Dec 17, 2016

Quang Trung và Tần Thủy Hoàng

Quay trở lại với Tạ Chí Đại Trường một lần nữa, tôi thấy có thể điều chỉnh một chút cái nhìn đối với nhân vật Quang Trung, nhân vật kỳ lạ và bí ẩn nhất của lịch sử Việt Nam, cũng là nhân vật có ý nghĩa rất đặc biệt, và duy nhất.

Ở kia, tôi đã so sánh Quang Trung với Hạng Vũ. Tôi thấy không có gì cần thay đổi ở đó: ở trong mối quan hệ với Gia Long, Quang Trung lặp lại nhiều điều của Hạng Vũ. Nhưng đồng thời, Quang Trung cũng có các ý nghĩa của một Tần Thủy Hoàng.

Ta bỏ qua mọi điều gì thuộc về định kiến, về sự tàn ác của người này, về tầm vóc lớn lao của người kia, mọi thứ, để thử chỉ nhìn vào một điểm duy nhất: ý nghĩa của một nhân vật trong một bức tranh chung.

Tần Thủy Hoàng kết thúc thời Xuân Thu-Chiến Quốc. Thật ra, thời Xuân Thu-Chiến Quốc trong lịch sử Trung Hoa nghĩa là gì? Ở một phương diện lớn, đó là những phép thử. Thử các cách tồn tại, thử cả các mẫu người. Ngũ Bá (Tề Hoàn Công, Tần Mục Công, etc.) là những phép thử cho các hình thức vua, quân vương. Tần Thủy Hoàng kết thúc tất tật, không phép thử nào được thực sự tồn tại nữa, vì đó là những phép thử không thành công. Các mẫu người được "tập dượt", và Khổng Tử đã chuẩn bị từ trước cho các thiết chế giáo dục và văn hóa sẽ tồn tại lâu dài.

Tần Thủy Hoàng, đó cũng có nghĩa lần đầu tiên Trung Quốc trở thành một thực thể (quốc gia và nhà nước). Trung Quốc là sự mở rộng theo các vòng tròn đồng tâm từ Hoa Hạ Trung Nguyên.

Quang Trung kết thúc thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, đồng thời cũng là giai đoạn thực thể Việt Nam được tạo lập (quá trình phóng chiếu từ Bắc xuống Nam).

Ý nghĩa đặc biệt lớn của Quang Trung nằm ở chỗ: kể từ Quang Trung, chưa bao giờ Trung Quốc thực sự đặt chân được vào Việt Nam nữa. Phải đến lúc đó, mọi câu chuyện của Việt Nam mới thực sự trở thành những câu chuyện riêng, giải trừ đi mối lo hàng nghìn năm về phía Bắc: cái nhìn không còn hướng về Bắc, mà quay xuống Nam.

Cũng giống ở trường hợp Tần Thủy Hoàng, triều đại Quang Trung kết thúc ngay ở đời con.

-----------

Tôi đã viết xong bài về Sử ký. Những lúc tôi viết thành "nhiều kỳ" như thế này, cũng như khi viết về Tạ Chí Đại Trường, là những lúc tôi muốn điều chỉnh cách nhìn.

Đồng thời, đây cũng là những gì tôi dùng để vinh danh Roland Barthes (xem thêm ở kia).

Maldoror I, 9 đã đầy đủ.

4 comments:

  1. Du lịch xuyên miền kiến thức từ Đông sang Tây về lại quê nhà đủ cả.

    ReplyDelete
  2. thật ra, tôi không bao giờ quan tâm đến kiến thức, tôi còn nghĩ bọn chăm chăm vào kiến thức, kiểu gì cũng sẽ biến thành lũ người rất tởm, điều tương tự cũng đúng với bọn thích "tư duy"

    mà quan trọng hơn cả của "đợt này" chính là mấy đoạn "đại dương già nua" trong "khúc ca Maldoror thứ nhất" của Lautréamont í chứ

    ReplyDelete
  3. "Trung Quốc là sự mở rộng theo các vòng tròn đồng tâm từ Hoa Hạ Trung Nguyên..."
    Và Trung Quốc sẽ không ngừng mở rộng cái vòng tròn mềm đó xuống tận Singapore. Đó là những gì mà những nhà lãnh đạo, nhà chính trị Trung Hoa với cái nhìn đầy viễn vọng hẳn phải có. Họ có quyền mơ mòng và có rất nhiều kỹ thuật, đâu ai có thể cấm. Lịch sử đã ưu đãi họ đã cho họ cái cơ hội thành một cường quốc. Tôi không có ý nói xấu hay ghét gì Trung Quốc đâu, thật ra, người Trung Hoa và người Việt Nam có tinh thần và nếp sống Á Đông rất gần gũi. Chỉ có ông Trời mới biết là những nhà chính trị cuả họ sẽ hành xử với láng giềng ra sao mà thôi.

    Lịch sử cuả đất nước Việt Nam đã trải qua thật nhiều sóng gió, đầy xung đột và đau khổ. Nhưng nếu thật sự thương mến, đoàn kết và chấp nhận sự khác biệt, thì quá khứ ấy sẽ "ngủ yên".

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vào chốn này thì liệu liệu mà im mồm vào. Đừng có ra cái vẻ ưu thời mẫn thế ở đây (và cả ở những chỗ khác)

      Delete