nếu ai còn nhớ (chắc chẳng ai còn nhớ), Tạ Chí Đại Trường đã có lúc có ý định đặt tên cho "hồi ký đi cải tạo" của mình theo Mémoires d'outre-tombe (Hồi ký bên kia nấm mồ) của Chateaubriand; cuối cùng thì cuốn sách ấy của Tạ Chí Đại Trường đã tên là Một khoảnh Việt Nam Cộng Hòa nối dài, và Tạ Chí Đại Trường cũng thú nhận là chưa bao giờ đọc bộ sách của Chateaubriand (về các tình tiết cụ thể, xem ở kia)
tập một bộ sách của Chateaubriand ấy đây (ở ấn bản mà tôi có, tổng cộng có ba tập):
ở Việt Nam cũng từng có bản dịch tác phẩm của Chateaubriand, xem ở kia, ngay trên đầu thôi
Chateaubriand cũng có thể dễ dàng được xếp vào cùng các nhà quý tộc thần thánh, nhưng còn ở một nhóm nhỏ đặc thù hơn nữa: nhóm các nhà quý tộc Pháp bị Cách mạng ập tới đúng trong lúc nó hung dữ nhất, với không ít cái đầu rụng cùng Louis XVI và Marie-Antoinette (ref. trong tiếng Việt cho thời kỳ này là Các hung thần lên cơn khát của Anatole France)
là con thứ mười, cũng là con út, trong một gia đình quý tộc rất lâu đời (trong số mười người con này không phải tất cả đều sống được qua tuổi sơ sinh), hai trong bốn chị gái của Chateaubriand chết trong Cách mạng, họ hàng gần lên máy chém cũng không ít, không những thế, trong Hồi ký, Chateaubriand cũng sớm nói: "Hai mươi ngày trước khi tôi sinh ra đời, ngày 15 tháng Tám năm 1768, cũng ra đời trên một hòn đảo khác, ở đầu bên kia nước Pháp, con người đã kết liễu xã hội cũ, Bonaparte" (Chateaubriand sinh ra tại Saint-Malo, là một người "Malouin" như người ta vẫn hay nói, tức là một cảng biển của vùng Bretagne, còn Napoléon là Ajaccio, Corse); dường như sự việc không hoàn toàn đúng như vậy, vì Napoléon sinh năm 1769 chứ không phải 1768 như Chateaubriand, nhưng quả thật cặp Napoléon-Chateaubriand là cả một câu chuyện lớn; Chateaubriand có một số phận rất kỳ lạ, trong đó còn liên quan đến cả câu chuyện lớn của phương Tây thiết lập chế độ thuộc địa trên một số châu lục
chính trong lúc suy nghĩ thêm về văn chương Nguyễn Tuân, thì một điều gì đó nói với tôi là phải nhìn về phía Chateaubriand
một vàng son mất mát, một trật tự tan biến vì những đổi thay khốc liệt, người ta sẽ dễ thấy điểm tương đồng như vậy giữa hai con người này, hai con người như thể được sinh ra để chứng kiến và dùng thiên tài của mình không cho những đổi thay và đứt đoạn ấy chạy thoát, không cho chúng bốc hơi đi mất
nhưng đối với riêng tôi, điều thực sự làm Nguyễn Tuân và Chateaubriand ở gần nhau được, thậm chí sát cạnh nhau, phải là sự thiếu vắng mọi ảo tưởng ở họ; không hề có ảo tưởng mà phải sống cuộc đời con người, điều đó khủng khiếp lắm; Chateaubriand nói về thời điểm mình ra đời: "tôi kháng cự, tôi ghê tởm cuộc đời", kháng cứ mãi không chịu sinh ra, vì ghê tởm
ở chính trong sự tiêu diệt các ảo tưởng này có điều cốt yếu của cái mà người ta vẫn hay gọi là hiện đại; hay nói đúng hơn, "phản hiện đại" (khái niệm này là của Antoine Compagnon)
chắc đã đến lúc phải bình luận theo một con đường khác hẳn truyện ngắn xuất sắc nhất của Nguyễn Tuân, cái truyện gây hoang mang nhất, ít được hiểu nhất, bị ghê sợ nhất, được yêu thích nhất, và cũng kỳ lạ nhất: "Chém treo ngành" (tức "Bữa rượu máu"), truyện đầu tiên của Vang bóng một thời
những cái đầu rụng, vì một số thứ hay được gọi là "tiến bộ" hoặc "cách mạng", làm cách nào để nhìn vào đó với không một chút ảo tưởng nào?
về Nguyễn Tuân:
Nguyễn Tuân: văn chương của đứt đoạn
Một truyện ngắn của Nguyễn Tuân
Khái Hưng vs Nguyễn Tuân
Chùa Đàn
Nguyễn Tuân đọc sách
Tô Hoài kể chuyện (3)
Tâm sự của nước độc
“Cứ đốt lò hương cho đến sáng,
ReplyDeleteThử xem mưa gió đến bao giờ.”