Dec 20, 2016

Hoa cúc xanh

Đây, đây mới xứng đáng gọi là một trong những cuốn sách nổi bật nhất của năm 2016 này:


(dịch từ tiếng Séc)

Kể từ ngày quyết định thôi viết điểm sách đăng báo (xem ở kia), rồi tiếp theo là thôi hoàn toàn (kỳ cuối ở kia) cách đây hơn nửa năm, tôi thấy nhẹ cả người. Thoát khỏi một trách nhiệm chắc hẳn là một sự nhẹ nhõm, và đồng thời tôi có một khoái cảm (kể ra cũng hơi phi nhân tính, nhưng thôi kệ) thỉnh thoảng đi xem những người khác làm cùng công việc ấy, hiện nay, dưới đủ mọi hình thức. Thời điểm này, không ít người bắt đầu "tổng kết năm". Thật ra, "tổng kết năm" là một trong những việc ngớ ngẩn nhất mà người ta có thể làm, các danh sách "10 cuốn sách của năm", rồi lại còn chia các lĩnh vực etc. nhìn qua là thấy phát hãi. Rất nhiều người trong lúc tưởng là đang tỏ ra mình hiểu biết về sách vở thì lại chính là cho thấy họ chẳng hề biết đọc.

Hoa cúc xanh là một tập truyện ngắn của Karel Čapek. Tổng cộng có 40 truyện, đều dưới hình thức "trinh thám". Đây là một kiệt tác.

Karel Čapek là tác giả của nhiều tác phẩm lớn, hai trong số đó xem ở kia. Đó là một nhà văn rất lớn của giai đoạn trước Thế chiến thứ hai (qua đời đúng vào năm 1938), khi Karel Čapek chết đi thì giống như là một thời đại cũng kết thúc. Năm 1938, năm Karel Čapek qua đời, cũng chính là năm Đệ nhất Cộng hòa Tiệp Khắc kết thúc sự tồn tại. Nền cộng hòa này kéo dài trong vòng hai mươi năm, với Tổng thống Marasyk, mà Karel Čapek là người rất thân cận. Ngày nay, ở quảng trường lớn trên ngọn đồi ở trung tâm thủ đô Praha, có một bức tượng rất lớn, xế một bên cổng lâu đài, đó là tượng Marasyk.

Là tác giả của những cuốn tiểu thuyết rất giàu sức tiên tri, nhưng Karel Čapek cũng viết những tác phẩm nhỏ.

Dường như, các nhà văn của khu vực ấy có một đặc điểm chung là vô cùng tài năng trong các tác phẩm dung lượng nhỏ. Tấm gương ban đầu là Chopin chăng? Rất có thể. Cũng rất có thể điều này tương ứng với cách tồn tại những đất nước của họ, những đất nước rất đặc biệt: ví dụ thành phố Lvov, ngày nay thuộc Ukraine, nhưng nói cho đúng, rất khó nói Lvov thuộc đất nước nào, vì trước đây mới chưa lâu, nó còn là của Ba Lan (về Lvov, xem thêm ở kia).

Không chỉ Karel Čapek mới như vậy (mà Hoa cúc xanh là một ví dụ chói lọi): tôi chỉ bắt đầu nhận ra tầm vóc đích thực của Ivo Andrić khi gần đây đọc các truyện ngắn, chứ trước đây, Cầu trên sông Đrina không làm tôi quan tâm cho lắm (tất nhiên, ở đây cũng có vai trò của nỗi ác cảm của tôi đối với Nguyễn Hiến Lê). Ở Việt Nam, người ta không xa lạ với cuốn tiểu thuyết Nê rô nhà thơ bạo chúa, nhưng Kosztolányi Dezsö còn là một tác giả truyện ngắn siêu hạng. Đến lượt một nhân vật rất mới, Krasznahorkai László, tình hình cũng lại thế nốt. Ta sẽ rất sớm có thể nói chi tiết đến Krasznahorkai nên ở đây chỉ vậy thôi đã.

Czesław Miłosz là người Ba Lan, nhưng thật ra rất liên quan đến thành phố Vilnius. Vilnius cũng lại là thành phố quê hương của một nhân vật nữa, Romain Gary (liên quan đến Romain Gary tức Romain Kacew, có một chuyện rất buồn cười: gần đây, tờ báo lớn nhất Việt Nam, tất nhiên là tờ Tuổi trẻ vĩ đại, đăng một bài điểm một cuốn sách của Romain Gary; Tuổi trẻ trở thành nơi duy nhất trên đời này gọi Romain Gary là Romain Kecew, tài thế).

Gần đây, tôi bắt đầu thấy, dường như giữa các vùng khác nhau trên thế giới có những tương ứng (hay đúng hơn, phản chiếu - xem thêm ở kia), nhưng các tương ứng này là không đồng nhất, ở khía cạnh: Trung Quốc hay Ấn Độ phản chiếu với châu Âu (Tư Mã Thiên tương ứng với chẳng hạn Dante, Montaigne hoặc Shakespeare), nhưng những nơi cận kề, không hoàn toàn là châu Âu, thì lại phản chiếu những chốn không hoàn toàn là "trung tâm phương Đông". Tức là, Việt Nam, cái xứ "giữa Trung Quốc và Ấn Độ" nên nhìn kỹ vào các xứ "giữa châu Âu và Nga" như Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary, Nam Tư, thì mới thấy được hình ảnh phản chiếu của mình.


một tập lớn của Andrić:


một tập truyện ngắn của Kosztolányi:


1 comment: