Aug 12, 2018

Tử tước rồi bá tước

Đã đến với ởkia, lẽ ra (thật ra tôi cũng đã định) chuyển qua cái này:


Eugène Sue là nhà văn phơi ơ tông đỉnh cao, là đối thủ thực sự nghiêm trọng của cả Alexandre Dumas lẫn Balzac. Les Mystères de Paris, bộ tiếng Việt ba tập trên đây, từng khiến tôi ngốn ngấu ngày tôi còn nhỏ.

Nhưng rồi, tôi quyết định vẫn tiếp tục Dumas: sau Tử tước, giờ ta đến với Bá tước: Le Comte de Monte-Cristo.

Tôi từng đến cái nhà (giống cung điện) của Dumas ở ngoại ô Paris hiện nay. Nó được gọi là "Monte-Cristo". Ngôi nhà ấy, người ta hoàn toàn có thể lấy làm ví dụ về chuyện một nhà văn có thể phù phiếm đến mức độ nào. Hoặc cũng có thể, viết phơi-ơ-tông có thể mang lại nhiều tiền đến mức nào. Émile Zola, về sau, cũng kiếm được rất nhiều tiền, và cũng nhờ tiền ấy mà mua một ngôi nhà, cũng ngoại ô Paris hiện nay. Nhà của Zola (cũng không hề nhỏ) là ngôi nhà bourgeois điển hình: bourgeois thì hơi kém phần phăng te zi, còn nhà của Dumas, đó là nhà mà nhân vật bá tước Monte-Cristo hẳn có thể muốn có - Monte-Cristo xuất hiện ở Paris, trong tiểu thuyết của Dumas, giống như một ông vua Ba Tư, kim cương rắc trên đường đi.

Le Comte de Monte-Cristo, hồi còn nhỏ, tôi đọc đi đọc lại nó, tôi thuộc lòng nhiều đoạn, nhất là khi Edmond Dantès bị nhốt trong tù, rồi đào hầm. Về sau này, có một lần tôi tình cờ gặp một ông già Hà Nội, một người rất già. Bỗng, chẳng có gì nói trước, ông ấy tặng cho tôi một quyển Le Comte de Monte-Cristo rất lớn và đẹp, giờ tôi vẫn còn giữ.

Bản dịch tiếng Việt Kích-tôn-sơn bá tước; đây là tập thứ 29:



Tập 29 là tập chính giữa, còn cả bộ có tổng cộng có 57 tập. Mỗi tập sách (khổ nhỏ) gồm 64 trang. Vương Hoài An viết lời tựa:


Lời tựa cũng cho thấy, Vương Hoài An dịch Monte-Cristo vì hồi nhỏ đọc Ba người ngự-lâm pháo-thủ của Nguyễn Văn Vĩnh: con đường hoàng đạo của Alexandre Dumas tại Việt Nam là con đường Nguyễn Văn Vĩnh.

Đây là trang cuối cùng, trang thứ 3645:


Bản dịch tiếng Việt của Vương Hoài An là một bản dịch đại gia; tôi từng đọc, trong thập niên 90 của thế kỷ trước, ít nhất trên hai mươi tiểu thuyết Dumas bằng tiếng Việt, từ mỏng đến dày (nhưng không thực sự có tiểu thuyết Dumas mỏng). Phần lớn các bản dịch trong số ấy (tôi đã nói đến Ba người lính ngự lâm) là những bản dịch ngớ ngẩn; tôi muốn nói cụ thể hơn: đó là những bản dịch sản phẩm của những người không phải độc giả của Dumas. Truyền thống dịch tiểu thuyết nhưng không phải độc giả của tác giả viết những tiểu thuyết ấy là một truyền thống rất dài trong câu chuyện dịch thuật Việt Nam; gần đây ta cứ lấy ví dụ Rushdie và Conrad. Những người không phải độc giả của một ai đó nhưng lại dịch tác phẩm của các "ai đó", họ là nhánh hương nguyện của câu chuyện dịch thuật Việt Nam. Cái đó hoàn toàn tương ứng với nhánh hương nguyện trong độc giả Việt Nam, cái nhánh của những người hễ cứ thấy nói chuyện về sách là lao vào, và một mắt quay bên này, một mắt quay bên kia google điên cuồng.

Vẫn chưa hết: rất nhiều thứ sản phẩm kiểu như vậy lại còn tái bản, nhất là trong vòng mấy năm vừa rồi. Đó là "in sách kiểu Mường". Trong câu chuyện đó, có vai trò của đám người gọi là "cố vấn". Phần lớn các cố vấn như thế không hề biết đọc.

-----------

Thập niên 80 và thập niên 90 của thế kỷ trước (ăn sang mấy năm sau đó nữa) là giai đoạn đặc biệt thê thảm của xuất bản Việt Nam. Chuyện của "tinh thần biên soạn" (phải gọi là cơm đã độn lại còn nấu khê thì mới đúng), tôi đã có lần nói qua, nhưng vậy mới chỉ là một phương diện: đó cũng chính là quãng thời gian Tự Lực văn đoàn (và một số nhân vật) quay trở lại. Không thể tin bất kỳ điều gì về khía cạnh văn bản trong số những thứ tái bản giai đoạn ấy, cũng như không thể tin điều gì về những đánh giá thể hiện ở tựa, bạt, lựa chọn etc. Và có một điều còn hay hơn nữa: cái tinh thần tái bản theo phong cách nhà xuất bản Văn học và nhà xuất bản Hội Nhà văn những năm đó vẫn tiếp tục, ngày hôm nay. Tôi sẽ sớm có một ví dụ chói ngời, đó là cuốn sách Đốt lò hương cũ của Đinh Hùng. Trước khi nó xuất hiện, tôi đã nghĩ nó sẽ rất khủng khiếp, bởi vì quảng cáo (từ trước) cho nó rặt là các khuôn mặt nổi bật của giới nouveau riche Việt Nam, cái phân khu nouveau riche thích chơi trò sách vở. Quả nhiên là vậy, khi tôi cầm quyển sách đã in. Chép lại một cuốn sách chưa bao giờ là việc dễ, chỉ chép lại thôi gần như một trăm phần trăm thế nào cũng sai, có những lúc ghê rợn, như Đốt lò hương cũ. Tôi sẽ sớm quay trở lại.

Trong thập niên 80, người ta in nhiều bản dịch Dumas. Dumas là tác giả một thời của tôi, tôi đọc không sót gì của Dumas, chắc chắn có những quyển chẳng mấy ai biết. Những bản dịch thập niên 80 ấy ngày nay trở lại theo một đường lối ồ ạt, nhưng phần lớn chúng rất tồi tệ. Tôi từng giở thử vài quyển ra xem, người ta tái bản nhưng không hề sửa chữa, đấy là vì, điều này rất quan trọng, rất nhiều người in sách nhưng hoàn toàn không có năng lực đánh giá - tức là nhìn nhận giá trị.

Kể từ khi tôi quyết định in lại nhiều thứ (đây là một ghi nhận: tôi chính là người làm cho xuất bản Việt Nam quay ngoặt sang hướng tái bản - điều này bây giờ chắc chắn sẽ không ai chịu công nhận, tôi cũng không đòi hỏi điều đó, vả lại khi chưa có đủ khoảng cách, chẳng ai hiểu được đâu, nhưng rồi sẽ có lúc mọi sự sẽ hiện ra hết sức hiển nhiên), tôi chỉ làm được không nhiều. Đấy là vì tôi thấy cần phải vứt bỏ đi gần như tất tật; gần như tất tật khối khổng lồ tôi từng chạm tay vào đáng vứt đi. Rất ít thứ có thể quay trở lại. Điều này (tức là tái bản, mà tôi sẽ không gọi là "xu hướng", mặc dù người ta sẽ gọi là xu hướng, tất tật) được bắt chước hết sức mau chóng, rộng khắp. Vừa xong cũng chỉ là một ghi nhận: chưa bao giờ tôi thấy bắt chước là điều gì quá xấu. Thêm nữa, nếu không bắt chước, tuyệt đại đa số nhà xuất bản Việt Nam không thể làm được gì hết.



(còn nữa)




NB1. Naipaul vừa qua đời; tôi sẽ không miêu tả được đầy đủ những gì tôi lấy được từ Naipaul, trong suốt hai mươi năm đọc Naipaul - đó là một trong những nhà văn lớn nhất từng có bao giờ tồn tại

NB2. tiếp tục Tử tước de Bragelonne, đã đến chương 34: Charles Đệ nhị Anh-cát-lị trở về London như thế nào, và cũng tiếp tục Monsieur Teste: sang "phần" mới




Dumas:

Alexandre Dumas: Tử tước de Bragelonne (4) (từ đầu chương XXII cho đến chương XL)
Alexandre Dumas: Tử tước de Bragelonne (3) (từ đầu chương X cho đến hết chương XXI)
Alexandre Dumas: Tử tước de Bragelonne (2) (từ đầu chương IV cho đến hết chương IX)
Alexandre Dumas: Tử tước de Bragelonne (1) (từ đầu cho đến hết chương III)

Les Trois Mousquetaires
Hai mươi (tức Hai mươi năm sau)



Nguyễn Văn Vĩnh:

Trung Bắc
Nguyễn Văn Vĩnh trả lời phỏng vấn
Nguyễn Văn Vĩnh là ai
Sử ký Thanh Hoa


6 comments:

  1. Wow, awesome weblog layout! How long have you been running a blog
    for? you make running a blog glance easy. The entire glance of your website is fantastic,
    as well as the content material!

    ReplyDelete
  2. kích tôn sơn bá tước dịch giả VƯƠNG HOÀI AN là bản dịch thật tuyệt vời, tôi được đọc cách nay hơn 50 năm, bộ này tôi bị thất lạc,nếu bạn còn giữ bộ sách này thì vui lòng số hóa bộ sách này cho nhiều người được thưởng thức nhé.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tôi cũng đang tìm kiếm và mong mỏi tái bản bộ truyện của dịch giả Vương Hoài An

      Delete
  3. Tôi hồi nhỏ cũng đọc bộ nầy cả ngàn lần. Đây là bộ sách người ta tái bản và bán ở Hà Nội. Tôi cũng muốn tìm mua ở Sài Gòn.

    ReplyDelete