Aug 9, 2010

Project Balzac (2)

bắt đầu thôi :d


Người đàn bà tuổi ba mươi

Tặng Louis Boulanger, họa sĩ.

I

Những lỗi lầm đầu tiên

Đầu tháng Tư năm 1813, có một buổi sáng Chủ nhật hứa hẹn một ngày đẹp trời người Paris sẽ được thấy đường phố không bùn và bầu trời không mây lần đầu tiên trong năm. Trước buổi trưa, một cỗ xe ngựa nhẹ [cabriolet à pompe, có lẽ ý muốn nói hai bánh xe là bánh bơm hơi, anw không chắc lắm :d] do hai con ngựa hùng dũng kéo từ phố Castiglione đi vào phố Rivoli rồi dừng lại đằng sau đủ thứ dụng cụ chất đống cạnh hàng rào lưới mới mở giữa sân trường dòng Les Feuillants [có lẽ liên quan đến cái này]. Người điều khiển cỗ khinh xa là một người đàn ông dáng vẻ lo âu và ốm yếu; những sợi tóc muối tiêu chỉ phủ được một phần lên trên cái sọ màu vàng khiến ông trông già trước tuổi; ông ném sợi dây cương cho tên hầu trông ngựa chạy theo cỗ xe, rồi bước xuống vòng tay đỡ một cô bé có vẻ xinh đẹp cuốn hút sự chú ý của những người nhàn rỗi đang đi vơ vẩn trên sân. Con người bé nhỏ ấy, đứng trên bậc lên xuống của cỗ xe, thoải mái buông người và quàng tay quanh cổ người đã đỡ mình, ông đặt cô đứng xuống vỉa hè, cẩn thận tránh làm nhăn cái váy vải crếp màu xanh lá cây. Một người tình cũng không âu yếm được đến như vậy. Chắc hẳn người đàn ông lạ mặt là bố đứa trẻ ấy, cái con bé không nói cảm ơn ông, nũng nịu bám lấy cánh tay ông rồi kéo mạnh ông về phía khu vườn [ở đây cần hiểu là vườn Tuileries, chạy dọc phố Rivoli, hồi này lâu đài trong vườn còn chưa bị cháy]. Ông bố già nhận ra những cái nhìn chiêm ngưỡng của vài thanh niên, nỗi buồn hằn sâu trên mặt ông liền được xóa nhòa trong giây lát. Dù cho từ lâu đã đến cái tuổi đàn ông đành lòng sung sướng với những thú vui lừa dối do phù hoa mang lại, ông vẫn khởi sự mỉm cười.

- Chúng tưởng con là vợ của bố đấy, ông thì thầm vào tai con người bé nhỏ kia, rồi đứng thẳng người lên mà bước đi thật chậm rãi khiến cô bé phát tuyệt vọng.

Có vẻ như ông rất yêu chiều cô con gái, chừng như ông còn thích thú hơn cả cô bé với những cái liếc mắt của mấy kẻ tò mò ném vào đôi bàn chân bé nhỏ đi đôi giày xăng đá màu mận chín, vào thân hình được một chiếc váy cổ cao xếp đăng ten [từ cực hiểm: robe à guimpe] khuôn dáng thật đẹp, và vào cái cổ tươi tắn chưa bị cổ áo thêu che khuất hết. Trong lúc bước chân đi đôi khi cái váy của cô bé nâng lên, làm lộ ra, phía trên đôi giày xăng đá, sự tròn trịa của một bắp chân bó vừa khít trong một cái tất lụa thêu trổ [ôi xời ơi fashion, chết mất :p “un bas de soie à jours”]. Thế nên, có hơn một kẻ đi dạo vượt lên trên họ để ngoái nhìn ngưỡng mộ hoặc nhìn kỹ hơn khuôn mặt tươi trẻ bao quanh là vài lọn tóc nâu hờ hững, rồi thì làn da trắng xen hồng được tôn lên cả vì ánh phản chiếu của vải xa tanh hồng lót bên trong cái áo choàng có mũ duyên dáng cũng như vì ham muốn và nỗi nóng lòng đang nhảy nhót trong mọi đường nét của con người xinh đẹp này. Một nét ranh mãnh dịu dàng làm sống động đôi mắt đen tuyệt đẹp hình quả hạnh của cô, với hai hàng lông mày thật cong, những sợi lông mi dài, và đôi mắt ấy bơi trong một chất lỏng thuần khiết [khó hiểu nhỉ, bơi thế nào?]. Sự sống và tuổi trẻ trưng bày các vưu vật của mình trên khuôn mặt láu lỉnh đó, trên cả một thân hình yêu kiều dù cho có thắt một sợi dây lưng ngay dưới ngực. Không buồn quan tâm tới những cái nhìn ham muốn, cô gái trẻ vẻ như lo lắng nhìn về phía lâu đài Tuileries, hẳn chính là cái đích cho cuộc đi bộ phấp phỏng của cô. Khi ấy còn mười lăm phút nữa thì đến giữa trưa. Dù cho giờ này vẫn còn sớm lắm, đã có nhiều phụ nữ, tất thảy đều mong muốn hiện ra thật lộng lẫy, từ lâu đài trở ra, đầu ngoái lại phía sau vẻ hờn dỗi, như thể đang tự trách cứ vì đã đến quá muộn không kịp thưởng thức một cảnh tượng mà họ rất muốn xem. Vài lời khó chịu của những người đàn bà đẹp đang cơn tức tối lọt vào tai cô bé xinh đẹp xa lạ, làm cô thấy vô cùng lo âu. Ông già liếc cái nhìn tò mò hơn là chế giễu sang để rình các dấu hiệu nóng ruột và e sợ hiện lên trên khuôn mặt khả ái của người đồng hành, và có lẽ là quan sát cô quá âu yếm, đến mức không thể không có một hậu ý nào đó từ tư cách làm bố.

Đó là ngày Chủ nhật thứ mười ba của năm 1813. Hai ngày nữa, Napoléon sẽ khởi hành dấn thân vào chiến dịch định mệnh ấy, để rồi lần lượt mất đi Bessières và Duroc, chiến thắng trong những trận đánh đáng nhớ Lutzen và Bautzen, bị phản bội bởi nước Áo, xứ Saxe, xứ Bavière, Bernadotte [ở đây là vị thống chế đặc biệt của Napoléon, thời điểm này đã lên ngôi vua Thụy Điển; Bessières và Duroc ở trên cũng là các thống chế; cách liệt kê không thuần nhất này có tên gọi trong tu từ học, nhưng tôi không nhớ :d] và tiến hành trận Leipzig khủng khiếp. Cuộc diễu binh hùng tráng do hoàng đế lĩnh xướng sẽ là cuộc cuối cùng trong số những cuộc diễu binh từ lâu đã trở thành đối tượng cho sự ngưỡng mộ của người Paris cũng như người nước ngoài. Đội binh già nua sẽ thực hiện lần cuối những thao tác phức tạp mà máy bơm và sự chính xác làm đến cả vị khổng lồ đó cũng phải kinh ngạc, vị khổng lồ sắp sửa đấu tay đôi với châu Âu. Một cảm giác buồn bã đưa một đám đông dân chúng rực rỡ và tò mò đến điện Tuileries. Như thể ai ai cũng đoán định được tương lai, có lẽ là dự cảm được trước rằng sẽ hơn một lần trí tưởng tượng sẽ phải vẽ lại bức tranh khung cảnh ấy, khi mà thời đại anh hùng của nước Pháp rồi sẽ, giống như ngày nay, mang những sắc màu gần như là hoang đường.

- Ta đi nhanh lên nào, bố ơi, cô bé gái nói vẻ tinh quái, kéo tay ông già. Con nghe thấy tiếng trống rồi.

- Các đội quân đang tiến vào điện Tuileries đấy, ông đáp.

- Hoặc là họ đi mất rồi, mọi người đang trở lại rồi kia kìa! cô nói, giọng đượm vẻ cay đắng trẻ con làm ông già mỉm cười.

- Mười hai rưỡi mới bắt đầu diễu binh cơ, người bố nói, giờ đây đã gần như bước đi đằng sau cô con gái hoạt bát.

Nhìn cử động cánh tay phải của cô, người ta sẽ nghĩ cô đang dùng nó làm dụng cụ giúp cô chạy. Bàn tay nhỏ xíu của cô, kín mít trong chiếc găng, bồn chồn vo tròn một cái khăn mùi soa, trông thật giống mái chèo một con thuyền đang rẽ sóng. Ông già chốc chốc lại mỉm cười; nhưng đôi khi những nét lo lắng cũng làm khuôn mặt khô héo của ông thoáng chút u ám. Tình yêu dành cho cái tạo vật đẹp đẽ này khiến lòng ngưỡng mộ hiện tại của ông cũng lớn ngang bằng nỗi e sợ tương lai. Như thể ông đang tự nhủ: Hôm nay nó hạnh phúc, liệu mai có còn được vậy không? Bởi lẽ các ông già rất thường có xu hướng chất lên tương lai những người trẻ tuổi các buồn rầu của họ. Khi hai bố con đi tới bên dưới hàng cột tòa nhà trên nóc tung bay lá cờ tam tài [chi tiết quan trọng], cũng là nơi thường ngày người ta đi lại từ vườn Tuileries sang bên Carroussel, thì lính gác hét lên, giọng nghiêm trọng: - Không được đi qua nữa!

12 comments:

  1. "Cỗ khinh xa"... ;))

    ReplyDelete
  2. Cảm ơn NL!

    Mình có ý nhỏ thế này. Mình thấy dùng từ "cỗ khinh xa" vừa khó hiểu vừa không cần thiết. Lúc đầu NL đã dịch là "cỗ xe ngựa nhẹ" thì lần sau, mình nghĩ, chỉ cần dùng từ "cỗ xe" hoặc "chiếc xe" là đủ rồi.

    ReplyDelete
  3. bác thấy khó hiểu nhưng vẫn hiểu đúng không :d

    mà sao bác có thể nói là "không cần thiết"? :)

    Balzac viết ở trên: "un cabriolet", còn ở dưới, tức chỗ tôi để "cỗ khinh xa" thì viết "Cette leste voiture"; vấn đề nảy sinh: từ "leste" (ở đây có nghĩa là "léger", tức "nhẹ") ngày nay rất ít người dùng, nhưng trong văn chương thế kỷ XIX thì lại có tần suất xuất hiện rất lớn, tức là một từ đã rơi vào hoàn cảnh "archaique" (bị cổ đi, bị lãng quên)

    để không làm thất thoát quá nhiều sắc thái, tôi đã thực hiện một "compensation" (bù trừ) thông qua một cụm từ sắc thái Hán

    từ giờ đến cuối sách sẽ còn rất nhiều compensation nữa :p

    ReplyDelete
  4. tức đây là một cố ý "giả cổ"

    bác nào hay đọc Jules Verne trong tiếng Pháp thì sẽ nhớ từ "leste" này

    ReplyDelete
  5. "Tình yêu cô dành cho cái tạo vật đẹp đẽ này khiến lòng ngưỡng mộ hiện tại của ông cũng lớn ngang bằng nỗi e sợ tương lai."?

    Ý Nhị Linh nói:

    "Tình yêu dành cho cô, cái tạo vật đẹp đẽ này, khiến lòng ngưỡng mộ hiện tại cuả ông cũng lớn ngang bằng nỗi e sơ tương lai"???

    Bởi nếu là "tình yêu cuả cô dành cho cái tạo vật đẹp đẽ..." thì đó là cái gì ạ?

    ReplyDelete
  6. làm gì mà nhiều dấu chấm hỏi thế :dd

    thừa từ "cô" do soát không kỹ, sửa rồi, cám ơn

    ReplyDelete
  7. Hehe tháng 8 mùa thu đây mà :))

    gt

    ReplyDelete
  8. a' jours o day ko phai la up-to-date dau a. No la kieu hoa tiettrang tri cco do mo( khoang, lo). Lua a jours( sorry i'm on iWTFever keyboard chan qua huhu) em xem anh trong Vogue thi no nhu la dang-ten ay a. Thu tra openwork silk tieng TQ roi phien am vay.

    project quahay ! vivement la suite!

    ReplyDelete
  9. cám ơn nhé, mấy cái đấy khó thế, tra kiểu gì cũng không ra :) anh nghĩ thêm từ sau rồi sẽ sửa

    đoạn sau sắp có, nhưng mà khó quá, kinh thật văn cổ điển kinh thật

    ReplyDelete
  10. Jour: Ouverture ménagée dans certains tissus (ex: des tissus à jours) Jours và dentelles thì cũng hay đi với nhau, cũng là broderie. À Jours gọi đích danh là kiểu trổ vải (thêu trổ) :D Không phải kinh điển kinh mà là nữ công không phải nam công, kinh là đúng rồi ạ. :))

    ReplyDelete
  11. cám ơn các bạn gái nhé :)

    từ điển của mình còn không có nổi cái nghĩa này, chắc nó xếp vào jargon hic, sửa luôn

    ReplyDelete
  12. truyện hay quá. em thích cách dịch từ "khinh xa", "vưu vật" :)

    ReplyDelete