May 9, 2019

một tác giả

như thế nào là một tác giả?

một tác giả là cái gì đó quá mức đương nhiên, nên chẳng mấy ai nghĩ đến câu hỏi ấy; tuy nhiên - cũng như nhiều thứ khác - càng đương nhiên càng khó nhìn nhận

(nhân tiện - có thể coi là "cùng chủ đề" - tiếp tục bài "(một người) Aharon Appelfeld" và bài "về B.":  B. ở đây là Bergson, tất nhiên)

Tháng Tư (chính xác hơn, ngày 1 tháng Tư, thêm một 1 tháng Tư giống ởkia), Sainte-Beuve viết bài định kỳ (hằng tuần) của mình cho tờ báo Le Constitutionnel. Lúc này, Sainte-Beuve mới chỉ bắt đầu loạt bài về sau sẽ có danh tiếng rất lớn ấy.

Bài báo trong chuyên mục của Sainte-Beuve ngày 1 tháng Tư năm 1850 có chủ đề là Fénelon. Khi đó, người ta mới in một tập Lettres et opuscules inédits. Nhân đó, Sainte-Beuve quay trở lại với bộ sách Oeuvres rất quan trọng của Fénelon đã in từ năm 1820 đến năm 1829: tất cả gồm tổng cộng hai mươi hai tập (chưa kể mười một tập thư từ).

Tập đầu tiên thuộc bộ sách mà Sainte-Beuve nhắc đến hồi năm 1850 đây:




Tôi cũng đặc biệt muốn nhắc đến Fénelon là vì Fénelon thì lại có liên quan rất nhiều tới Nguyễn Văn Vĩnh.

Sainte-Beuve khởi sự loạt bài hằng tuần của mình vào năm 1849: loạt bài sẽ được biết đến dưới cái tên chung Causeries du Lundi (mỗi thứ Hai, Sainte-Beuve đăng một bài, thường rất dài - hay, như người ta vẫn hay nói, một bài "substantiel"). "Causerie" và "Portrait" chính là hai hình thức gắn liền với tên tuổi của Sainte Beuve: "trò chuyện" và "chân dung". Với hai hình thức ấy, Sainte-Beuve tạo nên những khối mênh mông đặt dấu ấn lớn cho lịch sử phê bình văn học.

Năm 1849 nghĩa là không lâu sau khi Sainte-Beuve có kỳ đi giảng bài lâu ngày ở nước ngoài: loạt thuyết trình đó có kết quả là cuốn sách lớn về Chateaubriand: Chateaubriand et son groupe littéraire sous l'empire, thêm một cuốn ("bộ" thì đúng hơn) rất "fameux"; đối với nhiều người, đây là khởi nguồn của "phê bình tiểu sử" - nhưng đó là đối với những người hời hợt, hay nói đúng hơn, những người chưa bao giờ đọc Sainte-Beuve, vì Sainte-Beuve không "tiểu sử" hơn so với bất kỳ ai; tôi sẽ còn quay trở lại với vấn đề này. Sainte-Beuve giảng về Chateaubriand ở Liège, thành phố nước Bỉ (một thành phố Bỉ rất Pháp); đó là một số năm sau một loạt thuyết trình tại nước ngoài khác, từ đó mà có bộ sách lớn Port-Royal: lần ấy là giảng tại Thụy Sĩ (mà tôi từng đề cập trong loạt thuyết trình năm ngoái của tôi), cũng là một thành phố rất Pháp: Lausanne.

Như vậy, hai hình thức lớn của Sainte-Beuve là chân dung và trò chuyện (các "causerie" khi in thành sách sẽ tạo ra, trong một édition, 15 tập), còn hai khối núi (chủ đề) của Sainte-Beuve là Chateaubriand và Port-Royal, một là nhân vật bản lề của thế kỷ 18-19 và một là dòng tu đặc biệt quan trọng của thế kỷ 17, "thế kỷ của Louis XIV".

Thế kỷ 17 được mệnh danh là "thế kỷ vĩ đại". Người ta dễ dàng kể được tên các nhân vật lớn: Corneille, Racine, Molière, La Fontaine hay Pascal. Cả Racine và Pascal đều dính dáng sâu sắc đến Port-Royal (nhất là Pascal - Racine từng rất thân cận với vua, nhưng chịu cảnh thất sủng do một lần lỡ miệng nói một điều không nên nói về Madame de Maintenon: chuyện này được Saint-Simon kể trong hồi ký). Nhưng vậy thì chưa đủ: thế kỷ 17 còn là thế kỷ của các "moraliste" (luân lý gia), một truyền thống rất Pháp, chẳng hạn La Rochefoucauld, đồng thời là thế kỷ của một category được gọi tên bằng một từ rất giống: các "mémorialiste", những người viết hồi ký (chúng thường có phụ đề "để phục vụ lịch sử nước Pháp" etc. hay cái gì đó tương tự) - như Saint-Simon, nhưng cũng như một nhân vật trước đó, Bassompierre (Bassompierre thì lại liên quan đến ông bố của Saint-Simon). Nhưng vẫn chưa hết: sẽ không thể miêu tả đầy đủ thế kỷ 17 nếu quên các Madame (cũng như các Mademoiselle), và những con người tôn giáo, trong đó có Fénelon.

Có hai nhân vật tôn giáo rất quan trọng của thế kỷ 17: Fénelon và Bossuet. Một người (như ta thấy trong ảnh phía trên) là (tổng) giám mục Cambrai, còn người kia, Bossuet, là giám mục Meaux. Nhưng hãy nên nói đến một bộ ba: Bossuet-Fénelon-Rancé. Rancé là một ông thầy tu dòng Trappe (một "Trappiste"), đối tượng cho một tiểu sử của Chateaubriand (Vie de Rancé). Đấy là còn chưa nói đến các nhân vật lớn của Port-Royal, ngoài Pascal, nhất là cặp thầy tu Arnauld và Nicole. Tôi sẽ còn quay trở lại.

Rancé qua đời năm 1700, kết thúc thế kỷ 17. Vài năm sau đó, đến lượt Bossuet, người bạn của Rancé, qua đời. Fénelon (đối thủ lớn của Bossuet) thì chết vào năm 1715. Nhưng thế kỷ 17 không thể thực sự kết thúc trước khi nhân vật lớn của nó cũng kết thúc: Louis XIV băng hà cũng vào năm 1715 giống Fénelon, sau mấy tháng.

Quay trở lại với bài báo-tiểu luận về Fénelon của Sainte-Beuve năm 1850. Ngay từ đầu, Sainte-Beuve đã có cú đặt cạnh nhau (một "rapprochement") Fénelon và La Fontaine: đó là hai nhân vật đặc biệt được yêu quý, rất dễ được yêu quý, và dường như tất cả mọi người đều yêu quý Fénelon cũng như La Fontaine (hơi tương tự hai nhân vật trong lịch sử văn chương Pháp, chỉ có họ luôn luôn được gọi bằng tên, không cần đến họ: Jean-Jacques Rousseau nhân vật của thế kỷ 18 và Gérard de Nerval nhân vật của thế kỷ 19 - dường như thế kỷ 20 không sản sinh được nhân vật nào cùng dạng, có thể thế kỷ 20 có văn chương quá mức đáng ghét, ít nhất thì cũng gây nhiều ác cảm, hoặc có thể còn chưa đủ độ lùi thời gian) - không những thế, thơ của La Fontaine lại đáp ứng một cách tuyệt diệu với lý tưởng về thơ của Fénelon. Sainte-Beuve cũng nhắc lại miêu tả Fénelon của Saint-Simon (ai đã đọc hồi ký của Saint-Simon đều sẽ nhớ miêu tả ấy, trong đó nói rằng người nào nhìn thấy Fénelon đều phải hết sức cố gắng nếu muốn ngừng nhìn nhân vật ấy).

Đoạn dưới, đến một cú đặt cạnh nhau nữa, một rapprochement không thể tránh: Bossuet và Fénelon. Đều là những con người của tôn giáo, họ cũng đều là thầy dạy của con vua (những ông thầy dạy như vậy rất được quan tâm: Michelet rất hay nhắc đến ông thầy tu dòng Tên thầy của vua Louis XVI và khẳng định ảnh hưởng xấu của ông thầy dẫn đến tinh thần không thẳng thớm của vua): Bossuet là thầy dạy cho "duc de Bourgogne", thái tử (Dauphin) con trai của Louis XIV - một "prince" có số phận đen đủi vô biên: trong hồi ký, Saint-Simon nhắc đến một "lời sấm" ứng nghiệm vào nhân vật ấy: có bố và con làm vua nhưng bản thân không bao giờ làm vua (quả thật, một người con trai của công tước được mời sang Tây Ban Nha làm vua, đó là Filipe V: khi nhân vật đó sang Tây Ban Nha, nhiều triều thần Pháp đi theo hộ tống, trong đó có Saint-Simon, và Saint-Simon đã dùng cả một tập trong tổng số 20 tập bộ hồi ký của mình kể lại chuyến đi cũng như miêu tả vương triều Tây Ban Nha: một tài liệu lịch sử vô giá, giúp ta hiểu chẳng hạn tại sao ở Tây Ban Nha lại không có "prince"). Chính trong lúc ở vị trí thầy của thái tử, Bossuet viết tác phẩm vĩ đại sẽ trở nên bất tử, Discours sur l'histoire universelle (tôi sẽ quay trở lại với cuốn sách ấy), dùng để dạy học trò. Fénelon thì dạy cho một thái tử khác, cũng là "duc de Bourgogne", con trai của Dauphin thứ nhất (Louis XIV sống lâu đến mức các cháu gọi là ông nội cũng không ai lên nối ngôi: về mối quan hệ giữa Louis XV và Louis XIV xem ởkia).

Miêu tả Bossuet, trong Vie de Rancé, Chateaubriand bình luận Bossuet và Rancé ngược nhau: một người (Bossuet) đi từ sự ẩn tu ra với vinh dự của cuộc đời (của thế giới), còn bên kia, Rancé (một nhân vật thần đồng chói lọi), thì ngược lại, sẽ trở thành nhà cải cách dòng tu Trappe, cái dòng có kỷ luật nghiệt ngã vô song.

Còn đối với Sainte-Beuve, Bossuet và Fénelon đặc biệt ngược nhau, ở chỗ một bên (Bossuet) rất "đực", với một sự cả quyết hào hùng, còn bên kia (Fénelon) thì có đặc trưng lớn nhất là một sự dịu dàng to lớn, sự dịu dàng ấy được thể hiện rất rõ trong những bức thư được in năm 1850 đối tượng cho bình luận của Sainte-Beuve, bổ sung cho bộ sách có niên đại 1820-1829 trước đó, nhất là trong những bức thư Fénelon gửi cho Madame de Maintenon. Sự dịu dàng, và cộng thêm không ít dấu ấn của thần bí. Bởi vì, Fénelon không hề xa lạ với một nhà thần bí nổi tiếng thời ấy, đề tài cho không biết bao nhiêu tranh cãi và chia rẽ: Madame Guyon. Sẽ có một nhà văn lớn của nước Pháp đặc biệt ưa chuộng Madame Guyon cũng như cả một loạt nhà thần bí, từ Swedenborg đến Saint-Martin: Balzac.



(còn nữa)

6 comments:

  1. vậy chắc một tác giả trước tiên là người không viết những gì xét thấy là vô ích hay vô sở cứ, nhỉ.

    ReplyDelete
  2. Do you mind if I quote a few of your articles as long as I provide credit
    and sources back to your webpage? My blog site is in the exact same niche as yours and my users would
    certainly benefit from a lot of the information you present here.
    Please let me know if this alright with you. Appreciate
    it!

    ReplyDelete
  3. What’s wrong with your id/ avatar?

    ReplyDelete
  4. so với các phụ huynh như thế thì cánh thực dân ở đông-dương sao tránh khỏi tầm thường, nhưng ít ra vẫn còn thừa hưởng bộ quần áo. còn văn chương sau này bị ghét chắc vì ko nhịn được mồm cứ nhất quyết chê bọn tinh thần tha hóa đông quá.
    khi nào thì được coi chuyên đề Xanh bớp nhỉ?

    ReplyDelete
  5. đây chính là khởi đầu câu chuyện Sainte-Beuve đấy, sẽ sớm đậm đà thêm bằng cách lồng vào vài yếu tố nữa, chẳng hạn Proust

    ReplyDelete