Mar 18, 2018

Hà Nội từ 1947 đến 1954: Thế còn năm 1949?

Trước tiên: xem ở kia. Và trước tiên, phải khẳng định một điều: tất tật sử gia, từ người Việt Nam cho đến người nước ngoài, đã hoàn toàn thất bại với giai đoạn "Hà nội 47-54".

Xác định được một người ở đâu vào thời điểm nào là một chuyện, nhưng biết người đó làm những gì vào thời điểm ấy lại là một chuyện khác hẳn. Sau 1948, Nhượng Tống làm gì vào năm tiếp theo, 1949? Về cuối năm 49, Nhượng Tống sẽ bị ám sát, nhưng còn trước đó thì sao?

Dường như báo chí Hà Nội từ 1947 có một chức danh là "giám đốc chính trị"; Nhượng Tống từng giữ chức danh này; cùng giai đoạn, "giám đốc chính trị" của một tờ báo khác (không phải tờ báo mà Nhượng Tống tham gia) là Xích Đạo; chúng ta sẽ còn quay trở lại với nhân vật Xích Đạo sau.

Xét về tổng quan, Cải tạo (đây là một tuần báo, đoạn đầu có yếu nhân là Đào Trinh Nhất, Đào Trinh Nhất ngay trước khi chết) là tờ báo quan trọng nhất, là xương sống nếu muốn nhìn thấy giai đoạn Hà Nội 1948-1949; cho tới khi Cải tạo ổn định (và sẽ ra rất nhiều số - có thể tính thời điểm đó là 49-50), nhiều tờ báo khác kết thúc hoạt động (có thể nói, không cạnh tranh được; nhiều cộng tác viên của các tờ ấy chuyển qua Cải tạo; sau 50, có thể coi là một thời kỳ mới của những tờ báo Hà Nội, có tính chất rất khác, trong đó Cải tạo sẽ chịu những cạnh tranh kiểu khác - tôi sẽ còn quay trở lại), đó là những tờ như Thời sự, Lẽ sống, Công tội, Tự do... (tôi sắp hoàn thành được danh mục chuẩn xác tất cả các tờ báo ra tại Hà Nội từ 1947 cho đến đầu thập niên 50: trong số đó, một số là nhật báo, một số khác không phải là nhật báo; ngoài báo, còn có các tạp chí, tôi cũng sẽ dành nhiều số của "chuyên đề của tôi" cho các tờ tạp chí, chúng quan trọng vô biên, và tất nhiên với báo và tạp chí, chúng ta sẽ thấy không hẳn là ta không biết được gì về thời kỳ ấy, như sử gia lừng danh Philippe Papin từng ngậm ngùi trong một cuốn sách nổi tiếng, trong đó chương viết về thời 47-54 sử gia quan trọng của EFEO mạt kỳ [năm 1983 EFEO bắt đầu mở lại hoạt động tại Hà Nội, giám đốc đầu tiên không phải Papin] chỉ dùng đúng một cuốn sách, mà lại là một cuốn sách đặc biệt vớ vẩn).

Quay trở lại với Nhượng Tống của năm 1949 (trước khi bị ám sát, như đã nói). Ở kia, ta thấy có "vở ca kịch" mang tên Trời Nam mưa gió. Nó quả thật đã được diễn tại Hà Nội năm 1949. Dưới đây là quảng cáo cho buổi diễn, mà tôi tìm được trên một tờ báo của giai đoạn ấy:


Sử gia Philippe Papin rất ngậm ngùi, với tư cách một con người tận tâm, nói thật đáng tiếc vì ngày nay chúng ta không biết được người Hà Nội hồi ấy làm gì, nghĩ gì. Nhưng chúng ta vẫn biết là họ hay đi xem hát, ở chính cái nhà hát bắt chước (tương đối thành công) Opéra Garnier parisien mà:


(dựa vào bức ảnh trên đây, có thể thấy cuối tháng Hai năm 1949, Nguyễn Văn Xuân có mặt ở Hà Nội)

Và nữa: các sử gia người Pháp chắc sẽ rất khó chịu khi đọc báo chí thời này ở Hà Nội (đấy là giả dụ có đọc được, nhưng tôi tin chưa một ai trong số đó sờ vào tờ nào), vì người Hà Nội của đoạn 47-54 đặc biệt chống người Pháp. Đó là sự căm ghét rất lớn. Điều này có lẽ (tương đối) giải thích chuyện rất nhiều thứ chuyển vào trong Nam, đặc biệt là các cơ sở nghiên cứu của người Pháp; tuy nhiên ở Hà Nội, như chúng ta đã biết, xem ở kia, có vài người Pháp rất quan trọng, như Maurice Durand, người bạn thân thiết của Nguyễn Văn Huyên, nhưng nhất là Paul Lévy - tôi nghĩ các nhân vật của EFEO hiện nay không thực sự biết về Paul Lévy, nhưng đó là một nhân vật rất lớn; tôi sẽ còn trở lại với Lévy.

Thêm một điều:


Như vậy, ở thời điểm này, Phạm Mạnh Phan ở Hà Nội, và có viết báo. Có ai còn nhớ Phạm Mạnh Phan không nhỉ? xem ở kia. Đây cũng lại là một nhân vật rất đặc biệt; tôi sẽ còn sớm quay trở lại với Phạm Mạnh Phan.


Giờ, ta chuyển qua Ngọc Giao: lại là Ngọc Giao, nhân vật rất quan trọng trong các tìm kiếm của tôi, như đã thấy ở kia. Nhưng khi tìm kiếm, ta phải có một số nhân vật chính chứ, nếu không thì tìm cái gì đây?

Trước khi tiếp tục, có một điều cần nói ngay: Ngọc Giao giờ đây không còn xa lạ, rất nhiều người đã đọc Ngọc Giao trong vòng ba mươi năm vừa rồi, nhất là trong vòng trên dưới chục năm vừa rồi, và không ít người đã làm Ngọc Giao, trong đó có các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, chẳng hạn Phong Lê (alias Lê Phong Sừ) hay thuộc thế hệ mới hơn: Trần Ngọc Hiếu. Nhưng chưa bao giờ có một danh mục tác phẩm đầy đủ tác phẩm Ngọc Giao. Mọi danh mục Ngọc Giao cho đến giờ phút này không chỉ thiếu, mà còn rất sai.


Rất có khả năng, nhiều (rất nhiều) nhà nghiên cứu văn học ở Việt Nam không thể lập được danh mục tác phẩm của bất kỳ tác giả nào, mặc dù họ có thể viết nhiều bài nghiên cứu về chính tác giả ấy, thậm chí viết lời tựa cho những tác phẩm của tác giả ấy. Cũng như, tôi nghĩ gần như không một ai trong giới nghiên cứu văn học Việt Nam thực sự biết chính cái đã trở thành đối tượng cho luận án tiến sĩ của họ, cái đã giúp họ có danh hiệu "nhà nghiên cứu" và một số thứ đi kèm: ta có (những) người làm luận án tiến sĩ về Edgar Poe, nhưng không có bất kỳ chuyên gia nào về Poe hết.

Vì sẽ còn quay trở lại kỹ lưỡng với Ngọc Giao, ở đây sẽ chỉ nói đến một điều nho nhỏ: Đất là một cuốn tiểu thuyết của Ngọc Giao, niên đại rất sát với Quán gió (ở dưới tôi sẽ quay lại một chút với Quán gió). Nó đây:


(chỗ giấy bị thủng: "Tiểu thuyết Cách mạng")

Không phải nhà xuất bản Ngày mai như Quán gió nữa, mà lần này là nhà xuất bản Cây thông. Tôi sẽ còn quay trở lại với nhà xuất bản Cây thông.


Có cả địa chỉ cụ thể, và tên người:


Tựa (ngắn) của Tam Lang; về Tam Lang Vũ Đình Chí thời Hà Nội 47-54, xem thêm ở bài "Sách trong thành phố":


À, nhưng tại sao Tam Lang lại viết tựa cho cuốn tiểu thuyết này của Ngọc Giao?

Những câu hỏi như vậy sẽ dẫn tới cả một loạt hệ quả. Người ta viết tựa cho nhau nếu thân nhau (ít nhất là thời điểm), như ta từng thấy Lưu Trọng Lư viết tựa cho tiểu thuyết của Nhượng Tống (xem ở kia). Thời điểm 49-50, như vậy, Tam Lang và Ngọc Giao thân nhau? hay ít nhất là gần gũi với nhau?

Cho đến lúc này, tôi thấy chưa một ai tìm ra một chi tiết: Đất trước khi in thành sách như thấy ở trên đây, đầu năm 1950, tại nhà xuất bản Cây thông, đã được đăng phơi ơ tông trên báo. Và tờ báo ấy có Tam Lang là chủ bút, Ngọc Giao là Tổng thư ký tòa soạn. Một quan hệ rất dễ dẫn tới việc viết lời tựa cho nhau. Tôi sẽ còn quay trở lại với tờ báo này, và sự đăng feuilleton của Đất (sự đăng phơi ơ tông này có nhiều điểm rất quái dị).

À mà nói thế thôi, hình như chưa hề có nhà nghiên cứu nào từng đọc Đất.

Thêm một điểm nữa, vẫn liên quan đến Đất: trong nhiều năm, tôi nghe nói đến một bản thảo thất lạc, và cụ thể đó là phần tiếp theo của Đất, mang tên Xã Bèo người của đất (Xã Bèo là tên nhân vật chính của Đất). Tôi nghĩ nhiều khả năng không phải như vậy: người ta nghe loáng thoáng về một cái gì đó mang tên "Xã Bèo người của đất" và vì không thấy có cuốn sách nào đã in của Ngọc Giao mang nhan đề như vậy nên tưởng đó là một bản thảo đã mất. Đấy là vì chưa bao giờ sờ tận tay vào quyển Đất của Cây thông năm 50.

Nhưng rất có thể đó chính là phần vĩ thanh, phần phụ lục, gọi là tên gì cũng được, của chính Đất, và phần ấy tên chính xác là "Xã Bèo người của đất", như dưới đây:






Quay trở lại một chút với Quán gió:

Ấn bản mới đây của Quán gió nói chính xác đó là cuốn sách đầu tiên in ở Hà Nội sau 19 tháng Chạp năm 1946. Và nói như vậy là vì tìm được một bài báo trên Tiểu thuyết thứ bảy vào thời điểm sách mới ra đời, nó nói chính xác như thế. Như vậy, tôi đi bằng một con đường khác (chỉ thông qua suy luận) nhưng rốt cuộc cũng đi đến được cùng kết quả (tôi đã không tìm thấy, lúc trước, bài đó của Tiểu thuyết thứ bảy, và xác định Quán gió là cuốn sách đầu tiên thông qua một loạt so sánh): chính xác hơn, tôi đã xem Quán gió ở ấn bản nhất, Ngày mai, chứ không phải ấn bản nhì, Hương sơn; ấn bản nhì có thêm một số chi tiết; hồi đó cũng có người thắc mắc, Quán gió ấn bản Hương sơn mới là bản nhất: giờ đã có thể khẳng định, bản Ngày mai là bản nhất, bản Hương sơn là bản nhì.


Vì sẽ còn quay trở lại kỹ lưỡng với Ngọc Giao, dưới đây chuyển qua (để giải trí) một quyển sách in cùng giai đoạn, hơi muộn hơn một chút: tiểu thuyết Nhìn xuống của Sao mai, nhà xuất bản Thăng Long. Tranh bìa của Bùi Xuân Phái:




Một "lời nói đầu" (không ngắn) của nhà xuất bản:










Năm 1948 Nhượng Tống ở đâu?
Hà Nội từ 1947 đến 1954: Đầu tiên và cuối cùng
Hà Nội từ 1947 đến 1954: Dân Việt Nam
Hà Nội từ 1947 đến 1954: Ông Thủ hiến nói
Hà Nội từ 1947 đến 1954 (3) Sách trong thành phố
Hà Nội từ 1947 đến 1954 (2) Thế hệ
Hà Nội từ 1947 đến 1954 (1)
Đoạn cuối của Khái Hưng
Ngày 19 tháng Chạp năm 1946

5 comments:

  1. iceberg của nhật-trình, A Yellow Submarine của Hà-nội, những mảnh xương "voi" của Cuivier, aha và rốt cục, những ông thần đất của Tạ Chí Đại Trường, cứ từ từ tiến vào đội ngược đám phông màn thành ra ngày 6 tháng 21.

    ReplyDelete
  2. It is not my first time to go to see this website,
    i am visiting this website dailly and get fastidious information from here
    every day.

    ReplyDelete
  3. tôi muốn hỏi bác là làm thế nào mà bác keep tracks được tất cả những gì bác làm trên blog này, nhìn loạn cả lên nhưng đọc thì thấy rất hệ thống, tôi theo dõi loạt bài này cứ tưởng bác đã drop rồi nay lại thấy bài mới, rất cảm ơn.

    ReplyDelete
  4. nếu nhất thiết phải trả lời, tôi sẽ nói là tôi chẳng làm gì cả, nói đúng hơn, tôi để cho mọi thứ tự sắp xếp lại

    nhân tiện, tiếp theo và hết

    ReplyDelete
  5. khảo xát rồn rập các phối hợp thể thế này thì bọn người đọc không ngộ độc mới lạ.

    ReplyDelete