(tiếp tục chủ đề "ngự-lâm pháo-thủ", đã tiếp kỳ gần đây nhất: xem ởkia; cũng tiếp tục "Diapsalmata" của Kierkegaard)
Ở đây "Charles" không phải là để ám chỉ đến "Charles de Batz", nhân vật nguyên mẫu của d'Artagnan, từng tồn tại thật, mà muốn nói tới chuyên gia đích thực về Les Trois Mousquetaires (bởi vì mọi thứ đều có chuyên gia): Charles Samaran.
Nhưng, trước đó, tôi bỗng muốn kiểm tra một chi tiết: không biết bằng con đường nào (do đọc Mémoires của Dumas chăng?) mà tôi cứ nhớ Alexandre Dumas hồi còn bé tí từng được Napoléon bế, do ông bố của Dumas là một tướng quân thân cận, chiến hữu của Napoléon khi Napoléon vẫn còn là Bonaparte, thậm chí Buonaparte - điều này (đứa bé con được Napoléon bế) cũng là bình thường, vì vua chúa thường rất thích tỏ ra mình đáng mến, nhất là nếu làm thế mà chẳng mất gì.
Lại thêm một lần, như (rất) nhiều lần khác, trí nhớ thật là phản phúc. Chuyện đã không hề xảy ra như vậy. Quả thật ông bố của Dumas (Thomas Alexandre) từng là tướng quân và cũng đúng từng có lúc sát cánh bên Bonaparte (bạn đồng ngũ, compagnon d'armes, như cặp Henri Đệ tứ và Béthune tức Sully: xem thêm ởkia) và dường như họ là một cặp rất hợp nhau, vì cả hai đều không thực sự là người Pháp - Thomas Alexandre sinh ra ở hải ngoại, là con trai của một quý tộc lụn bại; Davy de la Pailleterie bỏ nước Pháp sang Saint-Domingue tức là Haiti thử vận may, với một phụ nữ nô lệ da đen. Ngay trước khi đi lính, Thomas Alexandre quyết định bỏ họ của ông bố để lấy họ "Dumas": bản thân "Dumas" là xuất phát từ "du mas" có trong biệt danh của bà mẹ da đen, chứ không phải một cái tên có từ trước.
Thomas Alexandre da đen (dĩ nhiên, vì có nửa dòng máu da đen - Alexandre Dumas thì sẽ chỉ còn hơi ngăm ngăm; Thomas Alexandre sẽ lấy con gái một cặp vợ chồng làm chủ nhà trọ, tại một nơi cách không xa Paris lắm) và nổi tiếng đặc biệt khỏe: có thể cưỡi ngựa, đu mình lên một thanh xà và hai chân cắp con ngựa nâng bổng nó lên; trong một trận đánh, Thomas Alexandre dẫn theo một ít quân leo núi để đánh úp địch; leo đã thành công rồi nhưng lên đến trên cao thì quân lính không còn đủ sức vượt qua bãi cắm chông nữa, Thomas Alexandre bèn một tay tóm đít quần một tay nắm cổ áo lẳng từng người sang một - trận đó thắng oanh liệt, và trên thực tế Thomas Alexandre có đặc biệt nhiều quân công trong đội quân cộng hòa thời Cách mạng (bối cảnh chung xem ởkia). Bị một commissaire (dạng nhân vật vô cùng quyền lực thời Cách mạng 1789), Collot, đì, Thomas Alexandre về ở với vợ. Nhưng chỉ không lâu, tại Paris nổ ra một cuộc nổi loạn quý tộc, người ta vội vã gọi Thomas Alexandre về Paris để dẹp loạn, và Thomas Alexandre cũng vội vàng lao tới. Nhưng câu chuyện bắt đầu gay cấn: Thomas Alexandre đã chậm chân, vì một viên sĩ quan trẻ tuổi ngay trước đó kịp nhanh chóng thực hiện công việc lẽ ra dành cho Thomas Alexandre, đó là Bonaparte, và đó là cuộc đụng độ ở nhà thờ Saint-Roch, tức chính là bối cảnh Balzac để cho César của mình (César Birotteau) đối đầu với Napoléon - Bonaparte kém Thomas Alexandre năm, bảy tuổi.
Tài năng (nhất là sự dữ tợn) của Thomas Alexandre rất cần thiết cho Bonaparte nên trong một thời gian hai người ý hợp tâm đầu; Thomas Alexandre thậm chí còn được cử làm "gouverneur" tại Trévise là nơi quân đội Cộng hòa Pháp chiếm được, tức là trước khi có hòa ước Campo Formio (cái tên này khiến độc giả của Sebald nghĩ ngay đến cuốn sách Campo Santo). Chuẩn bị chiến dịch phương Đông (Ai Cập etc.), Bonaparte gọi Thomas Alexandre đến Toulon và tiếp đón ngay trong phòng ngủ của mình; trong phòng còn có một người nữa, một phụ nữ đang than khóc rên rỉ vì sắp phải xa người tình: Joséphine. Bonaparte vỗ mông Joséphine rồi hỏi "Dumas" có đem vợ theo không, thì tất nhiên Dumas đáp là không, Bonaparte lấy đó làm cớ để khuyên nhủ chị Joséphine. Nhưng chiến dịch ấy, Thomas Alexandre, dẫu lập nhiều công, làm mếch lòng Bonaparte. Thomas Alexandre về Pháp trước, trên đường về tàu cập vào một bến không nên cập, thế là bị bắt giữ một thời gian dài, mãi sau mới thoát được vì một vụ đổi chác với một tướng quân đối phương bị Pháp bắt làm tù binh.
Thomas Alexandre "Dumas" trở về, chỉ còn là một đống đổ nát từ con người xưa kia hùng mạnh. Chính lúc này hai vợ chồng họ mới sinh được Alexandre Dumas: về sau, ở thời điểm Louis XVIII quay về nước cầm quyền, bà mẹ hỏi Dumas xem muốn chọn mang họ Dumas hay Davy de Pailleterie, thêm một lần nữa - giống ông bố - Dumas đã chọn là Dumas. Khỏi phải nói, đó là một đứa trẻ vô cùng ngỗ ngược.
Trong số các tiểu sử về Alexandre Dumas (có rất nhiều tiểu sử Dumas), cuốn sách của Henri Troyat đặc biệt hấp dẫn: Alexandre Dumas. Le cinquième mousquetaire. Troyat gọi Dumas là "người ngự-lâm thứ năm".
Như vậy, Alexandre Dumas không có cái diễm phúc hồi bé tí được một quân vương nào đó bế (thậm chí, mẹ con Dumas còn khốn khổ: Napoléon không bao giờ hồi đáp những cầu xin của họ, đến các viên tướng từng thân cận với Alexandre Thomas, như Brune hay Murat, cũng gần như chẳng giúp đỡ gì), như Saint-Simon được Louis XIII bế hay Madame de Boigne từng nhảy nhót trong lòng Louis XVI và Marie-Antoinette (de Boigne và bộ hồi ký Mémoires của mình là hình mẫu cho Marcel Proust để tạo ra hình ảnh bộ hồi ký của một phụ nữ quý tộc, nhất là ở trường hợp bà hầu tước de Villeparisis, nhưng cả ở bộ hồi ký của "Madame de Beausergent" mà bà ngoại của Marcel trong À le recherche hay đọc).
(chắc cũng nên sớm làm một phát "ở Việt Nam" đối với Henri Troyat)
(còn nữa)
d'Artagnan in love
Nguyễn Văn Vĩnh và Nguyễn Hải
tiếp tục bá tước
Nguyễn Văn Vĩnh: ba chương ngự lâm
Tử tước rồi bá tước (Monte-Cristo)
Mười năm sau nữa (phần 4)
Mười năm sau nữa (phần 3)
Mười năm sau nữa (phần 2)
Mười năm sau nữa (phần 1)
de Bragelonne
Les Trois Mousquetaires
Hai mươi
Trở về cổ điển: Một cô gái
Quá hay, quá hấp dẫn. Đúng thật, nếu kiểu vua chúa rất thích tỏ ra mình đáng mến bế bồng, ban bổng lộc thì chắc gì đã có Alexandre Dumas.
ReplyDeleteđái ướt áo Napoléon thì cũng hay
ReplyDeleteAnh có quan tâm đến historien Sudhir Hazareesingh không?
ReplyDeletekhông biết là ai, chưa bao giờ đọc
ReplyDeletetự điển tác gia, tra gì cũng ra
ReplyDeletethank anh nhiều ạ