May 18, 2022

Walpurgis

Dritte Walpurgisnacht (về đêm Walpurgis, xem Goethe và cả Gustav Meyrink)


(tiếp tục các "ngoài hiệu sách": bốn, ba, hai, và "autoportrait")


Wien Viên Vienna Vienne: một nơi rất hiếm mà từ tinh thần khi áp vào không thấy kệch cỡm - vì không phải chỗ nào cũng có thể có tinh thần.


Ai là triết gia của thế kỷ 20? Đó là một người Wien: Wittgenstein (cùng Sch thì W là thêm một rất Đức - tức là ngôn ngữ Đức, mà ta sắp chuyển sang - tức là sang W chứ không phải sang tiếng Đức: đối với tôi tiếng Đức cũng hơi giống đối với Vargas Llosa, năm 50 tuổi bỗng Vargas Llosa muốn đùng đùng bỏ mọi thứ để học tiếng Đức đến nơi đến chốn; tôi không nhớ Vargas Llosa có làm thế thật hay không). Triết gia lớn nhất? chưa chắc, triết gia sâu sắc nhất? càng không chắc, triết gia đúng nhất? chẳng chắc một chút nào; nhưng đó là triết gia của thế kỷ 20. Cioran viết trong sổ tay rất ít dòng, nhưng hết sức dịu dàng (surprise) về Wittgenstein. Trong Autoportrait dans l'atelier, Agamben cũng làm điều tương tự. Claudio Magris trong chương về Wien của Danube miêu tả cái nhà của Wittgenstein ở Wien (nhà mà Wittgenstein xây). Tôi cũng từng đến đó: cả một sự khổ hạnh về hình thức, nhưng lại là một sự khổ hạnh khiến người ta mỉm cười.

Và văn chương của thế kỷ 20 là như thế nào? Elias Canetti khi đi Stockholm nhận cái giải ấy, bảo là mình chỉ là người đại diện cho một số nhà văn viết tiếng Đức, và kể tên cụ thể: Robert Musil, Hermann Broch, Franz Kafka, và người thứ tư, Karl Kraus. (danh sách của Canetti tất nhiên làm ta nhớ đến George Steiner, người bảo rằng, các nhà văn lớn viết tiếng Đức lại thường không phải người Đức: càng xa càng sáng, cả một lực ly tâm kỳ bí và rực rỡ - tất cả bốn nhân vật trên đây, tính luôn Canetti thì là năm, đều không phải người Đức)

Kraus: các germaniste tức là chuyên gia về ngôn ngữ và văn chương Đức người Pháp từng nhiều lần đòi trao giải Nobel Văn chương; một trong số các nhân vật ấy (các germaniste) chính là ông ngoại của Jean-Paul Sartre. Karl Kraus chính là một trong những gì nhất thiết phải nhìn vào nếu muốn lờ mờ thấy tinh thần Wien nghĩa là thế nào. Ở đây, Kraus sẽ được nhìn nhận cùng một nhân vật khác nữa, cả hai đều có vai trò (vai trò của cuối đời) ở đoạn bi thảm của nước Áo và Wien: Anschluß (Dollfuß), etc.


Dritte Walpurgis của Kraus:


Hình như tôi có đến ba chứ không chỉ hai. Ai muốn đổi chác không? Để nâng giá, tôi sẽ nói rất rõ, đây là một trong những text lớn nhất của thế kỷ 20, và bản dịch tiếng Pháp trên đây (2005) là lần đầu tiên nó được dịch ra một thứ tiếng châu Âu khác (trước đó, có một bản dịch tiếng Nhật, không hiểu là thế nào).


(vẫn chưa có đề nghị đổi chác nào, sau hơn 24 tiếng)


Áo - Österreich - một cách đơn giản, quay về hai phía: một là về phía Hungary. Đế chế Áo-Hung, Habsburg, etc. Mối quan hệ ấy không hề đơn giản; từng có câu chuyện về một Lady, mà tôi không còn nhớ chính xác tình tiết, có lần nhất thiết phải đi ngang qua Budapest (hoặc Wien - nếu là thế này thì tức là thế kia, nếu đi qua Wien thì đó là một người Hung, nếu đi qua Budapest thì đó là một người Áo), Lady ấy đã làm một việc: nhắm mắt từ đầu đến cuối, ngồi trên cỗ xe ngựa và nhắm mắt từ đầu đến cuối, để khỏi phải thấy. Nếu nói chuyện với một người Áo - nhất là một người Wien - mà câu chuyện xoay về phía Hungary, thì ta sẽ biết (nhất là đoán) được nhiều điều. Nhưng phía bên kia cũng rất phức tạp: phía của Đức.

Thời điểm trọng yếu của mối quan hệ ở phía ấy, chính là thời điểm của Dritte Walpurgisnacht (hình như tôi đang bị nhiễm cú pháp tiếng Đức, viết câu nghe ghê quá). Niên đại cuốn sách của Kraus: 1933 (thấy cái năm thôi là đã hiểu ngay); đó cũng là đoạn cuối tờ báo (tờ tạp chí) của Kraus, Die Frackel. Kraus qua đời năm 1936. Hai năm sau đó, 1938 (thêm lần nữa, nhìn năm là biết), Egon Friedell, khi nhìn thấy các sĩ quan SS đi vào khu nhà mình ở, đã nhảy qua cửa sổ tự sát. Một phiên bản khác nói rằng Friedell bị SS bắn, nhưng một người bạn, Alfred Polgar (một nhân vật mà Joseph Roth rất biết) đã tìm hiểu, bà chủ nhà nói Egon Friedell nhảy qua cửa sổ thật.

Như vậy là, Karl Kraus và Egon Friedell (một Egon khác cũng Wien: Egon Schiele; tôi nhớ một lần có một người bạn cầm theo một quyển sách tranh Schiele và những bàn tay ấy đã giúp chúng tôi tuy ở ngay giữa mà thoát luôn được khỏi bầu không khí sặc sụa nouveau riche của quán xá Hà Nội, chưa kể bảy trăm linh tám nghệ sĩ ngồi quanh; và ở Café Central của Wien dường như vẫn còn ma nơ canh sáp Peter Altenberg).


Altenberg, mà trong Dritte Walpurgisnacht Kraus nhắc đến và trích dẫn. Nhưng Martin Heidegger cũng xuất hiện ở trong đó - rất thoáng qua, nhưng là trong một hình ảnh rất mạnh: Martin H., đối với Kraus, phát ra các ý đầy khói và có màu xanh, lên màu nâu (màu nâu: quân phục của SS).

Hình ảnh mạnh ấy xuất hiện trong sách của Kraus vì Kraus là một nhân vật rất mạnh trong một truyền thống, truyền thống của các satirist.

Hai nhân vật xuất hiện nhiều hơn cả trong cuốn sách là Goethe (tất nhiên) và Shakespeare - không tất nhiên bằng, nhưng cũng lại tất nhiên: cứ hễ lúc nào thế giới rơi vào cảnh bong bản lề là Shakespeare gần như chắc chắn sẽ (lại) xuất hiện. Tức là liên tục, không ngừng.


(bình luận về vụ trật bản lề - trong câu chuyện Hamlet: trong cuốn sách ấy, cf. Chapter II; cũng như nhân vật đó, tức là thứ III; nhưng bản lề là gì? theo Chapter II, bản lề là sens commun, bon sens, lương tri


4 comments:

  1. nguoi duoc nhac den o cuoi bai trong cai link dau tien chinh la KK?

    ReplyDelete
  2. tất nhiên là không (mới nhớ ra là quên béng mất đấy), đó là Günther Anders, chồng đầu tiên của Hannah Arendt

    ReplyDelete
  3. Ludwig Frankenstein :v
    Nếu không phải là sống trong thời buổi gg mà chỉ đọc NL, thì sẽ cứ ảo tưởng là Cioran già hơn cả Frankenstein, hoặc ít ra thì không phải là hai thế hệ khác nhau

    ReplyDelete
  4. Kleist, Kraus, Kafka, Kurt Tucholsky,… sự đọc sáng rõ, gây phấn hứng kinh khủng nếu “thực hành” theo lý thuyết “đọc là xếp” ©NL

    ReplyDelete