+ Huyền thoại về Các huyền thoại: bản thân quyển Các huyền thoại, một cách nghịch lý, đã trở thành một huyền thoại, trong khi ý tưởng chính của nó là phá tan các huyền thoại của văn hóa đại chúng (culture de masse).
Bác PA25 vừa nhanh chóng tung một cái note cho biết người ta vừa in một quyển sách-album theo đúng version 1957 của Mythologies nhưng đặc biệt có nhiều minh họa đẹp. Bởi đã đi vào huyền thoại nên quyển sách của Roland Barthes cần được đối xử như một huyền thoại.
Nhắc nhanh cho các bác nhớ: Các huyền thoại tập hợp chừng hơn 50 bài viết của Barthes thời còn trẻ (thật ra cũng không trẻ lắm, ngoài bốn nải rồi hehe, nhưng mà thuộc loại đầu tay) viết rải rác trên một số báo, tạp chí. Barthes muốn thực hiện một phê phán ý hệ đối với văn hóa đại chúng, đồng thời thực hiện một phân tích theo kiểu ký hiệu học. Xà phòng giặt và mặt Greta Garbo, strip-tease và trận lụt lịch sử ở Paris, mỗi đề tài vài ba trang, kiệt tác của fragment và các hình thức viết ngắn. Đến giờ chủ yếu người ta xem cách Barthes tiến hành công việc "giải thiêng" này giống cách của một nhà văn hơn là một triết gia hay gì đó nữa.
Cách đây ba năm, nhân dịp cuốn sách ra đời tròn 50 năm, tờ Le Nouvel Observateur đã mời nhiều nhà văn viết mỗi người một đoạn về những thứ nổi bật trong văn hóa đại chúng của thời bây giờ; trong số đó có một người viết về (ối ngại nói quá :d) vú của Emmanuelle Béart. Trong cái note của mình, PA25 cũng mơ màng nghĩ giá như còn sống hẳn Barthes sẽ viết về xe 4x4, iPad, khăn quàng cổ, mạng che mặt etc.
PA25 cũng cho biết rất rõ: quyển sách do nhà Seuil xuất bản, 247 trang, giá 39 euro. Một món quà tuyệt vời nếu bạn muốn tặng ai đó. Mà ứng cử viên xếp đầu danh sách nhận quyển này dĩ nhiên là tôi rồi :dddd
+ Những ai không khoái Naipaul thì đọc bài của William Boyd (tiểu thuyết gia mà nói về tiểu thuyết gia thì ịch lắm) trên TLS.
+ Vẫn chưa hết link nhá: chuẩn bị cho sự xuất hiện tuyệt đẹp của Saul Bellow ở Việt Nam bằng cách đọc thư của Ngài :p
BONUS: lục lại từ blog cũ mấy cái trong Mythologies:
Phê bình câm và mù
Các nhà phê bình (văn học hoặc sân khấu) thường xuyên sử dụng hai lập luận khá đặc thù. Lập luận thứ nhất là đột ngột tuyên bố đối tượng của phê bình là rất khó nói thành lời [ineffable] và do đó phê bình trở nên không cần thiết. Lập luận còn lại, lâu lâu lại xuất hiện một lần, là tự nhận mình quá ngốc nghếch, quá thô lậu [béotien] nên không hiểu nổi một tác phẩm được cho là mang tính triết học: một tác phẩm của Henri Lefebvre về Kierkegaard đã làm cho các nhà phê bình giỏi nhất của chúng ta (và tôi không nói về những người luôn công khai trưng bày sự ngu ngốc của mình) một nỗi sợ hãi vờ vịt về sự đần độn (mà mục đích hiển nhiên là để hạ giá trị của Lefebvre bằng cách tống ông vào phạm trù nực cười của cái lý trí thuần túy).
Vậy thì tại sao cứ một thời gian là phê bình lại tuyên bố là mình bất lực và mình ngu dốt? Chắc chắn là không phải vì khiêm tốn: không có gì dễ dàng hơn khi ai đó thú nhận là mình không hiểu gì về chủ nghĩa hiện sinh, không có gì mỉa mai và do đó tự tin hơn khi một người khác tiu nghỉu nói rằng mình không có cái may mắn được hướng dẫn để hiểu triết học của cái Khác thường; và không có gì mang tính quân đội hơn khi một người thứ ba kêu ca về tính khó nói thành lời của thơ ca.
Quả thực tất cả những cái đó cho thấy người ta phải tự tin vào một trí tuệ đủ chắc chắn để lời thú nhận về một sự không hiểu đặt ra vấn đề về tính sáng sủa của tác giả, chứ không phải tính sáng sủa của đầu óc chính họ: người ta giả đò bắt chước sự khờ khạo, để có thể thành công hơn trong việc làm cho công chúng hét lên, và qua đó mà kéo họ từ một sự đồng lõa liên quan đến bất lực sang một sự đồng lõa về trí tuệ, theo cách có lợi cho mình. Đây là một chiến thuật rất nổi tiếng của các phòng khách nhà Verdurin [Proust]: “Tôi đây, người làm cái nghề phải thông tuệ, thế mà tôi chả hiểu cái gì cả: thế nhưng các ông cũng không hiểu gì cả; như vậy, các ông cũng thông tuệ ngang bằng tôi.”
Bộ mặt thật của những lời tuyên bố về sự dốt nát xuất hiện theo mùa này chính là cái huyền thoại ngu hóa [obscurantiste] cũ xì theo đó tư tưởng là có hại nếu nó không được kiểm soát bởi “sự chất phác” và “tình cảm”: Hiểu biết, đó chính là cái Ác, cả hai đều mọc trên cùng một cái cây: văn hóa được cho phép tồn tại với điều kiện đến kỳ lại phải tuyên bố về sự phù phiếm trong các cứu cánh và những giới hạn trong sức mạnh của mình (ở chủ đề này xem thêm các ý kiến của ông Graham Greene về các nhà tâm lý học và các nhà tâm thần học); văn hóa lý tưởng chỉ có thể là một sự trình hiện mềm mại mang tính tu từ, nghệ thuật ngôn từ nhằm nhận chứng cho một sự oặt oẹo thoáng qua của tâm hồn. Cái cặp đôi mang tính lãng mạn của trái tim và khối óc này tuy vậy chỉ có thực trong một dạng hình ảnh có nguồn gốc hơi chút ngộ đạo, trong các thứ triết lý đẫm thuốc phiện khi nào cuối cùng cũng trở thành chỗ dựa cho các chế độ mạnh mẽ, nơi người ta loại trừ các trí thức bằng cách sai họ đi lo những công việc liên quan chút chút đến cảm xúc và cái khó nói thành lời. Quả thực, toàn bộ sự nghi kỵ dành cho văn hóa đều là một vị thế khủng bố. Làm nghề phê bình và tuyên bố là mình không hiểu gì về chủ nghĩa hiện sinh hay chủ nghĩa Marx (bởi rất rõ ràng đây là hai triết lý mà người ta thường hay thú nhận là không hiểu nhất), đó chính là bày tỏ sự mù hoặc sự câm theo đúng quy tắc phổ quát của tri giác, nghĩa là ném khỏi thế giới chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa hiện sinh: “Tôi không hiểu, do đó các người ngu ngốc.”
Nhưng nếu thực sự người ta ngần ngại hay khinh bỉ đến vậy các nền tảng triết học trong một tác phẩm, và nếu người ta mạnh miệng như vậy để đòi cho mình quyền được không hiểu và không nói về chúng, thì viết phê bình để làm gì? Hiểu, soi sáng dẫu sao vẫn là nghề của các ông cơ mà. Dĩ nhiên là các ông có thể đánh giá triết học nhân danh sự chất phác; cái phiền là nếu “sự chất phác” và “tình cảm” không hiểu gì được triết học, thì triết học lại hiểu chúng rất rõ. Các ông không giải thích được các triết gia, nhưng họ lại giải thích được các ông. Các ông không muốn hiểu tác phẩm của nhà mác xít Lefebvre, nhưng hãy chắc chắn là nhà mác xít Lefebvre hoàn toàn hiểu sự không hiểu của các ông, và nhất là (bởi vì tôi tin các ông xảo quyệt hơn là kém cỏi) lời thú nhận “vô hại” đến tuyệt diệu mà các ông tung ra.
Bài về chiếc xe DS (đọc nghe như Déesse tức nữ thần)
Tôi cho rằng ngày nay chiếc xe ô tô là tương đương khá chính xác với những toà nhà thờ gô-tích to lớn: tôi muốn nói một sáng tạo lớn của thời đại, được các nghệ sĩ vô danh say mê nghiền ngẫm, được cả một dân tộc xài bằng mắt, nếu không phải là sử dụng, xem đó như một đồ vật hoàn toàn kỳ ảo của mình.
Chiếc Citroën mới rõ ràng từ trên trời rơi xuống vì thoạt đầu nó ra mắt như một đồ vật cực điểm. Không nên quên rằng đồ vật ấy là sứ giả tối ưu của siêu tự nhiên: trong đồ vật dễ dàng nhận thấy đồng thời tính chất hoàn hảo và không rõ nguồn gốc, cái trọn vẹn và rực rỡ, sự biến đổi cuộc sống thành vật chất (vật chất thì kỳ ảo hơn cuộc sống rất nhiều), và tóm lại là sự im lặng thuộc về lĩnh vực của huyền diệu. Chiếc “Déesse” có tất cả những tính chất (ít ra là công chúng đã bắt đầu nhất trí gán cho Nàng những tính chất ấy) của một trong các đồ vật đến từ thế giới khác, chúng đã nuôi dưỡng tật sính cái mới của thế kỷ XVIII và của khoa học viễn tưởng thời nay: Nữ thần trước hết là một con tàu Nautilus mới.
Chính vì vậy người ta quan tâm đến các khớp nối hơn chất liệu của chiếc Déesse. Người ta biết rằng nhẵn thín bao giờ cũng là biểu hiện của hoàn hảo bởi vì không nhẵn thín chứng tỏ chỉ là do con người thao tác kỹ thuật lắp ráp: bộ áo của chúa Ki-tô không có đường khâu, cũng như các thiết bị bay của khoa học viễn tưởng làm bằng kim loại nguyên khối. Chiếc DS 19 không có tham vọng là nguyên khối mặc dầu hình dáng tổng quát của nó được phủ rất kín; tuy nhiên những chỗ khớp nối của các bộ phận được công chúng quan tâm hơn cả; người ta sờ mãi không thôi vào những chỗ gắn kính, người ta lướt bàn tay lên những rãnh rộng bằng cao su nối cửa hậu của xe với các vùng tiếp giáp bằng kền. Trong chiếc DS bắt đầu có hiện tượng lắp ráp mới, dường như người ta chuyển từ thế giới của những bộ phận hàn gắn với nhau sang một thế giới của những bộ phận đặt kề bên nhau và gắn kết với nhau chỉ nhờ hình dạng huyền diệu của chúng, điều đó, tất nhiên, khiến ta nghĩ là dễ dàng hơn.
Còn về bản thân chất liệu, chắc chắn là nó đáp ứng thị hiếu về cái nhẹ nhàng, theo nghĩa huyền ảo. Vẫn ít nhiều quay về khí động lực, tuy nhiên mới ở chỗ đỡ cục mịch hơn, ít góc cạnh hơn, phẳng phiu hơn là khí động lực ở những giai đoạn đầu của thời thượng này. Tốc độ ở đây được biểu hiện bằng những ký hiệu ít chướng hơn, ít gân guốc hơn, như thể nó chuyển từ dạng anh hùng ca sang dạng cổ điển. Tính chất tinh thần hoá ấy thấy rõ ở tầm quan trọng, sự chăm chút và chất liệu của những bề mặt lắp kính. Trong chiếc Déesse rõ ràng là kính được tán dương, và chất liệu tôn chỉ là nền. Tại đây, các ô kính không phải là những cửa sổ, những ô trổ ra từ vỏ xe mờ đục, mà là những mảng lớn không khí và rỗng không, khum khum phẳng phiu và sáng loáng như các bong bóng xà phòng, chất liệu mỏng mà chắc như của côn trùng hơn là của khoáng sản (vả chăng biểu trưng Citroën, biểu trưng có hình mũi tên, đã trở thành biểu trưng có cánh, như thể ngày nay người ta chuyển từ phạm trù đẩy sang phạm trù chuyển động, từ phạm trù động lực sang phạm trù cơ cấu).
Vậy đây là một nghệ thuật được nhân tính hoá, và có thể là chiếc Déesse đánh dấu sự thay đổi trong huyền thoại ô tô. Từ trước đến nay, chiếc xe tuyệt vời đúng ra là liên quan đến sức mạnh thú vật; bây giờ nó đồng thời vừa trí tuệ hơn vừa vật dụng hơn, và tuy có một số nét chiều theo ý muốn sính cái mới (như chiếc vô lăng rỗng), chiếc xe này có tính nội trợ hơn, phù hợp hơn với sự thăng hoa dụng cụ nội trợ bắt gặp trong các nghệ thuật nội trợ hiện đại của chúng ta: bảng điều khiển giống cách bố trí của một nhà bếp hiện đại hơn là trung tâm điều độ ở nhà máy: những cánh trập mỏng bằng tôn mờ, lượn sóng, những cần gạt nhỏ đầu tròn màu trắng, những đồng hồ tín hiệu rất giản dị, thậm chí cách mạ kền cũng kín đáo, tất cả biểu đạt loại kiểm soát hướng đến sự vận hành từ nay được quan niệm trước hết là phải tiện nghi. Rõ ràng người ta chuyển từ chỗ mải miết quan tâm về tốc độ sang để tâm để óc vào lái xe.
Dường như công chúng đã đoán biết hết những điều mới lạ người ta giới thiệu: thoạt đầu cảm nhận ngay với cái mới (cả một chiến dịch truyền thông đã báo trước cho công chúng nhiều năm nay), họ nhanh chóng cố gắng quay về với cách xử lý thích nghi và tiện dụng (“Phải tập làm quen”). Trong các gian trưng bày, chiếc xe triển lãm được tham quan hết sức chăm chú, say mê: đó là giai đoạn khám phá lớn bằng xúc giác, thời điểm thị giác kỳ diệu sắp bị xúc giác mang tính lập luận tấn công (bởi vì xúc giác là giác quan khiến ta đỡ lầm lẫn nhất, ngược với thị giác là giác quan huyền ảo hơn cả): người ta sờ vào các lá tôn, các khớp nối, người ta mân mê các đệm lưng, người ta ngồi thử lên ghế, người ta vuốt ve các cánh cửa, người ta sờ soạng các gối dựa; trước vô lăng, người ta làm bộ lái xe bằng toàn bộ cơ thể. Đối tượng ở đây đã hoàn toàn bị chiếm đoạt, bị chiếm hữu; ra đi từ vùng trời Metropolis, chiếc Déesse trong một khắc đồng hồ trở thành bồi thần, nhờ bùa phép ấy thực hiện chính cái hành động khuyến mãi tiểu tư sản.
-------------
Còn đây là cái tôi viết lấy cảm hứng từ Roland Barthes (tất nhiên chẳng đăng báo nào cả):
Mốt năm nay là cừu
Trình diễn thời trang không phô bày, mà trộn lẫn; nó bị buộc phải ở vào trong một số mâu thuẫn rất khó giải quyết ở mức độ bản chất: làm thế nào để kết hợp được tính chất thiết yếu và thực tiễn của vải vóc trong lịch sử cuộc sống con người (tính chất thiết yếu của chất liệu và thực tiễn về sử dụng) với tính chất phù phiếm (mẫu mốt, haute couture, fashion, catwalk) thực chất đạt đến giới hạn trên cùng của tất cả những sự phù phiếm có thể liệt kê ra được (điều tương tự sẽ xảy ra với đồ ăn trong trường hợp các món ăn được làm ra chỉ để nhìn; nhưng ở trường hợp đồ ăn mức độ phù phiếm cực đỉnh không bao giờ có thể toàn vẹn: đồ ăn dù làm ra chỉ để nhìn vẫn phải là ăn được, trong khi thời trang không tồn tại ở đâu khác bên ngoài căn phòng). Mâu thuẫn thứ hai là sự khó tương thích giữa khả năng về tính nghiêm túc và chiều hướng khiêu dâm của phần lớn các trang phục.
Trang bìa tạp chí Thể thao & Văn hóa Đàn ông số mới nhất đăng ảnh người mẫu (nam, đáng chú ý!) Tiến Đoàn trong bộ dạng của một con cừu. Tính biểu nghĩa của bức ảnh (chiếc áo màu hồng rực không vai gồm các dây vải lưới khâu túm đặt chồng lên nhau, một áo sơ mi bóng mặc bên trong, quần màu xanh cơ bản không pha) càng được nhấn mạnh thêm với một mái tóc lởm chởm có phần dựng lên và hai bàn tay nắm lấy hai sợi dây giống như cách điệu của một cái đuôi. Bức ảnh muốn nói: hãy nhìn tôi, nhưng đừng mặc tôi. Bởi vì người mẫu là một đặc tuyển, dù có là đặc tuyển cho sự phù phiếm hoặc nhiều khi lố bịch thì vẫn là đặc tuyển; các cá nhân đặc tuyển tạo thành một tập thể với đặc trưng là khép kín. Một đàn cừu không chấp nhận một con cừu lạc của đàn khác, dù cho đàn cừu chỉ lọt thỏm giữa một thế giới có phẩm chất kép là hữu hình (căn phòng) và vô hình (những cái nhìn). Những con cừu không ngừng tìm cơ hội để thể hiện sự kiêu hãnh về sự đặc tuyển.
Sự kiêu hãnh là một trong các yếu tố nền tảng tạo nên nhóm người-cừu ấy. Như trên đã nói, trình diễn thời trang không phô bày, mà trộn lẫn: một cuộc trình diễn thời trang không có lý do tồn tại nếu không có một nhóm (không có chỗ đứng cho cá nhân; thậm chí quy phạm của nó còn không cho phép cá nhân nào thực sự trở thành ngôi sao của một buổi diễn): một con cừu cộng với một con cừu cộng với một con cừu nữa và cứ thế… cuối cùng tổng số sẽ không phải là tổng số học các cá thể, mà là một cái gì đó vừa nhiều hơn vừa ít hơn (sự lưỡng đôi này có được chính là nhờ tính trộn lẫn: về màu sắc, về đường đi, về kiểu dáng…). Sự trộn lẫn có thể rất đa dạng, nhưng sẽ có một điều bất biến: một cuộc trình diễn thời trang đúng nghĩa không chấp nhận nụ cười; nó cũng sẽ không chấp nhận dáng đi bình thường và không chấp nhận lời nói.
Buổi trình diễn thời trang là một vở kịch câm với một nét mặt duy nhất và các vai giống hệt nhau về động tác: nét mặt của pho tượng đá. Khi tất cả các yêu cầu vừa nêu được tuân thủ, tức khắc buổi trình diễn mang tính chất nghệ thuật, tính chất ma thuật, và tính chất thôi miên (sự lặp đi lặp lại các động tác với một nhịp điệu không đổi có mục đích nào khác ngoài thôi miên?). Cách bước đi cũng có một yêu cầu khắt khe: không được đi giống “bình thường”. Người mẫu cần phải đảm bảo tính uốn lượn và sự cân bằng trên thế chênh vênh, do đó sàn catwalk không có chỗ cho những người quá thấp (không đủ độ cao, thực chất là độ dài, cho sự uốn lượn) và những người bước đi như ở ngoài phố. Các tính chất này ngay lập tức sẽ sụp đổ hoàn toàn nếu xảy ra một trong số các biến cố-thảm họa đối với một cuộc trình diễn thời trang: một “diễn viên” cười, một diễn viên bị vấp hoặc một diễn viên bị tụt đồ đang mặc trên người. Như vậy là vở kịch ở đây không chấp nhận yếu tố hài: cái hài không những làm giảm chất lượng buổi diễn, mà còn tàn phá từ sâu xa tất cả các nỗ lực hướng đến sự kiêu hãnh, và vẻ nghiêm túc.
Roland Barthes khi phân tích về thoát y vũ (“Strip-tease” trong Mythologies) đã chỉ ra cơ chế đánh đuổi sự khiêu dâm ở các buổi diễn thoát y: các động tác theo nghi thức, cái khí hậu từa tựa nghệ thuật không cởi quần áo người diễn viên, mà ngược lại còn khoác thêm quần áo lên cho họ. Ở trình diễn thời trang, các mẫu trang phục hở hang (thường xuyên nhất là hở ngực, lưng và đùi) cũng được hưởng cùng một cơ chế. Cùng một động tác phá hỏng yếu tố ma thuật như nêu ở trên cũng sẽ đẩy yếu tố khiêu dâm vào một buổi trình diễn thời trang, dấu hiệu của thất bại (vì vi phạm nghi lễ).
Như vậy là trình diễn thời trang được dựa trên một huyền thoại mang tính cộng đồng: điều gì nhiều người làm (tuy rằng chỉ ở một không gian hẹp và trong một khoảng thời gian ngắn) là hợp lý và có thể tồn tại; huyền thoại ấy được trang trí bằng các yếu tố nghệ thuật, và những con cừu vẫn có thể trong một đêm được những con người vinh danh bằng hình thức vỗ tay, những tiếng vỗ tay thường bị tiếng nhạc rất lớn át bớt đi phần nào.
[Ghi chú về đêm Đẹp Fashion Show hồi cuối tuần trước: khó có bao giờ hình dung nổi một cái sân khấu cho trình diễn thời trang nào ngớ ngẩn (tôi định nói là ngu nhưng thôi) như sân khấu hôm ấy: ở màn nhảy hip-hop thực sự người ta chỉ thấy có mấy đôi giày quay quay trong không khí còn thì không thấy gì cả, vài người mẫu không có diễm phúc chân dài như Thanh Hằng thì tuyệt đối không nhìn nổi đùi. Dãy cột đèn chính giữa không phải đồ trang trí, mà là trở ngại: mấy người bị vấp liền, mà bước hụt trong trình diễn thời trang chính là yếu tố gây cười cao độ. Chưa nói đến ít nhất có hai người mẫu, Phi Thanh Vân và một người nữa, đang đi thì bị tụt… ờ… ờ… tụt cái gì đó. Ngô Quang Hải thể hiện một sự hiểu biết quá éo le về trình diễn mốt, tạo ra các khung cảnh quá mức trìu mến phá hỏng đi sự ngạo mạn cần phải có (Ngô Thanh Vân bỗng tìm được một anh nào đó trên sân ga, hai người lao đến ôm nhau và cười toe toét: hai sự vi phạm cùng một lúc, cái cười và sự chạy phá vỡ nhịp điệu chung), chưa nói gì đến sự hiểu biết thực sự éo le và mang tính cliché cao độ về Paris Milano. Là tổng đạo diễn, NQH tạo ra một buổi kịch hài hài sến sến chứ không phải trình diễn thời trang. Mà nếu Đẹp Fashion Show là sự báo hiệu cho xu hướng thời trang năm nay, thì mùa đông này nhất quyết tôi ở nhà chứ không ra đường để mà làm cái gì cả: ai lại các người mẫu nữ thì kín mít mà người mẫu nam thì anh nào anh nấy phanh hết cả ngực.]
[Ghi chú về Roland Barthes và mốt: Roland Barthes tuy cuối đời giữ một ghế ở Collège de France (thôi không dịch nó ra nữa), chết cũng vì từ đó đi ra nhưng cứ nghĩ ngợi cái gì nên bị ôtô đâm phải, nhưng rất lận đận về con đường học vấn bằng cấp: hồi trẻ vì bệnh tật mà không đi thi được vào École Normale, đến lúc muốn làm luận án tiến sĩ thì khi mang dự định đến nói cho Claude Lévi-Strauss (một trong số những người hiếm hoi mà Barthes thực sự kính nể) thì L.-S. xua tay lắc đầu nguây nguẩy (đề tài đó không hợp với một luận án tiến sĩ chuyên ngành dân tộc học cũng như chuyên ngành ngôn ngữ học etc.). Luận án tiến sĩ (hụt) đó chính là Le Système de la mode (Hệ thống mốt), in năm 1967. Các reference khác có liên quan: bài “La mode et les sciences humaines” (Mốt và các khoa học nhân văn) năm 1966 và các bài trả lời phỏng vấn sau khi sách in ra: với các tờ Les Lettres françaises, Le Monde và France-Forum – các bài trả lời phỏng vấn của Barthes đều là những tiểu luận phê bình thực thụ. Người ta có thể nói tôi viết entry trên đây như một cách vận dụng lý thuyết của Barthes – lý thuyết chủ yếu của Mythologies. Sai: tôi không vận dụng, mà tôi nhại Barthes, nhại để rendre hommage cho Barthes, giống như Marcel Proust ngày xưa nhại để rendre hommage cho Saint-Simon.]
Sắp ra cuốn nào của Saul Bellow?
ReplyDeletecái gì cũng hỏi, có tâm sự gì chăng? :dd
ReplyDeletedở hơi khó tính nhỉ, [đ]ếch có tâm sự gì:)
ReplyDeleteà tại nhà em mái tôn, có ba con mèo đang trèo lên cào móng quèn quẹt hehehe
ReplyDelete"cái mặt như nhà thờ dở hơi" à quên "xây dở" gì gì ấy Goldmund ơi [nsc]
ReplyDeleteAnh Linh sắp sang Paris đấy :) (Z)
ReplyDeleteà bác Linh Vũ thì anh không hy vọng gì mấy :), hay em mua hộ anh rồi chuyển bác ấy cầm về nhá, thêm một, hai quyển nữa thôi
ReplyDeleteem mua thì được thôi nhưng em ko ở Paris lúc này :) Nếu anh đợi được tới cuối năm thì em mang về cho, nếu ko đợi được thì (nếu, lại nếu) cuối tuần này mà ThụyAnh qua em chơi và (nếu) mua được thì em sẽ gửi TA mang về cho anh nhé :P (Z)
ReplyDeleteanh cũng chẳng vội gì đâu :d những cái đẹp đẽ chờ đợi một tí có khi còn sướng hơn, ăn dè ăn dè thôi
ReplyDeleteokie, thế đợi nhé, còn cần thêm thì gửi mail cho em nhé! Nếu tiện thì tháng 11 em có bạn ở Paris về mà bác ấy mang giúp được thì em sẽ gửi trước, nếu ko thì cứ chắc chắn đợi tháng 12 :) (Z)
ReplyDeleteỐ ồ, mình thì nghĩ hay tại các người mẫu nam không chịu khoe giò dài (trắng hay lang ben hay gì gì thì mình không biết) nên bác NL mới hậm hực thế này :d
ReplyDelete