Sep 14, 2016

Modiano: Catherine Certitude


tôi hết sức ngưỡng mộ cú trao giải Nobel Văn chương cho Patrick Modiano: khi giải thưởng ấy được trao cho Orhan Pamuk, ai cũng thấy là tại sao và ngưỡng mộ điều đó, khi giải thưởng ấy được trao cho Svetlana Alexievitch, ai cũng thấy là tại sao và ngưỡng mộ điều đó, nhưng lúc trao cho Modiano thì sao? chẳng ai thấy tại sao; và đó chính là điều đáng ngưỡng mộ hơn cả; ở cái thế giới này, một giải thưởng Nobel Văn chương trao cho một văn chương thực sự là văn chương, đúng là không thể tưởng tượng nổi

bài học rút ra: thế giới này thật ra cũng đáng sống, đôi khi

và thêm một bài học: văn chương, khi nó thực sự là văn chương, thì rất ít người thấy đó là văn chương

rất nhiều người đã đọc các tiểu thuyết của Patrick Modiano (sau khi có cú trao giải), trong đó một tỉ lệ không nhỏ thấy chúng cực kỳ cục; điều này cũng đáng ngưỡng mộ nốt: khi con người trung thực với các cảm giác của mình, thì họ rất đáng ngưỡng mộ

một tỉ lệ nhỏ trở nên phấn khích, đuổi bắt kỷ niệm riêng, cứ như thể họ có một tuổi trẻ đáng nhớ lắm nhưng đã lỡ quên đi, như thể rất nhiều cuộc tình dĩ vãng họ đã thực sự quên bỗng sống lại trong một cuộc phục sinh đầy hương vị thông qua một thanh tẩy; lại thêm một lần nữa, thế giới này đôi khi cũng đáng sống

cá biệt hơn, tôi thấy có những phụ nữ chính chuyên hét lên phẫn nộ vì Jacqueline của Từ thăm thẳm lãng quên ngủ với hết người đàn ông này đến người đàn ông khác, thản nhiên như không, anh nhân vật "tôi" thì lại cứ như là đồng lõa với cái lối sống không thể chấp nhận ấy; tôi rất ngưỡng mộ phụ nữ chính chuyên, tôi yêu họ: họ làm tôi nghĩ đến thời Trung cổ (à, tôi không nghĩ Trung cổ nghĩa là man rợ, thậm chí tôi còn thấy Trung cổ rực rỡ và nhân văn, điều này tôi sẽ trở lại sau), tức là nghĩ đến các pháo đài, vì phụ nữ chính chuyên trông rất giống pháo đài, nói đúng hơn, họ rất giống các donjon lâu đài phủ rêu

bị thúc đẩy bởi một xung lực kỳ bí nào đó, hiện tượng đọc sách bằng báo đột nhiên bùng nổ ở Việt Nam xung quanh văn chương Modiano; một trang web rất mạnh mồm dạy người ta đọc sách (để hướng tới thành công) mới đây dịch một bài review đăng trên The Guardian về văn chương của Modiano

bài này tôi đã đọc ngay khi nó mới được đăng, hồi cuối năm ngoái, đó là một bài rất tầm thường

và cái trang web kia thể hiện không thể rõ hơn cái sự "đọc sách bằng báo", đọc văn chương bằng book review (dở) thông qua một bản dịch đáng lấy làm khuôn mẫu: "quận 5" được gọi là "địa hạt thứ năm", "quận 18" được gọi là "địa hạt thứ mười tám" (muốn biết địa dư của Paris như thế nào thật ra rất dễ: xem bản đồ Sài Gòn ấy), quảng trường Blanche được gọi là "Điện Blanche" (đây chính là nơi có Moulin Rouge lừng danh đấy: một cái cối xay gió có thể nằm trong một "điện" à?) và việc người ta đặt một tấm bảng tưởng niệm Dora Bruder được trang web ấy gọi là cái gì đó vén bức màn; đọc rất giải trí

tôi chẳng biết gì về trang web đầy tinh thần khuyến thiện kia, nhưng liếc qua vài chỗ tôi đã đoán được ít nhất hai nhân vật mà tôi có biết đứng ở đằng sau, một trong số đó trước đây cũng hay comment ở đây, từ thời sinh viên đã ngập ngụa trong những lời bốc phét, giờ tất nhiên còn ngập hơn

[một trang web khác, cũng là điển hình của sự "đọc sách bằng báo", dịch một bài - rất ít ý nghĩa - của một nhà văn nổi tiếng, và rất tôn sùng Flaubert; trong đó nhà văn ấy nhắc đến "idées reçues" của Flaubert, được trang web có vẻ rất đứng đắn ấy dịch thành "tư tưởng tiếp nhận": khái niệm này là rất đặc trưng của Flaubert, Flaubert từng viết cả một "từ điển" cho chúng, và chúng muốn chỉ các định kiến, những lối nghĩ sáo mòn, đơn giản là những ngu xuẩn của con người, chứ "tư tưởng tiếp nhận" nỗi gì; cái kiểu đọc nhót nhót như du kích này dường như giờ đây trở nên rất phổ biến, trên phạm vi toàn thế giới, chắc nhờ sự trợ giúp của hai cột chống: google và facebook]

-----------

thôi, hết phần phê phán; phê phán bao giờ cũng rất chán

Cetherine Certitude (trong ảnh) là khi Patrick Modiano viết một câu chuyện rất ngắn và đơn giản; dễ nghĩ rằng khi Modiano viết như vậy thì cũng có nghĩa ông ấy chấp nhận (và thấy mình có thể làm được) thu nhỏ thế giới của mình lại (cho dù các tiểu thuyết của Modiano lúc nào cũng rất mỏng), chỉ sử dụng rất ít yếu tố của thế giới riêng; và đúng là như vậy

cô bé Catherine khi đã lớn, ở New York nhớ lại hồi mình còn nhỏ sống ở Paris, chỉ có ông bố và thường có thêm ông đối tác làm ăn Raymond Casterade (một nhà thơ: ở rất nhiều tác phẩm, Modiano sử dụng thơ, nếu không phải cho thơ vào phần "chính văn" thì cũng hay có câu đề từ là một câu thơ, thậm chí một nhan đề sách chính là một câu thơ)

Cetherine đi học múa ở chỗ cô Dismaïlova; lớp học múa nhìn xuống các đường ray của Gare du Nord: Modiano đã lừng danh là một nhà văn của các nhà ga và tàu hỏa, trong Từ thăm thẳm lãng quên cũng có cảnh ngôi nhà nằm sát đường ray tàu hỏa

công việc làm ăn của ông bố: như mọi nơi khác trong các tiểu thuyết của Modiano, công việc làm ăn có màu sắc mờ ám, ít nhất là không hiểu nổi các hoạt động giao dịch đó liên quan đến những gì, bản chất ra sao

một bữa tiệc: rất giống trong Từ thăm thẳm lãng quên, bữa tiệc mà hai bố con Catherine đến dự diễn ra ở một khu phố giàu (trong cuốn trước, sát mép Bois de Boulogne, trong cuốn sau: Neuilly), và bữa tiệc ở cả hai lần đều chủ yếu diễn ra trên sân thượng, tức là nơi từ đó có thể nhìn đi rất xa

đó là những yếu tố cơ bản (ở các tiểu thuyết khác, "tiểu thuyết bình thường", sẽ có thêm một số yếu tố khác, chẳng hạn như liên quan đến căn cước cá nhân; nhưng ở một cuốn sách đặc biệt mỏng như Catherine Certitude, giải quyết vấn đề căn cước cá nhân là không thể, tuy rằng nó vẫn có, một cách mờ ảo: chỉ cần đọc đoạn ông bố giải thích về lai lịch hình tích của cô giáo Dismaïlova là thấy) để tạo ra sự huyền hoặc

những hàng hóa trao đi đổi lại: con người là con người vì cứ trao đi đổi lại thứ này thứ kia; đường ray tàu hỏa là chân trời xa thẳm, viễn cảnh nhìn từ sân thượng là hướng về nơi chân trời, tức là về một thế giới khác; di chuyển từ thế giới người không giàu sang thế giới người giàu là sự di chuyển giữa các thế giới: đó là sự di chuyển duy nhất khả dĩ còn lại mà con người còn có được, nếu không muốn bị dính chết vào thế giới của mình; thơ là yếu tố của một sự vượt qua ngôn ngữ hằng ngày: muốn đi thoát, phải có đủ các yếu tố (và cuối cùng, hai bố con lên đường sang Mỹ, bỏ lại mọi thứ sau lưng, cuộc đi này trong Catherine Certitude rất nhẹ, nhưng các cuộc đi khác kiểu modianesque thì có khi đặc biệt trầm trọng)

khí hậu huyền hoặc bùng lên ở đoạn Catherine để quên kính ở lớp học, trở lại trong đêm rồi một mình múa trong phòng lớn nhiều gương (sự huyền hoặc đặc trưng của thế giới các cô bé, như đã nói ở kia; trong Catherine Certitude, sự huyền hoặc đổi chiều so với cuộc nhảy múa trong truyện của Andersen, ở thế giới của Andersen thì cô bé Ida giao tiếp với thế giới khác bằng cách nhìn trộm lũ hoa nhảy múa, còn Catherine thì múa - và hãy nghĩ là cho những cặp mắt vô hình xem)

Patrick Modiano, ở một phương diện không nhỏ, là người tạo ra văn chương lớn nhất của sự huyền hoặc hóa cuộc sống ở thành phố: Modiano là người cho thấy ngay cả ở các thành phố (dẫu lớn đến như Paris), các yếu tố huyền hoặc vẫn tồn tại, miễn là có nhìn thấy chúng hay không, có làm được chúng sống dậy hay không; khiến được thành phố trở nên huyền hoặc là rất rất rất khó: London của Dickens, chẳng hạn như vậy, ta có thể so sánh, London của Dickens cũng sống động, nhúc nhích, nhưng theo một hướng khác; ở điểm này, Modiano là truyền nhân đích thực của Baudelaire và Walter Benjamin - trong cuộc huyền hoặc hóa thành phố (pháo đài của con người hiện đại), còn vài nhà văn nữa, sẽ có lúc tôi nói đến

nhưng đó cũng mới chỉ là một phương diện của văn chương Patrick Modiano; Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối, ví dụ như vậy, có một sự phê phán xã hội rất cao cường; tới đây, chúng ta sẽ nói đến Modiano truyền nhân của Guy Debord

đúng một trăm năm sau Das Kapital của Karl Marx, năm 1967, xuất hiện ở thế giới phương Tây cuốn sách vĩ đại thứ hai phê phán chính nó: La Société du spectacle của Debord; khi muốn cho thấy mình vĩ đại như thế nào khi viết Sein und Zeit, Martin Heidegger viết vào nhật ký, rằng cuốn sách xuất bản năm 1927 nghĩa là đúng 60 năm sau Das Kapital, tức là cách đúng hai lần 60 năm so với cục thiên thạch do Hegel tạo ra

Catherine Certitude còn là sự kết hợp giữa Modiano và Sempé: về Sempé xem ở kia



Từ thăm thẳm lãng quên
Đến London
Tương lai và sách
Sống, là làm sao...
Patrick Modiano (10/12/2014)
Patrick Modiano (22/9/2013)
Cà phê

9 comments:

  1. Chắc anh nói tới trang web hán nôm gì đó, tôi có đọc ghé qua cách đây một năm, thực tình tôi cũng không đồng tình kiểu cứ bạ đâu dịch đấy như thế, mục đích của trang đó là gì tôi còn chả rõ, giờ khá nhiều website đang cố gắng biến mình thành trạm này trạm nọ.

    ReplyDelete
    Replies
    1. hoanghannom.com dịch khá đấy chứ. Anh Dũng đang nói đến tramdoc.vn

      Delete
    2. "dịch khá" như thế nào? tôi thử xem vài thứ mà tôi rành, nhân vật đó toàn vờ vịt hiểu biết thôi, mà cũng đương nhiên là thế, hâm mộ Tim Parks lắm thì phải, chắc nghĩ Parks là đỉnh cao nhân loại

      Delete
  2. zồi cơ, Eco chiu thiết choa Middle Age mãi. í mà

    ReplyDelete
  3. "văn chương, khi nó thực sự là văn chương, thì rất ít người thấy đó là văn chương." Câu này hay

    ReplyDelete
    Replies
    1. đọc câu này là nghĩ ngay tới Calvino

      Delete
  4. Thế là em thiếu cuốn này với để em khỏi lạc trong khu phố. Có ý này em muốn thưa rón rén:) em nghĩ những người yêu văn chương (chỉ yêu chứ không có chuyên môn như anh) đọc một quyển sách và cảm thấy thích, thấy xúc động khi họ tìm được sự đồng điệu, sự chia sẻ, sự an ủi như khi đối diện với người bạn thân hợp cạ vậy. Mà thế thì cả 2 phải có những điểm chung trong suy nghĩ, trong đời sống và nhất là đều đã từng trải nghiệm những sự việc tương đối giống nhau. Bởi vậy xảy ra chuyện có người thích, có người không thích. Có người thấy xúc động, có người dửng dưng. Có người cảm thấy thú vị, lại có người cảm thấy chán ngắt,... thì cũng bình thường dễ thông cảm mà anh

    ReplyDelete
  5. "đúng một trăm năm sau Das Kapital của Karl Marx, năm 1967, xuất hiện ở thế giới phương Tây cuốn sách vĩ đại thứ hai phê phán chính nó: La Société du spectacle của Debord". Mình chưa đọc cuốn này nên không biết từ "nó" ở đây phải hiểu là "Das Kapital" hay "xã hội phương Tây"?

    ReplyDelete
  6. "xã hội phương Tây", quyển của Debord có bản dịch tiếng Việt lâu rồi

    ReplyDelete