May 24, 2015

Amerika. Chương bốn: Đường tới Ramses (2)

Đoạn này càng cho thấy thêm hiểu biết lầm lạc của Kafka về địa lý nước Mỹ: theo Kafka, để đi từ New York đến Boston chỉ cần qua một cây cầu.

Cuối đoạn này cũng xuất hiện một địa điểm rất quan trọng của cuốn tiểu thuyết: "Khách sạn phương Tây".


Họ phải đi đi lại lại ngoài hành lang mất một lúc lâu, nhất là tay người Pháp, hắn cứ dính chặt lấy Karl, không ngớt chửi rủa, dọa sẽ tống cho ông chủ quán trọ một đòn đo ván hễ ông ta dại dột mà thò mặt ra, hình như để chuẩn bị, hắn cọ thật mạnh hai nắm đấm vào nhau. Nhưng rốt cuộc chỉ xuất hiện một cậu chàng vô hại vẫn còn phải nhón chân lên mới có thể đưa được bình cà phê cho tay người Pháp. Thật tệ là chỉ có mỗi bình cà phê này và họ không sao làm cho cậu chàng kia hiểu được là họ muốn có cốc nữa. Thành thử mỗi người phải lần lượt uống, những người còn lại vừa nhìn vừa chờ đợi. Karl chẳng hề muốn uống, nhưng vì không muốn làm tổn thương mấy người kia, khi đến lượt mình anh nâng bình cà phê lên miệng rồi để yên như thế nhưng không uống chút nào.

Xong xuôi, tay Ái Nhĩ Lan ném cái bình xuống sàn nhà bằng đá. Họ rời quán trọ mà chẳng bị ai để ý, và đi vào làn sương mù dày vàng nhợt của buổi sáng. Họ đi, người này cạnh người kia, không nói một lời, bên lề đường, Karl phải một mình mang cái hòm, chắc những người kia sẽ chỉ giúp nếu anh yêu cầu; thỉnh thoảng một chiếc ô tô đột ngột hiện ra từ sương mù và họ quay đầu về phía những chiếc xe ấy, phần nhiều rất to, thật lạ lùng trong hình dáng và phóng vụt qua nhanh đến nỗi ta chẳng có đủ thời gian để xem chúng có chở ai đó hay không. Một lúc sau, họ bắt đầu thấy những dòng xe cộ chở đồ thực phẩm tới New York. Chúng đi thành từng hàng năm chiếc một, chiếm hết chiều rộng con đường và tạo thành hàng dọc khít đến nỗi chẳng ai có thể nghĩ đến chuyện đi lọt qua giữa chúng. Thỉnh thoảng, đại lộ mở rộng ra để tạo thành một quảng trường ở giữa có một cảnh sát đi đi lại lại trên cái bục để điều khiển xe cộ và dùng một cây gậy nhỏ chỉ huy sự đi lại trên trục đường đông đúc và những phố cắt qua đó, sự đi lại sau đó chẳng hề được trông coi cho tới quảng trường và người cảnh sát tiếp sau, nhưng những người đánh xe ngựa và tài xế ô tô, câm lặng và chăm chú, giữ cho sự đi lại ấy được trật tự, một cách tự nguyện. Chính sự bình lặng chung này khiến Karl thấy ngạc nhiên hơn cả. Nếu không có tiếng kêu của những con thú vô ưu tư đang được chở đến lò sát sinh, tưởng đâu như ta chẳng nghe thấy gì ngoài tiếng gõ móng guốc và tiếng bánh xe nghiến lạo xạo. Dĩ nhiên tốc độ không phải lúc nào cũng được giữ đều. Những khi, tại một số điểm giao, do sức ép quá lớn từ các đường ngang, phải có những điều chỉnh, tất cả các hàng dừng lại rồi sau đó lại tiến lên một cách từ từ, nhưng cũng có những lúc mọi xe cộ phóng vùn vụt cho tới khi nhịp chuyển động này dịu xuống như thể dưới tác động của một phanh hãm chung. Tuy nhiên, từ con đường không hề bay lên chút bụi nào, mọi thứ tiến lên trong làn không khí trong lành nhất. Không có lấy một người bộ hành; ta không nhìn thấy những phụ nữ đi chợ phiên như tại đất nước của Karl, mà chỉ thấy những chiếc xe tải không phủ bạt thỉnh thoảng hiện ra, mỗi xe chở chừng hai chục phụ nữ mang sọt, như vậy là các lái buôn, họ thò cổ ra để xem xe cộ đi lại và hy vọng đi được nhanh hơn.

Cũng có những chiếc xe tải khác cùng kiểu, trên đó ta thấy những người đàn ông đút tay vào túi đi lại. Trên một chiếc xe ấy có viết chữ, Karl đột nhiên đọc được, và nhảy dựng lên: “Hãng vận tải Jakob cần thuê nhân viên bốc vác bến tàu”. Chiếc xe đang đi ngang qua rất chậm và một người đàn ông nhỏ bé nhanh nhẹn lưng gù mời ba người đang đi dưới đường lên. Karl trốn vào sau lưng hai người thợ máy như thể ông cậu của anh có thể đang ở trên xe và nhìn thấy anh, anh sung sướng khi thấy mấy người bạn đồng hành lờ tít lời mời đi, nhưng hơi tổn thương vì vẻ mặt cao ngạo của họ khi làm thế. Họ không được phép tự thấy mình quá giỏi nên chẳng thèm phục vụ cho ông cậu. Ngay lập tức anh làm cho họ hiểu điều đó, nhưng bằng những lời lẽ mập mờ. Thấy vậy Delamarche bèn bảo anh đừng dây vào những chuyện mà anh không hiểu, giải thích với anh rằng cách thuê người như thế kia là một trò lừa đảo đáng ghê tởm và hãng Jakob có tiếng tăm rất xấu trên toàn nước Mỹ. Karl không trả lời nhưng kể từ đó anh ngả về phía tay Ái Nhĩ Lan. Anh nhờ hắn mang giúp cái hòm một lúc, hắn để anh phải nhắc lại điều đó nhiều lần nhưng cuối cùng cũng nhận lời. Hắn không ngừng than vãn cho đến lúc cũng hiểu được rằng hắn chỉ chăm chăm muốn giảm bớt gánh nặng cho cái hòm khỏi miếng xúc xích Verona, chắc hẳn nó đã đánh động tâm trí hắn một cách dễ chịu ngay từ lúc còn ở quán trọ. Karl phải rút miếng xúc xích ra, tay người Pháp cầm lấy nó và dùng một con dao trông như dao găm cắt nhỏ nó ra và một mình hắn chén gần như hết luôn. Robinson thỉnh thoảng được một lát nhỏ, còn Karl, buộc phải xách cái rương trở lại, hoàn toàn không được gì; bọn họ đối xử với anh như thể anh đã có phần của mình từ trước vậy. Anh thấy sẽ thật hèn kém nếu xin một miếng, nhưng nỗi tức tối của anh trở nên sôi sục.

Sương mù đã tan, một dải núi cao lấp lánh xa xa, đỉnh núi uốn lượn lẩn vào đường chân trời trong những làn hơi mà mặt trời làm bay lên. Bên lề đường, những cánh đồng cày cấy nham nhở bao quanh những nhà máy lớn mọc lên giữa trời, bám muội đen kịt. Những ngôi nhà cho người ở thật cao, những trại lính đích thực nằm rải rác lung tung, với rất nhiều cửa sổ rung lên vì mọi thứ chuyển động và mọi loại ánh sáng, và trên những ban công hẹp của chúng nhộn nhịp phụ nữ và trẻ con, bao quanh là, phủ lên họ và che giấu họ, đống giẻ lau, khăn tắm phơi trên những sợi dây, chúng phồng lên dữ dội trong làn gió buổi sáng. Nếu ánh mắt rời khỏi những ngôi nhà, ta sẽ phát hiện những con chim chiền chiện bay tít trên trời cao và lũ nhạn bay là là gần như sát trên đầu người qua đường.

Rất nhiều thứ ở đây khiến Karl nhớ nhà và anh tự hỏi có nên rời New York đi sâu vào lục địa hay không. Ở New York có biển, lúc nào cũng có khả năng quay về tổ quốc. Anh bèn dừng lại, tuyên bố mình cảm thấy muốn ở lại New York. Delamarche muốn kéo anh đi; anh từ chối để mình bị kéo, nói rằng mình có quyền tự quyết định số phận. Tay Ái Nhĩ Lan phải can thiệp, nói rằng Butterford tốt đẹp hơn New York nhiều, nhưng vẫn phải cầu xin Karl thì anh mới chịu quyết định đi tiếp. Lẽ ra anh đã không làm thế nếu không tự nhủ rằng có lẽ sẽ tốt hơn nếu đi tới một thành phố từ đó khó về nhà hơn. Hẳn anh sẽ có thể làm việc và thành công nhiều hơn nếu không bị luẩn quẩn với những suy nghĩ vô tích sự làm anh sao lãng.

Kể từ nay, chính anh là người kéo theo hai tay kia, và bọn họ rất sung sướng vì niềm hưng phấn đột ngột ở anh, thậm chí thay nhau mang hộ anh cái hòm, chẳng cần anh phải nhờ, đến nỗi Karl phải tự hỏi làm sao mà mình lại có thể tạo cho bọn họ niềm vui lớn như thế. Đường đi bắt đầu dốc lên và khi thỉnh thoảng ngoái đầu lại họ có thể nhìn thấy toàn cảnh New York cùng các bến cảng trải rộng mãi không ngừng. Cây cầu nối New York với Boston treo cao gầy guộc phía trên sông Hudson và run lên mỗi khi ta hơi nhíu mắt lại. Trông nó như thể không có người qua lại, làn nước bất động trải ra phía dưới nó trông giống một dải ruy băng mịn. Hai thành phố khổng lồ như thể mọc lên ở đó, hoang vắng và vô tích sự. Gần như không có khác biệt nào giữa những ngôi nhà lớn và những ngôi nhà nhỏ. Nơi đáy sâu khôn dò của các phố cuộc sống có lẽ vẫn tiếp diễn như thường, nhưng bên trên ta chỉ có thể nhìn thấy một làn hơi nhẹ không nhúc nhích, nhưng có vẻ rất dễ tan biến. Ngay ở cảng, cảng lớn nhất thế giới, sự yên tĩnh cũng tràn xuống; chỉ thỉnh thoảng, hẳn là dưới ảnh hưởng của một kỷ niệm nào đó rút ra từ sự ngắm nhìn từ khoảng cách gần hơn, ta tưởng như nhìn thấy một con tàu đi qua trong chốc lát. Nhưng ta không thể nhìn theo nó thật lâu, nó mau chóng thoát khỏi tầm nhìn và rồi ta không còn thấy nó nữa.

Nhưng rõ ràng Delamarche và Robinson nhìn thấy nhiều thứ hơn: bọn họ chỉ trỏ cái này cái kia bên phải, bên trái, chìa tay về phía những quảng trường, khu vườn, liệt kê tên của chúng. Bọn họ không thể hiểu nổi tại sao Karl đã ở New York từ hơn hai tháng rồi mà trong cả thành phố mới chỉ nhìn thấy độc một phố. Bọn họ hứa sẽ dẫn anh tới đó chừng nào kiếm đủ tiền ở Butterford và chỉ cho anh mọi nơi, đặc biệt là một số chỗ họ có thể tha hồ vui thú cực điểm. Rồi Robinson cất giọng rống lên một bài hát được Delamarche phụ họa bằng cách vỗ tay và Karl nhận ra đó là một bản operette có xuất xứ từ đất nước của anh, nhưng với lời tiếng Anh ở đây, nó gây cho anh ấn tượng lớn hơn nhiều. Như vậy là giữa thanh thiên bạch nhật họ tổ chức một buổi biểu diễn nhỏ mà tất cả mọi người cùng tham gia; chỉ có mỗi thành phố dưới chân họ, chính là đối tượng của bài hát, thì lại như thể chẳng hề hay biết.

Có một lần Karl hỏi hãng vận chuyển Jakob ở đâu và anh thấy ngay ngón tay trỏ của Delamarche và Robinson chìa ra chỉ về phía những điểm có lẽ giống nhau, nhưng cũng có thể cách nhau hàng dặm. Khi họ tiếp tục đi Karl lại hỏi chừng nào họ sẽ kiếm được khá tiền để có thể quay về New York. Delamarche tuyên bố một tháng có thể là đủ, vì ở Butterford thiếu công nhân lắm và tiền lương ở đó lại cao. Lẽ dĩ nhiên, tất tật tiền thu được sẽ phải để vào một quỹ chung nhằm san sẻ những khác biệt về thu nhập giữa những người đồng hội. Đối với Karl cái quỹ chung này chẳng có gì tốt đẹp mặc dù, với tư cách thợ học việc, chắc hẳn anh sẽ kiếm được ít hơn những người có chuyên môn. Thêm nữa Robinson nhắc rằng nếu ở Butterford không có việc thì dĩ nhiên sẽ phải đi xa hơn, vào làm trong một trang trại hay sang bên California để đãi vàng, dựa theo những lời giải thích chi li của hắn thì có thể nói rằng hắn ưa nhất kế hoạch sang California.

“Thế tại sao anh lại trở thành thợ máy, nếu bây giờ anh muốn sang California tìm vàng?” Karl hỏi, anh không thích nghe sẽ phải đi những chuyến xa và thiếu chắc chắn như vậy.

“Tại sao tôi lại trở thành thợ máy à?” Robinson hỏi. “Chắc chắn không phải để thằng con trai của mẹ tôi phải chết đói rồi. Ở các bãi vàng thì kiếm được nhiều tiền lắm.”

“Từng kiếm được,” Delamarche chữa lại.

“Vẫn kiếm được,” Robinson nói, và hắn kể ra những người quen biết từng làm giàu với công việc này, họ vẫn ở đó, tất nhiên chẳng cần phải động chân động tay nữa nhưng, rõ là vậy rồi, luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn bè kiếm bộn tiền. “Chúng ta sẽ tìm được việc làm ở Butterford thôi,” Delamarche nói, đúng là điều mà Karl muốn nghe, nhưng cách nói của hắn chẳng mang lại mấy niềm tin tưởng. Trong suốt cả ngày họ chỉ dừng lại một lần, tại một quán trọ, họ ăn ngoài trời ở trước quán, bên một cái bàn mà Karl nghĩ là làm bằng sắt, món thịt gần như còn sống nguyên, dao dĩa không thể thái rời nổi mà chỉ giằng giật được ra. Bánh mì có hình ống trụ, mỗi ổ lại có một con dao sắc cắm vào. Các món được chiêu bằng một thứ chất lỏng màu đen làm cháy cổ họng. Tuy nhiên hẳn Delamarche và Robinson rất thích thứ đó, vì bọn họ liên tục giơ cốc lên để chúc tụng đủ kiểu, chạm cốc vào nhau và giữ chúng chạm vào nhau như vậy một lúc trong không khí. Những công nhân ngồi ở các bàn bên cạnh mặc những chiếc áo bờ lu dây đầy vết vôi và uống cùng thứ nước màu đen ấy. Xe ô tô chạy qua làm tung lên bàn những đám mây bụi. Người ta chuyền tay nhau những tờ báo khổ rất lớn, hào hứng bàn tán về cuộc đình công của công nhân xây dựng, tên của Mack nhiều lần xuất hiện, Karl tìm hiểu về chủ đề này và biết được rằng Mack là bố của người mà anh quen biết và là chủ thầu xây dựng lớn nhất của New York. Cuộc đình công làm ông ta thiệt hại hàng triệu và có lẽ còn đe dọa làm ông ta phá sản. Karl chẳng tin lấy một lời trong những lời lẽ ba hoa của những con người xấu tính và ít thông tin kia.

Vả lại trong tâm trí Karl bữa ăn càng đáng chán vì vấn đề là phải biết xem ai sẽ trả tiền. Chắc hẳn sẽ là bình thường và công bằng nhất khi ai trả phần người nấy, nhưng Delamarche cũng như Robinson đều vừa bảo rằng đêm vừa rồi ở quán trọ đã làm bọn họ tiêu tốn đến những đồng cuối cùng. Trên người bọn họ không thấy có đồng hồ, nhẫn, chẳng có gì đem bán được. Thế nhưng Karl không thể chỉ ra rằng bọn họ đã kiếm chác được khi bán quần áo của anh. Làm vậy có lẽ sẽ xúc phạm bọn họ và dẫn đến tuyệt giao với bọn họ. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là cả Robinson lẫn Delamarche đều không có chút gì lo lắng đến việc trả tiền; thậm chí bọn họ còn rất cao hứng, tìm cách nói chuyện càng nhiều càng tốt với cô hầu, cô ta đi đi lại lại với bước chân kiêu hãnh và nặng nề giữa những cái bàn. Tóc cô ta hơi trễ nải trên trán và hai bên mai, và chốc chốc cô ta lại lấy tay vuốt tóc về phía sau. Rốt cuộc, vào lúc họ trông chờ một lời nói thân thiện, cô ta tiến về phía cái bàn, hai nắm tay chống xuống mặt bàn và hỏi: “Ai trả tiền đây?” Chưa từng bao giờ có những bàn tay nào chuyển động nhanh như tay của Robinson và tay người Pháp để chỉ vào Karl. Karl không nhảy dựng lên vì thế, vì anh đã tiên liệu điều này và không thấy có gì xấu khi các bạn của mình, từ họ anh cũng chờ đợi những món lợi, bắt anh phải trả vài thứ nhỏ nhặt, mặc dù anh thấy sẽ là tốt hơn nếu giải quyết rõ ràng vấn đề trước khi tới thời điểm không thể tránh né. Điều phiền nhiễu duy nhất là anh buộc phải lấy tiền từ cái túi bí mật. Thoạt đầu anh đã có ý giữ riêng một phần phòng trường hợp tối cần thiết và nhờ thế mà tạm thời ngang bằng được với các bạn của mình. Lợi thế anh có được đối với họ nhờ số tiền này và nhất là nhờ việc anh không nói gì về sự tồn tại của nó cũng chẳng có gì là quá để bù trừ cho những năm dài họ sống ở Mỹ, kinh nghiệm của họ, việc họ chẳng hề hay biết đến một hoàn cảnh tốt đẹp hơn. Kế hoạch ban đầu của Karl về món tiền chắc hẳn không nhất thiết bị tiêu tùng bởi việc thanh toán tiền ăn, bởi vì anh có thể bỏ ra hai mươi lăm xu; nếu thế anh chỉ cần đặt món tiền lên bàn rồi tuyên bố anh chỉ có ngần ấy thôi và anh sẵn sàng hy sinh nó cho lợi ích chung, chuyến đi Butterford. Nếu họ đi bộ, số tiền này là quá đủ. Nhưng anh không biết mình có đủ tiền lẻ hay không và, thêm nữa, món tiền lẻ này nằm cùng với cục tiền giấy ở một góc nào đó tận sâu trong cái túi bí mật, chẳng thể nào tìm một cái gì đó nếu không đặt tất cả lên mặt bàn. Ngoài ra, không gì vô ích hơn là để các bạn anh biết được bất kỳ điều gì về cái túi bí mật này. Thật may là các bạn anh tỏ ra quan tâm đến cô hầu nhiều hơn là quan tâm đến cách thức Karl rút tiền ra. Delamarche, vừa bảo cô ta tính tiền vừa kéo cô ta vào giữa mình và Robinson, và cô ta chỉ có thể chống trả cuộc tấn công của bọn họ bằng cách đặt tay lên mặt bọn họ nhằm đẩy bọn họ ra xa. Trong lúc đó, Karl, mặt đỏ tía lên vì vội vã, đặt vào một bàn tay để dưới gầm bàn số tiền mà anh dùng bàn tay còn lại khua khoắng trong cái túi bí mật, rút ra từng xu một. Khi rốt cuộc anh nghĩ - mặc dù không mấy quen thuộc với tiền xu Mỹ - dựa theo số xu đã lấy được, là đã đủ, anh đặt món tiền này lên mặt bàn. Tiếng lạch cạch của tiền cắt đứt ngay lập tức mấy trò đùa nhảm. Trước nỗi ngao ngán của Karl và niềm ngạc nhiên của tất cả, ở đó có đến gần một đô la. Thật ra thì chẳng ai hỏi lý do khiến Karl còn chưa nói gì đến món tiền này, nó đủ để mua vé tàu hỏa cho tất cả đi đến Butterford, nhưng Karl thấy hết sức bối rối. Trả tiền xong cho bữa ăn, anh chậm rãi thu tiền về, Karl nhặt lấy từ tay anh một đồng xu để thêm vào món tiền boa cho cô hầu rồi hắn hôn cô ta, siết chặt cô ta vào ngực trước khi đưa tiền cho cô ta, đồng tiền mà hắn giơ ra bằng bàn tay còn rỗi.

Karl cảm thấy biết ơn vì bọn họ đã không đả động đến chuyện món tiền khi đã đi tiếp và thậm chí trong một lúc anh còn nghĩ đến việc thú nhận với bọn họ toàn bộ tài sản của anh, nhưng vì không có cơ hội nào nên anh từ bỏ ý định. Đến tối thì họ tới một vùng đất có nhiều hoạt động nông nghiệp hơn và màu mỡ hơn. Quanh đó họ nhìn thấy những cánh đồng, tất cả đều được chăm sóc và phủ màu xanh lục mới mẻ lên những uốn lượn mềm mại của mặt đất; những biệt thự giàu có nằm hai bên đường và suốt nhiều tiếng đồng hồ họ đi dọc theo những hàng rào sắt mạ vàng và những khu vườn; họ đi qua nhiều lần một con sông chầm chậm chảy và thường nghe thấy tiếng những đoàn tàu hỏa phía trên họ, băng qua những cây cầu cạn rất cao.

Đúng lúc mặt trời lặn dần đằng sau đường vạch thẳng tạo ra bởi những khu rừng xa xa thì họ gieo mình lên cỏ, trên một khoảng đất nhô lên, giữa một đám cây, để nghỉ ngơi cho đỡ mệt. Delamarche và Robinson nằm đó, duỗi người thoải mái hết cỡ, còn Karl thì ngồi nhìn con đường phía dưới nơi những chiếc ô tô, như trong suốt cả ngày, tiếp tục diễu qua theo một nhịp điệu nhè nhẹ, như thể một chân trời đã thả chúng ra theo một số lượng chính xác rồi chân trời đối diện đợi chúng để đón nhận theo đúng số lượng ấy. Suốt cả ngày, từ khi trời sáng, Karl chưa hề nhìn thấy dù chỉ một chiếc xe ô tô dừng lại hay thả xuống dù chỉ một hành khách.

Robinson đề nghị qua đêm ở đây, nói rằng tất cả họ đều đã thấm mệt, sáng sớm mai hãy lên đường, và rằng họ sẽ chẳng thể nào tìm được một khách sạn rẻ hơn mà lại ở vị trí đẹp hơn trước khi trời tối. Delamarche có cùng ý kiến, chỉ Karl nghĩ mình có nghĩa vụ phải nêu lên nhận xét rằng anh có đủ tiền để thuê khách sạn cho mọi người. Delamarche tuyên bố số tiền này sẽ hữu ích cho họ sau này và việc cần làm là giữ nó cho thật cẩn thận. Hắn chẳng hề che giấu rằng bọn họ đã trông chờ vào món tiền ấy. Vì lời đề nghị đầu tiên của hắn đã được chấp nhận, Robinson giải thích thêm rằng tất cả phải ăn uống no nê trước khi ngủ, để lấy sức, và một người trong số họ phải đi kiếm đồ ăn ở “Khách sạn phương Tây”, mà họ nhìn thấy bảng hiệu lấp lánh gần con đường. Vì Karl trẻ nhất và không ai khác tự nhận việc này, anh không ngần ngại đề nghị để mình làm rồi đi đến khách sạn sau khi đã nhận lời yêu cầu: thịt mỡ, bánh mì và bia.

6 comments:

  1. "Chẳn hẳn sẽ là bình thường và công bằng nhất khi ai trả phần người nấy..." - đoạn này hình như có lỗi đánh máy.

    ReplyDelete
    Replies
    1. tks xong rồi chương 5 nhanh lên nhé. Lỡ đọc rồi, chờ sốt ruột lắm.

      Delete
  2. khi nào có chương 5 anh ơi :((((((

    ReplyDelete
    Replies
    1. mình dịch xong cả quyển rồi, giờ chỉnh tí tẹo thôi, muốn nhanh được ngay ;)

      nhưng lần trước mình có hỏi về việc bạn dịch Amerika, hay là drop cái mail đi, khó tìm được ai cũng đặc biệt quan tâm đến quyển này lắm

      Delete