Feb 5, 2016

Văn chương miền Nam: Phùng Thăng

Tôi từng nhắc đến một quãng miền Nam tranh luận về dịch thuật, tập trung vào tờ phụ trương của tạp chí Văn, chủ yếu có thể gọi là "nhị Trần chiến nhị Phùng" (xem thêm ở đây).

Ai muốn đọc bài Trần Phong Giao mắng Phùng Khánh (liên quan đến Salinger), Trần Thiện Đạo mắng Phùng Thăng (liên quan đến Jean-Paul Sartre) thì có thể liên hệ với tôi.

Thế nhưng, lại một lần nữa, đúng như theo mô hình của Hoài Thanh trong mối quan hệ với các nhà thơ của mình:

Trong lĩnh vực dịch thuật (và không chỉ có vậy), Trần Phong Giao không đến mắt cá chân Phùng Khánh, và Trần Thiện Đạo kém Phùng Thăng quá, quá xa, đến mức không thể so sánh được.

Trần Thiện Đạo rành tiếng Pháp, nhưng là một thứ tiếng Pháp máy móc, không có gì đặc biệt, và nhất là, Trần Thiện Đạo có một thứ tiếng Việt của trẻ con học đòi làm người lớn. Khi dịch Le Petit Prince, Trần Thiện Đạo chính là người nhầm Đại Tây Dương thành Thái Bình Dương, không những thế còn tạo ra một cụm từ theo tôi là đỉnh cao của lịch sử dịch thuật lẫn lịch sử dùng từ của Việt Nam: "tể tướng bộ tư pháp". Ngoài đó ra, ở các bản dịch khác, Trần Thiện Đạo cũng thế. Nhưng mấy điều này, theo tôi chẳng quan trọng mấy, quan trọng nhất là, Trần Thiện Đạo tạo ra một mẫu hình tuyệt vời cho sự nhất thiết phải tránh ở dịch thuật: không biết tiếng Việt nhưng lại rất to mồm. Và Trần Thiện Đạo cũng là điển hình cho một nhóm: trí thức của các diaspora Việt Nam ở nước ngoài. Đặc biệt về "nhóm Paris", tả hay hữu, tôi có nhiều điều để nói lắm, nhiều lắm lắm.

Còn Phùng Thăng chính là người dịch một cách tuyệt vời cuốn sách này:


(gồm những bức thư Simone Weil gửi père Perrin và vài bài viết khác về tôn giáo)

Sống ở Paris rất lâu năm nhưng Trần Thiện Đạo đâu có hiểu gì về con đường đi của trí tuệ và văn chương Pháp thời ấy, mà chỉ chăm chăm xem tivi ở nhà, xem Sartre nói gì, Foucault nói gì rồi viết bài tường thuật gửi về cho tờ Văn, chắc là theo đơn đặt hàng của ông bạn Trần Phong Giao.

Trong khi đó, triết học Pháp nếu quả thật có gì xuất chúng, thì nó nằm ở Simone Weil; Cioran từng nói hai điều rất đặc biệt về Weil: thứ nhất, trong toàn bộ truyền thống "triết Pháp" kiểu Bataille-Sartre, ông chỉ quan tâm đến độc có Weil và thứ hai, điều mà ông yêu quý ở Weil là lúc nào bà cũng tự so mình với các vị thánh lớn nhất (Weil cho biết, mình phạm tội ganh tị những khi nào xem cảnh Jesus chịu nạn đóng đinh câu rút). Cioran từ chối coi Weil là một nữ thánh, nhưng thật ra thì đúng là thế.

Albert Camus rất may mắn vì khi bắt đầu phụ trách collection "Espoir" cho nhà Gallimard thì cũng vừa lúc ông bà Weil quay trở về sống ở Paris, sau cuộc chịu nạn tập thể của người Do Thái châu Âu, và bắt đầu sắp xếp di cảo của con gái, thành ra cuốn sách đầu tiên xuất hiện trong tủ "Espoir" chính là L'Enracinement của Simone Weil, năm 1949 (công việc san định bản thảo sau này chủ yếu do người anh trai phụ trách; ở Việt Nam, người ta biết đến nhà toán học André Weil hơn nhiều so với biết về Simone Weil, và Phùng Thăng chính là một trong những người rất ít ỏi hiểu ngay từ sớm tầm vóc của Weil: bản dịch trong ảnh được ấn hành năm 1973). L'Enracinement, khi Weil bàn cực kỳ độc đáo về vấn đề "obligation" tức là bổn phận, ngay lập tức làm ta nghĩ đến Les Déracinés của Maurice Barrès, về sự mất gốc, sự vong bản; Barrès là một người quốc gia chủ nghĩa hạng nặng (xem thêm ở đây).

Rất đáng tiếc, Camus chẳng học được mấy từ Weil, nên về sau đã tạo ra một thứ triết học và văn chương quáng gà cộng thong manh dập dờn ánh nắng Địa Trung Hải, được một số trí thức Việt Nam vô cùng hưởng ứng, đặc biệt là Trần Thiện Đạo.

Trí thức Việt Nam ở Paris, đó là gì? Là, rất nhiều, những nhà nghiên cứu tuột xích (trong nghiên cứu cũng có khái niệm "tuột xích" giống trong ngành công an ư? có chứ, nhiều là khác), là những con người ôm mộng chính trị, có chân này chân kia trong một nội các này hay một nội các nọ, nhưng thất bại ráo, và cuối đời bỗng trở nên khát khao truyền bá tri thức nhân loại cho người dân Việt Nam lầm than. Trí thức Việt Nam nói chung có hai lộ trình rất nổi bật: 1) làm chính trị thất bại quay sang làm nhiên kíu và 2) làm nghiên cứu thất bại quay sang làm nhà bất đồng chính kiến. Gió chiều nào cũng xoay được hết, rất tài năng.

Trí thức Việt Nam ở Paris cũng rất nhiều phe nhóm; tôi từng bị tất cả các phe tìm cách chiêu hồi, tất nhiên là tôi hiểu rất nhiều thứ chứ, nhưng thôi, các vị đừng có lo, tôi không phải người thích ăn thua đủ, những gì là ân tình thì vẫn cứ là ân tình, nhưng một số chuyện quá đáng quá thì cứ liệu đấy, ảnh hưởng tồi tệ đến nhiều người quá thì tôi cũng không bỏ qua được đâu.

Trí thức Việt Nam ở Paris còn là một điều nữa. Tôi đã có thời gian đi ngắm nghía xem chuyện gì đang xảy ra ở hai địa hạt: trong cái gọi là "Việt Nam học" (Paris và Pháp chỉ là một địa điểm thôi, tất nhiên, và tôi cũng nhìn rộng hơn Paris) và trong dịch thuật văn chương Việt Nam ra tiếng Pháp.

Việt Nam học thì phải nói là rất vui. Theo tôi, sau Lê Thành Khôi và Trịnh Văn Thảo, mọi thứ bết bát lắm. Và trong dịch thuật: sau giai đoạn tuyệt đẹp do một tay Phan Huy Đường tạo ra (Phan Huy Đường với tôi thì cũng chẳng mặn nồng gì đâu, nhưng tôi có thể xác định rất chính xác vị trí của ông ấy, giá trị của ông ấy, và đối với tôi, Phan Huy Đường có một điều thiếu vắng ở hầu hết trí thức Việt Nam, đó là một sự ngưỡng mộ chân thành dành cho một số nhân vật, ví dụ Dương Thu Hương, mà một khi, trong cuộc làm người, có được sự ngưỡng mộ chân thành, thì ta sẽ tự nhiên mà thoát được bao nhiêu thứ dẩm dít nhọ nồi), giờ đây mọi thứ đã khác.

Giờ đây, không có văn chương, mà chỉ có lợi ích cá nhân. Tôi là một người đọc, tôi không chỉ đọc chữ, tôi đọc được đằng sau mỗi cuốn sách Việt Nam dịch sang tiếng Pháp những năm gần đây một thứ lợi ích cá nhân, thứ lợi ích mà với riêng tôi, quá nhỏ, tại sao lại có thể bán rẻ linh hồn cho nó mà làm gì. Tất nhiên, với tôi là nhỏ, nhưng với những người khác có thể lại rất lớn. Nhất là với bọn mắt trố.

Gần Tết rồi, chúc các bạn ăn Tết vui vẻ nhé. Có thể một ngày nào đó chúng ta sẽ lại nói chuyện tiếp. Cứ đợi đi, cái gì cũng có thời điểm của nó thôi.



Văn chương miền Nam: Thằng Bờm và Tuổi Hoa
Văn chương miền Nam: giữa chừng
Văn học miền Nam: Phan Khoang và Phan Du
Phan Nhật Nam
Võ Phiến
Văn học miền Nam: Thơ
Thơ (tiếp)
Bùi Giáng
Mặc Đỗ
Thanh Tâm Tuyền
Văn học miền Nam: Một số "tác giả lẻ"
Nguyễn Mộng Giác
Bình Nguyên Lộc
Y Uyên và Thảo Trường
Nguyễn Đình Toàn
Huỳnh Phan Anh
Văn học miền Nam: Thi sĩ Quách Thoại
Nguyên Sa
Hoàng Hải Thủy
Văn học miền Nam: Nhà văn Dương Nghiễm Mậu

12 comments:

  1. hi hi trong L'Enracinement chị Ba cũng đã nhấn mạnh cái ý phải đón nhận mọi ý kiến phản biện, mọi quan điểm khác biệt, rồi từ đó để sắp xếp các ý kiến đó, các quan điểm đó phù hợp với trình độ con người cơ mà.

    ReplyDelete
  2. máu nhể, tính in cả SW đấy à? hay làm tuyển tập thư, kiểu gửi Bousquet các thứ nhỉ hehe

    ReplyDelete
  3. Hai bà PK, PT học cùng lớp với chị tôi. Cứ thấy mấy bà tụ lại là tôi đến gần nghe lóm chuyện đông tây kim cổ. Triệu lần như một đều bị đuổi đi chỗ khác chơi. Ức lắm nên lớn lên tôi chê cả văn nghiệp của các bà, không thèm ghé mắt tới. Mất dịp học hỏi, nay thấy thiệt thân thì đã muộn.

    ReplyDelete
  4. Thời trung học tôi có đọc " Bắt trẻ đồng xanh " bản dịch của Phùng Khánh Phùng Thăng, từ tiểu thuyết " The catcher in the rye " của D.J. Salinger.

    Lúc ấy tôi không biết đó là quyển tiểu thuyết rất nổi tiếng trên thế giới, và người dịch lại là...sư cô.

    Rất lâu về sau này tôi mới biết, mặc dù được giảng dạy tại các trường học ở Mỹ, The catcher in the rye là tiểu thuyết bị tranh cãi nhiều nhất, bị kiểm duyệt , bị cắt xén nhiều đoạn được cho là quá dung tục.

    Không biết sự dung tục trong nguyên tác tiếng anh cỡ nào, chớ tôi thấy bản dịch của Phùng Thăng Phùng Khánh cũng rất OK, không có gì quá đáng.

    Nhấn dấu like cho hai " sư cô " đi tiên phong trong việc dịch một tác phẩm rất hay...một tác phẩm lúc đầu chỉ dành cho người lớn.

    ReplyDelete
  5. bản dịch của Phùng Khánh sai cũng nhiều, nhưng toàn lặt vặt, chi tiết, thuộc loại đọc nhầm, lười tra cứu, sửa tí là hết, cái hay là giọng của tiểu thuyết, phong vị của nó, tinh thần của nó, thì Phùng Khánh quá giỏi trong việc tạo ra (tái tạo) trong bản tiếng Việt

    ReplyDelete
  6. "Ai muốn đọc bài Trần Phong Giao mắng Phùng Khánh (liên quan đến Salinger), Trần Thiện Đạo mắng Phùng Thăng (liên quan đến Jean-Paul Sartre) thì có thể liên hệ với tôi."
    Tò mò muốn biết họ đã "mắng" PK và PT như thế nào. Xin vui lòng giúp. Liên lạc bui.huy@gmail.com. Cảm ơn.

    ReplyDelete
  7. tôi viết bài này vào tháng Hai 2016, lúc í tôi sẵn sàng cho thật, còn bây giờ, sau hạ chí, tôi chẳng muốn cho nữa

    ReplyDelete
    Replies
    1. vậy sau đông chí, lúc í tôi mới xin, bác đồng í nhé?

      Delete
  8. Kê lạ ở thiên đường được in lại dạng ảnh ấn kìa anh. Em có cảm giác ngta xuất bản sách dựa trên blog này :p

    ReplyDelete
  9. thế đã ăn thua gì

    để lúc nào kể chuyện Thomas Bernhard đã rơi vào tay đám nouveau riche thích chơi trò hiểu biết ở Việt Nam như thế nào mới hay: vinh quang của Bernhard chính là nằm ở chỗ kể cả chết rồi vẫn gây ra được những pha fiasco như thế

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đúng ngay cuốn mà anh nhắc tới nhiều lần, trích dịch & khen, ở blog này. Ko chừng người ta "biết tới" TB cũng qua đây.

      Delete
  10. câu chuyện còn có nhiều tính tiết lắt léo hơn nhiều, đại để là đủ để Alexandre Dumas dựa vào để viết thêm một bộ trường thiên tiểu thuyết nữa

    ReplyDelete