Oct 2, 2021

Ondine

"A sad tale's best for winter: I have one

Of sprites and goblins."

(Mamillius, in Shakespeare, The Winter's Tale)


Vì tháng Mười là tháng của những câu chuyện đẹp (cách đây mấy năm đã có một tháng Mười như thế: xem cả các đường link ở đó), nên giờ sẽ là một câu chuyện.

và vậy là ta quay trở lại với những người lãng mạn Đức


La Motte-Fouqué có thể coi là nhân vật nối: nối giữa hai kỳ của lãng mạn nước Đức, first và second. Ondine là một trong những câu chuyện của thời lãng mạn ấy vẫn còn sống hơn cả, vào lúc này.

Nhìn vào cái tên thôi (tức là cái họ) đã có thể đoán đây là một người (gốc Pháp); một người có tổ tiên là Pháp mà lại ở Đức, thì rất dễ thuộc vào số hậu duệ của những người huguenot chạy khỏi nước Pháp. Và đúng vậy, de La Motte-Fouqué là một người như thế. Thuộc dòng dõi những người Pháp chạy khỏi nước Pháp vì sự kiện khác, và theo một hướng khác: ta đã có một ví dụ.

Tất nhiên, những ai hay đi tàu điện ngầm ở Paris thấy rất dễ lẫn lộn cái tên (cái họ) này với một bến métro (bến lớn, giao của nhiều tuyến): La Motte-Picquet.


(sẽ còn thêm phần introduction)





Ondine

Friedrich de La Motte-Fouqué



I

Chàng hiệp sĩ đã đến nhà ông lão đánh cá như thế nào


Ngày xửa ngày xưa - cách đây đã nhiều trăm năm - có một ông đánh cá đã già một buổi chiều muộn đẹp trời ngồi trước cửa ngôi nhà lợp mái rạ của mình để vá lưới. Ông sống tại một vùng đất tuyệt diệu. Thẻo đất phủ đầy cỏ trên đó mọc lên ngôi nhà mái rạ khiêm nhường của ông ăn thẳng vào một cái hồ, và hẳn có thể nghĩ như vậy là vì đồng cỏ thích làn nước trong xanh kia, còn nước thì bao quanh nó như vòng tay yêu đương, để cảm ơn nó vì những bông hoa, vì thứ cỏ cao xanh um, vì bóng râm tốt lành tỏa ra từ cây cối của nó. Hồ và đồng cỏ, bên này là chủ nhà để đón tiếp bên kia, chính vì lẽ ấy mà cả hai đều đẹp đến thế. Về phần con người, thì có rất ít ở chốn thần tiên đó, và thậm chí còn chẳng hề có ai, ngoài ông đánh cá cùng gia đình ông. Ấy là bởi đằng sau đồng cỏ êm đềm kia trải rộng một khu rừng hoang, mà không người nào dám băng ngang nếu không nhất thiết phải làm chuyện đó, do sự tối tăm của nó và do các con đường khó đi của nó, cũng do cả những tạo vật lạ thường mà người ta có thể gặp ở đó, và những huyễn ảnh người ta bảo là hay xuất hiện ở đó. Chỉ mình ông lão đánh cá từng nhiều lần đi qua khu rừng mà không gặp phải bất hạnh nào, để tới một thành phố lớn nằm không xa khu rừng bí hiểm bán những con cá đẹp mà ông chài lưới được dưới hồ. Lòng can đảm để ông vượt các bờ bụi rậm nguy hiểm nhất như thế chắc hẳn bắt nguồn từ chỗ, ông chỉ có toàn những ý nghĩ ngoan đạo, và cũng từ chỗ chẳng bao giờ ông quên, những khi nào bóng tối trở nên thẳm sâu và đáng lo ngại, vui vẻ hát thật to một bài hát lễ.

Thế nhưng, vào cái buổi tối ông đang bình yên ngồi vá lưới, thì đột nhiên ông cảm thấy một cơn hãi hùng bất chợt, lúc cảm thấy như thể có một tiếng động âm âm dường thoảng đến từ khu rừng, rồi dần dà tiến lại gần, như thể một người cưỡi ngựa đang từ những khoảng sâu của khu rừng kia đi về phía đồng cỏ. Những gì ông từng mơ thấy, trong nhiều đêm bão tố gầm gào, về các bí ẩn mà bóng tối các khoảng rừng lớn để cho nương náu, đột ngột trở lại trong ký ức ông. Nhất là ông hình dung ra hình ảnh một kẻ khổng lồ, trắng toát như tuyết, cứ gục gặc đầu không ngừng, trông thật kỳ cục; và ngẩng đầu lên về phía khu rừng, đột nhiên ông tưởng như thoáng thấy hắn phía xa xa, trốn nấp đằng sau các cành cây. Một cơn rùng mình chạy qua người ông, nhưng ông sớm trấn tĩnh lại hết hoảng hốt, nghĩ rằng bởi chưa bao giờ xảy tới với ông điều bất hạnh nào trong chính khu rừng, cho nên hẳn càng có ít khả năng hồn ma xấu xa đến đây quấy nhiễu ông, trên đồng cỏ giữa trời quang đãng này, nơi ông sống. Cùng lúc ông nồng nhiệt đọc to một đoạn trong Thánh Kinh, và toàn bộ lòng can đảm liền quay lại với ông, thậm chí còn khiến ông bật cười, thấy mình đã nhầm lẫn tới mức nào vì cứ tưởng nhìn thấy một tên khổng lồ: - cái mà ông đã cho là một kẻ trắng toát, lúc lắc cái đầu, chỉ còn là một dòng suối nhỏ mà ông biết đã từ lâu, ùng ục tuôn ra từ một bụi rậm rồi đổ vào cái hồ. Về phần cái đã tạo ra tiếng ồn, thì ấy là một chàng hiệp sĩ, ăn vận đài các, giờ đây đang cưỡi ngựa tiến về phía ngôi nhà mái rạ. Một cái áo choàng đỏ chói trùm lên chiếc áo chẽn màu tím thêu vàng của chàng; trên cái mũ màu vàng lượn sóng những lông đỏ và tím thật đẹp; nơi sợi dây đeo gươm bằng vàng của chàng lấp lánh một thanh gươm khảm những viên đá quý đẹp ngoạn mục. Con ngựa trắng chàng cưỡi mảnh dẻ và mang các hình dạng thanh hơn so với ngựa chiến thông thường, thành thử chân nó giẫm trên cỏ nhẹ nhàng tới nỗi thứ cỏ lục đẹp như thể không phải gánh chịu tổn hại nào. Ông lão đánh cá đã không còn hoàn toàn yên tâm nữa, dẫu ông nghĩ chắc chẳng có gì phải e sợ một sự xuất hiện nhã nhặn nhường kia. Hết sức lịch sự, ông bỏ mũ trước vị lãnh chúa đang đi lại gần, và bình thản đứng đó đợi chàng, gần đống lưới. Chàng hiệp sĩ dừng lại và hỏi ông già trung hậu mình có thể tìm được tại nơi này một chỗ để ngủ qua đêm hay chăng.

- Về những gì liên quan đến con ngựa của ngài, thưa tôn ông, ông đánh cá đáp, tôi sẽ chẳng thể chỉ cho ngài được tàu ngựa nào tốt hơn đồng cỏ rợp bóng mát kia, cũng như thứ đồ ăn nào tốt hơn cỏ mọc ở đó. Còn về phần ngài, tôi sẽ vui lòng đón tiếp ngài trong cái nhà nhỏ của tôi, trong đó tôi sẽ mời ngài ăn tối, ngon lành hết mức mà những người ở hoàn cảnh như tôi có thể chu toàn, và trong đó ngài cũng sẽ có thể ngủ cả đêm nay.

Chàng hiệp sĩ nói mình rất vừa lòng, chàng bèn xuống khỏi con ngựa, tháo cương cùng các loại dây đai cho nó với sự giúp đỡ của ông đánh cá, và ngay lập tức nó vui sướng chạy nhảy trên bãi cỏ nở đầy hoa. Rồi quay sang người chủ nhà, chàng hiệp sĩ nói:

- Dẫu tôi có thấy ông ít hiếu khách hơn và kém thoải mái hơn, ông lão đánh cá tốt bụng của tôi, thì chắc ông cũng sẽ không rũ bỏ được tôi trong ngày hôm nay đâu, vì tôi thấy rằng chúng ta đang ở trước một cái hồ lớn, còn về chuyện quay trở lại, lúc trời bắt đầu tối, vào trong khu rừng bí ẩn, thì cầu Chúa tha cho tôi khỏi làm việc ấy!

- Chúng ta đừng nhắc quá nhiều tới cái đó, ông đánh cá chỉ đáp có vậy, rồi ông dẫn người khách vào ngôi nhà mái rạ.

Bên trong, gần bếp lò, nơi một ngọn lửa mảnh đang chiếu sáng yếu ớt căn phòng nhỏ sạch sẽ đang bị hoàng hôn xâm chiếm, bà vợ già của ông đánh cá đang ngồi trong một cái phô tơi lớn thô sơ. Khi người lạ mặt cao quý bước vào bà đứng dậy, chào chàng theo cách thức thân ái nhất, nhưng lại ngồi xuống cái phô tơi của bà, mà không mời chàng ngồi vào đó.

- Đừng trách bà ấy nhé, thưa lãnh chúa trẻ tuổi, ông đánh cá mỉm cười nói, vì bà ấy không nhường cho ngài cái ghế tiện dụng nhất trong nhà, bởi ở chỗ người nghèo theo lệ tục nó được dành cho những ai nhiều tuổi.

- Gì đấy? ông chồng ơi, bà vợ đáp, kèm một nụ cười bình thản, ông định tưởng ra cái gì thế? Người khách của chúng ta chắc phải là một Ki-tô hữu giống chúng ta; và cách nào mà, trẻ trung như chàng ấy, lại có thể nảy ra ý định đuổi các bà già khỏi chỗ ngồi của họ?

Rồi, quay sang chàng hiệp sĩ:

- Ngài ngồi xuống đi, thưa lãnh chúa trẻ tuổi, bà nói tiếp. Vẫn còn ở kia một cái ghế đẩu khá tốt, chỉ có điều không được lay nó từ bên này sang bên kia quá mức, vì có một cái chân hơi yếu đấy.

Chàng hiệp sĩ xem xét cái ghế hết sức cẩn thận, dịch nó lại gần bếp lửa, rồi chàng sung sướng ngồi xuống đó, bởi chàng cảm thấy thoải mái trong ngôi nhà mái rạ này cứ như thể chàng đã biết từng món đồ vật nhỏ nhất của nó từ lâu rồi, và sự chàng bước vào đây dường giống một cuộc trở về tổ tấm đã rời khỏi từ nhiều ngày dài, nhưng luôn luôn được yêu quý.

Và ba con người tốt đẹp bắt đầu trò chuyện đầy thân mật với nhau, như những người bạn lâu năm. Chàng hiệp sĩ những mong muốn lái cuộc trò chuyện về phía khu rừng, và chàng thử nhiều lần xem sao, nhưng ông lão đánh cá không muốn nghe nhắc đến nó, bảo rằng đó là một thứ ít thích hợp để nhắc tới nhất là vào thời điểm màn đêm bắt đầu buông. Ngược lại, hai ông bà già không ngớt lời khi chuyện là về bên trong nhà của họ cùng các sự vụ nho nhỏ của họ, điều này không ngăn cản họ dỏng tai chăm chú nghe lời lẽ của hiệp sĩ khi chàng kể cho họ về những chuyến đi của mình và cho họ biết chàng là sire Huldbrand de Ringstetten, rằng chàng sở hữu một tòa lâu đài gần nguồn sông Danube.

Trong suốt cuộc trò chuyện ấy, người lạ mặt thỉnh thoảng nhận thấy có một tiếng động kỳ lạ dường phát ra từ cái cửa sổ nhỏ và thấp của ngôi nhà. Cứ như thể có ai đó ở bên ngoài nghịch ngợm bằng cách hắt nước vào những ô kính. Bản thân ông già cũng để ý tiếng động ấy, và lần nào nghe thấy ông cũng nhíu mày vẻ bực bội. Nhưng rồi rốt cuộc cả một vòi nước nhỏ hắt vào các ô kính, và lần này, xuyên qua cửa sổ đóng không kỹ, nước té cả vào bên trong phòng. Ông đánh cá bèn tức tối đứng bật dậy, và ngoái đầu ra cửa sổ, ông kêu lên, giọng đầy vẻ đe dọa:

- Ondine, có thôi ngay mấy trò hỗn láo đó không hả? Con không biết là nhà ta đang có khách à?

Bên ngoài, mọi thứ liền trở lại yên tĩnh, chỉ thoáng nghe thấy thêm một tiếng cười nho nhỏ bặt dần đi, và ông đánh cá quay trở về chỗ của mình, nói:

- Phải tha thứ cho nó mấy trò nghịch dại này, thưa tôn ông hiệp sĩ, cùng các trò mà nó còn có thể làm nữa, tất tật những cái đó nó không làm do độc ác đâu. Ấy là Ondine, con gái nuôi của chúng tôi, mà tôi đang muốn nhắc đến đây. Nó không sao mà bỏ được những thói quen trẻ con của nó, thế mà giờ nó đã bước sang tuổi mười tám rồi kia đấy. Nhưng, như tôi vừa nói với ngài, chẳng phải vì thế mà trong sâu xa nó không có một trái tim tuyệt vời đâu.

- Ông nói thế là nói cho ông thôi, bà già đáp lời, đầu lắc lắc; chừng ông đi đánh cá hay đi chợ về, thì có thể mấy trò tinh ranh của nó, ông thấy hay ho lắm, nhưng có nó ở gần bên suốt cả ngày, rồi thì chẳng bao giờ nghe được từ nó lời nào có lý lẽ và, thay vì được nó giúp việc nhà lúc mà người ta mỗi ngày một thêm già cả, thì lại phải không ngớt đề phòng sao cho những điên rồ của nó không làm chúng tôi lụn bại, thực sự, đó là một điều rất khác, và đến cả một ông thánh chắc cũng mất hết kiên nhẫn.

- Nào, ông già mỉm cười, bà thì hay khó tính với Ondine; còn tôi, thì tôi như vậy với cái hồ, thỉnh thoảng nó phá vỡ các đê tôi đắp và cuốn lưới đi mất. Điều đó đâu ngăn cản tôi yêu nó, cũng như cả bà nữa, bà yêu con bé duyên dáng, mặc cho mọi lo âu và tất tật nỗi khó nhọc mà nó mang tới cho bà. Tôi nói có đúng không nào?

- Thì đúng là người ta không bao giờ có thể hoàn toàn tức giận với nó được, bà già nói, tươi cười và đầy vẻ mãn nguyện.

Đột nhiên cánh cửa bật mở, và một cô thiếu nữ có mái tóc vàng, đẹp tuyệt diệu, nhẹ chân và cười vang bước vào phòng.

- Bố trêu con chứ gì, hả bố, cô gái nói, người khách của bố đâu nào?

Nhưng vừa thốt ra câu ấy xong thì cô trông thấy chàng hiệp sĩ và, đờ người ra vì kinh ngạc, cô nhìn chằm chằm vào chàng thanh niên tuấn tú. Huldbrand ngắm không biết chán sự xuất hiện diễm lệ kia, và tìm cách khắc sâu vào tâm hồn mình những đường nét thần tiên của cô thiếu nữ, nghĩ rằng chỉ nỗi ngạc nhiên mà Ondine đang rơi vào mới cho phép chàng nhìn nàng như thế, nhưng sẽ sớm thôi, vì quá nhút nhát, hẳn cô sẽ biến đi mất khỏi tầm mắt chàng. Chuyện xảy ra khác hẳn. Bởi sau khi nhìn chàng trai thật lâu, cô tiến tới, đầy vẻ gần gũi, quỳ gối xuống trước mặt chàng, và đưa tay nghịch một tấm mề đay bằng vàng treo trên cổ Huldbrand bằng một sợi dây chuyền, cô nói với chàng:

- Lãnh chúa duyên dáng và phong nhã, làm thế nào mà rốt cuộc chàng lại đến ngôi nhà mái rạ nghèo nàn của chúng tôi thế? Có phải chàng đã lang thang suốt nhiều năm dài trước khi tìm thấy chúng tôi? Chàng đã băng qua khu rừng hoang đấy à, bạn đáng quý?

Bà mẹ già không để cho chàng hiệp sĩ có thời gian để trả lời. Bà cất lời mắng cô gái, và ra lệnh cho cô đứng dậy, bảo cô cư xử cho phải phép hơn, và phải bắt tay ngay vào việc. Chẳng buồn đáp lời bà, Ondine với lấy một cái ghế thấp, cô đặt nó dưới chân Huldbrand; cô ngồi ở đó cùng món đồ khâu vá của mình, và nói, đầy yêu kiều:

- Con sẽ ngồi làm việc ở đây.

Ông già thì cư xử hệt như tất cả các phụ huynh nào hay nuông chiều con cái họ; ông làm như thể đã không để ý thấy có gì là bất kính ở Ondine, và ông tìm cách hướng cuộc trò chuyện sang một chủ đề khác. Nhưng Ondine không muốn như vậy, và cô ngắt lời ông:

- Con đã hỏi người khách đẹp đẽ của chúng ta là chàng từ đâu tới, và chàng hẵng còn chưa trả lời cho con biết.

- Tôi từ khu rừng tới, cô bé xinh đẹp ạ, chàng bèn đáp.

- Vậy thì! Ondine lại nói, chàng sẽ kể cho em nghe làm sao mà chàng lại cả gan đi vào đó, và chàng cũng sẽ kể cho em những cuộc phiêu lưu kỳ thú xảy đến với chàng ở trong rừng.

Huldbrand cảm thấy một thoáng rùng mình nhẹ khi hồi tưởng các ảo tượng suốt cả ngày đã khiến chàng ngơ ngẩn cả người, và dẫu không định trước cặp mắt chàng dõi về phía khu rừng, như thể một trong số những ảnh tượng lạ kỳ mà chàng đã gặp nơi các khoảng cây u tối hiện ra ở đó, nhăn nhó, nhưng chàng chẳng nhìn thấy gì khác ngoài hoàng hôn ken đặc giờ đây đang trùm xuống bình nguyên. Đã thấy yên tâm, chàng chớm kể câu chuyện của mình, thì ông già vội nói trước chặn lời chàng:

- Không, không, thưa hiệp sĩ lãnh chúa, đây không phải là lúc nói tới những chuyện ấy.

Ondine bèn nhỏm dậy, hết sức tức tối, và dáng vẻ cao ngạo đi đến đứng trước mặt ông đánh cá:

- Tức là, nàng nói, bố không muốn chàng kể, hả bố, bố không muốn? Nhưng con, con đòi điều đó, và phải như thế, phải như thế.

Vừa nói những lời đó, cô vừa giậm bàn chân xinh xẻo của mình thật mạnh xuống đất, nhưng với một điệu duyên dáng và buồn cười đến mức đối với hiệp sĩ nàng lại càng quyến rũ trong cơn giận còn hơn lúc vừa nãy, trong sự đon đả hồn hậu của nàng. Về phần ông già và vợ ông, rốt cuộc họ để cho bùng nổ cơn bực tức của họ, và khởi sự mắng mỏ Ondine rất rát về sự thiếu nghe lời của nàng cùng lối hành xử không thể tha thứ nổi của nàng trước người khách của họ. Ondine kêu lên:

- A! nếu bố mẹ muốn mắng con mà nhất định không thuận cho con có được điều mà con mong muốn, thế thì ở lại thêm nữa trong cái túp nhà ám khói của bố mẹ để làm gì đây?

Nhanh như một mũi tên, nàng đã ra đến cửa, và bằng một bước chân nhẹ tênh nàng sớm mất hút vào đêm sâu thẳm đã bọc lấy cả vùng.



II

Bằng cách nào Ondine đã tới nhà ông đánh cá


Huldbrand và ông đánh cá lao ra từ chỗ đang ngồi hòng giữ cô thiếu nữ lại. Nhưng trước cả khi họ kịp đến chỗ cái cửa, Ondine đã biến mất vào sương mù, và bước chân nàng quá nhẹ thành thử chẳng tiếng động nào cho biết nàng đã chạy về phía nào. Huldbrand đưa mắt hỏi người chủ nhà; chàng thấy gần như là sự hiện hình tuyệt diệu kia, lặn trở lại vào trong bóng tối chóng vánh đến vậy, đã chẳng là gì khác ngoài một sự tiếp tục của những cảnh ma thuật và mê hoặc từng khuấy động chàng nhiều đến thế trong khi chàng băng ngang khu rừng. Nhưng ông già thì thầm trong bộ râu:

- Đây không phải là lần đầu nó chơi chúng tôi một vố như thế này. Và thế là giờ thì trong lòng chúng tôi toàn là hoảng sợ, chúng tôi sẽ chẳng thể nào chợp mắt nổi suốt đêm, vì ai biết nó có bị đổ bệnh vì ở bên ngoài như vậy không, trong đêm đen, cho đến tận sáng!

- Vì Chúa, ta hãy đi tìm cô ấy, Huldbrand, đầy lo lắng, kêu lên.

- Tích sự gì đâu! ông già đáp. Hẳn tôi sẽ tự trách mình như phạm cả một tội lỗi lớn nếu để ngài đi một mình trong bóng tối của đêm để tìm đứa trẻ điên rồ, và đôi chân già nua của tôi hẳn sẽ ngăn tôi tới được chỗ con bé nông nổi kia, ấy là nói giả dụ chúng ta biết nó đã chạy trốn về hướng nào.

- Thì ít nhất ta cũng gọi cô ấy thử xem, và cầu xin cô ấy quay trở lại, Huldbrand nói.

Và, tiến một bước vào màn đêm, ngay lập tức chàng hét lên, giọng trĩu khẩn khoản:

- Ondine, Ondine, phải quay về thôi, quay về đi, Ondine!

Ông già lắc đầu, nói rằng xét cho cùng tất tật những lời gọi ấy sẽ chẳng thể làm được gì, và rằng chàng hiệp sĩ còn chưa biết cô bé có thể bướng bỉnh tới mức nào. Dẫu sao thì ông cũng không thể tự ngăn mình đi vài bước trong bóng tối và cũng hét:

- Ondine, Ondine yêu quý của bố, bố xin con, quay về đi, lần này nữa, về đi!

Nhưng chuyện đúng như ông đánh cá đã dự liệu. Ondine không trả lời, cũng không quay về; và vì ông già nhất quyết ngăn không cho Huldbrand đi tìm cô gái bỏ trốn, rốt cuộc họ đành quay trở vào nhà. Họ thấy lửa trong lò đã gần tắt ngấm. Về phần bà già, còn xa bà mới bấn lòng dạ như ông chồng vì nỗi hiểm nguy mà cuộc chạy trốn của Ondine có thể chuốc lấy, và đã đi ngủ. Ông đánh cá thổi vào đống than sắp lịm để làm chúng cháy lại, cho thêm vài vài cành khô và, trong luồng sáng ngọn lửa lại bắt đầu bùng lên, ông đi lấy một bình rượu đặt ở giữa ông và người khách.

- Ngài cũng cảm thấy lo lắng về đứa trẻ khờ dại kia, thưa sire hiệp sĩ, ông nói, và tốt hơn hết, có phải không nào? là chúng ta thức khuya chuyện gẫu và uống rượu, còn hơn là leo lên đệm cói nằm mà không sao ngủ dược.

Huldbrand hết lòng nhất trí với lời đề nghị, ông đánh cá bắt chàng ngồi vào chỗ danh dự mà vợ ông đã rời bỏ để đi ngủ; và họ vừa uống vừa trò chuyện thân tình, như họ vốn dĩ là những con người trung hậu. Cần phải nói rằng cứ hễ có tiếng động nhỏ nhất nào ở trước cửa sổ, và thậm chí thảng hoặc chẳng hề có tiếng động nào hết, thì lúc người này khi người kia lại ngẩng đầu lên và nói: "Ondine đấy!" Những lúc như thế họ thật yên lặng, nín cả thở, nhằm nghe cho rõ hơn; rồi, vì chẳng có gì xuất hiện, họ thở dài lắc đầu và nói chuyện tiếp. Nhưng vì cả hai đều gần như chẳng thể nghĩ đến gì khác ngoài Ondine, họ cũng không tìm được gì tốt hơn để làm, chàng hiệp sĩ: ngoài lắng nghe câu chuyện về cách mà Ondine đã tới nhà ông lão đánh cá, và ông đánh cá: kể câu chuyện ấy. Ông kể như sau:

"Cách đây đã chừng mười lăm năm, một hôm tôi băng qua khu rừng để mang cá đánh được đến thành phố. Vợ tôi ở lại nhà, như thường lệ, nhưng hồi đó trong việc ấy có một mục đích đầy niềm vui, bởi Chúa đã giáng ân khiến chúng tôi khi tuổi đã cao có một mụn con vô cùng xinh xắn. Đó là một đứa bé gái, và chúng tôi đã bắt đầu hỏi nhau không biết vì tình yêu với nó chúng tôi có nên từ bỏ cái xó nơi chúng tôi sống đây để chuyển đến một nơi đông đúc hơn nhằm nuôi dạy nó cho tốt. Chẳng phải là chúng tôi mộng tưởng cả nghìn điều mà có lẽ ngài đang nghĩ đến đâu, sire hiệp sĩ, nhưng rốt cuộc, dẫu có nghèo đến mấy thì người ta vẫn luôn luôn có thể tìm cách làm hết sức mình. Tất tật những cái đó nhảy nhót trong đầu tôi vào lúc tôi đi về phía thành phố. Thẻo đất nhỏ mà chúng ta đang ở đây, tôi gắn bó hết lòng hết dạ với nó, và tôi thực sự phát run những khi nào phải ở giữa những tiếng ồn cùng các cãi cọ của thành phố, và tôi tự nhủ: chính đây là chỗ sẽ sớm phải sống, hoặc giả tại một nơi khác cũng chẳng bớt kém im lặng! Tuy nhiên tôi có thể nói là tôi chưa từng bao giờ thì thầm điều gì chống lại Chúa lòng lành; thay vì thế tôi lại còn luôn luôn cảm ơn Người từ tận sâu trái tim tôi vì ân sủng mà Người đã ban cho chúng tôi, khi để chúng tôi có một đứa con. Hẳn tôi cũng sẽ nói dối nếu đi kể rằng lúc tới thành phố hoặc từ đó quay về nhà, xuyên qua khu rừng, đã xảy đến với tôi ngày hôm ấy cuộc phiêu lưu khó chịu nào dẫu nhỏ tới đâu. Không, hôm đó cũng không hơn so với lệ thường, tôi đã không gặp phải sự gì đáng lo ngại, và Đức Chúa vẫn hằng bảo vệ tôi ở giữa những cái bóng bí hiểm ấy..."

Nói những lời đó xong, ông cởi mũ bon nê khỏi cái đầu không tóc của mình, và cứ như vậy ông thầm cầu nguyện một hồi. Rồi ông đội lại mũ và nói tiếp:

"Chính là từ phía bên này của khu rừng, hỡi ôi! mà bất hạnh đã đến tìm tôi. Vợ tôi đi đón tôi, bà ấy mặc cái váy tang, và hai dòng suối nước mắt tuôn ra từ hai mắt bà ấy.

"Chúa linh thiêng! tôi vừa rên lên vừa hỏi bà ấy, đứa con yêu quý của chúng ta đâu mất rồi? Nói đi, nói nhanh lên.

- Ông chồng khốn khổ của tôi ơi, bà ấy đáp, nó đang ở chỗ Người mà ông đang cầu khẩn.

Và chúng tôi quay về ngôi nhà của chúng tôi, vừa đi vừa khóc thầm. Tôi muốn nhìn thấy xác của đứa trẻ xấu số, và chính khi đó tôi được biết chuyện gì đã xảy ra. Vợ tôi ngồi trên bờ hồ cùng đứa bé, chơi với nó, chẳng chút lo âu và sung sướng hết mức, thì bỗng con bé hơi chúi người về phía trước, như thể nó vừa trông thấy ở dưới nước một cái gì đó rất đẹp. Vợ tôi vẫn còn thấy nó cười, thiên thần nhỏ bé yêu quý, và chìa hai bàn tay bé xíu ra. Nhưng nó đã cử động quá đột ngột và tuột luôn khỏi vòng tay của mẹ nó, biến mất đi bên dưới mặt gương của làn sóng. Tôi tìm kiếm rất lâu đứa bé đã chết, nhưng chỉ vô vọng, tôi không lần ra nổi dấu vết nào hết... Giờ đây đã trở nên những bố mẹ nghèo khổ không con, tối tối chúng tôi về nhà, yên lặng ngồi bên nhau. Chẳng ai trong số hai chúng tôi thấy muốn chuyện trò, đấy là nói giả dụ chúng tôi có thể chuyện trò mà không bị những giọt nước mắt chặn mất lời. Chúng tôi nhìn lửa cháy trong lò thì bỗng nhiên nghe thấy như thể có tiếng loạt soạt rất nhỏ bên ngoài, và rồi cửa mở ra, và chúng tôi trông thấy một cô bé gái chừng ba bốn tuổi, điểm trang thật rực rỡ và xinh đẹp tuyệt vời, đứng đó trên bậu cửa mỉm cười với chúng tôi. Chúng tôi lặng đi vì kinh ngạc, và trước hết tôi không biết có phải trước mặt chúng tôi kia đúng là một con người bé nhỏ, hay đó chỉ là một sự hiện hình lừa dối. Nhưng tôi nhận thấy mái tóc vàng rực của đứa bé cùng quần áo đắt tiền của nó rỏ nước tong tỏng, và tôi kết luận chắc có lẽ nó đã bị ngã xuống hồ, và cần phải mau chóng giúp nó ngay.

"Đã chẳng ai có thể cứu con gái bé bỏng yêu quý của chúng ta, tôi nói với vợ tôi, vậy thì ít nhất ta cũng làm cho những người khác điều đáng ra đã là niềm vui lớn nhất của chúng ta trên cõi đời này, nếu như mà có ai đó làm được nó cho chúng ta."

Chúng tôi cởi quần áo của đứa bé, cho nó đi nằm ngay lập tức, rồi chúng tôi cho nó uống những thứ đồ ấm nóng. Suốt thời gian chúng tôi làm các việc ấy, nó không thốt một lời nào với chúng tôi, nhưng nó cứ tiếp tục nhìn chúng tôi bằng cặp mắt thật lớn có màu xanh trời ngập tràn biết bao nhiêu là tâm hồn trong đó. Hôm sau, chúng tôi đã hoàn toàn được yên tâm, thấy rõ là nó không hề hấn gì sau khi hẳn đã bị ngã xuống nước. Tôi hỏi nó về bố mẹ nó và về cách thức nó được mang tới đây. Và ấy là cả một câu chuyện lạ thường, rối tung rối mù. Chắc nó sinh ra ở rất xa đây, bởi không chỉ từ mười lăm năm nay nó sống cùng chúng tôi mà tôi vẫn không sao biết được nguồn gốc của nó, mà đôi khi nó còn nói những điều kỳ khôi tới nỗi những người như chúng tôi đây rốt cuộc phải tự hỏi hay nó từ mặt trăng rơi xuống trái đất. Nó nhắc đến một lâu đài bằng vàng, lợp toàn pha lê, và Chúa mới biết những gỉ những gì nữa. Cái mà nó kể cho chúng tôi rõ hơn cả, đó là chuyện nó cùng mẹ nó đi dạo trên hồ lớn, ở đó thuyền của họ bị lật, và rằng, sau khi rơi xuống nước nó chỉ tỉnh lại dưới những cái cây vốn dĩ gây tươi vui cho bờ hồ duyên dáng này, nơi có ngôi nhà của chúng tôi... Chúng tôi sớm mắc phải một nỗi lo âu to lớn. Việc đứa trẻ tìm thấy này sẽ thế chỗ đứa con nhỏ yêu quý đã chết của chúng tôi, cái đó thì đi một nhẽ ngay rồi, nhưng ai mà biết được nó đã được rửa tội hay chưa? Bản thân nó cũng không nói được gì về chuyện ấy. Nó biết rõ nó là một tạo vật được sinh ra cho vinh quang lớn nhất của Chúa, nó hay đáp lại chúng tôi như vậy, và mọi điều gì chúng tôi quyết định mà có thể làm đẹp lòng Chúa, nó đều sẵn sàng tuân theo. Vợ tôi và chúng tôi mới nghĩ: nếu nó còn chưa được rửa tội, thì không được để mất thời gian; nếu ngược lại nó đã được rửa tội, thì chẳng phải nếu quá lên thì vẫn cứ tốt hơn so với quá ít hay sao, trong những gì liên quan đến thiêng liêng! Do đó chúng tôi nghĩ đến việc tìm một cái tên đẹp cho đứa trẻ, mà nhìn chung hồi đó chúng tôi vẫn chưa biết phải gọi như thế nào. Rốt cuộc chúng tôi bảo nhau, Dorothée hẳn là cái tên hợp với nó hơn cả, vì tôi từng một lần nghe nói rằng cái tên đó có nghĩa là món quà của Chúa; và quả thật nó đã được Chúa gửi đến cho chúng tôi như một món quà, như một niềm an ủi trong nỗi bần cùng của chúng tôi. Nhưng nó không muốn nghe nói tới cái tên ấy, và nó bảo với chúng tôi rằng, vì bố mẹ nó gọi nó là Ondine, cho nên nó muốn tiếp tục được gọi như thế. Tôi thấy dường đó là một cái tên ngoại đạo, không nằm trong quyển lịch nào, và tôi quyết định hỏi ý kiến một vị linh mục ở thành phố về chuyện này. Ông ấy cũng không muốn nghe nói đến cái tên Ondine; nhưng nể những lời cầu xin khẩn khoản của tôi ông ấy đã đồng ý đi cùng tôi xuyên qua khu rừng bí hiểm, tới đây trong nhà của tôi để làm lễ rửa tội cho đứa bé. Chúng tôi thấy con bé ăn vận đẹp quá và hết sức kiều diễm, đến mức ông linh mục tốt bụng như thể ngây ngất cả người. Và nó biết cách nịnh ông ấy thật là khéo, thỉnh thoảng lại cũng trêu ngươi ông ấy thật là buồn cười, thành thử rốt cuộc ông ấy không tìm lại được lý lẽ nào trong số những gì ông ấy đã chuẩn bị sẵn chống lại cái tên Ondine. Vậy là nó được rửa tội dưới cái tên đó, và suốt thời gian diễn ra nghi lễ thiêng liêng nó cư xử với một sự khiêm nhường vô cùng và một vẻ khả ái hoàn hảo, dẫu thông thường nó có tỏ ra hoang dại và lo lắng tới mức nào. Bởi về khoản này thì bà vợ tôi nói đúng đấy: chúng tôi đã phải chịu nhiều điều không hề dễ chịu với nó. Nếu mà tôi phải kể cho ngài..."

Chàng hiệp sĩ ngắt lời ông, bảo ông lắng nghe một tiếng động như thể được tạo ra từ các vòi nước rất mạnh, và chàng nghĩ mình đã nghe thấy từ trước đó, khi ông già ngừng nói một lát, nhưng giờ thì nó đang tăng mức độ dữ dội rất nhanh chóng, cứ như có một trận mưa thác lũ bắt đầu rơi. Cả hai lao về phía cửa. Trăng đã lên, và họ trông thấy dòng suối chảy ra từ khu rừng đã dâng nước và tràn bờ, lôi theo dòng chảy của nó các tảng đá cùng thân cây, trong một cơn xoáy có sức tàn phá khủng khiếp. Gió, như thể được đánh thức từ toàn bộ nỗi náo loạn kia, chóng khởi sự đuổi đi những đám mây nặng, chúng phi lồng lên và che khuất mất trăng. Cái hồ gầm lên, bị cơn bão quật cho ghê hồn. Cây cối thì rên rỉ, từ rễ lên đến tận ngọn, và uốn cong xuống như bị lên cơn chóng mặt dưới sự dồn dập của nước xiết...

"Ondine! ôi Chúa ơi, Ondine! quay về đi", hai người hét lên, lòng ngập tràn nỗi lo lắng.

Nhưng chẳng câu trả lời nào vẳng tới tai họ, khi ấy thì chẳng gì có thể giữ họ lại được nữa, cả hai chạy bổ đi, xa hẳn khỏi ngôi nhà, người theo hướng này, người theo hướng kia, tìm và gọi Ondine khắp các chốn.



III

Làm thế nào mà họ tìm lại được Ondine


Nỗi hoảng sợ và cơn bấn loạn của chàng hiệp sĩ càng tăng thêm khi chàng càng thấy vô vọng hơn cái việc tìm kiếm Ondine trong bóng tối như thế này. Ý nghĩ cô gái trẻ chỉ là một hiện hình giống như những gì chàng đã gặp trong khu rừng lại bắt đầu xâm chiếm tâm trí chàng. Ở giữa sự ầm ào của các đợt sóng, tiếng cây gãy đổ, những gầm rú của cơn bão, sự biến hình hoàn toàn kia của một vùng đất mới lúc trước còn yên bình và đẹp đến thế, thậm chí chàng còn thấy như thể cái góc này của mặt đất, ngôi nhà mái rạ cùng những người sống trong đó, toàn bộ thảy cũng chỉ là một ảo tưởng đánh lừa mà thôi. Nhưng chàng vẫn tiếp tục nghe thấy xa xa, xuyên qua những tiếng ồn của cơn bão, những lời gọi đầy ắp lo lắng của ông già cũng đang tìm Ondine, thậm chí chàng còn mường tượng được những lời cầu nguyện cất lên và các bài hát lễ của bà già đang cầu xin ơn trên che chở, và thế là lòng can đảm của chàng sống lại. Rốt cuộc chàng tới được bờ của dòng suối dâng nước, và có thể trông thấy trong ánh trăng sự chảy của nó đã trở nên bất trị chính ở ngay trước khu rừng huyền hoặc, thành thử chỏm đất nhỏ chàng đang ở trên đây giờ đã trở nên một hòn đảo.

"Chúa ơi - chàng hiệp sĩ nghĩ - miễn sao Ondine, trong cơn nóng nảy hờn giận duyên dáng của nàng, và chính bởi mình đã không được nói với nàng về khu rừng đáng ngại kia, không nảy ra ý táo bạo là phiêu lưu vào đó một chút! Nếu vậy hẳn giờ đây dòng thác đã phân tách nàng khỏi chúng ta, và hẳn nàng đang khóc một mình trên bờ bên kia, ở giữa những hiện hình đầy đe dọa ấy!"

Một tiếng hét kinh hoảng bật ra từ chàng; nhưng ngay lập tức chàng tĩnh trí và đầy can đảm vượt các khối đá nặng cùng những thân cây thông to lớn bị bão bẻ gãy, để đến được dòng thác và băng qua đó, hoặc nhờ quãng nước nông, hoặc thậm chí là bơi, nhằm đi tìm cô thiếu nữ bị lạc tận trong khu rừng. Tất tật những gì chàng đã nhìn thấy trong ngày, cả khủng khiếp lẫn huyền ảo, dường đang tái hồi, cựa quậy bên dưới các cành cây cứ không ngừng chúi xuống và rên khóc. Nhất là chàng tưởng như mình nom thấy ở bờ đối diện một tên đàn ông trắng toát và rất to lớn, mà chàng biết quá rõ, và hắn vừa nhìn chàng vừa cười khẩy, không ngừng gục gặc cái đầu. Nhưng thì cũng chính những hình ảnh huyền hoặc ấy thu hút chàng không sao cưỡng nổi, vì chàng nghĩ rằng Ondine đang phải ở đó, đơn độc giữa chúng, làm mồi cho một nỗi hoảng sợ chết người. Chàng đã tóm lấy một cành thông thật cứng, và dùng nó làm điểm tựa, chàng tìm cách tiến lên trong dòng thác, trì người chống lại các đợt sóng quay cuồng lúc nào cũng đe dọa cuốn phăng chàng đi. Đột nhiên, không xa với chàng, chàng nghe thấy một giọng nói đầy duyên dáng hét lên:

- Cẩn thận đấy! chàng đừng có tin! ma mãnh lắm, lão già ấy, lão già dòng thác!

Chàng nhận ra những thanh âm êm dịu kia, và dừng lại như thể ngây ra dưới bóng tối thật dày vừa che kín mặt trăng thêm một lần nữa. Khi ấy chàng dường bị chóng mặt, và nghĩ mình sắp bị dòng nước xiết cuốn đi rồi, và chàng phải nỗ lực kinh người để cưỡng lại.

- Ondine, vậy là nàng không tồn tại - chàng nói - chẳng phải nàng chỉ là một hình dạng mây mù chơi nghịch với ta sao? Nếu quả là như thế, thì ta không còn muốn sống nữa, và chính ta cũng muốn trở thành một cái bóng, một con ma giống như nàng, Ondine, Ondine yêu quý!

Chàng thốt ra những lời đó rất lớn giọng, và ngay tức khắc chàng cả quyết thêm, đi hẳn vào trong dòng thác.

- Phải chú ý chứ, và cẩn thận vào, chàng trai nông nổi trẻ trung và đẹp đẽ, thêm một lần nữa một giọng nói lại vang lên ngay gần sát chàng.

Chàng hiệp sĩ ngẩng đầu lên; cùng lúc đó trăng lại hiện ra trong toàn bộ sự rực rỡ của nó, và chàng trông thấy dưới các cành cây đan quấn vào với nhau của những cây lớn một dạng đảo nhỏ được tạo ra bởi cơn lũ, tại đó Ondine đang nằm, thật diễm lệ, giữa đám cỏ nở hoa. Với thêm nhiều biết bao nhiêu can đảm và niềm vui hơn so với trước giờ đây chàng chống cành thông của mình làm điểm tựa! Rất mau chóng chàng băng ngang được dòng thác vẫn còn chia cắt chàng với cô thiếu nữ, và thấy mình ở bên cạnh nàng trên bãi cỏ nhỏ nơi nàng được an toàn, cảm thấy mình được bảo vệ vô vàn bởi các cây cổ thụ đang vươn những ngọn rậm rạp của nó phía trên đầu nàng. Ondine hơi nhỏm người dậy và, vòng hai cánh tay ôm choàng lấy cổ chàng hiệp sĩ, nàng kéo chàng ngồi xuống bên cạnh, trên cái ghế làm bằng cỏ nơi nàng cũng đang ở trên.

- Giờ thì ở đây chàng kể cho em nghe câu chuyện của chàng đi, người bạn thân ái - nàng thì thầm - ở đây mấy người già nua đáng chán kia không thể nghe được chúng ta; và túp lều lợp tán lá của chúng ta, em nghĩ, ít nhất thì cũng đáng giá ngang bằng cái nhà lụp xụp của họ.

- Ơn trời!, Hulbrand nói.

Và đầy say mê ôm lấy đứa trẻ thích mơn trớn kia, chàng phủ lên người nàng vô số nụ hôn.

Sự thể đang diễn ra như vậy, thì ông lão đánh cá đến bên bờ dòng thác, và khi nhìn thấy hai con người trẻ tuổi, ông kêu lên:

- Ơ kìa! sire hiệp sĩ, tôi đã đón ngài vào nhà tôi hoàn toàn thẳng thắn và đầy tin tưởng, như những con người trung hậu vẫn làm, thế mà bây giờ ngài lại hôn con gái nuôi của tôi, và ngài thản nhiên chuyện trò với nó, thậm chí còn chẳng đoái hoái gì tới nỗi lo sợ của tôi, để mặc cho tôi chạy đi tìm Ondine trong đêm.

- Tôi chỉ mới tìm được cô ấy vừa xong thôi, ông bố già tốt bụng ạ - chàng hiệp sĩ đáp.

- Vậy thì tốt - ông đánh cá nói - nhưng ngài đưa ngay nó về đất liền đi.

Tuy nhiên Ondine chẳng hề muốn nghe nói năng như thế. Nàng bảo là chẳng thà mình bỏ đi luôn vào khu rừng hoang cùng chàng trai lạ mặt tuấn tú, còn hơn là quay về ngôi nhà mái rạ, nơi người ta không muốn chiều theo ý nàng, và từ đó dẫu có thế nào thì chẳng chóng thì chầy chàng hiệp sĩ dễ thương cũng đi khỏi. Rồi dựa đầu vào Huldbrand, nàng cất tiếng hát với một vẻ kiều mị không bút nào tả xiết, ấy là một bài lied ngây thơ kể về một dòng suối nhỏ rời thung tối nơi nó sinh ra để lên đường đi xa tìm hạnh phúc, và rốt cuộc đến được biển, biển rộng mênh mông, từ đó chẳng bao giờ nó còn quay trở về nữa.

Ông lão đánh cá khóc vì cay đắng trong khi nàng hát như vậy, nhưng nàng không hề tỏ ra là bị cảm động bởi thế. Nàng hôn và chiều nịnh hiệp sĩ yêu quý của nàng, chẳng buồn tỏ ra là mình có nhìn thấy hay nghe thấy tiếng ông bố nàng. Rốt cuộc Huldbrand nói với nàng:

- Ondine, nếu nỗi sầu muộn của ông già kia không khiến cho em xao động, thì đối với ta nó cứa sâu vào trong lòng. Ta quay trở lại chỗ ông ấy đi.

Ngạc nhiên tột độ, nàng ngẩng cặp mắt xanh thật lớn lên nhìn Huldbrand, và rồi nàng nói với chàng, thật chậm, đậm nhiều do dự:

- Bởi chàng muốn như vậy, thì được thôi; và em thuận lòng trước mọi điều gì chàng mong muốn. Nhưng ông già đang ở kia phải hứa với em là không được ngăn chàng kể cho em nghe những cuộc phiêu lưu đã xảy tới với chàng ở trong rừng, và... Nhưng phần còn lại, thì ta sẽ thấy thôi, sau này.

- Quay về đây, bố chỉ yêu cầu con mỗi điều đó thôi, ông đánh cá hét lớn, không nói nổi lời nào nữa.

Và cùng lúc ông chìa hai tay về phía cô bé phía trên dòng thác, và gật gật đầu ra hiệu, tỏ dấu mình sẽ đồng ý mọi điều mà cô đã đòi. Bởi làm thế, mái tóc bạc của ông phủ trùm lên khuôn mặt theo một cách thức thật lạ thường, khiến cho Huldbrand bất giác nhớ đến cái tay trắng toát cũng đã gục gặc đầu ra dấu với chàng trong rừng. Nhưng, không để cho mình bị rối loạn bởi điều gì, chàng hiệp sĩ trẻ tuổi bế giai nhân lên, và cứ thế chàng đi qua dòng thác đang chảy ầm ào giữa hòn đảo nhỏ và đất liền. Ông già lao tới ôm lấy cổ Ondine, và ông hôn cô cùng bày bỏ niềm vui của ông vì thấy cô lại ở bên ông mãi mà không chán. Cả bà già cũng chạy tới, và vuốt ve đứa bé tìm lại được thật là dịu dàng. Những lời trách móc thì không còn có chuyện nói ra nữa, nhất là khi Ondine, quên biến mất sự cứng đầu cứng cổ của mình lúc trước, giờ gần như khởi sự chăm chăm ve vuốt và nói những lời ngọt ngào với bố mẹ nuôi.

Chừng rốt cuộc họ đã bình tâm trở lại một chút sau những nồng nhiệt của niềm vui ấy, bình minh đã ló dạng về phía bờ hồ bên kia; cơn bão đã ngưng, và lũ chim hót thật vui tươi trên các cành cây ẩm. Vì Ondine nhất định không quên là mình muốn nghe ngay lập tức câu chuyện của chàng hiệp sĩ, hai ông bà già tốt bụng đồng ý cho phép, đầy rộng lượng và với nét mặt tươi cười. Họ mang đồ ăn trưa đến dưới các cây cối đằng sau ngôi nhà bên bờ hồ, và họ ngồi lên cỏ, lòng đầy vui sướng. Ondine đòi được nằm xuống dưới chân chàng hiệp sĩ, và chàng bắt đầu kể câu chuyện của mình như sau.



IV

Những cuộc phiêu lưu của chàng hiệp sĩ trong khu rừng


"Cách đây tám hôm, tôi tới một thành phố tự do thuộc đế chế nằm bên kia rừng, để tham gia một cuộc thi đấu thật đẹp [các cuộc thi đấu của hiệp sĩ thời Trung cổ: cf. chẳng hạn Ivanhoe], tại đó tôi đã không hề nương nhẹ cả con ngựa lẫn cây thương của tôi. Tới một lúc tôi đang nghỉ khỏi cuộc đấu tươi vui, dừng lại gần rào chắn, và đang đưa mũ sắt cho viên kỵ mã thì tôi trông thấy một cô nương đẹp tuyệt trần và điểm trang rất xinh ở bên trong hành lang để xem thi đấu. Tôi hỏi một người gần đấy và biết được cô thiếu nữ tươi tắn kia tên là Bertalda, là con gái nuôi của một ngài công tước hùng mạnh sống trong vùng. Tôi nhận thấy nàng cũng nhìn tôi và, như vẫn luôn xảy đến với các hiệp sĩ trẻ chúng tôi, dẫu cho tôi đã chiến đấu gan dạ đến đâu, thì ấy vẫn cứ là một sự vụ hoàn toàn khác. Buổi tối, khi khiêu vũ, tôi được nhảy cùng Bertalda luôn, và cứ như vậy tôi ở bên nàng suốt những ngày hội hè..."

Đột nhiên chàng hiệp sĩ thấy nhói đau ở bàn tay trái, bàn tay nằm bên phía Ondine, khiến đang kể chuyện chàng phải ngừng lại. Chàng nhìn xuống tay, và thấy là Ondine vừa cắn mạnh vào đó bằng những chiếc răng nhỏ đều tăm tắp của nàng, thêm vào đó giờ đây trông nàng thật u tối và giận dỗi. Nhưng, gần như ngay tức khắc nàng nhìn vào mắt chàng với vẻ dịu dàng và ái ngại, rồi nàng êm ái thở dài:

- Chẳng phải là chàng đáng bị vậy hay sao?

Và ngay lập tức nàng đưa hai tay lên che lấy mặt, trong khi chàng hiệp sĩ, cảm động và tư lự theo một lối khác thường, kể tiếp:

"Ấy là một cô thiếu nữ cao ngạo và khác thường, Bertalda! Ngay ngày thứ hai thôi tôi đã thấy bớt thích nàng hơn nhiều so với ngày thứ nhất, sang đến ngày thứ ba thì lại càng bớt đi nữa. Nhưng tôi vẫn ở bên cạnh nàng, vì nàng tỏ với tôi nhiều sự khả ái hơn so với các hiệp sĩ khác, và chính bằng cách đó tôi đã đùa mà hỏi nàng đưa cho tôi một cái găng tay của nàng. "Được - nàng nói - nếu anh dám đi một mình vào khu rừng kia, mà tất cả mọi người đều e dè những lúc nhắc tới, và nếu anh quay trở về kể cho tôi những gì anh thấy ở đó." Tôi đâu có thiết tha gì găng tay của nàng, nhưng điều gì đã nói thì đã nói, vả lại một hiệp sĩ biết trọng danh dự không bao giờ đợi bị giục hai lần thì mới lao vào một thử thách như thế."

- Em nghĩ chị ta yêu chàng? - Ondine ngắt lời.

- Nàng ấy dường yêu ta - chàng hiệp sĩ đáp.

- Thế thì! cô thiếu nữ cười lớn kêu lên - chắc chị ta phải ngốc lắm! Đuổi đi xa khỏi mình theo cách ấy cái người mà ta yêu! và lại còn là sai người đó đi vào một khu rừng nổi danh độc địa nữa chứ! Đối với em, khu rừng cùng những bí ẩn của nó hẳn có thể đợi em thật lâu!

"Tôi lên đường vào sáng hôm qua - chàng hiệp sĩ nói tiếp, vừa nói vừa dịu dàng mỉm cười với Ondine. - Những thân cây vươn cao lấp lánh một thứ ánh sáng đỏ sậm dưới mặt trời đang lên, mà các tia cũng làm sống dậy màu lục của cỏ, rồi thì những cái lá dường bi bô nói, tất tật cùng nhau, vui tươi đến mức tôi không thể tự ngăn mình, từ tận đáy lòng, cười tất tật những người kia, sao mà họ lại có thể nghĩ là có thể vấp phải một cái gì nguy cấn ở cái chốn tuyệt diệu ấy. Chắc sẽ chẳng mất mấy thời gian để băng qua khu rừng này, cả đi lẫn về, tôi sung sướng tự nhủ và, chẳng buồn nhìn ngang ngó dọc, tôi lao ngay vào bên dưới những bóng tỏa xanh um kia, và tôi chẳng còn có thể nhìn thấy gì nữa toàn bộ bình nguyên mà tôi đã để lại sau lưng. Đột nhiên tôi nảy ra ý nghĩ, khu rừng rộng đến thế kia, tôi rất dễ bị lạc trong đó, và chắc hẳn đó là mối nguy duy nhất có thể đe dọa người lữ khách. Tôi bèn dừng lại, và tìm cách nhận biết vị trí của mặt trời, nó, kể từ khi tôi tiến bước, đã lên khá cao trên trời. Nhìn lên không trung như vậy, tôi trông thấy cái gì đó màu đen trên các cành của một cây sồi lớn. Ngay tức khắc tôi nghĩ chắc đó là một con gấu, và đã chuẩn bị nắm lấy chuôi thanh kiếm thì tôi nghe như thể có một giọng người, nhưng khàn và khó chịu, hét lên với tôi từ trên cây: "Nếu ta không kiếm sẵn cành cây dự trữ ở đây, thì biết lấy gì để rô ti mi đêm nay đây, hở quý ông láo xược?" Cùng lúc, như là có những tràng cười rộ lên ở giữa tiếng xào xạc các cành cây; con ngựa của tôi hoảng sợ và lôi phăng tôi đi cùng nó trước cả khi tôi kịp có thời gian nhận ra cái con thú quỷ quái kia có thể là gì."

- Tốt hơn hết là đừng nghĩ đến cái đó nữa, ông lão đánh cá ngắt lời, và ông làm dấu thánh.

Bà già trung hậu cũng bắt chước ông, chẳng nói chẳng rằng; về phần Ondine, nàng nhìn người bạn mới của mình bằng cặp mắt lớn sáng màu, và nói:

- Chỗ đẹp hơn cả của câu chuyện là rốt cuộc bọn họ đã không rô ti chàng! Nào, tiếp tục đi, bạn yêu quý của em!

Chàng hiệp sĩ bèn kể tiếp câu chuyện của mình:

"Con ngựa đang cơn hoảng hốt của tôi đe dọa lúc nào cũng có thể làm tôi bị va vào các thân cây và cành cây. Nó toát những giọt mồ hôi to tướng vì sợ và vì nóng bức, còn tôi thì không sao mà làm cho nó dừng chạy nổi, rốt cuộc nó lao thẳng về phía một cái vực toàn là vách đá. Vào lúc ấy, tôi thấy dường có một tên đàn ông trắng toát và rất cao lớn lao mình băng qua đường trước mặt con ngựa phát điên, nó nhảy dựng lên hết sức mãnh liệt khi trông thấy hắn và dừng khựng lại. Tôi lại làm chủ được con thú của tôi, và mãi tận lúc đó tôi mới nhận ra người cứu tôi không phải một tên đàn ông trắng toát, mà là một dòng suối nước trong ánh bạc, nó đổ từ một chỏm núi nhỏ xuống bên cạnh tôi và bởi nó đột nhiên nằm đó trên đường chạy con ngựa của tôi cho nên đã chặn được nó lại như thế."

- Cám ơn nhé, dòng suối thân mến! Ondine kêu lên, vỗ hai bàn tay vào nhau.

Nhưng ông lão đánh cá lắc đầu, và hai mắt cứ chăm chú nhìn về phía trước, như thể ông đang chìm đắm vào một suy tư sâu sắc.

"Tôi vừa ngồi vững lại trên yên ngựa và cầm chắc lấy dây cương - Huldbrand kể tiếp - thì có một gã bé nhỏ kỳ quái bước đi gần tôi, một dạng myrmidon xấu xí vượt quá mọi chừng mực, nước da vừa nâu lại vừa vàng ệch, và có một cái mũi không nhỏ hơn nhiều lắm so với toàn bộ phần còn lại cái con người gớm ghiếc của hắn. Hắn cười hềnh hệch vẻ lịch sự ngu độn, cái mồm há ra rộng ngoác, và cứ không ngừng cúi người cùng làm đủ mọi điệu bộ kính cẩn trước mặt tôi. Vì màn hài kịch ấy khiến tôi ghê tởm quá, tôi bèn cảm ơn hắn hết sức ngắn gọn, và rẽ cương khiển con ngựa của tôi vẫn còn run lẩy bẩy quay ngược lại, tự nhủ phải đi kiếm một cuộc phiêu lưu mới hoặc, nếu không gặp được cuộc phiêu lưu nào khác, thì đi về thành phố, bởi trong cuộc chạy điên rồ của tôi mặt trời vẫn tiếp tục lên, và thậm chí nó đã bắt đầu xuống về hướng Tây. Nhưng thằng lùn, nhanh như một tia chớp, cũng đã quay ngoặt người, và lại ở ngay trước con ngựa của tôi.

"Nhường đường đi - tôi kêu lên, đã thấy bực bội lắm rồi - con ngựa dữ lắm đấy, nó dễ giẫm lên người anh lắm." - "Hê - tay nhỏ xíu nói, và giọng hắn rin rít như một con quay gỗ, còn tiếng cười của hắn thì còn có vẻ ngu ngốc hơn, đáng kinh hãi hơn cả lúc trước - hê! ngài không thể trước hết cho tôi một món tiền bo à, vì tôi đã giữ con ngựa của ngài lại, bằng không thì cả ngài lẫn ngựa giờ đã tan thây dưới vực rồi." - "Thôi đừng có nhăn nhó mặt nữa đi - tôi đáp lại hắn - và cầm lấy tiền đây, cho dù mi nói dối, bởi chính dòng suối đằng kia đã cứu ta, chứ đâu phải mi, đồ lùn xủn mạt hạng!" Nói đoạn, tôi lẳng một đồng tiền vàng vào cái mũ bon nê kỳ khôi mà hắn đã cởi khỏi đầu và chìa về phía tôi như một kẻ ăn mày. Rồi tôi thúc cựa giục ngựa đi, nhưng cái tên bé xíu đó lại hét lên bai bải sau lưng tôi, và với một tốc độ không sao hình dung nổi, đột nhiên hắn đã lại ở bên cạnh tôi. Tôi cho ngựa phi nước đại, thằng lùn cũng phi nước đại, mặc cho nỗi mệt mà điều đó dường gây ra cho hắn, và buộc hắn phải thực hiện những uốn éo người kỳ khôi, các uốn éo vừa tởm lợm lại vừa lố bịch. Hắn không ngừng giơ lên cao đồng tiền vàng mà tôi đã đưa hắn, và ở mỗi bước nhảy hắn lại hét lên: "Vàng rởm, tiền giả, tiền giả!" Hắn cứ quàng quạc những lời đó bằng một cái giọng âm hiểm đến mức hẳn có thể nói, ở mỗi tiếng hét, hắn sắp lăn ra chết tới nơi. Cái lưỡi đỏ ghê gớm của hắn như là thè hẳn ra ngoài khỏi mồm. Tôi dừng lại, đầu óc rối tinh, và hỏi hắn: "Mi muốn làm gì với tất tật những la hét kia đấy hả? Đây, thêm một đồng tiền vàng nữa, vậy là tận hai rồi nhé, nhưng để ta yên đi." Ngay tức khắc hắn lại tái khởi những điệu bộ cung kính khó coi, và cất giọng rè rè trả lời: "Vàng! nhưng không, đây hoàn toàn đâu phải là vàng, lãnh chúa nhỏ bé của tôi ơi. Chính tôi đây cũng phát mệt vì trò đùa này rồi, và tôi sẽ chứng minh cho ngài thấy." Khi đó đột nhiên tôi thấy dường ánh mắt của tôi có thể xuyên thấu mặt đất phủ cỏ tôi đang đi trên, cứ như thể ấy là một tấm pha lê màu lục bao quanh mặt đất, và quá bề mặt pha lê đó, tôi trông thấy hàng lô hàng lốc bọn lùn bé tí teo đang nghịch với vàng và bạc. Chúng lăn mình đi khắp nơi và, cứ nhào lộn không ngừng, chơi trò ném vào nhau những thứ kim loại quý và, vì nghịch ngợm, thổi bụi vàng vào mắt nhau. Kẻ đồng hành gớm ghiếc của tôi lúc ở với chúng, khi lại bên cạnh tôi, hắn lấy từ bọn khác rất nhiều vàng, vừa cười khành khạch vừa cho tôi xem, rồi ngay sau nó hắn lại ném vàng xuống vực sâu không đáy. Rồi hắn chìa đồng tiền vàng mà tôi đưa hắn cho lũ yêu tinh đang đùa chơi kia xem; bọn chúng cười nhạo đồng tiền đến đứt cả hơn, và đồng loạt cùng nhau la ó, ê tôi. Rồi chúng chĩa về phía tôi những ngón tay nhọn hoắt của chúng, lấm bẩn vì kim loại, và đoàn lũ chúng leo lên đến chỗ tôi, mỗi lúc một dày đặc hơn, mỗi lúc một ồn ào hơn, mỗi lúc một điên rồ hơn. Tôi cảm thấy một nỗi hoảng sợ không bút nào tả xiết, cũng giống nỗi sợ một lúc trước con ngựa của tôi đã lâm vào. Tôi cuống cuồng thúc con vật khốn khổ, và tôi cũng chẳng biết khoảng cách gây chóng mặt nào mà tôi đã băng qua, lúc ấy, lần thứ hai, trong khu rừng. Chừng rốt cuộc tôi cũng dừng lại, sự mát mẻ của buổi chiều tối vây bọc lấy tôi. Xuyên qua những cành cây, tôi nom thấy sáng ánh ỏi lên một lối đi trắng xơ ra, mà tôi cho là có thể dẫn tôi quay về thành phố. Tôi tìm cách rẽ lấy một đường để đến đó; nhưng một khuôn mặt trắng toát, mà các đường nét rất mơ hồ và biến đổi luôn luôn, bỗng hiện ra trước tôi xuyên đám cành lá; tôi muốn tránh nó đi, nhưng dẫu có quay sang bên nào thì nó cũng ở bên đó rồi. Giận dữ tới mức phát điên, rốt cuộc tôi quyết định cử ngựa cứ thế đi thẳng vào nó, và thế là ào xuống con ngựa và tôi một thứ bọt trắng khiến chúng tôi gần như mù mắt và buộc chúng tôi phải quay lại. Bộ mặt kia dồn đuổi chúng tôi như thế, từng bước một, đẩy chúng tôi mỗi lúc một xa khỏi lối đi, và nhìn chung chỉ để chúng tôi được đi theo độc một con đường. Nếu chúng tôi đi theo hướng đó, thì cái mặt ở đằng sau chúng tôi, vả cũng không tìm cách gây điều gì hại cho chúng tôi. Những lúc, thỉnh thoảng, ngoái đầu lại để nhìn nó, thì tôi có thể nhận ra cái mặt trắng sủi bọt kia thuộc về một cơ thể cũng trắng toát toàn thân và to lớn ngoại cỡ. Những khi khác, tôi thấy dường nó giống một dòng suối hay một cột nước cứ thường trực ở đằng sau chúng tôi, nhưng tôi đã không lần nào chắc chắn hoàn toàn được rằng đó là gì. Lả người đi vì kiệt sức, rốt cuộc chúng tôi, con ngựa và tôi, không còn cố kháng cự lại tên đàn ông trắng toát nữa, khi đó dường như hắn cứ không ngừng nghiêng đầu về phía chúng tôi, vẻ như muốn nói: "Tốt lắm! tốt lắm!" Bằng cách ấy chúng tôi đã tới rìa bên này của khu rừng, ở đó tôi trông thấy các bãi cỏ cùng cái hồ, và ngôi nhà mái rạ nhỏ bé của ông, chính lúc đó tên đàn ông trắng toát kia biến mất khỏi tầm mắt tôi."

- Thật quá may vì hắn đã bỏ đi, ông lão đánh cá nói.

Nhưng ông không nói thêm gì nữa về chuyện này, và ngay tức khắc ông khởi sự xem xét vấn dề làm thế nào để giúp chàng hiệp sĩ đi được vào rừng nhằm quay lại thành phố. Nghe ông nói thế, Ondine thoáng cười khẩy, nhưng không nói gì. Huldbrand nhìn thấy, và quay sang nàng:

- Ta cho là nàng thích thấy ta ở đây - chàng nói - thế tại sao nàng lại cười khi nói đến chuyện ta đi khỏi đây?

- Ấy là vì chàng không thể đi được - Ondine đáp. - Chàng cứ thử băng ngang dòng thác tràn nước kia xem, bằng thuyền, hay cưỡi ngựa, hay chỉ một mình, thế nào cũng được hết! Hoặc đúng hơn là không, đừng thử làm điều đó, bởi chàng xé bị tan thây bởi các tảng đá cùng thân cây mà dòng nước điên cuồng đang chuyên chở đấy. Về phần cái hồ, thì em rất chắc là bố sẽ chẳng bao giờ dám mạo hiểm chèo thuyền đi xa một chút ở trên nó đâu.

Huldbrand mỉm cười đứng dậy, để đi xem có phải mọi sự đúng như Ondine nói hay chăng. Ông lão đánh cá đi cùng chàng, và chính cô thiếu nữ cũng đi cạnh họ, nhảy chân sáo và cười rộ. Họ thấy là mọi thứ, quả thật, đều đúng như Ondine vừa nói; và chàng hiệp sĩ buộc lòng phải đồng ý ở lại chỏm đất nhỏ, đã bị biến thành hòn đảo, cho đến khi nào những đợt sóng chịu rút đi. Rồi cả ba quay về ngôi nhà. Tới một lúc, hiệp sĩ cúi người về phía cô thiếu nữ, và hạ giọng nói với nàng:

- Này! Ondine bé nhỏ, nàng có bực mình nếu ta ở lại đây không?

- Để xem - nàng đáp, hơi bĩu môi. - Nếu em không cắn chàng, thì ai mà biết chàng sẽ còn kể những gì về cái cô Bertalda kia nữa!



V

Chàng hiệp sĩ sống trên bán đảo như thế nào


Có lẽ, thưa bạn độc giả, người đã bắt đầu đọc câu chuyện này, từng có lúc xảy đến với bạn, sau khi đi lang thang thật lâu, đây đó, xuyên qua thế giới rộng lớn, chuyện bạn dừng chân tại một vùng đất, trong một ngôi nhà, ở đó bạn cảm thấy thật sung sướng. Tình yêu dành cho sự bình yên êm ả và tổ ấm ngôi nhà, vốn dĩ là bẩm sinh nơi mỗi con người, thức dậy tận sâu trong lòng bạn, và bạn thấy dường tổ quốc, cái tổ quốc nhỏ bé của tuổi thơ bạn, với tất tật những bông hoa tình yêu của nó, tất tất những bông hoa sống động và thuần khiết của nó, sống lại, trong một giây phút, từ các nấm mồ yêu quý của quá khứ, và hẳn thật là tốt khi được sống tại đó và xây tại đó ngôi nhà mái rạ của mình. Nếu bạn nhầm lẫn, và nếu sau đó bạn sẽ phải chuộc tội đầy cay đắng cho điều sai của mình, thì đây không phải là chỗ để nhắc đến cái đó, và bản thân bạn cũng sẽ không muốn gợi lại những kỷ niệm tàn nhẫn một cách vô tích sự để mà làm gì. Nhưng, hãy nhớ bằng cả tâm hồn bạn đến cái dự cảm ngọt ngào và không bút nào tả xiết kia, mà tôi vừa nói với bạn, sự bình yên thiên thần mà bạn đã cảm thấy vào vài ngày nào đó, thế là bạn sẽ biết lãnh chúa Huldbrand có thể cảm thấy gì trong khoảng thời gian chàng sống ở nhà ông lão đánh cá.

Thường, chàng đi xem để có thể chắc chắn, với một niềm sung sướng bí mật, rằng thác nước mỗi ngày lại trở nên dữ tợn hơn, ngày qua ngày nó đào xuống thành một lòng sông càng lúc càng rộng thêm, bởi thế cho nên trên bán đảo buộc phải kéo dài tình trạng bị cô lập và hẻo lánh. Một phần thời gian trong ngày chàng mang theo một cái nỏ cũ tìm được nơi một góc ngôi nhà và đã sửa sang lại ra ngoài để đi săn. Những khi nào chàng có chiến lợi phẩm cầm về, gần như chẳng bao giờ Ondine không mắng chàng vì đã giết những con thú nhỏ bé thân ái kia một cách tàn nhẫn, nếu không thì chúng đã được sống vui tươi trên bầu trời rộng lớn như biển; thậm chí đôi khi, nàng rỏ những giọt nước mắt đau đớn lúc nhìn thấy những cái xác nhỏ bé không còn sự sống. Nhưng, nếu một lần khác chàng về nhà mà không mang theo gì, thì nàng lại mắng chàng còn dữ hơn, bảo do sự lơ đễnh hoặc vụng về của chàng, sẽ chỉ có cá và tôm mà ăn. Trong thâm tâm Huldbrand luôn luôn thích thú các cơn giận dữ diễm tuyệt ấy, nhất là khi sau đó cô thiếu nữ có lệ tìm cách khiến chàng quên đi những đợt xấu tính kia bằng các vuốt ve khả ái nhất. Ông lão đánh cá và vợ ông không thấy có gì phải chấn chỉnh trong sự thân mật của hai con người trẻ tuổi, họ đã có thói quen coi họ như một cặp trai gái yêu nhau, hay thậm chí như là hai vợ chồng, sống cùng họ để phụng dưỡng tuổi già của họ trên hòn đảo bị cô lập này. Sự cô lập đó cũng chính là lý do khiến bản thân chàng hiệp sĩ trẻ thực sự tự coi mình là vị hôn phu của Ondine. Chàng thấy dường cả thế giới nếu nằm gọn cả trong cái góc này của trái đất và kết thúc ở chỗ các con sóng đang vây chặt lấy ngôi nhà, hoặc ít nhất thì chàng tự nhủ hẳn sẽ chẳng bao giờ nữa còn có liên lạc gì với phần còn lại của loài người. Thảng hoặc, con ngựa của chàng ngừng gặm cỏ và hí vang lừng, như để nhắc chàng là còn có những chiến công hiệp sĩ cần hoàn thành. Những lần khác, Huldbrand thấy dường gia huy của chàng, được thêu nhiều chỗ trên tấm vải bọc lưng ngựa cùng yên cương, lấp lánh lên một chớp nhoáng đầy nghiêm khắc, như nhằm truyền tới chàng cũng các ý nghĩ ấy. Hoặc nữa, thanh kiếm tuyệt vời của chàng, treo trên một cái đinh trong ngôi nhà mái rạ, đột nhiên rơi xuống đất, thò một nửa ra khỏi vỏ của nó, như để trách cứ nỗi bất hoạt động của chàng. Những lúc đó chàng xoa dịu tâm hồn đang lồng lên của mình bằng cách tự nhủ rằng Ondine không phải một cô con gái nhà chài lưới, và rằng, theo mọi dấu hiệu khả tín, nàng đã sinh ra đời trong một gia đình hoàng thân quốc thích ở nước ngoài.

Vậy nên, có một điều lúc nào cũng khiến chàng cảm thấy không dễ chịu: ấy là những khi bà vợ ông đánh cá mắng mỏ Ondine lúc đang có mặt chàng ở đó. Thì đúng là trước những lời trách móc ấy cô thiếu nữ tính khí thất thường chủ yếu chỉ cười mà không thấy hề hấn gì; nhưng, dẫu sao, đối với chàng hiệp sĩ thì cũng giống như chính danh dự của chàng bị xâm phạm, dẫu chàng chẳng thể nói bà già trung hậu hoàn toàn sai, bởi Ondine đáng, đấy là nói ít nhất, nhận gấp mười lần những trách cứ đó, và điều này khiến tận sâu trong lòng chàng vẫn cảm thấy hết sức thiện cảm với bà già, và họ tiếp tục sống với nhau sung sướng và bình yên.

Rốt cuộc có một chuyện xảy tới quấy nhiễu đôi chút cuộc tồn tại ấy. Trong bữa trưa, và cả bữa tối, chừng gió bắt đầu gầm rú, như vẫn xảy ra gần như mọi ngày vào lúc đêm buông, ông đánh cá và chàng hiệp sĩ có thói quen cùng nhau uống một hũ rượu cho phới tinh thần. Nhưng toàn bộ chỗ rượu ông đánh cá dự trữ được từ trước, dần dà, theo đà những chuyến đi thành phố của ông, một hôm cạn kiệt, và hai người, khi thấy vậy, tỏ ra hết sức phật ý.

Cả ngày, Ondine không ngừng trêu đùa chuyện này, nhưng giờ đây họ không còn đáp lại những lời cợt của nàng vui vẻ như trước nữa. Quãng chiều tối, nàng đi ra khỏi nhà để trốn khỏi trong một lúc, nàng tuyên bố, hai cái bộ mặt đáng nản kia. Ấy là giờ của hoàng hôn, và thời tiết xem chừng muốn nổi giông gió trở lại. Đã có thể nghe thấy tiếng cái hồ gầm gào và gió thì rít lớn. Chàng hiệp sĩ và ông đánh cá nhớ lại những hoảng sợ trong đêm hãi hùng, lúc họ cùng nhau đi tìm Ondine, và đầy sợ hãi, họ chạy ra trước cửa để gọi cô thiếu nữ về. Họ thấy cô đang quay lại về phía họ, hai tay vỗ vào nhau đầy vui vẻ.

- Hai người sẽ cho tôi gì đây - nàng hỏi - nếu tôi kiếm được rượu cho hai người?

Hai người đàn ông nhìn nhau, sửng sốt hết sức.

- Nhưng, không, tôi không đòi hai người gì đâu - nàng nói tiếp - tôi sẽ hoàn toàn sung sướng nếu hai người lại có dáng vẻ hài lòng hơn và nếu hai người tìm lại những lời vui tươi hơn so với lời lẽ hai người đã nói trong suốt cái ngày thật dài và buồn chán hôm nay. Đi theo tôi. Dòng thác đã đẩy một thùng tô nô lên bờ, và tôi sẵn sàng bị phạt ngủ cả tuần nếu đó không phải là một thùng tô nô đựng rượu.

Hai người kia đi theo nàng và, tại một vũng nhỏ bên bờ nước, mọc đầy các bụi rậm, quả thật họ trông thấy một cái thùng tô nô dường đúng là đựng thứ nước uống cao quý mà họ mong ước. Họ lăn nó về nhà, đầy vội vã, bởi những đám mây nặng đang dồn chất lên trên bầu trời ngả tối, và trong hoàng hôn người ta thấy các đợt sóng hồ chồm cao tung bọt trắng xóa, như thể chúng vượt lên đi trước cơn mưa sắp trộn nước vào với chúng. Ondine giúp họ trong chừng mực sức lực của nàng và, thấy rằng cơn giông sắp nổ ra còn sớm hơn so với họ nghĩ, nàng kêu lên, vẻ đe dọa vui sướng, ngoái đầu nhìn về phía các đám mây chình ình:

- Mi, ở đằng kia, đừng có làm bọn ta bị ướt đấy nhé; bọn ta còn chưa kịp có chỗ trú.

Ông lão đánh cá trách nàng đã nói vậy, như một sự bướng bỉnh tội lỗi, nhưng nàng chỉ cười thầm, vả lại, những gì cô thiếu nữ nói không mang điều gì xấu tới cho ai. Còn hơn thế nhiều, đi ngược lại mọi dự đoán, cả ba về được nhà cùng chiến lợi phẩm của họ mà chẳng hề bị ướt. Đầy khoái thú, họ ngồi xuống gần bếp lò; họ mở cái thùng ra, và có thể nhận thấy là nó chứa loại rượu thượng hạng. Và mãi khi đó bên ngoài các đám mây đen mới toạc ra rồi một trận mưa thác lũ đổ xuống khu rừng cùng cái hồ, còn gió thì khởi sự làm những ngọn cây rên rỉ, ầm ầm dội các làn sóng lớn trên mặt hồ đang cơn giận dữ.

Họ mau chóng đổ vào vài cái chai thứ rượu đựng trong thùng tô nô, và thấy rằng cái thùng lớn đến mức chứa được lượng rượu đủ cho nhiều ngày dài. Tất cả ngồi đó cùng nhau, vừa uống rượu vừa cười đùa, trong sự ấm áp của ngọn lửa, hết sức yên ổn trước cơn bão đang phình tướng lên, thì bỗng ông lão đánh cả, chợt trở nên rất nghiêm trang, nói:

- Cầu Chúa! chúng ta ở đây tận hưởng thứ tuyệt hảo mà chúng ta tìm được này, nhưng người mà cái thùng thuộc về có lẽ đã mất mạng trong khi dòng thác tước đi tài sản của anh ta!

- Không đâu! - Ondine đáp, vừa nói vừa tươi cười hết sức rót thêm rượu cho hiệp sĩ.

- Xin lấy danh dự mà nói, bố già yêu quý ơi - Huldbrand cất tiếng - nếu ta mà biết cái người mà ông đang nhắc đến, thì ta sẽ không ngần ngại lao mình vào đêm đen đạp bằng mọi hiểm nguy để cứu anh ta. Nhưng ít nhất ta có thể đảm bảo với ông rằng nếu có bao giờ quay trở lại các vùng nhiều người sinh sống, ta sẽ không từ nan để tìm ra anh ta, anh ta hoặc những người thừa kế của anh ta, và đền bù cho họ, trả họ gấp đôi, thậm chí gấp ba giá trị chỗ rượu này.

Những lời ấy khiến ông già thích chí, ông ra dấu tỏ ý đồng tình với chàng hiệp sĩ, và uống cạn cốc của mình với một lương tâm thanh thản hơn cùng một nỗi sung sướng hoàn toàn hơn.

- Về phần vàng của chàng, và về những món bồi thường mà chàng định tâm thực hiện - Ondine nói với Huldbrand - thì chàng cứ làm như chàng muốn thôi. Nhưng còn về chuyện chạy theo cái người kia mà tìm, thì chàng đang nói một điều thật xuẩn đấy. Há chàng lại chẳng biết, nếu chàng định có một cuộc phiêu lưu như vậy, rồi thì đi lạc mất vì thế, thì em sẽ khóc đến mù mắt mất và, có phải không nào? chàng cũng thích ở lại bên em hơn, cùng rượu ngon.

- Đúng là thế - Huldbrand mỉm cười đáp.

- Tức là chàng đã nói một điều xuẩn ngốc - Ondine lại nói. Bởi người ta luôn luôn phải nghĩ tới bản thân trước hết, những người khác thì quan hệ gì đến ta đâu!

Bà già, nghe nàng nói thế, quay đầu đi, thở dài và lắc đầu. Chính ông lão đánh cá cũng quên đi trong chốc lát niềm yêu quý cô thiếu nữ xinh đẹp của ông, mở to mắt nhìn nàng.

- Nghe con nói - ông kêu lên - thì chẳng phải người ta sẽ nghĩ con được nuôi nấng bởi đám Thổ và bọn Ngoại giáo hay sao! Cầu Chúa tha thứ cho chúng con, cho con và cho bố, hỡi đứa con nghịch tử kia!

- Ái chà! thì kệ thôi - Ondine đáp - ai thích nuôi con thì nuôi, con chỉ nói suy nghĩ của con. Tất tật những gì bố có thể nói cứu chữa được gì đây?

- Im! ông đánh cá ngắt lời nàng.

Ondine, dẫu cho thói quậy phá ở nàng, rất dễ hoảng sợ, phát rùng mình. Run bần bật, nàng xích lại sát hiệp sĩ, dịu dàng hỏi chàng:

- Chàng có bực bội không thế, hả người bạn mến yêu?

Huldbrand cầm lấy bàn tay êm ái của cô thiếu nữ, tay còn lại của chàng thì vuốt các lọn tóc đẹp của nàng. Nhưng chàng không nói gì, vì nỗi bất mãn trước sự dữ dằn của ông lão đánh cá đối với Ondine khiến chàng câm nín, và hai cặp cứ ngồi đối diện nhau, đột nhiên oải ra và giữ một niềm im lặng nhuốm vị lúng túng.



VI

Một đám cưới


Ở giữa sự im lặng ấy bỗng họ nghe thấy ngoài cửa có tiếng động gì nhè nhẹ như thể có người đang gõ để xin vào; tất cả những ai đang ở trong ngôi nhà mái rạ đều thấy kinh hoảng, bởi vẫn thường có một điều rất vớ vẩn, mà người ta không chuẩn bị để đón nhận, hiện ra trong tâm trí, như là một cái gì gây kinh hãi. Và vào lúc đó điều này lại càng dễ xảy ra hơn vì họ đều biết mình ở gần khu rừng mang tiếng xấu tới vậy và, do vụ lũ lụt, họ nghĩ không con người nào có thể đến được nơi này. Họ nhìn nhau đầy lo lắng, nhưng cùng tiếng động kia lại vang lên ngoài cửa, lần thứ hai, lần này đi kèm với một tiếng rên rỉ sâu thẳm. Chàng hiệp sĩ bước đến chỗ thanh kiếm định cầm lấy nó, nhưng ông lão đánh cá đã thì thào nói với chàng:

- Nếu đó là cái thứ mà tôi e ngại, thì vũ khí của ngài chẳng ích gì cho chúng ta hết đâu.

Cùng lúc, Ondine đi ra cửa, và kêu lên, giọng dạn dĩ và không mấy vui tươi:

- Nếu các ngươi tới đây để chơi mấy trò xấu của các ngươi, đám lùn độc ác kia, thì tức là các ngươi đang kiếm chuyện với Kühleborn đấy.

Những lời kỳ quặc ấy càng làm tăng thêm mỗi khiếp hãi của các nhân vật khác; và tất cả run sợ nhìn cô thiếu nữ. Huldbrand, người đầu tiên thu lại được can đảm, định cất tiếng hỏi cô, thì họ nghe thấy một giọng nói vang lên từ bên ngoài để đáp lại:

- Tôi không phải là một hồn ma độc ác đâu, mà là một tinh thần trú ngụ trong một cơ thể trần thế giống như các bạn. Vì tình yêu của Chúa, các bạn đang ở trong nhà, hãy mở cửa cho tôi và cứu giúp tôi.

Nghe nói vậy, Ondine mở ngay cửa ra, và nàng cầm trên tay một ngọn đèn để nhìn cho rõ trong đêm tối giông bão. Lúc đó họ trông thấy ở trước cửa nhà một vị giáo sĩ đáng kính, ông ta bước giật lùi vì hoảng hốt khi nhìn thấy theo một cách thức đầy bất ngờ cô thiếu nữ tuyệt sắc. Chắc hẳn ông nghĩ đang có ở đây một trò lừa nào đó của tinh thần ác, thì ông mới được để cho nom thấy tại một ngôi nhà mái rạ tồi tàn một hình tượng cái đẹp vô song nhường kia. Ông bèn khởi sự vừa cầu nguyện vừa nói:

- Cầu Chúa quan phòng, xin hãy bảo vệ kẻ phục dịch hèn mọn của Người trước tinh thần xấu xa.

- Tôi không phải là một con ma đâu - Ondine đáp - thế tức là tôi xấu xí quá, tới nỗi làm cho ông sợ đến vậy đấy à? Chắc ông cũng đã thấy, những lời thiêng chẳng hề gây sợ hãi cho tôi. Cả tôi cũng biết đến Chúa, và tôi biết hát để ngợi ca Người nữa. Mỗi người làm việc ấy theo cách riêng của mình, đúng thế, nhưng cũng chính vì thế mà tất cả chúng ta đã được tạo ra. Vào nhà đi, thưa cha đáng kính, tại đây cha được ở cùng những con người tốt bụng.

Ông linh mục bước vào nhà, cúi người và nhìn ra khắp xung quanh; ông có dáng vẻ rất tốt và đáng kính, nhưng nước rỏ tong tỏng từ mọi nếp gấp cái áo choàng tối màu của ông, từ bộ râu dài bạc trắng, và từ những lọn tóc bạc của ông. Ông đánh cá cùng chàng hiệp sĩ đưa ông cha vào một căn phòng kế bên, đưa cho ông cha những thứ quần áo khác, vừa làm vậy vừa chìa cho hai người phụ nữ ở lại trong căn phòng đầu tiên quần áo của vị linh mục để họ hong chúng trên bếp lò cho khô. Ông già xa lạ cảm ơn họ theo lối khiêm cung nhất và khả ái nhất; nhưng ông nhất định từ chối khoác lên người cái áo choàng rực rỡ của hiệp sĩ, mà chàng muốn đưa cho ông mặc, và trong lúc đợi lấy lại quần áo cũ, ông chỉ quấn mình trong một cái khăn lớn màu xám đã cũ thuộc về ông đánh cá. Rồi họ quay trở ra căn phòng thứ nhất, ở đó bà già tốt bụng mau mắn nhường cho linh mục cái phô tơi lớn, bà chỉ thôi xắm nắm khi người khách mới đã chịu nhận lời ngồi xuống đó.

- Nó đương nhiên là của cha - bà nói, vì cha lớn tuổi nhất, lại đang mệt đến thế, thêm nữa cha còn là linh mục Nhà Thờ thánh của chúng ta.

Ondine đặt dưới chân con người thánh thần cái ghế nhỏ mà nàng vẫn hay dùng để ngồi cạnh Huldbrand; và nhìn chung nàng tỏ ra lịch sự và duyên dáng hết mức trong những chăm sóc mà nàng dành cho vị khách bất ngờ. Huldbrand định thì thầm trêu nàng về chuyện này, nhưng nàng đáp lại rất nghiêm túc:

- Đức cha đây là người phục vụ cho Người đã tạo ra tất cả chúng ta, không được đùa cợt với điều đó.

Chàng hiệp sĩ và ông đánh cá bèn mời vị giáo sĩ rượu và ít đồ ăn, và lúc ông cha hồi được chút sức lực, ông bắt đầu kể bằng cách nào hôm trước mình đã rời tu viện, nằm ở rất xa, quá cái hồ lớn, để đi đến chỗ tòa giám mục mà ông tùy thuộc, để thông báo với ngài giám mục chuyện tu viện cùng các làng trong địa phận thuế vừa rơi vào tình cảnh bi đát ra sao do những đợt lụt khủng khiếp mới rồi. Sau khi phải đi lòng vòng rất xa tránh nước lũ, trong ngày hôm nay, quãng hoàng hôn, ông buộc lòng phải nhờ cậy hai người chèo thuyền giỏi đưa mình qua một nhánh hồ, bị nước mưa làm cho dềnh hẳn lên.

"Nhưng thuyền nhỏ của chúng tôi - ông kể tiếp - chỉ vừa khởi hành, thì một cơn bão tàn khốc nổi lên, và các bạn đang nghe thấy nó vẫn tiếp tục gào thét phía trên đầu chúng ta đấy. Hoàn toàn có thể nói rằng các đợt sóng đã đợi chúng tôi nhằm khởi sự cùng chúng tôi điệu nhảy quay cuồng nhất và điên rồ nhất. Các mái chèo mau chóng bị giật bay khỏi tay mấy người chèo thuyền, và chúng tôi thấy chúng bị sóng đánh cho tơi tả và cuốn đi thật xa. Bản thân chúng tôi, phó mặc phận mình cho các lực mù quáng của tự nhiên, chúng tôi bị kéo ra quãng nước rộng, về phía bờ xa này của các bạn, mà thỉnh thoảng chúng tôi đã bắt đầu nom thấy xuyên qua sương mù và những lớp sóng phủ bọt. Và rốt cuộc thế là thuyền chúng tôi khởi sự quay tít mù, như là bị lên cơn chóng mặt, và tôi cũng chẳng biết nó có bị đắm không, hay là tôi bị đẩy bắn ra khỏi nó. Lòng đầy kinh sợ trước cái chết ghê gớm đang đe dọa tôi, tôi cũng không biết bằng cách nào mà rốt cuộc sóng lại ném tôi, gần như đã bất tỉnh, lên chỗ các gốc cây trên hòn đảo của các bạn."

- Một hòn đảo! - ông đánh cá nói - phải, giờ thì đây là một hòn đảo. Mới cách đây còn chưa lâu chưa như vậy đâu, nhưng kể từ khi dòng thác của khu rừng cùng cái hồ lên cơn cuồng nộ, thì mọi thứ đã thay đổi đối với chúng tôi.

- Quả thật tôi đã nhận thấy điều đó - ông linh mục nói tiếp - trong khi chật vật trượt dọc theo bờ hồ, trong bóng tối. Khắp nơi xung quanh tôi lúc nào cũng là tiếng ì oạp hoang dã của nước trong giận dữ, và tuy nhiên tôi dường đã thấy một lối đi có sẵn, nhưng nó mất hút vào dòng thác. Rốt cuộc tôi trông thấy một luồng sáng nhỏ. Nó phát ra từ ngôi nhà của các bạn, và tôi dò dẫm tiến về phía nó. Tôi sẽ không sao mà cảm tạ cho đủ lời Cha Chúng Ta trên trời vì sau khi cứu tôi khỏi làn nước, lại còn dẫn tôi tới chỗ của những con người ngoan đạo và tốt bụng như các bạn. Quả thật, ai mà biết, giờ đây, có khi nào tôi còn được gặp lại những người khác ngoài bốn người ở đây, nữa hay chăng.

- Cha muốn nói gì? ông đánh cá hỏi.

- Các bạn có biết cuộc nổi loạn của các yếu tố này còn kéo dài bao lâu nữa không? - ông linh mục đáp. Thế nhưng, tôi đây đã chất chồng tuổi tác trên người, và dòng đời của tôi có lẽ sẽ đưa tôi xuống dưới đất để ngủ ở đó giấc ngàn thu, trước khi dòng nước tràn bờ kia quay trở lại giống như trước đây. Và rồi hẳn cũng chẳng phải là không thể, chuyện thứ nước phủ bọt kia cứ trải rộng mãi thêm ra giữa các bạn và phía bên này khu rừng, cho đến khi các bạn bị phân tách khỏi phần còn lại của mặt đất tới nỗi cái xuồng đánh cá đơn sơ của các bạn sẽ không còn có thể vượt qua nổi một khoảng cách lớn đến thế nữa. Về phần cư dân sống trên đất liền, ở giữa mọi thứ gì không ngừng khiến họ lãng trí, họ cũng có thể sẽ quên các bạn đi lắm.

Bà già bật rên lên khi nghe những lời ấy và, vừa làm dấu thánh, bà vừa nói:

- Cầu Chúa che chở cho chúng con!

Nhưng ông đánh cá mỉm cười nhìn bà và nói:

- Thì con người quả là như vậy mà! Cái đó hẳn đâu thay đổi gì tồn tại của chúng ta, bà vợ yêu quý ơi, hoặc ít nhất thì đâu thay đổi gì tồn tại của bà. Đã ngần ấy năm bà không đi xa quá khỏi rìa rừng, và bà chẳng gặp người nào khác ngoài Ondine và tôi! Ngài hiệp sĩ đây, và nhất là vị linh mục tốt bụng này, chỉ mới vừa tới nhà chúng ta. Nếu cái xó đất nhỏ của chúng ta trở thành một hòn đảo bị lãng quên khỏi cả thế giới, thì họ sẽ ở lại bên chúng ta, và nếu vậy thì với bà đó sẽ là cả một lợi thế.

- Tôi chẳng biết tại sao nữa - bà già tốt bụng đáp - nhưng thật là một ý nghĩ nặng nề, khi tự nhủ rằng ta sẽ bị phân tách không cứu chữa được khỏi những người khác, ngay cả khi ta chưa bao giờ gặp họ và cũng không biết họ.

- Vậy thì chàng sẽ ở lại với bọn em, chàng sẽ ở lại với bọn em - Ondine thì thầm hết sức dịu dàng với chàng hiệp sĩ, giọng nàng nghe như thể đang hát, còn người nàng thì áp chặt hơn vào người chàng.

Nhưng Huldbrand đang hoàn toàn chú tâm vào cuộc chiêm ngưỡng bên trong, trước các hình ảnh lạ thường trải ra vào thời điểm ấy trong tinh thần chàng. Kể từ những lời vừa xong của vị linh mục, toàn bộ vùng đất nằm quá dòng thác của khu rừng hiện ra với chàng mỗi lúc một thêm giống một cái gì đó thật xa xôi và phi thực; và ngược lại hòn đảo màu lục nở đầy hoa nơi chàng đang ở từ vài tuần nay tự bày ra trong trí tưởng tượng của chàng mọi ngày lại thêm tươi tắn và niềm nở. Ondine, bông hoa dịu ngọt nhất của khu vườn thần tiên này, và thậm chí của toàn mặt đất, với chàng như thể một vị hôn thê, và ông linh mục thì lại đang ở đây. Và đúng lúc đó bà vợ ông đánh cá ném một ánh mắt giận dữ về phía cô thiếu nữ, vì nàng, mặc cho sự hiện diện của giáo sĩ, không ngại ngần ngả đầu lên ngực hiệp sĩ; và nỗi tức tối ấy của bà mẹ nuôi đe dọa sẽ bùng nổ thành những lời chua cay. Thế là, gần như không nhận ra là mình đang làm gì, Huldbrand, quay sang linh mục, để buột ra khỏi miệng những lời sau đây:

- Cha đang nhìn thấy trước mặt cha hai người yêu nhau, thưa cha đáng kính, và nếu cô thiếu nữ đây cùng hai ông bà đánh cá tốt bụng không thấy có trở ngại nào, thì con xin cha chúc phúc thành hôn cho chúng con ngay buổi tối hôm nay.

Hai ông bà già kinh ngạc tột độ. Dẫu sự thật là họ đã thường có ý nghĩ đó, thì cho tới lúc ấy họ cũng chưa bao giờ nói tới, vậy nên việc mà hiệp sĩ vừa làm đối với họ thật mới mẻ và bất ngờ. Ondine đột nhiên trở nên hết sức nghiêm túc và, cúi gằm mặt xuống, tỏ vẻ suy nghĩ thật sâu sắc, trong khi ông linh mục hỏi kỹ các thông tin hơn và muốn biết hai ông bà già có muốn chấp thuận sự hợp thành đó hay không. Sau khi giải thích cho nhau về mọi điểm, từ phía các bên, mọi người nhất trí. Bà già tốt bụng bèn sốt sắng đi chuẩn bị phòng cưới, và cùng lúc bà hứa sẽ mang ra hai cây nến đã được làm phép thánh mà bà cất riêng một chỗ đã từ lâu, để dùng cho dịp trang trọng này. Trong lúc đó Huldbrand tìm cách tách hai cái nhẫn từ sợi dây chuyền vàng của chàng, để có nhẫn trao cho vị hôn thê. Nàng thấy chàng làm thế và vụt bừng tỉnh khỏi cơn mơ mộng sâu thẳm:

- Không cần làm hư hại đến sợi dây chuyền đâu - nàng kêu lên. - Bố mẹ em khi gửi em vào thế giới đã không để cho em bị khốn khó như một con bé ăn mày; còn hơn thế nhiều, chắc chắn họ đã tính đến chuyện này từ sớm, rằng một buổi tối giống như tối hôm nay sẽ xảy tới với em.

Nói dứt lời, nàng chạy biến đi một thoáng chốc và quay trở lại với hai chiếc nhẫn quý, nàng đưa một chiếc cho vị hôn phu của mình và giữ lại chiếc kia. Ông lão đánh cá thấy vậy thì ngạc nhiên lắm, vợ ông còn ngạc nhiên hơn, vì họ chưa bao giờ trông thấy mấy món đồ nữ trang đó.

- Bố mẹ của con - Ondine giải thích - đã cho khâu mấy món vặt này vào những quần áo đẹp con mặc khi đến nhà đây. Họ đã cấm con không được nói gì với ai trước buổi tối thành hôn. Chính vì thế con đã lấy chúng ra khỏi cái váy hồi ấy mà không nói gì, và giấu đi cho đến hôm nay.

Ông linh mục ngắt ngang những câu hỏi mới cùng những lời sửng sốt sắp cất lên bằng cách thắp mấy ngọn nến được ban phước mà ông đặt trên một cái bàn và bảo cô dâu chú rể đứng ở trước đó. Rồi ông nói những lời nghi lễ kết hợp các cặp vợ chồng; ông lão đánh cá và bà vợ chúc phúc cho hai con người trẻ tuổi, và người vợ tựa vào chồng, im lìm, tư lự và hơi run rẩy.

- Các bạn đúng là những người kỳ lạ - bỗng ông linh mục nói, vào lúc đó. - Tôi đã nói gì nhỉ, rằng chỉ có các bạn là cư dân của hòn đảo? Nhưng trong suốt thời gian làm lễ, tôi đã trông thấy ngoài cửa sổ, ngay đối diện với tôi, một người đàn ông rất cao lớn và có vẻ ngoài đẹp đẽ, khoác một cái áo choàng màu trắng. Chắc giờ ông ta đang ở trước cửa, và các bạn có thể mời ông ta vào đây.

- Cầu Chúa che chở cho chúng con! - bà già kêu lên, toàn thân phát run.

Về phần ông lão đánh cá, thì ông chỉ im lặng lắc đầu, còn Huldbrand thì chạy ra chỗ cửa sổ để nhìn, và chính chàng cũng thấy như thể mình vẫn còn nom thấy một vệt dài màu trắng, nhưng nó mau chóng mất hút hoàn toàn vào bóng tối. Chàng thuyết phục ông linh mục rằng ông đã nhầm, và tất cả mọi người cùng nhau thân tình ngồi xuống quanh bếp lò.



VII

Chuyện xảy ra trong đêm tân hôn


Ondine đã cư xử với một sự bình thản lớn cùng một sự khiêm nhường đầy khả ái, trước và trong lễ cưới; nhưng ngay sau đó cứ như thể các thói thất thường kỳ quặc vẫn rất hay thấy ở nàng giờ lại muốn hiện ra với nhiều bạo gan hơn và lấc cấc hơn bao giờ hết. Nàng cứ không ngừng dùng những trêu tức cùng trò trẻ con của mình để hành hạ chồng, bố mẹ nuôi, và kể cả ông linh mục đáng kính, mà lúc trước nàng tỏ ra kính trọng nhường ấy. Bà già muốn quát mắng lắm, nhưng mỗi lần bà định quát thì vài lời của chàng hiệp sĩ lại làm cho bà phải im tiếng. Chỉ cần chàng gọi Ondine là vợ chàng, nói cái từ ấy thật trang trọng, thì ngay tức khắc chính Ondine cũng ngừng cười và đùa cợt giây lát. Tuy nhiên những trò con nít của Ondine buổi tối hôm ấy còn xa mới khiến hiệp sĩ thấy thích thú, nhưng chàng có cố công ra hiệu bảo nàng thôi đi, húng hắng ho cảnh báo những khi nàng nói một điều gì độc ác quá mức, hoặc thậm chí bảo thẳng nàng là đừng trẻ con thế nữa đi, thì cũng chẳng được gì


[...]



VIII

Hôm sau đám cưới


Bình minh tươi mát đánh thức cặp vợ chồng trẻ. Ondine





(một người) E. T. A. Hoffmann

Arnim-Lewis-Maturin

Con chim đẹp đã đến

Lenz (Georg Büchner)

Joseph von Eichendorff

Một người lãng mạn

Một ngày 19 tháng Giêng

Heinrich von Ofterdinger (Novalis)


6 comments:

  1. «Những lời trách móc thì không còn có chuyện nói ra nữa, nhất là khi Ondine, quên biến mất sự cứng đầu cứng cổ của mình lúc trước, giờ gần như khởi sự chăm chăm ve vuốt và nói những lời ngột ngào với bố mẹ nuôi.» ngọt ngào, anh ơi!

    «Chắc nó sinh ra ở rất xa đây, bởi không chỉ từ mười lăm nay nó sống cùng chúng tôi» mười lăm năm, anh ơi!

    ReplyDelete
  2. Thế là xong cuộc đời mọi tầm nhìn của họ

    ReplyDelete
  3. tiếp tục đi chú ơi
    mà hình như dạo sau này không thấy "còn nữa" nhỉ

    ReplyDelete
  4. ơ introduction

    ReplyDelete