Sep 9, 2017

Nguyễn Tuân không

Nguyễn Tuân không chỉ khiến tôi thấy cần đặt câu hỏi: Nguyễn Tuân đã làm gì, mà cùng lúc, mỗi lúc cảm giác càng mạnh thêm, cũng cần đặt ra câu hỏi ngược lại, Nguyễn Tuân đã không làm gì? Cái này trùng lên cái kia, cái kia chập lên cái này. Rất nhiều tầng. Nhưng tại sao lại như thế?

Một sự không nổi lên càng lúc càng rõ rệt hơn trước tôi, một sự không vô cùng đơn giản. Nó nằm trong một sự hiển nhiên quá mức lớn, thành thử không dễ... không dễ gì nhỉ: không dễ articuler.

Đó là Nguyễn Tuân không làm thơ. Ít nhất, ta không thể nói đến một Nguyễn Tuân nhà thơ.

Nhận ra điều hiển nhiên này rồi, tôi bỗng có một trực giác rất lớn, là tôi đang tiến lại gần một cái gì đó hết sức quan trọng, với ý nghĩ rất lớn. Là cái gì, tôi hoàn toàn không biết.

Nhưng hãy quay trở lại với một số lập luận đơn giản. Dẫu thế nào, dẫu thế nào thì cũng vẫn phải... cũng vẫn phải gì nhỉ? Cũng vẫn phải không quá mức.

Nguyễn Tuân ở sát sạt thơ và tính thơ, nhất là trong Vang bóng một thời. Lúc đầu, không phải "vang bóng", mà là "vang và bóng". Nhưng vang là gì, bóng là gì? Là âm thanh và hình ảnh, và đều là từ một nơi xa, từ một khoảng cách nhất định. Nếu không có khoảng cách, nhất định không thể có vang của âm vọng, không có bóng in lên một bề mặt. Rõ ràng, không thể rõ ràng hơn được nữa: con đường của Nguyễn Tuân không phải là con đường đi từ trong ra ngoài, mà là từ ngoài vào trong, ít nhất là có khoảnh khắc ở ngoài, khoảnh khắc của khoảng cách. Nhưng trong cái gì và ngoài cái gì? Dường như, câu hỏi chính yếu nằm ở đây.

Và, bản thân "khoảnh khắc" nghĩa là gì? Các khoảnh khắc, rất nhiều khoảnh khắc cộng lại thì làm nên một cái gì đó gọi là thời gian ư? thậm chí, làm nên sự vĩnh cửu ư? Không, phải là ngược lại: không phải vĩnh cửu chứa đựng khoảnh khắc, mà là khoảnh khắc chứa đựng sự vĩnh cửu. Vĩnh cửu chỉ là một thuộc tính của khoảnh khắc.

Vả lại, khoảnh khắc thì đối lập với thời gian (Paul Valéry).

Từ xa, từ một khoảng cách, "vang" và "bóng". Tức là, nói tóm lại, ở một thời điểm nào đó, cơ chế vận hành là cơ chế của ảnh hưởng. Và ảnh hưởng thì có sức mạnh không? Không, trong tất tật mọi thứ, ảnh hưởng có lẽ là thứ gây ảo tưởng về sức mạnh chứ bản thân nó không có sức mạnh. Sức mạnh quá yếu.

Nguyễn Tuân không làm thơ, có lẽ vì giữ khoảnh cách, vì thơ thì quá hiển nhiên. Nhưng có ai thoát nổi thơ đâu? Vũ Trọng Phụng cũng làm thơ nốt, xem ở kia.

Tôi nhớ đến một điều gì đó dường như rất liên quan. Đó là Ezra Pound:


(chính nhờ tập tiểu luận này, ta bỗng có cơ hội đặt T. S. Eliot vào thế đối sánh với Pound, một cách trực tiếp: rất đáng kinh ngạc, Eliot quá thấp so với Pound; ta thấy Pound đã đúng đến mức nào khi tuyên bố - một cách hách dịch, đúng, nhưng rất đúng - rằng Yeats là người cuối cùng trong toàn bộ "khối Anh" làm ra được thơ lớn; kể từ sau Yeats, chỉ có các nhà thơ lớn người Mỹ; ta cũng thấy Cioran đúng đến mức nào khi nói đến Eliot - toàn bộ câu chuyện này sẽ quay lại sau)

trong tập tiểu luận, bài này hết sức quan trọng:


How to Read và ABC of Reading (không có trong tập sách này, vì bản thân nó đã là một cuốn sách) thuộc vào một số rất nhỏ tiểu luận văn chương vĩ đại của toàn bộ lịch sử.

Pound nhìn ra một điều: câu chuyện khởi đầu từ Stendhal, Stendhal là người đầu tiên bỗng đặt ra câu hỏi, tại sao lại cứ phải là thơ? Sau Stendhal, Flaubert chứng minh rằng thơ không quan trọng bằng văn xuôi. Toàn bộ câu chuyện văn chương phương Tây đảo lộn từ đó. Thơ đánh mất đi bản thể vào tay văn xuôi.

Tiểu thuyết là gì? Tiểu thuyết nghĩa là "sử thi", nhưng không có bài học luân lý nào rút ra. Ai nói điều này nhỉ? Tôi không nhớ rõ, có lẽ là Lukács. Còn Roland Barthes thì nói, tiểu thuyết là cái chết, bởi vì nó biến cuộc đời thành số phận.

Tức là, nói tóm lại, cần phải giữ khoảng cách với thơ.

Cho nên, một số người quay lưng đi với thơ. Trong số ấy, cần phải tính Nguyễn Tuân.

Tức là, Nguyễn Tuân không làm một điều lẽ ra phải làm.

Nhưng đồng thời, Nguyễn Tuân lại  làm một điều mà ta cứ tưởng đâu Nguyễn Tuân sẽ không làm: tuy trông vậy thôi, Nguyễn Tuân lại cũng  đi tù, giống rất nhiều người khác. Giống hầu như tất tật những người khác. Nhất là lần đi tù thứ hai, đầu thập niên 40. Nhưng tại sao Nguyễn Tuân lại đi tù, cái lần ấy? Dường như chưa có bất kỳ ai đặt ra câu hỏi này. Nhưng nó sẽ giải thích cho gần như toàn bộ câu chuyện văn chương Việt Nam.

Ít nhất thì ta cũng biết, qua một lời chứng, rằng quãng 45-46, Nguyễn Tuân rất thân cận với Khái Hưng, xem ở kia.




NB. đã tiếp tục Maldoror




Khái Hưng Nguyễn Tuân
Văn chương Nguyễn Tuân: hai khía cạnh
Nguyễn Tuân đọc sách (tiếp nữa)
Chateaubriand
Chùa Đàn
Nguyễn Tuân đọc Kiều
Cát bụi chân ai
Khái Hưng vs Nguyễn Tuân
Nguyễn Tuân đọc sách (tiếp)
Nguyễn Tuân đọc sách
Một truyện ngắn của Nguyễn Tuân
Văn chương của đứt đoạn
Tâm sự của nước độc

4 comments:

  1. thật may Nguyễn Tuân không làm thơ, đã có quá nhiều thơ trong thời của ông. Tránh hẳn thơ với người như Nguyễn Tuân có lẽ là một lựa chọn đúng.

    Trần Bình

    ReplyDelete
  2. a, thừa tướng cũng có quan tâm đến mấy chuyện này à? :p

    ReplyDelete
  3. đôi khi, rất có thể, sâu xa là do bất lực thôi. bất lực cũng là một phương thế nhận thức. và là một cách cũng được gọi là "khôn ngoan."
    "thơ" sinh cùng chỗ cùng thời với tôn giáo và tính tôn giáo mãi mãi vẫn là cành cây vượt sông của nó và hẳn vì thế nó có từ chối chỗ cư ngụ nào đâu: những đoạn phân tích về hiện tượng "người nói" của Merleau-Ponty là những đoạn thơ kém gì Maldoror nhỉ. và những "maxim" của Cioran đọc khác gì đọc thơ Basho.
    thứ các nhà thơ tìm kiếm, dù hầu hết không nhận ra hay tự nhận ra, là một "ngôn ngữ thuần túy", mà đấy, M-P phân tích cái impossibility của chúng. và phân tích đó cũng cho một hệ quả nữa: văn xuôi cũng chẳng làm gì khác hơn, dù tất nhiên theo những đường lối hoàn toàn khác.

    ReplyDelete
  4. mặt ông cụ trong bìa phúc hậu quá

    ReplyDelete