Mar 21, 2011

Barthes: Hoạt động cấu trúc luận


Cấu trúc luận là gì? Đó không phải là một trường phái, thậm chí còn không phải là một phong trào (ít nhất cũng chưa là một phong trào), bởi phần lớn tác giả thường được gắn vào cái từ này không hề cảm thấy mình có liên hệ với nhau bằng một sự đoàn kết về học thuyết hay chiến đấu. Vốn từ vựng cũng chưa có gì: cấu trúc là một khái niệm cổ (có nguồn gốc giải phẫu học và ngữ pháp[1]), ngày nay được sử dụng quá nhiều: mọi ngành khoa học xã hội đều cầu cứu rất nhiều đến nó và cách sử dụng từ này không thể phân biệt được ai với ai, trừ để tranh cãi về nội dung mà người ta cung cấp cho nó; chức năng, hình thức, ký hiệusự biểu đạt cũng không thích đáng hơn là mấy; ngày nay chúng là những từ được sử dụng thông thường, người ta đòi hỏi ở chúng và từ chúng người ta có được mọi thứ mình muốn, nhất là để ngụy trang cho cái sơ đồ có tính tất định luận đã cũ về nguyên do và sản phẩm; hẳn là cần phải đi ngược lên tới các cặp như cặp cái biểu đạt-cái được biểu đạtđồng đại-lịch đại thì mới có thể phân biệt được cấu trúc luận với các thức suy tư khác; cặp thứ nhất là vì nó dẫn chiếu về mô hình ngôn ngữ học, có nguồn gốc Saussure, và cũng vì bên cạnh kinh tế học, trong tình trạng mọi thứ hiện nay, ngôn ngữ học chính là bản thân khoa học về cấu trúc; cặp thứ hai thì, theo một cách thức quyết định hơn, là vì dường như nó bao hàm một sự xét lại nào đó đối với khái niệm lịch sử, trong chừng mực ý tưởng về đồng đại (mặc cho ở Saussure đó là một khái niệm chủ yếu có tính chất thao tác) cho phép một sự bất động hóa thời gian nào đó, và trong chừng mực ý tưởng về lịch đại hướng đến việc tái hiện tiến trình lịch sử như một sự tiếp nối thuần túy của các hình thức; cặp thứ hai này càng nổi bật hơn vì có vẻ như sự kháng cự chính yếu đối với cấu trúc luận ngày nay có nguồn gốc mác xít và vì sự kháng cự ấy diễn ra xung quanh khái niệm lịch sử (chứ không phải cấu trúc); dù có là như thế nào, thì có khả năng đó là sự cầu cứu nghiêm túc tới vốn từ vựng của sự biểu đạt (chứ không phải tới bản thân từ “sự biểu đạt”, cái, một cách thật nghịch lý, không hề nổi bật), trong đó nhất định cần phải thấy dấu hiệu rõ rệt của cấu trúc luận: hãy xem xét những ai sử dụng cái biểu đạtcái được biểu đạt, đồng đạilịch đại, bạn sẽ biết liệu có thể thiết lập viễn tượng về cấu trúc luận hay không.

Điều này là đúng đối với siêu-ngôn ngữ [méta-langage] trí tuệ, cái sử dụng các khái niệm phương pháp luận một cách hiển ngôn. Nhưng vì cấu trúc luận không phải một trường phái, không không phải một phong trào, không có lý do nào để rút gọn nó, một cách tiên nghiệm, ngay cả là theo một cách thức cần bàn cãi, về tư tưởng bác học, và tốt hơn hết là cố gắng tìm cách miêu tả nó theo lối rộng nhất (nếu không phải định nghĩa) ở một tầm mức khác với tầm mức ngôn ngữ tư duy. Quả thực có thể giả định rằng có tồn tại các nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ, trong mắt họ một bài tập về cấu trúc nào đó (chứ không chỉ còn là tư tưởng về nó nữa) tái hiện một trải nghiệm nổi bật, và cần phải đặt các nhà phân tích và nhà sáng tạo dưới dấu hiệu chung của cái có thể gọi là con người cấu trúc, được định nghĩa không phải bởi các tư tưởng hay ngôn ngữ của anh ta, mà bởi trí tưởng tượng của anh ta, hay nói đúng hơn nữa, hệ thống hình ảnh [imaginaire] của anh ta, nghĩa là cách thức anh ta trải nghiệm cấu trúc theo lối tinh thần.


Vậy nên có thể nói ngay rằng trong mối tương quan với mọi người sử dụng nó, cấu trúc luận về bản chất là một hoạt động, nghĩa là sự tiếp nối có quy tắc của một số lượng nhất định các thao tác tinh thần: người ta có thể nói về hoạt động cấu trúc luận như từng nói về hoạt động siêu thực (mặt khác, chủ nghĩa siêu thực có thể đã sản sinh ra trải nghiệm đầu tiên về văn chương cấu trúc, một ngày nào đó cần phải quay trở lại vấn đề này). Nhưng trước khi xem những thao tác này là gì, cần phải nói một chút về mục đích của chúng.

Mục đích của mọi hoạt động cấu trúc luận, dù cho mang tính suy tư hay thơ ca, đều là tái thiết lập một “đồ vật”, sao cho biểu hiện được trong sự tái thiết lập này những quy tắc vận hành (các “chức năng”) của đồ vật này. Bởi thế cấu trúc trên thực tế là một vật giả [simulacre] của đồ vật, nhưng là một vật giả được điều hành, được quan tâm, bởi đồ vật được bắt chước làm xuất hiện một cái gì đó vẫn vô hình, hay nếu thích, không thể tri nhận được [inintelligible] trong đồ vật tự nhiên. Con người cấu trúc nắm lấy cái thực, làm phân rã nó, rồi tái tạo nó; nhìn bên ngoài thì chỉ có rất ít thứ (điều này khiến một số người nói rằng công việc cấu trúc luận là “không ý nghĩa, không đáng quan tâm, vô ích, v.v…”). Tuy nhiên, từ một quan điểm khác, rất ít thứ này lại có tính chất quyết định; vì giữa hai đồ vật, hoặc hai thời điểm của hoạt động cấu trúc luận, cái mới đã sinh ra, và cái mới này không là gì khác ngoài cái tri nhận được nói chung: vật giả, đó là tri thức cộng thêm vào cho đồ vật, và sự cộng thêm này có một giá trị nhân học, ở chỗ nó là bản thân con người, lịch sử của anh ta, tình thế của anh ta, tự do của anh ta và bản thân sự kháng cự mà tự nhiên đặt ra chống lại tâm trí của anh ta.

Bởi vậy ta thấy được tại sao phải nói về hoạt động cấu trúc luận: ở đây sự sáng tạo hoặc sự suy tư không phải “ấn tượng” khởi nguyên về thế giới, mà là sự chế tạo thực thụ một thế giới giống hệt thế giới đầu tiên, không phải để sao chép mà là để làm nó trở nên tri nhận được. Chính vì vậy ta có thể nói rằng cấu trúc luận về bản chất là một hoạt động bắt chước, và nói đúng ra chính ở đặc điểm này không hề có một khác biệt về kỹ thuật nào giữa cấu trúc luận bác học một bên và văn chương nói riêng, nghệ thuật nói chung một bên: cả hai đều thoát thai từ một mimesis, được tạo lập không phải dựa trên sự tương đồng giữa các vật chất (như trong nghệ thuật mang tên hiện thực chủ nghĩa), mà trên sự tương đồng giữa các chức năng (mà Lévi-Strauss gọi là đồng đẳng [homologie]). Khi Troubetskoy tái xây dựng đối tượng ngữ âm học dưới hình thức một hệ thống các biến tấu, khi Georges Dumézil dựng nên một huyền thoại học chức năng, khi Propp xây dựng một truyện cổ tích xuất phát từ sự cấu trúc hóa mọi truyện cổ Xlavơ mà trước đó ông đã phân nhỏ ra, khi Claude Lévi-Strauss tìm lại sự vận hành đồng đẳng của hệ thống hình ảnh totem, G.-G. Granger tìm thấy lại những quy tắc hình thức của tư duy kinh tế hay J.-C. Gardin tìm thấy lại những nét thích đáng của những đồ đồng thời tiền sử, khi J.-P. Richard phân nhỏ bài thơ của Mallarmé thành những rung động phân biệt của nó, họ không làm việc gì khác ngoài những gì Mondrian, Boulez hay Butor từng làm khi họ sắp xếp một đối tượng nào đó, mà ta sẽ gọi một cách chính xác là sáng tác, thông qua sự biểu hiện có quy tắc của một số đơn vị và một số kết hợp của những đơn vị ấy. Dù cho đối tượng thứ nhất quy thuận hoạt động của vật giả được thế giới đưa ra theo một lối đã được tập hợp lại (trong trường hợp phân tích cấu trúc tác động lên một ngôn ngữ, một xã hội hay một tác phẩm đã được cấu thành) hay vẫn còn tản mát (trong trường hợp “sáng tác” có tính cấu trúc), dù cho đối tượng thứ nhất đó được rút ra từ thực tại xã hội hay thực tại tưởng tượng, thì điều đó cũng không mấy quan trọng: không phải bản tính đối tượng được sao chép định ra một nghệ thuật (tuy nhiên định kiến này vẫn dai dẳng với mọi chủ nghĩa hiện thực), mà cái định ra là những gì con người thêm vào đó trong lúc tái cấu tạo ra nó: kỹ thuật là bản thân tồn tại của mọi sáng tạo. Vậy nên trong chừng mực các mục đích của hoạt động cấu trúc luận có liên hệ không thể giải trừ với một kỹ thuật nào đó, cấu trúc luận tồn tại theo một cách thức nổi bật trong tương quan với những thức phân tích hay sáng tạo khác: người ta tái sáng tạo đồ vật để làm xuất hiện các chức năng, và đó chính là con đường làm nên tác phẩm, nếu có thể nói như vậy; chính để như thế mà cần phải nói tới hoạt động cấu trúc luận, chứ không phải tác phẩm cấu trúc luận.

Hoạt động cấu trúc luận gồm hai thao tác điển hình: cắt nhỏ [découpage] và sắp xếp [agencement]. Cắt nhỏ đồ vật đầu tiên, cái đồ vật được trao cho hoạt động của vật giả, nghĩa là tìm thấy ở nó những phân mảnh cơ động với tình thế sai biệt làm nảy sinh một nghĩa nào đó; phân mảnh không có nghĩa tự thân, tuy nhiên nó được tạo ra sao cho mỗi biến tấu dù là nhỏ nhất trong cấu hình của nó cũng sinh ra một biến đổi trong toàn thể; một hình vuông của Mondrian, một chuỗi của Pousseur, một khổ trong Mobile của Butor, “huyền thoại vị” ở Lévi-Strauss, âm vị ở các nhà âm vị học, “chủ đề” ở một nhà phê bình văn học, tất cả các đơn vị này (dù cho cấu trúc bên trong và tầm mở rộng có là như thế nào, và chúng rất khác nhau theo các trường hợp) chỉ có được sự tồn tại biểu nghĩa nhờ vào những đường biên giới của chúng: những đường biên giới chia cắt chúng với các đơn vị thực khác của diễn ngôn (nhưng đây lại là một vấn đề về sắp xếp), và cả các đường biên giới phân biệt chúng với những đơn vị ảo khác, với chúng những đơn vị kia tạo nên một loại nào đó (mà các nhà ngôn ngữ học gọi là hệ hình); có vẻ như khái niệm hệ hình này có tính chất cốt tử để hiểu viễn tượng cấu trúc luận nghĩa là gì: hệ hình là một kho chứa, càng hạn chế càng tốt, các đồ vật (đơn vị), ở bên ngoài đó người ta mời gọi, thông qua một động thái trích dẫn, đồ vật hoặc đơn vị mà người ta muốn có được một nghĩa thực; cái đặc trưng hóa cho đồ vật của hệ hình nằm ở chỗ đối với những đồ vật khác cùng loại với nó, nó nằm trong một mối tương quan gần gũi và khác biệt nào đó: hai đơn vị của cùng một hệ hình phải giống nhau một chút để sự khác biệt chia cắt chúng sở hữu sự hiển nhiên của một lóe chớp: sz phải vừa cùng có một nét chung (âm răng) và một nét riêng (sự hiện diện hoặc vắng mắt của một âm) để trong tiếng Pháp chúng ta không gán cùng nghĩa cho poisson [cá] và poison [thuốc độc]; những hình vuông của Mondrian phải vừa gần gũi về mặt hình thức hình vuông và khác biệt bởi tỉ lệ và màu sắc; những chiếc xe ôtô Mỹ (trong Mobile của Butor) cần phải không ngừng được dò xét theo cùng một cách, tuy nhiên mỗi lần chúng lại khác căn cứ vào mác xe và màu sắc; các đoạn của huyền thoại Oedipe (trong phân tích của Lévi-Strauss) cần phải vừa tương tự vừa có biến đổi, để cho mọi diễn ngôn và tác phẩm này có thể tri nhận được. Thao tác cắt nhỏ qua đó mà sản sinh một trạng thái tản mát đầu tiên của vật giả, nhưng các đơn vị của cấu trúc không hề là vô chính phủ: trước khi được phân phát và nhét kín vào sự tiếp nối của sáng tác, mỗi đơn vị với kho chứa ảo của mình tạo ra một cơ thể có hiểu biết, tuân phục một nguyên lý động lực thống trị: nguyên lý của khác biệt nhỏ nhất.

Các đơn vị đã đặt ra xong xuôi, con người cấu trúc còn phải phát hiện hoặc ấn định cho chúng các nguyên tắc kết hợp: đó là hoạt động sắp xếp, đi tiếp theo sau hoạt động mời gọi. Cú pháp của các nghệ thuật và diễn ngôn, như ta biết, biến tấu vô cùng nhiều; nhưng cái mà người ta tìm thấy được trong mỗi tác phẩm thuộc dự án cấu trúc, đó là sự quy thuận những bó buộc có luật lệ, trong đó chủ nghĩa hình thức, vốn bị lên án một cách sai lầm, kém quan trọng hơn rất nhiều so với sự ổn định; bởi cái diễn ra, ở giai đoạn thứ hai của hoạt động vật giả này là một dạng cuộc chiến chống lại sự ngẫu nhiên; chính vì vậy những bó buộc tái hồi của các đơn vị có một giá trị gần như là thiên định: chính bởi sự quay trở lại theo luật lệ của các đơn vị và kết hợp đơn vị mà tác phẩm có vẻ được dựng nên, tức là có mang nghĩa; các nhà ngôn ngữ học gọi những quy tắc kết nối này là các hình thức, và hẳn sẽ rất có ích nếu giữ lại cách sử dụng nghiêm ngặt này của một từ đã quá cũ: hình thức, người ta từng nói, đó là cái cho phép sự đặt kề nhau của các đơn vị không hề có vẻ gì là một hiệu ứng đơn thuần của sự ngẫu nhiên: tác phẩm nghệ thuật là những gì con người tình cờ giành được. Có lẽ điều này cho phép một mặt hiểu được tại sao những tác phẩm gọi là phi biểu hình dẫu sao vẫn là những tác phẩm ở mức độ cao nhất, vì tư duy con người không ghi dấu vào sự tương đồng giữa những sao chép và hình mẫu, mà vào tính luật lệ của các tổ hợp, và mặt khác tại sao cùng những tác phẩm ấy lại vẫn có vẻ tình cờ và qua đó thậm chí còn vô ích đối với những ai không tìm ra được ở chúng một hình thức nào hết: trước một bức tranh trừu tượng, Khrouchtchev chắc hẳn đã nhầm khi chỉ nhìn thấy những nét vẽ đuôi một con lừa trên toan; ít nhất thì theo cách của mình ông ta cũng biết rằng nghệ thuật là một cuộc chinh phục nào đó đối với sự tình cờ (chỉ có điều ông ta quên mất rằng mọi quy tắc đều phải học, dù cho là khi người ta muốn áp dụng chúng hay giải mã chúng).

Vật giả khi được dựng nên như vậy không trả lại thế giới đúng như khi nó bị tóm lấy, và chính ở điểm này cấu trúc luận là quan trọng. Trước hết, nó biểu hiện một phạm trù mới của đồ vật, vừa không phải là cái thực vừa không phải là cái duy lý, mà cái cái chức năng, qua đó mà hội tụ với cả một phức hợp khoa học đang phát triển xung quanh những nghiên cứu về thông tin. Sau đó và nhất là, nó đưa ra ánh sáng ban ngày tiến trình thực thụ con người thông qua đó con người ta cấp nghĩa cho mọi vật. Điều này có mới không? Trong một chừng mực nào đó thì có; chắc chắn, thế giới vẫn luôn luôn không ngừng tìm kiếm nghĩa của những gì được mang lại cho nó và của những gì nó sản sinh ra; cái mới là một tư duy (hoặc một “thi pháp”) tìm cách đặt các nghĩa đầy đủ cho các đồ vật mà nó khám phá ít hơn là tìm cách biết được nghĩa là khả thể như thế nào, với cái giá nào và theo những con đường nào. Xét cho cùng, ta có thể nói đối tượng của cấu trúc luận không phải con người chứa một số nghĩa nào đó, mà là con người tạo nghĩa, như thể hoàn toàn không phải nội dung các nghĩa làm cạn kiệt những mục đích ngữ nghĩa của nhân loại, mà chỉ duy nhất cái động thái thông qua đó những nghĩa này, các biến số lịch sử, ngẫu nhiên, được sản sinh ra. Homo significans: đó sẽ là con người mới của nghiên cứu cấu trúc.


Theo lời Hegel[2], người Hy Lạp cổ đại kinh ngạc trước tính tự nhiên [naturel] của tự nhiên; anh ta không ngừng dỏng tai, tra vấn nghĩa của các con suối, ngọn núi, khu rừng, cơn giông; không biết được chính xác thì tất cả các đối tượng kia nói gì với mình, anh ta tri nhận trong trật tự thực vật hoặc vũ trụ một cơn rùng mình kỳ vĩ của nghĩa, được anh ta đặt cho một cái tên thần linh: Pan. Kể từ đó, tự nhiên đã thay đổi, nó trở nên có tính chất xã hội: mọi thứ được cấp cho con người đã là con người, cho tới khu rừng và dòng sông mà chúng ta đi ngang qua những lúc du hành. Nhưng trước cái tự nhiên có tính chất xã hội ấy, cái rất giản đơn chính là văn hóa, con người cấu trúc không khác gì so với người Hy Lạp cổ đại: cả anh ta cũng dỏng tai lên trước cái tự nhiên của văn hóa, và không ngừng tri nhận ở trong nó không nhiều những nghĩa ổn định, chung quyết, “đúng”, bằng cơn rùng mình của một cỗ máy kỳ vĩ chính là nhân loại đang không mệt mỏi tiến hành một cuộc sáng tạo nghĩa, mà nếu không có thì nó không còn là con người nữa. Và chính bởi việc chế tạo nghĩa này trong mắt con người có tính chất cốt yếu hơn nhiều so với bản thân các nghĩa, chính bởi chức năng vượt tràn những tác phẩm, cấu trúc luận tự biến mình thành hoạt động và quy chiếu vào trong cùng một căn cước sự thực thi của tác phẩm và cả bản thân tác phẩm: một sáng tác theo chuỗi hoặc một phân tích của Lévi-Strauss là các đồ vật chỉ bởi vì chúng được làm ra; cái tồn tại hiện giờ của chúng động thái quá khứ của chúng: chúng là những thứ đã-được-làm-ra; người nghệ sĩ, nhà phân tích đi lại con đường của nghĩa, không cần phải chỉ nó ra: chức năng của anh ta, để dùng lại ví dụ của Hegel, là một mantéia; cũng như vị thần cổ đại, anh ta nói nơi chốn của nghĩa nhưng không gọi tên nó ra. Và chính bởi văn chương, đặc biệt, là một thứ thần thánh, vừa tri nhận được vừa có tính chất tra vấn, nói năng và im lặng, dấn thân vào thế giới bằng con đường của nghĩa mà nó đi lại cùng với nghĩa, nhưng tách rời khỏi các nghĩa ngẫu nhiên mà thế giới tạo ra: câu trả lời cho người tiêu thụ nó và tuy nhiên luôn luôn là câu hỏi cho tự nhiên, câu trả lời tra vấn và câu hỏi trả lời.

Vậy thì làm thế nào mà con người cấu trúc có thể chấp nhận lời buộc tội là đã phi hiện thực, mà đôi khi người ta nhằm vào anh ta? Các hình thức không phải là ở trong thế giới ư, các hình thức không phải là có trách nhiệm ư? Ở Brecht điều có tính chất cách mạng, liệu có thực sự là chủ nghĩa Marx hay không? Không phải đúng hơn thì phải là cái quyết định kết nối chủ nghĩa Marx, trên sâu khấu, với vị trí đặt một cái đèn chiếu hoặc việc sử dụng một bộ trang phục, ư? Cấu trúc luận không rút đi lịch sử khỏi thế giới: nó tìm cách kết nối với lịch sử, không chỉ là lịch sử các nội dung (điều này đã được làm cả nghìn lần), mà cả với lịch sử các hình thức, không chỉ với vật chất, mà cả với cái tri nhận được, không chỉ với ý hệ, mà cả với mỹ học. Và quả đúng vậy, bởi mọi tư duy về cái tri nhận được có tính lịch sử đều cũng là tham gia cái tri nhận ấy, hẳn việc kéo dài là chẳng mấy quan trọng đối với con người cấu trúc: anh ta biết rằng cấu trúc luận cũng là một hình thức nào đó của thế giới, nó sẽ thay đổi cùng thế giới; và cũng như anh ta cảm thấy được tính hợp lý của nó (chứ không phải chân lý của nó) trong quyền năng nói những thứ ngôn ngữ cũ của thế giới theo cách mới của mình, anh ta biết sẽ là đủ khi xuất hiện từ lịch sử một ngôn ngữ mới nói điều đó khi đến lượt mình, để nhiệm vụ của anh ta được kết thúc.

Lettres Nouvelles
1963


[1] Sens et usages du terme structure [Các nghĩa và cách sử dụng khái niệm cấu trúc], Mouton & Co., La Haye, 1962.
[2] Leçons sur la philosophie de l’histoire [Các bài học về triết học lịch sử], Vrin, 1946, tr. 212.

11 comments:

  1. "học thuyết hay chiến đấu". Mình không hiểu nghĩa của mấy chữ này.

    Tiếng Anh nó dịch như vầy.

    What is structuralism? Not a school, nor even a movement (at least, not yet), for most of the authors ordinarily labeled with this word are unaware of being united by any solidarity of doctrine or commitment.

    ROLAND BARTHES: “The Structuralist Activity,” trans. Richard Howard. in Critical Essays
    (Evanston, Il: Northwestern University Press, 1972).

    ReplyDelete
  2. để mai có thời gian mình xem lại, bản tiếng Anh này mình cũng có

    ReplyDelete
  3. ôi, nhức đầu quá, thử câu cuối nhé... Mình làm nháp từ bản tiếng Anh thôi, tiếng Pháp thì mình không biết.

    "Và hoàn toàn đúng như vậy, toàn bộ suy tưởng về cái có thể hiểu được có tính lịch sử cũng là một sự tham gia vào tính có thể hiểu được đó,con người cấu trúc hiếm khi liên quan tới cái cuối cùng; anh ta biết rằng cấu trúc luận cũng chỉ là một hình thức nào đó của/về (?) thế giới, vốn sẽ thay đổi cùng thế giới; và chỉ khi anh ta trải nghiệm tính hợp lý của anh ta (mà không phải chân lý của anh ta) trong quyền nói ngôn ngữ cũ của/ về (?) thế giới trong một cách thức mới của mình, thì [khi đó] anh ta biết rằng....

    (Có đối chiếu liên tục bản tiếng Việt của bác... hi)

    ReplyDelete
  4. hơ, có chỗ lẫn cẫn trong cách hiểu chủ thể của "tính hợp lý" và "chân lý", bản tiếng Anh hiểu đó là "anh ta" (con người cấu trúc luận) còn tôi hiểu là "cấu trúc luận" (tức "hình thức nào đó của thế giới"), chưa hiểu thế nào thì hợp lý hơn

    trong "về" và "của" thì tôi thấy "của" tốt hơn

    anw, vẫn chưa lấy được quyển sách tiếng Pháp, tôi mới ngó lại được bản tiếng Anh

    mà cũng chưa hiểu tại sao bản tiếng Anh lại in nghiêng "him" trong phrase cuối: "a new language which speaks him in his turn, for his task to be done"

    ReplyDelete
  5. đây rồi:

    - đoạn đầu: "une solidarité de doctrine ou de combat"

    "doctrine" và "combat" bổ nghĩa cho "solidarité", trong nguyên bản chỉ cần một giới từ "de" chung cho cả hai yếu tố đó, trong tiếng Việt dùng chung một giới từ có thể khó hiểu hơn, có lẽ người ta quen "đoàn kết trong chiến đấu" hơn

    - đoạn cuối: "et de même qu'il éprouve sa validité (mais non sa vérité) dans son pouvoir à parler les anciens langages du monde d'une manière nouvelle"

    có lẽ dịch giả tiếng Anh hiểu đúng hơn tôi về sở hữu cách, hai "sa" ở đây trỏ tới "il" tức là "homme structural" thì đúng hơn là "structuralisme" vừa nói đến ở mệnh đề trước

    ReplyDelete
  6. Tiếng Pháp rất chặt chẽ, cứ theo như đoạn trích dẫn tiếng Pháp trên đây thì phải dịch là "của" thế giới chứ không thể là "về" thế giới được (cũng vậy anh ta cảm nhận được tính hợp lý/tính giá trị ... trong quyền năng của mình (tức là quyền) nói những ngôn ngữ cũ của thế giới theo một cách mới). NL dịch ổn nhưng tôi thử dịch lại bám sát theo cấu trúc tiếng Pháp xem có dễ hiểu hơn không.

    Nếu dịch là "về" thế giới thì "thế giới" (du monde) ở đây là bổ nghĩa gián tiếp (COI)của "nói" (parler de qqc), như vậy "les anciens langages" không có chức năng gì trong câu nên câu sẽ bị sai.

    "les anciens langages" cũng không thể là bổ ngữ trực tiếp (COD) của "parler" trong trường hợp này vì khi dùng "parler de" thì điều đó đã quyết định "parler" là một động từ có bổ ngữ gián tiếp (transitif indirect), nên nó không thể đồng thời là transitif direct được nữa (tiếng Pháp không chấp nhận vừa là cái này, vừa là cái kia như trường hợp "vô tri" của ta).

    ReplyDelete
  7. Cảm ơn bác nhị linh đã dịch bài này. Bài hay. Em chỉ góp ý chút là bài này đăng Blog thôi chứ chưa đăng chính thức được. Lỗi dịch còn nhiều, nhiều câu vẫn "Tây quá". Nhiều đoạn có vẻ người dịch vẫn chưa nắm được tinh thần của thuyết Cấu trúc. Em dẫn một vài câu [vì bài dài quá], bác xem lại chút nhé.
    1/bởi phần lớn tác giả thường được gắn vào cái từ này không hề cảm thấy mình có liên hệ với nhau bằng một sự đoàn kết về học thuyết hay chiến đấu.
    2/cái sơ đồ có tính tất định luận đã cũ về nguyên do và sản phẩm
    3/.............
    n/anh ta biết rằng cấu trúc luận cũng là một hình thức nào đó của thế giới, nó sẽ thay đổi cùng thế giới; và cũng như anh ta cảm thấy được tính hợp lý của nó (chứ không phải chân lý của nó) trong quyền năng nói những thứ ngôn ngữ cũ của thế giới theo cách mới của mình,
    */ anh ta biết sẽ là đủ khi xuất hiện từ lịch sử một ngôn ngữ mới nói điều đó khi đến lượt mình, để nhiệm vụ của anh ta được kết thúc. [câu này cực tối nghĩa]
    Em góp ý chân thành với tư cách 1 người thích đọc lý thuyết.
    Thân bác. [e là bạn cá kiếm, k chơi blog nên bác mắng thì cứ mắng nhé]
    P/S: bác cá kiếm dịch sai trớt rui hihihihi

    ReplyDelete
  8. Vâng, cám ơn, bạn ai thì cũng được thôi :) Tôi dịch bài này một lèo, tất nhiên có đọc lại nhưng chưa có cọ xát ý kiến của người khác, mà thường là một văn bản dịch cần tối thiểu ba lượt đọc của ba người khác nhau.

    Chuyện "Tây quá" thì tôi lại không thấy vấn đề gì, miễn sao đảm bảo được tính "intelligible" :d

    câu "anh ta biết sẽ là đủ khi xuất hiện từ lịch sử một ngôn ngữ mới nói điều đó khi đến lượt mình, để nhiệm vụ của anh ta được kết thúc": câu này để mệnh đề dài sau "sẽ là đủ khi", nên cần phải cắt đoạn sau ra để hiểu nghĩa: "xuất hiện từ lịch sử" là trạng ngữ của mệnh đề, "một ngôn ngữ mới" là chủ ngữ của mệnh đề, "nói điều đó" là vị ngữ của mệnh đề, thêm "khi đến lượt mình" bổ nghĩa thêm, lấn cấn nhất là từ "mình" ở cuối có thể gây nhầm lẫn, nhưng nếu đọc chậm rãi thì cũng khó nhầm được.

    Anw, nhiều lúc tôi cũng chẳng biết thế nào thì tốt hơn, nắn nắn lại một chút thì sáng sủa, nhưng chính bản thân tôi đọc thì lại không thấy thích bằng khi để nó thật là nhiều "turn of phrase", cộng thêm cái tâm lý rất nhỏ mọn :)) là mình chật vật mới hiểu được cái text đó nói gì thì người nào đọc thấy dễ hiểu quá, sướng quá chẳng hóa ra lại lợi thế quá a hehe.

    ReplyDelete
  9. à xuất xứ bài này là in năm 1963 trên tờ "Lettres Nouvelles", đến năm 1964 Roland Barthes cho vào tập "Essais critiques", trong đó phần quan trọng là bàn về kịch của Bertolt Brecht, cùng vài bài về Alain Robbe-Grillet; mấy năm sau này Barthes lại còn có thêm "Nouveaux essais critiques" nữa. Phần "critique" này còn cần nói đến "Critique et Vérité" (Phê bình và Chân lý", cũng vào đầu những năm sáu mươi, quyển đó thì mới là sách RB viết một mạch chứ không chắp nối các bài viết lẻ lại.

    ReplyDelete
  10. Đi loanh quanh thấy có thêm một bản dịch nữa về bài này. thấy có vẻ sáng sủa, NL qua đọc thử xem.
    http://triethoc.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=470:hot-ng-cu-truc-ch-ngha&Itemid=5

    ReplyDelete
  11. tôi mới xem qua, bản dịch rất hay, bác Đinh Hồng Phúc có lẽ dịch sau tôi nên cố tránh dùng từ giống tôi :) có mấy chỗ khác, tôi sẽ xem kỹ

    thuật ngữ "non-figuratif" thuộc hội họa, bên đó họ vẫn hay gọi là "phi biểu hình"

    ReplyDelete