Mar 3, 2024

Trở lại Aron

(cũng còn may, vì ít nhất thì không phải là "Trở lại Eden")

[tiếp tục "vingt ans""falsebook": hai cái rất liên quan đến nhau; chính tôi tận bây giờ mới nhận ra được cái đó, tức là sự liên quan ấy]


Rất dễ nghĩ là vì cái kia (cuốn sách ấy) cho nên tôi nghĩ đến Raymond Aron, nhưng thật ra là ngược lại:


Chính trong lúc tôi đang đọc quyển sách này (to tướng, khổng lồ, trĩu tay):


thì bỗng quyển sách kia mới (lù lù) xuất hiện.

Vẫn chưa đúng lắm, mà muốn chính xác hơn thì phải là: một ngày kia, đột nhiên một quyển sách rơi vào tay tôi, tôi đọc nó, thấy nó rất chán (cho nên tôi sẽ không nói cụ thể), nhưng không hiểu sao (cũng như mọi khi) tôi vẫn đọc tiếp nó. Vì đọc tiếp nó nên tới một đoạn, tôi thấy nó nhắc đến Aron, và thế là tôi nhớ đến Hồi ký của Aron, tôi bèn đi lục nó - vậy là sau hơn hai mươi năm tôi mới đọc tiếp; nói đúng hơn, đã hơn hai mươi năm nay tôi có quyển sách (rất to, nặng) nhưng tận bây giờ tôi mới thực sự đọc. Chính trong lúc đọc Mémoires thì tôi kiếm được, hết sức tình cờ, quyển sách màu trắng kia. Nhưng vậy thì rất tốt: chắc là vì khơi được đúng nguồn cho nên mới như thế.

Nói tóm lại, đọc cuốn sách mà Aron in cách đây 40 năm (41, nếu muốn thật chuẩn) vào lúc này thì sẽ thế nào?




"Un bon agrégé de philosophie de mon temps dissertait sur n'importe quoi."

(Raymond Aron, Mémoires, p.69)

Nếu (cố) nghĩ xem mình thực sự biết gì về Raymond Aron, từ lâu nay, tôi sẽ chỉ nghĩ (ngay) đến một quyển sách nhìn chung cũ nát mà tôi đã mua tại một hiệu sách cũ, trong nhan đề có "18": tất nhiên không phải "18 Brumaire", mà là "dix-huit" bài giảng về "xã hội công nghiệp". Đó là một tập cua. Cuốn sách mà tôi chắc chắn là chưa bao giờ tôi đọc một cách cẩn thận.

Raymond Aron thuộc số những người rơi vào một tập hợp rất nguy hiểm, ai cũng biết tên, nhưng hiếm người thực sự biết (là từng làm gì, viết gì). Ở trường hợp Aron, chuyện chủ yếu liên quan đến Jean-Paul Sartre. Aron học cùng khóa ở ENS (và cùng philo) với Sartre (và Nizan: đọc Hồi ký thì thấy Aron lúc nào cũng gọi Nizan là "Paul-Ives" chứ không phải chỉ đơn giản "Paul"). Kỳ thi agrégation vô cùng nổi tiếng trong lịch sử: tại đó Sartre trượt, còn Aron đỗ đầu. Năm tiếp theo sẽ là đoạn rất nổi tiếng (nữa) của Sartre, vào Cité Universitaire ôn luyện rồi năm sau đó thi lại (và đỗ, hình như đỗ đầu). Người ta cũng biết, nhờ Simone de Beauvoir, là Sartre lấy được từ Aron nhiều điều như thế nào. Aron bảo, Merleau-Ponty kể với mình, là trước mặt Sartre thì nhất định không nói lộ ra những gì mình đang nghĩ, nếu không thế nào Sartre cũng sẽ thuổng. Sartre nghỉ chơi với Merleau-Ponty, như ai cũng biết; Sartre nghỉ chơi với Aron thì cũng nhiều người biết, nhưng ít hơn; tuy nhiều sóng gió, nhưng quan hệ giữa Aron và Merleau-Ponty thì lại không đi đến chỗ đoạn tuyệt.

Aron dành chỗ cho Sartre trong hồi ký của mình, nhưng không nhiều lắm. Chỗ cho các ông thầy: Alain, Brunschvicg. Không lâu trước khi in hồi ký, Aron còn có loạt trả lời phỏng vấn hai nhân vật trẻ tuổi, in thành sách, lấy nhan đề Spectateur engagé (cụm từ cũng xuất hiện nhiều lần trong hồi ký), trong đó cũng nói nhiều chuyện liên quan. Léon Brunschvig (một cách ngắn gọn: néo-kantisme, cũng là người có vị trí trong nghiên cứu Pascal) là ông thầy đúng nghĩa (và không mấy có ảnh hưởng) của Aron, còn Alain là người mà Aron không học trực tiếp, nhưng nói chuyện nhiều (Aron kể là mình hay đến cổng trường Henri IV đợi Alain rồi hai người vừa đi vừa nói chuyện). Aron không phải là môn đệ của Alain ("aliniste" hoặc "alinien") nhưng có thể thấy, thông qua những gì Aron kể, là Aron đã phải vật lộn không ít để thoát khỏi sự chi phối tinh thần của Alain.

Rồi Le Havre (có lúc Aron dạy thay Sartre), nước Đức vào đúng giai đoạn Adolf H. bắt đầu lên nắm quyền, về lại Pháp, các luận án triết học, bằng cấp, etc., lấy vợ, có con (hai nhân vật thân thiết của giai đoạn ấy: André Malraux và Simone Weil), rồi chiến tranh, chiếm đóng, sang London, không hẳn là gaulliste.


(ví dụ lớn cho situation rất khó - và khó chịu - của Aron: kể cả những ai hoàn toàn không biết gì về Raymond Aron vẫn nhiều khả năng biết câu - gần như là thành ngữ - theo đó cộng đồng Pa ri diêng của các quán cà phê Saint-Germain-des-Prés khẳng định tâm tư của mình: "Thà sai với Sartre còn hơn đúng với Aron.")


Như có lúc đã nói, ở Anh, trong chiến tranh - giữa cộng đồng những "người Pháp tự do" - Aron đã đọc (từ trong bản thảo) cuốn tiểu thuyết đầu tay của Romain Gary, Giáo dục châu Âu, và vô cùng thích. Nếu nhìn từ phía của Romain Gary, thì câu chuyện dừng ở đó, nhưng chính trong hồi ký, Aron sẽ kể thêm chuyện. Ta sẽ biết nhiều hơn.

Trở về Pháp, tướng de Gaulle cử Malraux làm bộ trưởng: bộ trưởng của một bộ không mấy có trọng lượng, Bộ Thông tin, và Malraux rủ Aron vào đó làm cùng. Chính trong quãng thời gian ấy và trong hoàn cảnh như vậy, xảy ra một chuyện: một số người có ý định cử Romain Gary vào một vị trí (không nhỏ) tại Sứ quán Pháp ở London và Romain Gary nghĩ mình sẽ có chức vụ ấy, nhưng cuối cùng lại không, và Aron được giao việc thông báo (qua điện thoại) cho Romain Gary về quyết định. Thành thử, dẫu không có vai trò gì, Aron nghĩ Romain Gary sẽ rất có ác cảm với mình. Nhắc lại chuyện đó, Aron khẳng định mình vô cùng ngưỡng mộ Romain Gary.

Hẳn Aron kể điều đó là vì thời điểm viết cuốn sách trong ảnh, Romain Gary vừa chết, ấn tượng từ cái chết ấy đã làm Aron nhớ lại một số chuyện có liên quan.

(Malraux trở thành bộ trưởng ngay sau chiến tranh, nhưng không phải Bộ trưởng Bộ Văn hóa, hình tượng lừng danh và gắn chặt vào con người của Malraux: đấy là chuyện của hơn chục năm sau - de Gaulle, và do đó Malraux, rời khỏi chính phủ không lâu sau khi về lại Pháp, mãi cuối thập niên 50 mới quay lại; nhưng tại sao tướng de Gaulle lại từ bỏ quyền lực? đấy là vì, một người tự nghĩ mình là hiện thân của nước Pháp như vậy không chấp nhận việc trở thành nguyên thủ quốc gia ở tư cách một người đứng đầu hội đồng bộ trưởng nào đó; thế nhưng ở thời điểm 1946, do tương quan đảng phái, de Gaulle không thể là nhân vật đứng đầu Nhà nước với tầm vóc lớn hơn - Malraux cũng tương tự

Malraux)

Tại Anh trong chiến tranh, tuy Raymond Aron làm cho một tờ báo tên đúng là La France libre, nhưng đó lại không hẳn là một cơ quan ngôn luận gaulliste.

Như vậy là, Đức rồi Anh: nước Đức mang đến cho Raymond một cái gì đó tương tự một khải ngộ. Tuy phải chứng kiến cảnh nazi đang lên đốt sách nhưng cũng chính ở đó ("bên bờ sông Rhin") mà Aron bắt đầu nhìn ra mình cần phải làm gì. Sang Cologne làm một dạng trợ lý cho Leo Spitzer, nhưng đấy không phải là nhân vật có ý nghĩa lớn với Aron (Spitzer) mà phải là những người khác, chẳng hạn Karl Mannheim (Aron sẽ thú nhận, về sau, rằng trong vòng một năm mình là môn đệ của Mannheim; Karl Mannheim). Chuyến đi Đức làm cho Aron, khi quay về Pháp, viết một cuốn sách về xã hội học của Đức: đây là lần đầu tiên Max Weber thực sự được nhìn nhận tại Pháp. Luận án tiến sĩ của Aron: triết học lịch sử. Việc thấy được các nhân vật Đức giúp Aron thoát khỏi dạng xã hội học kiểu Durkheim.

(một nhận xét không nhỏ của Aron, lúc đã già: tiếng Đức - tức là bản thân ngôn ngữ - rất dễ tạo ra ảo tưởng rằng người Đức rất sâu sắc, nhưng rất nhiều khi họ không sâu sắc đến thế)


Rất hấp dẫn: các nhận xét của Raymond Aron về những nhân vật "Frankfurt". Kể cả mãi về sau này, không bao giờ Aron thấy Herbert Marcuse có gì liên quan đến "genius". Về khía cạnh mác xít của các nhân vật ấy, Aron nói, nó không thể so sánh được với Lukács.

Không khó hiểu, nếu đã biết những điều trên đây, khi Raymond Aron trở thành nhân vật ngáng chân các xu hướng có thể gọi là tả phái. Đó chính là người đặt ra cụm từ lừng danh (nhan đề một cuốn sách): "thuốc phiện của trí thức".

Còn lại là việc cần phải hiểu, Aron đã làm điều đó như thế nào. Cách thức của Aron là: viết báo.

Điều này là không hề đương nhiên, đối với một nhân vật đã đi qua formation triết học ở trình độ cao nhất như thế. Ở Anh trong chiến tranh, tuy Aron viết báo, nhưng đó có thể hiểu là công việc thời vụ và thời điểm. Lúc chiến tranh kết thúc, Aron có rất nhiều lựa chọn, không chỉ là trong giới đại học (vị trí đã có sẵn) tại Pháp, mà còn hoàn toàn có thể dạy bằng tiếng Đức hoặc tiếng Anh. Nhưng - Aron tự nhận - virus chính trị đã nhiễm vào Aron, và Aron muốn ở trong, chính cái nơi mọi sự diễn ra.

Tiếp tục có lựa chọn: hoặc tờ Le Monde, hoặc tờ Le Figaro (có lúc Aron cũng liên quan chặt chẽ với tờ Combat: rất nhiều người tưởng nhân vật chính của nó là Albert Camus, nhưng điều đó sai, vì nhân vật chính của Combat là Pascal Pia). Nếu Le Monde là cánh tả, thì Le Figaro là cánh hữu. Ban đầu, Le Figaro vượt Le Monde, nhưng dần dà Le Monde vượt lên, và vượt xa (lý do lớn: tờ báo được lòng giáo viên và sinh viên - đây là giải thích của Aron). Raymond Aron đã chọn không mấy do dự: Le Figaro (và do đó, yếu nhân của nó, Pierre Brisson).

Thế là bắt đầu mười năm báo chí chính trị. Số lượng bài báo Aron từng viết trong đời: khổng lồ, hoa hết cả mắt.

Nhưng, lại thêm một bất ngờ: năm 1955 Raymond Aron ngoặt lại thế giới đại học, Sorbonne. Lúc này, Aron đã 50 tuổi. Loạt bài giảng đầu tiên chính là "18".




(20 năm; 21, nếu muốn thật chính xác)


"Quand je l'irritais trop, il [Célestin Bouglé] me prophétisait - Mme Porée me le rapporta - une fin de carrière en tant que critique économique du Jounal des Débats. Peut-être la mort de ce journal m'a-t-elle épargné cette infortune."

(Raymond Aron, Mémoires, p.143)

Raymond là một nhân vật có thể gọi là libéral. Dẫu điều này rất khó tin, nhưng có rất ít người Pháp có thể tính là "libéral", trong toàn bộ lịch sử. Đấy là dòng giống của - thảng hoặc - những cái tên đơn lẻ, như Benjamin Constant, hay Alexis de Tocqueville. (một reference cho điều này: cuốn sách của Pierre Rosanvallon, Le Libéralisme économique)


(e-tăng, bỗng tôi thấy muốn đọc cuốn sách thoát thai từ luận án tiến sĩ của Raymond Aron, triết học lịch sử; thế là tôi đang đọc nó)


(vẫn đang đọc tiếp)


Raymond Aron tự nhận về mình một mérite: tạo ra (bằng) licence cho ngành xã hội học - trước đó không có. Như vậy, ở một phương diện, Aron chính là người chuẩn bị cho Mai 68 về khía cạnh xã hội học. Điều này không hề nhỏ: Mai 68 chính là thời điểm bắt đầu bừng nở của sociologie; thêm nữa, một trong những cuốn sách gối đầu giường, chuẩn bị về ý luận cho họ, là một cuốn sách của Pierre Bourdieu viết cùng Jean-Claude Passeron. Bourdieu từng là trợ lý của Aron. Cả Alain Touraine cũng ở không xa Aron - có thể nói, tất tật các nhà xã hội học trẻ tuổi Pháp đều từng nghe Aron giảng.

68 cũng là thời điểm Aron không còn ở Sorbonne nữa, chuyển hẳn sang EHESS, Section VI. Rồi sẽ còn đoạn Collège de France.

Quãng thời gian dạy học (nhưng vẫn tiếp tục viết báo), Raymond Aron quan sát sinh viên. Sinh viên Pháp là một giống đặc biệt: Aron nói, dạy học ở Pháp là một việc ingrat.




5 comments:

  1. may thật, sách Hồi *ký của Aron không phải một trong mấy thứ lưu cữu

    ReplyDelete
  2. Hồi ký này làm cho không ít độc giả thấy mình trong đó, mới hai mươi mấy tuổi đầu tình hình bên trong lẫn bên ngoài thì rối ren, chẳng biết phải chọn đường nào :'(

    ReplyDelete
  3. ơ, có chuyện gì (mới) xảy ra à? tại sao bỗng dưng chủ đề (chán như) Raymond Aron lại được quan tâm ác liệt như thế này?

    ReplyDelete
  4. Aron phết một phát ác liệt Eden thì còn hỏi tại sao, anw Aron chán thiệt

    ReplyDelete
  5. tâm tư đó của Pa ri diêng hẳn đặt trên nền tảng của phép giao

    ReplyDelete