Như đã nói ở kia, trong câu chuyện của Thơ Mới, Xuân Diệu gây nhiều kích thích nhất, là trường hợp đáng quan tâm nhất, và cũng mang nhiều dấu hiệu triệu chứng của một thời đại hơn cả.
Tôi thường hay tự hỏi, chúng ta đọc thơ như thế nào? Dường như (chắc chắn thì đúng hơn) có rất nhiều điều liên quan đến cái mà ta gọi là "trí tưởng tượng". Nhưng trí tưởng tượng nghĩa là gì?
Từng có một đoạn, chừng như "chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa" khiến người ta chán ngấy đến tận cổ, có cả một trào lưu kêu gọi - ít nhất là hướng mối quan tâm vào - trí tưởng tượng. Dường như, trí tưởng tượng được hiểu là một lối thoát khỏi "nhà tù của hiện thực". Và dường như, phần lớn người ta nghĩ rằng trí tưởng tượng vượt lên trên khỏi "hiện thực", trí tưởng tượng là cái mà ta dùng để thăm dò, khám phá các nơi khác. Ít nhất, dường như không sai khi khẳng định rằng đối với phần lớn, trí tưởng tượng là nơi sản sinh ra hình ảnh.
Điều này thực sự đáng ngờ. Tôi không nghĩ trí tưởng tượng có thể đáng tin hơn cái mà ta gọi là "hiện thực" (gọi là thực tại thì đúng hơn: "chủ nghĩa hiện thực" là một cách gọi gây nhầm lẫn to lớn, và dẫn thẳng vào ngõ cụt không lối thoát; tôi thấy là nên gọi cái đó là "thực tại luận"). Trí tưởng tượng không phải là cái tạo ra hình ảnh, mà lại chính là cái phá hủy hình ảnh. Ta nhận lấy từ trí tưởng tượng những cái gì đó giống như nhận từ cái cây những quả (tự) rơi xuống - phần lớn là đã giập nát.
Trí tưởng tượng không phải khởi đầu của hình ảnh, mà là kết thúc của con đường hình ảnh. Nó giống như một tấm phông, dùng để phóng lên nhiều thứ. Sự phóng chiếu từ những chỗ khác lên tấm phông là điểm cuối của các quá trình. Và cũng giống như nếu chỉ xem hình chiếu lên mặt phẳng (tấm bản đồ thế giới vẽ trên giấy chẳng hạn), đồng thời không rõ các nguyên tắc về "chiếu hình", nếu chỉ căn cứ vào trí tưởng tượng, ta hoàn toàn có thể nhận lấy những gì rất méo mó.
Thơ dường như liên quan rất nhiều đến trí tưởng tượng. Thế cho nên nó dễ méo mó vô cùng.
Mỗi lần nghĩ đến hai câu thơ:
Ô hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi vàng rơi thu mênh mông
(xem thêm ở kia)
tôi lại muốn phì cười. Thật ra, chúng ta đọc thơ như thế nào?
Và nhất là, có thể nào kiểm tra trí tưởng tượng được hay không?
Rõ ràng đây là một việc rất khó, nếu không muốn nói là không thể. Nhưng Bachelard từng thực hiện "công việc" này, và nhận ra Jean-Paul (một nhân vật rất lớn của chủ nghĩa lãng mạn Đức) bị trí tưởng tượng đánh lừa rất nhiều. Dường như, Ezra Pound cũng nghĩ tương tự, về thơ của Shelley. Tức là, xét cho cùng, điều ấy, mặc dù rất khó, dường như vẫn là có thể.
Thơ Bích Khê không có gì đáng nói. Tôi nghĩ người ta hay coi Bích Khê là nhà thơ lớn cũng chỉ vì giống hệt như các trường hợp như Vũ Trọng Phụng, Tản Đà hay Hàn Mạc/Mặc Tử: chỉ vì tiểu sử. Nói đúng hơn, vì tiểu sử của một số nhân vật tạo ra sự xót thương rất lớn, cho nên.
Nhưng Xuân Diệu phức tạp hơn rất nhiều. Tức là, "kiểm tra" trí tưởng tượng của Xuân Diệu là rất khó. Trí tưởng tượng ở Xuân Diệu hoạt động có tốt không? nó có nói cho Xuân Diệu một cách chuẩn xác về sự thật (sự thật "của nó") hay không?
Xuân Diệu gây nghi ngờ cho tôi nhiều lần, chẳng hạn ở câu này: "Thu gồm xa vắng tự muôn đời" (trong bài "Nhị hồ") (mặc dù tôi thấy "Đây mùa thu tới" không có đáng phàn nàn về phương diện ấy, tuy nhiên "Đây mùa thu tới" là một bài thơ tương đối tầm thường - ta chỉ nên đặc biệt quan tâm đến các "pha" đột xuất, chỉ khi đó rất nhiều thứ bình thường bị giấu kín đi mới hiển lộ).
Nhưng bài thơ có câu "Con cò trên ruộng cánh phân vân" mới thực sự đáng nói. Đó là bài "Thơ duyên", và đó cũng là một bài thơ về mùa thu.
-----------
Bài "Thơ duyên" của Xuân Diệu, nhiều thế hệ thầy giáo dạy văn ở trường phổ thông (và chắc hẳn cả ở trường đại học) đã giảng nó; ở đây hẳn nhiều người vẫn còn nhớ người ta hay nói gì về bài thơ ấy.
Thế nhưng, hoàn toàn có thể nói về bài "Thơ duyên" giống hệt như Văn Hạc Lê Văn Hòe từng nói về một bài thơ của Thế Lữ, xem ở kia. Tức là nếu nhìn kỹ (thậm chí cũng không cần kỹ lắm), bài thơ của Xuân Diệu cũng không khác bài thơ của Thế Lữ: nó lảo đảo trong một sự nói năng có thể gọi là rất lung tung.
Câu đầu tiên của khổ cuối cùng: "Ai hay tuy lặng bước thu êm", trong đó ta hãy để ý đến "thu êm". Bài thơ muốn nói đến sự êm dịu của mùa thu.
Thế nhưng, cả bài thơ chẳng có tí chút "êm" nào: toàn các hình ảnh cho thấy là không êm, gió thổi loạn xạ ("gió xiêu xiêu", "lả lả cành hoang", "mây biếc về đâu bay gấp gấp": thậm chí còn phải nói đây là các dấu hiệu cho thấy sắp có một cơn mưa lớn). Nhà thơ gò ép vào sự "duyên", vào "như một cặp vần", tức là - ta có thể nghĩ mà không sợ sai - sự hòa điệu của hai tâm hồn ("Em bước điềm nhiên không vướng chân" etc.)
Rất muốn êm, nhưng rốt cuộc, ta chỉ thấy là dữ.
Chưa hết: rất rõ đây là cuối buổi chiều, và không có gì phải nghi ngờ, đây là cuối một buổi chiều thu đẫm lạnh: "Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần" (đã nói đến lạnh thì ngay lập tức câu "Thu đến nơi nơi động tiếng huyền" ở khổ đầu lộ rõ vẻ vô nghĩa lý: thu mới đến, tức là đầu thu, thế mà lại "lạnh", không hiểu ra làm sao hết cả).
Nhưng gớm ghiếc hơn thế nữa là "mây biếc": chiều mùa thu, lại còn gió thổi loạn xà ngậu, thế mà mây lại biếc?
Ta xem thử "biếc" xuất hiện như thế nào trong một bài thơ của một nhà thơ khác, một tâm hồn rất tinh tế, Hồ Dzếnh:
Sắc biếc giao nhau cành bắt cành
Nước trong hồ ngợp thủy tinh xanh
Đây là bài thơ "Xuân ý": một nhà thơ không bị trí tưởng tượng đánh lừa biết thừa "biếc" (hay xanh, hay lục) không phải màu của mùa thu, mà là gam màu chủ đạo của mùa xuân, hoặc mùa hè ("Thưa hồng rậm lục đã chừng xuân qua").
Nhưng điều khiến tôi quan tâm nhất trong bài thơ của Xuân Diệu chính là hình ảnh "con cò": tại sao lại "Con cò trên ruộng cánh phân vân"?
-----------
Bởi vì đã nhắc đến "trí tưởng tượng" ngay từ đầu, ta rất nên quay trở lại với nó: trong sự vận hành của trí tưởng tượng, chắc hẳn có một thứ hết sức quan trọng: sự liên tưởng.
Rất nhiều khả năng con cò bỗng xuất hiện trong bài thơ của Xuân Diệu ("Con cò trên ruộng cánh phân vân": câu thứ hai của khổ bốn) là bởi vì từ "lả lả" ("Lả lả cành hoang nắng trở chiều": câu thứ hai của khổ hai). Từ "lả" mà có sự liên tưởng "cò lả" (nhân tiện: Nguyên Lê có bài "Cò lả" thực sự là một kiệt tác; bài "Cò lả", ai cũng biết: "Con cò cò bay lả" và đặc biệt "bay từ là từ cửa phủ, bay ra là ra cánh đồng" - tất nhiên, người ta dễ nhớ "tình tính tang là tang tính tình" nhiều hơn, từ bài hát này).
Và tại sao lại có "lả lả"? gần như chắc chắn, đó là vì có "xiêu xiêu" ở ngay trước đó; câu thứ nhất khổ hai bài "Thơ duyên" là "Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu".
Sự "liên tưởng" không chỉ nằm ở hình ảnh, nó còn có thể nằm ở các yếu tố khác; ở đây, ta hoàn toàn có thể nói đến một liên tưởng về thanh điệu, cụ thể hóa bằng những chỗ sử dụng từ láy.
"Từ láy" là một trong các vấn đề của bài "Thơ duyên".
Ta hoàn toàn có thể nghĩ, từ "phân vân" ở cuối câu thơ có con cò, sở dĩ nó xuất hiện là bởi vì câu ngay trước đó đã có một từ láy: "Mây biếc về đâu bay gấp gấp". Ngoài các vấn đề thuộc về "gấp" và "mây biếc" đã nói ở trên, ở đây nảy sinh vấn đề liên quan đến từ láy: chính vì "gấp gấp" nên ngay sau đó, ở câu tiếp theo, ở đúng vị trí, sẽ có "phân vân". Trí tưởng tượng của Xuân Diệu như thể bị lôi kéo theo một số điều.
Thế nhưng, cần phải nói là những lôi kéo ấy quá mức dễ dãi, và nếu nhìn kỹ vào chúng, ta có thể thấy trí tưởng tượng của Xuân Diệu hoạt động lảo đảo như thế nào.
Liên tưởng là một điều hết sức nguy hiểm. Nó dễ dẫn dắt người ta đi vào những ngõ cụt. Liên tưởng thuộc vào một phạm trù rộng hơn, association; và từng có một nhà phê bình từng hết sức nhấn mạnh vào sự kháng cự lại association, từ đó mà có lý thuyết về dissociation; nhà phê bình này là Remy de Gourmont.
-----------
"Người anh em" thân thiết của Xuân Diệu, Huy Cận (cũng trong đường link: đó là thời điểm tôi nhận ra rằng Thơ Mới cần được nhìn nhận khác hẳn, và không hề giống như gần như mọi thứ vẫn được nói xưa nay), không hề mắc vào những cái bẫy tương tự, những cái bẫy do các liên tưởng dễ dãi tạo nên, bẫy của trí tưởng tượng.
Nói một cách khác, chim thiêng không để cho nó bị mắc vào những cái bẫy do sự phàm tạo ra. Thợ săn phàm tục không bắt được phượng hoàng: một câu chuyện của Andersen viết về phượng hoàng, nó đậu trên vai Shakespeare và thì thầm vào tai Shakespeare một từ duy nhất: Immortality.
Xuân Diệu-Huy Cận là một trong ba cặp đặc biệt nhất, và cũng khó nhìn nhận nhất của văn chương Việt Nam thế kỷ 20. Cặp thứ nhất, tất nhiên, Nhất Linh-Khái Hưng (xem thêm ở kia), cặp thứ hai, cũng tất nhiên, Vũ Hoàng Chương-Đinh Hùng (xem thêm ở kia). Ý nghĩa của các cặp nằm ở rất nhiều điều, trong đó có sự che lấp lẫn nhau, hay nói đúng hơn, sự lấn vào nhau. Xếp thì khó, tách lại càng khó hơn, bởi vì làm thế nào để tách hai thứ tuy có thể coi là độc lập với nhau nhưng đã cùng nhau tạo ra một ý nghĩa duy nhất, một ý nghĩa tổng cộng (sự tổng cộng không phải phép cộng đơn giản của hai yếu tố)?
[cũng liên quan đến chim: trong một cuốn tiểu thuyết, một nhân vật của Khái Hưng bỗng nói, vua của vùng nông thôn Việt Nam không phải quan phủ hay lý trưởng, cũng chẳng phải nông dân nốt, mà là lũ chim sẻ; thật ra, Khái Hưng có con mắt nhìn rất tương tự Andersen; một truyền nhân khác của Andersen tại thế giới ngày nay: Patrick Modiano]
Hai câu trong bài thơ "Tràng giang" của Huy Cận:
Nắng xuống trời lên sâu chót vót
Sông dài trời rộng bến cô liêu
Từ "chót vót" ở câu trên rất dễ làm một nhà thơ có trí tưởng tượng quá dễ dãi (hay nói đúng hơn, một lương tri ngôn ngữ quá dễ dãi) tìm một từ láy để đặt vào cuối câu bên dưới. Năng lực thơ ca thể hiện ở những điều như vậy: người ta có thoát được ra khỏi những lừa đảo liên miên của đủ mọi thứ, từ trí tưởng tượng trở đi, hay không, đó là vấn đề.
Đẩy thêm một chút nữa: làm thơ dường như chính là có những vọt lên (từ "sâu" trong bài thơ của Huy Cận, mặc dù như thể đi xuống, nhưng lại chính là một vọt lên, theo chiều thẳng đứng), một cái gì đó rất bất ngờ, như thể con chim bất ngờ đổi hướng làm người thợ săn không thể bắn trúng. Nhà thơ đúng nghĩa là nhà thơ không đùa với trí tưởng tượng, không để cho nó đùa cợt mình.
Phá vỡ vòng vây của các cliché, thoát luôn khỏi lương tri, trông vẫn như thể ở trong vòng nhưng đã bên ngoài: đó là thơ. Bài thơ "Tràng giang", chính ở điểm này, đích xác là "Hoàng hạc lâu", một bài thơ cũng phá vỡ hết mọi quy ước (tức là, ràng buộc của lương tri và trí tưởng tượng): và rất đương nhiên, "Tràng giang" gợi ngay đến "Hoàng hạc lâu" ở cuối bài, "Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà" và "Yên ba giang thượng sử nhân sầu".
Nhưng, vẫn còn một câu hỏi dai dẳng liên quan đến bài thơ của Xuân Diệu: tại sao lại "con cò", tại sao "Con cò trên ruộng cánh phân vân"? (ta nhớ, con chim xuất hiện trong "Tràng giang" của Huy Cận như sau: "Lớp lớp mây cao đùn núi bạc/Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa" - ở đây, thêm một lần nữa, "lớp lớp" ở câu trước đã không làm cho Huy Cận mặc lừa sự dễ dãi bằng cách cũng chọn một từ láy đặt ở đầu câu sau)
-----------
Muốn biết về cò, cần phải hỏi chuyên gia. Ai là chuyên gia về cò? Đó chính là Hans Christian Andersen.
Ta đã thấy con cò như trong câu chuyện ở kia, ta cũng đã thấy trong nhiều câu chuyện khác rất nổi tiếng của Andersen có cò. Một truyện không hẳn được biết nhiều, Câu chuyện về năm, có nội dung như sau: mùa thu rồi mùa đông, mọi thứ lạnh giá và trắng xóa. Trên ngọn đồi có một ông già ngồi, tóc râu trắng, cứ ngồi đó. Ông già rất già, thực sự rất già, như thể tan lẫn vào trong cảnh vật. Đó chính là mùa đông: ông già mùa đông. Rồi có hai con chim bay đến, trên lưng mỗi con có một đứa trẻ, một trai một gái. Hai con chim đậu xuống, hai đứa trẻ từ trên lưng chim nhảy xuống, cúi xuống hôn mặt đất, tới chào ông già. Ông già ở lại thêm một thời gian để dạy dỗ chúng, rồi đi khỏi: hai đứa trẻ con chính là mùa xuân, chúng lớn dần lên, lấy nhau, mùa hè rực rỡ, rồi đến mùa thu, người phụ nữ thấy nhớ nhà, và hai vợ chồng đợi ông già mùa đông quay trở lại để đi. Đó là "câu chuyện về năm".
Hai con chim chở mùa xuân đến là hai con cò đầu tiên quay trở lại sau thời gian đi trú đông.
Cò là một loài chim thiêng: không có gì đáng ngạc nhiên khi chính chúng đảm nhiệm việc đưa trẻ con đến cho các gia đình. Chúng là thiêng, và chúng phụ trách những công việc quan trọng cho sự tồn tại của thế giới.
Ít nhất là như vậy.
Nhưng còn hơn thế nhiều. Cò hay co một chân lên, chỉ đứng bằng một chân, nhất là trong lúc ngủ. Tại sao lại như vậy? Đây là biểu tượng cho một "lời dạy": phải thẳng lưng lên, phải thật thẳng lên, phải thẳng - nhất là tinh thần, vì tinh thần tuyệt đối phải thẳng.
Người Ai Cập cổ đại vẽ hình cò lên các bức tranh thiêng. Người Việt Nam không hề khác, "Cò lả" là bài hát nói lên chuyện con cò bay từ "cửa phủ" ra "cánh đồng": con cò nối các không gian khác nhau. Nó nối sự giàu sang, uy quyền (có thể hiểu "phủ" là nơi cửa quan) với "bên dưới"; nhưng hoàn toàn cũng có thể hiểu "phủ" là "đền", "phủ", và như vậy cò nối không gian thiêng với không gian phàm. Hay nói cách khác, cò là loài vật đi lại được trong chốn thiêng.
Cò có chức phận đối với không gian. Nhìn chuyển động bay của con cò, có thể hình dung những cú gập không gian, đảo chiều thực tại, tức là, trong địa hạt của các chuyển hóa. Các loài chim có ý nghĩa rất lớn đối với không gian: cách bay của đại bàng chẳng hạn, đó là sự mở rộng, một sự mở rộng không khỏi khiến người ta nghĩ đến căn bản của triết học Spinoza. Tất nhiên, đại bàng cũng là loài chim thiêng.
Cái thiêng mà có thể "phân vân" như trong câu thơ của Xuân Diệu? Không gì có thể tầm phào hơn thế được nữa.
"Tiếng nói tri âm", hehe:D
ReplyDeleteVác bài này ra để trả bài Phân tích về Thơ duyên khi ngồi trên ghế nhà trường chắc ối ông nhà giáo phải đau đầu. Về Xuân Diệu cứ nghĩ tới câu: "Từ tôi phút trước sang tôi phút này", lại thấy ông này cũng có những thứ hay ho
ReplyDeleteĐoạn về cò tuyệt quá! Hình như quạ cũng thiêng không kém nhỉ, quạ của Poe, quạ của Odin, quạ ba chân (tam túc ô) cực kỳ quan trọng trong đối với Nhật, Trung, Hàn.
ReplyDeleteCthulhu
quạ thì khó hiểu hơn (đối với con người), hình như đấy là điều Andersen muốn nói, trong rất nhiều truyện
ReplyDeleteMấy cô giáo dạy Văn phải đọc được những bài này của anh để giảng cho học trò, may ra môn Văn trong các trường phổ thông được giải cứu.
ReplyDelete"sâu chót vót": "Anyone whose goal is something higher must expect some day to suffer vertigo. What is vertigo? Fear of falling? Then why do we feel it even when the observation tower comes equipped with a sturdy handrail? No, vertigo is something other than the fear of falling. It is the voice of the emptiness below us which tempts and lures us, it is the desire to fall, against which, terrified, we defend ourselves" (M.K)
ReplyDeleteit's simply freedom
ReplyDelete(syncope etc.)
How Baudelaire describes the creative process (via Walter Benjamin): "a duel in which the artist, just before being beaten, screams in fright."
ReplyDeleteNhị Linh đã kiểm tra trí tưởng tượng của cặp Đinh Hùng-Vũ Hoàng Chương chưa?
ReplyDeleteĐinh Hùng bạn thân nàng tiên nâu nên nhiều lúc nàng dẫn trí tưởng tượng ông ta đi rất xa. Nhị Linh giảng thơ lớn là phải "đúng", tức không rơi vào "bẫy của tưởng tượng". Lý thuyết này của Nhị Linh sẽ được minh chứng nếu giải quyết được mấy cas khó nhằn như Đinh Hùng, người mà Nhị Linh luôn xem là lớn (e là khó hehe). Vũ Hoàng Chương nữa hehe
Deletenhưng Đinh Hùng có tưởng tượng đâu? đấy là phía bên kia của tưởng tượng
ReplyDeletenhìn chung, cứ tưởng là khôn thì sẽ ngu, nhất là hí hửng mà tưởng là khôn
thêm nữa, tôi không bao giờ giảng: có gì để mà giảng đâu
cảm ơn đã chửi, để tôi xem lại hehe (cảm thấy may mắn được Nhị Linh chửi nên tiếp tục hí hửng)
Delete"Câu Trống tràng thành lung lay bóng nguyệt thấy nó thỏa mãn cách nhìn của những người làm công tác khoa học tự nhiên như chúng cháu. Đây là cách nhìn của người có kiến thức khoa vật lý, nhìn mặt trăng một cách tinh tế, nhìn mặt trăng qua một lớp không khí đang bị xô dồn bởi nhiều vòng sóng âm phát tỏa ra từ một nhạc cụ trầm hùng. Thời ấy ta chưa giảng dạy gì lắm về môn học vật lý, nhưng sao đã có những câu thơ nhiều tính khoa học như thế. Câu thơ Chinh phụ đó, nghĩa rộng nghĩa bóng nó rất hay, mà nghĩa đen nghĩa hẹp thì thật là chặt chẽ – chặt chẽ của tính khoa học, khoa học vật lý. Câu thơ cổ mà lại đầy vẻ hiện đại. Thấy các cụ ta xưa cũng tài giỏi thật. Chả bù với bây giờ, thấy có một số câu thơ tả gió nhất là tả mây thì lại bất chấp cả quy luật khí tượng…”. (NT kể)
ReplyDelete