Sep 26, 2017

Mộc thần nữ

Thêm một kiệt tác lớn lao nữa của Andersen: Mộc thần nữ.

Andersen thuộc vào số rất hiếm hoi, nếu không muốn nói Andersen chính là người duy nhất, viết được về cuộc sống của những cái cây. Tại sao lại có thể có hiểu biết ấy? Những câu chuyện đã rất nổi tiếng trong tiếng Việt từ trước đến nay: truyện về cây thông, truyện về cây sồi ("Giấc mơ cuối cùng của cây sồi già"), hay về cây liễu ("Bên gốc liễu" - tuy nhiên, liễu không có "thứ hạng" cao trong thế giới cây). Một bụi cây gai cũng có câu chuyện riêng của nó, một bông cúc trắng cũng thế.

Và cả cuộc sống bên trong cái cây nữa: bên trong cái cây có gì? Câu chuyện "Thiên tinh" mà chắc ai cũng nhớ đã miêu tả điều đó. Mộc thần nữ cũng vậy.

Trong mỗi cái cây có một nữ thần (dryad/dryade), đó là "mộc thần nữ". Mộc thần nữ trong câu chuyện Mộc thần nữ sống trong một cây dẻ, một cây dẻ trẻ trung, ban đầu mọc lên ở vùng nông thôn rồi được chuyển đến Paris.

Andersen và thời đại của mình: Mộc thần nữ là một trong số những tác phẩm cho thấy cái nhìn của Andersen vào giai đoạn lịch sử ấy. Năm 1867, Triển lãm Paris (Exposition Universelle) được tổ chức. Người ta kể rằng Andersen nghe một nhà báo Đan Mạch nói, một cuộc triển lãm lớn lao như vậy thì chỉ Dickens mới có thể miêu tả được, và thế là Andersen đã viết câu chuyện dưới đây.

Người ta cũng kể rằng câu chuyện được viết chính xác giống như ở đoạn đầu: Andersen ở trong phòng khách sạn của mình tại Paris, nhìn xuống bên dưới, và thấy cây dẻ. Câu chuyện "chui ra" từ cái nhìn ấy.

Mộc thần nữ được xuất bản lần đầu thành sách riêng, chứ không ở trong một tập truyện nào, cuối năm 1868.

Mộc thần nữ chính xác là sự đối xứng của một câu chuyện khác, Nàng tiên cá.


(địa điểm của cuộc Triển lãm Paris là Champs-de-Mars, vào thời điểm ấy còn chưa có tháp Eiffel; Trường Quân Sự (École Militaire) nhìn thẳng ra Champs-de Mars; Andersen hay gọi các loại máy móc là "Thần Mặt Nhợt"; Andersen sẽ nhắc đến "Catacombes", đó là hầm đào dưới đất dùng để chứa xương người tại Paris; Andersen cũng nhắc đến "khu vườn" của Armida: đây là chi tiết rút từ Jerusalem giải phóng của Le Tasse, trong đó nàng Armida có một khu vườn gây mê hoặc, nó thu hút các hiệp sĩ và khiến họ quên đi sứ mệnh của mình; "Mabille" là vũ trường rất thời thượng từ hồi thập niên 40 của thế kỷ 19, nằm ở chỗ ngày nay là đại lộ Montaigne, gần Champs-Élysées)


Nhân tiện: đã đầy đủ ba truyện "Năm hạt đậu nhỏ...", "Đứa trẻ tật nguyền" và "Thiên thần"




Mộc thần nữ

(Một truyện cổ tích về kỳ Triển lãm Paris năm 1867)


Chúng tôi lên đường đến Triển lãm Paris.

Chúng tôi đã tới nơi! Chúng tôi đã bay, lao hết tốc lực, nhưng không có chút phép thuật nào; chúng tôi đã đi bằng một loại phương tiện chạy hơi nước và bằng đường bộ.

Thời đại của chúng ta là thời đại của truyện cổ tích.

Chúng tôi đang ở giữa Paris, tại một khách sạn lớn, những bông hoa điểm trang cho cầu thang từ dưới lên trên, các tấm thảm mềm phủ lấy những bậc thang.

Phòng của chúng tôi thật dễ chịu, cửa ra ban công mở, nhìn xuống một quảng trường lớn. Phía bên dưới, mùa xuân đang ngự trị, nó đã đi xe đến Paris, nó tới nơi cùng lúc với chúng tôi, nó tới dưới hình dạng một cây dẻ to lớn và trẻ trung, với những chiếc lá thanh nhã vừa mới nảy; nó khoác lên mình một vẻ đẹp mùa xuân lớn lao đến mức nổi bật hẳn lên giữa những cây khác trên quảng trường! Một trong đó không còn thuộc vào số các cây sống, nó nằm sóng soài trên mặt đất, nó đã bị nhổ lên, cả rễ. Nơi nó từng đứng, giờ đây người ta sẽ trồng cây dẻ tươi mới, nó sẽ mọc lên ở đó.

Nó vẫn còn nằm trên cỗ xe nặng nề đã đưa nó đến Paris sáng nay, từ một nơi cách xa nhiều dặm, trong vùng nông thôn. Nó đã ở đó suốt nhiều năm, ngay gần một cây sồi hùng mạnh, dưới gốc cây hay ngồi ông cha cố già trung hậu, ông kể chuyện cho bọn trẻ con nghe. Cây dẻ trẻ trung cũng lắng nghe; mộc thần nữ sống bên trong nó vẫn còn là một đứa trẻ, tất nhiên; cô bé vẫn còn nhớ hồi cái cây còn nhỏ xíu, chỉ nhỉnh hơn các nhành cỏ cao nhất, cùng đám dương xỉ. Cỏ hay dương xỉ thì đã to hết cỡ, nhưng cái cây thì tiếp tục vươn lên, cao thêm theo mỗi năm, nó uống không khí và ánh nắng, nhận về sương và mưa, nó được những cơn gió mạnh lay động và làm cho rung rinh. Cái đó là cần thiết, cho sự giáo dục.

Mộc thần nữ sung sướng với cuộc sống của nó, với mặt trời và tiếng hót của lũ chim, nhưng điều làm cho cô bé thích nhất vẫn là giọng nói con người, cô bé hiểu lời của họ cũng như hiểu lời các loài vật.

Bướm, chuồn chuồn và ruồi, và nói chung mọi con vật biết bay, đều đến thăm cô; chúng đều rất ba hoa xích tốc: kể những gì chúng biết về ngôi làng, về ruộng nho, về khu rừng, về tòa lâu đài cũ với khu vườn lớn, tại đó có các dòng kênh và những cái ao; dưới nước cũng có các loài vật sống, chúng có thể bay theo cách riêng của chúng từ nơi này sang nơi khác ở dưới nước, các loài vật có hiểu biết và có thể suy nghĩ; chúng không nói gì, bởi vì chúng hết sức trí tuệ.

Và chim én, nó từng lao xuống nước, nhắc đến những con cá vàng rất đẹp, cá tráp béo, cá chép to người đầy nhớt và lũ cá chép già rêu phủ. Én miêu tả rất hay, nhưng dẫu sao thì tự mình nhìn tận mắt mọi thứ thì vẫn hơn, nó nói; nhưng bằng cách nào mộc thần nữ có thể nhìn các con vật ấy đây! Cô buộc phải vừa lòng với việc ngắm nhìn phong cảnh đẹp đẽ và chứng kiến hoạt động náo nhiệt của con người.

Thật đẹp, nhưng điều đẹp nhất dẫu sao vẫn là những lúc ông cha cố già ngồi dưới gốc sồi kể chuyện về nước Pháp, về các chiến công của những đàn ông và phụ nữ, tên của họ khiến con người ở mọi thời đại đều thấy ngưỡng mộ.

Mộc thần nữ nghe nhắc đến cô gái mục đồng Jeanne d’Arc, đến Charlotte Corday, cô bé nghe kể về những thời rất xa xưa, thời của vua Henri Đệ Tứ, thời của Napoléon Đệ Nhất và, đến tận thời bây giờ, những gì kỳ vĩ và những gì đòi hỏi tài năng lớn; cô nghe thấy những cái tên, tất tật chúng vang lên trong trái tim dân chúng: nước Pháp là đất nước mang kích cỡ toàn cầu, mảnh đất trên đó mọc lên trí tuệ và tại đó phun trào tự do!

Lũ trẻ trong làng thành kính lắng nghe, mộc thần nữ cũng vậy; cô bé cũng là đứa học trò nhỏ như những đứa trẻ khác. Cô nhìn thấy trong hình dáng các đám mây trôi qua một chuỗi hình ảnh tái hiện những gì cô từng được nghe.

Bầu trời vẩn mây chính là quyển sách tranh của cô bé.

Cô cảm thấy rất sung sướng tại nước Pháp tươi đẹp, nhưng dẫu sao cô cũng có cảm giác lũ chim, mọi loài vật biết bay, được hưởng nhiều ưu ái hơn so với cô. Ngay ruồi cũng có thể đi xa, vượt ra ngoài chân trời của mộc thần nữ.

Nước Pháp thật rộng và thật tuyệt diệu, nhưng cô chỉ được nhìn một mẩu nhỏ của nó; đất nước có kích cỡ của thế giới, với những cánh đồng nho, những khu rừng và thành phố lớn, và trong số tất cả chúng, Paris tuyệt vời hơn cả. Lũ chim thì có thể bay đến đó, còn cô thì không.

Trong số lũ trẻ con của làng, có một con bé ăn vận rách rưới và nghèo khổ, nhưng trông rất xinh; nó hay hát hay cười, và cài những bông hoa màu đỏ lên mái tóc.

- Đừng lên Paris! ông cha cố già nói. Đứa trẻ khốn khổ! nếu đến đó, con sẽ xong đời!

Nhưng nó vẫn đi.

Mộc thần nữ hay nghĩ đến nó, quả thật cô và nó có cùng một ham muốn, cùng sở thích ngắm nhìn thành phố lớn.

Mùa xuân, rồi mùa hè, mùa thu và mùa đông; vài năm trôi qua.

Cái cây của mộc thần nữ bắt đầu ra hoa, chim kêu chiêm chiếp xung quanh, trong ánh nắng rực rỡ. Đúng lúc đó trên đường cái xuất hiện một cỗ xe tráng lệ, ngồi trên là một quý bà kiễu diễm, tự tay quý bà cầm cương điều khiển mấy con ngựa đẹp rất dữ tợn; một người hầu vận lễ phục đỏm dáng ngồi phía sau xe. Mộc thần nữ nhận ra người phụ nữ ấy, ông cha cố già cũng nhận ra cô ta, lắc đầu và buồn bã nói:

- Con đã đi đến đó! Con đã bị lạc đường rồi, Marie!

- Sao lại phải thương xót cô ấy? mộc thần nữ nghĩ thầm. Tại sao nhỉ, một sự chuyển hóa mới lớn làm sao! Cô ấy ăn mặc cứ như một bà công tước! cô ấy đã trở thành như vậy tại thành phố mê hoặc. Ôi! giá như mình có thể ở đó trong toàn bộ sự huy hoàng và rực rỡ kia! ánh sáng ấy chiếu rọi lên tận các đám mây vào ban đêm, những lúc mình nhìn về phía mà mình biết là có thành phố.

Quả thật, tối nào, đêm nào mộc thần nữ cũng nhìn về hướng ấy. Cô thấy màn sương mù rạng rỡ nơi chân trời; cô nhớ nó những hôm nào đêm quá sáng, được trăng rọi chiếu; cô cũng nhớ các đám mây trôi qua, vẽ cho cô xem các hình ảnh về thành phố và về lịch sử.

Đứa trẻ xem quyển sách tranh của nó, còn mộc thần nữ thì xem thế giới của các đám mây, quyển sách ấy ghi lại những suy nghĩ của cô bé.

Trong sự nóng nực của mùa hè, bầu trời không mây trong mắt cô là một tờ giấy trắng, và đã nhiều ngày nay cô không nhìn thấy tờ giấy nào khác.

Đang là mùa hè, trời nóng, ban ngày thì cháy bỏng, không có đến một luồng gió thổi; mỗi chiếc lá, mỗi bông hoa đều như thiếp ngủ, và con người cũng vậy.

Chính vào lúc đó các đám mây hiện ra từ phía, trong màn đêm, sương mù rạng rỡ thông báo: “Paris nằm ở đây.”

Những đám mây hiện ra, như thể tạo thành một vùng đất nơi không có gì khác ngoài những ngọn núi, chúng vươn lên xuyên qua làn không khí, trải rộng trên toàn bộ phong cảnh, xa ngút tầm mắt của mộc thần nữ.

Những đám mây chồng chất thành nhiều lớp liên tục, giống các khối đá đồ sộ màu xanh thẫm, tít trên trời cao. Các tia chớp lóe lên, “cả chúng nữa, chúng cũng là bầy tôi của Đức Chúa”, ông cha cố già từng nói thế. Rồi hiện ra một tia chớp màu xanh nhạt, chói lòa, một luồng sáng hung dữ, như thể đích thân mặt trời đã làm nổ tung các khối đá, sét giáng xuống, chẻ đôi cây sồi cao lớn, cho đến tận rễ; ngọn của nó rời ra, thân cây tách đôi, nó ngã xuống thành những mẩu ngổn ngang, như thể nó vươn rộng ra để ôm lấy sứ giả của ánh sáng.

Không có loại đạn đại bác bằng đồng nào đủ sức vang lên xuyên qua làn không khí, rền vang trên toàn đất nước để thông báo một hoàng tử vừa được sinh hạ, giống như tiếng gầm của sấm vào lúc cây sồi chết đi. Mưa rơi như trút, luồng gió mát thổi, cơn giông đã qua, khi ấy tràn ngập khắp nơi một bầu không khí tiệc tùng, giống như ngày Chủ nhật. Những người dân làng tập hợp quanh cây sồi già vừa bị sét đánh trúng; ông cha cố đọc một bài kinh ngợi ca, một họa sĩ vẽ lại cái cây để lưu giữ kỷ niệm về nó.

- Mọi thứ đều trôi qua! mộc thần nữ nói, trôi qua như mây, và chẳng bao giờ trở lại!

Ông cha cố già không trở lại nơi này nữa; mái của ngôi trường đã sụp, bàn của thầy giáo biến mất. Lũ trẻ con không trở lại nữa, nhưng mùa thu đã tới, rồi mùa đông, và giờ là mùa xuân, trong suốt quãng thời gian diễn ra những đổi thay ấy, mỗi tối và mỗi đêm mộc thần nữ nhìn về phía xa xa nơi chân trời, Paris sáng rực lên như một màn sương mù rạng rỡ. Hết đầu máy xe lửa này lại đến đầu máy xe lửa khác từ đó đi ra, một đoàn tàu cùng lúc với một đoàn tàu khác, tiếp nối nhau, tu tu, xình xịch, và cứ như thế vào mọi lúc; tối và đêm, sáng và suốt cả ngày, các đoàn tàu đi đến và những đợt sóng người từ tất cả các nước trên thế giới từ đó bước xuống, hoặc bước lên trên đó; một kỳ quan mới của thế giới đã khiến họ đi tới Paris.

Kỳ quan ấy như thế nào?

- Một bông hoa tuyệt đẹp của nghệ thuật và công nghiệp, người ta kể, đã mọc lên từ nền cát khô cứng của Champ-de-Mars; một bông hoa hướng dương khổng lồ, nhờ các cánh của chúng người ta có thể học địa dư, môn thống kê, thu nhận những hiểu biết về cả một nghề nghiệp, làm cho bản thân mình vươn cao lên trong nghệ thuật và thơ ca, biết tới kích cỡ và sự lớn lao của các đất nước. Một bông hoa trong truyện cổ tích, những người khác nói, một bông hoa sen nhiều màu, bày ra trên cát những chiếc lá màu lục của nó giống như tấm thảm nhung, nó mọc lên vào đầu mùa xuân, tới mùa hè là đã có thể ngắm nhìn nó trong toàn bộ vẻ rực rỡ, rồi những cơn bão mùa thu thổi lên nó, khi ấy nó sẽ chẳng còn lại cả lá lẫn rễ.

Trước Trường Quân Sự trải rộng đấu trường của chiến tranh trong thời bình, cánh đồng không cỏ lẫn rơm, một mảnh của thảo nguyên phủ cát cắt lấy từ sa mạc châu Phi nơi bà tiên Morgana bày ra các lâu đài kỳ dị lơ lửng trên không trung cùng những khu vườn treo; trên Champ-de-Mars, chúng còn tuyệt hơn, kỳ diệu hơn, bởi vì chúng đã trở thành thực tại nhờ năng lực lớn lao của con người.

- Lâu đài của Aladin của thời hiện tại đã được xây dựng! người ta nói, ngày nối ngày, giờ nối giờ, mỗi lúc nó mỗi trưng bày thêm sự rực rỡ phong nhiêu của mình. Những căn phòng bất tận của nó ánh lên đá hoa cương và các màu sắc. Thần Mặt Nhợt huơ các tay chân bằng thép và sắt trong sảnh lớn hình tròn chứa đống máy. Các tác phẩm nghệ thuật bằng kim loại, bằng đá, vải, tuyên xưng về cuộc sống tinh thần đang trong đà chuyển động tại các đất nước trên thế giới; các gallery tranh, sự rực rỡ của những loài hoa, tất tật những gì trí tuệ và bàn tay có thể tạo ra trong xưởng của nghệ nhân đều được trưng ở đây cho mọi ánh mắt nhìn; ngay cả những kỷ niệm từ thời Cổ Đại, xuất xứ từ các lâu đài cũ và mỏ than bùn, đều cũng hội tụ về đây.

Cần phải đưa cảnh tượng sặc sỡ ở một tầm vóc vô cùng lớn lao này về các tỉ lệ thu nhỏ, tạo cho nó các kích cỡ của một món đồ chơi, nếu người ta muốn nhìn thấy nó, nắm lấy nó và ngắm nó trong tổng thể.

Champ-de-Mars, giống một cái bàn Giáng sinh khổng lồ, mang trên nó cả một lâu đài Aladin của công nghiệp và nghệ thuật, và xung quanh nó, người ta xếp những thứ đồ vặt từ mọi đất nước: những món đồ vặt to lớn; mỗi quốc gia được quyền có một món đồ xu vơ nia riêng.

Ở đây có lâu đài hoàng gia Ai Cập, ở kia là trạm nghỉ vùng sa mạc; người Bedouin cưỡi trên lưng lạc đà, từ đất nước mặt trời của anh ta đến đây, lao hết tốc lực; các tàu ngựa Nga với lũ ngựa thảo nguyên, dữ tợn và tuyệt đẹp; ngôi nhà mái rạ nhỏ bé Đan Mạch, cùng lá cờ Dannebrog của nó, nằm bên cạnh ngôi nhà của đức vua Gustav Vasa cổ xưa, được chạm trổ tuyệt đẹp bằng thứ gỗ của vùng Dalarne bên Thụy Điển; những túp lều Mỹ, các nhà gỗ của Anh, những chòi, ki-ốt, nhà thờ và nhà hát Pháp nằm rải rác một cách kỳ khôi đây đó, và chính giữa tất tật những thứ ấy, là thảm cỏ màu lục mát mẻ, nước chảy trong vắt, các bụi hoa, những loài cây hiếm, nhà kính mà nếu bước vào ta sẽ tưởng mình đang ở trong rừng nhiệt đới; trọn vẹn các vườn hồng, chắc hẳn có xuất xứ Damascus, kiêu hãnh bày ra dưới các mái nhà; sao mà nhiều màu sắc thế, hương mới thơm làm sao!

Những cái hang phủ băng nhũ, đồ nhân tạo, chứa bên trong những vũng nước ngọt và nước mặn, cho phép ngắm nhìn vương quốc của các loài cá; ta đang ở dưới đáy biển giữa lũ cá và pô-líp.

- Tất tật những thứ đó, người ta nói, Champ-de-Mars đều mang trên mình, giờ đây nó bày ra cho người ta nhìn và, trên cái bàn tiệc to lớn thịnh soạn ấy, đông đảo người đi lại giống các đàn kiến nhộn nhịp, đi bộ hoặc được kéo trên các cỗ xe nhỏ, vì không phải cặp chân nào cũng chịu nổi một chuyến đi mệt nhọc như thế.

- Chính đây, từ sáng sớm cho tới tối mịt, là nơi mà họ đến. Người này tiếp sau người kia, những con tàu hơi nước đông chật người bên trên lướt qua trên sông Seine, xe cộ mỗi lúc một nhiều thêm, người đi bộ và người cưỡi ngựa mỗi lúc một nhiều thêm, tàu điện và xe công cộng đông kín, chen chúc, đặc người, tất tật các dòng chảy ấy đều hội tụ về một cái đích duy nhất: Triển lãm Paris! Tất cả các lối vào đều được trang trí màu cờ Pháp, khắp xung quanh, nơi có các gian trưng bày của các đất nước khác nhau, những lá cờ của mọi quốc gia bay phất phơ trong gió; tiếng ầm ì cùng tiếng vo ve vẳng tới từ sảnh bày máy móc, từ các gác chuông, lũ chuông ngân lên giai điệu của chúng, đàn orgue vang lên tại các nhà thờ; những giọng nói khàn đặc và nhiều âm mũi the thé hát tại các quán cà phê của những đất nước phương Đông cũng hòa vào tất tật những thứ ấy. Giống như vương quốc Babel, ngôn ngữ của Babel, một kỳ quan của thế giới.

Mọi điều là như vậy, chắc chắn thế; tin tức từ đó là đúng như vậy, ai mà không biết đây? Mộc thần nữ biết mọi thứ gì chúng ta từng nói về “kỳ quan mới” tại thành phố của các thành phố.

- Bay đi, hỡi các bạn chim! bay đi và hãy nhìn, rồi về đây kể cho tôi nghe! đó là lời của mộc thần nữ.

Ham muốn của nàng biến thành niềm mong mỏi, rồi trở thành mục đích sống… và giờ đây trong màn đêm mềm dịu và yên ắng, trăng tròn tỏa sáng, mộc thần nữ trông thấy từ đĩa tròn ấy bay vọt ra một tia sáng, nó rơi xuống, sáng bừng như một ngôi sao băng và, trước cái cây nơi các cành đang run rẩy như trong một cơn gió mạnh, xuất hiện một hình bóng to lớn rực sáng; nó phát ra những âm thanh dịu ngọt và mạnh mẽ giống như tiếng kèn trom pét của kỳ Phán xử cuối cùng, tiếng kèn chạm vào cuộc sống và gọi người ta đến nơi phán xử.

- Ngươi sẽ đi đến thành phố mê hoặc, ngươi sẽ mọc rễ ở đó, ngươi sẽ cảm thấy ở đó những luồng gió thổi, không khí và mặt trời. Nhưng đời ngươi sẽ ngắn lại, những năm dài đợi sẵn ngươi ở đây, ngoài tự nhiên này, sẽ bị rút lại, ở trong đó, chỉ còn rất ít năm. Mộc thần nữ khốn khổ, ngươi sẽ tiêu đời vì thế! ham muốn của ngươi sẽ lớn lên, khát khao của ngươi, đòi hỏi của ngươi sẽ còn mạnh hơn nữa! Bản thân cái cây cũng sẽ trở thành nhà tù đối với ngươi, ngươi sẽ rời khỏi vỏ bọc của ngươi, rời bỏ bản tính của ngươi, ngươi sẽ bay đi, sẽ hòa vào với con người và các năm của ngươi khi đó sẽ bị rút xuống chỉ còn bằng một nửa cuộc đời một loài phù du, chỉ còn duy nhất một đêm; trong một luồng gió thổi, cuộc đời của ngươi sẽ tắt ngấm, những lá cây sẽ héo, bị cuốn đi, và sẽ chẳng bao giờ quay trở lại nữa.

Đó là các thanh âm, đó là khúc ca mà người ta nghe thấy, thế rồi luồng sáng tan biến, nhưng nỗi thèm khát và ham muốn của mộc thần nữ thì không; nàng run lên vì sốt ruột, bị giằng xé bởi một sự chờ đợi không sao kiểm soát nổi, bừng sốt.

- Mình sẽ đến thành phố của các thành phố! nàng ngây ngất nói. Cuộc sống bắt đầu, phồng lên như mây, chẳng ai biết rồi nó sẽ đi về đâu.

*
*       *

Vào lúc bình minh, khi mặt trăng trở nên nhợt nhạt và những đám mây ửng hồng, giờ của sự thỏa mãn đã điểm, đã tới lúc những lời hứa trở thành hiện thực.

Nhiều người tới, mang theo xẻng và gậy; họ đào xung quanh rễ cây, thật sâu, tận xuống bên dưới; một chiếc xe tiến lên, nó được nhiều con ngựa kéo, người ta nâng cái cây lên, cùng rễ và khối đất mà rễ cây bám vào, người ta lấy dây bấc buộc xung quanh thân của nó, chân nó được phủ ấm áp, rồi nó được đặt lên xe, buộc thật chặt, nó lên đường, để đến Paris, tại đó nó sẽ lớn lên và ở lại trong thành phố của sự kỳ vĩ nước Pháp, thành phố của các thành phố.

Cành và lá của cây dẻ run lên vào thời điểm xuất hành, mộc thần nữ run lên, niềm hy vọng của nàng khiến nàng cảm thấy biết bao khát khao.

“Tiến lên! tiến lên!” người ta nghe thấy trong mỗi mạch đập của nàng. “Tiến lên! tiến lên!” người ta nghe thấy trong những lời rung động lơ lửng nơi không trung. Mộc thần nữ quên khuấy, không nói lời vĩnh biệt với vùng đất quê hương nàng, với những nhành cỏ phất phơ theo gió và với những hoa cúc ngây thơ từng ngưỡng mộ nàng như thể nàng là một bà lớn trong khu vườn của Chúa Trời, như một nàng công chúa trẻ tuổi đóng giả làm cô gái mục đồng, ở ngoài tự nhiên kia.

Cây dẻ ở trên chiếc xe, nó nói “vĩnh biệt” hoặc “tiến lên!”, cành của nó rung rung, mộc thần nữ cũng không biết rõ, nàng đang mải suy nghĩ, nàng mơ tới những điều mới mẻ tuyệt diệu và thế nhưng được biết rất rõ, chúng sắp xảy đến. Không một trái tim trẻ con tràn ngập một niềm vui ngây thơ nào, không một dòng máu chất chứa cảm giác nào từng khởi đầu chuyến du hành tới Paris với ngần ấy ý nghĩ.

“Vĩnh biệt!” biến thành “Tiến lên! tiến lên!”

Các bánh xe cứ thế quay, những gì xa xa tiến gần lại, rồi đã ở lại đằng sau; vùng đất biến đổi giống như các đám mây thay hình đổi dạng; những cánh đồng nho mới, những khu rừng, thành phố, dinh thự mới, và những khu vườn mới hiện ra, lại gần, biến mất. Cây dẻ tiếp tục tiến lên, mộc thần nữ cũng vậy. Các đầu tàu xe lửa phóng qua sát cạnh nhau, giao nhau trong tiếng xình xịch; những đầu tàu tỏa ra các đám mây tạo thành đủ thứ hình dạng để kể chuyện Paris, từ đó chúng tới, đó cũng là nơi mộc thần nữ đang đi đến.

Mọi thứ gì vây quanh nàng đều biết và hẳn phải hiểu rõ nàng đang đi đâu; nàng có cảm giác từng cái cây mà nàng đi ngang qua đều chìa cành về phía nàng và nói: “Mang tôi theo với! mang tôi theo với!” Phải nói rằng trong mỗi cái cây lại có một nàng mộc thần nữ đầy ham muốn.

Nhiều thay đổi biết bao! chuyến đi mới kỳ thú làm sao! Cứ như thể các ngôi nhà vọt lên từ mặt đất, thêm nữa rồi lại thêm nữa, mỗi lúc một sát vào nhau hơn. Các ống khói vươn lên như những chậu hoa, chất chồng lên nhau, đứng cạnh nhau trên các mái nhà; những dòng chữ lớn với các chữ cái cao cả mét, những hình người được vẽ lên toàn bộ bề mặt bức tường, từ chân lên đến tận nóc, sáng lấp lánh, nhìn thật rõ.

- Paris bắt đầu từ đâu, và chừng nào mình sẽ đi được vào bên trong? mộc thần nữ tự hỏi. Người trở nên đông hơn, tiếng ồn ào và sự náo động cũng tăng thêm, các cỗ xe nối đuôi nhau, người đi bộ nối đuôi người cưỡi ngựa, và khắp mọi nơi, hết cửa hiệu này sang cửa hiệu khác, tiếng nhạc, tiếng hát, rồi tiếng hét, tiếng người nói.

Mộc thần nữ ở bên trong cái cây của nàng đã ở Paris.

Cỗ xe lớn và nặng dừng lại trên một quảng trường nhỏ trồng nhiều cây, vây xung quanh là các ngôi nhà cao, cửa sổ nào cũng có ban công; từ trên cao đó, người ta nhìn xuống dưới để xem cây dẻ trẻ trung tươi tắn được xe chở tới, giờ đây sắp được trồng thế chỗ cái cây chết đã bị đào lên vẫn còn nằm trên mặt đất. Người ta đứng im trên quảng trường, mỉm cười sung sướng ngắm nhìn cái tán xanh mùa xuân ấy; những cây già hơn, mới chỉ ra nụ, cất tiếng chào từ đám là xì xào của chúng: “Xin chào mừng! xin chào mừng!”, và vòi nước đang phun các tia nước lên không trung rồi khiến chúng rơi xuống trở lại tí tách trong bồn lớn, để mặc cho gió bắn tung những giọt nước lên cái cây vừa đến nơi, như thể chúng muốn tặng cho nó món nước giải khát thay cho lời chào mừng.

Mộc thần nữ cảm thấy người ta nhấc cái cây của nàng ra khỏi xe và đặt nó vào chỗ nó sẽ ở trong tương lai. Rễ cây được chôn xuống đất, sau đó người ta phủ cỏ tươi lên trên; các bụi hoa cùng nhiều hoa trong chậu cũng được trồng giống như cái cây; nơi này liền biến thành một mảnh vườn đích thực, ở chính giữa quảng trường. Cái cây chết đã được nhổ lên, bị giết chết từ bên trong bởi mùi khí ga, mùi đồ ăn và toàn bộ bầu không khí thành phố, được cho lên xe và mang đi khỏi. Cả một đám đông ngắm nhìn, trẻ con và người già ngồi trên ghế băng dưới tán cây và nhìn lên trời, qua các kẽ lá của cái cây mới. Còn chúng tôi, người kể lại những điều này, chúng tôi ở trên ban công, nhìn xuống dưới, để ngắm mùa xuân tươi trẻ có xuất xứ từ bầu không khí trong lành của nông thôn, và chúng tôi cũng phát ra cùng cái câu mà hẳn ông cha cố già sẽ nói: “Mộc thần nữ khốn khổ!”

- Ôi chao vui quá, ôi chao mình vui quá! mộc thần nữ nói, và thế nhưng, mình không làm sao mà hiểu nổi, mình không sao diễn tả nổi những gì mình đang cảm thấy; mọi thứ đúng như mình từng nghĩ! ấy thế nhưng lại không giống như mình từng nghĩ!

Các ngôi nhà rất cao, và ở ngay gần; mặt trời chỉ thực sự chiếu sáng một bức tường duy nhất, trên bức tường đó dán đầy thông báo và áp phích, người ta dừng lại chen chúc nhau trước chúng để xem. Những cỗ xe, nhẹ và nặng, ầm ầm lao qua; các xe công cộng, những ngôi nhà biết đi chở đầy ắp người đó, phóng nhanh, các kỵ sĩ phi ngựa, các xe chở đồ hai bánh và những cỗ xe riêng cũng đòi làm giống như vậy. Những ngôi nhà mọc cao vọt lên gần sát kia, mộc thần nữ nghĩ, chẳng phải chúng cũng sẽ di chuyển, thay hình đổi dạng giống như các đám mây trên trời, trượt sang một bên, để nàng có thể ngắm nhìn Paris, có thể nhìn thấy nó trong toàn cảnh? Nhà thờ Đức Bà phải hiện ra, cột Vendôme, rồi thì kỳ quan đã thu hút và vẫn thu hút đông người ngoại quốc đến thế.

Nhưng các ngôi nhà không rời khỏi chỗ của chúng.

Trời vẫn còn sáng nhưng người ta đã bật các ngọn đèn đường; những đèn khí của các cửa hiệu chiếu sáng ra bên ngoài, ánh sáng của chúng leo lên tận các cành cây; cứ như là ánh mặt trời vào mùa hè. Các ngôi sao, tít trên kia, hiện ra, cũng chính là những ngôi sao mà mộc thần nữ từng ngắm nhìn tại vùng đất quê hương; nàng nghĩ mình cảm thấy một cơn gió từ đó thổi tới, thật trong, thật dịu. Nàng cảm thấy mình cao lên, được cổ vũ, thấy như thể nàng có quyền năng nhìn được xuyên qua tất tật lá trên cây và cảm giác ấy lan tỏa đến tận điểm cuối cùng của những cái rễ. Nàng cảm thấy mình đang ở trong thế giới sống động của con người, được những cặp mắt dịu dàng ngắm nhìn; khắp xung quanh là tiếng ồn ào và các loại âm thanh, màu sắc, và ánh sáng.

Từ một phố nhỏ vang tới các nhạc cụ hơi, và những giai điệu đàn orgue mời chào mọi người khiêu vũ. Đúng rồi, khiêu vũ, khiêu vũ! nó mời người ta đến với vui thú và mời người ta tận hưởng cuộc đời.

Thứ âm nhạc ấy, mỗi khi nó cất lên là tức thì con người, ngựa, xe, cây và nhà đều không thể tự ngăn mình khiêu vũ, nếu bọn họ biết khiêu vũ. Một niềm vui ngây ngất tràn ngập lồng ngực mộc thần nữ.

- Thật là sung sướng, thật quá mức huy hoàng! nàng thốt lên. Mình đang ở Paris!

*
*       *

Ngày tiếp theo, rồi đêm tiếp theo và hai mươi tư tiếng đồng hồ tiếp theo trưng bày cùng một cảnh tượng, với cùng sự đi lại, cùng cuộc sống, biến đổi liên tục nhưng đồng thời lại vẫn y nguyên.

- Giờ đây, mình đã biết rõ từng cái cây, từng bông hoa trên quảng trường này! Mình biết từng ngôi nhà, ban công và cửa hiệu nơi đây, người ta đã đặt mình vào cái góc chật hẹp này, nó che giấu khỏi mình thành phố vĩ đại và hùng mạnh. Các khải hoàn môn, những đại lộ và kỳ quan thế giới ở đâu rồi? Sao mình chẳng được thấy gì hết cả thế này? cứ như thể mình đang bị nhốt trong một cái lồng, giữa những ngôi nhà cao mà giờ đây mình đã biết nằm lòng với những gì viết ở trên chúng, các tấm áp phích của chúng, rồi thì bảng hiệu, tất tật những món đồ ngọt đó, mà mình chẳng còn thích chút nào nữa. Đâu mất rồi tất tật những thứ mình từng nghe nói đến, tất tật những gì mà mình có biết, mà mình từng khát khao và cũng bởi vậy mà mình muốn đến đây? Mình đã nắm được, giành được, đã tìm thấy gì? ham muốn của mình vẫn lớn y như trước, mình có cảm nhận về một cuộc sống mà mình cần phải nắm lấy, phải trải qua! mình cần được thuộc vào số những người sống! mình cần lao đến đó, bay như chim, nhìn thấy và cảm thấy, trở thành một con người hoàn toàn, chiếm lấy một nửa ngày của cuộc đời thay vì nhiều năm tồn tại trong mệt mỏi và ngán ngẩm ngày ngày, trong đó mình sẽ tàn rũ, rơi xuống như sương mù trên đồng cỏ rồi biến mất đi. Mình muốn rực sáng lên như mây, sáng lên dưới mặt trời của cuộc sống, ngắm nhìn tổng thể mọi thứ giống như mây, rồi biến mất đi giống như nó, chẳng ai biết là về đâu!

Đó là tiếng thở dài của mộc thần nữ, nó vươn lên cao dưới hình dạng một lời cầu nguyện:

- Xin hãy lấy đi những năm tháng của cuộc đời tôi, xin hãy ban cho tôi một nửa chiều dài cuộc đời loài sinh vật phù du! giải thoát tôi khỏi nhà tù của tôi, cho tôi một cuộc đời con người, niềm hạnh phúc con người trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, chỉ đêm nay thôi, nếu cần phải vậy, và xin hãy trừng phạt tôi vì lòng can đảm táo bạo của tôi hướng tới sự sống, nỗi mong sống của tôi! hãy xóa bỏ tôi, cầu cho vỏ bọc của tôi, cái cây trẻ trung đầy sức khỏe này khô héo, bị chặt đi, biến thành tro tàn, bị gió mang đi!

Tiếng sột soạt vang lên trong các cành cây, chiếc lá nào cũng cảm thấy chộn rộn và run rẩy, như thể có lửa băng ngang và chui ra khỏi đó, một đợt gió mạnh lướt qua ngọn cây, và ở giữa đó, một bóng hình phụ nữ vươn lên, chính là mộc thần nữ. Cùng lúc ấy, nàng ở bên dưới các cành phủ đầy lá, được đèn khí chiếu sáng, trẻ trung và rạng rỡ, giống như Marie khốn khổ, người từng bị nói: “thành phố lớn sẽ khiến con tiêu đời!”

*
*       *

Mộc thần nữ ngồi dưới gốc cây, gần cánh cửa ngôi nhà của nàng, mà nàng đã khóa lại rồi vứt chìa đi. Trẻ đến thế, rạng rỡ đến thế! Những ngôi sao nhìn thấy nàng, chúng lấp lánh hẳn lên, các ngọn đèn đường đốt bằng khí nhìn thấy nàng, tỏa sáng, ra hiệu với nàng! Sao mà nàng mảnh dẻ nhưng đồng thời lại vững chãi, một đứa trẻ nhưng đồng thời cũng là một thiếu nữ đã trưởng thành! Trang phục của nàng mỏng mảnh như làm bằng lụa, mang màu lục giống những chiếc lá vừa mới đây thành hình trên ngọn cây; trên mái tóc màu hạt dẻ của nàng cài một bông hoa dẻ hé nở; trông nàng thật giống nữ thần mùa xuân.

Nàng chỉ ngồi đó bất động trong vòng một phút đồng hồ ngắn ngủi, và thế rồi nàng đã đứng vọt dậy, và với sự nhanh nhẹn của một con linh dương, nàng rời khỏi nơi ấy, biến mất ở góc phố; nàng chạy, nàng nhảy như ánh phản chiếu từ một tấm gương đặt dưới mặt trời, ở mỗi cử động, ánh phản chiếu đó hết phóng về chỗ này lại về chỗ khác; và nếu nhìn nàng từ thật gần, nếu nhìn thấy những gì cần nhìn, cảnh tượng sao mà kỳ diệu; bất cứ nơi nào nàng dừng lại trong thoáng chốc, trang phục của nàng, dáng vẻ của nàng đều biến đổi, tùy thuộc tính chất của địa điểm, của ngôi nhà với ánh sáng rọi ra từ đó chiếu sáng nàng.

Nàng đã tới đại lộ; một đại dương ánh sáng khởi phát từ những ngọn đèn đường, rồi đèn của các cửa hiệu và quán cà phê. Ở đó có các hàng cây trẻ trung và thật cao, cây nào cũng giấu đi mộc thần nữ của nó nhằm che chở trước các tia mặt trời nhân tạo. Vỉa hè, dài bất tận, giống một phòng tiếp tân lớn; trên đó có những cái bàn nơi người ta bày đủ mọi loại đồ ăn ngon lành, rượu sâm banh, rượu vang Chartreuse, cũng có luôn cả cà phê và bia. Người ta triển lãm các loại hoa, những bức tranh, tượng, sách và những tấm vải sặc sỡ.

Từ trong đám đông bên dưới những ngôi nhà cao, nàng đưa mắt nhìn dòng chảy đáng sợ lướt qua ngay bên cạnh hàng cây; cả một dòng sông các cỗ xe, xe nhiều ngựa kéo, xe có mui, xe công cộng, xe ngựa thuê, những quý ông cưỡi ngựa và các trung đoàn lính diễu hành. Dễ mất mạng như chơi nếu băng qua phố sang lề đường bên kia. Xa xa có pháo hoa, màu xanh lơ, nó sáng bừng lên, sau đó ánh đèn khí đã lại chiếm thế thượng phong, rồi đột ngột một quả tên lửa được phóng lên, nó từ đâu đến, nó đi về đâu?

Chắc hẳn đây là con đường hyết mạch của thành phố thế giới.

Nơi đây, người ta nghe thấy những giai điệu Ý dịu dàng, chỗ kia là các bài hát Tây Ban Nha, đệm ca-ta-nhét, nhưng lớn nhất, âm thanh trùm lên mọi tiếng ồn khác, là những giai điệu từ các hộp âm nhạc, chỉ vang lên trong thoáng chốc, điệu can-can sôi động, mà Orpheus không biết đến và nàng Helen xinh đẹp chưa từng bao giờ được nghe, ngay xe cút kít hẳn cũng chẳng thể tự ngăn mình nhảy múa trên cái bánh duy nhất của nó, nếu như mà nó có thể nhảy múa. Mộc thần nữ nhảy múa, trôi nổi, bay, đổi màu, giống con chim ruồi trong ánh nắng, mỗi ngôi nhà và cái thế giới mà ngôi nhà đó chứa đựng lại tạo cho nàng một sắc thái riêng.

Cũng giống bông hoa sen rạng rỡ, bị bứt rễ, cuốn theo dòng nước, quay cuồng, nàng bị cuốn đi, và mỗi lần dừng lại, nàng có một hình dạng mới, chính vì vậy không ai đủ sức dõi theo nàng, nhận ra nàng và chiêm ngưỡng nàng.

Cũng giống các hình ảnh trên mây, mọi thứ lướt qua trước nàng, khuôn mặt này nối tiếp khuôn mặt khác, nhưng nàng chẳng nhận ra khuôn mặt nào, nàng không nhìn thấy đến một hình bóng từ vùng đất quê hương. Trong suy nghĩ của nàng, một cặp mắt bừng sáng lấp lánh: nàng nghĩ tới Marie, Marie khốn khổ! đứa trẻ vui tươi ăn vận rách rưới ấy, với bông hoa màu đỏ cài trên mái tóc đen. Quả thật cô gái đang ở thành phố thế giới, giàu có, rạng rỡ, giống lúc cô đi ngang qua trước nhà ông cha cố, cái cây của mộc thần nữ và cây sồi già.

Chắc hẳn cô đang ở trong sự náo động kinh người, có lẽ cô vừa bước xuống khỏi cỗ xe ngựa tuyệt đẹp đỗ đằng kia; những cỗ xe tráng lệ dừng lại ở đây với các xà ích đeo ngù vai và gia nhân đi bít tất lụa. Từ đó túa ra toàn phụ nữ, những quý bà ăn mặc sang trọng. Họ bước qua những cửa rào sắt đã mở và bước lên cầu thang vừa cao vừa rộng dẫn vào một tòa nhà với những cây cột đá hoa cương trắng. Có lẽ đó là “kỳ quan thế giới”? Hẳn Marie đang ở trong đó!

Sancta Maria!” bên trong, người ta hát. Hương trầm lan tỏa thành những đợt sóng dưới các vòm tường cao vút, sơn màu và mạ vàng, nơi ngự trị bóng tối nhờ nhợ.

Đó là nhà thờ Madeleine.

Trong trang phục màu đen, phủ trên người những thứ vải quý nhất, may theo mốt mới nhất, tinh tế nhất, thế giới phụ nữ cao sang bước đi trên mặt đất sáng lấp lánh. Gia huy nhà họ được vẽ trên móc gài bạc sách kinh phủ nhung, và trên khăn mùi soa thanh nhã của họ, ướp nước hoa, làm bằng thứ đăng ten quý Brussels. Vài người quỳ xuống để thầm lặng cầu nguyện trước các ban thờ, những người khác thì vào các phòng xưng tội.

Mộc thần nữ cảm thấy bấn loạn, một nỗi sợ, như thể nàng vừa bước vào một nơi lẽ ra nàng không nên đặt chân tới. Chỗ này là ngôi nhà của sự im lặng, cung điện của các bí mật; mọi thứ đều được thì thầm và trao gửi mà không phát ra tiếng ồn.

Mộc thần nữ tự thấy chính mình được hóa trang trong lụa và một tấm khăn voan, vẻ bên ngoài thật giống các phụ nữ giàu sang con nhà danh giá khác; có phải tất cả họ đều là những đứa trẻ chất chứa khát khao trong lòng giống như nàng?

Có một tiếng thở dài, sâu thẳm đau đớn; nó phát ra từ trong góc nơi có phòng xưng tội, hay từ lồng ngực của mộc thần nữ? Nàng siết chặt hơn tấm voan quanh mình. Nàng hít mùi hương trầm của nhà thờ chứ không phải làn không khí trong lành. Đây chẳng phải nơi mà nàng khát khao.

Tiến lên! tiến lên, bay mãi không ngưng nghỉ! Sinh vật phù du không biết ngơi nghỉ, sự bay của nó chính là cuộc đời nó.

*
*       *

Nàng lại ở bên ngoài, dưới những cây đèn đường khí sáng bừng, cạnh một vòi phun nước tuyệt đẹp. “Mọi dòng nước đều không thể rửa sạch đi thứ máu vô tội từng chảy ở nơi đây.”

Câu nói ấy vang lên.

Có những người ngoại quốc ở đó, họ nói to, say sưa, điều mà chẳng ai dám làm trong cung điện của các bí mật, nơi từ đó mộc thần nữ tới.

Một phiến đá lớn được lật lên; nàng không hiểu như vậy nghĩa là gì; nàng nhìn thấy lối vào cho phép bước xuống sâu trong lòng đất; nhiều người xuống đó, rời khỏi làn không khí nơi các ngôi sao đang nhấp nháy, những ngọn đèn khí sáng bừng như mặt trời, rời khỏi toàn bộ cuộc sống sôi nổi.

- Em sợ quá! một phụ nữ đừng gần đó nói. Em không dám xuống đâu. Em cũng không còn muốn xem thắng cảnh này nữa! Anh ở lại trên này với em đi!

- Để rồi sau đó quay về nhà, người đàn ông đáp, rời khỏi Paris mà chưa xem thứ đáng kể nhất, kỳ quan đích thực của thời hiện tại, thứ đã ra đời nhờ sự khéo léo và ý chí của chỉ một con người!

- Em không xuống đó đâu, người phụ nữ lại nói.

“Kỳ quan của thời hiện tại”, người ta đã nói thế. Mộc thần nữ nghe thấy, và hiểu điều đó; đích của ham muốn lớn nhất nơi nàng đã đạt được, chính đây là lối vào, nó dẫn xuống tầng sâu, bên dưới Paris; nàng đã không hình dung ra, nhưng giờ đây, nàng đã nghe thấy, nàng nhìn thấy những người ngoại quốc bước xuống, và nàng đi theo họ.

Cầu thang đúc bằng gang, xoáy trôn ốc, rộng và dễ đi. Một ngọn đèn chiếu sáng ở đó, bên dưới và, dưới sâu hơn nữa, một ngọn đèn khác.

Họ đang ở trong một mê cung những căn phòng và các vòm trần dài bất tận giao cắt với nhau: nơi đây họ nhìn thấy mọi phố và ngõ của Paris, giống như trong hình ảnh mờ tối phản chiếu từ một tấm gương, người ta đọc được những cái tên, mỗi ngôi nhà trên kia đều có số riêng của nó tại nơi này, rễ của nó đâm sâu xuống bên dưới các vỉa hè hoang vắng, lát nhựa đường, vây quanh một con kênh lớn trong đó rất nhiều bùn đang chảy. Trên cao hơn, là nước sạch được dẫn trong các đường ống gắn dọc theo các vòm trần, và trên cùng, có các ống tuy ô dẫn khí, dây điện tín, tạo thành cả một mạng lưới. Các ngọn đèn sáng cách quãng nhau, giống những hình ảnh phản chiếu lại thành phố thế giới từ bên trên. Chốc chốc, người ta lại nghe thấy tiếng bánh xe ồn ào lăn qua phía trên, đó là những cỗ xe nặng đi qua trên các cây cầu của mặt đất.

Mộc thần nữ đang ở đâu?

Bạn từng nghe nói đến Catacombes; nó chỉ là một phần rất nhỏ của cái thế giới mới ngầm dưới đất này, tức là kỳ quan của thời hiện tại: cống ngầm Paris. Mộc thần nữ đang ở chính nơi đây chứ không phải bên ngoài, tại Triển lãm Hoàn cầu trên Champ-de-Mars.

Nàng nghe thấy những tiếng trầm trồ biểu hiện niềm kinh ngạc, ngưỡng mộ, tán thưởng.

- Từ đây, bên dưới này, người ta nói, sức khỏe và hàng năm, hàng năm của cuộc sống được cung cấp cho hàng nghìn và hàng nghìn con người ở trên kia! thời đại của chúng ta là thời đại của tiến bộ, cùng tất cả những ân sủng đi kèm với nó.

Đó là ý kiến của những người ấy, những lời mà họ nói, nhưng không phải ý kiến của các sinh vật sống và xây dựng nhà của chúng ở đây, những sinh vật sinh ra nơi đây, lũ chuột; chúng la hét từ kẽ một mảng tường cũ, thật to, rõ ràng, và mộc thần nữ hiểu chúng nói gì.

Một con chuột đực to đã già đuôi cụt giọng the thé hét lên cảm giác của nó, nỗi bực bội của nó và ý kiến trung thực của nó, toàn thể gia đình tán thành từng lời của nó.

- Cái tiếng meo meo, cái tiếng meo meo của con người kia làm cho ta thấy buồn nôn quá, những lời lẽ ngập tràn sự ngu dốt kia! Giờ, quả thật, ở đây tốt đẹp quá, với khí ga và dầu hỏa! Nhưng ta chẳng đớp cái món ấy đâu. Mọi thứ đã trở nên tốt đẹp và sáng sủa đến mức người ta đâm tự thấy xấu hổ với bản thân mình mà chẳng hề hay biết tại sao lại đi xấu hổ. Giá kể chúng ta được sống vào thời của những ngọn nến làm bằng mỡ! Nó còn chưa xa lắm đâu! Đó là một thời đại lãng mạn, như người ta vẫn hay nói.

- Ông nói lăng nhăng gì vậy? mộc thần nữ hỏi. Bây giờ tôi mới nhìn thấy ông đấy. Ông đang nói đến cái gì thế?

- Về thời xa xưa tươi đẹp! con chuột đáp. Cái thời tràn ngập sự quyến rũ, thời của cụ tôi, cả cụ ông lẫn cụ bà! Thời ấy, xuống nơi đây là cả một công trình lớn. Đây từng là một tổ chuột còn lớn hơn cả Paris! Mụ Dịch Hạch từng sống ở đây; bà ta giết con người, nhưng chẳng bao giờ giết chuột. Lũ cướp và buôn lậu tha hồ hít thở ở dưới này. Đây từng là nơi trú ngụ của những con người hay ho nhất, mà giờ đây người ta chỉ còn thấy tại các nhà hát nơi diễn các vở kịch mê lô, trên đó. Thời lãng mạn cũng đã kết thúc trong tổ chuột của chúng tôi; thế rồi người ta mang xuống đây không khí trong lành cùng dầu hỏa.

Đó là những gì con chuột hét! Nó căm hận thời đại mới, và vinh danh thời đại cũ, với Mụ Dịch Hạch.

Một cỗ xe dừng lại, đó là một dạng xe công cộng không mui, do những con ngựa nhỏ thó nhanh nhẹn kéo; mọi người ngồi vào chỗ, họ mau chóng đi khỏi, theo đại lộ Sébastopol, tức là đại lộ ngầm dưới đất, trong khi ngay phía trên, đại lộ cùng tên nổi tiếng của Paris vẫn đông đặc người.

Cỗ xe biến đi vào bóng tối nhờ nhợ, mộc thần nữ cũng biến mất, bị cuốn theo luồng gió tự do lên chỗ ánh sáng của đèn khí; chính ở đó, chứ không phải bên dưới, với những vòm trần giao cắt nhau và bầu không khí tù hãm của nó, người ta mới có thể tìm được kỳ quan; kỳ quan thế giới, cái mà nàng tìm kiếm trong đêm ngắn ngủi chính là toàn bộ cuộc đời nàng; sự rực rỡ của nó hẳn phải mạnh mẽ hơn sự rạng rỡ của tất tật những ngọn đèn khí mà người ta nhìn thấy ở phía trên này, mạnh hơn sự rạng rỡ của trăng, đã bắt đầu ló dạng.

Nhưng mà đúng, hẳn rồi! và nàng nhìn thấy đằng xa kia, nó rực rỡ ở phía trước nàng, nó lấp lánh, nhấp nháy giống như sao Thủy trên bầu trời.

*
*       *

Nàng nhìn thấy một cánh cổng sáng rực dẫn vào một khu vườn nhỏ, ngập tràn ánh sáng và các điệu nhạc khiêu vũ. Ánh sáng những ngọn đèn khí tạo nên một cái gì như thể đường viền quanh các hồ và ao nhỏ nước lặng nơi những loài thủy sinh nhân tạo, được cắt ra từ những miếng tôn gò và sơn màu, trưng bày cho cái nhìn dưới toàn bộ sự sáng sủa đó và làm bắn lên từ đài của chúng một tia nước cao cả mét. Những cây liễu rủ thật đẹp, những cây liễu rủ đích thực của mùa xuân, thả rơi các cành tươi tắn của chúng xuống giống như một tấm voan màu lục trong suốt, nhưng dẫu vậy cũng ngăn cản được các ánh mắt nhìn. Nơi đây, giữa các bụi cây, một đống lửa đang cháy, ánh sáng màu đỏ của nó soi lên những cây thấp, nhỏ, mờ tối và im lặng, đẫm trong các thanh âm, một thứ âm nhạc gây chộn rộn cho tai nghe, đầy quyến rũ, hấp dẫn, một thứ âm nhạc làm máu trong các mạch máu chảy gấp hẳn lên.

Nàng nhìn thấy những thiếu nữ, xinh đẹp, ăn vận như đang ngày hội, với những nụ cười thánh thiện, trông họ dường như đang cao hứng và rạng rỡ tuổi trẻ, giống Marie, với bông hồng cài trên tóc, nhưng không có cỗ xe nào, cũng không người hầu. Họ náo loạn, họ quay cuồng mới khiếp làm sao trong các điệu nhảy rộn ràng! Đâu là cao, đâu là thấp? Họ nhảy múa, như thể bị loài nhện sói đốt, họ cười rộ, mỉm cười, hạnh phút lâng lâng, sẵn sàng ôm siết lấy toàn thể thế giới.

Mộc thần nữ cảm thấy bị lôi cuốn vào điệu nhảy. Bàn chân bé nhỏ yếu ớt của nàng mang một chiếc giày bằng lụa, màu hạt dẻ cũng như dải ruy băng thả từ tóc nàng xuống hai bờ vai để trần. Cái váy lụa màu lục của nàng uốn lượn theo những nếp li lớn, nhưng nó không che giấu đi cái chân thon thả của nàng cùng bàn chân xinh xắn như thể muốn vẽ ra những vòng tròn ma thuật lên không khí.

Có phải nàng đang ở trong khu vườn thần kỳ của Armida? Nơi này có tên là gì?

Tên nó được viết ở bên ngoài, chiếu sáng bởi các ngọn đèn khí:

MABILLE

Tiếng nhạc và những tiếng vỗ tay, tiếng các tên lửa được bắn lên và tiếng nước róc rách hòa vào với tiếng bật mở nút rượu sâm banh, điệu nhảy cũng cuồng loạn như một điệu bacchanalian say sưa ngả nghiêng, và bên trên tất tật những thứ ấy, mặt trăng lững thững trôi, chắc hẳn nó đang nhăn mặt. Bầu trời không mây, trong và sáng, người ta tưởng đâu mình có thể nhìn thấu lên trời, khi ở chỗ Mabille.

Một nỗi ham sống cồn cào ập xuống mộc thần nữ, khiến nàng run rẩy, cứ như là cơn say do nha phiến gây ra.

Cặp mắt nàng nói, đôi môi nàng nói, nhưng người ta không nghe thấy những lời của nàng, chúng bị âm thanh các ngọn sáo và đàn violon át đi. Chàng thanh niên bạn nhảy của nàng thì thầm vào tai nàng, họ đung đưa theo nhịp điệu can-can; nàng không hiểu, chúng ta cũng không hiểu. Anh ta giơ tay về phía nàng, muốn ôm lấy nàng, nhưng chỉ ôm được không khí trong suốt đầy khí ga.

Mộc thần nữ bị luồng không khí mang đi, giống như gió cuốn theo một cánh hồng. Trên cao, trước mặt, nàng trông thấy một ngọn lửa, một ánh đèn lấp lánh, tít trên một tòa tháp. Ngọn lửa này xuất phát từ đối tượng các ham muốn của nàng, chúng xuất phát từ ngọn hải đăng màu đỏ trong lâu đài của bà tiên Morgana trên Champ-de-Mars, chính đó là nơi làn gió mùa xuân kéo nàng tới. Nàng quay xung quanh tháp; các công nhân cứ tưởng họ đang nhìn thấy một con bướm, xuống đây để chết, nó đã đến quá sớm.

*
*       *

Trăng tỏa sáng, các ngọn đèn khí cùng đèn loại khác lấp lánh trong những căn phòng lớn và các ngôi nhà của toàn thế giới rải rác đây đó, chúng bừng lên trên các ngọn đồi phủ cỏ mềm và những khối đá tạo ra từ sự khéo léo của con người, với những thác nước vận hành bởi sức mạnh của Thần Mặt Nhợt. Đáy biển và đáy sâu của nước ngọt, vương quốc các loài cá mở ra ở đây, ta đang ở dưới đáy đầm lầy sâu hoắm, hoặc giả ta đang ở biển, bên trong một cái chuông thợ lặn bằng kính. Nước ép vào những vách thủy tinh dày, cả trên lẫn dưới. Lũ pô-líp uốn éo, các bàn tay sống động dài đến cả mét, mềm mại, uốn lượn như lươn, người rung rinh, nhao lên, vặn vẹo, rồi lại lặn sâu xuống đáy biển.

Một con cá bơn to ở ngay gần, vẻ tư lự, lười biếng và khoái chí nằm thõng thượt; con cua bò ngang qua đó, giống như một con nhện gớm ghiếc, trong khi đám tôm bay vọt lên với cùng dáng vẻ như thể chúng là ve hoặc bướm biển.

Trong làn nước ngọt mọc lên những cây súng, sậy và bấc nở hoa. Lũ cá vàng xếp ngay hàng thẳng lối, giống đám bò sữa màu hung trên cánh đồng, đầu ngoảnh cả về cùng một hướng, để dòng nước chảy đi thẳng vào mõm. Những chép mập to tướng, vẻ ngu độn, trợn mắt nhìn các vách thủy tinh; chúng biết là chúng đang ở Triển lãm Paris; chúng biết rằng để tới đây chúng đã được di chuyển, trong những thùng chứa đầy nước, một chuyến du hành khá là náo động, rồi thì chúng bị say đất liền trên tàu hỏa, giống như con người bị say sóng khi đi tàu thủy ngoài biển. Chúng đã tới để xem Triển lãm, và chúng nhìn nó từ thùng đựng nước ngọt hoặc nước mặn, chúng nhìn đám đông con người đi qua phía trước từ sáng đến tối. Tất cả các nước trên thế giới đều gửi đến và trưng bày những đại diện con người của mình để lũ chép mập và cá tráp, lũ rô lanh lợi và đám chép mình phủ rêu có thể được xem những tạo vật đó, rồi nêu lên các nhận xét của riêng chúng về giống loài kia.

- Đó là một loài vật có vảy! một con chép nhỏ người lấm đầy bùn nói. Chúng thay đống vảy hai hay ba lần mỗi ngày và miệng chúng tạo ra tiếng ồn, chúng gọi như thế là “nói”. Chúng ta không thay vảy và chúng ta hiểu nhau dễ dàng hơn nhiều: nhờ các cử động khóe miệng và bằng cách mở to mắt! Chúng ta có những lợi thế lớn so với con người!

- Dẫu sao thì bọn họ cũng đã học bơi, một con cá nước ngọt nhỏ xíu góp lời; tôi từ hồ lớn đến; mùa nóng, con người hay nhảy xuống nước, nhưng trước đó họ lột hết vảy đi đã, rồi sau đó mới bơi. Bọn ếch đã dạy họ bơi, họ đạp hai chân sau, hai chân trước thì làm mái chèo, họ không ở dưới nước được lâu. Họ muốn giống với chúng ta, nhưng làm sao mà giống được! Con người khốn khổ!

Và lũ cá mở thật to mắt; chúng nghĩ rằng toàn bộ đám đông con người mà chúng từng trông thấy trong ánh sáng mạnh mẽ của ban ngày vẫn còn đó và đang đi lại; chúng cũng tin rằng chúng vẫn đang nhìn thấy cùng những hình bóng đầu tiên từng, nếu có thể nói vậy, tác động lên các giác quan của chúng.

Một chú rô nhỏ có làn da kẻ sọc xinh xắn và lưng thì tròn xoe đáng thèm muốn đảm bảo rằng “đám bùn người” vẫn ở đó, nó có nhìn thấy.

- Tôi cũng nhìn thấy, tôi nhìn thấy rất rõ! một chị chép mập nói, màu vàng trên người nó gợi nhớ đến màu của bệnh nhân sốt vàng da. Tôi thấy rõ bóng dáng đẹp đẽ của một con người rất cân đối, “một quý bà ra vẻ quan trọng”, hoặc họ gọi thế nào tôi cũng chẳng rõ lắm nữa, người này có cùng các khóe miệng giống chúng ta và cũng có cặp mắt mở to, hai quả bóng phía sau và một cái ô cụp lại phía trước, trên người bám đầy bèo, tất tật những món đồ vặt ấy. Chắc cô ta sẽ vứt bỏ hết chúng đi, dạo chơi giống chúng ta, như Đấng Sáng Tạo đã làm ra chúng ta, và cô ta trông giống một chép mập trung hậu, trong chừng mực điều đó là khả dĩ đối với con người.

- Có chuyện gì với cái kẻ ở đầu một sợi dây, cái con đực được bọn họ kéo đi nhỉ?

- Hắn đi lại bằng xe không mui, với giấy, mực và bút, hắn ghi chép mọi thứ, viết mọi thứ lên giấy. Hắn làm gì nhỉ? Người ta gọi hắn là nhà văn!

- Hắn ta vẫn ở kia, trên cỗ xe của hắn! một con cá chép vàng nói, người nó phủ rêu và trông rất trong trắng, các trắc trở của cuộc đời như thể chẹt ngang cổ nó, thành thử giọng nó khàn đặc; từng có lần nó nuốt một lưỡi câu và giờ vẫn kiên nhẫn bơi với cái thứ đó trong cổ họng.

- Nhà văn, nó nói, theo ngôn ngữ của cá, theo cách thức có thể hiểu được, đó là một loài cá mực trong số con người, hắn ta cũng có một túi mực.

Lũ cá nói năng với nhau như vậy. Nhưng ở giữa cái hang nhân tạo chứa nước, vang lên những nhát búa và tiếng hát của công nhân; họ phải làm việc cả ban đêm để mọi việc sớm xong. Họ hát trong giấc mơ một đêm mùa hè của mộc thần nữ, nàng đang ở đó, bên trong, sắp bay lên một lần nữa và biến mất.

- Kia là lũ cá vàng! nàng nói, gật đầu chào chúng. Vậy là dẫu sao ta cũng đã được nhìn thấy bọn mi! Phải, ta có biết bọn mi! Ta biết bọn mi từ rất lâu rồi! Chim én đã nhắc tới bọn mi tại quê hương ta. Sao mà bọn mi đẹp thế, lấp lánh, duyên dáng thế! Thiếu điều thì ta đã muốn ôm hôn lần lượt từng con trong số bọn mi! Ta cũng biết những cá khác nữa! Chắc chắn kia là cá chép mập, còn đây, là cá tráp thơm ngon, và nữa, những cá chép già rêu phủ! Ta có biết bọn mi! Bọn mi thì không biết ta.

Lũ cá trố mắt nhìn, chẳng hiểu lấy một lời, chúng nhìn ánh sáng nhợt nhạt.

Mộc thần nữ không còn ở đó, nàng đã bên ngoài không khí tự do, nơi “bông hoa kỳ tuyệt” của thế giới tỏa hương từ các đất nước khác nhau, từ đất nước của bánh mì lúa mạch đen [Đan Mạch], từ bờ biển cá tuyết khô [Na-uy], từ vương quốc của da [Nga], từ bờ sông Eau de Cologne [Đức] và từ đất nước phương Đông của tinh hoa hồng [Ba Tư].

*
*       *

Những lúc, sau một đêm vũ hội, chúng ta trở về nhà, nửa thức ngửa ngủ, các giai điệu mà chúng ta đã nghe vẫn còn vang lên thật rõ trong tai, chúng ta có thể hát tất tật chúng. Và cũng y hệt, trong con mắt người vừa bị giết chết, hình ảnh cuối cùng mà anh ta nhìn thấy vẫn còn lưu lại một quãng thời gian, với sự chính xác của ảnh chụp, cũng vậy, sự ồn ã và náo nhiệt của những gì đã diễn ra trong ngày vẫn còn đó vào ban đêm, chúng không tan biến mất, không bị tắt ngấm đi; mộc thần nữ cảm thấy điều đó và nàng biết: âm thanh sẽ tiếp tục theo cùng cách thức vào ngày hôm sau.

*
*       *

Mộc thần nữ đang ở giữa những bông hồng thơm ngát, nàng tưởng chừng mình nhìn thấy cùng những bông hoa ở vùng đất quê hương. Các bông hoa hồng trong khu vườn lâu đài và khu vườn của ông cha cố. Nàng cũng trông thấy bông hoa lựu đỏ; Marie từng cài một trong số chúng lên mái tóc đen như mun của cô.

Những kỷ niệm về tổ ấm tuổi thơ nơi thôn dã rọi sáng các ý nghĩ của nàng; nàng dùng ánh mắt đầy khát khao uống lấy cảnh tượng quanh nàng, trong khi một sự náo loạn như lên cơn sốt tràn ngập nàng, dẫn nàng đi qua những căn phòng tuyệt diệu.

*
*       *

Nàng cảm thấy rất mệt, và nỗi mệt này mỗi lúc một tăng thêm. Nàng thấy cần được nghỉ trên đống gối dựa và thảm phương Đông mềm trải xung quanh, hoặc dựa vào thân cây liễu rủ để nghiêng người về phía làn nước trong vắt và gieo mình xuống đó.

Nhưng sinh vật phù du thì không có ngơi nghỉ. Chỉ vài phút nữa thôi, thời hạn sẽ chấm dứt.

Những ý nghĩ của nàng run lên, tay chân nàng run lên, nàng ngã phịch xuống bãi cỏ gần dòng nước chảy.

- Mi từ dưới đất phun lên, được hưởng một cuộc đời dài lâu! nàng nói. Hãy làm dịu mát lưỡi ta, hãy giải khát cho ta!

- Tôi không phải suối thật đâu! nước đáp. Tôi phun ra nhờ một cái máy đấy.

- Hãy trao cho ta sự tươi mát của mi, ngươi ấy, hỡi cỏ xanh, mộc thần nữ đề nghị. Hãy trao ta một bông trong số hoa thơm của mi.

- Chúng tôi sẽ chết nếu bị hái! các nhành cỏ và lũ hoa đáp.

- Hãy ôm lấy ta, mi, cơn gió mát! Chỉ một nụ hôn mang sự sống mà thôi!

- Sắp rồi, mặt trời sẽ hôn lên các đám mây và làm cho chúng đỏ rực lên! gió đáp. Và lúc đó cô sẽ ở giữa những người chết, biến mất, giống như toàn bộ vẻ rực rỡ này sẽ biến mất đi trước khi năm kết thúc, và lúc đó tôi sẽ lại có thể chơi đùa với thứ cát nhẹ nhõm trên quảng trường này, tôi sẽ thổi bụi phủ lên mặt đất, thổi bụi vào không khí, bụi ấy! Mọi thứ đều chỉ là bụi mà thôi!

Mộc thần nữ cảm thấy cùng nỗi sợ hãi như người phụ nữ, trong lúc tắm, rạch đứt mạch máu và đã bị mất hết máu, nhưng, vào đúng thời điểm ấy, lại muốn sống tiếp. Nàng đứng dậy, tiến lên vài bước, rồi lại ngã ngục xuống, trước một nhà thờ nhỏ. Cửa đang mở, những ngọn nến được thắp trên ban thờ, tiếng đàn orgue vang lên.

Nhạc mới hay làm sao! Mộc thần nữ chưa bao giờ nghe thấy những hợp âm như vậy và thế nhưng nàng tưởng đâu mình nhận ra trong đó những giọng nói thân thuộc. Chúng vọng lên từ tận sâu trái tim toàn bộ sự sáng tạo. Nàng tưởng đâu mình nhận thấy tiếng xào xạc của cây sồi già, nàng tưởng đâu mình nghe thấy ông cha cố già kể về các chiến công, những cái tên nổi tiếng, về những gì mà sáng tạo của Chúa có thể làm để trao cho một thời đại sắp tới, trao đi nhằm giành lấy cuộc sống vĩnh cửu.

Âm thanh của đàn orgue lừng lên và vang vọng, nó nói trong lúc hát:

- Ham muốn và mong mỏi của người đã giật ngươi, cùng rễ của ngươi, khỏi nơi mà Chúa đã an bài cho ngươi. Đó là chỗ lạc lối của ngươi, mộc thần nữ khốn khổ ạ!

Âm thanh của đàn orgue, êm dịu, ngọt ngào, giống như tiếng khóc, nó lịm đi như trong tiếng khóc.

Trên trời, những đám mây rực lên sắc đỏ. Gió thổi và hát: “Hãy biến đi, những kẻ đã chết, mặt trời đã lên rồi đây!”

Tia nắng đầu tiên chiếu lên mộc thần nữ. Hình bóng của nàng sáng lên, đổi màu giống như bong bóng xà phòng vào thời điểm sắp vỡ tan, biến mất và trở thành một giọt nước, một giọt nước mắt rơi xuống đất, rồi biến mất.

Mộc thần nữ khốn khổ! Một giọt sương, chỉ một giọt nước mắt, tròn xoe, đã biến mất!

*
*       *

Mặt trời bừng sáng trên tòa lâu đài của bà tiên Morgana tại Champ-de-Mars, bừng sáng trên Paris kỳ vĩ, trên quảng trường nhỏ với đám cây của nó, vòi nước và tiếng nước róc rách của nó, giữa những ngôi nhà cao, nơi có cây dẻ, nhưng các cành của nó đã rũ xuống, lá của nó thì héo, cái cây, mới hôm qua thôi còn vươn cao đầy sức khỏe giống như bản thân mùa xuân, đã chết, người ta bảo thế, mộc thần nữ đã chết, nàng đã biến mất giống như mây, chẳng ai biết là về đâu.

Trên mặt đất có một bông hoa dẻ đã tàn, nhàu nhĩ, nước thánh của nhà thờ không làm được cho nó quay trở lại với sự sống. Bàn chân con người sớm giẫm lên nó, biến nó thành cát bụi.

*
*       *

Mọi chuyện ấy đã xảy đến và đã được trải qua.

Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến, hồi Triển lãm Paris, năm 1867, vào thời của chúng ta, vào thời đại kỳ vĩ tuyệt diệu của truyện cổ tích.





Andersen: "Năm hạt đậu nhỏ chui ra từ vỏ đậu", "Đứa trẻ tật nguyền", "Thiên thần"
Andersen: Cây đèn đường cũ
Andersen: Con gái chúa tể đầm lầy
Trở về cổ điển: Andersen


10 comments:

  1. Tôi thấy Nhị Linh bỏ nhiều thời gian để nghiên cứu thì tốt hơn là ngồi dịch mấy truyện này

    ReplyDelete
  2. Ông bà Anonymous ở trên để yên cho người ta được đọc chùa nào

    ReplyDelete
  3. Ano1218: nếu lời khuyên của bạn có vẻ có ích, thì bạn đã chẳng ở đây. Cảm ơn Anh Dũng vì đã khai mở mảnh đất này.

    ReplyDelete
  4. Andersen tiên tri về DisneyLand. nàng tiên gỗ nghĩ mình vào Paris, nhưng thực ra bị dẫn vào disneyland. "Thời đại của chúng ta là thời đại của truyện cổ tích." Aha.
    nhìn từ cái nhìn của "nàng" thật đúng là một "xã hội cảnh tượng."

    ReplyDelete
  5. những truyện viết về giai đoạn sau, nhất là cuối đời của Andersen có một cái gì đó rất khác, kỳ lạ hơn, tuy có thể nói là ít "cổ tích" hơn

    ReplyDelete
  6. đây mới là một sample tuyệt đích về "chủ nghĩa lãng mạn."
    một chuyến khai tâm.
    nó soi rọi vào và gợi lên cái cảm giác nghẹn ngào từ đâu đó rất sâu, đại khái giống như giọng của con chép vàng "trong trắng" với cái lưỡi câu trong cổ.
    "Mọi chuyện ấy đã xảy đến và đã được trải qua." - câu này tương đương với dấu "Imprematur" đảm bảo đây là một bản của Kinh Thánh. hehe tất nhiên nếu Church mà toàn những ông thánh như này thì thiên hạ đã phúc!

    ReplyDelete
  7. đoạn con chuột dưới cống ngầm nói về Mụ Dịch Hạch chính là chỗ một cái gì đó rất "essential" của "lãng mạn" được phát biểu đấy

    ReplyDelete
    Replies
    1. ok. một truyện "toàn bích" - nếu có thể dùng cái từ cổ lỗ í.
      đoạn về cống ngầm gây tăng adrenaline đột ngột haha

      Delete
  8. Cao An Vũ

    “Oscille mollement sur ses frêles vertèbres/ Ô charme d'un néant follement attifé.”

    ReplyDelete