Cuối cùng thì sau bao nhiêu lâu, tôi cũng đã sờ được vào quyển sách dưới đây (một trong những cuốn sách của thế kỷ 18 gây nhiều gay cấn: một cuốn khác, tương tự - tức là tương tự về độ gay cấn):
Lý do thứ nhất khiến tôi nhất định muốn đọc De l'Esprit của Helvétius nằm ở chỗ muốn xem tại (làm) sao mà nhân vật ấy lại dè bỉu, bêu riếu cuốn sách đó đến mức như vậy.
(tôi cũng mới nhớ ra, vẫn chưa có ai tặng tôi bộ của nhân vật ấy, tôi muốn nói là bộ mới, gần đây nhất: thế là thế nào nhỉ)
Với Helvétius, ta dạt sang phía khác của các nhân vật "Lumières" Pháp của thế kỷ 18: không còn là mấy nhân vật quen thuộc, nhất là bộ ba Voltaire-Rousseau-Diderot (gọi là bộ ba chỉ theo nghĩa nghĩ đến thời ấy người ta hay thấy ngay họ: chứ còn họ cũng không bộ ba lắm), hay d'Alembert (tuy d'Alembert là người viết một lời tựa quan trọng cho Encyclopédie, nhưng Diderot mới là linh hồn của Bách khoa thư, nói ngắn gọn là nếu không có Diderot thì không có Bách khoa thư; Diderot đã không viết lời tựa ấy, mà d'Alembert viết, chỉ vì vào thời điểm đó Diderot không thể viết nó mà không rơi vào sự nguy hiểm) - mà là phía của các nhân vật mondain, như chẳng hạn nam tước d'Holbach; Helvétius là một "fermier général", tức là một nhân vật cao cấp trong chính quyền.
Helvétius làm gì (tức là, nói gì) trong De l'Esprit? Helvétius, trong Về tinh thần, thể hiện mình là môn đệ của một nhân vật: chính là John Locke. Cũng như ở đa số trường hợp, một người theo Locke thường Locke hơn cả Locke. Điều cốt yếu trong học thuyết Locke (như ai cũng biết: nó quá phổ thông) - theo đó ở con người chẳng có gì là bẩm sinh - được đẩy đi rất xa ở Helvétius. Giờ đây, ta chỉ còn quan tâm đến cái đó bởi vì đấy chính là một trong những lý do khiến giáo dục phải có tầm quan trọng vô song: hệ quả rất dễ thấy, do không có gì bẩm sinh, cho nên con người phải học, bởi chẳng hề được thiên phú cho cái gì, nên làm gì còn con đường nào khác ngoài, etc. Riêng điều này chắc chắn còn ý nghĩa, vào thời của chúng ta.
(ấn bản trong ảnh là một ấn bản không đầy đủ)
No comments:
Post a Comment