May 14, 2019

Nguyễn Văn Vĩnh

Đã kết thúc đoạn trích Nguyễn Văn Vĩnh dịch Miếng da lừa của Balzac (về Miếng da lừa, Nguyễn Văn Vĩnh bình luận: "Sách này là sách hay nhứt của Balzac tiên-sinh" - tôi nghĩ là Nguyễn Văn Vĩnh không hề nhầm lẫn trong sự nhìn nhận riêng).


Nguyễn Văn Vĩnh là một con người của hình thức.

Tháng Năm năm 1936, Nguyễn Văn Vĩnh qua đời: chỉ trong vòng mười năm, câu chuyện Việt Nam có hai người chết trôi sông, người thứ hai là Khái Hưng. Ở thời điểm cái chết của Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố viết một bài tưởng niệm, cho đến giờ đó vẫn là tài liệu chân xác nhất về không chỉ sự nghiệp (nhan đề bài viết có từ "sự nghiệp") mà còn về con người Nguyễn Văn Vĩnh - một tiểu luận đi tới được rất gần một điều: sự thật Nguyễn Văn Vĩnh. Một năm sau đó, tháng Năm năm 1937, tờ L'Annam Nouveau (một trong những tờ báo quan trọng nhất của Nguyễn Văn Vĩnh) đăng lại trích đoạn bài viết ấy, dịp giỗ đầu. Nguyễn Văn Vĩnh thì tự làm cho mình xuất chúng với bản dịch Télémaque của Fénelon (một trong những bản dịch quan trọng nhất của Nguyễn Văn Vĩnh), thì Nguyễn Văn Tố, người đồng chí trong nhiều thời điểm (cũng là một người hiếm hoi ngang hàng với Nguyễn Văn Vĩnh) tự nâng mình lên mức độ của Bossuet, thiên tài của những bài điếu văn (oraison funèbre).

Bossuet và Fénelon của Việt Nam không dùng các bài giảng đạo và không viết những tác phẩm chủ yếu dùng để răn dạy vua và con vua, nói ngắn gọn là hoàng tộc, mà họ thực hiện công việc biến đổi tinh thần (chung) qua các tờ báo (Đông Dương tạp chí nêu tôn chỉ của mình ngay trên bìa: "vulgarisation" và Hội Trí Tri thì: "tiên trí kỳ tri").

Có hình thức và hình thức: ở một số thời điểm trọng yếu, hình thức trở nên cần thiết - một tất yếu. Dante, Shakespeare hay Nguyễn Du thuộc vào câu chuyện ấy. Con người của hình thức Nguyễn Văn Vĩnh đi một con đường riêng, trước hết để thực hiện một điều: thoát khỏi sự tầm thường chung.

Bởi vì đó là thời của sự tầm thường. Dẫu cho mọi miêu tả (hồi cố hoặc tưởng tượng) có là như thế nào, có gắng sức bao nhiêu để nhấn mạnh vào sự sáng sủa và xuất sắc, thì thời thuộc địa Pháp ở Đông Dương vẫn là thời có yếu tính là tầm thường: trên nền thuộc địa Indochine, hai sự tầm thường nhìn nhau, sự tầm thường của các nhà thực dân Pháp (EFEO, nhất là EFEO: một cái ổ của sự tầm thường) và sự tầm thường của người bản địa (Phạm Quỳnh là một yếu tố lớn: người bạn thân của Louis Marty từ đầu đến cuối nằm trong cái hố đặc trưng nhất của sự tầm thường: cái hố của các đặc quyền). Sự tầm thường sẽ còn lặp đi lặp lại rất nhiều trong câu chuyện Việt Nam, cũng lặp lại những nỗ lực (hồi cố và tưởng tượng, và mị dân) để nâng các đoạn thời gian lên khỏi mức tầm thường cố hữu của chúng: chẳng hạn, những người cuồng tín Liên Xô coi chế độ Xô viết là thời hoàng kim chưa từng có; ngay lúc này, những người nouveau riche Việt Nam rả rích chơi trò nostalgia với thời bao cấp.

Sự đồ sộ của Nguyễn Văn Vĩnh ("sự đồ sộ": ý nghĩa thứ nhất của hình thức) tỉ lệ thuận - điều này là hiển nhiên tại một cái xứ không bao giờ bớt ngập tràn sự tầm thường, vào mọi thời - với sự không biết gì (đúng hơn, sự lờ đi) trong suốt một thế kỷ về hình thức đồ sộ ấy. Câu chuyện Nguyễn Văn Vĩnh toát lên một sắc thái (nữa) của sự giả dối: ai cũng nói Nguyễn Văn Vĩnh là một nhân vật lớn. Nhưng không một người nào nói được là thực sự lớn như thế nào. Xét cho cùng, câu chuyện Nguyễn Du lặp lại: như thể có một thời độ chuẩn cho những hình thức thực sự lớn. Cả Nguyễn Du cũng cần đủ một trăm năm để bắt đầu được nhìn thấy - được nhìn thấy hình thức.

Đón lõng Nguyễn Văn Vĩnh trong một thế kỷ vừa qua là các đoạn của chiêu hồi. Phần lớn người của các thời kỳ sau nhìn Nguyễn Văn Vĩnh qua lăng kính của Đắc Lộ thư xã (Alexandre de Rhodes) của thập niên 40 của thế kỷ 20. Nhưng Đắc Lộ thư xã là một cách thức chiêu hồi: hình ảnh Nguyễn Văn Vĩnh (hay Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, etc.) thông qua đó đã bị biến dạng, nhất là bị vo tròn, bị chuốt cho hết các cạnh sắc. Đó là một giai đoạn không nhỏ của chiêu hồi, trên nhiều bình diện và theo nhiều nghĩa (xem thêm ởkia). Nhưng, chiêu hồi chỉ là một trong vô vàn cái tên của sự tầm thường.

Sự tầm thường thì luôn luôn tìm cách chiêu hồi. Nguyễn Văn Vĩnh, ở thời hiện nay, thì bị kẹt vào giữa (ít nhất) hai khuynh hướng của chiêu hồi (tức là, biểu hiện của sự tầm thường): một bên là tập đoàn nhà nghiên cứu thuộc đủ mọi lứa tuổi và trường phái, họ ra sức ủn Nguyễn Văn Vĩnh vào một cái khuôn nào đó, "nhà xã hội học", "nhà dân tộc học" etc. chẳng hạn (điều này không khỏi rất cận kề với một điều mà Balzac rất hay nói: người ta hay nói ai đó "như một ông hoàng", bởi vì chưa bao giờ biết một ông hoàng thì nghĩa là như thế nào). Những xã hội học, dân tộc học, nhân học, hệ hình etc., đến lượt chúng, cũng hoàn toàn có thể chỉ là các biểu hiện thô thiển của sự tầm thường. Khuynh hướng thứ hai - điều vô cùng đáng mỉa mai - chính là con cháu nhà ấy.

Đấy là vì - một phần không nhỏ - Nguyễn Văn Vĩnh là một nhân vật không thể chịu nổi. Một hình thức, khi nó xuất hiện, phá bỏ vô số hình thức khác.

Dịch sách là một hình thức: tính chất hình thức hiện lên không thể rõ hơn trong hoạt động dịch - ngôn ngữ chuyển hình thức, vật chất đi từ hình thức này sang hình thức khác, etc. Nhưng ở Nguyễn Văn Vĩnh, dịch sách chỉ là một yếu tố (không ít phần quan trọng, tất nhiên) của một thay đổi hình thức khác: đó là sự chuyển từ hình thức nói sang hình thức viết; nói một cách ngắn gọn, sự đi vào văn minh của sách. Nhưng khoảnh khắc-Nguyễn Văn Vĩnh có một điểm then chốt: ở Nguyễn Văn Vĩnh, tờ báo chính là quyển sách.



(còn nữa - đã tiếp tục bài "một tác giả"bài về văn chương Aharon Appelfeld)




Nguyễn Văn Vĩnh dịch Miếng da lừa
Ba chương Ba người ngự-lâm pháo-thủ
Trung Bắc
Nguyễn Văn Vĩnh trả lời phỏng vấn
Nguyễn Văn Vĩnh là ai
Sử ký Thanh Hoa


6 comments:

  1. "hình thức" ở đây tức là "form" ạ, như thế có phải sẽ làm được một nối dài từ Nguyễn Văn Vĩnh tới Phan Ngọc?

    ReplyDelete
  2. cũng có thể, tôi không thực sự biết

    anw, càng rõ càng mờ, càng mờ càng rõ

    ReplyDelete
  3. Rõ cứt chứ rõ :))

    ReplyDelete
  4. Môi Thâm ạ, từng làm phóng viên của báo Tuổi Trẻ thì dù sao cứ làm vậy cũng cho thấy báo TT lá cải đến thế nào đấy, mà sao nhà báo ở Việt Nam lại chính là đám người chơi trò nặc danh tích cực nhất thế nhỉ?

    ReplyDelete
  5. Your method of explaining everything in this post is truly nice,
    all be capable of simply know it, Thanks a
    lot.

    ReplyDelete
  6. "Một thằng trọc lốc ngồi khua mõ. Dăm ả tròn xoe đứng múa bông". các cái ổ đó vẫn cứ triển hạn thông qua việc đổi chủ.

    ReplyDelete