Jun 22, 2010

Oscar Wao và văn chương phì nộn

Những đổi thay vô vàn của thế giới khúc xạ vào văn chương của ngày hôm nay như thế nào? Mấy quyển tiểu thuyết xuất chúng nhất của một thế hệ nhà văn mới dường như đang tìm cách tiết lộ cái điều quan yếu này, dù là theo một cách thức vô cùng khó nắm bắt. “Cuộc đời ngắn ngủi và lạ kỳ của Oscar Wao” (Junot Diáz, Nguyễn Thị Hải Hà dịch, Youbooks & NXB Văn hóa Sài Gòn) mang một cái nhan đề có tính cách hiện tượng: dòng văn chương này “ngắn ngủi” và “lạ kỳ”.

Xếp cùng “Oscar Wao”, cuốn tiểu thuyết về các nhân vật Cộng hòa Dominic sống tại Mỹ, có thể kể vài ba tác phẩm cùng được viết ra bởi các nhà văn tương đối cùng thế hệ với Diáz, và tất cả đều thành công vang dội: “Cọp trắng” của Aravind Adiga, “Cộng hòa phi lý” của Gary Shteyngart và tiểu thuyết còn chưa được dịch ra tiếng Việt có tên “Everything Is Illuminated” của Jonathan Safran Foer. “Cọp trắng” từng nhận giải thưởng Booker danh giá, “Oscar Wao” thì gánh trên vai giải Pulitzer không hề thua kém về uy tín, còn “Cộng hòa phi lý” lẫn “Everything Is Illuminated” đều là những sản phẩm giành được cả thắng lợi về phê bình lẫn thắng lợi về doanh thu.

Bốn cuốn tiểu thuyết trên rất giống nhau, chúng gợi lên một tâm thức chung, mà trước hết là một hoàn cảnh của sự cọ xát vừa quyết liệt vừa dai dẳng về văn hóa và gốc tích con người. Ngoài “Cọp trắng” không thật rõ về hành trình truy tìm nguồn gốc, “Everything Is Illuminated” là một cuộc truy vấn gốc gác Ukraine của nhân vật chính, còn “Cộng hòa phi lý” và “Oscar Wao” đều miêu tả sự đụng độ giữa một nền văn hóa khác và nền văn hóa Mỹ: nước Nga trong “Cộng hòa phi lý” và Cộng hòa Dominic trong “Oscar Wao”.

Cả bốn tiểu thuyết đều rất kỳ khôi, với các nhân vật chính đậm đặc tính “grotesque”, rất nhiều đoạn như thể phình to, trào ra khỏi sự tao nhã văn chương để chui rúc vào những xó xỉnh xấu xí, hôi thối. Những nhân vật rất béo, rất xấu (trong “Cộng hòa phi lý” và trong “Oscar Wao”) thi đua về độ thô kệch với nhân vật rất ác, rất mưu mô (trong “Cọp trắng”), về bản chất là một tên tội phạm không biết đến ăn năn hối hận. Những tiểu thuyết này đều cố làm ra vẻ vui tươi, rất nhiều tiếng cười, những mẩu chuyện hài lắm lúc cũng có duyên, nhưng về bản chất chúng đều buồn nẫu ruột, đều lấy cái cười nhếch mép và sự mỉa mai chua cay vụng về trét lên trên sự nhàm chán kinh người của kiếp sống, đặc biệt lại thường là những kiếp sống lạc lõng co cứng. Các chàng Borat lặc lè đi qua trước đám đông độc giả mong gây cười, nhưng những người đa cảm thậm chí còn có thể khóc trước cảnh tượng ấy.

Dường như có một “nhu cầu thời đại” đối với kiểu văn chương “phì nộn” như thế này, một thứ văn chương hòa trộn lịch sử và hiện đại, nối liền những đứt đoạn và chia cắt về địa lý cũng như thời gian trên một mặt phẳng rất không đồng nhất về chất liệu. Như thể tồn tại nỗ lực của văn chương một thế hệ nhà văn mới tìm cách nắm bắt thực tại của di cư, thể hiện một cách thức khác hẳn so với những nhà văn lớp trước cũng đã đào xới không ngừng thân phận và tình thế nhập cư.

Junot Diáz và các nhà văn cùng thế hệ đã khác Saul Bellow, Isaac Singer, Wladimir Nabokov hay Witold Gombrowicz lắm rồi. Không còn là một ý hướng áp đặt những cái nhìn thiên tài rọi xuống cái trải nghiệm vừa phấn khích vừa đau lòng của sự rời bỏ quê hương, mà dường như ngay từ đầu sự quy thuận với các nhà văn trẻ đã là một đặc điểm chung, và họ cứ loay hoay với các câu hỏi về gốc gác như chơi nghịch với mấy câu hỏi tu từ. Nếu vị thánh văn chương bảo trợ các nhà văn thế hệ trước là Cervantes, giúp họ sản sinh ra các Don Kihote kiêu hãnh dấn thân vào thế giới lạ lẫm, thì hẳn vị thánh mới lại là Gogol, nhà văn của nghịch dị và kỳ quặc; các nhà văn như Junot Diáz, nhất là Shteyngart, bước ra từ cái bóng của nhà văn Nga xa xôi.

Cái nhìn của các nhà văn này “pop” hơn nhiều, mất đi rất nhiều tính chất thượng lưu, kiêu hãnh, nhưng lại đặc biệt vượt trội về mức độ “cay đắng cụ thể”, cũng như những gì trực tiếp động chạm tới cơ thể con người, cơ thể của mỗi cá nhân ở vào cái hoàn cảnh trớ trêu của thiên đường không tưởng về đa chủng tộc và đa văn hóa.

Và một đặc điểm cuối cùng: cả mấy cuốn tiểu thuyết này đều xuất chúng về mặt văn chương ở đoạn đầu, rồi nhanh chóng đuối hẳn đi ở những đoạn sau, chúng “kỳ lạ”, nhưng “ngắn ngủi”.

Nhị Linh

----------------

Bản dịch tiếng Việt Oscar Wao rất nhiều chỗ cần chỉnh sửa mạnh tay về câu cú, cách dùng từ. Nó cũng có lỗi “độc giả văn học”: ở một chỗ nào đấy trong 200 trang đầu, Junot Diáz nhắc tới một cuốn sách (dòng văn học thiếu nhi, dòng sách mà nhân vật chính say mê), tên là Watership Down, tức là đây. Bản dịch mở ngoặc ngay sau cái nhan đề, viết “Đắm tàu”. Hic hic, tàu nào? Bản dịch tiếng Việt của Watership Downđây. Tôi có tham gia việc đặt tên cho bản dịch này. Tôi cũng thấy các bác ít chịu quan tâm đến văn học thiếu nhi, coi nó là vớ vẩn. Walter Benjamin từng là một chuyên gia cực oách về văn học cho trẻ con đấy :d

33 comments:

  1. Tôi cũng thấy các bác ít chịu quan tâm đến văn học thiếu nhi, coi nó là vớ vẩn
    ===>

    Báo chí dành cho thiếu nhi ở VN bây giờ xuống cấp đến mức tệ hại , HHT và TNTP trở thành những tờ báo lá cải hạng bét . HHT từ 1 tạp chí văn thơ lãng mạn , trong trẻo, 1 diễn đàn tập trung các trí thức trẻ 7X, 8x ở thời kỳ hoàng kim của nó ( hội bút Hương Đầu Mùa) giờ biến thể thành 1 tạp chí y khoa chuyên về sức khỏe sinh sản thì đúng hơn . Lại nhớ về 1 thời sôi nổi phong trào thành lập các hội bút trên TNTP, HHT đầu những năm 90 của thế kỷ trước ( Hoa Cát , Ngàn Nưa,Hương Lúa, Hương Đầu Mùa, ...) . Hồi đấy bác Nhị có tham gia hội bút nào ko ? :))

    ReplyDelete
  2. Sau khi lấy hết can đảm kêu một tiếng be bé về bản dịch Oscar Wao thì đến tận hôm nay anh Dũng cũng bắt đầu lên tiếng :)
    Nhiều chỗ nó trục trặc đến mức mà em còn phải ngừng đọc quay ra nhìn bìa để tìm lại cảm giác an tâm khi cầm cuốn sách.
    EMi.

    ReplyDelete
  3. với những bản dịch dở, có lẽ ta nên đọc nguyên bản đi thôi! Em đọc cái review cứ hình dung ra tranh của Lucian Freud :P(Z)

    ReplyDelete
  4. review ở đây hoàn toàn không liên quan chất lượng bản dịch, mà chất lượng bản thân văn chương của mấy quyển ấy

    ReplyDelete
  5. Hỏi Anh Nhị Linh 1 câu:
    Anh Nhị Linh có biết là cuốn Sử ký Herodotus đã được dịch ra tiếng Việt chưa ạ ?

    Merci beaucoup,

    ReplyDelete
  6. hôm trước cũng có người gọi điện hỏi đúng câu này, các bác có âm mưu gì hả :d

    theo tôi biết thì là chưa bao giờ dịch

    ReplyDelete
  7. Nhị Linh tổ chức dịch Herodotus như ngày trước dịch Plutarch đi, hehe.
    Hôm nào cafe, tớ tặng 1 cuốn nữa cũng về cộng hòa Dominique dưới thời con dê Trujilo :P

    ReplyDelete
  8. chắc các bác ấy thấy nhiều người tưởng nhầm với cuốn Du hành cùng Herodotus nên hỏi cho chắc ăn :P (Z)

    ReplyDelete
  9. Nguyễn thị Hải HàJun 22, 2010, 5:08:00 PM

    Cám ơn Nhị Linh đã “bêu xấu” tôi đấy nhé, nhưng cũng cám ơn là nhà phê bình đã chịu khó đọc vài trang (hay vài chương). Được nhắc đến dù là bị chê cũng là một vinh hạnh biết rằng quyển sách được một phê bình gia nổi tiếng đọc. Thật tình là tôi không biết quyển sách văn học thiếu nhi Watership Down, văn học ngoại quốc đồ sộ và số sách tôi đọc cũng chỉ có giới hạn mà thôi. Cái đoạn Diaz trích nói về những con thỏ đang sắp bị đắm tàu, phải không? Dịch tên tác phẩm bao giờ cũng là một chuyện làm liều lĩnh tai hại mà người dịch nào cũng một đôi lần bị vấp ngã. Diaz viện dẫn rất nhiều sách có khuynh hướng hậu hiện đại những chi nhánh văn học không nằm trong văn chương truyền thống. Nhị Linh không thấy điểm nào hay sao? Tôi nghĩ Nhị Linh khó tính đấy hay là tôi quen với lối đọc trúc trắc như thế bởi vì tôi thấy bản dịch rất suông. Diaz viết trúc trắc như vậy, văn nói của ông là văn nói của một cộng đồng ngoại quốc nằm trong quốc gia Mỹ có hơi khác biệt với cách nói của bình thường. Có lẽ tuy cố gắng chuyển đạt văn phong của tác giả tôi đã không thành công. Tôi không đồng ý với Nhị Linh ở chỗ quyển sách chỉ hay được phần đầu và ngắn hơi ở đoạn cuối. Hay dở là tùy theo cái taste của mỗi người. Nếu Nhị Linh đọc lại thong thả hơn một chút, và đừng đọc với phương pháp soi mói sẽ thấy quyển sách gói ghém rất nhiều. Đây là quyển sách không đơn giản và có lẽ người đọc cần có chút ít tiếp cận với xã hội Hoa Kỳ thì sẽ thấy nó hay hơn.

    ReplyDelete
  10. lại rơi vào đúng chỗ ngõ cụt rồi: người dịch nghĩ là cuốn sách có nhiều hơn "thế", còn người viết bài cũng nghĩ là bài viết có nhiều hơn "thế"

    nhưng ngay từ đầu bác đã phạm lỗi coi thường người khác rồi, chỗ "chịu khó đọc vài trang (hay vài chương)" ấy; cái này hình như cũng là một fallacy phổ biến thì phải

    tôi không chê, tôi không khen, tôi phân tích, và bài viết của tôi không có một dòng nào đề cập bản dịch hết, tôi nhìn vào cách viết của Diáz và tôi so sánh với một số tiểu thuyết khác mà tôi nghĩ là gần với nó

    tôi không hề nói bản dịch "trúc trắc", tôi thấy nó có nhiều chỗ cần phải sửa, hai điều này hoàn toàn khác nhau; trúc trắc không phải là một tính từ chỉ phẩm chất, mà chỉ là tính từ dùng cho miêu tả

    ReplyDelete
  11. cái lập luận "người đọc cần có chút ít tiếp cận với xã hội Hoa Kỳ thì sẽ thấy nó hay hơn", xin lỗi, tôi thấy cheap lắm

    ReplyDelete
  12. Cuối tuần nhé, chứ đợt này trong tuần tớ đang bận lắm :(.

    ReplyDelete
  13. okie, để lấy ba quyển sách một lúc thì lúc nào cũng được :d

    ReplyDelete
  14. Ơ sao lại 3 quyển, hehe. Ý thức mới đã bảo chưa đọc xong mà. Oracle Night thì tới giờ chưa tìm ra :D.

    ReplyDelete
  15. À, cái quyển cộng hòa Dominic ấy nằm trong số 2 quyển đã đồng ý tặng, hehe.

    ReplyDelete
  16. Mình thấy cuốn này biên tập chưa tốt, chứ bản dịch đọc khá tốt.
    Có một lỗi chú thích khá nặng ở phần "Chú thích đặc biệt": El Jefe, tức là nickname của Trulillo, nhà độc tài kinh hoàng của Dominic, nhưng chú thích bên dưới là: "Tiếng lóng chỉ Fidel Castro". (trang 370).

    ReplyDelete
  17. Trujillo chứ. Trước đó 3 trang, đã có phần chú thích rất kỹ về nhân vật này.

    ReplyDelete
  18. gửi lại mail cho em nhé, sáng vội đi thi vào check định xóa cái của Barnes&Noble mà xóa nhầm :( (Z)

    ReplyDelete
  19. @hollyaput: sao có thể nghiêm trọng thế nhỉ? :( (Z)

    ReplyDelete
  20. Z: Ý bạn là cả hai đều độc tài? Cho dù thế thì đây cũng là một lỗi khó chấp nhận, sao lại không nghiêm trọng?

    ReplyDelete
  21. hihi, hiểu nhầm rồi. Ý là lỗi biên tập đó sai nghiêm trọng quá! :D Chứ cho đến giờ đối với đa số người VN có lẽ ko ai hiểu FC là độc tài cả :P (Z)

    ReplyDelete
  22. ơ anh cứ tưởng FC là Football Club hoặc KFC viết thiếu :d

    bác Lâm Lê và em Z ôm nhau hôn chùn chụt hòa giải đi, lớn rồi ai lại thế :p

    ReplyDelete
  23. Mình thì nghĩ rất nhiều người VN nghĩ Fidel là độc tài nhưng nghĩ ông ta là độc tài tốt.
    Trujillo tuy giết nhiều người (nổi tiếng nhất là vụ tàn sán mấy vạn người Haiti) nhưng cũng không ít người coi ông ta là độc tài tốt. Dưới thời ông ta kinh tế Công hòa Dominic phát triển tốt, chênh lệch xã hội thấp, phúc lợi được san sẻ cho giới trung lưu, dân nghèo cũng được hưởng lợi nhiều.

    ReplyDelete
  24. nhưng người VN mình ko có khái niệm độc tài tốt, độc tài là xấu rồi! (Z)

    ReplyDelete
  25. À là từ ngữ thôi. Ví dụ Stalin, Mao thì nhiều người Việt sẽ không gọi là nhà độc tài mà thiên tài, lãnh tụ kiệt xuất, người cầm lái vĩ đại...
    Chữ độc tài thì ở Tây cũng chẳng có khái niệm độc tài (dictator) tốt vì chữ này đã có hàm ý xấu rồi. Những người ủng hộ cho Franco, Pinochet, Trujillo, Fidel Castro, Stalin... ở các nước mà các vị này cầm quyền cũng chẳng ai gọi họ là độc tài cả dù tất cả đều biết rằng họ là độc tài.

    ReplyDelete
  26. Không liên quan đến quyển này. Nếu anh Linh hứa tặng bạn Nhị Linh quyển Oracle Night mà không tìm ra, thì có thể bởi quyển ý anh Linh đã tặng em rồi, he he :-D

    ReplyDelete
  27. "Còn đang được..." chứ ạ? :"p hic

    ReplyDelete
  28. Giờ mới đọc cuốn này, review hay quá !!!

    ReplyDelete
  29. Nhị Linh có ác cảm với người béo à?

    ReplyDelete
  30. không hề, thậm chí béo còn là lý tưởng của cuộc đời tôi

    ReplyDelete