lâu của mình. Dĩ nhiên sự liên tưởng đơn giản sẽ đưa người đọc đến thẳng với các nhan đề tương tự, chẳng hạn như bộ phim “In America” của đạo diễn Jim Sheridan (2002) kể chuyện một gia đình nhập cư người Ailen đến Mỹ căng thẳng vật lộn cùng một lúc với sự sinh tồn và với những bi kịch bên trong của từng cá thể, xoay quanh mất mát từ cái chết của một đứa con.

Truyện ngắn mang cùng tên với tập truyện, “Nước Mỹ, nước Mỹ”, thoạt đầu có thể làm người đọc tưởng chừng như cùng một kiểu cốt truyện đó sẽ được sử dụng (người chồng thất nghiệp, chỉ người vợ đi làm), nhưng hoàn toàn không phải. Cuộc sống của các cặp vợ chồng trong tập (ở các truyện ở đây, cuộc sống vợ chồng là tiêu biểu hơn cả, tuy rằng cũng có vài mảnh đời riêng và tuy rằng cái sự vợ chồng cũng không đảm bảo một mức độ kết nối thông thường, hay được gọi là “hạnh phúc”) đều không mấy khó khăn, thậm chí còn có thể nói là sung túc: trong “Cách mạng baby”, cặp vợ chồng mua được một căn nhà nhỏ ở ngoại ô, mỗi người lái một chiếc ôtô khá, còn trong “Ái khanh ơi ái khanh”, người chồng thậm chí còn phát ngôn đầy kiêu hãnh: “Tôi chỉ quan tâm đến công nghệ. Tôi không quan tâm đến kiếm tiền” (tr. 113) (có lúc anh ta còn khẳng định là mình “không nỡ” kiếm nhiều tiền).

Cuộc sống các nhân vật của “Nước Mỹ, nước Mỹ”, quả thực, không khó khăn, nhưng điều đó không ngăn cản họ rơi vào các tình thế khó, và không khí tỏa khắp tập truyện này là một bầu không khí “khó ở”, không hẳn là ngột ngạt, nhưng không dễ chịu. Cặp vợ chồng của truyện “Nước Mỹ, nước Mỹ” rơi vào cơn nguội lạnh kéo dài: “Chúng tôi hầu như không còn làm tình nữa” (tr. 20); cặp vợ chồng trong “Ái khanh ơi ái khanh” cố gắng duy trì sự tự do của nhau nhiều hơn là vun đắp cho một kết nối thực thụ giữa hai cá thể mang tên vợ chồng sống cùng nhau dưới một mái nhà; cuối cùng, cặp vợ chồng của “Cách mạng baby”, hai người coi nhau là “đồng chí”, bỗng chốc vấp phải chướng ngại vật hiện thân trong chính ý nguyện cao nhất của gần gũi nhau: cùng có một đứa con. Ba truyện vừa kể tên cũng là ba truyện hay nhất của tập “Nước Mỹ, nước Mỹ”, chúng giúp xóa bớt đi được cảm giác mệt mỏi khi đọc những trường đoạn phát ngôn lý tưởng gượng ép và giản đơn trong “Nghiên cứu sinh” hay “Một chuyến bay đêm”, cũng như những đoạn chửi tục xuất hiện khá nhiều mà không ăn nhập gì với nội dung và không khí các truyện.

Câu hỏi then chốt của “Nước Mỹ, nước Mỹ” rốt cuộc hóa ra không phải là sự lắt léo và hoang mang của “Làm thế nào để sống sót?” mà đơn giản, và, do đó, cơ bản hơn nhiều: “Sống ở đâu?” Một cặp vợ chồng định lái xe cả đêm để chạy khỏi New York đến một nơi khác (“Ba ngàn dặm xuyên nước Mỹ”), một cặp vợ chồng khác những tưởng mình sẵn sàng bỏ tất cả để đến một chốn mơ hồ (“Canada, Canada”), nhưng kết quả đều là sự hoành hành của nỗi không chắc chắn. Ngay cả khi nhân vật quay trở về nơi thân thuộc của mình thì điều phát hiện lớn nhất sẽ là niềm lạc lõng không hiểu nổi là đang thuộc về đâu (“Những ngày ở Việt Nam”). Chúa cũng không giúp được gì cho họ: “Trời ơi, Chúa! Tôi đếch quan tâm” (“Nước Mỹ, nước Mỹ”, tr. 26).

Chính vì lẽ đó mà những cái tên riêng trở thành chìa khóa của tập truyện, dù thật không thể chắc chắn những chiếc chìa khóa ấy có thể dùng để mở cửa nơi đâu. Các địa danh quan trọng nhất cứ liên tục bị kéo dài ra, lặp lại, như để cố gắng định hình một cái gì đó rất không rõ ràng, đồng thời lại như thể nhấn mạnh hơn tính chất mông lung của địa điểm. Trước hết là “nước Mỹ, nước Mỹ”, nhưng còn có “Canada, Canada”, và cả tên các thành phố: “Chicago, Chicago” và đặc biệt là “New York, New York” (cách lặp từ mang đậm hơi hướng Martin Scorsese và giọng ca mãnh liệt của Liza Minnelli trong bộ phim cùng tên năm 1977).

Cái đọng lại lâu nhất của “Nước Mỹ, nước Mỹ” có lẽ chính là tiếng ngân dài trống vắng ấy (kết quả của quá trình đó chính là sự vô định), cùng với hương vị của những viên kẹo bạc hà Halls “cay rát lưỡi, thậm chí đắng” mà nhân vật người vợ thường ngậm trong truyện ngắn “Nước Mỹ, nước Mỹ”.

----------

Dòng lạ

Hơn hai mươi năm trước đây, người đọc Việt Nam bắt đầu biết đến tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn” và ngày càng có chiều hướng đồng hóa nền văn học Mỹ La tinh với một vài tên tuổi nhất định, trong đó nổi bật hơn cả là García Marquez, luôn được nhắc đến ở tần số cao nhất ở những lần liệt kê bậc thầy văn chương của các nhà văn Việt Nam. Nhà văn Columbia cũng được báo chí văn nghệ nước ta tập trung khai thác đến kiệt cùng, từ vụ thượng cẳng chân hạ cẳng tay với một nhà văn Mỹ La tinh khác cũng lừng danh là Vargas Llosa cho tới tình thân hữu hảo giữa ông và Fidel Castro hay những ăn chơi trong giới bình khang khi đã rất già… Nghĩa là chúng ta được biết rất nhiều về khí chất con người Mỹ La tinh xuất lộ ở các nhà văn nổi tiếng mà không mấy nắm được tiến trình phát triển của cả một châu lục đầy rực rỡ về văn chương nghệ thuật. Một thái cực khác là dòng văn thuần túy best-seller của nhà văn Brazil Paolo Coelho, với các chủ đề triết học đơn giản và dễ hiểu, liên tục hiện diện trên thị trường Việt Nam từ nhiều năm nay.

Jorge Luis Borges của Argentina (nói đúng ra thì không hoàn toàn là Argentina, vì kích cỡ và sự xuất sắc của Borges vượt khỏi bất kỳ ranh giới địa lý hữu hình nào), đại diện của tính trí thức trong văn học Mỹ La tinh, không mấy tìm được tiếng vang ở Việt Nam, và càng ít được biết đến hơn là các nỗ lực của nhiều thế hệ nhà văn sau này trong việc thoát ra khỏi những cái bóng quá lớn của quá khứ. Nhiều người từng kêu gọi hãy đọc Cesar Aira (một nhà văn Argentina khác) thay vì suốt ngày ca tụng Borges, và nhiều nhà văn, đặc biệt ở hai trung tâm lớn của văn học Mỹ La tinh, Mexico và Chile, nghĩ rằng García Marquez không phải một hình mẫu nhất thiết và văn chương không bắt buộc phải có cảnh bà nội bà ngoại bay lên trời.

Gần đây hai cuốn tiểu thuyết từ khu vực nói trên đã được xuất bản tại Việt Nam, chắc hẳn có thể giúp cải chính phần nào cảm giác về một nền văn học khó nắm bắt nhưng đầy quyến rũ, và chắc chắn là cũng giàu chất “hiện thực” như bất kỳ nền văn học nào khác, đồng thời cũng không tìm cách chăm chăm nhấn mạnh vào tính “huyền ảo” hơn văn chương một lãnh thổ nào. Quyển thứ nhất là “Cuộc sống vợ chồng” của nhà văn người Mexico Sergio Pitol (Lê Xuân Quỳnh dịch, Bách Việt & NXB Phụ nữ), bản chứng từ đầy chi tiết nhưng cũng không thiếu điên rồ của đời sống hôn nhân. Quyển thứ hai, “Đêm Chile” của nhà văn Chile Roberto Bolaño (Bùi Trọng Nhự dịch, Bách Việt & NXB Phụ nữ), lại là một hồi ức đầy lạ lùng của một thầy tu kiêm nhà thơ và nhà phê bình văn học của đất nước Chile.

Điều khiến hai cuốn tiểu thuyết này gần nhau là nỗ lực của hai tác giả trong việc đưa lại cuộc đời gần như hoàn chỉnh của hai con người trong rất ít trang sách (hai cuốn tiểu thuyết đều dày chưa tới 200 trang). “Cuộc sống vợ chồng” là đời Jacqueline Cascorro, một người đàn bà mang đầy đủ khí chất của một phụ nữ Mỹ La tinh: nồng nhiệt, bốc đồng, sẵn sàng bắt tay vào một việc gì đó hơn là kết thúc nó. Cùng với người chồng Nicolás Lobato, Jacqueline sống qua đầy đủ cái mà người ta gọi là “cuộc sống vợ chồng”, nhất là các khía cạnh đen tối nhất của cuộc sống ấy. Điển hình cho cái tính khí bốc đồng và xét cho cùng là phù phiếm của Jacqueline là một cuốn sổ trong đó bà “dùng hai trang để chép lại các câu trích dẫn về văn chương mà bà thích thú và một trang khác để bày tỏ những tình cảm của mình trước cái mà bà cho là thất bại của cuộc hôn nhân” (tr. 14). Jacqueline không hoàn toàn trải qua cuộc sống vợ chồng, mà bà đi qua nó với một niềm tin chắc chắn vào sự thất bại của nó, ấn tượng không có thực về một thảm họa có thực; tất cả được miêu tả dưới một ngòi bút bậc thầy pha hơi hướm Balzac.

“Đêm Chile” đáng nói hơn ở kỹ thuật viết văn: từ đầu đến cuối cuốn tiểu thuyết là một khối duy nhất không tách rời, không có xuống dòng, và cần phải đọc nó trong tinh thần của một đêm trọn vẹn, một đêm có “tính chất Chile” theo một cách nào đó. Trong cái đêm ấy, không có các câu chuyện, mà có các “mảng” truyện: mảng truyện về nhà phê bình kiệt xuất Farewell, mảng truyện có liên quan đến nhà thơ Chile được giải Nobel Văn học Pablo Neruda, mảng truyện về nhà văn Đức danh tiếng Ersnt Juenger, nhưng đồng thời cũng có mảng không liên quan gì đến văn chương, như khi Bolaño miêu tả đầy sinh động những con chim ưng của các vị linh mục. Để rồi Allende và Pinochet qua đi trên chính trường, còn với nhà phê bình Ibacache ở thời điểm cuối đời, mọi thứ, mọi gương mặt “đều lướt đi với tốc độ chóng mặt” trong đêm Chile mịt mù, như một chứng tích cho một dòng lạ của văn chương thế giới.

----------

Thảm họa của đời thường

Tác phẩm nghệ thuật lớn có một năng lực hết sức đặc biệt: làm người ta thấy bất an ngay cả khi nó bày ra những khung cảnh sống rất đỗi bình thường. Thảm họa ở những mức độ khó ngờ, kỳ quặc và hoang đường xảy đến với một gia đình Mỹ trung lưu trong phim “American Beauty” là một ví dụ; hoặc nữa, sự xấu xa của những con người tốt và bình dị từ lâu đã trở thành chủ đề ám ảnh của đạo diễn Lars von Trier. Trong văn học, Ian McEwan cũng đi theo mạch sáng tạo đó để viết nên trên dưới mười cuốn tiểu thuyết xới tung xã hội Anh ngày nay, những câu chuyện mang tính chất cường toan nồng độ mạnh đục thủng từ bên trong các cá nhân và các thể chế xã hội.

Một nhà văn rất thành công chuyên viết truyện cho thiếu nhi đột nhiên đánh mất đứa con gái ba tuổi ở ngay quầy tính tiền siêu thị gần nhà: tình tiết mở đầu tiểu thuyết “The Child in Time” của McEwan đưa toàn bộ phần tiếp theo của tác phẩm vào một cơn ác mộng của sự vắng mặt và mất mát. Thảm họa ở trong “Trên bãi biển Chesil” (cuốn tiểu thuyết mới nhất của McEwan nhưng lại là tác phẩm đầu tiên được dịch ra tiếng Việt mới đây, do dịch giả Đặng Tuyết Anh chuyển ngữ, Nhã Nam và NXB Văn học ấn hành) lại được miêu tả theo chiều ngược lại.

Edward xuất thân bình dân nhưng đầy tham vọng trở thành sử gia về các nhân vật ít nổi bật và Florence, nghệ sĩ violon ở giai đoạn đầu sự nghiệp, vừa cưới nhau. Chuyện không có gì lạ. Cũng không có gì lạ việc họ đến một khách sạn bên bờ biển cho đêm tân hôn. Bữa tối hơi có phần gượng gạo (rất bình thường, vì hai nhân vật mới ngoài hai mươi tuổi) nhưng rồi cũng trôi qua ổn thỏa. Cảnh vật bên ngoài thì rất đỗi êm đềm (“bãi cỏ rộng xanh mượt như rêu, và xa hơn nữa, một đám những bụi hoa và cây cối bên bờ dốc nghiêng xuống một con đường nhỏ dẫn ra bãi biển” – tr. 8). Nhưng tất cả sự bài trí ấy chỉ dùng để đánh lừa: bối cảnh thực thụ sẽ diễn ra ở trên giường trong một cuộc ân ái đầu tiên đầy cay đắng, hỏng hóc và kéo dài trên bãi biển, với những lời kết tội khó ngờ nổi ở hai con người thực sự yêu nhau. Câu chuyện cổ tích trở thành cơn ác mộng, và Edward đến lúc phải thốt lên: “Em xử sự như thể đây là năm một tám sáu hai” (tr. 190) – trong khi thực tế họ đang ở năm 1962.

Năm 1962, chỉ vài năm trước khi xã hội phương Tây bùng nổ, trước khi giới trẻ biến thế hệ của mình thành một “Generation Now”, đòi hỏi mọi thứ “ngay bây giờ” (hòa bình ngay bây giờ, tự do ngay bây giờ, tình dục ngay bây giờ, v.v…). Ian McEwan đã đưa vấn đề thời điểm vào tiểu thuyết của mình một cách gọn nhẹ như vậy, vẫn với cái cách thức rất có vẻ dửng dưng như thường thấy ở các tiểu thuyết khác của ông. Thời gian của McEwan có thể là một dạng hồi cố như trong “Amsterdam”, cuốn tiểu thuyết giành giải Booker năm 1998 (các nhân vật gặp nhau ở đám tang một người khác), hoặc chỉ ngắn ngủi một ngày như trong tiểu thuyết “Saturday”, cuốn sách được nhà phê bình Michiko Kakutani lừng danh của tờ “The New York Times” khen ngợi là một trong những tác phẩm thành công nhất sau 11/9.

Những tình huống trớ trêu hóa ra không chỉ tồn tại trong tác phẩm hư cấu của Ian McEwan, mà còn cả trong cuộc đời ông. McEwan có hai “The Child in Time”: một là cuốn tiểu thuyết nói trên, một là lời giới thiệu cho cuốn tự truyện của người anh trai cùng mẹ khác cha David Sharp mới in gần đây. Mãi tới năm 2002 nhà văn mới biết về sự tồn tại của David, bị mẹ bỏ rơi (trao cho người lạ ở một ga tàu hỏa). Bài viết của McEwan thể hiện sự cảm thông sâu sắc với hoàn cảnh khó khăn của những năm chiến tranh (David bị cho đi vào năm 1942 khi mới sinh - McEwan sinh ra sáu năm sau đó, năm 1948). Đây cũng là dịp để ông hiểu được rõ hơn cuộc đời chính mình và số phận cả gia đình. Ông nói về lần đầu tiên gặp người anh trai: “Tôi sẽ luôn coi đó là một trong những thời khắc kỳ lạ và tuyệt vời nhất trong đời mình, khi tôi bước vào một quán rượu ven rìa Oxford vào tháng Hai năm 2002 cho cuộc hẹn gặp với một người anh trai mà tôi chưa bao giờ gặp”.

Hiện nay, McEwan và Martin Amis là hai nhà văn da trắng nổi bật hiếm hoi (bên cạnh những cây bút xuất sắc như Julian Barnes hay David Lodge) của một nền văn chương Anh đương đại vô cùng đa dạng về giọng điệu và nguồn gốc (hai nhà văn đình đám nhất hiện nay chắc hẳn là V.S. Naipaul và Salman Rushdie đều không phải gốc Anh; Aravind Adiga, tác giả giành giải Booker 2008 vừa rồi, cũng là người gốc da màu). Giọng văn cay độc, tỉnh táo và nhiều khi đen tối của Ian McEwan sắp tới sẽ tiếp tục được giới thiệu với độc giả Việt Nam qua “Atonement”, cuốn tiểu thuyết thường được giới phê bình thế giới coi là tác phẩm xuất sắc nhất của ông.

----------

Một và duy nhất

Một thị trấn nhỏ, vài đứa trẻ hiếu động gây ra nhiều rắc rối, một phiên tòa xử người da màu được thuật lại theo cách thức đủ để người ta thoáng nhìn thấy được công bằng và lòng nhân ái như lẽ sống ở đời… chỉ từng ấy yếu tố nhỏ bé cũng đủ để Harper Lee viết nên một câu chuyện cuốn hút và in dấu ấn khó phai lên bao thế hệ độc giả. Đó là câu chuyện về tình cha con, về lương tri của con người sống trong xã hội biết quan tâm đến những người xung quanh, nhưng đồng thời cũng là nơi chúng ta tìm lại được những cảm giác xa xôi của tuổi thơ, thông qua các cô bé cậu bé Scout, Jem, Dill. “Giết con chim nhại” (nhan đề thường được hiểu là một ẩn dụ cho sự thơ ngây đã mất) tặng cho người đọc một sự kết hợp đầy tài năng và cảm hứng của các yếu tố hết sức bình thường, một cuốn sách lớn nhưng giản dị.

Nhân vật đẹp nhất của “Giết con chim nhại” chính là người cha, “Bố Atticus”, luật sư. Tất cả những gì đẹp đẽ ở hai anh em Jem và Scout đều là học được từ ông. Trước tòa (phiên xử một người da đen bị kết án chủ yếu do thành kiến và kỳ thị), Atticus Finch dám nói: “Tom Robinson, một con người” (tr. 346). Tòa án cũng là lý tưởng của ông về một thể chế “trong đó mọi người sinh ra đều bình đẳng”: “Thể chế đó, thưa quý vị, chính là tòa án” (tr. 349). Rồi, trước sự bất công của cái tòa án mà ông mong mỏi ban ra được sự công bằng, lời bình luận của ông là: “Họ đã làm điều đó trước đây, họ đã làm điều đó tối nay, và họ sẽ còn làm như vậy nữa và khi họ làm vậy… có lẽ chỉ có trẻ con là khóc thôi” (tr. 362). Góa vợ từ sớm, Bố Atticus đã dạy cho các con lòng can đảm trong việc tin tưởng vào các phẩm chất riêng của chính mình.

Được kiểm chứng qua nửa thế kỷ, những câu chuyện giản dị miền Nam nước Mỹ của “Giết con chim nhại” chưa bao giờ phải gánh chịu sự thờ ơ của công chúng. Chưa kể hàng chục triệu bản sách được in, đã có ít nhất ba bộ phim nổi tiếng liên quan đến Harper Lee và “Giết con chim nhại”: bộ phim chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết với tài tử Gregory Peck, một người bạn của Harper Lee, và hai bộ phim về cuộc đời Truman Capote, trong đó vai Nelle Harper Lee lần lượt do Catherine Keener (“Capote”) và Sandra Bullock (“Infamous”) đảm nhiệm.

Sở dĩ như vậy là vì Harper Lee luôn được nhắc đến cùng tên tuổi Truman Capote (tác giả cuốn “tiểu thuyết phi hư cấu đầu tiên trong lịch sử” theo lời chính Capote, “In Cold Blood” - bản dịch tiếng Việt “Máu lạnh” của dịch giả Trần Đĩnh sắp được tái bản). Đây là một sự kiện hi hữu của lịch sử văn học Mỹ: tại một thị trấn vô cùng heo hút ở bang Alabama không mấy tiếng tăm về văn chương nghệ thuật lại có cùng một lúc hai nhà văn rất nổi tiếng của thế kỷ hai mươi: Harper Lee và Truman Capote ở ngay cạnh nhà nhau (Capote về Monroeville sống các mùa hè, còn Lee tả Maycomb như sau: “chẳng có gì vội vã, vì chẳng có nơi nào để đi” - tr. 14) và thân thiết với nhau từ nhỏ - Capote chính là nguyên mẫu của nhân vật Dill trong “Giết con chim nhại”. Sự thất học của một vùng “nhà quê” cũng là chủ đề được Harper Lee miêu tả đặc biệt sống động và hài hước trong những đoạn về lớp học của bọn trẻ con trong cuốn tiểu thuyết. Sau này Lee sẽ lên New York theo đuổi giấc mộng văn chương cùng người bạn, thế nhưng sau khi “Giết con chim nhại” được xuất bản vào năm 1960 rồi thành công lớn đến cùng giải Pulitzer, giữa hai người lại xảy ra bất hòa: Truman Capote tuyên bố ông có vai trò lớn trong quá trình viết cuốn tiểu thuyết; để đáp lại, người chị của Harper Lee từng nói đó là một lời nói dối lớn.

Từ năm 1964 Harper Lee không còn trả lời phỏng vấn báo chí nữa. Tác phẩm càng nổi tiếng thì tác giả của nó lại càng khép mình hơn. Nhưng không phải là một sự khép mình trốn tránh, khiếp sợ: mỗi năm Lee vẫn sống nửa thời gian ở New York nửa thời gian ở Monroeville và vẫn tỏ ra thoải mái trong cuộc sống riêng, hoàn toàn khác với sự trốn tránh cực đoan của một số nhà văn nổi tiếng như Salinger, Pynchon hay Blanchot. Chỉ đơn giản là bà không cộng tác với báo chí và những người viết tiểu sử. Việc không viết một cái gì khác kể từ “Giết con chim nhại” cũng không có vẻ gì gây tác động xấu đến tinh thần của Lee: có lẽ không ai sống tốt hơn bà cái danh hiệu “một và duy nhất” thông thường vẫn làm các nhà văn khác mất ngủ.

Trong “Giết con chim nhại” và trong cuộc sống của Harper Lee có hai địa điểm rất quan trọng: tòa án và nhà thờ. Một trong những đoạn kinh điển của cuốn tiểu thuyết là chương 12, khi bà giúp việc Calpurnia dẫn hai anh em Jem và Scout đến nhà thờ của người da đen tại Maycomb. Monroeville trong đời thực là một thị trấn nhỏ chỉ 7.000 dân nhưng có tới 28 nhà thờ. Ngôi nhà nơi Harper Lee sống đến tận ngày nay (bà đã trên 80 tuổi) cũng ở rất gần tòa án, và “Giết con chim nhại” đã vô cùng thành công với các chương về phiên tòa xử anh da đen Tom Robinson.

Đến bây giờ người ta vẫn có thể đến gõ cửa ngôi nhà ở Monroeville nơi Harper Lee sống cùng người chị gần trăm tuổi Alice Finch Lee để xin một chữ ký. Câu chuyện này được một nhà báo thuật lại: Harper Lee ra mở cửa, ký tặng nhưng không quên phàn nàn về việc bị quấy rầy; mọi chuyện chỉ đơn giản như vậy.

Harper Lee đối xử với danh tiếng bằng sự giản dị theo một phong thái không ai có thể bắt chước, cũng như sự giản dị của “Giết con chim nhại” đơn giản là không thể lặp lại.

20 comments:

  1. khiếp, note dài 2 năm đọc chưa hết! (Z)

    ReplyDelete
  2. Nhị Linh tập hợp lại in thành sách đi, đảm bảo bán chạy hơn sách về thời tiết của 5xu ;)

    ReplyDelete
  3. "Các nhà văn tự sát, Stefan Zweig, Ernest Hemingway, Arthur Koestler hay Wladimir Maiakovsky, khi thực hiện hành động tối hậu của cuộc đời mình, ai cũng hiểu là họ biểu hiện niềm tuyệt vọng và nỗi chán chường không thể vượt qua, trước một yếu tố của cuộc đời hay toàn bộ cuộc đời nói chung"
    Hic, anh ơi có gì từ từ giải quyết chứ! Sắp xếp lại bài vở thế này như là định theo chân các cụ à?

    ReplyDelete
  4. đoán giỏi đấy, đang bất mãn dữ tợn đây

    ReplyDelete
  5. Ơ từ từ, tặng quà sinh nhật tớ đã chứ :-)

    Còn dedicate cho bản dịch đã hứa nữa cơ mà :-D (đã đòi là đòi luôn, ke ke)

    ReplyDelete
  6. tớ có quên cái gì bao giờ đâu

    trong giờ phút trang trọng và đẫm lệ này, tớ tuyên bố tớ không quên lời hứa và hứa thêm là bạn vẫn sẽ nhận được

    nhưng mà nhìn dấu biu điện thì cố bình tĩnh nhá

    há há

    ReplyDelete
  7. Nhị Linh đối xử với danh tiếng bằng sự giản dị theo một phong thái không ai có thể bắt chước, cũng như sự giản dị của NL's blog đơn giản là không thể lặp lại.

    ReplyDelete
  8. Khiếp, đọc u cả đầu :).

    ReplyDelete
  9. ui bác đọc hết ạ, chắc người duy nhất đấy, bao giờ gặp em tặng bác huy hiệu vì sự nghiệp đọc nhá :d

    ReplyDelete
  10. Lược sử máy kéo.

    Tôi đọc cuốn này, đến trang 25, đoạn nói về một bà trồng hoa trong vườn, thấy ngoài những cây hoa khác, bà này còn trồng cả hoa anh túc. Hơi giật mình, mới hỏi người ta cho trồng cây anh túc (mà tôi hiểu là thuốc phiện) tự do thế à. Rồi nhớ trước đây đọc blog Cavenui có entry về Ngô Thị Giáng Uyên, đại khái Ngô Thị Giáng Uyên thừa nhận đã nhầm loại hoa poppy gì đấy là hoa anh túc.

    Hỏi bác NL: hoa anh túc trong LSMK có phải là hoa poppy không?

    ReplyDelete
  11. Cám ơn bác, tôi đã chuyển thắc mắc của bác đến những người trực tiếp liên quan là dịch giả và các biên tập viên phụ trách quyển này, khi nào có câu trả lời tôi sẽ paste vào đây.

    ReplyDelete
  12. Nếu Nhị Linh muốn biết có ai thèm đọc hay không thì trả lời hai câu hỏi sau điiiiiii ;):

    1.Nếu đọc hết entry này + "thuộc bài và trả bài tốt" thì có được "di chúc" gì không dzạ? :D

    2.Nếu đọc hết những sách được giới thiệu trong entry này thì "di chúc" chắc sẽ bộn hơn của (1) nhỉ?

    Quyết bắt ghế khoanh tay ngồi trước cửa nhà chờ câu trả lời lẫn "di chúc" :D

    ReplyDelete
  13. anh sẽ để lại tất cả những gì anh có, hứa là sẽ không mang theo gì :)

    ReplyDelete
  14. Không đọc hết (chính xác là đọc đến chữ Hồ Thanh Ái), đọc mỗi comment thoai, thế hôm nay có câu trả lời về Lược sử máy kéo mà bạn pq trên kia hỏi chưa?

    ReplyDelete
  15. Mai tỉnh táo hứa sẽ đọc hết, kiểu gì cũng hữu ích cho mình mà :cầu thị:

    ReplyDelete
  16. 1. Ian McEwan hay thật hả anh?
    2. Cái quyển "còn chưa được dịch ra tiếng Việt" ấy đến đâu rồi?
    3. Romain Gary giống A drian của Barnes nhỉ?!

    ReplyDelete
  17. Lược sử máy kéo có tái bản được quái đâu :(

    1. Hay, Chesil hay, nhiều thứ nữa cũng hay, The Child in Time chẳng hạn. Gần bằng Barnes hehe.

    2. Sắp :)

    3. Hèm, đang thử nghĩ xem có lồng vào được nhau không :p nhưng có tự tử sớm thế đâu, còn ấy cả Jean Seberg nữa cơ mà.

    ReplyDelete
  18. 1. Thế lại phải tìm đọc rồi. Haiz.
    2. Nhanh nhanh lên người ơi.
    3. Về tinh thần chống lại số mệnh và đòi quyền tự quyết thôi. :D Nhưng ít ra đòng chí ấy đã kịp làm được nhiều trò cho đời :D

    ReplyDelete