Dec 23, 2016

Khái Hưng dịch thơ Victor Hugo

Bài thơ hay được gọi là "Tình tuyệt vọng" của Arvers ("Mà người gieo thảm cơ hầu không hay") vẫn được coi là có giá trị tự thân, được rất nhiều người biết, tuy rằng đó chỉ là một bản dịch. Sở dĩ bài thơ được biết đến nhiều như vậy một phần lớn là vì nó được Khái Hưng đưa vào một truyện ngắn của mình (trong tập Anh phải sống, ký tên cùng Nhất Linh), một trong những truyện làm nên tên tuổi văn chương ban đầu cho Khái Hưng Trần Khánh Giư.

Dường như người ta vẫn nghĩ Khái Hưng ở tư cách dịch giả chỉ có vậy, cùng thêm một ít nữa, chẳng hạn có thể xem trong các tuyển tập truyện nước ngoài do nhóm Tự Lực văn đoàn in. Nhưng, đến tận rất sát ngày 19/12/1946 (xem thêm ở kia), Khái Hưng vẫn tiếp tục dịch - tôi đã tìm ra tác phẩm dịch cần phải tính là cuối cùng của Khái Hưng, đó là một tác phẩm của Tagore (tôi sẽ nói kỹ hơn). Điều này khiến tôi mở rộng tìm kiếm về hướng trước nay tôi vẫn không mấy để ý này.

Và quả nhiên, tôi đã tìm ra thêm một số thứ, cho thấy một hình dáng Khái Hưng dịch giả không thể bỏ qua. Trong số này, tôi đặc biệt muốn nhắc đến bản dịch một bài thơ của Victor Hugo.

Đó là bài thơ cực kỳ nổi tiếng "Oceano Nox" ("Oh! combien de marins, combien de capitaines"), mà ở Việt Nam rất nhiều người biết, kể cả ngoài giới học tiếng Pháp - hồi tôi học cấp ba, bài này có trong sách giáo khoa, phần "văn học nước ngoài". Tôi cũng đã đọc thấy nhiều người làm thống kê các bản dịch tiếng Việt bài thơ này - vì cũng như một số bài thơ nước ngoài nổi tiếng khác (chẳng hạn bài sonnet của Arvers, tức "Tình tuyệt vọng" đã nói trên kia), nhiều người đã dịch nó - nhưng dường như chưa hề có ai nhận ra Khái Hưng cũng từng dịch bài này.

Trong số những người từng dịch "Oceano Nox" có cả Tố Hữu ^^

Và, cũng như trường hợp bài thơ của Arvers, bản dịch của Khái Hưng, trong trường hợp "Oceano Nox", lại vượt lên trên tất cả về chất lượng. Bản dịch này được đăng trên Phong hóa số 8, ngày 4 tháng Tám năm 1932, tức là chừng một tháng trước khi Phong hóa "đổi mới" dưới bàn tay Nhất Linh.


Biển thẳm đêm trường

Biết bao thủy thủ, bao thuyền chủ!
Gió thuận đưa buồm khắp viễn xứ,
Nay hồn tiêu diệt nơi chân trời!
Thảm thay! ngắn ngủi cái kiếp người!
Bể sầu không đáy trăng không sáng,
Lớp sóng vô tình vùi bao mạng.

Biết bao thuyền chủ cùng lính tầu!
Sau trận cuồng phong đời còn đâu!
Phù thi [?] lênh đênh trên mặt biển.
Mặt biển mênh mông không bờ bến.
Các ông sóng bạc đến tranh nhau
Ông lôi lính thủy ông lôi tầu.

Hỡi ơi những ai số phận mỏng
Trôi giạt chiếc thân ngoài biển rộng,
Sóng rữ [sic] quăng thây ngọn thạch tiêu,
Trên bãi cát vàng sớm lại chiều,
Cha già mong ngóng mãi mà chết
Mong ngóng tới tận giờ vĩnh quyết.

Các bạn đồng nghiệp lúc đêm thanh,
Theo hàng neo rỉ [sic] ngồi vòng quanh
Hát cười kể những chuyện lưu-lạc
Thường nhắc đến tên người mệnh bạc
Với kẻ cùng ai xưa chung tình,
Tủi ai đáy bể ôm rêu xanh!

Họ đồn, "kẻ kia nay sung sướng,
Đảo xa ngôi báu riêng mình hưởng".
Rồi đây kẻ khuất hồn phách yên,
Sóng vùi thi thể người quên tên.
Thời gian lạnh lẽo buông màn tối
Câu chuyện ngoài khơi ai nhắc tới.

Mỗi ai mỗi việc mình biết mình,
Con người là giống chí vô tình!
Có đêm giông tố phá tan tác
Vợ góa chờ ai tóc đã bạc,
Ngồi nhóm lửa tàn trong bếp lò
Lửa lòng lại cháy vì người xưa.

Tới khi người yêu đã trăm tuổi,
Còn ai nhớ tên khách hồ hải
Không bia không mồ ngoài tha ma,
Không cành thùy liễu lả thướt tha
Không cả âu sầu mấy điệu hát,
Của người hành khất bên cầu nát.

Những lính thủy chết giờ ở đâu?
Hỡi sóng! ngươi hay bao chuyện sầu!
Các bà mẹ sợ quỳ hai gối
Khi ngươi dưng [dâng?] triều tiếng rữ rội [sic]!
Ấy tiếng thất vọng buổi chiều tà
Khi người sấn tới nơi chúng ta.


-----------

Việc phát hiện lại được bản dịch này của Khái Hưng (dẫu cho trước đây từng có người nhắc đến nó - mà tôi không biết - thì chuyện ấy cũng không quan trọng lắm), đối với tôi càng có nhiều ý nghĩa khi mà, đúng thời điểm chuẩn bị thực hiện cuộc kiểm kê các tác phẩm cuối cùng của Khái Hưng, tức là khoảng hơn một năm cuối đời của Khái Hưng Trần Khánh Giư, thì bỗng tôi thấy rằng Khái Hưng cũng từng dịch bài thơ "Oceano Nox" này: cả tôi cũng từng dịch nó, còn trước cả bài "Đôi mắt Elsa" (xem ở kia) - đây cũng là một bài thơ nhiều người dịch sang tiếng Việt :p. Năm ấy, tôi dịch "Oceano Nox" rồi một thời gian sau, có thể là vài tuần, hoặc vài tháng, dịch "Đôi mắt Elsa". "Đôi mắt Elsa" tôi còn giữ được bản nháp, nhưng bản dịch kia thì không - hồi ấy có vài người học cùng lớp tôi biết về nó và đọc nó. Nhưng tôi cũng chẳng thiết tha muốn tìm lại làm gì.


đây là Phong hóa số 8:


dịch bài thơ nói trên, Khái Hưng ký "T. K. G." (bài thơ đăng ở mục "Văn đàn" của báo):







Ngày 19 tháng Chạp năm 1946
Khái Hưng ngoài Phong hóa, Ngày nay
Vòng tròn Dương Nghiễm Mậu
Tiểu luận thứ ba về Tự Lực văn đoàn
Tự Lực: một sự nghiệp tuyệt đẹp
Tiểu luận thứ hai về Tự Lực văn đoàn

Tiểu luận thứ nhất về Tự Lực văn đoàn

Đã
Lên, lên nữa, lên mãi
Vàng và máu: một vị trí
Phan Cự Đệ vs Khái Hưng
Khái Hưng vs Nguyễn Tuân
Khái Hưng
Những câu chuyện rất là khác

1 comment: