Mar 24, 2016

Karel Čapek


sinh năm 1890, mất năm 1938, Karel Čapek, ngoài các tác phẩm văn chương siêu hạng, còn là cha đẻ của một từ nho nhỏ, robot, ít nhất thì cũng nhờ Čapek mà từ này trở nên thông dụng như chúng ta biết, điều này cũng hơi tương tự, một cách quái lạ, ở một nhân vật cổ xưa hơn: Lichtenberg, nhà vật lý miêu tả rất nhiều thứ về điện, lại còn là người sản sinh khổ giấy A4 mà chúng ta ngày nay vẫn dùng một cách đương nhiên, như một cái gì lúc nào cũng có sẵn ở đó

Čapek cùng thời với một nhà văn vĩ đại người Séc khác: Hašek, người từng làm tôi cười như điên mỗi khi đọc; về sau lại còn có một nhà văn Séc khác cũng làm tôi cười như điên: Hrabal, rồi lại thêm một nhà văn Séc khác nữa, cũng lại làm tôi cười như điên: Kundera

nếu văn chương mà không làm ta cười, thì hình như cũng không đáng giá nhiều cho lắm

nhưng không chỉ nên nhìn Karel Čapek trong sự quy chiếu với các nhà văn đồng bào của ông, Čapek có tầm vóc của những nhà văn châu Âu lớn một thuở, những người bằng một con đường nào đó biết trước rằng châu lục của họ sắp điêu tàn; Čapek thuộc vào thế hệ những người sinh ra trong vòng chừng mười lăm năm: đầu tiên là Robert Walser, rồi Kafka, Pessoa, sau đó, sinh sau Čapek ba năm là Walter Benjamin, tiếp thêm một năm nữa là Aldous Huxley: Čapek, Benjamin và Huxley là bộ ba nhìn thấy ngay từ đầu, không chỉ những thảm họa sắp xảy tới, mà còn là bản chất oái oăm của thế giới kỹ nghệ, mặt trái (nhưng không chỉ là mặt trái) của tiến bộ khoa học: Nhà máy Sản xuất Tuyệt đối (cuốn sách bên phải trong ảnh, viết năm 1922) là một tương đương với Brave New World (1931)

quyển sách bên trái, về những con "salamander" có dáng đi lúc lắc, biết dùng dao để tấn công cá mập, biết làm đê ngầm dưới mặt nước biển để tạo lập chỗ định cư của chúng, thậm chí còn gần như nói được từ "knife", là một kiệt tác lớn của văn chương thế giới

một kiệt tác khiến ta thấy rất buồn cười, và cũng thấy rất sợ hãi

một kiệt tác phải làm cách nào đó trộn được hai sự ấy vào với nhau, không thì ta sẽ chẳng có kiệt tác văn chương nào hết

trước khi chuyển vào vài chuyện kém hài hước hơn, tôi đã được đi vào một sự nhẹ tuyệt đẹp, vui, chói, sắc, thế giới của Karel Čapek; các bác có biết những nhà văn kiểu như thế này thì giới thiệu thêm cho tôi nhé :p


còn đây là Charles Simic, tiếp tục, một tinh thần Serbia cũng nhiều khi vô cùng buồn cười, và rất lắm lúc đáng sợ:


1 comment:

  1. Hãy mang Čapek và Hrabal về VN đi!! Mặc dù cái ông Hrabal thật là khó chơi. Và không biết dân ta có thiết tha Hašek không nhỉ?

    ReplyDelete