Càng ngày, văn chương miền Nam với tôi càng là văn chương của những nhà văn sau này ít được nhắc tới. Phần lớn chọn thái độ im lặng, một sự im lặng rất dễ làm người ta tưởng rằng sự nghiệp trước đây của họ không đồ sộ.
Mặc Đỗ là một trong số những nhà văn ấy. Có lẽ lần đầu tiên tôi nhìn thấy tên Mặc Đỗ là ở một bài điểm sách đăng trên tờ Sáng tạo, Mặc Đỗ đã chê cuốn Nam et Sylvie của Phạm Duy Khiêm một cách rất kỹ càng.
Mặc Đỗ cuối thập niên 50 là như thế này:
Bốn mươi và Siu cô nương: hai cuốn tiểu thuyết rất sớm sủa của văn chương miền Nam (sở dĩ có thêm Ý văn của Tam Ích là vì cuốn sách này dành một phần để phê bình Mặc Đỗ).
Mặc Đỗ, giống Khái Hưng, thuộc kiểu nhà văn đợi rất lâu rồi mới thực sự bắt đầu văn nghiệp. Khái Hưng viết tác phẩm đầu tay, Hồn bướm mơ tiên, ở tuổi ba mươi sáu, ba mươi bảy, còn Mặc Đỗ, như nhan đề Bốn mươi đã thể hiện, ở tuổi tứ thập mới bắt đầu viết văn (tất nhiên trước đó cả Khái Hưng và Mặc Đỗ đều đã có viết, chỉ có điều là chưa thực sự bắt đầu). Những người khởi đầu muộn rất khác với các nhà văn thành danh từ tuổi mười tám, đôi mươi.
Văn chương của Mặc Đỗ điềm đạm, hay được đánh giá là "tiểu tư sản", đi vào các vấn đề cốt yếu, kèm không ít suy tư chính trị, kể cả trong Siu cô nương, với "Siu" là một cô gái điếm.
Tôi quan tâm nhất đến khía cạnh "rời bỏ Hà Nội" ở các nhà văn giai đoạn này. Trong thập niên 50, các tác phẩm xuất hiện ở miền Nam rất nhiều là sự từ bỏ Hà Nội. 1955-1956 là Đêm giã từ Hà Nội rực rỡ của Mai Thảo, Hà Nội và vực thẳm, bóng tối. Vài năm sau là Bốn mươi và Siu cô nương của Mặc Đỗ. Một thời gian ngắn sau đó, ở những tác phẩm đầu, Dương Nghiễm Mậu tiếp tục chủ đề giã từ Hà Nội, đất Bắc đau thương và oan nghiệt.
Những nhà văn từ đất Hà Nội ra đi, sau này thường trầm lắng:
Hay, gần gũi với Mặc Đỗ hơn nhiều, cùng nhóm Quan Điểm (ba nhân vật chủ chốt là Nghiêm Xuân Hồng, Vũ Khắc Khoan và Mặc Đỗ; người ta có nói đến sự hiện diện trong nhóm của các nhân vật kiểu Lê Quang Luật, nhưng có vẻ là không phải, mà thực sự chỉ có ba nhà văn kia), Vũ Khắc Khoan:
Không ít tác phẩm trong hai tập sách trên đây của Vũ Khắc Khoan đã xuất hiện lần đầu tiên trên một tờ tạp chí ở Hà Nội: tờ Phổ thông. Không phải tờ Phổ thông của Nguyễn Vỹ bắt đầu ra từ năm 1958 ở Đà Lạt, sau một thời gian thì tiếp tục ở Sài Gòn (mấy số đầu có bản dịch Buồn ơi chào mi) mà là tờ Phổ thông tồn tại 27 số trong vài năm cho tới 1954. Tờ tạp chí ấy, giờ đây ít người biết, rất dễ nhớ, không chỉ vì nó là của các nhân vật trong ngành luật, mà còn bởi các nhân vật chủ chốt toàn họ Vũ: Vũ Văn Mẫu, Vũ Quốc Thúc, Vũ Trọng Thông, Vũ Hoàng Chương, Vũ Khắc Khoan.
Cách đây vài tháng, một nhà văn của Sài Gòn ngày xưa gọi điện cho tôi, bảo đang ở Hà Nội và rủ tôi đi uống bia. Mượn cái ô của nhân viên khách sạn, chúng tôi đi bộ ra quán bia tròn đầu dốc Hàng Than-Yên Phụ. Mưa rơi như trút, mưa sa trên màu sắc buồn bã của một khu hiếm hoi Hà Nội vẫn còn gợi nhớ toàn vẹn một Hà Nội xưa cũ tưởng chừng như chỉ còn đọng lại trong tâm khảm và những trang buồn thê thiết của những con người từng phải bỏ đi. Nhà văn ấy đặc biệt gắn bó với nơi này, cái chốn ông sống hồi còn nhỏ, ông kể cách đó không xa là trường Chu Văn An, một cái trường vô cùng đặc biệt trong cuộc phân ly cách đây hơn nửa thế kỷ: thầy và trò ở đây một phần chuyển vào Sài Gòn để tiếp tục làm thầy và trò thêm một thời gian nữa, rồi sau đó một phần học trò trở thành đồng nghiệp với thầy. Những ông thầy như Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Sỹ Tế, và rất nhiều học trò. Mưa cứ tiếp tục rơi không ngừng, chúng tôi đã uống đến cốc bia thứ ba, mưa là thứ duy nhất nối gọi được một quá vãng quay trở về, trong những bụi nước và trong cái khí lạnh tưởng chừng càng lạnh thêm của một chớm đông kêu gọi các linh hồn trở lại.
Nền dịch thuật Việt Nam được nhờ cậy rất nhiều ở những con người chín chắn như Mặc Đỗ. Ở miền Nam trước đây rất ít người dịch văn chương cổ điển; Mặc Đỗ chính là người dịch César Birotteau của Balzac. Mỗi thời kỳ, độc giả Việt Nam lại cần đến một vài dịch giả vô cùng hiểu biết và có những lựa chọn tuyệt vời như thế: Mặc Đỗ, đó là Scott Fitzgerald, Alain-Fournier, là Climats của André Maurois, và rất nhiều điều đặc biệt nữa, là sự lựa chọn rất bản lĩnh giữa khi miền Nam đang có những cơn say sưa theo hướng khác. Văn dịch của Mặc Đỗ hơn rất nhiều so với một số nhân vật sau này rất nổi tiếng, như Cô Liêu Vũ Đình Lưu, nhất là Hoài Khanh.
Mặc Đỗ của gần đây hơn:
Với Mặc Đỗ, không có "hải ngoại" mà có "biển ngoài".
Hình ảnh về cái máy chữ của Mặc Đỗ:
Chú thích về cái máy chữ, do Mặc Đỗ gõ trên cái máy chữ mới, sau khi cái máy chữ cũ bị rơi hỏng mất:
(chú thích nguồn ảnh: bắt chước theo đúng một trường phái nghiên cứu văn học hiện nay đang phát triển nở rộ: "Nguồn: Internet")
thêm bonus :p
ReplyDeleteSự nghiệp trước tác của Nghiêm Xuân Hồng thế nào bạn Nhị nhỉ? (xin phép lạc đề một chút. Anh ruột của ông là Nghiêm Xuân Cẩn xuất gia rất sớm, trở thành trụ trì chùa Một cột ở Hà Nội và có lẽ là một trong những trụ trì cuối cùng ngoài quốc doanh).
ReplyDeleteđể tôi viết riêng về Nghiêm Xuân Hồng nhé, bác đợi mấy hôm
DeleteKhông biết có tình cờ không mà RFA có một bài dài về Mặc Đỗ.
ReplyDeletexin giới thiệu với các bác.
maybe not ;)
Deletekhông tình cờ hả bác Nhị Linh? Năm sinh của Mặc Đỗ nơi kêu 1917 nơi lại kêu 1920, không biết ở đâu chính xác hơn.
ReplyDeleteMặc Đỗ sinh năm 1917
Deletethêm bonus nữa, về cái máy chữ của Mặc Đỗ :p
ReplyDeleteZzz Review, một tạp chí văn chương online, độc lập, phi lợi
ReplyDeletenhuận, mời 200 tác giả, nhà phê bình, nhà nghiên cứu, dịch giả uy tín, bình chọn những tiểu thuyết Việt Nam xuất sắc nhất thế kỷ 20. https://docs.google.com/forms/d/e/1FAIpQLSfYmVlpZ4YlqjnshI3H6qFHB0aGakXmIK3KvVWjunROt8RI5Q/viewform