Như ở kia đã nói, trên báo Chính nghĩa, gần như số nào trang 5 cũng dành cho Nhượng Tống. Nhưng trang 3 của tờ này mới là mục thực sự đều đặn, và đó là mục "Người và việc". Sau nhiều so sánh, đối chiếu, tôi cho rằng tất cả mục "Người và việc" trên Chính nghĩa đều do Khái Hưng viết. Trên mục này, Khái Hưng từng viết về Nguyễn Tuân, một điều rất bất ngờ (xem ở kia), chuyện này lọt ra khỏi tầm hiểu biết của mọi nhà nghiên cứu văn học từng quan tâm đến Chùa Đàn, tính cho đến năm 2016, hoặc Khái Hưng viết về các nhà văn Việt Nam viết tiếng Pháp (xem ở kia).
Trên Chính nghĩa số 25, ra ngày 25 tháng Mười một năm 1946, Khái Hưng bình luận về khái niệm "văn hóa", trong bối cảnh diễn ra "Hội nghị văn hóa toàn quốc", và cũng là để bình luận cuốn sách Tương lai văn hóa Việt Nam của Hồ Hữu Tường mới in (xem quyển sách ở kia).
Ở đây, Khái Hưng làm ta nhớ đến Trần Khánh Giư của đầu thập niên 30.
Văn hóa
Văn hóa là gì?
Trước hết văn hóa có thể dịch bằng chữ “Culture” của Pháp
hay Anh được không? Nếu được thì văn hóa hẳn là “sự chăm nom, nuôi nấng những
cái gì thuộc về trí thức”. Đánh cờ tìm chữ ô cũng thuộc phạm vi nuôi trí thức.
Vậy đó cũng là những ngành văn hóa chăng?
Theo dự án chương trình nghị sự hội nghị văn hóa toàn quốc
thì văn hóa là: Văn chương (triết học, sử học v.v.) nghệ thuật (âm nhạc, kịch,
mỹ thuật v.v.) khoa học (niên lịch, luật học, địa lý học, y học, dược học
v.v.). Giáo dục, báo chí, xã hội học, đời sống mới v.v.
Văn hóa: Hóa đẹp
Đây là quan niệm về văn hóa của ông Hồ-hữu-Tường: Cái gì làm
cho con người đẹp đẽ, văn vẻ là văn hóa. Mà làm cho người đẹp đẽ, văn vẻ là làm
cho người trở nên NGƯỜI theo ý ông Hồ.
Nhưng cái hình dung từ NGƯỜI, chưa rõ ông Hồ hiểu theo nghĩa
nào. Nếu theo nghĩa bản nguyên của nó thì con người đã NGƯỜI từ khi ăn lông ở lỗ,
dùng sức mạnh của hai bàn tay, và cái sắc của hai hàm răng để giết: Giết con vật,
và giết con người nữa. Rồi dần dần văn minh làm cho con người mất cái cách thức
vật chất thô sơ nguyên thủy “người” đi. Nhưng cái tính chất căn bản “người” thì
con người vẫn giữ được toàn vẹn: Đó là giết. Trước kia nó giết bằng hai bàn tay
và hai hàm răng. Về sau nó giết bằng tên, dao, búa đá, đồng, sắt, bằng súng đạn,
hơi ngạt, bom nguyên tử, bom vi trùng. Khí cụ có khác, phương pháp có khác,
nhưng mục đích vẫn một: giết. Và trở nên người là giết, là khát máu.
Quái hóa
Nhưng cái khoa học giết người của Tây phương, ông Hồ-hữu-Tường
bảo không phải là văn hóa mà chỉ là quái hóa. “Tây phương không có văn hóa. Tây phương chỉ có quái hóa. Chính cái quái
hóa này chế ngự tâm hồn của Tây phương nó rèn luyện, uốn nắn hun đúc con người
ngày càng hạ tiện, xấu xa”(1).
Cái “hạ tiện, xấu xa” ấy là cái thích giết, là cái căn bản của
con người, cái tính chất nguyên thủy vật chất của con người, cái “người” của
con người. Vậy thì làm cho con người trở nên người là làm cho nó xấu xa hạ tiện,
chứ không phải làm cho nó đẹp đẽ văn vẻ. Hơn nữa: Làm gì có người trở nên người.
Người chỉ là người, vẫn là người, và sẽ mãi mãi là người. Và làm sao mà khiến
con người xấu hơn được. Nếu hiểu theo nghĩa con người là con người thì nó không
xấu hơn, hay đẹp hơn, nó chỉ là con người thích giết, và tìm đi tới cách giết
nào mầu nhiệm nhất, hoàn toàn nhất.
Trở nên gì?
Vậy làm cho người trở nên người hay đúng hơn làm cho người
giữ vững cái tính chất nguyên thủy của người không phải là làm cho con người đẹp
đẽ văn vẻ hơn lên. Và như thế văn hóa lại không phải là cái gì làm cho “người
trở nên NGƯỜI”.
Theo luận điệu ấy, và nếu cứ cho văn hóa là mọi sự chăm nuôi
cho trí thức cho người con người trở nên đẹp đẽ văn vẻ, thì văn hóa lại là sự
làm cho con người trở nên… cái gì, bất cứ cái gì ngoài cái “người” ra, vì căn bản
của người đã là xấu xa, hạ tiện. Vậy cái gì ấy, cái bất cứ là gì ấy là cái gì.
Những cái gì ấy…
Cái gì ấy có thể là “Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” và “Tu, tề,
trị, bình” của đạo Khổng. Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín không phải là những tính
căn bản của con người. Còn như bảo đó là những cái đẹp đẽ văn vẻ, là văn hóa,
thì chưa dám chắc.
Cái gì ấy có thể là “Đạo đức” là “Vô vi” của đạo Lão. Đạo đức
vô vi không phải là những tính căn bản nguyên thủy của con người, và làm cho
con người trở nên đạo đức trong vô vi tất nhiên không phải là làm cho nó trở
nên NGƯỜI. Còn như bảo đó là cái đẹp đẽ văn vẻ, là văn hóa thì cũng chưa dám chắc.
Cái gì ấy có thể là Huệ Tâm, là diệt dục, là đại hùng, đại lực,
đại từ bi, là Nát bàn của đạo Phật. Nhưng cái ấy càng xa căn bản thủy nguyên của
con người, vả tu là xa lánh cõi đời là xa “người” là để thành Phật. Còn như bảo
đó là những cái đẹp đẽ văn vẻ, là văn hóa thì cũng chưa dám chắc.
Cái gì ấy có thể là lòng tin chúa Trời và thương kẻ nghèo,
là thiên đường của đạo Gia-tô. Nhưng lòng thương kẻ nghèo và tin Trời không có ở
căn bản nguyên thủy của con người. Còn như cho đó là cái đẹp đẽ văn vẻ, là văn
hóa thì cũng chưa dám chắc.
Cái gì ấy có thể là sức mạnh khoa học của Tây phương. Nhưng
cái sức mạnh ấy chưa chắc đã đẹp đẽ. Còn văn vẻ, thì nó văn vẻ sao được. Vả ông
Hồ-hữu-Tường đã cho nó là quái hóa rồi thì ta còn ép cho nó là văn hóa sao được?
Vậy văn hóa là gì?
Ừ, văn hóa là gì? Là cái làm cho người trở nên Người như ông
Hồ-hữu-Tường nói. Hay là cái làm cho người trở nên Tiên, theo đạo Lão, hay là
cái làm cho Người trở nên người quân tử theo đạo Khổng (người quân tử không phải
là người hiểu theo nghĩa xát [sic] của
chữ NGƯỜI). Hay là cái làm cho người trở nên Phật theo đạo của đức Thích-Ca?
Hay là cái làm cho người trở nên người nhượng đức theo đạo Gia-tô? Nghĩa là cái
làm cho người không trở nên người hay không còn là người tuy vẫn có thể làm cho
người trở nên đẹp đẽ, văn vẻ?
Chỉ có hai đường
Vậy chỉ có hai đường. Một là Văn hóa là cái làm cho người trở
nên đẹp đẽ văn vẻ hơn lên. Hai là nó làm cho người không phải trở nên nhưng vẫn
là người. Chứ văn hóa không thể làm cho người vừa trở nên Người vừa đẹp đẽ văn
vẻ như ông Hồ hữu Tường hiểu được.
Có người bảo nói đến văn hóa là nói đến những cái chỉ thuộc
về tinh thần, và những bộ óc nặng trĩu vật chất không thể hiểu văn hóa là gì hết.
Lại có người bảo ở thời đại khoa học này, tất cả những cái
gì giúp vào sự tiến triển của nhân loại là Văn hóa. Và những cái gì dù đẹp đẽ
cao thượng đến đâu mà không giúp vào đời sống, vào cuộc đắc thắng của nhân loại
đều bị gạt ra, bị bài trừ. Văn hóa đâu những cái mơ mộng hão huyền ấy?
Hiểu theo nghĩa dưới thì Văn hóa Tây phương sao lại là “quái
hóa” được? Thiết tưởng chả có nền Văn hóa nào làm cho người là “người” hơn cái
văn hóa đương thịnh hành ấy.
Thưa các nhà văn hóa, nhân dịp hội nghị văn hóa toàn quốc,
tôi xin trình các ngài vài ý kiến băn khoăn về “chỗ rẽ ấy” của cái mà chúng ta
gọi là văn hóa.
-----------
(1) Tương lai văn hóa VN của Hồ-hữu-Tường, nhà Minh Đức xuất
bản.
ông Khái Hưng viết hay quá
ReplyDeleteCờ VUA QUANG TRUNG
ReplyDeleteNăm 1967 trên tuần báo Hòa Đồng.Ông Hồ Hữu Tường có đăng một lá cờ mà ông đề nghị những người quốc gia có thể đứng dưới lá cờ ấy mà chống cộng đó là Cờ Vua Quang Trung. Theo trí nhớ của tôi Ông Tường trưng những bằng chứng mô tả cờ ấy như sau:
1. Người dân Bình Định truyền miệng câu:
Thương người áo vải cờ đào
Giúp dân dựng nước biết bao công trình
Theo câu nầy cờ Vua Quang Trung có màu đào ( đỏ nhạt)
2. Công Chúa Ngọc Hân trong Văn Tế Khóc Vua Quang Trung có câu:
Từ cờ thắm tỏ ngời đất bắc,
Nghĩa tôn phù vằng vặc bóng dương.
Câu nầy mô tả cờ có mà đỏ thắm và có mặt trời vàng ở giửa.
3. Danh hiệu QUANG TRUNG:
QUANG là ánh sáng tượng trưng cho ánh sáng là mặt trời
TRUNG là ở chính giửa.
Do các bằng chứng trên Hồ Quân mô tả cờ Vua Quang Trung như sau:
Cờ có hình vuông màu đào và có mặt trời vàng ở giửa.
Ý nghĩa Cờ Vua Quang Trung: Màu Đào là màu cách mạng nhưng không đổ máu như cờ máu cùa cộng sản. Mặt Trời tượng trưng cho sự quang minh chính đại ban ngày khác ngôi sao tăm tối tượng trưng cho ban đêm của cờ cộng sãn. Cờ có hình vuông và hình tròn ở giửa: Vuông Tròn giống người đàn bà khi sanh nỡ người ta chúc mẹ tròn con vuông có nghĩa tốt lành.
Bạn nghĩ sao về cờ Vua Quang Trung ?.