Nhượng Tống dịch Ngọc lê hồn, dưới nhan đề tiếng Việt Dưới hoa (xem ở đây), xứng đáng được xem là một trong những "ca" đặc biệt nhất trong toàn bộ lịch sử dịch thuật Việt Nam.
Ở trong lĩnh vực này (cũng như ở trường hợp Kim Bình Mai, xem ở đây; lần ấy, chỉ vì nhắc đến Kim Bình Mai mà blog của tôi trở nên hot khủng khiếp, vì rất nhiều người search google để tìm hiểu về phim Kim Bình Mai hehe, lãi thế; cũng như gần đây hơn, ở trường hợp Tân đính luân lý giáo khoa thư phạm bản), nhà nghiên cứu nổi bật nhất vẫn là anh Nguyễn Nam.
Cần đọc thật cẩn thận bài viết "Phụ nữ tự sát - lỗi tại tiểu thuyết?" của Nguyễn Nam ở đây.
Trong bài, có những phân tích tỉ mỉ về văn phái Uyên hồ (đương nhiên gắn liền với tên tuổi Từ Chẩm Á), về việc dịch tác phẩm Từ Chẩm Á của nhà nho Việt Nam đầu thế kỷ 20, và hiện tượng "xã hội": phụ nữ Việt Nam tự tử hàng loạt, như báo chí đương thời đưa tin rất đậm đà (theo tôi, đó chính là cổ mẫu của báo chí lá cải hiện nay).
Đây là một nghiên cứu mẫu mực, có phạm vi khảo sát rộng, làm chủ lập luận và, về cơ bản, tư liệu. Đề tài cũng hết sức độc đáo. Anh Nguyễn Nam luôn luôn tìm được những chủ đề rất phong phú về ý nghĩa lịch sử, liên quan đến nhiều khía cạnh khác nhau của văn chương và xã hội, những gì tưởng chừng quá mức bình thường hoặc "quá mức bình dân", nên ít được giới nghiên cứu rộng rãi để ý đến.
Đó là chỗ đặc biệt của Nguyễn Nam. Nhưng, chính trong bài nghiên cứu xuất sắc này, về phụ nữ tự sát, và về chuyện dịch Từ Chẩm Á tại Việt Nam, về thế giới nho học Việt Nam ở buổi lụi tàn (xem thêm ở đây), tôi nhìn thấy một điểm yếu cốt tử của sự độc đáo và chu đáo trong nghiên cứu văn học.
Điều này nằm ở chỗ, mặc dù có trong tay mọi thứ, đã khảo sát rất kỹ càng, anh Nguyễn Nam lại bỏ qua đúng câu chuyện lẽ ra phải là hay nhất, lẽ ra đã làm cho bài nghiên cứu của anh trở nên xuất sắc gấp bội.
Đó là câu chuyện hai bản dịch Ngọc lê hồn của Nhượng Tống và Trúc Khê Ngô Văn Triện.
Đọc kỹ bài của Nguyễn Nam, tôi hiểu anh Nguyễn Nam đã có hiểu biết quá hạn chế về một số mối quan hệ. Cũng không có hiểu biết đích thực về hành trạng của Nhượng Tống Hoàng Phạm Trân.
Bây giờ, nếu đặt vấn đề như thế này, ta sẽ thấy rất rõ: năm 1928, Nhượng Tống dịch và cho in Dưới hoa, tức là Ngọc lê hồn (trước đó, các nhà nho cộng tác với Nam phong đã cho xuất hiện Tuyết hồng lệ sử, với vai trò trung tâm của Mai Nhạc Đoàn Tư Thuật; à, "Mai Nhạc" và "Mai Khê" có phải là cùng một người không? điều này anh Nguyễn Nam cũng đã tránh không giải quyết trong bài của mình). Anh Nguyễn Nam đã nhìn quyển sách, hẳn biết ở bìa của nó ghi "Trúc Khê thư cục" (mặc dù "Vạn quyển thư lâu" nổi bật hơn).
(Từ đây cũng dẫn tới chỗ sai của Nguyễn Nam ở chú thích số 50 trong bài, về tiểu sử Trúc Khê: không phải sau khi đi tù do vụ Yên Bái trở về Trúc Khê mới mở "Trúc Khê thư cục", mà cơ sở này đã tồn tại từ trước đó, bằng chứng là trên ấn bản Dưới hoa 1928 đã có ghi. Một chỗ sai khác về tiểu sử của Nguyễn Nam, lần này liên quan đến Nhượng Tống: không phải năm 1936 Nhượng Tống mới được thả từ Côn Đảo về, nhưng đây là điều sai chung của toàn bộ giới nghiên cứu văn học Việt Nam, cho đến trước thời điểm Lan Hữu được tái bản, tức là tháng Chín năm 2015.)
Điều sau đây mới quan trọng: Trúc Khê Ngô Văn Triện là bạn của Nhượng Tống, vậy thì tại sao năm 1928 đã có bản dịch Ngọc lê hồn của Nhượng Tống rồi, mà ngay 1930 lại có thêm bản dịch cùng tác phẩm của Trúc Khê?
(Trúc Khê là nhân vật rất liên quan đến nhiều người của quá trình dịch Từ Chẩm Á: chính Trúc Khê - ít nhất một phần - viết về Đoàn Tư Thuật; ở chú thích số 48 trong bài về Đoàn Tư Thuật, lẽ ra anh Nguyễn Nam nên nói rõ, Chu Mạnh Trinh bản Cộng Lực 1942 có phần cuối riêng về Đoàn Tư Thuật, như là hai quyển sách trong một; quyển ấy tôi đã xem tận mắt nên biết rõ, chứ nếu chú thích như thế, người ta sẽ tưởng trong một cuốn sách về Chu Mạnh Trinh bỗng dưng lại có cái gì đó về Đoàn Tư Thuật.)
Anh Nguyễn Nam, như những gì thể hiện trong bài viết, đã đọc tận mắt cả hai bản dịch ấy.
Nhưng anh không thấy có điều gì lạ?
Xét về phương diện tài năng trong dịch thuật, các nhà nho hồi ấy rất hâm mộ Nhượng Tống. Không chỉ một người ít rành Hán học như Phan Văn Hùm nhờ Nhượng Tống giúp về Ngư tiều vấn đáp y thuật (xem ở đây), mà tôi từng xem bản thảo (chưa in sách) dịch Ức Trai tập: cỡ như Thi Nham Đinh Gia Thuyết còn phải cầu cứu Nhượng Tống; trong bản thảo ấy, càng về sau, càng nhiều chữ của Nhượng Tống, đến cuối thì coi như chính Nhượng Tống mới là dịch giả, chứ không phải Đinh Gia Thuyết nữa.
Có bản dịch của Nhượng Tống rồi, mà Trúc Khê lại dịch, chỉ sau đó hai năm (ta có thể đoán mối quan hệ giữa họ rất tốt, vì mãi đến sau 1932, Trúc Khê vẫn còn bình thơ Nhượng Tống trên Văn học tạp chí)? Đấy chính là vấn đề, một vấn đề mà anh Nguyễn Nam đã không nhìn ra, tuy đã xem cả hai bản dịch.
Chứng tỏ anh Nguyễn Nam đã không thực sự xem.
Có vẻ như anh Nguyễn Nam còn không hề biết, bản dịch Dưới hoa của Nhượng Tống đâu có đầy đủ. Chưa hết chuyện đâu.
Rất có thể, đó chính là lý do khiến có bản dịch của Trúc Khê năm 1930.
Thêm nữa, theo tôi, Trúc Khê đã dựa rất nhiều vào bản dịch của Nhượng Tống năm 1928.
Tức là, giống như một cuộc chạy tiếp sức giữa bạn bè với nhau. Câu chuyện này đáng nói hơn nhiều so với nhiều điều khác. Và ta cần nhìn thấy trong bản dịch của Trúc Khê xương sống chính là bản dịch của Nhượng Tống (thời điểm 1930, Nhượng Tống đang ngồi tù Côn Đảo).
Thêm một điều nữa, anh Nguyễn Nam dường như không dám xác quyết, việc Nhượng Tống dịch Ngọc lê hồn chỉ là một cách thức, mục đích là mượn một bản dịch trông rất vô hại, để tuyên truyền lý tưởng cách mạng. Thời điểm 1928, Nhượng Tống đã là đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng.
Tôi đã nói ngay từ đầu, bản dịch Dưới hoa là một ca đặc biệt, vô cùng thú vị của toàn bộ lịch sử dịch thuật Việt Nam là ở chỗ này: bản dịch ấy thực chất là hai cuốn sách, phía trên ta có Từ Chẩm Á, tức là một câu chuyện tình cảm giữa Mộng Hà và Lê Ảnh, nhưng phía dưới, trong các cước chú, ta có cả một cuộc tuyên truyền cách mạng. Chứ không phải là một sự bình luận đơn thuần, như anh Nguyễn Nam viết trong bài.
Trong Lan Hữu, ta đã thấy dấu vết Nhượng Tống đọc Schopenhauer, còn trong Dưới hoa, còn có nhiều bằng chứng hơn về việc Nhượng Tống đọc Montesquieu.
Năm ấy, Nhượng Tống 22 tuổi.
Tiếp tục tác phẩm hiếm của Nhượng Tống
Meaulnes và Lương Ngọc
Liêu Trai chí dị
Lan Hữu trở lại
Quá nhanh, quá nguy hiểm, "chị" Nhị ạ :P
ReplyDeleteThực ra theo tớ quan trọng nhất là anh Nguyễn Nam đã đặt ra những vấn đề nghiên cứu rất thú vị, hợp lý, mà những nhà nghiên cứu Việt Nam cùng lĩnh vực không nghĩ ra được hoặc liên hệ tới. Đó là điều cốt tuỷ. Còn việc không bao quát được hết tư liệu thì làm sao tránh khỏi được chứ? :(
ReplyDeletethì có ai nói gì đâu, làm thế là quá giỏi rồi còn gì
ReplyDelete