Jul 7, 2013

Roberto Bolaño (1): Anvers

Năm 2002, Roberto Bolaño, khi ấy sắp qua đời, quyết định cho in cuốn tiểu thuyết Amberes (tức Antwerp, tức Anvers) viết trước đó hai mươi hai năm.

Đây là cuốn sách thuộc loại điên nhất của Bolaño, được viết vào thời kỳ Bolaño mới trải qua giai đoạn thơ ca gọi là "infrarréalisme" mà ông khởi xướng (tồn tại một cách ngắn ngủi) bên Mexico.

Dưới đây là lời tựa cuốn sách viết cho lần in đầu tiên; trong này Bolaño cho biết hồi viết Anvers, ông nghĩ mình sẽ không sống quá 35 tuổi. Sau này, Bolaño đã ăn gian cuộc đời vì sống đến tận 50 tuổi.



Vô chính phủ tổng lực: hai mươi hai năm sau

Tôi đã viết cuốn sách này cho bản thân mình, ngay điều này tôi cũng không chắc lắm. Suốt một thời gian dài, nó chỉ là những trang giấy rời, tôi đọc lại nó và rồi sửa chữa nó, nghĩ rằng mình không còn thời gian nữa. Nhưng thời gian để làm gì? Tôi không có khả năng giải thích điều đó một cách cụ thể. Tôi đã viết cuốn sách này cho những bóng ma, chỉ chúng mới sở hữu thời gian bởi chúng ở bên ngoài thời gian. Sau lần đọc lại gần đây nhất (tôi vừa làm xong), tôi nhận ra rằng thời gian chẳng phải thứ duy nhất quan trọng, rằng thời gian chẳng phải nguyên do duy nhất của nỗi hãi hùng. Khoái cảm cũng có thể tạo ra nỗi hãi hùng, lòng can đảm cũng có thể tạo ra nỗi hãi hùng. Những năm ấy, nếu tôi nhớ chính xác, tôi đã sống nương theo mọi bất trắc, không thẻ cư trú, như những người khác sống trong một lâu đài. Lẽ dĩ nhiên, tôi chưa bao giờ mang cuốn tiểu thuyết này đến một nhà xuất bản nào. Hẳn người ta sẽ sập cửa vào mặt tôi và thế cũng có nghĩa là tôi mất đi một bản sao. Tôi chưa bao giờ chỉnh sửa nó cho cẩn thận, như người ta vẫn nói. Bản thảo gốc nhiều trang hơn: văn bản cứ chăm chăm tự nhân lên nhiều lần, tự sinh sản như một căn bệnh. Bệnh của tôi hồi ấy là kiêu ngạo, điên giận và bạo lực. Những điều đó (điên giận, bạo lực) làm tôi kiệt sức, thế nên tôi mệt mỏi một cách vô ích trong cuộc trôi qua thời gian. Tôi làm việc vào ban đêm. Ban ngày, tôi viết và đọc. Tôi không bao giờ ngủ. Tôi giữ cho mình tỉnh táo bằng cà phê và thuốc lá. Tất nhiên, tôi đã quen biết những con người thú vị, trong đó một số là sản phẩm từ những hoang tưởng của tôi. Tôi đã nghĩ đó là năm cuối mình ở Barcelone. Nỗi khinh miệt mà tôi cảm thấy đối với cái được người ta gọi là văn chương chính thức thật to lớn, mặc cho nỗi khinh miệt ấy chẳng lớn hơn là bao so với nỗi khinh miệt mà tôi dành cho văn chương bên lề. Nhưng tôi đã tin vào văn chương: nghĩa là tôi không tin vào thói trùm chăn, vào sự xu thời, vào những lời thì thầm ve vuốt. Ngược lại tôi tin vào những cử chỉ vô ích, vào số phận. Tôi còn chưa có con. Tôi vẫn đọc nhiều thơ hơn văn xuôi. Những năm ấy (hoặc vào tháng ấy) tôi thích mê tơi vài nhà văn dòng khoa học viễn tưởng và vài nhà văn khiêu dâm, đôi khi là các tác giả mâu thuẫn rối rắm, cứ như thể căn hầm và ánh đèn điện là hai thứ loại trừ lẫn nhau. Tôi đọc Norman Spinrad, James Triptree, Jr. (thực ra lại có tên Alice Sheldon), Restif de la Bretonne và Sade. Tôi cũng đọc Cervantès và các nhà thơ Hy Lạp cổ xưa. Khi bị ốm, tôi đọc Manrique. Một đêm nọ tôi hình dung ra một phương pháp để kiếm tiền trái luật. Một công trình tội phạm nho nhỏ. Nền tảng của vấn đề là không được giàu lên một cách đột ngột. Đồng phạm đầu tiên của tôi, hoặc người mà tôi cảm thấy là đồng phạm, một người bạn Argentina buồn ơi là buồn, đã trả lời tôi bằng một câu ngạn ngữ đại khái nói rằng dễ bị vào tù hoặc bệnh viện lắm, nên tốt hơn hết là ta hãy ở đất nước của ta, chắc là để thăm thú đó đây. Câu trả lời của anh hoàn toàn không làm tôi rối trí, tôi cảm thấy mình xa lạ với mọi đất nước trên hành tinh. Sau này tôi từ bỏ kế hoạch của mình khi phát hiện ra rằng nó còn tệ hơn là làm việc trong một nhà máy sản xuất gạch. Tôi đính lên đầu giường mình một mảnh giấy viết bằng tiếng Ba Lan, Vô Chính Phủ Tổng Lực, một cô bạn người Ba Lan đã viết cho tôi. Tôi không nghĩ mình sẽ sống quá ba mươi lăm tuổi. Tôi hạnh phúc. Rồi năm 1981 đến và mọi thứ đều thay đổi mà tôi chẳng mảy may hay biết.

Blanes, 2002

(bản tiếng Pháp của Robert Amutio, Christian Bourgois, 2004)


(lời tựa là cái văn bản đặt ở đầu sách như thế này này, chứ không phải cái tên sách, nói bao lần rồi mà vẫn không nhớ nổi, bts bọn ngu :p)

5 comments:

  1. Dự án Thám tử man rợ và 2666 sắp hoàn thành chưa bác?

    ReplyDelete
    Replies
    1. giờ nói "sắp" thì cũng ngại :p nhưng đúng là sắp, à mà là 2666 thôi còn cái kia thì chưa sắp lắm

      Delete
  2. Sách gối mông của em năm nay dù đọc chớp, giật thỉnh thoảng một vài dòng:))

    ReplyDelete
    Replies
    1. bắt quả tang NT đọc sách trong tư thế shortbus nhé :pp

      Delete
  3. Roberto Bolaño có bao giờ đọc PCT không nhỉ? :D

    ReplyDelete