Feb 18, 2012

đã tới, đã thấy, đã thua


Chuyện “hơi ngắn” (hụt hơi) và “hơi dài” (tràng giang đại hải với sản phẩm nặng đến cả yến) của các nhà văn, trên chuyên mục này tôi từng bàn đến, mà vẫn canh cánh trong lòng vì chưa đi đủ các trường độ của hơi thở. Vấn đề hơi thở thực là phong phú hơn nhiều người nghĩ, cho nên nhiều cô cậu tuổi trẻ và cả nhiều trung niên lãng mạn vẫn còn đắm đuối “lý thuyết hơi thở nhẹ” của nhà văn Nga Ivan Bunin và trên truyền hình vẫn nhan nhản những quảng cáo kẹo chewing-gum cho hơi thở thơm tho. Nhưng mới hơi ngắn và hơi dài thì chưa thể nào là đầy đủ cho một môi trường sáng tạo, ở Việt Nam hay bất kỳ đâu, bởi cái phổ biến nhất, đáng nói nhất phải là loại hơi này: “hơi trung bình”.


Những người chấp nhận làm “tiếng hót chim họa mi” để chỉ cất tiếng một lần rồi thôi (“Ta đã chán lời vu vơ giả dối/Hót lên dù đau xót một lần thôi” - Hoàng Nhuận Cầm), chấp nhận số phận “tác giả của một tác phẩm”, rất nhiều trong số họ lại tạo ra được các giá trị sống lâu dài. Những người cặm cụi nhiều năm cho các tác phẩm thật dài, thật tham vọng, dường như họ đi theo một con đường không phải không ít nhiều quả cảm, con đường của “Không thành công thì cũng thành nhân”. Nhưng còn những người sống trung bình, hát trung bình, vẽ trung bình, viết trung bình, những người ấy không có cái nghiệt ngã với bản thân, cũng không mấy quả cảm, và cái họ chọn không phải sự sáng tạo, mà là sự an toàn.

Whitney Houston qua đời là dịp người ta chứng kiến cả thế giới tiếc thương cho sự xuất chúng. Giọng ca ấy, mà một nhạc sĩ Việt Nam gọi là “thanh đới bằng vàng”, vượt khỏi sự trung bình của đầy rẫy nông nổi nhạc trên MTV. Những gì trung bình giống như su hào và xà lách, để ăn ghém thì được chứ không trở thành giá trị của bữa ăn. Mà lịch sử của nghệ thuật là lịch sử của các giá trị, nơi không có chỗ cho những thứ yên ổn, nhàn nhạt và đèm đẹp.

Hiện trạng phát triển của các ngành truyền thông là môi trường béo bở cho sự trung bình: các cuộc thi hát trên truyền hình không phải để tìm ra những “thanh đới bằng vàng”, mà là tìm những khuôn mặt có tiềm năng lăng xê trong một quãng thời gian đủ để đợi các khuôn mặt khác. Những biểu hiện nữa: họa sĩ vẽ tranh không nhằm tìm tòi nghệ thuật mà lo sao phủ kín các bức tường văn phòng công sở hay phòng tiệc khách sạn; nhà thơ, để đóng góp cho danh tiếng “Việt Nam một cường quốc thơ”, làm ra vô vàn thơ ca lẩm cẩm chán ngắt hoặc cách tân, cải tiến vờ vịt; nhà văn thì viết những truyện ngắn sao cho đủ sức đăng trên báo và lâu lâu chui vào nằm ấm chỗ trong một tuyển tập ba phải nào đó.

Cách đây lâu lâu, khi sự đi lại của người Việt Nam ra khỏi biên giới bắt đầu trở nên dễ dàng, trên mặt báo xuất hiện cả một trào lưu viết du ký, trở thành cả một “vệt” rất dễ nhận diện, một tập hợp bài viết theo công thức “Paris thoáng chốc”, “Matxcơva một lần tôi đến”, “Chiều thu trên sông Danube”, vân vân và vân vân. Những ghi chép ấy đầy suy tưởng, đầy so sánh và đầy sức thể hiện về sự hiểu biết thế giới, những bức tranh này họa sĩ kia, những dạng kiến trúc, cột này cột nọ, nhưng thực chất chúng giống như là một cách thức phủ ra ngoài nỗi tự ti một lớp mạ vàng giả tạo của kiến thức cóp nhặt. Đọc chúng thật giống ăn những món ghém su hào và xà lách, những biểu hiện không thể rõ hơn của sự trung bình trong cảm nhận và viết lách, thậm chí còn không có được sự chín chắn lành mạnh hay ngơ ngác hiếu kỳ thành thực của những du ký của các nhà nho và trí thức thuộc địa từng một thời đăng nhiều trên tờ tạp chí Nam Phong của học giả Phạm Quỳnh.

Trào lưu đó, thật không ngờ, gần đây đã quay trở lại, và đã xuất hiện những quán quân mới trẻ trung, quán quân của những bài viết có trợ giúp của ảnh chụp (rất nét) kể về những chuyến đi nước ngoài thần tốc, vài ngày mà ấp iu bao nhiêu cảm tưởng, miêu tả, nhận xét thật là thông thái. Con người thời toàn cầu hóa hình như tưởng rằng một cái máy ảnh tốt và chút công sức tra cứu trên Internet là đủ để sâu sắc hiểu về một nơi chốn nào đó.

Những su hào và xà lách ấy, lẽ dĩ nhiên ai cũng biết là không nên thiếu trong bữa ăn hài hòa, nhưng cứ thử ăn một bữa toàn su hào và xà lách xem, bạn sẽ hiểu tôi muốn nói gì.

23 comments:

  1. Bạn Nhị cứ đùa, nói thế su hào với xà lách chúng nó sẽ cà khịa với [mâm cơm]bạn Nhị ngay. Với người ăn chay trường (giờ nhiều người ăn chay lắm), su hào và xà lách đủ sức làm nên giá trị của một bữa ăn ngon lành và bổ dưỡng nhá. :)

    ReplyDelete
  2. Đọc blog anh được nhiều thông tin, kiến thức, suy nghĩ và cảm xúc nữa, em thấy vui vui. :) Cảm ơn anh.

    ReplyDelete
  3. Cho đến giờ ,đây là bài hay nhất trong những bài ký tên "Con Sâu"!

    ReplyDelete
  4. Bác NL biết blog AHTT không? Bên đó toàn Interneter thông thái, hahaha

    ReplyDelete
  5. đọc xong mà thấy xốn, thấy thốn, mà các bác sống với nghề viết văn đọc xong có muốn trốn ko?!
    - - -
    "Nhưng còn những người sống trung bình, hát trung bình, vẽ trung bình, viết trung bình, những người ấy không có cái nghiệt ngã với bản thân, cũng không mấy quả cảm, và cái họ chọn không phải sự sáng tạo, mà là sự an toàn."

    Vì có lẽ "cần quá nhiều nhận thức và dũng cảm" để sáng tạo bác ạ! Mà trước khi sáng tạo thì phải sống được cái đã.

    May mắn là, những người kén ăn vẫn tìm được thứ họ muốn ăn trong một cánh đồng không chỉ có trồng toàn xà lách và su hào. Phần còn lại chỉ còn biết đợi vào khẩu vị của bác nông dân thôi. Hay là nhu cầu phía thu mua nông sản?!

    Em mạo muội. :)

    ReplyDelete
  6. Giỏi quá cho người (viết) này
    &
    May quá cho người (đi) kia...
    haha!

    ReplyDelete
    Replies
    1. người đã Triều Châu quy cố hương rồi đấy à, xà lách xứ ấy có ngon không :p

      Delete
  7. Căb phải khế dở rồi hêhhe

    ReplyDelete
  8. Chủ nghĩa trung bình là chủ nghĩa nhân văn

    ReplyDelete
  9. Ơ hay, cứ để nguyên cho xu hào làm xu hào chứ.
    À tìm thấy 3 quyển phê bình rồi (quyển của PCT thì để sau nhé). Lúc nào cafe, mình gửi nhé. Có cần tặng thêm cuốn gì gọi là bù đắp việc trả sách muộn ko?

    ReplyDelete
  10. Why Linh don't write blog any more?

    ReplyDelete
  11. Chết chết các đại xu hào đọc cái này thì lấy đâu ra phượt năm châu ký sự cho nhân dân đọc hả NL ơi, ác quá ác quá :))

    ReplyDelete
  12. thỉnh thoảng mò phải bài cũ của anh thấy thích thặc, sáng hết cả mắt híhí

    ReplyDelete
  13. Quái,sao hôm nay mới đọc entry này nhỉ?

    ReplyDelete
  14. khi nào jô xì goong anh ngồi ở Bk6 của nguyễn hồng lầm cho em ngắm cái được k? để đỡ hiu hắt tâm can vì "ức quân thiều thiều cách thanh thiên"

    ReplyDelete
  15. Replies
    1. please,! view dep lem a :3

      Delete
    2. Anh, mới lại nếu sợ vấy... có thể co chân ngồi xổm trên ghế. À;))

      Delete