Mar 22, 2011

Loanh quanh vẫn mấy chuyện này


Tác phẩm văn xuôi “đậm chất Tàu” hơn cả trong những gì không thuộc về dã sử có lẽ là những câu chuyện về các dòng tộc nhiều thế hệ sống cùng dưới một mái nhà, hỉ nộ ái ối quây chặt trong mấy dãy nhà ngang dọc. Trương Ái Linh, nhà văn gần như “được tìm thấy lại” ở thời gian gần đây, mặc dù có những nét mới trong tác phẩm, vẫn không đi ra ngoài sơ đồ chung này.

Nét mới của tác giả “Sắc, giới” so với “Hồng lâu mộng”, “Kim Bình Mai” xuất phát từ trải nghiệm cuộc đời của bà. Sinh năm 1920 trong một gia đình danh gia vọng tộc có mối quan hệ bên trong vô cùng phức tạp (đọc nhiều lịch sử và tiểu thuyết Trung Hoa, người ta hẳn không mấy ngạc nhiên với mức độ phức tạp này: bản thân sự phức tạp của quan hệ thân tộc cũng đã là một nhân vật làm nền cho không biết bao nhiêu bộ trường thiên, đoản thiên tiểu thuyết), Trương Ái Linh nếm trải chiến tranh khi tuổi còn trẻ, và nhất là nếm trải phong trào Âu hóa, đặc biệt là cái “trải nghiệm nước ngoài” (Anh, Hồng Kông). Trong “Chuyện tình giai nhân” (Trần Quang Đức, Trần Trúc Ly dịch, Nhã Nam & NXB Văn học), các truyện ngắn đều có liên quan đến chiến tranh, và gần như lúc nào cũng có một nhân vật Trung Quốc từng du học nước ngoài.

“Chuyện tình giai nhân” có Phạm Liễu Nguyên trải qua tuổi thơ ở nước Anh, nhân vật ông Mễ trong “Lưu tình” có thời gian du học nước ngoài, Chấn Bảo của “Hoa hồng nhung và hoa hồng bạch” được miêu tả như sau: “xuất thân đàng hoàng, đi Tây du học giành được học vị, lại đã từng thực tập dưới nhà máy” (tr. 168), hoặc như trong “Đợi”, bác sĩ Bành Tùng Linh là người tây học. Những con người này có thể thất vọng vô cùng về Trung Quốc quê hương, như Phạm Liễu Nguyên, hoặc nghĩ rằng mình đã học được rất nhiều thứ từ cuộc trải nghiệm mới mẻ kia, thậm chí là học được cách tự chế ngự bản thân đến mức quyết liệt, như Chấn Bảo, nhưng cái nhìn của Trương Ái Linh chủ yếu đưa họ vào thành nạn nhân hoặc tác nhân của một hiện tượng xã hội tương đối mới thời ấy: ly hôn. Dường như Trương Ái Linh muốn thể hiện rằng với bà, sự Âu hóa xã hội Trung Quốc trong nửa đầu thế kỷ XX có những hiệu ứng không thể rõ ràng hơn lên đời sống tình cảm, hôn nhân của con người, nhất là người phụ nữ.

Bạch Lưu Tô của “Chuyện tình giai nhân” ly hôn với chồng từ rất sớm, sống ở nhà cùng các anh chị em, những cậu Ba, cậu Tư, cô Bảy, tại cái Bạch công quán tẻ nhạt: “nơi đây trải qua một nghìn năm, thì đại để chẳng khác gì một ngày, bởi mỗi ngày đều đơn điệu và nhàm chán giống nhau” (tr. 21). Lưu Tô sẽ thoát ra khỏi ao tù ấy nhờ chiến tranh, nhờ một người từng có trải nghiệm nước ngoài, nhờ cả môi trường nước ngoài (Hồng Kông, nơi xảy ra chiến sự vào năm 1941 giúp Phạm Liễu Nguyên và Lưu Tô thực sự được ở bên nhau), để rồi kết luận cuối cùng là: “Lưu Tô ly hôn rồi tái giá, nhưng lại gặt hái được thành tựu kinh người” (tr. 84). Cùng cái sự ly hôn không gây ra thảm họa như người ta vẫn tưởng là câu chuyện của người thiếu phụ Đôn Phượng trong “Lưu tình”: “Đôn Phượng, dù đã trải qua một lần hôn nhân mạo hiểm, nay lại trở về trong vòng tay một người đáng tin cậy” (tr. 108).

Các câu chuyện của Trương Ái Linh ở tập “Chuyện tình giai nhân” này có đủ chất liệu cho nhiều bộ phim truyện, hoặc nếu thích “câu giờ” hơn thì cũng có thể nhờ tay các nhà biên kịch của phim truyền hình tạo thành vô số tập phim, với rất nhiều rộn ràng cay nghiệt của những lời ngồi lê đôi mách trong gia đình và ngoài xã hội, không ít pha ái tình mùi mẫn như trong “Hoa hồng nhung và hoa hồng bạch”. Cách viết của Trương Ái Linh, hoạt và hấp dẫn, nhiều chi tiết tỉ mỉ, cung bậc cảm xúc đa dạng, không khỏi nhắc ta nhớ tới một Quỳnh Dao oanh liệt của “Hải âu phi xứ” hay “Mùa thu lá bay”, những kinh điển về tâm hồn con người xuất thân gia đình khá giả biết yêu, biết nói năng bóng gió và biết cả căm ghét.

Cũng không tự tách mình khỏi một truyền thống tiểu thuyết phong tục, truyện ngắn của Trương Ái Linh làm hiển hiện những hoạt động phong phú đời thường của người Trung Quốc: quần áo, xem bói, đánh bạc, có thêm màu sắc hiện đại của những cuộc ly hôn như đã nói ở trên, và vũ trường rải rác Hồng Kông, đại lục; đời sống cứ hoa lá cành như thế, và mặt khác, “đời sống cứ thế lầm lũi trôi đi” (“Đợi”, tr. 274).

Nhị Linh

12 comments:

  1. Em xin bạn Nhị Linh, bạn cũng đọc "Hải âu phi xứ" với "Mùa thu lá bay" ạ? Cũng bản chữ to ạ?

    Trương Ái Linh cũng được cho là một trong những tác giả thuộc phong trào nữ quyền đầu thế kỷ XX ở Trung Quốc. Những ngôn từ trong tác phẩm của bà chủ yếu ẩn ý chế giễu, và có ý muốn làm "lộn nhào" chế độ gia trưởng giả dối trong xã hội Trung Quốc lúc bấy giờ.

    ReplyDelete
  2. ờ... ờ... ;p đừng có rêu rao to thế chứ ;d

    ReplyDelete
  3. mình cũng xin lưu ý bạn một chút về phương diện văn học sử: trước giai đoạn Liêu Quốc Nhĩ mà ta thấy sau này, giai đoạn đầu của Quỳnh Dao tại Sài Gòn có sự tham gia của cả những người như Vi Huyền Đắc, và tạp chí Văn đã có lần phàn nàn sao mà nhiều Quỳnh Dao thế, không khác mấy so với bác Từ Chẩm Á trước đó

    mấy bạn Tàu này gớm nhỉ, gớm thế

    ReplyDelete
  4. Hờ, bạn NL còn coi cả "Tân dòng sông ly biệt" mải mê ấy chứ. ;P

    ReplyDelete
  5. Em tưởng bác thề ko viết về phái đẹp :D

    ReplyDelete
  6. Nhị Linh viết điểm sách đặc sắc thật, tiếc là giờ không làm nữa. nữ sĩ Quách Hiền bên cửa sổ cũng đã biến mất rồi.

    ReplyDelete
    Replies
    1. trèo qua cửa sổ và biến mất

      anw, bài này hay nhưng dùng "oanh liệt" và "kinh điển" cho Quỳnh Dao thì không đúng, bà này khác gì đám rác ngôn tình thời nay. Trương Ái Linh hơn hẳn, sao có chuyện đọc Linh mà "không khỏi nhắc ta nhớ" Dao được

      Delete
    2. Rất may là blog của NL vẫn còn đăng bài đều đặn

      Delete
    3. cũng không đều đặn lắm, lắm lúc tôi mòn mỏi đợi chờ

      Delete
    4. 14 năm, ~ 2 ngày đăng 1 bài viết ntn thì tôi nghĩ ko nhiều blog cá nhân làm được

      Delete
  7. mỉa mà cũng không thấy, thì đọc cái gì đấy? lại còn bày đặt đánh giá cái này cái nọ

    ReplyDelete