Feb 27, 2022

Internet

(tiếp tục:

+ "Hoffmann & Cervantes"

+ "Stefan & Hugo"

+ "Simmel & Scheler")


"enchaînement [enchantement] volage des souvenirs"

(Sainte-Beuve)



Internet thì giống như thành phố: và là như vậy không chỉ ở chỗ đó cũng là địa điểm của (đông) con người, cũng không chỉ trên phương diện được tổ chức như, tức là cũng có các công trình to, có traffic, đường huyết mạch, ngõ nhỏ, tắc nghẽn đi lại, ầm ĩ huyên náo và im lìm lặng lẽ, lại có đến cả sự thơ thẩn thuộc dạng flânerie, những ngồi lê đôi mách bạt ngàn, các góc nhỏ biết cách để không người nào không được mong muốn có thể xâm phạm, thậm chí biết tới. Internet còn giống thành phố ở tồn tại (tức là, tồn tại được). Một thành phố (của con người) bắt đầu thực sự tồn tại khi nào? Câu trả lời rất đơn giản: khi có sự sống. Nhưng không, vậy thì không đúng, mà phải là, khi có sự sống, nhưng sự sống đó được đảm bảo bằng mặt bên kia của nó (vật bảo chứng là bóng tối của chính cái đó). Một thành phố trở thành một thành phố vào lúc số người chết ở đó bắt đầu nhiều hơn số người sống. Nghĩa địa của thành phố là địa điểm đặt quả cân tạo cân bằng. Khi đủ cái chết, thì sẽ có sự sống.

Internet giờ đây đã đi vào pha của thực sự tồn tại, trên chính nguyên tắc ấy: người chết của nó ít nhất không còn ít hơn người sống của nó. Một nơi có nghĩa địa thì bắt đầu đi vào tồn tại.


Nhưng kể cả cuộc sống xã hội của con người cũng có các điểm đặc biệt. Nhân vật mang lại gợi ý lớn, thêm một lần nữa, lại là Roland Barthes - hơi tương tự một lần trước, cũng liên quan đến thành phố. Điểm đặc biệt mà Barthes từng phân tích là các phương thức sống đặc biệt.

Nói ngắn gọn, đó là các dạng cénobitisme, érémitisme, hay nói rộng hơn, anachôrèsis: "ana" là xa ra khỏi (và cụ thể là từ dưới lên cao), còn "chôrein" là đi, đi ra xa, đi lên cao. Đây là các dạng sống tách đi, thoát khỏi cái thông thường (Barthes: chống quyền lực).


Internet, dẫu muốn hay không, hoàn toàn có thể bất ngờ rơi trúng ta. Rơi uỵch xuống, trúng vào đầu.

Năm ấy, không thể miêu tả nổi nỗi kinh ngạc của tôi khi thấy trong inbox có email của mẹ tôi. Từ mẹ tôi thì đúng hơn. Trong cơn sửng sốt câm lặng ấy còn trộn vào cả một ý nghĩ chẳng phải là không nhuốm màu cay đắng: tôi đã đi xa đến thế rồi, té ra vẫn không thoát nổi, vẫn như thể đã chẳng hề đi đâu. Cho tới lúc đó, tôi vẫn yên tâm mạnh mẽ (nếu không như vậy thì làm sao mà thở nổi) là chỉ cần làm như tôi đã làm: thỉnh thoảng quấy quá viết mấy dòng rồi cho vào phong bì mang ra bưu điện gửi, viết xong là như hoàn thành cả một công việc lớn cho dù tổng cộng thời gian cho việc ấy không quá mấy phút. Nhưng với email thì không có độ trễ đầy ân sủng như với thư gửi bưu điện. Dần dà thoát được cơn tê liệt mà inbox gây ra, tôi đoán ngay được mẹ tôi đã làm thế nào: mẹ tôi ra hàng net, bắt người ở đó lập cho một account (tất nhiên đấy là những người đó tự hiểu ra, là cần lập một account), rồi khi nghe nói đã được rồi, thì bắt đầu đọc cho nhân viên cửa hàng những gì cần phải viết. Tôi lạnh sống lưng nghĩ đến vẻ mặt của nhân viên hàng net, cố tỏ ra thản nhiên và cool nhưng cười thầm trong bụng như thế nào. Chắc nhiều giọt mồ hôi đã chảy dọc sống lưng tôi vào khoảnh khắc đó. Email đầu tiên (vì tất nhiên, nó không phải duy nhất, mang một address tất nhiên không hề thanh lịch) lại còn nhắc tôi phải viết thư (bưu điện) đều hơn: vậy là, cùng một lúc, cả hai đằng.

(sau một thời gian - sự do dự thì không thể ngắn, nếu không thì đó là bạc nhược thần kinh - rồi cũng tới một hôm tôi quyết định được: cái túi mẹ tôi bắt tôi cầm và dặn lúc nào cũng phải để bên người, đang nằm trên giường, tôi bật dậy - vì, phải thật nhanh, nếu không thì sẽ chẳng làm được - mở cửa đi ra, trên đường gặp thùng rác đầu tiên, tôi mở nắp và thả cái túi vào; đấy mới là thời điểm thực sự bắt đầu cuộc đời mới của tôi; thùng rác nuốt đi một đống thuốc, viên, con nhộng, nước, etc. như nuốt đi cả một mối tùy thuộc và nương tựa; như để trêu ngươi và để trừng phạt tôi, ngay sau đó tôi ốm rất nặng; tất nhiên tôi đã không nhắc gì tới đợt ốm đó, cả trong thư lẫn email nào mà mẹ tôi đọc được)

Naipaul kể khi mình từ Trinidad sang London học, phải đi máy bay đến New York trước. Trên chuyến máy bay ấy, nải chuối mà gia đình chuẩn bị cho để ăn đường chín lựng và thơm lừng. Ngoài chuối lại còn có một con gà.

Còn mẹ tôi, ngoài chuyện đi ra hàng net tìm cách gửi email cho tôi dưới một hình thức pour le moins không khác gì một vụ cướp ngân hàng, nhưng người phải sợ hãi, thậm chí kinh hoàng, dưới sự uy hiếp, lại không có mặt ở hiện trường - tôi,


(trước khi quay trở lại với những bà mẹ của chúng ta, tôi thấy cần phải kể - vì bỗng nhớ ra - một câu chuyện khác lột tả những nỗi hãi hùng mà Internet gây ra: hồi ấy, đột nhiên tôi nhận được một cái email, từ một cô gái; hoàn toàn có thể nói rằng email đó được cô gái dùng để tỏ tình - như báo lá cải và phụ nữ bourgeois vẫn hay nói - với tôi; nhưng thời điểm đó, tôi sắp lấy vợ - for real - và đọc xong email thì tôi thấy không thể làm gì khác ngoài thông báo cho cô gái biết; Internet có thể gây phiền toái kinh người: tôi đã không hề nghĩ là cần thông báo một chuyện như thế với cô gái kia; nói cho đúng, chẳng bao giờ tôi nghĩ đến cô gái ấy)


đã không bắt tôi (đây là may mắn riêng của tôi) mang theo gà hay chuối. Thế nhưng, các bà mẹ một thời (những bà mẹ của chúng ta) có một đặc điểm riêng (tức là chung) về phương diện thực phẩm ăn đường. Có một lần tôi transit ở Bangkok, thấy đói nên tôi lục tay nải, và thấy một thứ: La Vache qui rit. Tôi ăn, và chỉ một lúc sau rơi vào một cơn buồn nôn chưa từng có (colique, etc.). Về sau này, tôi mới biết, ai cũng từng rơi vào hoàn cảnh của La Vache qui rit. Mỗi lần nghe nhắc đến La Vache qui rit, tôi lại tím tái (tất nhiên là bên trong tôi), không dám nói gì - chẳng con bò nào trên đời biết được tại sao lại thế.


Internet ở Việt Nam có chuyển động (ban đầu) trùng với một chuyển động khác: chuyển động của liberalism. Những người liberal (dẫu thế nào, tôi vẫn thích libero hơn: Lothar Matthäus, trông không khác gì minh tinh điện ảnh) Việt Nam từng nghĩ và tuyên bố, có Internet là có tất cả (về sau, khi có facebook, lại tương tự: có facebook là có tất cả). Có thể định nghĩa liberalism Việt Nam: đó là một đối tượng cho rằng có Internet là giải quyết được mọi vấn đề của nhân loại.


(chính điều vừa nói ngay trên đây cho thấy liberalism ở đây tương hợp đến mức nào với nouveau riche: bởi vì đối với các phụ huynh nouveau riche mọi chuyện cũng đơn giản y sì, chẳng khác đến một iota: chỉ cần con của họ biết tiếng Anh, là xong hết, tương lai sẽ xán lạn - cần phải hiểu: tức là trên trung bình)


Tôi chưa tròn hai mươi tuổi thì Internet xuất hiện như sự xâm chiếm của một đoàn quân không gì ngăn nổi (tuy vẫn còn tương đối vô hình). FPT miễn phí truy cập Internet trong vòng một tháng, từ 12 giờ đêm đến 7 giờ sáng. Đó là giai đoạn ban ngày không lúc nào tôi mở được mắt (một số người chắc cũng vậy). Nếu ai biết "Altavista" hay "Lycos" thì tức là có biết đến thuở sơ khai ấy. Cần phải nhìn vào bối cảnh của lúc đó: lúc mà trên đài truyền hình quốc gia người ta bảo "Back For Good" tức là hoàn lương và "So Far So Good", càng xa càng tốt.


(và cũng cả Navigator Nestcape nữa)


Ba, bốn năm sau cơn cuồng ban đầu ấy (nó làm tôi không dậy được để đến một bài thi: lúc tôi đến nơi thì cổng trường đã đóng từ lâu: vào lúc đó, tôi ý thức được - dẫu vẫn chưa hết buồn ngủ - những hệ quả rất lớn của chuyện ấy), đến một thời điểm tôi thấy là cần phải quyết định cắt đứt khỏi Internet. Tôi nghĩ là không phải - ít nhất thì không hẳn, hoặc rất ít - có trong quyết định đó một cái gì chung với những lý lẽ người lớn lành mạnh và khuyến thiện, về việc cần phải hoạt động, hít thở khí trời, etc.: đằng nào thì tôi cũng chẳng bao giờ thuộc về phía của lành mạnh; nếu không có gì độc hại, thậm chí tôi còn chẳng thấy có chút ý nghĩa nào. Nhưng dường như đó là khoảnh khắc tôi chạm đến một thứ: sự ngu xuẩn của Internet.


Muốn có Internet, ngày ấy, tôi cắt dây điện thoại, cho nó đi vào phòng tôi trước, lúc nào thôi thì mới lắp trả lại: chẳng ai có thể gọi điện đến những lúc tôi muốn dùng Internet. Âm thanh ấy (của dial-up), modem nhận sóng, là một trong những âm thanh sẽ không bao giờ có ai quên được. Thời trước, âm thanh không thể quên là tiếng nhiễu sóng của radio hay tivi. Tôi còn nhớ hình ảnh ông ngoại tôi ở bên ngoài chỉnh ăng ten (nhiều chấn tử) và cố ngoái đầu vào trong để nhìn màn hình tivi: dẫu ông tôi đã rất cố gắng, vẫn gần như không thể xem được gì; lúc đó người ta đang phát một trận đấu bóng đá. Toàn những hình ảnh nhòe nhoẹt và tiếng grésillement. Lạo xạo và lổn nhổn.

Nhưng cũng chính lúc tôi thấy không có nhiều điều để mà phải vào Internet quá nhiều nữa, thì đồng thời tôi cũng nhận thấy, những người trước đó không hề biết Internet, thậm chí rất coi thường (chúng ta từng bị kỳ thị nếu dính: truyện chưởng, trò chơi điện tử bốn nút, và Internet; tôi dính tất), bỗng phát hiện ra sự kỳ diệu của nó. Sang tới chuyển động ấy, mọi chuyện mới hay, náo nhiệt và pặc pặc - đã là như vậy cho đến nay, kéo dài khoảng hai chục năm.


Tôi nghĩ đến (giờ đã là hằng hà sa số) những account không còn ai dùng nữa. Chẳng hạn cái email của mẹ tôi, vốn chỉ được dùng trong một thời gian rất ngắn, viết vài cái email cho tôi, rồi không bao giờ dùng đến nữa. Các địa chỉ bị bỏ không chắc chắn đã có số lượng lớn gấp nhiều lần những gì còn được sử dụng.


Tiếp tục motif "Internet-thành phố" - đây là, tất nhiên, một ẩn dụ (mà khi đó là ẩn dụ, thì tốt nhất là đi theo, tức là theo chuyển động của nó; nếu may mắn thì kịp trước khi nó hết chuyển động, và đóng cặn) -: một thành phố (của con người) là một thành phố khi nó đảm bảo thêm được một điều kiện (một thuộc tính): nó phân tầng.

Thành phố thì phức tạp, không phải chỉ vì nó được phân chia, mà chủ yếu còn vì nó gồm cùng một lúc rất nhiều tầng - nhiều đến nỗi không thể thực sự biết hết được, nhất là biết rõ. Chính vì thế, một người như Victor Hugo rất bị tầng bên dưới (cống ngầm) thu hút; nhưng ta từng có một miêu tả khác chuẩn xác hơn nhiều. Chỉ những ai nắm được một số thứ (chìa khóa) thì mới đi lại được giữa các tầng (trong đó, không ít vô hình, hoặc gần như thế) - như thể có các hành lang (thêm một ẩn dụ). Những miêu tả địa ngục thời xưa dường như chính là phóng chiếu cái đó.

Đã đến lúc có thể nói đến một cuốn sách:


Cuốn sách của La Mettrie chắc chắn là một trong hai cuốn sách của thế kỷ 18 có số phận oái oăm nhất, cuốn còn lại là An Essay on the Principle of Population; L'Homme-Machine và cuốn sách của Malthus suốt mấy trăm năm không ngớt bị phỉ nhổ, nhạo báng (nhưng chưa bao giờ thực sự rơi ra khỏi chân trời của sự nhìn nhận). Nhưng


(để "nhưng" lại sau)


Internet thì như thành phố, còn cái laptop thì giống cái gì? Chính ở điểm này các thứ máy thực sự gây sợ hãi. Máy gây sợ hãi những lúc nào chúng rất giống tự nhiên - chúng là tự nhiên (còn thêm một mức, một độ nữa, sau khi đã - rất hiển nhiên - là một bản tính thứ hai của con người). Cái laptop hoạt động và có hình thức của vỏ sò. Chính vì thế, nó tạo cảm giác (gây ảo tưởng) là bên trong có kho báu (ngọc trai). Cũng có thể là có thật.

(hơi giống: cương thi hay ma cây xét cho cùng đâu có gì đáng sợ, vì không giống người)


À, để tôi kể nốt chuyện. Tôi bị ốm, tôi rơi vào một cơn sốt kéo dài nhiều ngày. Rồi, trong một thoáng sáng suốt (Cioran: sự điên thì chẳng có gì đáng sợ, đáng sợ là các khoảnh khắc sáng suốt giữa những điên: có thể là quá sáng suốt), tôi nhớ ra là có sẵn một ông bác sĩ. Tôi còn nhớ được, đấy là một ông bác sĩ họ Nguyễn ("Nguyen" - luôn luôn được phát âm là "en nờ guy en"). Tôi tìm địa chỉ chính xác và giờ permanence, rồi mở cửa phòng - hành lang trông như đường dẫn vào nấm mồ của chính tôi; ít nhất thì tôi có cảm giác nó dài bất tận. Các cầu thang cũng bất tận nốt. Ra đến cổng, chỉ cần qua đường, mà đấy lại là một trong những phố nhỏ nhất trên cõi đời, vô cùng hẹp, chỉ một xe ô tô đi vừa, là đến được tòa nhà ở trong có ông bác sĩ (tôi được nghe kể, lúc nhà ấy đang xây thì đúng đợt Mai 68, sinh viên nổi loạn vào cố thủ trong đó, lấy gạch vữa làm vũ khí chiến đấu chống lại cảnh sát; mới trước đó khoảng sáu tháng tôi cũng từng ở trọ một phòng trong đó, vài hôm), nhưng tôi có cảm giác của một người không biết bơi sắp phải vượt sông Hồng đoạn Tứ Liên, đúng mùa lũ (tôi cũng không biết bơi thật, như từng thành thực thú nhận). Rốt cuộc tôi cũng đi vào được qua cái cửa: chỗ của ông bác sĩ họ Nguyễn, rất may mắn, nằm ngay tầng trệt - sort of. Vào đến nơi (rất may mắn không phải xếp hàng đợi: dường như công việc của bác sĩ trong một ký túc xá thì rất nhàn; nhưng tôi nghe nói chuyên gia tâm lý thì bận kinh người, cái đó là lời đồn thổi, tôi cũng không thực sự biết), thấy một khuôn mặt đồng bào, thiếu điều tôi đã òa lên khóc nức nở - nhưng tất nhiên là đã không. Chút tĩnh trí còn sót giúp tôi mau chóng hiểu, đó là một "En nờ guy en" chứ không phải một Nguyễn. Tôi chỉ có thể thều thào: je suis très malade (chorus - vô hình - của các thiên thần: "Je suis malade, complètement malade"). Ông bác sĩ tỏ ra đầy thương cảm (hay đấy là ảo giác của cơn sốt?) khám cho tôi rồi kê đơn. Tôi cầm đơn, giờ tôi không biết đã làm thế nào nữa, đi được ra Pharmacie (ở bên Đức gọi là Apotheke và ở đây tôi mới phát hiện, Pharmacity). Tôi đã tưởng đó chỉ là chỗ để mua préservatif (rẻ hơn nhiều so với máy bán tự động hay thấy ở các bến tàu điện ngầm hoặc toilettes công cộng: nhét 2 euro vào rồi giật, thì sẽ chui ra 3 cái). Pharmacie nằm ở ngay đầu đường, chính xác chỗ có bến xe bus Les Feuillantines, xe số 21 và xe số 27, mà tôi từng (vài lần) kể. Tôi tha về một đống thuốc to đúng bằng đống đã chui vào nằm trong thùng rác. Rất có thể cũng chính xác cùng các loại - tất nhiên tôi không thể biết rõ, vì không còn gì để đối chiếu. Mèo lại hoàn mèo, dược lại hoàn viên, tất nhiên tôi nghĩ đến cái truyện khủng khiếp của Lỗ Tấn.


Không chỉ là những thay đổi ở tầng của Modern Talking ("the only thing I really know") sang Back for Good ("I just want") - mà tôi vẫn còn nhớ video có cảnh quằn quại dưới trời mưa: mà thay đổi còn ở tận mức của, từ chỗ nấu cơm chuyển thành cắm cơm và từ nhóm bếp thành bật bếp.

Cũng ở trong một trường như vậy, bỗng tôi nhớ đến một thứ: cái cầu chì



6 comments:

  1. chuyện thả cái túi thuốc vào thùng rác cứ như Houellebecq viết trang đầu En Présence de Schopenhauer vậy

    ReplyDelete
  2. chắc đó là lý do "giai cấp" thì tan mà các "tầng" thì còn. và nhân thể, "cỗ máy" cũng thành ẩn dụ mà nhiều "cỗ máy" dùng khá ẩu.

    ReplyDelete
  3. đấy là vì, do từ ngữ nên dễ bị tưởng là sẽ được ăn cỗ

    ReplyDelete
  4. Có vẻ không đến nỗi quay lại cái máng lợn

    ReplyDelete
  5. cũng homme machine: "un écrivain n’est pas un homme écrivain, c’est un homme politique, et c’est un homme machine, et c’est un homme expérimental"

    ReplyDelete