Franz Kafka giữa những người cùng thời thì như thế nào? Câu chuyện đặc biệt phong phú. Châu Âu đầu thế kỷ 20, không chỉ Tây Âu mà cả về phía Đông, có rất nhiều xao động lớn. George Steiner khi bàn về "văn hóa" đã ngay lập tức nhắc đến "mùa hè tuyệt đẹp năm 1914", tức là ngay trước thời điểm xảy ra vụ việc khiến ngay sau đó nước Đức tuyên chiến với nước Nga và Thế chiến thứ nhất bùng nổ.
Tôi thấy là tôi rất may mắn khi được nghe nói đến cuốn sách dưới đây, của Walter Mehring:
(tên gốc tiếng Đức: Die Verlorene Bibliothek, nhan đề bản dịch tiếng Anh: The Lost Library)
Nhiều khi, ta rất cần được ai đó nói cho, có một cuốn sách như thế này, như thế này. Và ta kinh ngạc khi biết rằng có một cuốn sách như thế có tồn tại, rồi khi đọc nó rồi, ta hoàn toàn hiểu là nhất thiết phải đọc nó.
Thư viện bị mất không phải là một cuốn sách lớn. Mehring có một sự viết rất nhiều khi "lâche", rất hay bị chệch đi đâu đó. Nhưng dường như, vậy lại rất phù hợp với câu chuyện mà nó chứa đựng. Vả lại, mãi về sau này, khi đã sang Mỹ và viết cuốn sách, Walter Mehring vẫn không thực sự hồi lại nổi. Có những điều khiến ta vĩnh viễn không bao giờ hồi lại được, nhất là về mặt tinh thần.
Mehring là một trong các nhân vật Dada của Đức. Mới gần đây ta đã nhắc đến André Breton, một người cũng sinh năm 1896 giống như Mehring, và cả hai, ở độ tuổi hai mươi, đều bị Dada và Tristan Tzara lôi cuốn. Phong trào Dada chuyển dần từ Đông sang Tây: Mehring thuộc vào số những người trẻ tuổi tại Berlin hưởng ứng Dada. Cũng ở nước Đức, cùng thời điểm gần đến năm 1920, nhưng tại Köhn, một nhánh khác của Dada cũng xuất hiện, với vai trò chủ chốt của Max Ernst, rồi Hans Arp. Tác phẩm của Ernst sẽ mau chóng được triển lãm tại Paris. Cùng lúc đó, các nhà thơ Pháp trẻ tuổi đã được "chuẩn bị đầy đủ về mặt tinh thần", với sự trợ sức lớn lao của Lautréamont. Cơn sóng Dada chạy từ Đông sang Tây một cách mãnh liệt. Trong thư gửi Simone Kahn như đã thấy ở đường link trên đây, Breton không ngừng nhắc đến Dada, Tristan Tzara hay Ernst - tuy rằng, đến năm 1920 thì Breton đã bắt đầu tách khỏi vòng Dada, và câu chuyện surréalisme chuẩn bị thực sự bắt đầu.
Mehring là con trai của một nhà báo ở Berlin, một người đặc biệt thích đọc và có một thư viện rất lớn, gồm nhiều nghìn quyển sách. Mehring đúng nghĩa là một người cái gì cũng đọc, được truyền cảm hứng từ ông bố.
Ông bố của Mehring qua đời ngay trong thư viện, chỉ kịp nói với Mehring, "Đỡ lấy bố". Một cái chết đột xuất khiến Mehring được thừa hưởng toàn bộ thư viện.
Điều đáng kinh ngạc là người khách cuối cùng đến thăm bố của Mehring trước khi ông qua đời là Ernst Toller, một nhân vật rất đặc biệt - ta sẽ sớm đến với Toller. Mehring mau chóng phải rời khỏi Berlin khi nhân vật A. H. bắt đầu lên nắm quyền. Như là một phép mầu, nhờ sự giúp đỡ của vài người, thư viện quý giá được gửi tàu hỏa từ Berlin sang Viên, là nơi Mehring đến trú ngụ trong cuộc lưu đày. Đoạn miêu tả sự đón nhận lại thư viện thuộc vào những gì gây cảm động nhiều nhất của cuốn sách.
Nhưng cuộc lưu đày của Mehring (cũng như nhiều người ở thời kỳ ấy) còn kéo dài. Năm 1938, Anschluss xảy ra, quân nazi đến nắm quyền ở Áo, và từ xa, Mehring biết tin thư viện từng được giải thoát một lần đã rơi vào tay đám người áo nâu. Giai đoạn ấy, không chỉ những con người mới trốn chạy liên miên, mà những quyển sách cũng thế, trong đó không ít không thoát được cái có thể gọi là "trại tập trung" dành riêng cho sách.
Cuốn sách của Walter Mehring thuật lại câu chuyện mà trong suốt nhiều năm dường như Mehring thấy mình không đủ sức để kể lại; cuốn sách có phụ đề "Tự thuật của một nền văn hóa". Và cuốn sách cũng nhắc đến Kafka; đó là khi Mehring sang Praha, gặp ở đây một số nhân vật, trong đó có Ernst Weiss, và Mehring viết:
"Một văn nhân bạn tôi, dẫn tôi đi xem các thắng cảnh kiến trúc và văn chương của thành phố, vẻ quá mức lịch thiệp cúi chào, trước bức tượng thánh Nepomuk cụt đầu dựng trên Karlsbrücke, một người bộ hành mà tôi có cảm tưởng giống như một người mộng du gầy khủng khiếp; người kia chào lại anh ta, như thể đã ở rìa một thế giới khác.
"Đó là, sau đó người bạn tôi nói với tôi, chia động từ ở quá khứ, đó là Kafka.""
Chắc là tôi có thể viết cả một cuốn sách chỉ gồm toàn những trích dẫn kiểu như thế này, và chỉ liên quan đến một mình Kafka. Một ví dụ khác, lấy từ (một trong những) hồi ký của Isaac Bashevis Singer (đây là khi Singer vẫn còn ở Warszawa):
"Một trong số những nhân vật mà người ta hay gặp ở đó nhất [Câu lạc bộ Nhà văn tại Warszawa] là một diễn viên tên Jacques Lévi, từng đóng nhiều vai phụ trong một đoàn kịch tại Praha năm 1911, nơi anh ta đã có một tình bạn thân thiết với Franz Kafka. Anh ta nhắc rất nhiều đến cái người tên là Kafka đó, mà tôi hoàn toàn không hay biết. Jacques Lévi luôn luôn có túi áo nhét đầy những bức thư ố vàng mà Kafka từng gửi cho anh ta.
Tôi hỏi anh ta: "Thế cái ông Kafka đó là ai." Anh ta giơ ngón tay trỏ lên đáp lời tôi: "Rồi một ngày, ông ấy sẽ nổi tiếng toàn thế giới.""
Tạm bỏ qua Walter Mehring và cuốn sách rất đặc biệt về một cái thư viện: những ngày ở Praha, Mehring hay gặp một nhà văn khác hơn: Ernst Weiss.
Weiss là một bác sĩ. Theo Mehring (cuốn sách về thư viện của Mehring thật ra lại chứa đựng những thông tin rất hiếm hoi về cuộc đời Weiss), Weiss trở thành nhà văn sau khi phẫu thuật tử thi một cô gái, trong lúc viết báo cáo y khoa thì nhận ra thiên hướng văn chương của mình.
Ernst Weiss là một người bạn của Kafka: ta còn nhớ, năm 1912, Kafka có một cuộc gặp rất có thể là định mệnh trong cuộc đời, gặp Felice Bauer tại nhà Max Brod. Tiếp theo đó là mấy năm sóng gió. Với Felice Bauer, Kafka đính hôn hai lần (xem thêm ở kia) nhưng họ không lấy nhau. Đến một thời điểm, quan hệ giữa Kafka và Felice trở nên rất căng thẳng, Kafka gần như bị "triệu tập" sang Berlin để gặp Felice Bauer cùng vài người nữa. Đó là một dạng phiên tòa. Cũng xuất hiện trong "phiên tòa" ấy, gần như với tư cách trạng sư, chính là Ernst Weiss, người bạn mà Kafka nhờ cho việc này.
Nhưng sau đó, chắc hẳn mối quan hệ giữa Kafka và Weiss không còn thân thiết như trước. Trong các bức thư gửi cho Milena năm 1920, Kafka có nhắc đến Weiss nhưng chỉ để nói rằng Weiss đang gặp khó khăn nên bạn bè quyên góp tiền để ủng hộ.
Ernst Weiss, cũng như Walter Mehring, sẽ phải chạy trốn quân nazi ròng rã nhiều năm. Weiss sẽ ở Paris, giống như Walter Benjamin. Năm 1940, vừa nghe tin quân Đức tiến vào đây, Weiss tự sát trong phòng khách sạn đang ở, để lại một va li đựng bản thảo.
Không lâu trước khi qua đời, Weiss viết cuốn tiểu thuyết dưới đây, với mục đích xin tiền từ một hiệp hội bảo trợ nghệ thuật. Nhiều năm về sau, cuốn sách mới được xuất bản. Đây là một cuốn tiểu thuyết rất lớn:
Như trên bìa sách cho thấy ngay, cuốn sách của Weiss nói đến A. H. Trong cuốn tiểu thuyết có câu chuyện về viên hạ sĩ quan A. H. bị mắc chứng mù (do hysteria) vào cuối Thế chiến thứ nhất. Theo nhiều lời đồn đại, Weiss từng thực sự được xem hồ sơ bệnh án của A. H. (về sau nó đã biến mất).
Số phận của Ernst Weiss đen đủi cả sau khi Weiss đã qua đời: mãi rồi, năm 1963, tức là gần một phần tư thế kỷ sau khi Weiss đã tự sát, cuốn tiểu thuyết mới được in, nhưng là dưới nhan đề Ich, der Augenzeuge chứ không đúng như tên ban đầu, Der Augenzeuge (tức là "chứng nhân tận mắt"), bởi vì đúng thời điểm ấy, bản dịch tiếng Đức cuốn tiểu thuyết Le Voyeur (của Alain Robbe-Grillet, tất nhiên) được in, trong tiếng Đức nó mang đúng cái tên kia.
Đừng nhầm Ernst Weiss với một Weiss khác, Peter:
Weiss này (Peter Weiss) thì chắc hẳn ở đây không ít người biết.
phải chăng người ta cần bổ sung một cách đánh giá các sự kiện lịch sử: lớn tới đâu tùy vào số và tầm cỡ những nhà văn liên can v lộ diện từ nó.
ReplyDeletenhưng có lẽ sẽ rắc rối: Kafka chẳng hạn đã là một sự kiện xảy ra trước, "Tiền hô."
hai hệ thống lại rất hay không tương thích :p
ReplyDeletemuốn gửi một foto để cảm ơn đã được đọc anh viết, một foto rất đẹp chụp Max Ernst & Leonora Carrington, nhưng ô cmt không intergration file jpg như fb, bực gì đâu á blogspot
ReplyDelete