Mar 7, 2024

Cầm ô đi trên đường đông

(tiếp tục "Hai mươi năm dịch thuật (phần tiếp theo)", "Trở lại Aron""books no facebook")


"ăn cho hết một cân khoai lang trong nồi đất"


Mưa phùn.


Mưa phùn. Nước dềnh hẳn lên. Các cờ chùa ẹp xuống dưới sự ri rỉ lọp phọt của nước, lẹp nhẹp như những vảy của một con rồng không còn muốn hung hăng nữa. Năm nay, sẽ lại có vô cùng nhiều sơ sinh được đặt tên là Long. Chắc là sẽ vô số Hoàng Long, như các thanh bánh đậu xanh.

Nhưng rồng mà không hào hùng, thì cũng không khác mấy sphinx mà lại hiền hậu.

Một từ bỗng hiện ra trong óc tôi, tàn dư của nỗi ủ dột: litote. Đây là thời của litote, như đã có lúc một lóe lên giây lát bảo với tôi. Cái gì cũng ẻo ra, ọt ẹp. Mềm đi, và nhũn đi. Và cũng thu lại.

Một thứ hết sức nguy hiểm lại được gọi là "huyền học". Đây là cấu tạo của (rất phổ biến) tên các đại lý chuyên bán bánh kẹo, hiệu tạp hóa. Các kết hợp có thể cho kết quả hết sức bất ngờ, nhưng nguyên tắc bao giờ cũng chỉ là, vợ chồng chủ hiệu là chị Huyền và anh Học. Đại lý bánh kẹo, tạp hóa, và cả nhà nghỉ nữa. Có lúc, nhìn từ xa cứ tưởng thấy một cái gì rất phấn chấn, hao hao như "Hào Hứng", nhưng lại gần thì mới rõ, đó là một cửa hiệu "Hảo Hưng". Một chị Hảo lấy một anh Hưng. Hoặc cũng có thể - vậy thì sẽ có lý hơn - đấy là vợ chồng một ông bác.


Một chiếc taxi từ xa chạy lại. Một chiếc taxi đang đi tới, trên chiếc đường dưới màn mưa loang loáng ướt. Thật lẫm liệt: cứ lâu lâu người ta lại quay trở lại với mốt của chiếc. Cách đây khoảng nửa thế kỷ, đọc báo thì thấy nhiều chỉ trích nhắm vào những ai viết chiếc phòng, chiếc tường. Mọi sự lặp lại không khác mấy, vào lúc này. Tôi đoán yếu tố tâm lý nằm sau điều đó là dục vọng của những người phát ngôn được nhìn nhận là ngộ nghĩnh, đáng yêu. Cái gì cũng chiếc thì có vẻ rất xinh xẻo. Sự phê phán cũng đầy hường phấn trong các mẫu câu thuộc dạng "cứ sai sai".

Không dễ tìm được một cái taxi (loại truyền thống), nhất là trong khi mưa gió, cho nên


vả lại, khả năng về tạo từ mới - nói đúng hơn, những kết hợp mới của các từ - là một trong những dấu hiệu cho thấy sức sống của một thế hệ (mới); rất có thể, chẳng có căn cứ nào khác, ngoài đó ra: một thế hệ thực sự mạnh mẽ là một thế hệ tạo ra (ít nhất là ảo tưởng về) một tồn tại như thể biệt lập hoàn toàn, không nối vào với cái gì, bởi từ ngữ riêng của nó


Nhưng dẫu sao thì, năm nay cũng có một sang xuân rất khó nhọc, nếu không muốn nói là rất thảm. Một sự sang chẳng mấy mềm mại. Thêm nữa, đúng là nhiều lúc người ta rất muốn hỏi: thế đứa nào bảo là trái đất đang nóng lên? Nhưng có nóng lên đâu.


biết bao nhiêu là bơ vơ, và cũng vô số cầu xin

cả đêm mưa như chó gặm, hôm sau giống một cục dồi lấm tấm những mẩu lạc li ti, hoặc cũng có thể là bát tiết canh mà gió, đoảng đánh, hãm hỏng, loãng vón tanh


Nhưng, cũng giống (gần như) không hề có phát kiến nào (thực sự) mới, các từ trông rất nổi loạn lại thường có xuất xứ hết sức đúng quy chuẩn (quy-lát, như biệt ngữ, ở một dạng không xa với tiếng lóng, của một thời đã tương đối xa xôi, sẽ nói). Chắc hẳn sẽ rất ít người biết cái từ làm mưa làm gió trong vòng mấy thế hệ, hướng nội, về cơ bản xuất phát từ cuốn sách ấy: một cuốn sách đã trở nên gần như không thể đọc nổi nữa.

Không còn dễ (lắm), vì phải lần xuống không ít lớp - các vỉa, các stratum - việc biết được ở đâu mà có mốt của charism hay charismatic: không hề như người ta có thể tưởng, là chúng phát xuất từ Ki-tô giáo hay Công giáo, mà đấy là mấy từ trong tự vị của một nhân vật, Max Weber (tất nhiên, người ta hoàn toàn có thể nói: đấy là vì Weber phân tích Tin lành).

Điều chắc chắn là ai cũng tự nhận mình là người hướng nội hết cả. Một xã hội rôm rả gồm toàn những người hướng nội.

Tôi sợ phát run lên trước viễn cảnh người ta đi tìm nguồn gốc của một từ khác cũng rất hot (tức là hit, nhưng cũng lại là cool): "vô tri".

Và tuy đã nói (ngay ở trên), rằng sức sống, sức khỏe của con người một phần lớn nằm ở năng lực tạo ra từ (và các kết hợp từ), tôi vẫn muốn mình không có gì chung với một thời đại có rất đông người dùng các uyển ngữ như quay xe với cả đẩy thuyền.


cho nên thấy nó (cái taxi) rồi thì phải nhảy lên ngay. Cuối cùng cũng đã lên được xe. Ngay sau đó là màn quay (đầu) xe rất đặc thù và đặc sản. Cái ô hơi rỏ nước xuống sàn xe, điều không thể tránh trong cảnh gió mưa như thế này.


Những lúc ngồi không, chẳng hạn như ngồi trên tàu hỏa, tàu thủy, hay ngồi trên xe khách, xe taxi, nếu không ngủ (gật), người ta sẽ suy nghĩ, một cách lờ đờ - đây cũng là một dạng ngủ gật, nếu như ngủ tức là trạng thái của sống không mục đích: sống không để làm gì là ngủ, nghĩ không có đối tượng là nghĩ trong lúc ăn không ngồi rồi.

Tôi nghĩ, lúc đó, chắc tôi phải viết một cái gì đó giống như Những tình ái hãm, hoặc cũng có thể, Những ái tình lố, thậm chí Những ái tình cố.

"Hãm" là một trong những từ rất lớn, và rất khó thực sự hiểu nó nói gì: một từ lớn là một từ không cho phép hiểu hết, nhưng đồng thời, nghe thấy nó là có thể hiểu được ngay.

Chẳng hạn,

Nhưng, bỗng, người lái xe taxi


không chỉ có tìm thấy, cho các từ, những nguồn gốc rất bất ngờ - tức là, hết sức bình thường, như là từ các cuốn sách (mà chẳng ai đọc; nhưng dẫu không ai đọc thì chúng vẫn là những cái ổ từ đó bốc lên không ít thứ), mà những từ, các cách nói, nhiều khi chỉ là sự lặp lại của một cái gì đó đã tồn tại trước đây: với một tông khác, trong một registre khác; như là, "xinh, ngoan, yêu": "nào ai ngoan ai xinh ai tươi" (quả thật, Tuyển tập 300 bài hát thiếu nhi chính là bí kíp)

Hà Nội là một đầm lầy lớn, ở đó rất nhiều người chìm xuống, không thể kéo lên được nữa; ở lại với lớp bùn đáy âm hiểm


Để thử nghĩ xem thời này sẽ được miêu tả một cách thật súc tích như thế nào, tôi mường tượng ra những lời rất trong trắng: đó là thời người ta gọi cái mặt không phải là "khuôn trăng", mà là "visual", và mốt chuyển dần từ vãi sang dữ; đó cũng là thời, lần đầu tiên, các cầu thủ bóng đá thực sự trở thành celeb trong xã hội; thời của ca sĩ không biết hát, họa sĩ không biết vẽ, nhà văn không biết viết, nhạc sĩ không biết nhạc và độc giả không biết đọc; nói tóm lại, cái thời nơi điều duy nhất cần là một chiếc visual.


Không những dữ mà lại còn ngang: các chứng nhận cho sự ngang ngược cá nhân, nhất định không theo thời, chỉ có điều, chỉ có điều

Những từ chủ của thời đại đã chuyển hướng, từ chỗ hau háu "nhà lầu, xe hơi", đầy gây hấn như "đại gia" đi sang các biến thể như "chủ tịch", giờ đây chỗ đứng lớn là các từ rất hiền lành: trưởng thành, thanh xuân (từ này có vẻ đã hơi lạc hậu), có người yêu, người yêu cũ, etc. Âm điệu chung: một sự giản dị vờ vịt.


Bỗng người lái taxi, sau khi đã biết tôi muốn đi đâu, nói: "Sao không ở chỗ XYZ", vì nếu tôi bảo đi xyz thì người đó đã có thể tiện đường về nhà ngủ trưa một giấc.

Đã hồi lại sau cơn thất vọng thiếu vắng XYZ, vài phút sau, từ sau vô lăng bay đến tôi một câu hỏi. Đến lúc này thì tôi đã hiểu interlocuteur của tôi là nhân vật như thế nào. Có vẻ như tình cảnh xã hội cùng cách vận hành của nó đã dồn ép thế nào đó để giờ đây, vẫn còn lái taxi truyền thống về cơ bản toàn là những người như vậy.

Trước một câu hỏi như thế, tốt nhất là trả lời bằng một cách ngắn gọn ngăn chặn những câu hỏi tương tự; tôi đáp: "Chắc thế."


Đông đúc và đông đúc - Alain hẳn sẽ nói, "có đông đúc và đông đúc": có sự đông đúc như thế này và sự đông đúc như thế kia.


Và cái kết: bóng đá, và các cầu thủ bóng đá: điều này gần như là hiển nhiên, vì bóng đá đã trở thành hình thức duy nhất còn tồn tại của một thứ: quốc gia chủ nghĩa. Lòng ái quốc nằm ở chỗ người ta không thể không cổ vũ (à, ủng hộ) đội tuyển quốc gia của mình. Các cầu thủ bóng đá, kể cả các cầu thủ bóng đá kém, cũng có đầy đặc quyền. Từ đó, ta thấy một điều, gu của cầu thủ, một thứ hoàn toàn tương đương với một thứ khác từng nói, ngôn ngữ của phóng viên thể thao.

Một mặt thì như vậy, còn mặt khác, các ca sĩ cùng ban nhạc giờ hay có tên chỉ một chữ: ban nhạc Cay tối nay biểu diễn ở sân Lạch Tray. Cộng thêm: những cái tên thoạt nhìn cứ tưởng có xuất xứ miền quê nước Mỹ nào.

Cái đó trộn lộn với từ ngữ Tàu, từ ấy cho ra các kết hợp tuyệt vời như Milu đi làm dâu nhà hào môn, Joker gia thế khủng; ở nền sự thay đổi đã qua nhiều lớp, đại khái từ tiên hiệp, truyện Tàu convert sang cung đấu.

Những điều đó, thì như thế nào? Ta sẽ lấy một ví dụ, ca sĩ Mỹ Linh. ML thực sự được biết đến rộng rãi khi lên sân khấu (dạng sân khấu cho sinh viên, học sinh - lực lượng cực kỳ lớn thời ấy) hát "All That She Wants", một bài hit ra trước đó mấy năm của ban nhạc Ace of Base; nếu nhìn nhận như vậy thì sẽ thấy ML ít nhất cũng thoát được mấy cái thứ như Phù Vân Yên Tử, một trong các cục kitsch lớn nhất của thời đại.

Đấy là quãng giữa thập niên 90 của thế kỷ 20: aspiration hướng ra bên ngoài chưa bao giờ lớn đến thế. ML rơi trúng vào một cái gì đó vô hình nhưng không hẳn là vô hình nữa (tất nhiên, đấy là một giọng hát thực sự tốt, chứ không phải mấy thứ nhạt nhẽo bám theo "đời sống sinh viên", như Mỹ Tâm).

Tôi nhắc đến moment của ML hồi đó để nói thêm: những người sau ML, trong đó tính cả hậu duệ, sẽ làm những việc không hề khác. Hát nhạc của Ace of Base vào giữa thập niên 90 thì đâu khác gì so với, hơn hai mươi năm sau đó, lên sân khấu hát nhạc jazz? Tức là, khi nhạc jazz đã qua nhiều thế hệ, nhiều lứa nhạc công đã hiểu ra mọi arcanes của nó rồi, thì hát nhạc jazz cũng giống hát nhạc pop. Nhìn các band nhạc jazz của Việt Nam hiện nay, đúng là có những cậu bé trông như Joe Pass. Nhưng, vấn đề nằm đúng ở đó: trông như Joe Pass thì không phải là Joe Pass. Còn hơn thế nhiều: vậy thì không phải là nghệ thuật. Một nghệ sĩ sẽ không trông như Joe Pass, mà hư vô hóa Joe Pass; và nghịch lý là: Joe Pass là Joe Pass vì không để cho ai hư vô hóa mình.

Trong lịch sử nhạc (nhẹ) Việt Nam, một trường hợp như Trần Thiện Thanh rất hi hữu, ở phương diện, không hề sa chân vào một thứ rất mốt thời ấy, tango (kiểu tango sơ giản "đường về đêm nay vắng tanh", etc.). (Trần Thiện Thanh)

Tương tự, vào thời bây giờ, nhân vật nào từ chối ngay được rap thì hẳn mới bắt đầu đáng quan tâm.

Riêng ở trường hợp Mỹ Linh, có vai trò của quạt trần rơi vào đầu. Thông qua đó, ta còn hiểu thêm được, quạt trần rơi vào đầu, tác dụng của chuyện này là tác dụng chậm (giống bom nổ chậm).


Các thế hệ tạo ra nhiều thứ - và cho đến tận khuôn mặt, căn cước của nó - thông qua các từ, các idiom. Tôi nghĩ là tôi đã nhìn thấy sản phẩm tốt nhất ở khía cạnh này của một thế hệ, tức là một từ sẽ còn lại. Đấy là từ "cơm chó" - chắc nó sánh được với "chém gió" của thời trước.

Nhưng ngược lại, idioms kill us. Kill me kill me kill me.


Chắc phải cần đến một thứ như huyền học thì mới giải thích được tại sao cụm từ nào đó xuất hiện, cũng như uy thế của nó - dẫu phần lớn các hiện tượng như vậy đều chỉ là giả vờ (nghĩa là, phù du). Các từ cũng chém giết lẫn nhau trong một tranh đấu sinh tồn vô cùng tàn khốc, cái đó thì có thể chắc chắn được. Cũng như các idol ca hát và các cầu thủ bóng đá.

Có vẻ tôi đang hơi quá nhấn mạnh vào từ ngữ của những con người trẻ trung. Nhưng điều tôi thấy hoàn toàn ngược lại: chính ngôn ngữ của đám già mới khủng khiếp, vì ở đó còn có vai trò của sự lặp đi lặp lại. Những sự lặp có thể được thực hiện trong vòng hàng chục năm. Mở miệng là thành ngữ, chẳng hạn, chẳng có gì khác ngoài sự ngọt nhạt (tất yếu: hết ngọt thì sẽ đến nhạt). Thêm nữa, cùng một từ nếu được phát ra từ độ tuổi khác nhau thì rất khác nhau. Ta có thể để ý thấy, từ "thích" rất hay được trung niên xiên đến già nua dùng. Tại sao? đấy là vì một từ như thế khiến người ta có cảm giác nếu dùng thì sẽ có vẻ chín chắn, cụ thể hơn, từ đó tạo ấn tượng về chừng mực: về dục vọng đã được kiềm chế, cầm cương, etc. Chỉ có điều, nếu có được cái đó (ấn tượng về chín chắn) thì lại đổ thẳng vào đạo đức giả. Nhưng ngược lại, một cô thiếu nữ nói "thích" thì nhiều lúc lại giống một giọt sương trong lành. Thậm chí không chỉ "thích" mà còn thích thích. (chim chích bông)

Bài tập: hãy rap đoạn sau đây:

Ban nhạc Cay tối hôm nay sẽ biểu diễn ở sân vận động Lạch Tray. Ôi ôi hay. Phải đi ngay. Đang thèm cay như thế này.


(đã tạnh mưa phùn)


Sự thiếu của từ ngữ (đây là một aporia) không bao giờ kinh khủng bằng sự thừa (mứa). Ở thời của chúng ta, cần phải nhìn vào các emoticon, emoji và những thứ tương tự. Ngay lập tức, nghịch lý xảy ra: chính plethora lại là nguồn cơn cho sự nghèo nàn.


trước khi emoji, làm bài tập tiếp

một bài hát, thì tức là rất dễ (bốn hợp âm, etc.), dưới đây là một dạng khác:

"Những cây hoa mận

Đến lúc mỉm cười

Trắng một vạt núi."

(trích từ sách Haiku không khó của Đẹng Trừn Kun)


Vả lại, chẳng phải rap (sự lắm lời, hay nói đúng hơn, nhiều từ) chính là sự trình hiện cho thừa mứa, ở tư cách thuộc tính thời đại? Cũng như sự mất nghĩa.

Giờ, ta sẽ xem, các thể loại emoji nào phổ biến hơn cả. Về khía cạnh này, không gì hơn so với nhìn vào phụ nữ - vả lại, hễ lúc nào bị làm sao, tốt nhất là hãy nhìn vào phụ nữ. Đó là những tấm gương: tôi muốn nói là phụ nữ thì phản chiếu. Tất nhiên, phản chiếu ấy hay bóp méo. Nhưng, méo mó có hơn không: đấy, cả tôi cũng có lúc lên cơn thành ngữ ngang.


(vài từ nữa cho thấy rất rõ tinh thần thời đại: "thăng hạng" và "cực phẩm" - đến đây thì lại rơi vào category đã phân tích, những từ nói dối, cho nên chỉ cần nói lướt qua; đại khái, từ thứ nhất muốn nói, vẫn thế, nếu không phải là thụt lùi, còn thứ hai thì nhìn chung đồng nghĩa với "giẻ lau bàn")


Người ta nghĩ rằng - nếu không thì làm để làm gì? - cần phải làm phong phú cho ngôn ngữ, cho nên có các emoji và những thứ tương tự.

Thế rồi, xảy ra hiện tượng sau: các em gái đồng loạt viết vài chữ (thường, nếu không phải các tập hợp từ không thực sự tạo thành câu - nói ú ớ - thì ít nhất cũng vô cùng stupid, hoặc cũng có thể nũng nịu, phách lối, etc.) rồi ngay sau đó là cả một dãy cái hình tròn tròn màu vàng có quả cười xiên chéo. Một loạt em gái khác, cũng như trên, nhưng là dãy hình tròn màu vàng kèm hai giọt nước mắt. Người ta cần phải hiểu (như thể các emoji là mệnh lệnh đạo đức, hoặc ít ra cũng là mệnh lệnh của tập quán) vậy tức là đang hài hước lắm. Vấn đề là không buồn cười. Càng nhiều hình tròn tròn vàng vàng biểu thị cười hềnh hệch hoặc cười tung nước mắt (như thế cũng hàm ý: nhân vật phát ngôn muốn tỏ ra mình bộc tuệch và muốn được hiểu đúng, về sự thẳng thắn của bản thân, và do đó, chân thực) thì thường lại càng ít có gì buồn cười. Nhưng sao mà lại cười lắm thế, và lấy đâu ra thứ để mà cười kinh thế.

Lại thêm cái biểu hiện thịnh hành nữa: cũng rỏ nước mắt, nhưng chỉ một giọt (tất nhiên mang ngụ ý khác) và nhất là cái quả đưa bàn tay bịt miệng ("ý là" - hay nói đúng hơn, "kiểu", "belike" - cười khúc khích, cười ý nhị). Rất đông trung niên cũng sử dụng những cách thức này - cưa sừng làm nghé.

Nhưng, trong số các ngôn ngữ nhân tạo, đây chính là dạng ngôn ngữ nghèo nàn nhất từng xuất hiện, còn nghèo nàn gấp nhiều lần so với một thứ như Quốc tế ngữ Esperanto. Rất đơn giản: chẳng có ai cười giống nhau. Thêm nữa, vì sợ thiếu expression nên người ta tạo ra những thứ phụ gia tăng cường cho expression. Nhưng chính vì thế mà không còn expression nữa.

Vào lúc này, thế giới là một chốn không có expression, lý do chính là vì quá nhiều expression.

Điều này hết sức tương hợp với một đặc tính - một yếu tố khác: content: tạo content đã trở thành cuộc đua lớn nhất. Nhưng kỳ quặc là chính lúc đó thì content lại trở nên nghèo nàn hơn bao giờ hết, về cơ bản chỉ đi lấy của lẫn nhau.

Thậm chí, đã có thể thực thi màn hoàng đế cởi truồng: đây mới chính là thời kỳ chẳng hề có content.

Mark Zuckerberg hay Elon Musk là các biểu hiện rất rõ.


Ấy thế nhưng, công lao của thời chúng ta - đấy cũng chính là điểm độc đáo của nó - nằm ở chỗ nó, yes, chính nó, tạo ra được mối quan hệ đáng kinh tởm nhất trong lịch sử. Đó là mối quan hệ fan-idol, trong đó một bên là ký sinh trùng, còn bên kia, mặt trời nhân tạo bằng giấy bồi lắp thêm ngọn đèn đểu.


(quay trở lại với kitsch: nếu muốn có một ví dụ không nhỏ về kitsch, thì hãy nhìn vào ngôn ngữ của Phạm Thị Hoài; ngôn ngữ đó vĩnh viễn là ngôn ngữ của học sinh giỏi Văn miền Bắc; thêm một lần nữa: không thể bình thường được; từ đây mà có thể thấy nhiều điều ở đội ngũ hâm mộ thứ ngôn ngữ đó)


hình ảnh (nhìn cứ sai sai):



nguyệt lạc, ô đề (ô dề), sương thiểu

Cũng tương tự như, "Ở Việt Nam công lý chỉ là etc.", tử tế là gì? đó là tên một show của một ban nhạc, lại còn là một ban nhạc chẳng mấy hay: "Tử Tế Show".

Ca sĩ mà nói đạo lý thì cũng không khác mấy so với ve sầu nhưng lại kêu ủn ỉn.

Điều hay nằm ở chỗ, khi mốt tử tế đã đi qua, thì chẳng còn ai nói đến tử tế nữa; mà khi một cái gì đó không được nói đến, rất có khả năng nó đã (biến) mất thật.


Đương nhiên, ai cũng biết (ai thì biết rõ là nhiều thứ) rằng có một mái tóc vàng (ruộm), đánh đàn trái tay, phê pha, thì thật là cool, thật là ngầu: thế cho nên rất dễ hiểu, bao nhiêu là người thích được như Kurt Cobain, mà lên sân khấu hát (gào):

"My girl my girl don't lie to me tell me where did you sleep last night?"

(you, ủa em: thật khum làm sao mà hiểu nổi)

Tuyệt đại đa số bài hát (vì có vô cùng nhiều bài hát, vì viết một bài hát thì dễ, như trên đã nói) sẽ biến mất: khó có gì phù du hơn thế. Ở tốc độ và số lượng như lúc này, chỉ sang tháng là công chúng đã quên mất phần lớn những bài hát mới ra. Nhưng cũng đương nhiên không kém, là chuyện một số (rất ít) sẽ còn ở lại. Chúng rơi vào hạng mục popular, thậm chí folklore.

Chẳng hạn như "Nothing Else Matters".

Khi một bài hát rơi vào category ấy, thì nó trải qua quá trình được đủ thứ hình thức âm nhạc, đủ thứ nhạc cụ tóm lấy.

Nhưng tại sao? vì đó là nhạc rock, vì nó metal? vì nó là của Metallica, ban nhạc đủ sức làm cho Matxcơva cũng phải rực lửa ngút ngàn?

Không, đấy là một thứ folklore vì một lý do rất đơn giản: nó là một bài hát mi thứ.


[nó lại đúng]


Sự đặt tên theo lối ghép tên của gia chủ - có thể hiểu là một cặp gồm hai vị thần lô can trấn giữ địa bàn - đi cùng việc càng ngày càng có nhiều vị thần (thuộc dạng khác hẳn) được (hoặc là bị) lấy tên để đặt cho cửa hàng, cửa hiệu. Chắc là sẽ rất sung sướng nếu được phục vụ tại một quán mang tên Artemis hay Minerve. Nhưng nhất là: Hebe.

Nói đúng hơn, vào những chỗ như thế thì hẳn sẽ rất ra gì và này nọ, vô cùng xịn xò. Nhưng ngược lại, cũng có thể dẫn đến tình trạng cảm lạnh, thậm chí đi vào lòng đất. Chẳng hạn, một nỗ lực về đặt tên không mấy thành công: Kafa. Nhưng Kafa? tức là cafard? Hoàn toàn có thể tận tới mức, đăng xuất, hay bay màu. Cái chính là thuộc về server nào.

Ngược lại, một bản danh sách gồm những gì mà con người ngày nay rất sợ sẽ có ở hàng đầu từ fail, và từ flop. Ai cũng sợ fail và flop.

Nhưng, cái chính lại là cần phải fail: fail again, fail better.

Dẫu thế nào, thì sự thể vẫn cứ là: thời trước đây người ta chẳng làm gì khác ngoài mime, thì giờ đây, chỉ toàn meme. Thêm một lần nữa, lại khác một tị.


49 comments:

  1. mặt người chưa bao giờ hết bực.

    ReplyDelete
  2. Anh như ẩn số í nhỉ :))).

    ReplyDelete
  3. mới tung mỗi câu đề từ mà tấm toan to to đã hiện ro rõ…

    ReplyDelete
  4. không đoán được đâu, đơn giản là vì làm quái có toan nào

    ReplyDelete
  5. bực mình nhất những thằng tên Long mà không sinh vào năm Rồng

    ReplyDelete
  6. cho nên phải thật kiên trì tìm xe (truyền thống hoặc công nghệ) để gặp được người thật đặc biệt hehe.

    ReplyDelete
  7. lúc “vô tri” nổi lên em cũng bảo vợ, chắc NL cay lắm (vì em cũng cay).

    ReplyDelete
  8. NL = unable to be cay

    ReplyDelete
  9. Ngủ cũng là cách quên đi thực tại trong vòng tám tiếng

    ReplyDelete
  10. đâu đó đã có Thanh Lam, sắp vào Mỹ Linh, vẫn còn Hồng Nhung ("dù có đi bốn phương trời lòng vẫn nhớ phở Hà Nội") và Hà Trần, chân dung "bộ tứ diva", tiêu biểu cho âm nhạc nouveau riche, sắp được hoàn thành

    ReplyDelete
    Replies
    1. l'art vocal bourgeois?

      Delete
    2. bộ tứ diva hát nhạc của bộ tứ sông hồng hehe

      Delete
    3. các danh hiệu âm nhạc thủ đô phần lớn đi ra từ một nhân vật: Nguyễn Thụy Kha, có lẽ truy được từ các cuốn sách (quả thật, Tuyển tập 1000 ca khúc Thăng Long-Hà Nội chính là bí kíp)

      Delete
    4. tôi nhớ Hà Trần có quả "lần nào đến cũng mang theo bí mật", bí mật hẳn là biểu hiện của rỗng tuếch

      Delete
    5. hay thật đấy, vật họp theo loài còn nouveau riche thì luôn cộng sinh, thơ của ViLi, thứ thơ rởm với những tuyên ngôn như thể tìm ra cái gì lớn lao vậy (luộm thuộm và rất nhiều nhấn mạnh "Điều quan trọng nhất, bí mật hệ trọng nhất là biết yêu trong sự sống tận cùng"), người luôn tỏ ra bí ẩn nhưng khi mở miệng ra thì toàn nói những thứ vớ vẩn bằng một giọng chợ búa, gần đây còn tạo ra một événement médiatique xoay quanh con mình

      nhưng đoạn sau, cô ta lại "bắt đầu nghi ngại bí mật của chính mình" vì "đấy không phải là bí mật", đã nhận ra sự rởm của chính mình

      Delete
    6. three tenors nhạc đỏ trọng tấn-đăng dương-việt hoàn nữa

      Delete
    7. thôi, để tôi quay lại nghe nhạc Bảo Yến cho nó lành

      Delete
    8. Buổi sáng hôm nay giờ triết lý thật buồn/Giờ anh đưa em đi tìm giây phút lạ thường

      Delete
  11. Phù Vân Yên Tử nhằm nhò gì so với pha porn hóa Chat với Mozart

    ReplyDelete
  12. Cay là tiền thân của Ngọt à

    ReplyDelete
  13. lại nhắc đến Ngọt. Thằng lớn nhà em thích Ngọt, sau khi biết anh Thắng đầy phốt, nó cũng buồn đấy, rồi thì giờ đang thích rock chơi metal hoặc dead, nó thích chơi guitar điện. Một hôm nó nói, Kurt Cobain tự tử khi mà con gái mới một tuổi. Ko thể hiểu nổi sao nữa. Mẹ là tự tử thì con sẽ đi theo mẹ. Nhà em bất ổn và tập hợp nhiều điều điên rồ anh ạ 🤪.

    ReplyDelete
    Replies
    1. thế là vẫn chưa biết câu drugs, sex, rock 'n roll rồi

      bộ ba Iggy Pop, Lou Reed, David Bowie chơi heroin, có người phải sang tận Berlin để cai nghiện, Jimi Hendrix chơi cần, Freddie Mercury chơi bê đê dính HIV chết, Syd Barrett chơi lsd đến tâm thần phân liệt

      Thắng Ngọt vẫn gọi là hiền lắm

      Delete
    2. sang Berlin thì cai nghiện làm sao nổi

      Delete
  14. thập niên 90 (ở HN) là lúc Bjork rất thịnh

    ReplyDelete
  15. chỗ này đúng là đã kiêm luôn chức năng của tờ báo (hai chức năng cũ - tờ tạp chí, cuốn sách - thì đã quá rõ)

    hình thức ở mức số 0
    thực tại phải chui hết vào đây

    ReplyDelete
  16. một danh ca:

    http://nhilinhblog.blogspot.com/2017/03/tien-but-doc-balzac-o-ha-noi.html

    ReplyDelete
  17. không yêu được anh nhạc rock nên yêu anh nhạc Nga hehe

    ReplyDelete
    Replies
    1. đêm dài qua, dưới mưa rơi, anh mong chờ em tới...

      Delete
  18. idol không tạo ra một lịch sử gì, fan dùng cả lịch sử tạo nên idol

    ReplyDelete
  19. "thanh xuân" không hẳn là lạc hậu, phiên bản mở rộng của nó "thanh xuân vườn trường" lại phổ biến

    ReplyDelete
  20. "Có tài có đức" giờ là huân chương được quần chúng thi nhau đem gắn lên ngực đám vốn "xướng ca vô loài". Thế nên ai nghĩ "tài đức vẹn toàn" chỉ có từ các Người các Bác là sai hết nhé.

    ReplyDelete
  21. từ "dấn thân", nghe rất dũng cảm và đầy nhọc nhằn. các nouveau riche thể hiện mình chẳng quản trăm đắng ngàn cay ra khỏi vùng an toàn để hiểu Kẻ Khác.

    "văn chương là một cuộc dấn thân", các nhà nghiên cứu văn học cũng đang "dấn thân".

    ReplyDelete
    Replies
    1. search thử ra nhiều kết quả thật hehe

      Delete
    2. không chỉ niềm vui mà cả nỗi đau, bệnh tật, chết chóc cũng trở thành spectacle. ano bên trên có nhắc vụ ViLi trục lợi trên nỗi đau của chính con mình.

      Delete
    3. ỏ trục lợi j dậy? chị í xin mọi ngừi cầu an cho con chỉ thui mờ 🤔

      Delete
    4. series: nouveau riche cười, nouveau riche khóc, nouveau riche vất vả, nouveau riche bệnh, nouveau riche chết hehe

      Delete
    5. nouveau riche nở rộ sau cơn bão lướt qua Hà Nội

      Delete
  22. khẩn xin Nhị Linh dẫu có bận rộn cũng không bỏ mục "những từ", cái viễn cảnh tăm tối khi từ bị tiếp đoạt bởi truyền thông mà Deleuze nói đã thành hiện thực, như Facebook tiếp đoạt "friend", "relationship" và cả "face"

    ReplyDelete
    Replies
    1. nạn nhân đầu tiên là Deleuze và ông bạn Foucault chứ đâu, giờ đến cả đám choai choai cũng rhizome, fuite, devenir, déterritorialisation-reterritorialisation với cả pouvoir, discours, dispositif

      Delete
  23. có phải là "lướt qua" đâu: thốc thẳng vào, lại còn là suốt mấy hôm, đấy chứ

    ReplyDelete
  24. trung thu, valentine, giáng sinh là lúc người ta trao cho nhau những lời nhạt nhẽo, và luôn phải có đồ ngọt đi kèm để bớt nhạt

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vậy thì sao? Nhất là khi xét cùng chẳng có gì để mà nói với nhau, mà có bao giờ con người là cái loài ít nói không? Nếu muốn nói gì với ai đó, có dịp để nói thì không tốt hơn à? Hay cần gì phải đợt đến lúc, đằng nào thì cũng có ngậm được mồm đâu?

      Delete
    2. không ngậm được mồm là nhà báo văn hóa thôi

      Delete
    3. tôi vẫn liên tục nói với một người dù chả phải nhà báo văn hoá =))

      Delete
  25. "Trừ những lúc mình thấy ra chỗ sai của sự việc nhưng mình không biết nó sai ở đúng chỗ nào, còn lại vào những lúc mình thấy ra chỗ đúng của sự việc thì mình cũng không biết nó đúng đúng đâu.
    Tóm lại là cứ sai sai đúng đúng í."

    ReplyDelete
  26. nay em còn gặp quả biển “GÀ ÁC HIỀN HẬU” í anh hehe

    ReplyDelete