Jul 7, 2017

Linda Lê: một chương

Oeuvres vives (in năm 2014) là kiệt tác lớn lao của Linda Lê. Bản dịch tiếng Việt cuốn tiểu thuyết này sắp được in ở Việt Nam, tôi post ở đây một "chương" (thật ra cuốn sách không chia chương, phần), với sự cho phép của người dịch. Bản dịch tiếng Việt của cuốn sách mang nhan đề Chìm xuống.

Cuốn sách mở ra bằng câu "Vụ tự sát của Antoine Sorel đã không gây tốn nhiều giấy mực". Một nhà văn vừa tự sát, tại thành phố Le Havre. Đúng ngày hôm ấy, một "Paridiêng" trẻ tuổi đến đây vì được tòa soạn một tờ tạp chí gửi tới xem vở kịch Fin de partie của Samuel Beckett. Vừa đọc một cuốn tiểu thuyết của Antoine Sorel tình cờ tìm thấy và bị gây choáng váng theo cách thức đáng kể nhất, nhà báo đọc thấy tin Sorel đã chết. Không thể không coi đây là một điều tiền định, nhân vật "tôi" khởi sự tìm hiểu về Sorel, mà mỗi lúc anh càng nhận ra là một nhà văn đặc biệt lớn (và không được mấy ai biết). "Chương" dưới đây là khi nhân vật nhà báo tìm được Judith Altmann từng một thời thân thiết với Sorel trẻ tuổi; lúc này, sau khi gặp vài chứng nhân khác để tìm hiểu về Sorel, "tôi" đã bắt tay viết một cuốn sách về nhà văn độc đáo, nhưng cảm thấy mình không thực sự làm được điều này; cuộc gặp với Judith Altmann sẽ có một ý nghĩa quan trọng trong cuộc tìm kiếm khó nhọc ấy.

Ba cuốn sách của Linda Lê từng in ở Việt Nam (không tính Tình ca ác quỷ kỳ quặc) dường như chưa lúc nào hé lộ một Linda Lê viết về tình yêu. "Chương" dưới đây là một chương về tình yêu, một tình yêu như chưa từng bao giờ có thể có.

Sau Đà Lạt, Le Havre là thành phố thứ hai gắn bó với cuộc đời Linda Lê. Oeuvres vives chính là khi Linda Lê quay trở lại thành phố cảng, nơi cũng từng chứng kiến một đoạn đời Marina Tsvetaeva, mà Linda Lê ngưỡng mộ. Le Havre của Raymond Queneau, của Guy de Maupassant; nhưng dường như Linda Lê không mấy để ý đến một kiệt tác văn chương về Le Havre, được viết ra bởi Balzac: đó là cuốn tiểu thuyết Modeste Mignon, tác phẩm chiếm giữ vị trí số 5 của Vở kịch con người. Le Havre cũng giống như Hải Phòng, nó xứng đáng với những vinh danh văn chương đẹp nhất. Bởi vì đó là những thành phố xứng đáng với biển ở trước mặt chúng.

Oeuvres vives cũng chính là một khoảnh khắc lớn, khiến người ta (những ai biết đọc) nhận ra người ta có thể nhầm lẫn đến đâu, khi nghĩ văn chương của Linda Lê thiếu hài hước. Hoàn toàn không phải thế, mà chỉ là, mà chỉ là: đâu phải ai cũng nhìn thấy Thomas Bernhard hài hước đến mức nào, hoặc Sebald là tuyệt đối buồn cười; hoặc nữa: Jacques Roubaud hay Michel Leiris, trong đó Linda Lê đặc biệt ngưỡng mộ Leiris, Bernhard và Roubaud. Cái cười của văn chương, đó là một cái cười khác.

Đó là, dẫu chỉ một phần, cái cười mà Kierkegaard từng nói đến, trong cái câu được trích dẫn trong Chìm xuống: "Cứ cười nhạo những điên rồ của thế giới đi, ngươi sẽ phải hối tiếc; khóc đi, ngươi cũng sẽ hối tiếc như thế; cười nhạo những điên rồ của thế giới hay khóc cho chúng, thì ngươi cũng sẽ phải hối tiếc thôi; cười những điên rồ của thế giới hay khóc cho chúng, thì ở cả hai trường hợp ngươi cũng sẽ hối tiếc thôi".

Chúng ta sẽ còn quay trở lại kỹ lưỡng hơn với chương dưới đây, tạm gọi là "chương Judith Altmann".

-----------

Tòa nhà nơi Judith Altmann sống ở Étretat nằm cuối một lối đi lòa xòa cây. Đó là một công trình xây từ thập niên ba mươi gồm ba tầng, hai tầng bên dưới dường như bỏ không. Bước trên lối đi, tôi nghĩ mình thoáng nhìn thấy một khuôn mặt đằng sau rèm cửa sổ bằng vải đỏ, tầng trên cùng. Ở tầng ba, nơi Judith sống, trước các cửa sổ có những cây gì trông như là tre. Đang là tháng Chạp, nhưng hôm ấy ánh sáng thật tươi. Damien Léger là người, sau một số sục sạo, đã tìm ra cho tôi địa chỉ của Judith. Tôi viết thư cho bà gần như ngay lập tức, sau tận năm tuần dài dặc bà mới trả lời, mời tôi đến gặp, vì bà rất ít khi ra khỏi nhà kể từ lúc mắt bà gần như bị mù. Bà đã không hỏi tại sao tôi lại tìm cách nói chuyện với những người từng quen biết Sorel.

Trước khi đi Étretat, tôi nhận ra hai chương đã viết thật không ra gì. Tôi còn cần nỗ lực hơn rất nhiều nếu muốn viết cho đến nơi đến chốn một cuốn sách tạm gọi là chấp nhận được. Có lẽ, tôi tự nhủ, tốt hơn hết là đừng viết gì vội trước khi kết thúc những cuộc tìm hiểu, đã giậm chân tại chỗ suốt năm tuần chờ đợi lời hồi đáp của Judith. Vì cũng chẳng có quá nhiều bài báo phải nộp, tôi lên tàu hỏa đi đây đi đó, đọc Sorel trong những căn phòng khách sạn nơi tôi chẳng làm gì khác ngoài nghe nhạc, hút thuốc và uống rượu whisky Nhật mua ở Paris. Barbet và Léger thỉnh thoảng gửi cho tôi một tin nhắn điện thoại để hỏi xem tôi đã tiến đến đâu trong cuộc tìm kiếm. Tôi cũng nhận được các email của Jean Trần mỗi lúc ông nhớ ra điều gì đó đã quên chưa kể cho tôi. Chính nhờ cách này mà ông nói với tôi rằng Sorel từng đi Việt Nam, bốn hay năm năm trước khi chết - ông không có nhiều điều để nói cho tôi về chuyến đi này, vì anh trai ông đã nhất quyết im lặng khi quay trở về, và cũng bởi mẹ họ qua đời vào đúng thời điểm ấy, rồi chính ông chia tay vợ, ông có quá nhiều mối bận tâm trong óc thành thử đã không hỏi han Antoine, nhưng ông bảo tôi rằng ông sẽ thử tìm xem trong đống giấy tờ mà người quá cố để lại có gì liên quan đến chuyến đi ấy không. Tôi hồi đáp tất cả họ theo lối mơ hồ, và mỗi lúc một thêm sợ là mình sẽ làm tất cả phải thất vọng, mà họ thì hy vọng xiết bao rằng, nhờ tôi, những cuốn sách của Sorel sẽ có được một cuộc đời thứ hai.

Trong căn hộ toàn những thứ đồ đạc giản dị của mình, Judith chỉ có một con mèo vằn làm bầu bạn, nó nhảy nhót khắp nơi và cào bìa những quyển sách. Bà đang chơi đàn piano lúc tôi bấm chuông cửa. Tôi tự nhủ chắc bà thường chơi nhạc, giờ đây khi đã không thể đọc nhiều nữa. Một bà già rất quý phái với mái tóc bạc cắt kiểu gác xông ra mở cửa cho tôi. Judith mặc một chiếc váy trắng, thắt eo nhờ một cái thắt lưng rộng bản xanh đậm, một chiếc gi lê, cũng màu trắng, và đi giày cao gót. Bà thoa một lớp phấn nền rất mỏng trên má và son môi. Bà mỉm cười với tôi, mặc dù, bà nói, bà chỉ nhìn thấy tôi như một công tua mờ mịt, và mời tôi vào nhà, xin lỗi vì sự bừa bộn do con mèo gây ra, nó làm rơi sách và nháo nhào mọi thứ lên vì cứ không ngừng nhảy từ thứ đồ này sang thứ đồ khác. Gạt khỏi trường kỷ những chiếc gối dựa và hàng chồng tổng phổ để tôi có chỗ ngồi, bà nói với tôi rằng bà gần như chẳng còn tiếp ai nữa, nhưng bà không thấy nhớ cuộc sống xã hội, chỉ dăm thì mười họa bà mới sang nhà một người bạn mà bà quen kể từ khi chuyển đến sống ở thành phố này. Đó là một thầy giáo dạy nhạc về hưu trước bà. Ông nấu cho bà những món vùng Tây Nam (ông là người Saint-Jean-de-Luz), rồi họ vừa ăn vừa nghe Glenn Gould chơi Bach. Trước khi nói tiếp, bà hỏi tôi có muốn uống trà không và khi tôi đáp là có, bà biến mất một lúc rất lâu vào bếp rồi trở ra với một ấm trà và những cái tách Nhật Bản đặt trên khay. Bà rót trà cho tôi, đánh đổ gần như hết nước lên mặt bàn mà hoàn toàn không nhận ra. Tôi cầm tách lên, chỉ đầy chưa đến một nửa, một thứ nước rất đắng, và uống một hơi cạn luôn. Judith lại biến mất vào trong bếp và mãi một lúc lâu sau mới quay trở lại với một đĩa bánh madeleine. Bà ngồi xuống trước mặt tôi, trên cái ghế chơi đàn và, nhấm nháp một chiếc madeleine, nói với tôi rằng bà đã do dự suốt nhiều ngày trời trước khi quyết định hẹn tôi đến nhà. Đã hơn hai mươi năm nay bà chỉ biết tin về Sorel qua báo chí. Lúc nào bà cũng rất sung sướng khi phát hiện trên báo rằng ông vừa cho in một cuốn tiểu thuyết mới, nhưng kể từ khi họ chia tay, ông đã không viết thư cũng không gọi điện, cả vào cái hồi bà vẫn còn sống ở Le Havre. Lẽ ra ông đã có thể gửi cho bà quyển sách đầu tiên. Chắc bà sẽ không nắm lấy cái cớ đó để tìm cách nối lại quan hệ (vả lại chính bà là người chủ động chia tay), nhưng bà sẽ rất thích nếu được chúc mừng ông và tưởng nhớ những khoảnh khắc họ đã cùng nhau trải qua, trong khi ông còn chưa trở thành nhà văn.

Bà sẽ không bao giờ quên cái ngày ông tiến lại gần bà ở bến cáp kéo Le Havre. Ông mới hăm hai, còn bà gần năm mươi tuổi. Ông lại gần và, mặt đỏ bừng, nói thì thầm: “Cô còn nhớ em không? Em là Antoine Trần, đứa học sinh dốt nát nhất mà cô từng có.” Bà nhớ ngay ra rằng cái chàng thanh niên mắt nâu ấy từng, trước đó chừng chục năm, là đứa trẻ duy nhất trong lớp của bà không gây náo loạn trong giờ ký xướng âm và đau khổ vì điếc nhạc, trong khi các bạn của cậu ta, cũng chẳng khá gì hơn, chẳng thấy hề hấn gì. Bà vừa mua hai bản trình tấu Những bài học bóng tối của Couperin. Bà tặng chúng cho ông, bảo ông rằng như vậy cuộc gặp lại giữa họ được ngôi sao âm nhạc soi chiếu. Ông từ chối, do dự không nhận ngay, rốt cuộc nói ông sẽ mượn mấy cái đĩa, đảm bảo vài hôm nữa sẽ trả lại cho bà. Bà viết lên một mẩu giấy số điện thoại và địa chỉ của mình, rồi đi, bảo ông nghe thật kỹ mấy cái đĩa 33 vòng đó, nhắc lại với ông cái câu mà bà không thể tự ngăn mình nói suốt với tất cả mọi người: “Cuộc sống không âm nhạc là một nhầm lẫn, một khổ nạn, một sự lưu đày”, và tự hỏi chẳng biết mình có còn gặp lại cậu ta không. Một tuần sau đó ông gọi cho bà và mang trả cho bà mấy tác phẩm của Couperin. Khi trả đĩa, ông chẳng hề có lời bình luận nào. Sau đó, bà sẽ còn đưa cho ông hàng chục cái đĩa. Ông chỉ nói với bà về các đĩa của Gesualdo và Zimmermann. Họ khiến ông quan tâm vì những lý do không liên quan gì đến âm nhạc, Gesualdo bởi vì ông từng giết vợ, còn Zimmermann thì bởi ông đã tự sát sau khi sáng tác bản Cầu hồn một nhà thơ trẻ.

Câu chuyện tình của họ khởi đầu vào một buổi tối trong lúc đang đi dạo. Một cơn giông nổ ra khi họ bước đi dọc con đường lớn trên bãi biển. Sorel đã cởi áo vest để che cho Judith khỏi bị dính nước mưa. Họ chạy vội về phía một bến xe bus, ướt sũng, quần áo dính chặt lên người, điều này khiến họ phá lên cười. Họ còn chưa đến chỗ bến bus thì đột nhiên Antoine dừng lại, ôm lấy Judith rồi hôn tới tấp lên mặt bà. Họ cứ đứng như thế, ngay giữa vỉa hè, nước rỏ tong tỏng, mà hôn nhau. “Tôi cảm thấy mình lại biến thành một đứa con gái”, Judith nói. Không phải bởi Sorel trẻ mà vì bà đã không hề trông chờ có điều gì đó như thế xảy ra giữa họ. Lúc ấy bà vừa ly dị, chồng bà và bà chia tay trong tình thân ái, như người ta vẫn hay nói khi không còn lại gì từ những tình cảm buổi ban đầu, và ta phải che giấu nỗi chán ngán đằng sau một thứ tình bằng hữu giả tạo. Bà không quên mình có một đứa con gái bằng tuổi Sorel và vài lần khi bà cùng ông vào một quán ăn, mấy cô phục vụ đã nghĩ họ là mẹ con, bà cũng không phản đối, bà không đóng vai một người còn chưa năm mươi tuổi và tức tối khi được nhắc nhở rằng tuổi trẻ đã chạy trốn mất rồi.

“Antoine không coi tôi như một người đàn bà thuộc thế hệ bố mẹ cậu ấy”, Judith thì thầm, tay vuốt ve con mèo vằn đã đến nằm thu lu trên đầu gối bà. Sorel nói mình yêu bà ở sự dịu dàng của bà. Có lẽ ông cũng yêu những khoảng im lặng của bà nữa. Bà không nói nhiều những lúc họ gặp nhau. Cả ông cũng không lắm lời. Họ có thể cùng nhau qua cả một buổi tối mà chẳng nói với nhau quá ba câu. Bà bật một đĩa nhạc và ông ngồi nghe với bà, vẻ tập trung, ông dồn hết mọi nỗ lực để đón nhận âm nhạc vào bên trong mình. Khi bà chơi đàn piano, ông ngồi bệt xuống đất, gần bà và, hai tay ôm mặt, không hề nhúc nhích chừng nào bản nhạc còn chưa hết. Căn hộ của bà trên phố rue de Paris chỉ có hai phòng nhỏ. Trong phòng đầu tiên, gần như toàn bộ không gian bị cây đàn piano choán hết, còn trong phòng thứ hai chỉ có, quanh giường, những cái giá oằn xuống vì sách. Bà sống ở đó sau khi ly dị, trước thì bà ở Sanvic, không xa nhà bà mẹ nuôi. Hồi đó Sorel có một căn phòng ở Mont-Gaillard, một dạng ổ chuột không lò sưởi, chỉ có vòi tắm hết sức tạm bợ, trong một góc, gần lavabo. Bà đề xuất ý kiến giúp ông thuê một studio tiện nghi hơn, nhưng ông từ chối ngay tắp lự, lên cơn tức tối khủng khiếp: ông ghê sợ khi người ta tỏ ra thương hại ông. “Cậu ấy nhạy cảm ghê gớm, Judith nói, một việc tí tẹo cũng đủ làm cậu ấy phát điên.” Lúc nào bà cũng sợ phạm phải một sự hiểu lầm, thiếu tế nhị hoặc ý tứ. Bà phải không ngừng lo sao đừng khiến ông bị tổn thương.

Ông đã không nói với Judith là mình đang viết cuốn sách đầu tiên, một dạng mê tín ngăn ông nói về nó, ông sợ bị rơi vào tình trạng nói trước thì bước không qua. Nhưng bà đã đoán được rằng ông đang dự định một điều gì đó quan trọng, bà không nghi ngờ chuyện ông bỏ chạy khỏi nhà là để được tự do chuẩn bị cho cái gì đó quan trọng ấy, nó sẽ làm tất cả những người từng quen biết ông phải sửng sốt. “Antoine, Judith nói, không giống các thanh niên cùng độ tuổi cậu ấy. Cậu ấy có một cái gì đó trẻ con không diễn tả được, nhưng cậu ấy cũng đã hết sức già dặn ở tuổi hăm hai. Chắc hẳn cũng bởi vì cậu ấy đã phải một mình chiến đấu để hiện thực hóa giấc mơ của cậu ấy, là viết văn, và là viết những cuốn sách thuộc một thể loại nhất định, những cuốn sách không nhân nhượng. Đôi lúc cậu ấy đối xử với tôi như thể lúc nào cậu ấy cũng cần được an ủi, lại có những khi cứ như cậu ấy mới là người nhiều tuổi hơn và vai trò của cậu ấy là bảo vệ tôi. Nhờ cậu ấy, tôi đã cảm thấy chắc chắn hơn vào bản thân, trong thời điểm đang tan vỡ vì cuộc ly hôn. Nhờ cậu ấy, tôi đã không giống như những người phụ nữ năm mươi tuổi khác, tuyệt vọng vì không còn giữ được tuổi trẻ. Cũng nhờ cậu ấy, tôi đã khám phá những tác giả cay độc cho phép tôi nhìn cuộc đời theo một cách khác hẳn. Tôi còn nhớ những buổi tối cậu ấy và tôi thức đến tận khuya nói chuyện về những cuốn sách mà cậu ấy mượn ở thư viện và mang đến nhà tôi để đọc cho tôi nghe. Về phần mình, tôi cố gắng giáo dục âm nhạc cho cậu ấy. Tôi đã chẳng làm được gì hết, các bản concerto mà tôi bật cho cậu ấy nghe chẳng có tác động gì lên cậu ấy. Điều đó khiến cậu ấy buồn, cậu ấy tự nhủ mình chẳng có chút nhạc cảm nào. Chắc chắn là cậu ấy có hỏi tôi về các nhà soạn nhạc, nhưng chủ yếu là hỏi về những đoạn đau khổ trong đời họ.”

Judith tỏ ra rất chấn động khi nhắc đến Antoine. Mặc dù bà đã sống gần nửa thế kỷ ở Le Havre, đã gặp chồng mình ở đó và nuôi dạy con gái mình cũng ở đó, trong tâm trí bà cái tên thành phố trước hết gắn liền với tên của Sorel. Thư viện thành phố, các ke nhà ga, nhà thờ Saint-Joseph, các công viên, nhà nguyện Notre-Dame-des-Flots, những quán ăn theo mùa và lối đi dạo lớn ngoài bãi biển: bà từng ở tất cả những chốn đó cùng Antoine. Ngoài nhà thờ Saint-Joseph và Notre-Dames-des-Flots, mấy nơi kia chẳng có gì đặc biệt, nhưng gắn liền vào đó là các kỷ niệm bà từng có với Sorel. Bà không thể nhớ đến phố phường Le Havre mà không đồng thời nghĩ tới những cuộc dạo chơi với ông hồi ấy, bà không thể nghe nhắc vài quán rượu Le Havre mà không nhớ mình và ông từng ngồi lì ở đó hàng giờ, cùng nhau im lặng. Họ không thực sự che giấu mối quan hệ, nhưng họ tránh những quán cà phê mà bạn bè Antoine hay tụ tập. Le Havre là một thành phố nhỏ, ở đó ai cũng mau chóng biết về những điều vốn dĩ lẽ ra không nên um xùm, rất may mắn, Sorel ít bạn, và ông giữ kín được câu chuyện tình của mình với Judith. Không phải vì cách biệt tuổi tác giữa họ, ông nhắc đi nhắc lại rằng ông không cảm nhận thấy cách biệt ấy và rằng, dẫu cho các bạn của ông có biết và đem ra chế nhạo ông đi yêu một phụ nữ đáng tuổi mẹ mình, thì ông cũng sẽ chẳng buồn để tâm.

“Nếu bố mẹ Antoine, Judith nói, mà biết chuyện giữa tôi và cậu ấy, chắc họ sẽ buộc tội tôi là một mụ phù thủy già mồi chài làm đồi bại con trai trẻ tuổi của họ, vô phúc mà rơi vào nanh vuốt của tôi. Một lần, trên đại lộ René-Coty, trong lúc tôi đang bước đi bên cạnh Antoine, từ xa chúng tôi nhìn thấy mẹ cậu ấy đang đi tới, nhưng không để ý đến chúng tôi. Ngay lập tức cậu ấy túm lấy tay tôi và kéo phắt tôi vào một cửa hàng trước khi bà ấy kịp nhìn thấy chúng tôi. Tôi rất bối rối. Tôi tự nhủ bà ấy còn trẻ hơn tôi, mặc dù trông rất bầm giập bởi cuộc đời và tóc đã gần như bạc trắng.”

Judith hạ giọng xuống khi nói những lời này, như thể bà muốn chúng không bị ghi lại. Nỗi khó ở của bà rõ rệt đến mức tôi tắt máy ghi âm đi một lúc. Bà mỉm cười với tôi, tỏ ý biết ơn vì nhận ra là tôi không muốn đặt bà vào chuyện khó xử. Bà đứng dậy đi đun nước thêm vào ấm trà. Tôi nghe tiếng bà loay hoay trong bếp, rồi bà quay trở lại, nhẹ nhàng đặt cái ấm xuống bàn trước mặt tôi. Bà xin lỗi vì không còn Lapsang Souchong để thết tôi. Theo bà đó là loại trà ngon nhất. Bà nhón tay lấy một chiếc madeleine, bẻ nhỏ ra rồi đưa một mẩu lên miệng. Bà lại mỉm cười với tôi. Tuy nhiên tôi có cảm giác không phải nụ cười ấy hướng về tôi. Bà nhìn thấy Sorel thay vì thấy tôi. Chắc chắn tôi không còn trẻ như ông khi bà gặp, nhưng vì tôi đang khiến bà nói về ông, một sự lẫn lộn đã hình thành trong tâm trí bà và bà không còn biết thật rõ trước mặt mình đang là ai nữa.

“Giờ đây khi tôi đã là một bà lão mù dở, bà nói tiếp sau khi bảo tôi bật máy ghi âm, tôi thường nhìn về quá khứ và thấy dường như những gì mà tôi thiết tha nhất là các hình ảnh tôi còn lưu giữ được từ những khoảnh khắc ở bên cạnh Antoine. Cách đây nhiều năm khi đã đến ở hẳn Étretat, mỗi lần quay về Le Havre, cứ đi tàu cáp kéo là tim tôi lại chẳng thể nào không đập dồn dập, mỗi lúc thấy một thanh niên trông giống Antoine hồi cậu ấy hăm hai tuổi.”

Bà nói thêm rằng bà thích nhất là những cuốn sách của Sorel, vì theo bà ông đã viết chúng bằng máu của mình, bà cũng yêu chúng vì bà thấy không thể nào ráp nối chúng với một điều gì từng biết. Khi qua báo chí bà biết tin ông đã tự chấm dứt cuộc đời mình, đã từ rất lâu bà không còn cảm thấy choáng váng đến như thế. Cái ý nghĩ có lẽ bà đã có thể giúp ông, gặp lại ông để nói với ông rằng bà chưa bao giờ quên ông, cứ đeo đẳng lấy bà. Bà đã đọc lại những bức thư mà ông gửi cho bà khi họ còn quan hệ với nhau. Bà chìm đắm trở lại vào trong những cuốn tiểu thuyết cuối cùng được xuất bản của ông, tìm trong đó những dấu vết của một niềm tuyệt vọng về sau sẽ hư vô hóa ông. Bà chắc chắn rằng nếu có ai đó ở đó vào đúng thời điểm, nếu ai đó ngờ rằng mỗi lúc ông một thêm trầm uất và mỗi lúc một thêm đậm sự tự căm ghét bản thân, thì hẳn người ấy đã có thể ngăn ông tự xóa bỏ mình đi. Bà cũng chắc chắn rằng nếu ông tiếp tục viết thư hoặc gọi điện cho bà, hẳn bà đã biết cách đọc ra những dấu hiệu báo trước căn bệnh chết người của ông, nỗi chán sống, và hẳn bà đã có thể chữa trị được cho ông. Nhưng có lẽ bà cũng chẳng thể làm gì. Một trong những điều đầu tiên mà ông nói với bà ở tuổi hăm hai là, kể từ khi có lý trí, ông hay tự hỏi tại sao bố mẹ ông lại sinh ông ra. Bản thân họ lẽ ra đã ổn hơn rất nhiều nếu không sinh con. Nhưng họ đã muốn làm cái việc đối với họ là thuộc về trật tự tự nhiên của mọi vật và, suốt nhiều năm trời, họ than thở vì phải chu cấp nuôi nấng ba đứa con trai chẳng hề thấy biết ơn họ vì tất tật những gì họ từng làm cho chúng.

Judith lấy từ trong cái hộp đặt trên cây đàn piano ra một điếu thuốc lá rất dài, rất mảnh, rồi châm lửa sau khi bảo tôi bà cần hút thuốc, vì hút thuốc giúp bà tìm lại các kỷ niệm. Bà hút hai điếu liên tiếp, ánh mắt mất hút vào rỗng không, rồi bà ngồi vào đàn và chơi đoạn đầu một bản xô nát, trước khi quay sang tôi, trên khuôn mặt bà tôi đọc được một nỗi buồn lớn lao. Bà chưa từng nói về Antoine với bất kỳ ai, bà bảo tôi. Và giờ đây khi ông đã chết, lẽ ra bà sẽ không nhận lời kể chuyện cho tôi nghe nếu Damien Léger không nói với bà là tôi đang viết một cuốn sách nhằm khơi gợi mối quan tâm dài lâu đến các tác phẩm của Sorel. Bà không sợ bị kết tội kể lể lắm lời trong khi lẽ ra bà phải kín tiếng về những mối tình của mình, nhưng bà lo sẽ không tìm được những từ chuẩn để miêu tả Antoine đúng như trong ký ức của bà.

“Tôi còn nhớ, bà nói, một trong những chuyến du lịch đầu tiên của chúng tôi. Đó là Villers-sur-Mer. Tôi đã đặt một căn phòng khách sạn có cái giường màn che. Bài trí của căn phòng hơi kitsch, nhưng dẫu sao nó cũng làm Antoine thấy thích, cậu ấy nói là nó gợi cảm giác xa xứ. Hôm đầu tiên, cậu ấy và tôi nằm lại trên giường cho đến tận ba giờ chiều. Rồi chúng tôi xuống đi dạo dọc bãi biển. Khi ấy là mùa xuân và Antoine hết sức vui vẻ. Cậu ấy huýt sáo, vuốt tóc tôi, chốc chốc lại dừng bước, ôm lấy tôi và hôn tôi. Trái ngược với thói quen, cậu ấy không trầm lặng, cậu ấy kể mình đã xoay xở ra sao để kiếm được những công việc không đòi hỏi tay nghề cao, làm thế nào mà cậu ấy sống được khi gần như chẳng có gì, làm sao cậu ấy ăn cắp được sách ở thư viện, vì rất thường xuyên cậu ấy không có tiền mua những quyển sách mà cậu ấy mơ mình được sở hữu. Cậu ấy cũng kể về các em trai của cậu ấy, khi còn nhỏ, họ đã cùng nhau chơi những trò bị bố cấm như thế nào. Thời tiết rất ấm áp. Tám giờ tối, chúng tôi ngồi ngoài hiên một quán ăn để ăn hàu. Antoine không ngừng hôn tôi, cầm tay tôi, cậu ấy nhắc đi nhắc lại rằng chưa bao giờ cậu ấy hạnh phúc như thế. Tôi chẳng buồn quan tâm đến ánh mắt của những người khác, tôi thấy rõ là một số người cứ liếc nhìn chúng tôi và buông những lời bình luận xúc xiểm, nhưng Antoine không hề để ý, và tôi thấy cậu ấy thật đúng khi mặc kệ những gì các bà nạ dòng nghĩ, bọn họ ném về phía tôi những cú liếc mắt lên án, như thể họ đang tự nhủ tôi làm một chàng thanh niên trẻ điên rồ trở nên trụy lạc và thậm chí chúng tôi còn chẳng biết cách cư xử sao cho đứng đắn chỗ đông người. Tôi có ý thức rằng, đối với nhiều người, trông tôi thật già khi ở bên cạnh cậu ấy, lại thêm nữa, thái độ của cậu ấy dành cho tôi giống như là của một đứa con trai đầy trìu mến và vào thời đó dẫu có thế nào thì trông cậu ấy cũng rất trẻ. Rượu còn chưa gây những tàn phá lên cậu ấy, nỗi túng thiếu còn chưa đục khoét đến nỗi làm hai má cậu ấy hóp lại. Cậu ấy gầy, nhưng vẻ gầy gò này không phải như về sau là dấu hiệu những thiếu thốn khiến cho nội tạng của cậu ấy bị suy kiệt. Những năm đó, cậu ấy đã uống kha khá. Tôi không khuyến khích cậu ấy say sưa, nhưng một trong những thú vui của chúng tôi là mua rượu vang về nhà rồi buổi tối uống hết một hai chai, vừa uống vừa đọc cho nhau những trang của Con người, quá con người. Ở Villers-sur-Mer, cậu ấy mang theo trong ba lô Aurélia và, sau bữa tối, cậu ấy khởi sự một bài diễn thuyết về bệnh điên rình mò tất cả những người sáng tạo. Cậu ấy nói rằng bản thân cậu ấy, mặc dù không điên, cảm thấy mình không tránh khỏi. Kể từ khi rời khỏi căn nhà gia đình, đôi khi cậu ấy có cảm giác trật đường rầy, cậu ấy tách ra khỏi thực tại, cậu ấy cố hết sức tự kiểm soát mình, nhưng đầu óc cậu ấy chơi nhiều trò khăm với cậu ấy, cậu ấy đi đến chỗ tin rằng mình bị vây bủa bởi những kẻ thù, hoặc giả cậu ấy sẽ chết trẻ, thành thử phải gấp rút làm một điều gì đó ở trong đời…”

Tiếng chuông điện thoại vang lên cắt lời Judith. Bà trả lời. Đó là con gái bà, Marie, hỏi thăm bà. Judith không nói với cô bà đang có khách và kết thúc sớm cuộc trò chuyện, rồi bỏ máy và thở dài: con gái bà chỉ hiếm khi mới gọi cho bà, nó không bao giờ đến Étretat, nó sống ở miền Nam và đã nhiều năm cố công sinh một đứa con, nhưng mọi nỗ lực đều đã thất bại, và giờ đây nó đã lấy một bác sĩ hơn nó mười lăm tuổi đã có ba con trai, nó chăm sóc bọn nhỏ còn hơn nếu nó là mẹ đẻ của chúng, tới mức chuyện này còn gây căng thẳng giữa nó và chồng, ông ta trách nó đã quá đà. “Marie chưa bao giờ yêu quý tôi, Judith thì thầm. Khi nó hai mươi, hăm hai tuổi, tôi chỉ là một người xa lạ đối với nó. Nó biết tôi có chuyện tình với Antoine và rất bị sốc. Tôi đã không hề nói gì với nó, dĩ nhiên rồi, nhưng hai bạn gái của nó từng bắt gặp tôi ngoài bãi biển một buổi tối, đang đi dạo với Antoine, tay trong tay, chúng đã kể cho nó nghe. Nó lên cơn tam bành với tôi… và nói với tôi rằng nếu tôi không ngay lập tức chấm dứt mối quan hệ ấy, mà nó coi là đáng xấu hổ, tôi sẽ không còn là mẹ của nó nữa, nó sẽ ra nước ngoài sống để hoàn toàn quay lưng lại với tôi. Khi ấy đã là khởi đầu của kết thúc giữa Antoine và tôi. Sau sáu tháng chuyện không còn được như lúc ban đầu nữa. Antoine mỗi lúc càng thêm biểu hiện một ý chí sở hữu khiến tôi cảm thấy mình trở thành tù nhân. Tôi không thể gặp ai mà cậu ấy không bắt tôi phải báo cáo lại. Cậu ấy buộc tội tôi bớt yêu cậu ấy hơn so với ngày đầu và nuối tiếc Christophe, chồng tôi. Một trong những nỗi ám ảnh của cậu ấy là tôi sẽ chia tay cậu ấy rồi quay về sống với Christophe, rằng dưới áp lực của con gái tôi sẽ đoạn tuyệt rồi tìm một ai đó chín chắn hơn. Cậu ấy ghen với Marie, bởi vì nó đóng đinh tôi lên thập giá thông qua việc vứt bỏ tôi. Cậu ấy không chịu nổi khi tôi thú nhận mình buồn đến thế nào vì không chia sẻ được điều gì với nó. Cậu ấy cũng không chịu nổi khi tôi nhắc đến cuộc ly dị của tôi, nó đã chia cách tôi với con gái và một số người quen. Cậu ấy còn không chịu nổi hơn nữa khi tôi nói tới hai con người thân thiết mà tôi từng có, hai người yêu âm nhạc hay đưa tôi đến các công xe. Nói chung cậu ấy từ chối đi cùng tôi tới đó vì theo cậu ấy, những lúc nghe nhạc, tôi được chuyển đến những tầng cầu khác, không còn thuộc về cậu ấy nữa. Khi tôi gặp cậu ấy mà có vẻ hơi chút xa xăm, tức thì cậu ấy nghi ngờ tôi đang che giấu việc có ai đó khiến tôi mơ mộng và không còn gắn bó với cậu ấy như trước. Cậu ấy nghi ngờ nhiều đến mức bị ám ảnh bởi ý nghĩ này: tôi đã sống nhiều hơn cậu ấy, rất nhiều người đàn ông đã bước vào cuộc đời tôi rồi từ đó đi ra, và cậu ấy đã đến quá muộn bởi vì với thời gian tôi không còn sẵn sàng cho đi con người tôi một cách toàn vẹn cho ai đó nữa. Cậu ấy hỏi tôi đã lừa dối chồng bao nhiêu lần, trong suy nghĩ và trong hành động. Quả đúng là tôi đã không có một sự chung thủy mẫu mực trong vòng hăm lăm năm cuộc sống hôn nhân. Tôi đã phạm sai lầm là kể chuyện đó cho Antoine, cậu ấy liền làm rầm lên. Tôi đã không hình dung được là cậu ấy có thể cay nghiệt tới mức đó. Tôi giải thích chuyện này bằng tuổi trẻ, nhưng dẫu sao thì… Cậu ấy hành hạ tôi để biết trong quá khứ ai là người từng làm tôi đau khổ đến mức suýt hóa điên, ai là người khiến tôi chỉ thiếu chút nữa là đã bỏ chồng, ai người tôi còn nghĩ đến, dẫu đã bao nhiêu thời gian trôi qua kể từ khi nói lời vĩnh biệt. Cậu ấy tra hỏi tôi về người này hoặc người kia và dường như tự nhủ rằng sẽ chẳng bao giờ tôi yêu cậu ấy nhiều như tôi từng yêu những người đó. Cậu ấy nhắc đi nhắc lại với tôi rằng tôi đã ở câu chuyện tình chẳng biết thứ bao nhiêu, trong khi cậu ấy, đây mới là lần đầu tiên cậu ấy thờ phụng một người phụ nữ như vậy. Đúng, đúng, chính đó là từ mà cậu ấy dùng đấy: thờ phụng. Cậu ấy lúc nào cũng quá đà. Tôi được biết rằng vài năm sau khi chúng tôi chia tay cậu ấy đã lấy một cô gái Rouen. Tôi tự hỏi với cô ta cậu ấy có tỏ ra khó chịu kinh khủng như thế không. Nhưng có lẽ khi lấy vợ cậu ấy sẽ bớt cái tính sở hữu đi. Cậu ấy thích vùi dập tôi để đặt tôi dưới quyền lực của cậu ấy, vì tôi không để bất kỳ ai chi phối mình, nhất là cậu ấy. Cậu ấy mới chập chững bước vào đời, cậu ấy chẳng có gì để nói với tôi là phải yêu cậu ấy như thế nào và dạy dỗ tôi về lòng chung thủy. Sau ba tháng, chuyện giữa chúng tôi đã rất căng thẳng rồi. Tôi chẳng có gì phải che giấu, nhưng tôi làm ra vẻ bí hiểm, đôi khi tôi biến mất nhiều ngày liền, không một lời giải thích, chuyện này làm cậu ấy phát điên, cậu ấy bấm chuông cửa nhà tôi và, vì không thấy tôi đâu, nhiều lần cậu ấy thức suốt đêm đợi tôi trong sảnh khu nhà tôi ở. Ngay cả khi tôi nói với cậu ấy là đang ở chỗ nhà mẹ nuôi, cậu ấy vẫn nghĩ là tôi nói dối và đang lén lút gặp một người tình cũ. Tôi luôn luôn phải biện minh hoặc trấn an cậu ấy. Nhưng, dẫu có nói gì đi nữa, tôi cũng không sao mà gỡ bỏ được cho cậu ấy nỗi ám ảnh rằng với tôi cậu ấy không nhiều ý nghĩa bằng ý nghĩa của tôi đối với cậu ấy. Cậu ấy cũng sợ là tôi chán cậu ấy, trong khi phải là ngược lại, lẽ ra tôi mới là người phải sợ cậu ấy thấy mệt mỏi với tôi, bởi vì tôi quá già.”

Judith cười khẽ khi nói những lời đó, như thể muốn nói nên coi chúng là chút đỏng đảnh, vì ở tuổi năm mươi bà vẫn chắc chắn trông mình chưa hề đến cái tuổi ấy. Trên bức tường gần chỗ cây đàn treo một bức ảnh chụp bà chắc từ quãng thời gian ấy. Trong đó bà thật đẹp và trông rất giống Jean Seberg. Tôi hỏi bà có những bức ảnh chụp chung với Sorel không. Bà đáp là chỉ có một bức thôi, bức ảnh đó thì ông giữ. Ông từ chối đứng trước ống kính máy ảnh. Nhìn chung, ông ghê sợ máy ảnh và những người chĩa ống kính vào tất cả mọi thứ. Bà còn nhớ một bức ảnh chụp ông trên ke tàu hỏa Le Havre. Nó được đăng lên báo khi cuốn sách đầu tiên của ông xuất bản. Trong đó ông mặc một trong những chiếc áo pull-over cổ bẻ bất hủ và tạo cảm giác đang vội vã sao cho chóng kết thúc buổi chụp ảnh, ở đó nhiếp ảnh gia chĩa ống kính vào ông, cố gắng nắm bắt một biểu hiện đặc biệt của ông. Không có nhiều ảnh chụp Sorel. Những năm cuối cùng trước khi chết, ông còn ít để người ta chụp ảnh hơn. Tôi đã xem thật kỹ mọi bức ảnh chụp ông mà tôi tìm được chỗ này chỗ kia, và dễ dàng hiểu rằng phải cực nhọc lắm ông mới chịu để người ta làm việc đó. Ông có cái dáng vẻ nghi ngại của người nghĩ rằng, giống như những người của một số bộ tộc, nếu bị chụp ảnh thì linh hồn sẽ bay đi mất.

Ánh sáng đã giảm cường độ từ hơn một tiếng, căn hộ của Judith chìm vào bóng tối nhờ nhờ, nhưng bà không nhận thấy điều đó, bà hút những điếu thuốc dài, mắt nheo lại, vẻ như tan loãng vào những mơ mộng, rồi chậm rãi, hết sức chậm rãi, bà đứng dậy bật một đĩa Rachmaninov. “Có những khi, bà nói, tôi không ra khỏi nhà suốt một tuần liền. Bà giúp việc của tôi đi chợ hộ tôi. Tôi cứ ngồi suốt cả ngày trong một cái ghế phô tơi mà nghe nhạc Nga. Với tuổi tác, thậm chí tôi còn thích nghe nhạc hơn, nhất là nhạc của Rachmaninov và Borodine, so với đọc sách. Khi mắt tôi còn tốt, vừa đọc lại Flaubert vừa nghe nhạc Prokofiev, rất mau chóng tôi bỏ sách xuống để chỉ còn nghe mà thôi. Nếu không mù dở như thế này thì tôi đã đi nghe công xe đều đặn rồi. Nhưng tôi không lái xe được nữa. Khi còn trẻ hơn và vẫn sống ở Le Havre, mỗi khi nào có một dàn nhạc đến biểu diễn tại một thành phố nhỏ vùng Normandie là tôi đi ngay. Tôi không nói lúc nào cũng là những buổi diễn hay, rất thường xuyên là thảm họa ấy chứ, nhưng tôi rất thích cả buổi tối ở trong một nhà thờ, chẳng hạn, nơi có một dàn hợp xướng biểu diễn, dẫu là rất tệ, Magnificat của Vivaldi. Tôi từng dẫn Antoine theo dăm lần, gần như phải bắt ép cậu ấy, tôi biết là đối với cậu ấy hơi giống như là đau đớn khi phải ngồi nghe một công xe mà chẳng hề thấy cảm động vì âm nhạc nhưng, như tôi đã nói rồi đấy, tôi thấy rất quan trọng cái việc mà tôi gọi là giáo dục âm nhạc cho cậu ấy. Tôi những muốn nói chuyện với cậu ấy về Đảo người chết hay Don Giovanni, nhưng Đảo người chết lại khiến cậu ấy nghĩ ngay đến bức tranh của Böcklin và Don Giovanni thì đến cuộc cãi cọ giữa phe ủng hộ Molière và phe của Corneille. Cả cậu ấy cũng nghĩ Don Juan là tác phẩm của Corneille. Nhiều tối, tại căn hộ của tôi trên phố rue de Paris, tôi bật đài vì có phát một buổi công xe thu trực tiếp từ phòng Pleyel hoặc từ một festival nào đó. Cậu ấy nói với tôi rằng tôi thật may mắn vì có tai nhạc, một thính giác nhạy cảm và tinh tế. Cậu ấy cũng nói với tôi rằng cậu ấy ghen tị vì tôi nhập sâu đến thế vào nhạc, khiến cho chẳng thứ gì còn tồn tại được nữa. Cậu ấy còn nói với tôi rằng thứ nhạc duy nhất mà cậu ấy nghe được là âm nhạc của từ ngữ. Cậu ấy không nói với tôi là cậu ấy đã bắt đầu viết một cuốn tiểu thuyết và cậu ấy lo sao cho những câu của mình phải mang một nhịp điệu gây ám ảnh. Những khi viết, cậu ấy có cảm giác về nhịp. Cậu ấy có một giọng, và cái giọng ấy dường như có xuất xứ từ một nơi nào rất xa xăm. Tôi tự trách mình, sau khi chúng tôi chia tay, đã không cảm nhận được rằng cậu ấy sẽ hiến mình cho văn chương. Nếu chăm chú hơn, hẳn là tôi đã nhận ra đôi khi cậu ấy không đến nhà tôi suốt một tuần và khi xuất hiện trở lại cậu ấy có dáng vẻ của một người đang bí mật mưu đồ điều gì đó. Quả thật, cậu ấy viết cuốn tiểu thuyết, nhưng cậu ấy chẳng hé một lời về nó. Lẽ ra tôi đã có thể đoán ra cậu ấy đang dự định làm một điều gì đó, nhưng Antoine thường xuyên ghen tuông đến nỗi tôi thấy gần như nhẹ nhõm vì không phải gặp cậu ấy một thời gian. Tôi có cảm giác mình thở dễ dàng hơn vào những ngày cậu ấy còn chẳng gọi điện thoại cho tôi. Tôi tận hưởng tự do của mình mà không tự hỏi cậu ấy đang làm gì.”

Con mèo vằn vốn dĩ cho đến lúc ấy rất trật tự, đột nhiên thức giấc và, nhún mình nhảy vọt lên cái bàn thấp, xô đổ ấm trà. Nó rơi xuống đất lăn đến dưới chân tôi, vung vãi hết nước ở trong. Judith đứng dậy và, quờ quạng, tìm cách túm lấy con mèo, nó chạy thoát đi, kêo meo meo. Tôi giơ tay ra chộp lấy nó lúc nó chạy qua cạnh tôi, nhưng nó cào tôi và lao về phía đầu bên kia căn phòng. Ở đó, nó kéo tụt xuống mảnh vải dùng để phủ ghế phô tơi đặt gần cửa sổ và cuộn mình vào trong đó. Judith, la hét với nó, ngồi thụp xuống và ném cho nó một cuộn len nhỏ để nó chơi và ngừng chạy lung tung. Nó thò chân ra từ bên dưới mảnh vải, chụp lấy cuộn len và bắt đầu xâu xé. Judith nói chắc nó đói rồi. Bà đã không cho nó ăn vào buổi sáng, không còn sữa cũng như viên thức ăn. Bà giúp việc khi đi chợ đã quên không mua. Và nó chẳng ăn gì ngoài viên thức ăn. Tên nó chẳng hợp gì với nó cả, Garguantua, bà đặt thế cho vui: nó ăn rất ít, như một ngôi sao điện ảnh cố giữ vóc. Khi còn quan hệ với Antoine, bà có một con mèo khác, trắng muốt, tên là Snow, nó thì ngược lại, rất phàm ăn. Nó rất thích ăn gan gà gan vịt. Antoine mang đồ ăn cho nó mỗi lần tới, ông chơi với nó, dạy nó khiêu vũ, không ngừng kéo nó lại gần và vuốt ve nó. Khi Snow chết, Antoine khó nhọc lắm mới cầm được nước mắt và đã cùng Judith đi đến nhà bà mẹ nuôi để chôn con mèo già trong một góc vườn. Lúc còn nhỏ, ông thường hỏi bố mình có thể nuôi một con mèo không, nhưng Martin Trần luôn luôn cấm ông nuôi thú vật: đối với ông ấy, nuôi thú thì tốn kém và chó mèo thì bẩn, đầy rận. Thế nên Antoine, lần đầu tiên tới nhà Judith, đã rất sung sướng khi thấy có một con mèo nằm ườn trên trường kỷ. Với cuộc sống của ông, ông sẽ chẳng thể nào nuôi một con. Vậy nên, ông sướng như điên vì được chiều chuộng Snow. Những lúc chơi với nó, trông ông có cái vẻ rạng rỡ của một thằng nhóc tận lực vui sướng vì có một người bạn chơi cùng.

Gargantua, như thể uất vì nghe người ta nhắc đến một đồng loại, giương móng vuốt lên cào thẳng vào bìa một quyển tạp chí cũ rơi trên thảm. Judith đeo kính vào nhưng, vẫn không nhìn được rõ hơn, bà hỏi tôi nó đang làm gì thế. Khi tôi bảo cho bà, bà tiến lại gần nó, định giật tờ tạp chí ra, nhưng nó đã nằm đè lên không để cho bà lấy. Bà mắng nó, đập nhẹ lên đầu nó rồi quay trở lại ngồi đối diện với tôi. Bà nói với tôi rằng sau khi chia tay Antoine, bà chưa từng bao giờ nói với ai là từng có chuyện tình giữa họ. Con gái bà biết là vì nó đã rình rập những lần từ miền Nam trở về sống một thời gian ở Le Havre. Và rồi bà đã không có quan hệ đủ lâu với Antoine để mà những người quen của bà có thể biết được mọi chuyện. Bà tự vệ, nói rằng mình đã không tìm cách quyến rũ Sorel bằng mọi giá. Chẳng có gì, bà nói, là bê bối trong cách hành xử của bà. Bà đã không làm hư hỏng một thanh niên trong trắng. Ở bên ông, bà đã được nếm trải một hạnh phúc giản dị trong vòng vài tháng. “Ít nhất, bà nói, trước khi Antoine bắt đầu đâm ra nghi ngờ tôi bớt yêu cậu ấy và không ngừng bắt tôi kể cho nghe về những mối tình thời trẻ cũng như cuộc sống gia đình của tôi. Cậu ấy có năng khiếu tẩm thuốc độc lên những khoảnh khắc đẹp nhất của chúng tôi vì cứ không ngừng nghi ngờ. Thậm chí cậu ấy còn trách tôi thích nghe nhạc hơn là ở cùng cậu ấy một buổi chiều. Hễ tôi mặc một cái váy sang trọng một chút là cậu ấy bảo chẳng phải vì cậu ấy mà tôi ăn mặc đẹp như thế, mà để cho tất tật những người đàn ông ngoài phố sẽ phải ngoái nhìn khi tôi đi qua. Tôi có trả lời với cậu ấy rằng tôi đâu quan tâm gì đến ánh mắt người qua đường, thì cậu ấy vẫn dỗi và đôi khi còn bỏ đi, để mặc tôi lại trên vỉa hè.”

Bà sẽ không nói rằng, từ hơn hai mươi năm nay, bà chỉ sống trong kỷ niệm về Antoine, nhưng câu chuyện của bà với ông là chuyện tình cuối cùng tạo ra cho bà những cảm xúc vẫn còn sống động đến thế vào lúc quá khứ quay trở lại viếng thăm. Giờ đây khi đã rời khỏi Le Havre, mỗi lần nghĩ đến thành phố ấy, bà lại không khỏi nghĩ tới Antoine. Khi đọc những cuốn sách đầu tiên của ông, bà cảm thấy thật hãnh diện vì đã biết ông và yêu ông khi ông còn chưa xuất bản gì, khi bà thậm chí còn chẳng hề biết ông đang viết văn. Bà đã tiếp tục đọc ông suốt hai mươi năm vừa rồi, với một niềm ngưỡng mộ ngày một tăng, và đôi khi bà rất muốn gửi cho ông một bức thư nói rằng những cuốn tiểu thuyết của ông làm bà xúc động đến thế nào. Nhưng bà đã không làm việc đó, vì sợ tỏ ra ủy mị khi già đi, cũng vì sợ không nhận được lời hồi đáp từ ông hoặc bị hắt hủi. Và rồi bà tự nhủ hẳn là đối với Antoine bà thuộc về một quá khứ xa vời. Ông còn trẻ đến thế khi họ yêu nhau. Nếu không bị choáng váng vì vài sự giống nhau giữa bà và một nhân vật trong một cuốn sách mà ông cho in nhiều năm sau khi họ đã chia tay, thì hẳn bà đã chắc chắn ông quên bà từ lâu rồi. Lần về Le Havre gần đây nhất, hai năm trước, bà nghĩ đã trông thấy ông đứng đợi xe bus gần Tòa Thị chính, nhưng mắt bà kém như vậy nên không thể chắc đó đúng là ông. Dẫu sao, bà cũng thấy tim mình nhói lên, bà do dự không biết có nên bước đến gặp ông, nhưng rồi bà đã quay đi, nghĩ rằng có lẽ ông sẽ không nhận ra bà, giờ đây khi bà đã trở thành một bà già. Tốt hơn hết là cứ để ông nhớ về bà giống như khi họ gặp lại nhau hồi ấy: bà không có vẻ gì của một người năm mươi tuổi, bà vẫn còn quyến rũ và khi bà bước vào đâu đó, ánh mắt đám đàn ông liền ngay lập tức dán chặt lên bà.

Judith lại cười khẽ khi nói những lời ấy, như thể bà xin thứ lỗi vì đã tự tán dương. “Le Havre, bà nói tiếp, không phải là một thành phố quá rộng, thế nhưng, sau khi cắt đứt với Antoine, tôi chưa từng gặp cậu ấy ngoài phố. Tôi không biết người bạn nào của cậu ấy. Mà cậu ấy cũng không có nhiều bạn. Có những người uống rượu cùng cậu ấy vào những tối cậu ấy có tiền để đến quán bar say xỉn. Nhưng những người ấy gần như chẳng hề biết gì về cậu ấy, không cả biết là cậu ấy viết văn, lại càng không biết cậu ấy có một người tình từng là cô giáo dạy nhạc của cậu ấy. Theo tôi, điều mà cậu ấy thích nhất là được ngồi cùng với những người uống cho say nhưng không nói quá nhiều, những người mà cậu ấy chẳng biết gì - họ sống ở đâu, họ làm nghề gì, họ có vợ con hay không. Rượu khiến họ xích lại gần nhau. Cậu ấy ngồi cùng họ một buổi tối, nhưng sang đến hôm sau thì chẳng còn nhớ đến cả tên của họ nữa. Cậu ấy gần như không nói gì với tôi về gia đình cậu ấy, bố mẹ cậu ấy. Tôi rất ngờ là cậu ấy bất hòa với bố, nếu không thì chắc hẳn cậu ấy đã chẳng rời khỏi nhà sớm đến thế. Tôi hình dung bố cậu ấy là một người rất cứng rắn. Sau này tôi chỉ việc đọc những cuốn sách của cậu ấy là đoán được ở tuổi mười lăm chắc cậu ấy đã sẵn sàng cho đi mọi thứ mình có để được là một đứa trẻ mồ côi. Về phần mẹ cậu ấy, tôi chỉ nhìn thoáng thấy một lần từ xa, như tôi đã kể, nhưng có vẻ như bà ấy là người rất lu mờ, bà ấy thuộc loại phụ nữ không dám thu hút sự chú ý về phía mình và nói chung chẳng làm gì khác ngoài chịu đựng. Antoine không kể gì nhiều về bà ấy, chỉ nói là bà ấy đã không có một cuộc sống dễ dàng và bà ấy rất sợ mọi thứ, đến nỗi chỉ nhất nhất chui vào trong vòng bảo vệ của chồng. Bà ấy e ngại sự đánh giá của người khác và lên cơn rồ dại những khi nào một đứa con trai làm điều gì đó khiến bà ấy nghĩ là đi ngược lại những thứ mà đám người quyền lực đã dựng ra. Từ quan điểm này, bà ấy và tôi là đối cực của nhau. Tôi chưa từng bao giờ bận tâm đến sự đánh giá của người xung quanh, lúc nào tôi cũng bị thu hút về phía những ai phá phách, tôi điếc tịt trước những rao giảng về điều gì là thích hợp điều gì thì không. Không phải tuổi trẻ của Antoine đã quyến rũ tôi đâu, mà là cái phần nổi loạn ở bên trong cậu ấy, trước mọi thứ thành trì. Mới hăm hai tuổi, cậu ấy đã nhắc đi nhắc lại với tôi rằng cách sống duy nhất không đê tiện là sống không theo đám đông. Cậu ấy trả giá đắt cho con đường độc đạo của cậu ấy, nhưng cậu ấy đã không làm ngược lại lời hứa của riêng cậu ấy, là sẽ không giống những kẻ, như bố mẹ cậu ấy, hết lòng kính trọng trật tự có sẵn. Nhưng thế đấy, rốt cuộc, trật tự đó đã quật ngã cậu ấy. Còn lại những cuốn sách của cậu ấy, đó là những tiếng thét quật khởi. Chúng không thực sự được lắng nghe khi cậu ấy còn sống. Chúng có được lắng nghe không giờ đây khi cậu ấy đã tự sát rồi?”

Judith đặt câu hỏi ấy như thể tôi không có mặt ở đó và bà chỉ nói một mình. Mắt bà ươn ướt và có vẻ hết sức cảm động. Rồi, sau khi ngồi một lúc lâu trong im lìm, dường như đột nhiên bà nhớ ra là tôi đang ngồi trước mặt bà, đang ghi âm những lời bà nói. Bằng một cử chỉ kiên quyết, bà dùng một cái khăn mùi soa rút từ túi áo gi lê lau mắt, ngồi thẳng dậy trên ghế và nở với tôi một nụ cười rụt rè. “Hai mươi năm, bà nói, đã trôi qua kể từ khi tôi không có tin tức gì về Antoine, nhưng tôi có cảm giác câu chuyện của chúng tôi mới xảy ra ngày hôm qua thôi. Trong suốt hai mươi năm đó, tôi thường xuyên nghĩ đến cậu ấy, tôi vẫn thường xuyên tự hỏi cậu ấy có nhớ là mình từng yêu tôi theo một cái lối kỳ cục như vậy hay không, thật là bạo chúa, không ngừng đòi hỏi từ tôi các bằng chứng cho tình yêu. Mỗi lần nghĩ đến cậu ấy, tôi lại không thể quên một đêm, vào đoạn cuối câu chuyện giữa chúng tôi. Tỉnh dậy sau một cơn ác mộng, tôi gọi điện thoại cho Antoine. Vì cậu ấy không trả lời, tôi đã đến nhà cậu ấy và phát hiện cậu ấy đang gần như bất tỉnh. Cậu ấy đã uống thuốc ngủ và cắt hai cổ tay. Liều thuốc không gây chết người và các vết thương ở tay không sâu lắm, cậu ấy chỉ phải nằm viện một thời gian ngắn nhưng tôi thì sợ khủng khiếp. Tôi tự trách mình đã để cho mối quan hệ giữa chúng tôi trở nên thật tồi tệ chỉ sau vài tháng. Thêm một lần nữa, hãy nhớ là cậu ấy còn rất trẻ. Và tôi là người phụ nữ đầu tiên cậu ấy có một điều gì đó nghiêm túc. Nếu tôi bằng tuổi cậu ấy, hẳn chuyện đã rất khác. Chắc cậu ấy sẽ không phải lúc nào cũng phải tự dằn vặt về quá khứ của tôi, chắc cậu ấy sẽ không đau khổ vì đã gặp lại tôi vào cái lúc chắc chắn tôi không còn sẵn sàng như hồi mới hai mươi tuổi để thuộc về cậu ấy một cách trọn vẹn. Mạng sống của cậu ấy không thực sự gặp nguy hiểm vào buổi tối khi tôi tìm thấy cậu ấy gần như mê man. Hành động của cậu ấy nghiêng về ý nghĩa một lời kêu cứu, một cách thức để thu hút sự chú ý của tôi. Nhưng nó lại tạo ra hiệu ứng trái ngược: tôi nghĩ, trong lúc cậu ấy nằm viện, rằng mình không làm được gì tốt đẹp cho cậu ấy và cậu ấy đúng khi trách tôi đã không hết mình giống như cậu ấy. Lẽ ra tôi phải thấy thật dị hợm khi ở tuổi năm mươi lại đi yêu một chàng trai mới hăm hai đến mức cư xử như một diva về già ngày ngày hào nhoáng đóng những cảnh tình ái say mê. Sau đêm hôm đó, tôi định làm cậu ấy hiểu rằng đã quá muộn để cậu ấy và tôi có thể trải qua một điều gì đó không phải một câu chuyện tình ngắn ngủi. Nó càng đẹp hơn vì ngắn như vậy. Cậu ấy sẽ gặp những người phụ nữ không già như tôi, cậu ấy sẽ yêu họ như yêu lần đầu. Cậu ấy bất hạnh khủng khiếp khi cảm thấy tôi muốn ngừng mọi chuyện. Tôi không thể nói với cậu ấy rằng tôi bị chết ngạt vì sự ghen tuông của cậu ấy, và tôi chỉ còn độc một ham muốn: được một mình, không còn phải báo cáo cho cậu ấy nữa…”

Cho đến tận bây giờ, Judith nhắc lại với tôi, bà vẫn chưa bao giờ hé lộ với ai những gì bà từng cảm thấy, mỗi ngày trong những tháng Antoine và bà đã thề với nhau là sẽ nâng niu giữ gìn, dẫu cho có chuyện gì xảy đến, kỷ niệm về những gì họ cùng trải qua. Bà tin mình sẽ giữ bí mật mãi mãi và ngạc nhiên vì đã có thể nói với tôi một cách dễ dàng đến vậy. Có lẽ, bà nói, là vì bà đã gặp một cú sốc lớn khi biết tin Antoine tự sát và bà muốn đóng góp, dẫu cho điều này có nhỏ bé đến đâu, vào việc duy trì ký ức về ông. Bà không biết tôi, bà nói, nhưng bà có trực giác tôi sẽ làm được công việc tốt, cuốn sách của tôi sẽ làm Sorel được tái sinh. Bà không muốn tôi miêu tả ông như một con người đáng thương, đã chiến đấu chống lại thế giới và đã thua cuộc, hoặc như một người bị cái chết đánh dấu, chẳng có lựa chọn nào khác ngoài tự kết thúc trong khi còn đủ trẻ. Bà cũng hy vọng rằng, trong số những người mà tôi từng gặp, không ai tự cho mình là thẩm phán để xét đoán Sorel rồi kết luận rằng, vì cả đời mình ông chỉ quan tâm đến “dân chuyên nghiệp phủ nhận”, những người ở bên lề văn chương mọi thời đại, bị đẩy về phía cửa ra, ông chỉ còn mỗi một việc là tự xóa bỏ mình đi. Những năm vừa qua, khi đọc một cuốn tiểu thuyết của ông, bà hình dung ra ông lúc nào cũng một thân một mình, ngày càng thêm cô độc khi tuổi tác chất lên, và bà tự hỏi làm thế nào ông sống được trong nỗi cô độc giá băng ấy. Điều khủng khiếp nhất không phải là túng thiếu, mà là cảm giác mỗi ngày lại lớn thêm một chút cái hố ngăn cách ông với những người khác, sự chắc chắn rằng ông giống như một con thuyền mảnh sắp lao vào các tảng đá rồi vỡ vụn. Phải, khi hình dung ông như vậy, chẳng có ai chăm lo, bà cảm thấy một nỗi hãi hùng lớn lao, bà tự nhủ phải viết thư cho ông, gặp lại ông, mang đến cho ông một chút tình bạn của bà, giờ đây khi bà đã trở thành còn hơn là một bà già. Một lần, ngay trước ngày sinh nhật tuổi sáu mươi lăm, bà đã viết nháp một bức thư định gửi cho ông, bà nói với ông rằng mắt bà kém đến nỗi không đọc được nhiều sách nữa, chỉ còn đọc sách của ông thôi - thậm chí bà còn thường xuyên đọc lại chúng. Bà thấy chúng có một chiều sâu triết học lớn lao, buộc bà phải suy nghĩ. Chứng bi quan Sorel chưa từng bao giờ khiến bà mất tinh thần, ngược lại là khác. Bà gần như luôn luôn đồng ý với ông, mà bà thì vốn không có xu hướng tán thành mà chưa kiểm tra mọi thứ gì mà bà đọc. Bà cũng muốn rằng, trong cuốn sách của tôi, Sorel sẽ không hiện ra như một người thua cuộc, bị dồn tới chỗ phải tự sát. Khi tự giết mình, bà nhấn mạnh, ông đã tuân theo một quyết định được đưa ra với đầy đủ sự sáng suốt chứ không phải theo một xung năng chết chóc, bùng phát và đột nhiên. Giờ đây việc của tôi là hỏi những người thân cận của ông sao cho họ không bóp méo sự thật và không vẽ cho ông một hình ảnh sai lạc. Người chết, Judith nói, lúc nào cũng hoặc được đặt lên quá cao hoặc bị vẽ lại theo cách thức lừa dối. Tôi phải lo sao để không bị rơi vào cái bẫy của sự ngưỡng vọng, nó khiến cho tôi sẽ chỉ giữ lại những gì vinh danh nhân vật chính của tôi mà thôi.

Lời khuyên đã được tiếp nhận một cách hoàn hảo, nhất là khi sau khi đã viết mấy chương đầu cuốn sách, còn xa tôi mới có thể tuyên bố là mình đã thắng lợi. Tôi bắt đầu thấy nghi ngờ việc mình có thể vẽ được một bức chân dung bao gồm mọi sắc thái của Sorel. Công việc của tôi, tôi ý thức rất rõ, sẽ đòi hỏi tôi phải chịu thương chịu khó rất nhiều. Chừng nào cuộc tìm hiểu đã xong xuôi, tôi sẽ còn phải bỏ ra hàng tháng làm việc cật lực thì mới có thể chắc chắn được là mình đang đi đúng đường. Tôi đã quá háo hức khởi đầu cuốn sách trong khi dự định vẫn còn quá mù mờ. Tôi công nhận cái xu hướng lúc nào cũng vội vã ở tôi. Sẽ không tệ, tôi tự nhủ, nếu noi gương Sorel, người, tôi chắc chắn, nuôi rất lâu các suy nghĩ của mình và chỉ chuyển sang bước hiện thực hóa khi chúng đã hiện ra với ông sắc nét hết sức. Ngay khi còn trẻ, chắc ông đã không lao vào một việc gì theo đường lối thiếu suy nghĩ. Và càng thu thập được nhiều thông tin liên quan đến ông hơn, tôi lại càng coi ông giống như một người anh, người đã để lại cho tôi một điều bí mật cần khám phá, vì tôi chắc chắn rằng bằng cách tiến hành các tìm kiếm tôi sẽ biết được nhiều điều về bản thân tôi và về việc sáng tạo nghĩa là gì. Tôi chưa từng bao giờ là một sinh viên say sưa các lý thuyết văn học và áp dụng các mô hình đọc cho mọi cuốn tiểu thuyết mà tôi đọc phải. Cuốn sách của tôi, tôi tự nhủ, sẽ giúp tôi vượt qua một cột mốc trong cuộc đời. Từ nhiều tháng nay, tôi chỉ còn sống thông qua Sorel, tức là thông qua một người chết, và tôi cảm thấy bằng việc thu nhặt những ấn tượng ông đã để lại nơi những người còn sống, tôi tự mở mình ra với thế giới, tôi, cái kẻ tình nhân chịu tổn thương trong niềm tự ái, lẽ ra đã có xu hướng tự khép kín mình lại. Ludivine có ở đó để nhắc tôi nhớ là tôi đã phải gánh chịu một thất bại đường tình ái, nhưng ít có nỗi đau lòng nào mà thời gian không chữa lành được lắm. Có lẽ, nếu đã không bị, như tôi vẫn thích nói, “phản bội”, hẳn là tôi vẫn còn suốt ngày nhí nhách viết những bài báo tràn ngập một niềm hào hứng tươi trẻ và xét về lâu dài gây bực mình rất nhiều, bởi vì chắc chắn là chúng tạo ra tiếng vọng ngay tức thì, nhưng xét cho cùng cũng chỉ là những thứ đọng trên bọt ngày, và trong mắt tôi chẳng có chút tầm vóc đích thực nào hết.

Chuẩn bị sự vinh danh Sorel này cũng đồng nghĩa, mà không tôn thờ ông quá mức, với việc bước ra khỏi bản thân tôi để đi theo vết chân một người đối nghịch. Tôi rất biết ơn ông vì những cuốn sách ông từng viết và càng đọc chúng, tôi càng thêm được củng cố trong niềm tin rằng tôi không đi sai đường với việc dành cho ông dăm ba năm đời mình. Sau khi chia tay với Ludivine, thay vì nằm trong góc mà hờn dỗi như một kẻ cảm thấy mình vô nghĩa khi cuộc đời tình cảm chỉ còn là sa mạc, tôi đã lên đường đi tìm Sorel. Tôi thề với mình là sẽ không buông dự định, dẫu cho, sau khi đã vấp phải biết bao nhiêu khó nhọc, rốt cuộc tôi đã xóa đi trên màn hình máy tính những đoạn mà tôi đã mất nhiều tiếng đồng hồ hì hục gõ. Tôi không chỉ biết ơn Sorel vì đã viết những gì ông đã viết, tôi còn nợ ông vì đã gặp một người phụ nữ hấp dẫn như Judith. Tôi không biết bà có nhận ra là tôi thấy bà hấp dẫn hay không, bà không còn nhiều điều để kể cho tôi nghe nữa về Sorel, bà sẽ gọi điện thoại cho tôi, bà nói, nếu bà nhớ ra các chi tiết mà bà nghĩ là quan trọng cho cuốn sách của tôi. Bà hy vọng đã giúp được tôi một chút ít, tôi có thể viết rõ tên bà, tôi có thể chép lại tất tật lời bà, dẫu cho những gì bà nói với tôi không mấy làm đẹp hình ảnh Sorel. Bà cũng sẽ không nổi giận nếu trong cuốn sách của mình tôi không nói về bà với thật nhiều hảo ý, bà đã cảm thấy hết sức sung sướng vì thuộc vào số những người tôi hỏi chuyện và bằng cách đó mà đóng góp cho sự vinh danh Sorel của tôi. Bà sẽ đọc nó thật say mê chừng nào nó được xuất bản, và bà không nghi ngờ chuyện nó sẽ sớm được xuất bản, vì với nhịp điệu tiến lên của tôi, chắc hẳn nó sẽ được viết xong trong vòng chưa đầy một năm. Tôi không muốn làm bà bị thất vọng nếu nói rằng tôi đã rất khó nhọc để bắt đầu nó. Hẳn dẫu có thế nào thì bà cũng sẽ chẳng tin lời tôi, vì dường như bà rất tin tưởng vào tài năng nhà văn tập sự của tôi.

Trời đã tối từ lâu ở Étretat, Judith mới chỉ bật một ngọn đèn nhỏ chiếu ra một làn ánh sáng nóng trong căn phòng. Gargantua, sau khi chạy hết góc phòng này đến góc phòng khác, đã đến nằm cuộn tròn dưới chân tôi. Tôi chỉ còn mỗi một việc để làm là ra về, và chẳng phải là không nuối tiếc khi tôi chuẩn bị nói lời từ biệt với bà già vận đồ trắng mà rồi đây tôi sẽ còn nhớ rất lâu dáng hình thanh mảnh, cặp mắt xanh lơ và giọng nói hơi có chút lảnh lót. Judith thì thầm vài lời mà tôi không nghe rõ. Bà đứng dậy, lại gần con mèo, túm lấy cổ nó và hôn lên mõm nó. Điện thoại lại bắt đầu đổ chuông, nhưng bà không nhấc máy. Chắc là gọi nhầm số thôi, bà nói, bà chẳng đợi cuộc gọi nào hết. Từ vài hôm nay, bà hay nhận được những cú điện thoại từ những người tìm một ông Debussy nào đó, bà nghĩ đó là một trò đùa của những người hàng xóm, bởi vì lần đầu tiên trả lời thì bà đang nghe La Mer… Trong khi tôi cất máy ghi âm, quyển sổ ghi chép và bút, bà đi ra góc bên kia căn phòng và rút từ ngăn kéo cái bàn ra một bức thư và chìa nó cho tôi. Đây, bà nói, là một trong những bức thư cuối cùng mà Sorel viết cho bà. Bà tặng nó cho tôi. Sorel và bà từng có thói quen viết cho nhau những bức thư rất dài. Ngay cả khi họ mới gặp nhau vào buổi sáng, tối đến họ vẫn viết thư cho nhau. Bức mà bà đưa cho tôi rất lạ, trong đó Sorel nói mình muốn chừng nào chết người ta sẽ để vào trong quan tài những bức thư mà ông gửi cho cho bà. Là ai nhỉ, Judith hỏi tôi, cái nhà thơ mà ý nguyện cuối cùng là được chôn với những bức thư của người yêu? Có lẽ bà còn chưa nói đủ với tôi ở mức độ nào trong ký ức bà hiển hiện tất tật những khoảnh khắc, dẫu là đẹp hay buồn, của cái năm bà trải qua cùng Antoine. Bà rất nóng lòng được đọc tôi, không chỉ vì bà còn nhiều điều muốn biết về Sorel, mà còn vì bà chắc chắn rằng tôi sẽ biết cách nhắc bằng những từ chuẩn tới con người từng quan trọng đến thế đối với bà. Tôi không dám thú nhận đang nghiêm túc nghi ngờ tài năng văn chương của mình và hoàn toàn không chắc chắn là có thể viết nổi cuốn sách đang ở trong đầu, dẫu cho có cố gắng không ngừng nghỉ suốt nhiều tháng ròng. Dẫu thế tôi tự hứa là sẽ không bước lùi, vì vài người mà tôi đã hỏi chuyện, ngoại trừ bố của Sorel, đều chờ đợi tôi không buông xuôi. Nhất là Judith tỏ ra rất sốt ruột được khám phá những gì tôi sẽ làm từ những lời chứng thu nhặt được. Ánh mắt bà sáng lên khi mà, trong lúc bắt tay tôi, bà mỉm cười nói với tôi rằng bà sẽ rình đợi cuốn sách của tôi xuất bản.

Tôi vuốt lên người con mèo Gargantua, nó cọ cọ vào chân tôi, như muốn giữ tôi ở lại. Chỉ còn mỗi một việc là đi khỏi đây. Ở Étretat tôi đã chỉ nhìn thấy căn hộ của một bà già gần như bị mù, người, một phần tư thế kỷ sau, vẫn không quên điều gì từ cuộc phiêu lưu tình cảm của mình với Sorel trong vòng một năm. Trước khi tôi đi bà nhất định tặng cho tôi một cái đĩa Muzio Clementi, nhà soạn nhạc mà tôi chỉ biết là đã không được hưởng ân sủng trong mắt Mozart. Tôi lên xe, rời khỏi thành phố mà thậm chí còn không đi một vòng ven bờ biển. Trời bắt đầu đổ mưa như trút vào quãng mười một giờ đêm, lúc tôi vừa lên đến đường xa lộ. Tôi bật đĩa nhạc Clementi lên và trong âm thanh những bản xô nát ấy, tôi lái xe về Paris.



(HLV dịch)




Sức mạnh của sự vắng
Marina Tsvetaieva
Linda Lê, năm nay (2016)
Par ailleurs (exils)
Lame de fond
Linda Lê, năm nay (2012)
Trò chuyện với Linda Lê
À l'enfant que je n'aurai pas
Dịch giả Nguyễn Khánh Long
Viết văn và mặc cảm Caliban
In memoriam
Cronos
Au fond de l'Inconnu pour trouver du nouveau
"Pour saluer Cioran"
Lại chơi với lửa

15 comments:

  1. mà chỉ là, mà chỉ là...

    ReplyDelete
  2. Thế cuốn Lame de fond thì sao hả chú?

    ReplyDelete
  3. hồi trước thấy bác có đăng tiểu luận, vậy sắp tới liệu có ra không nhỉ

    ReplyDelete
  4. tức là trong năm nay sẽ có hai bản dịch tiểu thuyết của Linda Lê in tại đây: "Sóng ngầm" và "Chìm xuống", đã quyết định thế rồi

    ReplyDelete
  5. Sau TBL sẽ là HLV? nếu đúng vậy thì đâu cần phải xin phép ta?!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nghe the Beatles nhiều vào nhé con giời. Thế này này: I am he as you are he as you are me and we are all together...

      Delete
  6. mọi sự đoán mò, được thúc đẩy bởi dục vọng trưng bày trí tuệ, đều có một phẩm hạnh đáng quý: là bằng chứng cho sự thiếu mọi năng lực suy nghĩ

    ReplyDelete
  7. Tuyệt quá Cao Nhị ơi

    ReplyDelete
  8. "những cuốn sách không nhân nhượng" và một cuộc tình không nhân nhượng chẳng phải đã là Con Người Qúa Con Người hay sao!
    có những lối văn chương đi lại trong phố xá hàng ngày, như lối mà bà Judith từng vẫn đi. cái đó vô hình, như âm nhạc, và chỉ có một tai hại là nó xui sinh ra rất nhiều nhà thơ dở ẹc.
    cũng từng nghe một người hay nhắc đến "những thiên tài không được biết đến" (thế là biết đến rồi còn gì.) sau thì hiểu là họ, bọn họ í, chính là món mồi cho các thiên tài được biết đến thật.

    ReplyDelete
  9. sao bị bối rối quá, cứ như khi cầm bản đồ các tuyến metro ở paris í,

    chắc từ đây (bỏ các bước xanh dương) là bước 1, để đi tiếp bước 2: "phân tích: nhà văn yêu như thế nào"?

    ReplyDelete
  10. "Từ nhiều tháng nay, tôi chỉ còn sống thông qua Sorel, tức là thông qua một người chết"
    Giống Michelet uống máu đen của người chết nhỉ (c.f. RB)
    Nhưng có thể sống mà không "thông qua" bất kì cái gì không?

    ReplyDelete
  11. Cuộc nói chuyện này có nhịp rất đều bởi những ngắt quãng (không ít vai trò của con mèo), cứ như thể sau mỗi ngắt quãng, bà Judith lại được chuyển đến một tầng cầu khác. Một đoạn rất ngắn mà nhiều chi tiết xuất hiện lại (gần như không ra khỏi nhà, bánh madeleine, bà không có vẻ gì của một người năm mươi tuổi, từ chuẩn,...). Xuất hiện lại nhưng không phải là lặp lại. Mối quan hệ giữa chi tiết và tầng cầu ở đây dường như tương đồng với mối quan hệ giữa nhân vật và các "truyện" trong Sử Ký.

    ReplyDelete
  12. "Ông có cái dáng vẻ nghi ngại của người nghĩ rằng, giống như những người của một số bộ tộc, nếu bị chụp ảnh thì linh hồn sẽ bay đi mất."
    Lou Andreas-Salomé cũng nói điều tương tự về Paul Rée. Và Rée chắc cũng không phải là người duy nhất.

    ReplyDelete