May 5, 2016

không có vua

Ngày này năm xưa: xem ở kia; đó là lần cuối cùng tôi có conference trước công chúng rộng rãi; ngay sau đó tôi ngừng hẳn công việc đó lại, vì thấy quá mức vô nghĩa. Về sau có dăm ba lần nữa nhưng chỉ là miễn cưỡng vì nghĩa vụ.

-----------

"Không có vua" đương nhiên có thể coi là phần trích ra từ một câu đầy đủ hơn, chẳng hạn "Bởi vì không có vua, cho nên...", và ở đây rất dễ dàng liên tưởng đến Nietzsche, người dường như đã tận mắt nhìn thấy Chúa bỏ đi. Nietzsche đã viết một loạt tác phẩm xoay quanh vấn đề có ý nghĩa duy nhất sau khi "Chúa đã bỏ đi": đạo đức. Có một chỗ, thuộc loạt tác phẩm xoay quanh đạo đức này, cụ thể là trong Morgenröthe (Bình minh), Nietzsche nói đến chuyện thay vào chỗ của Chúa có thể là gì, và bảo đó là tiền. Điều này không khác khi, trong truyện "Không có vua", nhân vật Khiêm trả lời nhân vật Tốn khi Tốn hỏi "Tiền là gì?": "Là vua".

*

*           *

"Không có vua" là truyện ngắn tham vọng nhất của Nguyễn Huy Thiệp, nhưng chưa bao giờ được hưởng một sự phân tích hữu hiệu. Có lẽ vì tham vọng của nó quá lớn, vượt hết tầm nhìn của mọi nhà diễn giải. Trong câu chuyện phê bình văn chương Nguyễn Huy Thiệp (rất phong phú), người ta tập trung nhiều nhất vào những truyện ngắn nào có tên người cụ thể, một cái tên từng tồn tại, nhất là xoay quanh Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh, vân vân. Những quan tâm thuộc kiểu khác thì tập trung vào "Tướng về hưu", "Con gái thủy thần", "Những người thợ xẻ", "Thương nhớ đồng quê", vân vân.

(Nguyễn Huy Thiệp đã thực hiện một công việc rất bền bỉ: nhìn xuyên qua sương mù để viết lại câu chuyện của hàng loạt nhân vật từng tồn tại, những nhân vật bị sương mù phủ lên nhiều nhất; mọi chân dung mà Nguyễn Huy Thiệp từng vẽ đều đúng một cách văn chươngtheo lối tâm lý.)

Như trên đã nói, ở tầng thứ nhất, "Không có vua" gợi ngay đến Nietzsche, tức là gợi ngay đến thời khắc xuất hiện của con người hiện đại, đi kèm với đó là thân phận của con người này (thân phận không còn được hưởng các mệnh lệnh đạo đức, vì các mệnh lệnh này không còn đầy đủ ý nghĩa như trước). Nhưng đó chỉ là tầng thứ nhất, một gợi ý nhỏ.

Bất kỳ ai từng đọc "Không có vua" đều nhận ra những cái tên riêng dường như có nhiều chủ ý. Ông bố của gia đình "Nguyễn Sĩ" này tên là Kiền, năm con trai lần lượt là: Cấn, Đoài, Khiêm, Khảm, Tốn, trong đó Tốn bị bệnh thần kinh. Cô con dâu thì tên là Sinh. Nhiều người đã nói đến tính chất bát quái của câu chuyện, nhưng tất cả đều bỏ rơi ngay chính gợi ý lớn nhất và nhiều ý nghĩa nhất này, có lẽ vì sau khi suy nghĩ (một lúc) thì thấy mấy cái tên ấy chẳng gợi lên một điều gì cụ thể, có lẽ tác giả chỉ đặt thế cho vui.

Cũng có thể là vậy, nhưng cũng có thể là hoàn toàn ngược lại.

Kiền, ông bố, là quẻ Càn, nhưng lục tung truyện này lên sẽ không thấy "Khôn" hay bất kỳ điều gì có thể gợi đến ý tưởng về quẻ "Khôn". Có đủ cặp Cấn-Đoài nhưng hai cặp còn lại đều thiếu một nửa giống như ở trường hợp Càn-Khôn: có Tốn nhưng không có Chấn và có Khảm nhưng không có Ly.

Và nhất là, người con chính giữa, Khiêm, hoàn toàn không phải tên một quẻ của bát quái. Điều này là quái lạ trong mô hình của "Không có vua". Đây chính là gợi ý lớn thứ hai.

Từ hai điều trên đây, kết luận duy nhất có thể rút ra là: gia đình "Nguyễn Sĩ" tượng trưng cho một bát quái, nhưng là một bát quái thiếu, và có một yếu tố "lạc quẻ", là Khiêm, nhân vật làm "nhân viên lò mổ thuộc Công ty thực phẩm".

Sự cố kết của cái thế giới này (với tư cách một bát quái) không được thể hiện rõ trong "Không có vua", nhưng khi được viết lại thành kịch (nhan đề "Quỷ ở với người" hoặc "Gia đình") thì tác giả cho thấy rất rõ ý đồ của mình: trong kịch ấy nói rõ, Sinh về nhà "Nguyễn Sĩ" nghĩa là lấy cả bố con nhà này, trong đó Cấn chỉ đóng vai đại diện. Dễ dàng nhận ra là cách sắp xếp câu chuyện đã khiến cho đứa con sinh ra ở cuối, ta không thể chắc cụ thể là con của ai, khả năng chia đều cho cả sáu người, trong đó thậm chí khả năng Cấn là bố đứa trẻ còn nhỏ nhất (tác giả cũng đã gieo ngay từ đầu mầm mống của nghi ngờ: "Sinh không phải là người có nhiều định kiến hẹp hòi. Hơn nữa, trong tính cách, thậm chí ở cô có phần phóng túng"). Nhưng khi thiết lập liên hệ giữa "Không có vua" và vở kịch rút ra từ đó, cũng cần để ý đến những khác biệt, ví dụ trong truyện thì "Dưới Cấn có bốn em trai, chênh nhau một, hai tuổi": điều này hoàn toàn trái ngược với vở kịch, trong đó cho biết Cấn 38 tuổi, Khiêm là em cách Cấn một mình Đoài thì 29 tuổi, mà Khảm còn là sinh viên đại học, tức là khoảng cách tuổi giữa họ không phải là "một, hai" như trong truyện đã nói.

Những điều trên đây cho thấy thứ nhất, tác giả không thực sự quá quan tâm đến các tiểu tiết và thứ hai, Nguyễn Huy Thiệp có cảm giác rõ câu chuyện này rất quan trọng, nên đã viết truyện rồi lại còn viết thành kịch, nhưng cả hai điều trên đây đều không quan trọng bằng điều thứ ba: Nguyễn Huy Thiệp cũng không thực sự hiểu câu chuyện "Không có vua" mà mình đã viết ra. Điều này, một cách rất logic, khiến cho các nhà phê bình chẳng hiểu nốt. Xung quanh "Không có vua" cho tới giờ phút này là những bình luận trời ơi đất hỡi về nhân tính, về sự băng hoại của đạo đức, về sự suy sụp của gia đình Việt Nam, tình cảnh cuộc sống hậu chiến, vân vân, tức là toàn những thứ rất tầm phào và chẳng nói lên một điều gì hết. Nhìn tổng quát, câu chuyện phê bình văn chương Nguyễn Huy Thiệp gần như gồm toàn những làm xàm nhảm nhí, mà khởi đầu là nhận xét về đặc tính nữ, phát ngôn của Hoàng Ngọc Hiến; điều Hoàng Ngọc Hiến nói hiển nhiên sai.

Dẫu có thiếu, bát quái của "Không có vua" vẫn cần được nhìn nhận thật cẩn thận. Bát quái là biểu hiện theo phương vị, kèm một số ý nghĩa cơ bản, của vũ trụ.

Cấu trúc của "Không có vua" cũng rất cần được quan tâm. Nó có bảy phần, "Gia cảnh", "Buổi sáng", "Ngày giỗ", "Buổi chiều", "Ngày Tết", "Buổi tối" và "Ngày thường". Dường như chưa ai nhìn thấy, ở các truyện có dung lượng lớn, Nguyễn Huy Thiệp đều dùng cấu trúc bội của 7: cả "Tướng về hưu" lẫn "Giọt máu" đều có 14 phần.

Bát quái là một hình dung vũ trụ, bảy ngày lại là một hình dung vũ trụ khác nữa: bảy ngày của Kinh Thánh Công giáo. Ngoài phần đầu tiên, "Gia cảnh", khiến ta nghĩ đến Sử ký ("Thế gia"), sáu phần còn lại được kết cấu hài hòa nhưng nổi lên một điều rất kỳ cục: phần "Buổi sáng" và "Buổi chiều" đúng là buổi sáng và buổi chiều bình thường (của ngày giỗ, với phần "Ngày giỗ" kẹp vào giữa "Buổi sáng" và "Buổi chiều"), nhưng phần "Buổi tối" lại không hoàn toàn là một buổi tối cụ thể nào. Từ đây cần phải nhìn ra yếu tố phúng dụ của "buổi tối": một cách đơn giản nhất, đây là buổi tối của sự suy tàn (lão Kiền chết) nhưng đồng thời Sinh lại mang thai (như trên đã nói, không thể rõ cái thai này là của ai trong số sáu người đàn ông).

Sáng Thế ký của Kinh Thánh bao gồm những gì ta đã biết, còn Sáng Thế ký của "Không có vua" thì bao gồm các đồ vật sau: "bốn bộ quần áo mỏng, một áo dạ mặc rét, hai áo len, một vỏ chăn hoa, bốn cái xoong nhôm, một cái xoong bột, một cái phích hai lít rưỡi, một cái chậu tắm, một tá khăn bông".

Một nhà phê bình ưa thích "hậu hiện đại" tới đây hẳn sẽ lao vào phân tích thủ pháp giễu nhại etc. Nhưng sẽ không có gì ngớ ngẩn hơn thế. Thật ra trong vòng vài chục năm vừa rồi những ai gieo rắc chủ nghĩa hậu hiện đại ở Việt Nam, bày ra ngập tràn những "giễu nhại", "phân mảnh" vân vân đã phạm tội lỗi đổ rác ra chỗ công cộng, làm tràn lan những điều nhảm nhí, rất giống nhai cỏ trệu trạo rồi sản xuất ra một số sản phẩm theo một cái lỗ khác.

Tổng chi, ít nhất ta đã có một hình dung lờ mờ về ý nghĩa ẩn sâu của truyện ngắn "Không có vua", những gì thực sự làm nên giá trị cho nó. Ngôn ngữ mà Nguyễn Huy Thiệp sử dụng không bao giờ tạo thuận lợi cho mọi sự nhìn nhận đi sâu xuống: hiển nhiên là nó quá mức vớ vẩn nếu so với tính chất trang nghiêm của Sử ký hay của Kinh Thánh, và thật hoang mang khi thấy quẻ Đoài của bát quái cầm dao đứng trước quẻ Cấn mà rít lên: "Cút đi! Anh mà đụng vào cô ấy là tôi chém liền!" (nhưng đây cũng chính là thời điểm ta thấy được, "Cấn" (tượng trưng cho núi) và "Đoài" (tượng trưng cho sông) được đặt tên như vậy không hề vu vơ, hai quẻ đối lập (cặp đối lập đủ duy nhất của một bát quái nhếch nhác) này thực sự phải đối đầu với nhau). Thật ra, chỉ cần hình dung hai người công nhân bàn về Kant hay một tài xế taxi đọc Nhật ký của Kafka là ta cũng đã thấy chuyện như vô lý cũng vẫn có lý.

Và quan trọng hơn cả, "Không có vua" cần phải được kéo xuống thấp hơn nữa, đến những gì cơ bản và sơ đẳng. Toàn bộ câu chuyện cũng thuần túy là sự bốc lên của các "passion" (dục vọng), tức là những gì căn cốt nhất, sơ khai nhất của con người.

*
*           *

Trong cuốn sách bàn về các biến hóa của tâm hồn và biểu tượng của chúng (cuốn sách đánh dấu sự ly khai giữa Jung và Freud, khi mà Jung bắt đầu thấy rằng libido không có ý nghĩa lớn đến như thế, con người cá nhân cũng không có ý nghĩa lớn đến như thế), Jung viết: "các xung đột sơ khai của loài người lưu giữ một căn cước độc lập với thời gian và không gian". Những gì đã có, ở mức độ sơ đẳng nhất, sẽ không bao giờ mất đi. OEdipe thật ra là người cùng thời với chúng ta.

Câu chuyện của con người tham vọng nhất là câu chuyện về sáng thế, về khởi sinh của vũ trụ. Huyền thoại là các cách diễn đạt của tham vọng ấy. Trong sinh hoạt cơ bản của con người, và chiếm vai trò trung tâm của huyền thoại, là nghi lễ: Mircea Eliade từng chỉ ra, mọi nghi lễ (đúng) đều là miêu tả khởi sinh của vũ trụ, đều làm vũ trụ mới có thể sinh ra.

Ta sẽ đến với hai lần xuất hiện nghi lễ trong "Không có vua": một lần trong "Ngày giỗ" và một lần trong "Ngày Tết". Khi các nhân vật cúng cho bà vợ chết từ lâu của lão Kiền, ta thấy câu chuyện giống như trò hề (với ông Vỹ em trai bà Nhớn quá cố - hai cái tên này đều được đặt với dụng ý gây cười, sự nhỏ mọn được hình dung như to lớn, kỳ vĩ - tuyên bố mình là người "vô thần": đây cũng là dấu chỉ cho thấy điều ngược lại của "vô thần", cũng như cái tên cô con dâu "Sinh" vừa mang ý nghĩa đúng là "sinh" lại vừa hướng đến điều ngược lại, "tử"). Đó là khi tất cả các yếu tố của bát quái thiếu (trừ Khiêm - "yếu tố lạc quẻ") tập hợp lại, có thêm vài người khách. (Còn có một cảnh liên quan đến nghi lễ nữa, ở phần "Buổi tối": đọc kinh "Vô thường" để lão Kiền chết đi được; người đọc kinh lại chính là Khiêm, người đã không có mặt ở nghi lễ trước đó, ngày giỗ mẹ). Một nghi lễ không đúng không tạo ra gì hết.

Đây là một thế giới, một vũ trụ đang tan rã, nó không gượng nổi sức sống ngay cả trong nghi lễ.

Đoạn duy nhất yên bình và có sức sống trong "Không có vua" nằm ở nghi lễ thứ hai: "Ngày Tết". Đây là khi mọi yếu tố chính của bát quái thiếu đều đi vắng, người cử hành nghi lễ là Sinh và Khiêm, với Tốn (ta nhớ đây là người con út bị tâm thần, nên vừa thuộc về bát quái vừa không thuộc về đó) đốt pháo. Một vũ trụ cũ cần được chết đi, thay vào đó là một vũ trụ mới. Chỉ các yếu tố nào không thực sự thuộc về vũ trụ cũ kia mới đủ sức tạo ra được sự khởi sinh này.

Nghi lễ đã thành công (vì nó đúng), sau đó Sinh có thai (với ai thì ta không rõ), lão Kiền chết, và đến phần cuối, "Ngày thường", thì ta đã chuyển sang một vũ trụ hoàn toàn mới. Lão Kiền đã chết, đứa bé mới sinh chưa có tên, ngoài đó ra ta có Cấn, Đoài, Khiêm, Khảm, Tốn, Sinh, My Lan và Mỹ Trinh, tám yếu tố mới cho một bát quái đầy đủ.

Chỉ khi này, lúc "vua" đã mất đi, sự xộc xệch của vũ trụ cũ đã được xử lý (thông qua nghi lễ), một vũ trụ mới đã có thể ra đời, đầy đủ. Câu chuyện hạ tông, trở về "ngày thường", với chút ngậm ngùi về một quá vãng phát ngôn từ Sinh: "Nhưng thương lắm!"


Tôi thấy văn chương của Nguyễn Huy Thiệp đặc biệt gần với văn chương của một nhân vật: Borges. Cả hai không làm gì khác ngoài viết đi viết lại những khởi sinh của vũ trụ. Có thể nào động đến những vấn đề siêu hình trầm trọng như vậy thông qua các hình thức hết sức giản lược của ngôn từ không? Có chứ, đơn giản chính là nền tảng nhất, và minh chứng chính là Borges và Nguyễn Huy Thiệp đấy còn gì. Một người đọc giỏi, không vướng nhiều định kiến, sẽ tức khắc nhìn thấy giá trị văn chương của Nguyễn Huy Thiệp nằm ở mức độ nào. Một trong những ví dụ quan trọng nhất mà ta từng có là: Claudio Magris.

18 comments:

  1. hình như mình bị lạc loài, sau khi đọc truyện ngắn của NHT thì ngày càng không thích tác giả, như yêu văn chương Nhật bao nhiêu thì ghét cay ghét đắng cái ông Murakami nổi đình nổi đám bấy nhiêu...haixxxx

    ReplyDelete
  2. Nguyễn Huy Thiệp bây giờ có lẽ đang tủm tỉm cười "Trong thiên hạ có Nhị Linh là người hiểu ta nhất." Chơi bản "Sáng Thế " gồm toàn những chất liệu toán học mà ổng cầm các con số quẳng lung tung như người ta rải gạo cúng cô hồn thế thì làm sao độc giả không hiểu lầm cho được. Hì hì cứ như là đang chơi đánh số đề ấy nhỉ? Nhưng tôi thích những sáng tác cuả NHT, một thời vang bóng trong lòng độc giả cũng quá đủ, không ai bắt buộc một nhà văn phải viết cho tới chết, chi vậy? Còn cái vụ ổng đứng giưã đại hội chửi đổng các con chuột, rắn rít, bọ xít, etc. vui đáo để. Có chí khí!

    Khái niệm văn chương Hậu Hiện Đại vẫn còn đang được tranh cãi. Chẳng lẽ trong văn chương cuả Borge thậm chí cuả Linda Lê không có yếu tố HHĐ hay sao?
    -- GC

    ReplyDelete
    Replies
    1. à cái này thuộc về sở thích cá nhân thôi ạ, ví dụ như có 100 người xung quanh thích NHT thì mình làm người không thích vậy, cho đời có chút hương vị í mà

      Còn HHĐ thực ra cũng chẳng có gì là rối rắm lắm. Trên thế giới người ta đã tạo ra Chủ nghĩa chống lại HHĐ và chủ nghĩa ý niệm gần 20 năm rồi, ở ta cứ tranh cãi em cũng hơi....buồn :)

      Delete
  3. Replies
    1. Còn "so what?" cái gì nưã chứ.
      Thì có nghiã, "Hậu Hiện Đại" là không thể bài bác được, chỉ có thể chê khi người viết nó dở, không được thể hiện một cách tinh tế như Borge hay quá nhiều "nội công" như Linda Lê mà thôi.

      Delete
  4. một niềm tin thật trái ngược với tinh thần hậu hiện đại hehe

    ReplyDelete
  5. Hôm nào Dũng giảng thêm về Hậu hiện đại nhé. Tôi thấy các bạn hay nhắc đến cụm từ này và cũng rất tò mò muốn hiểu thêm về xu hướng mới lạ này.

    ReplyDelete
  6. Trong bài có ý nói ông Thiệp viết xong rồi chả hiểu cho thật gãy gọn cái mình viết thì tôi cho rằng ấy là điều thường. Một người đọc không chuyên như tôi thích cách ông Thiệp nhìn con người nhẹ nhàng không cằn nhằn cắm cảu như một số nhà văn khác.

    ReplyDelete
    Replies
    1. hihi, có lẽ cũng vì "bất chợt" nhận ra tác giả không hiểu hết những gì mình viết, nên em mới không thích cũng nên...

      y chang như gặp anh Uông Triều, mình cứ đi soi chân anh ấy xem chân tác giả có bị sao như nhân vật trong Dấy vết và tưởng tượng không? cuối cũng kết luận "Uông Triều có chân" hơi là bị buồn luôn...

      Delete
    2. Uông Triều ơi sang nhận người về lại trại đi cái, sốt ruột quá

      Delete
    3. ha ha cái này báo thằng với bác ấy luôn rồi, còn khoe là chân đầy đủ cơ :v trại này của riêng em thôi bác ây không biết đâu nên bác NL có gọi cũng chịu :v

      Delete
  7. Cảm ơn những đóng góp của Nhị Linh, mừng vì vẫn còn những người tập trung chuyên môn của mình như anh trong thời này.

    NHT trước tôi có đọc vài chuyện, thấy tâm đắc vì cách để các nhân vật ăn nói rất đời thường, không gượng ép chút nào. Bài này của anh diễn giải ý nghĩa Không có vua qua một hướng hoàn toàn khác. Hay lắm thay

    ReplyDelete
  8. đúng, tác giả không hiểu hoặc không hiểu hết là điều rất thường

    ReplyDelete
  9. Bữa nào anh giảng thêm về "Cún" đi^^

    ReplyDelete
  10. lịch sử là gì? là một cái nhìn tóm được đủ các yếu tố, tức là một nghi lễ đúng
    nhà văn được quyền nói mình không thực sự biết mình viết gì; còn sử gia? dẫu sao, bất cứ nghi lễ đúng nào cũng là một thoát ra, một vọt lên, một choáng váng - không thể trông chờ một khải ngộ liên tục
    ý thức - trong cả người viết và người đọc - kháng cự; kháng cự như vẫn bị hút vào; chính trong chuyển động paradoxical của đối diện vực thẳm này, ta có ý nghĩa đầy đủ của "ý thức chiêm ngưỡng tinh thần"
    tất nhiên, có rất nhiều nghi lễ giả vờ, cũng như nhiều cái nhìn faux - bội thực, táo bón; nhưng đó dường như là tất yếu (của lịch sử)
    cũng tất nhiên, nhiều tác phẩm lớn rất lâu sau mới xuất hiện; và phải rất rất lâu sau mới được hiểu lờ mờ vũ trụ sinh ra không nằm ở chỗ nó được chứng kiến hay được ghi nhận ở tầng của ý thức
    còn những gì bị hủy đi? vì sao Kafka muốn đốt hết văn phẩm? dường như khi đã nắm được điều gì đó thì không cần nói nữa; ở tư cách con người, đó có phải là hoàn tất chuyển động của infinite resignation? Penelope ban ngày đan, ban đêm tháo - đó là một người đã hiểu

    ReplyDelete
  11. không có gì ngăn cản, đã thấy hết mọi yếu tố rồi, mà vẫn cứ không thấy (thậm chí không thấy gì)

    không chắc đâu, không hề chắc

    ReplyDelete
  12. đấy là do anh nhìn từ góc nhìn của anh, anh áp các khái niệm như Bát Quái... vào rồi tự anh nhận xét luôn là người viết không hiểu gì?

    ReplyDelete
  13. ngược lại: phải nhận ra thế kia đã thì mới có thể thấy là phải vậy

    ReplyDelete