Thật không ngờ, đến một ngày, đọc (lại) những câu chuyện tình, tôi lại thấy hay. Kiểu này khéo mà đến lúc còn thích được cả thơ thì chết :p
Ví dụ như Tố Tâm gần đây.
Từ Tố Tâm đi ngược lại đến Trà Hoa nữ là một bước đi rất logic. Ở đâu người ta cũng bảo Tố Tâm chịu ảnh hưởng và lấy cảm hứng từ Trà Hoa nữ, nhưng thật ra sự ảnh hưởng ấy như thế nào? Có lẽ là ở chỗ Hoàng Ngọc Phách cũng giống Alexandre Dumas, để cho nhân vật nữ của mình chết, rồi người đàn ông của cô gái ấy sau này mới biết một số điều rất quan trọng, được kể lại trong thư từ, nhật ký của người quá cố.
Tất nhiên, Tố Tâm giống Trà Hoa nữ một cách cơ bản hơn nhiều: cả Tố Tâm lẫn Marguerite Gautier đều là phụ nữ lụy tình. Hoàng Ngọc Phách và Alexandre Dumas đều miêu tả hết sức cảm động, nhưng nhất là vô cùng chính xác, một người phụ nữ lụy tình, hết mình về tình yêu nghĩa là như thế nào. Sự chính xác này, phải rất nhiều kinh nghiệm, phải đã từng trải trường tình, mới hiểu thấu được.
Tôi nhớ lại lần đầu tiên đọc Trà Hoa nữ, rất lâu rồi, cuốn tiểu thuyết làm tôi kinh ngạc không tả xiết. Giờ thì không chắc chắn một trăm phần trăm được nữa, nhưng hình như hồi ấy cuốn sách này rơi vào tay tôi chỉ vì nhầm lẫn: tôi tưởng đó là ông bố, Alexandre Dumas, nhưng hóa ra lại là ông con. Ông con viết Trà Hoa nữ vừa sau khi trốn khỏi trường trung học. Dòng máu lai đen nổi loạn của ông bố sang đến ông con có vẻ chưa hề giảm mức độ cuồng nhiệt.
Alexandre Dumas (bố) từng tạo ra một số kiệt tác, nhưng một kiệt tác nữa chính là ông con trai. Ngay lập tức, Dumas con viết ra được một câu chuyện tình mà ông bố không thể viết nổi. Trong sự nghiệp đồ sộ như trái núi của mình, Dumas bố có thành công đến mấy, có rực rỡ khủng khiếp đến mức độ nào, thì những cuộc tình duyên trong tiểu thuyết của ông đều như dở hơi, về cơ bản.
Chỉ mối tình của Milady đủ sức ngang tầm với câu chuyện Marguerite của ông con. Còn hoàng hậu Margot, rồi vô số tình ái và âm mưu khác, tẻ nhạt dã man.
Tôi từng đến ngôi nhà rất lớn ở ngoại ô Paris, được gọi là "Monte Cristo", là ngôi nhà mà Alexandre Dumas, khi ấy đã rất giàu có, mua và hay tổ chức tiệc tùng lè phè. Ngôi nhà giờ đây rất quạnh quẽ, tuy các kích thước cũ vẫn được giữ nguyên.
Trà Hoa nữ, đó là Marie Duplessis, một phụ nữ có thật, như trong một bài viết của Jules Janin thuật lại rất chi tiết. Jules Janin, nhân vật được Victor Hugo tặng không ít bài thơ.
Lần này đọc lại Trà Hoa nữ, tôi tìm kiếm những chi tiết mà xưa kia tôi đã không hề để ý. Jules Janin ở phụ lục, nhưng trong chính câu chuyện cũng có những nhân vật khác của thời ấy. Alphonse Karr, một nhân vật lớn của, yếu nhân của tờ báo Le Figaro; đọc thấy tên Karr là bao nhiêu kỷ niệm về thời còn đi học quay về, những cua về lịch sử văn chương Pháp thế kỷ XIX, các nhà văn, chính trị gia và nhà báo, những tác phẩm lớn và cả đống âm mưu. Trong Trà Hoa nữ, Dumas con kể lại một câu chuyện của Karr: một chàng trai đi ngoài phố, thấy trước mặt mình có một cô gái mà anh ta thấy là vô cùng xinh đẹp, mặc dù chỉ nhìn từ phía sau, thế là cứ đi theo mãi, đi theo mãi. Cho đến lúc cô gái cũng phát hiện ra. Tới một góc phố, cô gái dừng lại rồi hỏi anh ta có muốn lên nhà mình không, đồng thời nói giá luôn. Chàng trai bèn ngay lập tức bỏ đi như chạy trốn.
Một bản dịch Trà Hoa nữ tiếng Việt không được biết đến nhiều: Nguyễn Sỹ Nguyên dịch, NXB Chân Trời Mới, 1973 (đây là lần tái bản thứ nhất):
Bản đặc biệt, quà tặng của nhà xuất bản:
Kiều
Trở về cổ điển: Cung oán
Trở về cổ điển: Stendhal
thêm bonus :p
ReplyDelete