Oct 1, 2010

Levi và Kertész

Primo Levi và Kertész Imre đều đã qua Auschwitz, và đều vào Lager (Konzentrationslager) ở giai đoạn 1943-1944, nghĩa là gần với đoạn kết của "Final Solution" (những người vào trại từ đầu không biết tổng cộng còn sống được bao nhiêu), nhưng Levi ở luôn Auschwitz (Auschwitz-Monowitz) còn Kertész sau Auschwitz còn bị chuyển sang Buchenwald (thật ra theo các miêu tả thì Buchenwald là một cơ may của người Do Thái, nếu so với Auschwitz), chuyển tiếp đến một trại nhỏ nữa là Zeitz, và cuối cùng quay trở lại Buchenwald.

Levi và Kertész đều "may mắn": điều này là chắc chắn, không một người Do Thái nào còn sống sót sau Lager (nhan đề phiên bản tiếng Anh in tại Mỹ của Se questo e un uomoSurvival in Auschwitz) mà không may mắn, may mắn cộng với một thể lực ít nhất là trên trung bình, cộng thêm nữa là tài xoay xở, hay nói thẳng ra là thành thạo các thủ đoạn. Quốc tịch cũng quyết định một phần số phận của từng người: là người Ý, Levi bị động đến rất sớm, còn người Hung là một trong những đợt vét cuối cùng của Đức Quốc xã, cái "Aktion Hungary" nổi tiếng, được miêu tả rất chi tiết trong... thôi... để cho ai quan tâm tự tìm hiểu.

Nhưng Se questo e un uomoSorstalanság (bản dịch tiếng Anh phổ biến hơn cả là Fateless của Tim Wilkinson) khác nhau về cơ bản, ở điểm nhìn và ở viễn tượng của hư cấu.

Khi vào trại tập trung, Levi đã ở độ tuổi trưởng thành (sinh năm 1919), và coi như là đã biết mọi thứ, biết về số phận của mình. Giọng văn của Se questo e un uomo đích xác là giọng văn của một "rapporto" (báo cáo) như người ta vẫn gọi nó. Trong khi đó, Kertész mới mười bốn tuổi, và chỉ nhờ vào may mắn ở thời điểm bác sĩ trại chọn người (hai đến ba giây để bác sĩ nhìn từng người tù mới đến trên cái bãi ngay ở nhà ga), trước đó được vài người tù cũ tốt bụng khuyên là phải khai mình đã mười sáu tuổi, mới không bị nhét thẳng vào Lò thiêu, ngay lập tức.

Levi sẽ dựa vào một đời sống tinh thần trí thức, với Dante, với Homer, để mà sống, còn Kertész, điều này thật cay đắng, dựa chính vào nỗi háo hức của một đứa bé chưa đủ lớn. Kertész choáng ngợp trước vẻ đẹp của người lính Đức, của sĩ quan Đức, bác sĩ Đức; giống như là một người trở thành nạn nhân của chính người mà mình hâm mộ. Những gì Kertész nhận ra vừa mang tính chất tiệm tiến thông thường: nhận ra mình phải đi giày đế gỗ, phải ăn một món xúp kinh hoàng mà lần đầu tiên Kertész đã đổ ngay đi, nhưng cũng là một nhận thức tổng thể, ngay lập tức, toàn diện: ngày đầu tiên, nhìn thấy ống khói phun khói lên trời, đi kèm với cái mùi ấy, Kertész đã hiểu ngay lập tức người ta đang làm gì. Người Do Thái không có số phận ở Lager, nhưng Kertész cũng không đi vào con đường miêu tả những người lính và những người tù như các cỗ máy. Điều này có lẽ làm cho Sorstalanság khác biệt. Và Kertész còn nhận ra, ngay cả ở Auschwitz con người ta cũng có thể buồn chán.

Những người Do Thái ở trại đều mơ thấy một giấc mơ giống nhau: cả Levi và Kertész cùng nhấn mạnh ai ai rồi cũng đến lúc mơ đi mơ lại là mình được về nhà. Kertész thì hiểu ra thêm nữa: nhớ về những ngày tháng cũ, thì tốt nhất đừng nhớ những ngày hạnh phúc, vì chúng quá đẹp, chỉ nên khiêm tốn mà nhớ những ngày vừa phải, những ngày xấu xấu một chút mà thôi.

Trong tiểu thuyết-báo cáo của mình, nhân vật chính của Primo Levi vẫn là Primo Levi, còn nhân vật chính trong tiểu thuyết của Kertész Imre thì tên khác (tên nhiều ký tự đặc biệt kiểu Hung, ngại paste quá).

8 comments:

  1. Òai, đại gia NL mà cũng không có lấy một miếng còm, dân tình ra Bờ Hồ hết rồi hay sao í:(

    ReplyDelete
  2. thì đây :)

    Se questo è un uomo: bản dịch xuất bản bên Anh là If This Is a Man, bên Mỹ là Survival in Auschwitz.

    "Levi sẽ dựa vào một đời sống tinh thần trí thức, với Dante, với Homer, để mà sống, còn Kertész, điều này thật cay đắng, dựa chính vào nỗi háo hức của một đứa bé chưa đủ lớn. Kertész choáng ngợp trước vẻ đẹp của người lính Đức, của sĩ quan Đức, bác sĩ Đức; giống như là một người trở thành nạn nhân của chính người mà mình hâm mộ."

    Nhận xét thật hay (nhưng đọc vào thấy buồn làm sao ấy). Like. [nsc]

    ReplyDelete
  3. kinh thật,ế quá í :(

    các đồng chí xô nhau lên nhà cụ Uẩn cụ Công xóm trên uống nước chè hết rồi

    lần này Levi và Kertész in cùng lúc là một sự tình cờ thôi, nhưng tình cờ như thế lại hóa hay, vì hai vị này so sánh với nhau rất là hay, ngoài đây ra sẽ còn phải nói thêm đến "Maintenant ou jamais" của Levi và "Kaddish" của Kertész

    ReplyDelete
  4. Monday

    Is anything sadder than a train
    That leaves when it’s supposed to,
    That has only one voice,
    Only one route?
    There’s nothing sadder.

    Except perhaps a cart horse,
    Shut between two shafts
    And unable even to look sideways.
    Its whole life is walking.

    And a man? Isn’t a man sad?
    If he lives in solitude a long time,
    If he believes time has run its course,
    A man is a sad thing too.

    Primo Levi
    January 17, 1946


    Thứ Hai

    Có gì buồn hơn chuyến tầu
    Khởi hành đúng giờ ấn định,
    Ngân lên chỉ một giọng,
    Chỉ trên một tuyến đường?
    Không có gì buồn hơn.

    Có lẽ trừ con ngựa kéo xe,
    Hai mắt bị che kín
    Không cách gì nhìn hai bên.
    Cả đời là bước.

    Và con người? Con người buồn chứ nhỉ?
    Nếu hắn sống cô độc lâu dài,
    Nếu hắn tin rằng thời gian đã chảy cạn,
    Con người cũng là một điều buồn chứ.

    Primo Levi
    17 tháng 1, 1946

    [nsc]

    ReplyDelete
  5. Chị đến Buchenwald rồi đấy nhé. Trông trại cũng nhỏ nằm nửa chìm nửa nổi, toàn là xi măng. Xung quanh không một cái cây nào. Chỉ có 6 cái lò thiêu thôi, nghĩa là cùng 1 lúc chỉ có thể nướng chả được 6 bạn. Chắc là Auschwitz hoành tráng hơn. :)

    Nhưng cũng phải ghi nhận đầu óc sáng tạo thiên tài của các bạn Himler với Goebel. Mà bạn Goebel đúng là dạng sống anh hùng, chết vẻ vang. Tự sát bắn chết cả nhà để giữ trọn khí tiết, quyết không rơi vào tay địch. :D

    Bọn Đức đúng là một dân tộc xuất chúng. Nhà thơ, nhà văn, triết gia, nhạc sỹ, khoa học gia lừng danh cũng nhiều mà thiên tài sát nhân cũng không thiếu.

    ReplyDelete
  6. Sao lại 6 lò thiêu chỉ nướng được sáu bạn. Một cái lò có thể chứa rất nhiều người mà?
    Lò thiêu ban đầu được coi là một công cụ giết người có tính "nhân đạo" do người chết sẽ chết rất nhanh và không chịu đau đớn kéo dài. Nó cũng giúp giảm tâm lý căng thẳng cho những kẻ giết người vì tay họ không dấy máu. Trên thực tế các công đoạn từ vận hành lò thiêu cho tới xử lý xác chết đều do những tù nhân khác trong trại tập trung thực hiện nên các sỹ quan và binh lính Đức vẫn sạch sẽ, rảnh rang.

    ReplyDelete
  7. Chị thấy cái lò bé lắm, chỉ nhét được 1 người thôi. Hay đấy là lò rán mỡ nhỉ. Bọn nó một thủ tiêu hàng loại thì phải cho vào phòng hơi ngạt. Vào đấy xong hút hết không khí ra, 1 lúc là đi cả vài trăm người. Hoặc cũng chả cần hút. Cứ lèn người vào như lèn cá hộp, 1 lúc là chết.

    ReplyDelete
  8. Auschwitz có cả thảy 5 lò thiêu (crematorium). Tù nhân bị đưa từng nhóm vào các phòng hơi (gas chamber); sau khi khóa trái cửa, bọn Đức phun hơi độc vào. Sau đó, chúng lột sạch răng vàng và những vật quý giá giấu trong người hay quần áo, rồi ném xác vào lò thiêu.

    Theo ước đoán, lò thiêu thứ 1 có khả năng đốt khoảng 340 xác mỗi 24 tiếng, lò thiêu thứ 2 khoảng 1440 xác, lò thiêu thứ 3 khoảng 1440 xác, lò thiêu thứ 4 khoảng 770 xác, và lò thiêu thứ 5 khoảng 770 xác mỗi 24 tiếng.

    Tội thảm sát thực sự là đại quy mô, và các lò thiêu cũng đại quy mô không kém. Bọn SS không ngồi đó mà lịch sự nướng từng người như nướng gà đâu. [nsc]

    ReplyDelete