Mar 21, 2016

Sách của bọn con trai

bộ Tintin mười quyển, có hộp:


là một trong những "sách của bọn con trai" vô cùng điển hình (khái niệm "sách của bọn con trai" lấy từ Walter Benjamin: xem thêm ở đây)




lâu lâu rồi, nơi xuất bản bộ Tintin này nói với tôi là sẽ gửi tặng cho tôi, tôi đợi một thời gian, chẳng thấy đâu, cứ nghĩ là chưa có, hôm nọ ra hiệu sách thì hóa ra có lâu rồi, thế là mua luôn

cho nên nhắn với cơ sở là thôi đừng gửi cho tôi nữa nhé

thật ra, tôi có một cái thói, rất sợ bị tặng sách, chừng nào có ai đó mới ra sách, nghe mùi sẽ được tặng là tôi sẽ co cẳng chạy ngay ra hiệu sách mua luôn, khi tác giả đề nghị tặng tôi thì tôi bảo ngay, không những đã có, mà đã đọc xong từ lâu rồi, hehe

cùng hôm đi hiệu sách ấy, còn có quyển dưới đây, là sách đắt nhất Việt Nam vào thời điểm này, và cũng có hộp:


trông tôi thế thôi (:p) nhưng Harry Potter tôi đọc hết đấy, có lần còn cam chịu đọc bản leak trên mạng, một tập nào đó; thông cảm nhé, ai cũng một thời trẻ dại :p

điều đặc biệt của quyển Harry Potter có vẻ rất đẹp này mà nhà xuất bản Trẻ mới in, nằm ở chỗ: tôi không làm sao gỡ được quyển sách ra khỏi cái hộp

khi sách có hộp, thông thường ta chỉ cần giơ nó lên cao, hướng phần có cái khoanh bán nguyệt xuống dưới, quyển sách sẽ tự động chui ra, đúng không? (sách khi mua còn có bọc giấy kính bên ngoài nên mua về nhà rồi thì mới có thể thực hành được bộ môn dốc sách cho nó rơi khỏi bao này)

nhưng quái lạ là tôi giữ như thế đến vài phút mà sách không rơi ra, và tôi nhận ra là nó sẽ không rơi ra, như thể cái hộp đã dính chặt vào quyển sách như một bộ quần áo trừng phạt, mặc vào được nhưng không thể cởi được

sau đó, tôi loay hoay gần nửa tiếng tìm cách lôi quyển sách ra, thậm chí tôi còn lấy chìa khóa luồn vào hai bên đầu mút của gáy, mong rằng theo nguyên lý đòn bẩy sẽ nậy được quyển sách bí hiểm này ra khỏi mai rùa của nó

nhưng vẫn không được

giờ đây, tôi nghĩ chỉ còn giải pháp là lấy kéo cắt tan tành cái hộp chứa quyển sách đắt nhất Việt Nam này ra mà thôi hahaha

niềm tin vào những điều tốt đẹp trên cõi đời được duy trì chút ít với Kim Đồng, quyển sách tuyệt vời dưới đây, không có hộp:



giờ, ta sẽ bàn thêm về khái niệm "sách của bọn con trai", khái niệm mà tôi nghĩ là quan trọng hơn nhiều so với vẻ ngoài đơn sơ của nó

trước hết, đọc ở đây

thế giới huyền ảo của bọn trẻ con trai và bọn trẻ con gái rất không giống nhau

những kỳ diệu trong đầu óc bọn con gái là sự nhìn thấy: kinh điển của điều này là câu chuyện về cô bé Ida của Andersen; khi ấy, vẫn căn phòng bình thường, nhưng đêm đến, Ida chứng kiến bọn hoa khiêu vũ ở đó; một cô bé khác là cô bé bán diêm, với sự kỳ diệu nhìn thấy vào giây phút sắp lìa đời; với những đứa bé gái, sự kỳ diệu nằm ở những hé lộ của một thế giới khác cho chúng nhìn thấy, ở ngay tại địa điểm thông thường vô cùng quen thuộc; với bọn con gái, muốn có trải nghiệm về kỳ diệu thì tốt nhất là cứ ở yên chỗ của chúng, tốt hơn hết là ngay trong căn phòng của chúng, rất có thể một điều gì đó sẽ xảy ra (về Andersen, xem thêm ở đây); Peter Pan cũng diễn ra kịch bản tương tự, đối với cô bạn gái của Peter Pan: Wendy chỉ việc ở yên trong phòng của mình; peak của hiện tượng này chính là Alice, người phát hiện căn phòng quen thuộc của mình chứa đựng lối đi sang một thế giới khác

nhưng với bọn trẻ con trai thì khác: ta hoàn toàn có thể nói đến một sự ngược chiều, tuy rằng đây chỉ là một ảo tưởng về đối xứng, vì sự thật phức tạp hơn nhiều, nhưng cứ tạm như thế: nếu đối với bọn con gái, trải nghiệm kỳ diệu là sự nhìn thấy, thì ở bọn con trai, trải nghiệm ấy khởi sự bằng sự không nhìn thấy

từ sự không nhìn thấy ấy, mới có thể có, trước hết, sự lạc đường, vì không nhìn thấy những gì quen thuộc nữa nên mới có thể không nhận ra đường đi; và tất nhiên sau đó sẽ là phiêu lưu; sự phiêu lưu không tồn tại ở thế giới của bọn trẻ con gái

một tác phẩm cực lớn về hiện tượng trải nghiệm sự kỳ diệu của một đứa bé trai nằm ở đây

-----------

rồi chúng ta sẽ đến với Patrick Modiano, tức là văn chương mê hoặc của thời bây giờ (xem ở đây), nhưng trước đó tôi rẽ sang Kierkegaard đã (ô, tôi không nghĩ pha rẽ ngang này có gì quá đột ngột đâu)

Kierkegaard từng nói một trong những điều sâu sắc nhất mà triết học từng phát biểu được: tuổi thơ và tuổi già là hai cái tuổi bị bỏ mặc nhiều nhất trên đời, nhưng cũng là hai cái tuổi được hưởng nhiều ân sủng nhất

người già và trẻ con: thật ra người già, ngược chiều với quá trình mất đi ký ức (mémoire/memory: mấy từ này phải thật chính xác, vì Kierkegaard có những phân biệt vô cùng tinh tế, sâu thẳm), người già lại càng ngày càng được hưởng năng lực thơ ca; còn đứa trẻ? bởi đây là một cái tuổi được hưởng ân điển, nên bởi vì không có ký ức, thành ra hiển nhiên thế vào chỗ đó phải có một cái gì đó khác

đấy là một cái gì đó, nhưng, trái với thông thường chúng ta hay nghĩ, cái gì đó không phải là fantastique, không hoàn toàn là fantastique

những phân tích của Tzvetan Todorov về văn chương fantastique (hay được gọi là huyền ảo) có đáng tin hay không? theo tôi, thậm chí còn đáng ngờ

nhân vật đáng tin nhất trong lĩnh vực này là một trong bộ ba của Collège de Sociologie: theo tôi, nếu từng thực sự có xã hội học, thì đỉnh cao của nó nằm ở cái "Collège de Sociologie" lệch lạc và huyền bí này; nó được thành lập bởi Georges Bataille, hai nhân vật chủ chốt khác là Michel Leiris và Roger Caillois

nhưng thấp nhất trong bộ ba ấy lại chính là Georges Bataille: tôi đã tìm ra tên gọi thích hợp hơn cả cho tư tưởng của Bataille: đó là một thứ siêu hình học mũm mĩm, và bởi là như thế, cuốn sách quan trọng của Bataille, La Littérature et le Mal, tức là Văn chương và cái ác, đã không thực sự chạm được đến cái ác, càng không thực sự chạm được đến văn chương

Michel Leiris hơn nhiều, và nhất là Roger Caillois: ngoài một lý thuyết về sự chơi, Caillois còn chính là người chỉ ra sâu thẳm nhất fantastique nghĩa là gì

(tôi sẽ còn rẽ sang sự chơi ở Caillois)

-----------

lại có một cũ rẽ mới ngang xương hehe: đã có Ngọc lê hồn, tức là bản dịch Dưới hoa (Từ Chẩm Á), Nhượng Tống dịch in hồi 1928, bản dịch ngày ấy thiếu mất nửa cuối, ấn bản lần này đã bổ sung

xem thêm ở đây

(mạng mẽo chán quá nên chưa post ảnh ngay được)

Ngọc lê hồn ấn bản 2016:


đối với riêng tôi, Nhượng Tống nghĩa là, ngoài những lời chứng tuyệt đối cần thiết về một số nhân vật lịch sử, là Lan HữuNgọc lê hồn; những lục tài tử thư tất nhiên vô cùng quan trọng, nhưng ở riêng trường hợp Nhượng Tống, lục tài tử thư không là gì so với Lan, Hữu và Mộng Hà, Lê Ảnh

-----------

cách đây vài tháng, tôi được hưởng cả một bữa đại tiệc trong đó tôi mặc sức thưởng thức trí tuệ của tinh hoa trí thức Việt Nam, đó là xung quanh vụ "lý thuyết trò chơi"

sau khi một phía tấn công một nghiên cứu văn học, bên đối diện liền ngay lập tức phản kích (độ nhạy của mấy sự tấn công qua lại này ngày càng tăng cao, thành ra cũng hơi chán, vì quá dễ đoán)

bỏ qua luôn một dây rất hăng hái nói nhưng hoàn toàn không biết gì, nghe nói đến trò chơi thì tưởng ngay ắt đó phải là game theory hehe, nhưng câu chuyện của sự chơi trong nghiên cứu văn học và nhân học đâu có liên quan chút ít gì đến cân bằng động, đến kinh tế học hay John Nash "a beautiful mind" (vụ này giải trí ở mức độ tối đa :p), thì còn lại, thật ra những gì từng được trình bày (thậm chí cái sự chơi này còn từng là một thứ mốt nho nhỏ), tách biệt với thứ game theory oái oăm kia, cũng chẳng liên quan gì nốt đến sự chơi

giờ đây, trong tiếng Việt từ lâu đã tồn tại nhiều tác phẩm của Italo Calvino, không thể không có một nhận thức ít ra là tương đối gần với bản chất của chơi; tới đây, chắc tôi sẽ phải quay lại với những gì là nền tảng nhất: trước hết có lẽ là bảng phân loại chơi của Roger Caillois

sự chơi quan trọng đến mức Huizinga từng có một câu kinh điển, đại ý thế giới đã tiến đến thời hiện đại thông qua đường lối của sự chơi

câu này nghe qua rất vớ vẩn nhưng thật ra nó rất đúng, hoàn toàn đúng; tiện đang nhắc tới Kierkegaard, ta có thể lấy một ví dụ nho nhỏ: trên con đường thế giới tiến đến thời hiện đại, còn ai dám tranh vị trí cao vút của Kierkegaard với tư cách người xử lý các vấn đề nền tảng nhất của con người nữa đây? ấy thế nhưng, Kierkegaard đã thực hiện toàn bộ những câu chuyện trầm trọng hết mức ấy thuần túy bằng một giọng bông đùa

(tiểu tiết, thêm mắm thêm muối cho đỡ căng thẳng và đỡ có mùi siêu hình: Julio Cortázar, theo như những gì nhóm Oulipo hiểu, là một nhà văn nổi bật về sự chơi, viết ra những thứ chứa đựng rất nhiều sự chơi, cùng sự bó buộc (contrainte), đã được Oulipo mời làm thành viên của nhóm, nhưng rất tiếc, theo như những gì Cortázar hiểu về Oulipo, đây là một nhóm có lý tưởng chính trị rất vớ vỉn, chả chịu tranh đấu quái gì cả cho sự tiến bộ của loài người, nên Cortázar đã từ chối phắt)

-----------

giờ ta quay trở lại với chủ đề chính: các cô bé và các cậu bé

ở đây, ngoài việc phải hết sức đề phòng với khái niệm fantastique như đã nói ở trên (nó không đáng giá đến như người ta vẫn hay tưởng đâu, thậm chí còn rất dễ làm lệch hẳn bản chất vấn đề đi), thêm một khái niệm nữa hết sức đáng e ngại: trí tưởng tượng

hãy tưởng tượng là trí tưởng tượng hoàn toàn khác so với ta vẫn tưởng tượng (nghe cứ như một trùng ngôn): và quả thật, nó không phải là thứ mà ta hay nghĩ

trí tưởng tượng thật ra không quan trọng đến như thế; về bản chất, nó chỉ là một tấm phông, trơ ì và không mấy ý nghĩa; ném mọi giải thích về cho trí tưởng tượng là một sự đại khái rất khó chấp nhận

ta quay trở lại với David Hume: Hume chính là người đưa ra định nghĩa khủng khiếp nhất về văn hóa (tức là những gì nhân tạo): đó là những thứ được các dục vọng (passion) phóng chiếu (reflect) lên trí tưởng tượng; như vậy là đủ cho một hình ảnh hết sức chính xác về imagination (còn để hiểu tại sao lại như thế, rất may, chúng ta đã có lời giải thích vô cùng hiệu quả của một nhân vật khác: Gilles Deleuze)

trong các câu chuyện liên quan đến sự kỳ diệu, các cô bé không phiêu lưu, các cô bé cũng không di chuyển: ở tận ngoài rìa của điều này, sát đến giới hạn xa nhất, là Phù thủy xứ Oz: ta có cảm tưởng cô bé Dorothy trong đó đi phiêu lưu rất xa khỏi nhà mình ở Kansas; nhưng đó là một ảo tưởng: hình thức di chuyển của Dorothy là hình thức tĩnh: chỉ đơn giản là có một vòi rồng, xoáy lốc cuốn cô bé đi, chứ cô bé không thực sự đi

ở chiều ngược lại, tràn ngập trong các câu chuyện về những cậu bé gặp điều kỳ diệu là sự phiêu lưu

những gì không xảy ra đúng theo như mô hình trên đây, ta có thể coi là không đúng, là sự giả vờ, bắt chước, và những gì không đúng thì tốt hơn hết là đừng quan tâm đến nữa

để kết thúc, ta sẽ thực sự đến với Patrick Modiano: cuốn tiểu thuyết xuất hiện gần thời điểm Modiano nhận Nobel Văn chương nhất là Pour que tu ne te perdes pas dans le quartier, cuốn sách gói gọn những gì tôi nói ở trên đây: một thằng bé, sự lạc đường, vân vân và vân vân

được viết chỉ cách đây một thời gian rất ngắn, cuốn tiểu thuyết rất mỏng này của Modiano là một tột bậc của văn chương mê hoặc, của sự nhúng điều kỳ diệu vào đời thường, theo một đường lối hết sức ảo diệu; chính ở đây ta mới có thể nói đến fantastique đích thực, đúng theo định nghĩa mà Roger Caillois từng đưa ra

vậy, phải đối xử với nó như thế nào?

trước tiên và trên hết là cái nhan đề; nhan đề sách chính là bộ quần áo; ở cách tổ chức xã hội hiện nay, đương nhiên không chỉ có chuyện không mặc quần áo thì ta không thể đi ra đường, nhưng không chỉ có vậy: sai về dress code là hoàn toàn không thể chấp nhận được

Pour que tu ne te perdes pas dans le quartier là bộ quần áo mặc cho một cuốn tiểu thuyết tinh túy của điều kỳ diệu, cho nên buộc lòng ta phải hết sức cẩn thận với nó

trước hết, đó là một thần chú

nó là thần chú để sao cho một thằng bé con không bị lạc đường; trọng tâm của cái nhan đề này, cũng như ở nhiều nơi khác trong thế giới modianesque, là lạc: đâu phải ngẫu nhiên mà một cuốn tiểu thuyết trước đây của Modiano phải tên là Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối

một câu thần chú, thường xuyên nhất, là một câu thơ; nhan đề cuốn sách của Modiano gần như một câu thơ alexandrin

cần phải chuyển nó thành một câu thơ tương đương, một câu thơ có tính chất thần chú, trong đó sự cân bằng là cốt tử: cần một cái tên có số lượng chữ chẵn (lạc có thể coi là lẻ, hay negative, để phá vỡ được điều đó, thần chú cần phải chẵn, tức là positive)

vì ngữ cảnh cái câu nhan đề là như sau: một mảnh giấy viết địa chỉ nhà, mảnh giấy ấy nhét vào túi một thằng bé, để nó có đi đâu loanh quanh thì cũng không bị lạc, nó có thể chìa tờ giấy ra đưa một ai đó nhờ họ dẫn về nhà chẳng hạn; và dưới địa chỉ ấy có thêm dòng chữ được dùng làm nhan đề, và cũng vì, thật ra trọng tâm của nhan đề này là lạc, phần "dans le quartier" không mấy quan trọng, nên, để chuyển dịch sang tiếng Việt, đối với tôi, không thể khác quá xa như dưới đây:

viết thế này để khỏi bị lạc đường

11 comments:

  1. "Cũng may ở Việt Nam còn có NXB Kim Đồng"

    ReplyDelete
  2. còn bộ Tam quốc liên hoàn truyện của Đông A, có nằm trong thể loại này không nhỉ?

    ReplyDelete
  3. tam quốc thì đọc sách chữ cho rồi

    ReplyDelete
  4. Gần nửa tiếng mới nghĩ tới bạo lực :P

    ReplyDelete
  5. thôi đừng khó tính như thế chứ, dẫu có thế nào thì khi mục đích trong đầu mới chỉ là cởi thôi thì cũng hơi khó nghĩ ngay đến anh Sade :p

    ReplyDelete
  6. Cứ chê bai Trung Quốc xong rồi giờ lại chuộng sách cho vào hộp? Haizzz

    ReplyDelete
  7. Bộ 6 tập Tam Quốc bác có sắm không ạ ?

    ReplyDelete
  8. nếu là bộ 6 tập Nghiêm Xuân Lãm do nhà Tân Dân in hồi hăm mấy ba mấy thì có, vẫn đang thiếu tập đây

    ReplyDelete
  9. Bọn con gái đọc được không ạ? Mà chú chơi Trung Thu lâu thế :)

    ReplyDelete