Mar 17, 2016

[tiện bút] ba sai lầm

25 Tháng 5 2014 lúc 23:28

tôi được giáo dục kỹ càng và toàn diện đến mức gần như không biết bơi

tôi hoàn toàn không có hứng thú gì về bơi lội (lại sắp đến mùa hè, lại sắp ghê cả người nhìn những bãi biển đông đặc), đến bây giờ ra biển trăm lần may ra chỉ có một lần tôi nhúng chân xuống nước, kể cả những bãi biển đẹp nhất hoang vắng nhất tôi cũng chẳng buồn nhảy xuống bao giờ; thành ra với tôi biển mùa đông chính là biển hấp dẫn nhất

thật ra tôi chẳng muốn nói đến chuyện đi bơi (bơi và jogging là hai thứ tôi ghét nhất), và “ba sai lầm” dễ dẫn ngay đến Ba sai lầm của đời tôi của Chetan Bhagat; đó là một cuốn tiểu thuyết rất bình thường, nhưng tôi rất muốn lưu ý vào “tính chất bình thường” của nó: nhà văn Việt Nam, trong sự học tập văn chương nước ngoài, thường xuyên sai lầm ở chỗ không thèm quan tâm đến sự bình thường này, trong khi thật ra, nếu muốn có nhiều độc giả thì hãy nghiên cứu thật kỹ sự chu đáo về kể chuyện, hãy biết mình muốn gì, hãy nhìn vào cuộc đời một cách hết sức đơn giản; Ba sai lầm của đời tôi là một cuốn tiểu thuyết mà nhà văn Việt Nam rất nên học hỏi; chứ gần đây tôi cũng mới đổ đốn ra đi đọc một loạt cuốn tiểu thuyết Việt Nam mới in; và “phía Nam vẫn không có gì lạ”

nhưng thật ra tôi cũng không định nói gì về Chetan Bhagat, mà muốn nói đến một nhà văn Ấn Độ khác: Salman Rushdie

“Three Mistakes” là câu chuyện Rushdie kể về thời đi học nội trú, “boarding school” bên Anh, trong cuốn hồi ký Joseph Anton mới đây: Rushdie nói rằng, khi là học sinh ở trường nội trú kiểu đó, ba điều này sẽ dẫn đến sai lầm, và do đó, đến một cuộc sống thảm hại, thứ nhất, nếu ta quá “clever”, thứ hai, nếu ta là “foreigner” và thứ ba, nếu ta “không sportive”; nếu cả ba một lúc thì xong; tôi biết rất rõ, nhiều người trông rất bảnh, nhưng hội tụ cả ba điều trên đây, và thực sự có một quãng thời gian thê thảm tại nội trú của các trường, nhất là các trường lớn, trường càng oách thì hiểm họa này càng lớn, lớn đến mức không chịu được; sau này gặp, kể cả những người đã gặp không ít thành công, thành công lớn là khác, dấu ấn của những năm tháng đau khổ ấy vẫn hằn sâu khủng khiếp

một trong những “dấu hiệu nhận dạng”: mặt những người ấy sần sùi, vì trầm cảm nặng trong suốt một thời gian dài, tạo thành thói quen liên tục lấy tay sờ lên mặt, thậm chí cấu sứt cả mặt; tầm ngoài bốn mươi tuổi mà mặt vẫn mụn thì chắc cú luôn là trường hợp ấy

trường lớn, trường tốt, trường quan trọng là thử thách khắc nghiệt lắm, không đùa đâu (xem thêm ở đây)

gần như người ta đã suy đoán được một cách chính xác rằng Lautréamont bí ẩn đã viết Những khúc ca Maldoror từ những trải nghiệm học sinh nội trú khi còn nhỏ; một tinh thần nổi loạn như núi lửa phun trào có nguồn gốc từ cuộc sống địa ngục giữa những bức tường khủng khiếp của trường học, cái trải nghiệm không thể đùa được (về phương diện này, đặc biệt quan trọng là tiểu luận “Lautréamont toujours” của Julien Gracq)

Salman Rushdie nói rất chính xác, nếu không chơi thể thao (hoặc có một thứ thay thế được là chơi nhạc) thì coi như cuộc sống của ta ở nội trú một trường nước ngoài là địa ngục

năm tôi vào trường, ngay lập tức tôi đi tìm câu lạc bộ bóng đá và gửi thư xin gia nhập

những quả bóng tròn tròn đều hấp dẫn tôi (sau này đọc về trẻ tự kỷ, thấy nói về hiện tượng bị những thứ tròn tròn và quay quay hấp dẫn, tôi nghĩ chắc mình cũng có tí tự kỷ - à đấy là nói cho vui thôi); tôi từng tập handball ở mức độ có huấn luyện viên chuyên nghiệp, cố lên chút có thể vào tuyển trẻ (nhưng đã không), bóng rổ ok, bóng chuyền đập tốt, giờ một ngón tay vẫn còn bị vẹo do đập thế nào đó

nhưng bơi thì ghét, và ghét các thể loại môn dùng bóng nhỏ :p

thời ấy, chiều thứ Hai hằng tuần, 6 giờ chiều, đội tuyển bóng đá cùng đội tuyển rugby đợi ở hông điện Panthéon, có xe đến đón, rồi đi suốt gần một tiếng đồng hồ qua porte d’Orléans, đi mãi xuống nữa qua Montrouge, rồi Clamart

thường phải đến gần nửa đêm mới quay về được, tầm giờ ấy đi ăn đêm ở phố Mouffetard rất thú vị, thường xuyên Thomas C. và tôi đi ăn cùng nhau; Thomas hay được gọi là Tom nhưng tôi gọi là Thomas, trước học Oxford, cùng thi vào kiểu giống tôi, chúng tôi ăn hàng Thổ Nhĩ Kỳ và nói chuyện, thường là nói xấu bọn Pháp và chê bọn Pháp đá bóng kém

buổi tập đầu tiên, toàn bộ khóa mới chọn ra được bốn người được vào ngay Đội 1, trong đó chỉ Thomas và tôi vào đội hình chính, Thomas sẽ trở thành tiền đạo xuất sắc ghi nhiều bàn thắng quan trọng, tôi nhớ nhất một trận Thomas lập hat-trick, và một trận khác, chúng tôi tham gia một giải đấu châu Âu, đá ở một sân dưới cái thung lũng ở Rome trong lúc một trận đấu của Lazio đang diễn ra gần đó; Thomas C. là một người rất có tố chất trong nhiều thứ; khi chúng tôi đang ở tuần thi concours đầu vào, cả Thomas và tôi đều bị bọn candidate còn lại nhìn bằng nửa con mắt, chẳng hiểu tại sao, có lẽ vì hai chúng tôi trông không có vẻ “nerd” như lũ kia; thật ra Thomas là một thiên tài, còn rất trẻ nhưng đã học rất xuất sắc bên Oxford, từng sang Viên học tiếng Đức đồng thời dạy tiếng Pháp, và làm đề tài rất khó về thơ, chủ đề là mấy nhân vật mà tôi nghe tên đã muốn nhảy xuống sông tự tử: Georg Trakl, Hugo von Hofmannsthal và Stéphane Mallarmé; một sáng nọ rất hiếm hoi tôi dậy sớm, lờ vờ đi xuống thì gặp Thomas tươi tỉnh như chú chim non, hỏi nó đi đâu, nó bảo đang đi tập hát đồng ca, giọng hát của Thomas rất đỉnh, và rồi sau đó Thomas chuyên sâu vào tiếng Hebrew, chúng tôi bặt tin nhau từ khi Thomas sang Đại học Jerusalem

còn tôi, chính trải nghiệm thể thao này dạy cho tôi rất nhiều điều; không phải chỉ là những lần xách túi đi qua cả thành phố đến các sân bóng rải rác để theo giải đấu giữa các trường lớn thuộc vùng Île-de-France, những trận đấu xong rồi cả lũ ngồi bắn điếu cỏ vòng tay nhau chiêu với bia, trận đấu khủng khiếp ở Paris VIII trong đống bùn với đối phương toàn những thằng da đen to khỏe như voi

mà quan trọng hơn là: trong khi Thomas C., cũng học sinh nước ngoài, trở thành một cầu thủ không thể thiếu của Đội 1, thì chỉ đến giữa năm, tôi đã bắt đầu rớt, học hành thi cử liên miên thức đêm nhiều, tôi bắt đầu thấy mình hụt sức, không theo nổi

nhưng cứ cố, cho đến một hôm, sau Giáng sinh, lạnh khủng khiếp, tuyết rơi khắp cái sân bóng nằm giữa một khu rừng, lần đầu tiên trong đời tôi không tránh nổi một quả bóng, để nó đập vào mặt, và thế là cái Tết (ta) đầu tiên của tôi ở nước ngoài mang dấu ấn của một cái mặt sưng vù lệch vẹo hẳn một bên

rồi từ đó tôi cứ trượt dần, cảm giác đuối kinh khủng, đến khi bắt đầu năm thứ hai thì tôi đã chính thức xuống Đội 2, chỉ có một lần được gọi trở lại Đội 1 sau khi đá xuất sắc một trận gỡ gạc danh dự cho Đội 2

tức là muốn sportive được ở một môi trường như thế, thì không chỉ cần nỗ lực vào thời điểm, mà cứ thử theo thì biết, thể lực dân Việt Nam nói chung tệ lắm, bộc phát cấp thì còn ổn, nhưng cứ kéo dài thì chắc chắn thua kém, không thể theo nổi

-----------

tái bản (có sửa chữa) :p

15 comments:

  1. Tìm thấy rồi ư, thế là khỏi tiếc của (÷

    ReplyDelete
  2. Thường người quá clever sẽ không sportive nên clever chính là điểm trùng nhau giữa những kẻ ghét bơi^^

    ReplyDelete
    Replies
    1. clever ở một mức độ nào đấy lại là người khá toàn diện đấy ạ, em gặp rất nhiều người giỏi, là dân du học về và thể thao thì hễ biết món gì là món đó rất ok :D

      Delete
    2. sở thích riêng là mấy giai từng có quá khứ du học nước ngoài phải không?

      bọn í chán bỏ xừ

      Delete
  3. 3 sai lầm của Nhilinh là gì?

    ReplyDelete
  4. ba sai lầm của tôi? ồ ôi, có câu hỏi nào khó hơn không, chứ câu này thì quá dễ, đây chúng nó đây:

    1) viết blog
    2) viết blog
    3) viết blog

    ReplyDelete
    Replies
    1. Em lại tưởng là: 123) quá toàn diện?

      Delete
    2. Ba sai lầm cuả Nhị Linh là:
      1. Viết blog.
      2. Viết bất kỳ thứ gì cũng đều xưng "Tôi".
      3. Khi có ai tấn công bèn nổi xung một cách dịu dàng "Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng. "Tôi" là một... cây bút. "Tôi" là và tôi vẽ tất cả mọi thứ trên đời này. Amen."
      :-) Nice?

      Delete
    3. Sai lầm quá mà. Chắc tại Nhị Linh yêu thích Thanh Tâm Tuyền
      "Cho Tôi một chỗ ngồi thầm kín...
      Tôi loài sát nhân muôn đời..."

      Hay vì Nhị Linh không ưa thích Nguyễn Bính?
      "Hồn tôi như hoa cỏ may
      Một chiều cả gió bám đầy áo em"
      Viết khờ khạo thế, ai biết áo ấy ra làm sao, và "em" nào vậy? Thế rồi cả giang hồ rần rần lên bao nhiêu là aó giơ ra và réo gọi "Em đây, em đây". Hoảng quá, Nhị Linh bèn chui vào blog này viết "Đời tôi... không có em nào cả, em ấy là một Nàng Thơ bất tài, cho nên chuyển sang... phê bình mới lại xuất bổn" Heehee

      Delete
    4. Nhị Linh còn có thêm một sai lầm cũng lớn lắm: nhâm nhi những cuốn sách gây "ngứa ngấy" cho toàn thế giới, nhưng lại cứ ru rú ở Việt Nam với châu Âu già cỗi. Châu Mỹ cũng đẹp và hùng tráng lắm chứ.

      Delete
  5. Muốn hỏi bác NL: Khi nào dịch Au château d'Argol của Julien Gracq?

    ReplyDelete
  6. hỏi thật không đúng người

    sau lần đọc lại toàn bộ Gracq gần đây, tôi gần như thấy nghi ngờ sự hâm mộ trước đây của tôi đối với ông ấy rồi

    ReplyDelete
  7. Và cuối năm 2019 “phía Nam vẫn không có gì lạ” (hay “chưa có” thì căn bản hơn)

    ReplyDelete