Dec 27, 2016

Danh mục tác phẩm Nhượng Tống (bổ sung)

Ở kia là danh mục tác phẩm của Nhượng Tống; danh mục này đã được in trong một cuốn sách xuất bản hồi đầu năm 2016, cùng danh mục tác phẩm Khái Hưng, kèm lời hẹn nó sẽ được bổ sung dần dần. Giờ, tôi thực hiện công việc ấy, bổ sung danh mục tác phẩm của Nhượng Tống; đây sẽ coi là danh mục cuối 2016. Tất nhiên, hẳn nó sẽ còn được chỉnh lý, bổ sung nữa, khi nào tìm thêm được những gì mới.

Ta còn nhớ (xem ở kia), năm 1924, Nhất Linh viết bài bình luận Kiều, đăng Nam phong. Cùng trong năm 1924 này, Nhượng Tống cũng viết bài về Kiều, đăng Thực nghiệp dân báo. Nhất Linh và Nhượng Tống sinh cùng năm, hoặc ít nhất phải coi họ là người cùng một thế hệ. Cả hai đều xuất hiện rất sớm trên văn đàn (Nhượng Tống có lẽ sớm hơn một chút).

Các thư mục nghiên cứu Kiều chưa hề ghi nhận được bài về Kiều của Nhượng Tống.

[năm 2015, như nhiều người còn nhớ, là một năm đặc biệt được nhấn mạnh vào Kiều và Nguyễn Du, phần liên quan đến riêng tôi có thể xem ở kia, cùng các đường link bên dưới; đó cũng là dịp để tôi nhìn sâu vào tình hình nghiên cứu và bình luận Kiều ở Việt Nam, trong đó có các nghiên cứu mới; tôi thấy có hai điều nổi bật: thứ nhất, các nghiên cứu chất lượng kém nhất giai đoạn những năm gần đây lại thuộc khu vực các nhà nghiên cứu Hán-Nôm và thứ hai, các danh mục nghiên cứu liên quan đến Kiều chưa thể gọi là đầy đủ được, còn thiếu rất nhiều, sai cũng không ít, và trong số các danh mục đáng kể, tệ hại nhất là danh mục Trần Đình Sử; gần đây tôi có nói cuốn sách để đời của Nguyễn Đăng Mạnh sẽ là cuốn sách nào, ở trường hợp Trần Đình Sử, tôi đã thấy gần như chắc chắn, cái sẽ còn lại không phải Kiều, không phải những gì ông gọi là lý thuyết và cứ tưởng là lý thuyết nhưng thật ra chẳng phải là lý thuyết gì cả, mà đó sẽ là cuốn sách về Tố Hữu

một trung tâm lớn thông báo sẽ in lại cuốn sách của Đàm Quang Thiện về Kiều, có phải các ông đọc tôi rồi mới biết đến cuốn sách ấy, ít nhất là biết đến giá trị của nó không đấy? điều này thì tôi chắc chắn: sau loạt bài của tôi về Kiều hồi năm 2015, có nhà nghiên cứu văn học rất nổi tiếng chạy bổ đi tìm những cuốn sách mà tôi nhắc đến; tôi luôn luôn thấy hết sức tò mò, trong suốt nhiều năm ròng, thật ra các vị làm cái quái gì, đọc cái quái gì thế?]


Danh mục tác phẩm Nhượng Tống (cuối 2016)

Nhượng Tống (họ Hoàng, tên Trân, có bố nuôi họ Phạm nên tên đầy đủ là Hoàng Phạm Trân; sinh: 1906, mất: 1949)

Nhượng Tống có hai giai đoạn trước tác rõ ràng: thập niên 20 và thập niên 40. Trong những năm 30, Nhượng Tống gần như không xuất hiện trên văn đàn.

Nhượng Tống có bài đăng trên báo Khai Hóa từ rất sớm: năm 1922 khi ông mới 16 tuổi (việc này đã được kể lại trong cuốn tiểu thuyết Lan Hữu). Sau đó là quãng cộng tác với tờ Thực nghiệp dân báo (có thông tin cho biết Nhượng Tống từng làm chủ bút Thực nghiệp dân báo). Các bài của Nhượng Tống đăng trên Thực nghiệp dân báo năm 1924 và 1925:




[danh sách 52 bài báo trên đây do gia đình Nhượng Tống cung cấp; tôi xin cảm tạ bà Hoàng Lương Minh Viễn đã thực hiện công việc kiểm kê từ trước và giao lại cho tôi; tôi chưa kiểm tra được cụ thể các bài báo này, cũng như các bài trên Khai Hóa, ở đây là một ghi nhận tạm thời về quãng thời gian 1924-1925]

Cuối thập niên 20 là giai đoạn Nam Đồng thư xã. Vì Nam Đồng thư xã (do Nhượng Tống cùng Phạm Tuấn Tài, Phạm Tuấn Lâm lập ra) có mục đích chủ yếu là tuyên truyền, nên nhiều khi không rõ được tác giả của từng tác phẩm, ngoài một số trường hợp đặc biệt. Nhượng Tống là yếu nhân của Nam Đồng thư xã, nên chắc chắn các ấn phẩm ở đây đều có bàn tay chăm sóc của ông. Dưới đây là danh mục sách của Nam Đồng thư xã:

- Gương thiếu niên: thứ I, II, III, IV, V - Dật Công, Mộng Tiên (Phạm Tuấn Tài, Phạm Tuấn Lâm) dịch (1926-1927 - 5 fasc. 73 p. ; 0$10 mỗi cuốn)
- Sóng hồ Ba Bể, Thuần Phong Phạm Bùi Cầm (1926 - 2 fasc. 147p. ; 0$50) (Impr. Nguyên Hàn)
- Tiểu sử và học thuyết Tôn Dật Tiên (1927, In lần thứ 2 - 34 p. ; 0$10)
- Tiểu sử và học thuyết Tôn Dật Tiên (1928, In lần thứ 3 - 30 p. ; 0$10)
- Tân Hán: thứ I, II, III, IV - Thạch Bằng dịch (1926 - 4 fasc. 97 p. ; 0$10 mỗi cuốn), truyện cách mạng nước Tàu (Long Quang ấn quán)
- Gương thành bại (sách bị cấm không được bán ở địa hạt Bắc Kỳ)
- Trưng Vương, thế giới đệ nhất nữ anh hùng: cuốn thứ I, II - Nhượng Tống (1927 - 2 fasc. 39 p. 70 p. ; 0$10 mỗi cuốn) (Kim Khuê ấn quán)
- Một bầu tâm sự, Trần Huy Liệu (1927 - 41 p. ; 0$30) (Impr. Bảo Tồn)

Cùng ở giai đoạn thập niên 20 này, Nhượng Tống còn có các tác phẩm:

- Dường như Nhượng Tống có vai trò nhất định trong ấn bản Lo nước thương dân của Nguyễn Thượng Hiền, nhà Minh Trân, 1926; cũng cuốn sách này được tái bản trong năm 1926 dưới nhan đề Một tập văn lo nước thương dân của cụ Nguyễn Thượng Hiền. Có bài tựa của cụ Phan Chu Trinh, Imprimerie Chân Phương
- Dưới hoa (tức Ngọc lê hồn) (dịch), nhà in Long Quang, “Vạn quyển thư lâu”, 1928 (in lần 2)
- Bả phồn hoa (dịch), Vạn quyển thư lâu, 1928
- Chị cùng em (dịch), Vạn quyển thư lâu, 1928 (trước đó Nhượng Tống đã dịch tác phẩm này đăng nhiều kỳ trên Thực nghiệp dân báo)

Cuối thập niên 20, Nhượng Tống có tác phẩm Cách mệnh tiên thanh, không phát hành chính thống, chỉ lưu hành truyền tay trong hàng ngũ Việt Nam Quốc dân đảng. Sách chưa tìm thấy, gồm 32 điều kết tội thực dân Pháp, một bài "cách mệnh ca" và một bài "quốc ca" (Cf. bài trả lời phỏng vấn của Nhượng Tống với tờ Tri tân, số 185-186, 10/5/1945).

Như ở trên đã nói, trong thập niên 30 gần như không thấy tên Nhượng Tống xuất hiện trên các ấn phẩm (nguyên nhân nằm ở chỗ Nhượng Tống bị mật thám Pháp bắt năm 1929, ngay trước khi xảy ra các sự biến của Việt Nam Quốc dân đảng, chịu án 5 năm tù, 5 năm biệt xứ; năm 1933 Nhượng Tống được thả từ Côn Đảo về), tuy nhiên rất có thể Nhượng Tống có bài in trong cuốn sách Đời trong ngục và là tác giả cuốn “xã hội tiểu thuyết” mang tên Cô hàng hoa; trong cuốn Cô hàng hoa này có in bài thơ “Cô hàng hoa” của Nhượng Tống.

Giai đoạn thập niên 40:

- Lan Hữu (tiểu thuyết), Lê Cường, 1940
- Mái Tây tức Tây sương ký (dịch), Tân Việt, 1943
- Sử ký Tư Mã Thiên (dịch), Tân Việt, 1944
- Ly tao (dịch), Tân Việt, 1944
- Thơ Đỗ Phủ (dịch), Tân Việt, 1944
- Nam hoa kinh (dịch), Tân Việt, 1945
- Lam Sơn thực lục (dịch, bút danh Mạc Bảo Thần), Tân Việt, 1945
- Đại Việt sử ký toàn thư (dịch, bút danh Mạc Bảo Thần), Tân Việt, 1945
- Tân Việt cách mệnh đảng, Việt Nam thư xã, 1945
- Nguyễn Thái Học (1902-1930), Việt Nam thư xã, 1945
- Hỗ trợ. Thảo luận (tức là “thảo luận về việc hỗ trợ”), Việt Nam thư xã, 1945
- Hương ngọc (dịch), Tân Việt, 1947 (tức Liêu trai chí dị)
- Trời Nam mưa gió (ca kịch), Thời sự, 1949
- Thượng thư (dịch, in sau khi Nhượng Tống đã chết), Tân Việt, 1963

Nhượng Tống đăng nhiều thơ trên tờ Hà Nội tân văn bắt đầu ra từ năm 1940. Nhượng Tống còn giúp Thi Nham Đinh Gia Thuyết hiệu chỉnh và dịch thêm Ức Trai tập - tác phẩm mới chỉ ở dạng bản thảo; có tài liệu cho biết ông từng dịch cả Hồng lâu mộng, Đạo đức kinh, thậm chí cả cuốn thứ sáu của “Lục tài tử thư” là Thủy hử. Năm 1947, dịch một ít Liêu trai chí dị đăng trên báo Nguồn sáng (tuy nhiên, dường như các truyện ở đây không trùng với các truyện trong Hương ngọc). Trước tác của Nhượng Tống còn rải rác trong một số tuyển tập giờ đây ít người được biết đến như Tản văn mới của “Thư viện Tố Như” trước 1945.

Năm 1946, trên báo Chính nghĩa, Nhượng Tống đã viết một loạt bài về các nhân vật cách mạng, chủ yếu là đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng, nhưng cũng viết cả về những người như Phạm Hồng Thái hay Lê Cần. Loạt bài này có lúc không ký tên, có lúc ký T. hoặc NT. Ta có thể xác định được đây là các bài của Nhượng Tống nhờ so sánh văn phong và nội dung với cuốn Nguyễn Thái Học.

Dưới đây là các bài báo của Nhượng Tống trên Chính nghĩa:

“Ký Con Hiện thân của Kỷ luật Đảng”, kèm sao lục và bình luận “Một bài thơ của Đồng chí Song Khê” (Chính nghĩa số 1, 20/5/1946; ký tên T.)

“Câu chuyện triết lý để đi đến chủ nghĩa lẽ “sống còn” trong vũ trụ” (Chính nghĩa số 1, 20/5/1946; ký tên T.: trường hợp nghi vấn)

“Phạm Hồng Thái và Tâm Tâm Xã” (đăng hai kỳ: kỳ một trên Chính nghĩa số 2, 27/5/1946; không ký tên, kỳ hai trên Chính nghĩa số 3, 3/6/1946, ký tên M.)

“Cụ Lê Cần” (đăng hai kỳ: kỳ một trên Chính nghĩa số 4, 10/6/1946, không ký tên, kỳ hai trên Chính nghĩa số 5, 17/6/1946, ký tên N.T.)

“Nghiên cứu chủ nghĩa: Sinh tồn là trọng tâm của lịch sử tiến hóa” (Chính nghĩa số 4, 10/6/1946; ký tên T.T.: trường hợp nghi vấn)

“Hồ Văn Mịch” (đăng hai kỳ: kỳ một trên Chính nghĩa số 6, 24/6/1946, không ký tên, kỳ hai trên Chính nghĩa số 7, 1/7/1946 kèm sao lục và bình luận “Thơ Mộng Tiên”, ký tên T.)

“Phó Đức Chính”, kèm sao lục và bình luận “Bài thơ duy nhất của cụ Tôn Văn” (Chính nghĩa số 8, 8/7/1946; ký tên N.T.)

“Trần Quang Riệu” (đăng hai kỳ: kỳ một trên Chính nghĩa số 9, 29/7/1946, không ký tên, kỳ hai trên Chính nghĩa số 10, 5/8/1946, ký tên T.)

“Bà Chánh Toại” (Chính nghĩa số 11, 12/8/1946; ký tên T.)

“Bà Ký Tường” (Chính nghĩa số 12, 19/8/1946; ký tên T.)

“Nguyễn V. Nho” (Chính nghĩa số 13, 26/8/1946; ký tên T.)

“Hoàng văn Tùng và Nguyễn văn Viên” (Chính nghĩa số 14, 2/9/1946; ký tên T.)

“Nguyễn Bá Tâm” (Chính nghĩa số 15, 9/9/1946; ký tên T.)

“Lê Hữu Cảnh” (đăng hai kỳ: kỳ một trên Chính nghĩa số 16, 16/9/1946, không ký tên, kỳ hai trên Chính nghĩa số 17, 23/9/1946; ký tên H.)

“Tô Thúc Di” (Chính nghĩa số 18, 30/9/1946; ký tên T.)

“Hải Kình” (Chính nghĩa số 19, 7/10/1946; ký tên T.)

“Ngô Hải Hoàng” (Chính nghĩa số 20, 21/10/1946; ký tên T.)

“Nguyễn V. Viển” (Chính nghĩa số 21, 28/10/1946; ký tên B.)

“Đội Lãng” (Chính nghĩa số 22, 4/11/1946; ký tên B.)

“Cụ Mai” (Chính nghĩa số 23, 11/11/1946; ký tên B.)

“Cao Thắng” (Chính nghĩa số 24, 18/11/1946; ký tên R.)

“Thủ khoa Nghĩa” (Chính nghĩa số 26, 2/12/1946; không ký tên)

“Phạm Văn Nghị” (Chính nghĩa số 28, 16/12/1946; ký tên R.)

Chính nghĩa (có thể coi là phụ trương của tờ Việt Nam) là một tờ tuần báo, gồm 12 trang mỗi kỳ, ra được tổng cộng 28 số, từ ngày 20 tháng Năm năm 1946 đến ngày 16 tháng Chạp năm 1946, gần như đều đặn hằng tuần, trừ đoạn từ số 8 đến số 9 nhảy hai tuần và đoạn từ số 19 đến số 20 nhảy một tuần. Gần như số nào của Chính nghĩa cũng có bài của Nhượng Tống, trừ hai số tuyệt đối không có là số 25 và số 27; dường như tờ Chính nghĩa dành riêng cho Nhượng Tống một trang (gần như luôn luôn là trang số 5).

Ba bài ký tên B. (từ số 21 đến số 23): khả năng do Nhượng Tống viết khoảng trên 90%. Các bài trên số 24, 26 và 28: khả năng do Nhượng Tống viết khoảng trên 50%.

Trong khoảng 1947-1949 chắc chắn Nhượng Tống tiếp tục viết báo (ngoài tờ Nguồn sáng như đã nói ở trên), nhưng hiện nay chưa xác định được rõ ràng.

Nhượng Tống qua đời tại Hà Nội ngày 8 tháng Chín năm 1949, bị ám sát (bắn súng lục). Cả Việt Nam Quốc dân đảng lẫn Việt Minh đều nhận trách nhiệm về cái chết của Nhượng Tống, tuy nhiên khả năng cao nhất lại là khả năng thứ ba, tức là không liên quan đến các đảng phái chính trị.


[tôi muốn hoàn thành danh mục này trước khi hết năm 2016, nhằm kỷ niệm đúng dịp 70 năm tờ Chính nghĩa: số cuối cùng của tờ này ra ngày 16 tháng Chạp năm 1946, nghĩa là chỉ ba hôm trước ngày 19 tháng Chạp; tôi xin cảm tạ nhiều người đã giúp tôi trong công việc: nhà sưu tầm VHT với danh mục Nam Đồng thư xã, đặc biệt một nhà sưu tầm khác, về những gì liên quan đến tờ Chính nghĩa, cùng nhiều người đã giúp tôi theo các cách khác nhau; hy vọng sẽ sớm bổ sung được bản danh mục]



Nhượng Tống trả lời phỏng vấn tờ Tri tân
Nhượng Tống và Sử ký
Nhượng Tống, Phan Du, Trương Chính
Nhượng Tống về Hồ Văn Mịch
Nhượng Tống dịch Ngọc lê hồn
Tiếp tục tác phẩm hiếm của Nhượng Tống
Meaulnes và Lương Ngọc
Liêu Trai chí dị
Lan Hữu trở lại

Vài tác phẩm hiếm của Nhượng Tống (kèm danh mục tác phẩm, cuối 2015-đầu 2016)


5 comments:

  1. tuyệt vời!

    nhân tiện, em vừa đọc xong Lan Hữu hôm qua, tiếp tục đọc thêm của ông ạ, cám ơn anh đã dọn sẵn cỗ.

    ReplyDelete
  2. NT cũng viết trên "Hải Phòng nhật báo" nữa bác. Báo này cũng là cơ quan ngôn luận của VNQDĐ ở HP. "Tân Việt cách mạng đảng" có đăng dài kỳ trên báo này.

    ReplyDelete
  3. ừ đúng rồi, từ hồi này cũng đã biết:

    http://nhilinhblog.blogspot.com/2010/08/tri-thuc-viet-nam-va-hitler.html

    mà chưa có dịp xem kỹ hơn

    ReplyDelete
  4. Sau "Sử ký" hôm nào ta làm tiếp "Thượng thư" của Nhượng Tống đi :P

    ReplyDelete
    Replies
    1. Sử ký sắp sắp sắp sửa chưa ạ 😎

      Delete