May 26, 2016

Đạo đức của các giấc mộng tình: Michel Foucault


Michel Foucault là một người xếp và tách siêu hạng. Nguyên do là vì Michel Foucault muốn đọc lịch sử. Đọc lịch sử (và huyền thoại, và thế giới) bằng cấu trúc, đó là công việc của Claude Lévi-Strauss, còn đọc lịch sử bằng trật tự, đó là công việc của Michel Foucault. (Cứ tạm chấp nhận là có tồn tại lịch sử thật - điều này không hiển nhiên lắm đâu.) Cuốn sách Les Mots et les Choses (Từ và vật) lẽ ra đã không mang nhan đề ấy, nhưng vì cái tên ban đầu mà Foucault chọn, L'Ordre des choses, bị trùng với một cuốn sách khác nên phải đổi, khi dịch sang tiếng Anh, cái tên đó quay trở lại: The Order of Things.

(ngay cái tên [tên rất quan trọng, đặc biệt quan trọng] của Foucault cũng cần để ý: đừng nhầm với La Rochefoucauld, ld và lt, và cũng đừng nhầm với Foucault của "con lắc Foucault" [đây thì lại là Léon Foucault] trong một cuốn tiểu thuyết của Umberto Eco)

Foucault đã xếp và tách như thế nào trong bộ sách về "sexualité" này? (nhan đề chuyển sang tiếng Anh cũng rất trung thành: The History of Sexuality)

Năm 1970, Foucault được bầu vào Collège de France, giữ ghế giảng về lịch sử các hệ thống tư tưởng; cũng năm 1970 này, Foucault sang Nhật Bản lần đầu tiên (về sau, Foucault có sự hiện diện rất mạnh mẽ ở Nhật, ý tôi là vô cùng mạnh mẽ ấy, cả các bài giảng hằng năm của Foucault tại Collège de France cũng được dịch sang tiếng Nhật - tôi quen một người Nhật làm công việc này nên biết khá rõ). Histoire de la sexualité được xuất bản năm 1976, nhưng chỉ là tập một. Tập hai và tập ba mãi đúng đến năm Foucault qua đời (nguyên nhân cái chết của Foucault thì nhiều người biết rồi), tức là 1984, mới được in. Đây là bộ sách khiến Foucault mất rất nhiều công sức, thay đổi hướng đi, lập ra nhiều cách xếp và tách khác nhau. Nhưng đấy chỉ là vẻ bề ngoài mà thôi: về cơ bản, cả bộ sách hết sức thống nhất. Sau tập thứ nhất chủ yếu khai thác cơ chế của xưng tội (trong hoạt động đời sống liên quan đến Thiên chúa giáo) và các lý thuyết cùng thực hành của y học, từ tập hai trở đi, Foucault quay trở lại với thời "cổ đại": đầu tập hai, trong lời cảm ơn, Foucault tỏ ra đặc biệt biết ơn Pierre Hadot, chuyên gia rất lớn về Plotin và Marc-Aurèle (nói một cách ngắn gọn, "trường phái khắc kỷ Hy Lạp") (chính nhờ Foucault, đến năm 1982 thì Hadot cũng được bầu vào Collège de France), cùng Paul Veyne, một người bạn thân của Foucault (tôi từng đến Thư Viện Rất Lớn để nghe Veyne thuyết trình về Foucault: chán vãi, toàn thấy ông í khoe đi đạp xe đạp).

tách đầu tiên (ở tập một, La Volonté de savoir - Ý chí hiểu biết) rất kinh điển: Michel Foucault chứng minh rằng, trái với điều gần như toàn bộ thế giới vẫn hay nghĩ, từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX và cả sau đó (ít nhất là ở châu Âu), trong lĩnh vực của "sexualité", trấn áp (répression) từ phía nhà nước hay các thiết chế xã hội hay đạo đức không hề là điều chính yếu, mà chính yếu là một sự hình thành diễn ngôn (mise en discours): "sexualité" tồn tại trong xã hội, một cách ngắn gọn, ở sự nói ra, và quá trình này rộng khắp, vượt xa sự trấn áp. Để thực hiện chiến lược (stratégie) này, có vai trò trọng yếu của hoạt động xưng tội, y học và đời sống gia đình, trong đó tâm phân học chỉ là một thời điểm nho nhỏ. Trong suy tư của Foucault, thật ra ta cần đặc biệt chú tâm vào một số thứ, nhất là chiến lược (Foucault từng bình luận Machiavelli và tỏ ra là người hiểu sâu sắc Machiavelli), hay économie (economy), chứ đừng quá để ý đến mấy phạm trù đã trở nên thời thượng đến bão hòa, như discours (discourse), pouvoir (power), savoir (knowledge), bio-politique (bio-politics) hay gouvernementalité (governmentality), etc.

Tập hai của bộ sách (L'Usage des plaisirs - Sử dụng các khoái lạc) bắt đầu xoáy vào sự tồn tại của "sexualité" (tôi cố ý để riêng từ này không dịch ra tiếng Việt) trong thế giới Cổ đại phương Tây (với quan điểm khởi đầu là phương Tây không có, hoặc đã để mất, hoặc chỉ có một sự tồn tại rất mờ của nghệ thuật tình dục, rất khác với phương Đông, đó là một nghệ thuật tồn tại trong một khuôn khổ của sự khai trí, cho một nhóm nhỏ những người xứng đángđã được thử thách), đặc biệt là mối quan hệ với đạo đức.

Tạm bỏ qua mấy phần ấy, ta sẽ đến với phần đầu tập thứ ba của Histoire de la sexualité (tên là Le Souci de soi - Chăm chút cho bản thân), là nơi Foucault bàn về một cuốn sách Hy Lạp: Oneirocritica tức là La Clef des songes trong tiếng Pháp và The Interpretation of Dreams trong tiếng Anh, nôm na là một cuốn sách giải mộng, của Artemidorus (Artémidore), một người Hy Lạp sống ở thế kỷ II sau Jesus-Christ.

Artémidore tự nhận là mình đã thu thập tất tật mọi sách vở tồn tại trên đời vào thời đó liên quan đến các giấc mơ, đã gặp vô vàn người có khả năng trong lĩnh vực này để nói chuyện, kể cả là những người bị coi là thấp kém. Foucault tập trung vào các chương Artémidore dùng để bàn về các giấc mộng tình.

Cơ chế diễn giải của Artémidore có mấy đặc điểm đáng chú ý: những gì xảy ra trong mộng là để nhằm đến tương lai, chứ không liên quan đến quá khứ (ngay cả khi đã biết trước thì ta cũng sẽ không tránh được các sự việc xảy đến, vì đó là Số Mệnh, mà ta không thể tránh được số mệnh; nhưng biết trước thì có lợi thế là sẽ không bị bất ngờ quá); ở các giấc mộng tình, chủ thể mơ bao giờ cũng đồng nhất với chủ thể hành động trong mơ: tức là tương lai được thể hiện trong mộng tình (nhưng phải diễn giải đúng thì mới hiểu được, và rất dễ nhầm) không bao giờ là cảnh tượng diễn ra trước mắt chủ thể mơ, mà chủ thể mơ phải tham gia thực sự, de facto; Artémidore chỉ quan tâm đến một biểu hiện của hoạt động tình dục: giao cấu, ngoài ra không để ý đến mọi thứ khác (khẩu dâm bị tuyệt đối coi là điềm rất gở, vì trái tự nhiên), tùy thuộc vào sự giao cấu này (ví dụ căn cứ vào tư thế giao cấu) mà có thể đoán định và giải mộng; các diễn giải chủ yếu nhằm đến có lợi hoặc bất lợi.

Ví dụ, phụ nữ mơ thấy mình là cây cầu thì sẽ rất tệ, nhiều khả năng sẽ trở thành gái điếm (cầu có rất nhiều người đi qua, giày xéo lên), đàn ông mơ thấy cầu cũng tệ, sẽ phải mất mát, thiệt hại. Đàn ông nằm mộng giao cấu với vợ là điềm tốt, vì hợp lẽ, mộng giao cấu với tình nhân cũng vẫn tốt, nhưng với gái điếm thì rất dễ không tốt: gái điếm được quan niệm là không xấu ở bản chất, mà còn có nhiều lợi ích, nhưng mộng thấy giao cấu với gái điếm thì muốn nói lên rằng sẽ phải mất tiền. Nhưng ở những gì hợp lẽ nhưng có chi tiết bị lệch đi thì sẽ lại không tốt: trong tư thế giao cấu với phụ nữ mà phụ nữ lại chiếm thế thượng phong (chẳng hạn ngồi trên) thì tức là sẽ bị thiệt hại nặng; hoặc nếu mộng là giao cấu với phụ nữ không quen biết mà người ấy giàu có thì là tốt, đàn ông mà mộng thấy làm tình với đàn ông thì phải xem kỹ hơn, nếu đó là một người đàn ông nhiều tuổi hơn, giàu hơn thì ok, ngược lại thì không ok.

Đến một điểm then chốt, rất quan hệ với đạo đức xã hội: những giấc mộng tình có tính chất loạn luân.

Artémidore loại hẳn khả năng giao cấu giữa phụ nữ và phụ nữ (điều này là logic, vì trong mô hình của mình, Artémidore đặt trọng tâm vào hoạt động giao cấu có thực, nên giữa đàn ông và đàn ông thì có nhưng giữa phụ nữ và phụ nữ thì không), trong bộ sách cũng rất hiếm khi đề cập các trường hợp chủ thể mơ là phụ nữ. Trường hợp loạn luân (trong mộng) giữa mẹ và con gái bị gạt đi, và một diễn giải rất đáng chú ý xuất hiện: ở gần như mọi trường hợp, loạn luân giữa bố-con mang lại điềm xấu (ví dụ giấc mộng có thể nói lên rằng đứa con gái sắp bỏ chồng và quay về nhà, nên sẽ phải mất tiền nuôi), nhưng mẹ-con thì lại chưa chắc (điều này có liên quan gì đến mặc cảm OEdipe lừng danh không? chắc là có - sẽ đến lúc ta chuyển đến L'Anti-OEdipe, cuốn sách dày thể hiện tham vọng "giết OEdipe" của Gilles Deleuze và Félix Guattari).

Những giải mộng trên đây của Artémidore không hàm ý rằng đạo đức chung của xã hội Hy Lạp thời đó chấp nhận quan hệ loạn luân (ngay các huyền thoại cổ xưa cũng rất chú ý tách sự loạn luân khỏi đời sống loài người - chuyện Lạc Long Quân-Âu Cơ tách đôi số con ra mang đi hai nơi khác nhau có phải cũng thể hiện điều đó?), nhưng đây là một ví dụ không nhỏ cho thấy rằng đạo đức có rất nhiều tầng. Đạo đức của các giấc mộng tình (hiện tượng phổ quát của loài người) có thể quan niệm như thế nào?

Ta sẽ còn quay trở lại kỹ hơn với Michel Foucault, và không chỉ những gì Foucault bàn về "sexualité".


Về Michel Foucault, xem thêm ở kia, ở kiaở kia.


tôi vừa có một phát hiện mới: thì ra từng có người bàn về Cioran tại Việt Nam, trong một cuốn sách hẳn hoi, trong ảnh là một đoạn (ngay bên dưới chính là Mircea Eliade)


bông hoa rực rỡ trong đoạn này đương nhiên là Từ vô thức mà ra (nhan đề chính xác của cuốn sách là De l'inconvénient d'être né), nhưng thật ra cả Các thực hành về sự kinh ngạcSự sụp đổ theo thời gian hay Giản yếu về giải cấu trúc cũng không hề kém phần rực rỡ

3 comments:

  1. ‘trong một khuôn khổ của sự khai trí’ thì có rất nhiều liên quan đấy :-/
    một lần nữa xin cảm ơn!

    ReplyDelete
  2. Về giải mộng tình của ông gì Artémidore đó, khi đọc cần cẩn thận. không nên cả tin những gì ông ta viết. Nếu như có ai đó xào nấu các giấc mơ của một người với mục đích “bán các giấc mơ đó cho chính người đó” thì họ luôn kèm theo việc quảng cáo ý nghĩa của nó và giới thiệu công thức nấu giải mộng. Nghe thật trái ngoáy, nhưng chúng ta đã và đang sống trong một thế giới đáng sợ hơn là chúng ta tưởng rất nhiều.
    — Không Tên

    ReplyDelete
  3. Con người bình thường chúng ta thường không những cả tin mà còn lầm tưởng nữa. Ví dụ, lúc trước khi nghe bài hát “Vùng lên, hỡi các nô lệ ở thế gian!…” Người nghèo mà không thấy sướng? Ồ đã đến lúc đổi đời rồi đây. Nhưng sống riết rồi hiểu ra “nô lệ” nói trên hình như là những người nô lệ cao cấp được chọn lựa. Họ muốn “deal” với Chúa Landlord hoặc các chủ nhân ông nào đó về những gì ai mà biết được (“giá trị thặng dư là cái gì vậy”?)

    ReplyDelete