Oct 27, 2012

Trò chuyện với Marie NDiaye

Marie NDiaye, nhà văn nữ Pháp gốc Sénégal đã có một tác phẩm dịch sang tiếng Việt, mà tôi tin là rất ít người đọc: Ba phụ nữ can đảm. Đây mới là một trong những tài năng văn chương thuần chất nhất (đã đọc 1Q84 rồi thì có thể liên hệ đến câu chuyện Fukaeri). Trong đời mình, nhà xuất bản Jérôme Lindon của Minuit, một huyền thoại, từng ưu ái một số nhà văn từ khi họ còn rất trẻ, và thời gian minh chứng rằng nhiều người trong số đó sau này đã trở thành nhà văn lớn, thậm chí rất lớn, ví dụ như Jean-Philippe Toussaint. Còn Marie NDiyae khi còn học trung học, mới mười bảy tuổi (trường Lakanal ở Sceaux, ngoại ô Paris) một hôm đi học về đã thấy Lindon đứng đợi ngoài cổng trường xin gặp và đề nghị ký hợp đồng để ông ấy in sách.

Bài phỏng vấn sau đây do Hồ Thanh Vân và Bùi Thu Thủy thực hiện.




Marie NDiaye: “Đúng thế, viết v ph n!”

Ngay từ tiểu thuyết đầu tay, Quant au riche avenir (Về cái tương lai xán lạn), người ta đã nhận thấy ở bà khả năng làm chủ ngôn ngữ tuyệt vời và sự tinh tế khi phân tích tâm lý nhân vật. Do đâu mà một cô thiếu niên mười bảy tuổi lại có sự điêu luyện và sự chín chắn ấy?

Đó chủ yếu là nhờ việc đọc sách của các tác giả như Marcel Proust, Henry James, Gustave Flaubert, những nhà phong cách học vô song. Thời ấy, tôi chđọc các nhà văn coi lao động ngôn từ chính là chất liệu của cảm hứng sáng tác.

Miêu tả dày và sâu đời sống nội tâm của nhân vật có phải là mục tiêu đầu tiên của bà không? Bà nghĩ sao về mối liên hệ giữa cách phân tích tâm lý tỉ mỉ và lối viết trau chuốt của mình?

Thật ra tôi không có mục tiêu gì. Tôi làm cái mình có thể làm và việc miêu tả cảm xúc phù hợp với cách tư duy của tôi hơn là một bức tranh lịch sử chẳng hạn. Nhưng tôi cũng thấy đó là một hạn chế, là việc không có khả năng làm khác.

Phong cách của bà thay đổi theo dòng sáng tác. Lối viết vẫn rất trau chuốt, nhưng có thể nói rằng nó càng ngày càng đơn giản hơn. Bà nhìn nhận điều này như thế nào?

Tôi dần tách mình khỏi ảnh hưởng của các nhà phong cách học lớn kể trên. Với tôi, để truyền tải một điều tinh tế hay phức tạp, dường như một sự đơn giản nào đó đôi khi lại cần thiết. Tôi không thích kiểu cách. Bây giờ tôi cố giữ mình trên cái vạch ranh giới mong manh ngăn sự đơn giản có phong cách với sự đơn giản hóa quá mức.

Bà từng cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng bà không viết nháp mà viết “nhẩm” trong đầu. Bà làm việc ấy như thế nào?

Khi tôi bắt đầu một tiểu thuyết, cấu trúc truyện đã nằm hết trong đầu tôi. Tôi không soạn đề cương, không phác ý trên giấy. Nhưng tôi không bao giờ bắt đầu viết khi chưa suy nghĩ hàng tháng ròng, và trong thời gian đó thì tất cả được sắp xếp trong đầu tôi.

ấn định các nhân vật trước hay trong khi viết?

Tôi có ý tưởng về nhân vật trước khi bắt tay vào viết và rồi đương nhiên là quá trình viết tạo ra sự năng động cho chính nó và ý tưởng ban đầu sẽ thay đổi theo diễn tiến của câu chuyện.

Tiểu thuyết Rosie Carpetiểu thuyết Ba phụ nữ can đảm (Trois femmes puissantes) của bà lần lượt bắt đầu bằng liên từ “nhưng” và “và”. Có phải bà muốn qua đó gợi lên mối liên hệ vô hình giữa các sự việc mà không phải lúc nào ta cũng có thể giải thích được? Có phải vì vậy mà cái kỳ ảo rất hiện hữu trong tác phẩm của bà?

Tôi thích tạo cảm giác rằng chuyện kể của tôi bắt đầu, một cách ngẫu nhiên, giữa một câu chuyện đang diễn ra rồi, như thể ta xem giữa chừng một bộ phim hoặc mở cửa sổ nhìn xuống một cảnh tượng ngoài phố đã bắt đầu trước khi ta ở đó để chứng kiến. Các nhân vật của tôi tồn tại trước khi tác phẩm được bắt đầu, ta bị nhỡ cả một phần nhưng lại có thể tìm cách khôi phục nó bằng trí tưởng tượng hoặc khả năng thấu cảm.

Thế rồi, cái kỳ ảo ấy lu mờ dần trong các tác phẩm sau này. Sự thay đổi này có ý nghĩa gì?

Cái kỳ ảo giờ đây kín đáo hơn, ngầm ẩn hơn. Truyện cổ tích ít xuất hiện hơn trong những điều tôi viết, có lẽ đơn giản là vì gu đọc của tôi đã thay đổi.

Bà đã đi đến việc xây dựng các nhân vật chính chủ yếu là nữ như thế nào? Bà có liên hệ như thế nào với các nhân vật ấy? Bà có đòi được coi là người theo chủ nghĩa nữ quyền không?

Xây dựng các nhân vật nữ dần dà trở nên tự nhiên hơn với tôi, vì họ dường như chân xác hơn dưới ngòi bút của tôi. Nhưng tôi không đòi được coi là người theo chủ nghĩa nữ quyền. Một phần tôi thấy mình đấu tranh vì nữ quyền trong vai trò công dân, phần khác tôi lại thấy không nên đưa vào sáng tác những sự dấn thân mà ta có thể có trong cuộc đời. Tôi cố gắng miêu tả những con người trước đã, và sự thể là họ phải có giới tính. Với một con vật hay một cái cây, tôi cũng sẽ miêu tả với cùng một ý thức thôi.

Nhiều nhân vật của bà thụ động đến kinh ngạc (như Rosie, Lagrand trong Rosie Carpe, Nadia trong Trái tim tôi bị bóp nghẹt (tạm dịch từ Mon cœur à l’étroit), Rudy, Fanta trong Ba phụ nữ can đảm…). Họ thường để mặc mình rơi vào một vùng khuất, có khi ngày càng trở nên mờ mịt. Dường như qua đó bà muốn nói rằng chạy trốn thực tại, sự khép kín, thờ ơ là những phương thức tự vệ trước thế giới không thể nào nắm bắt được này…

Đúng vậy, các nhân vật ấy kháng cự sự tuyệt vọng chính bằng cách ấy, bằng sự trơ ì và bằng việc giữ khoảng cách với những gì có thể tác động lên họ.

Trong thế giới ấy, dường như không thể tìm được một khả năng hòa hợp nào, hoặc là nó biểu hiện ra trong những quan hệ dị thường hay đồi bại. Người ta day dứt vì những mối quan hệ gia đình rạn nứt, vì tình bạn vong ân bội nghĩa, tình yêu bị lạm dụng, sự lạc lõng trong đời sống xã hội, sự không hiểu nhau, sự vô cảm với người khác. Cá nhân từ bỏ và thấy mình bị từ bỏ. Tại sao lại có sự cô đơn cùng cực đến vậy?

Tôi cũng không biết tại sao. Vả lại, tôi cũng không muốn biết. Mọi việc cứ diễn ra như vậy khi tôi viết thôi.

Bà từng tuyên bố: “Khái niệm ‘nước ngoài xa lạ’ đã luôn chiếm một vị trí căn bản trong cuộc đời tôi. Tác phẩm Trong gia đình đã tổng kết tầm quan trọng ấy, là sự khép lại có ý thức của bao năm tự đặt những câu hỏi ít nhiều sáng rõ về vấn đề này: tôi là người nước nào? Chẳng phải với tôi nước nào cũng đều là mảnh đất xa lạ hay sao? Những chất vấn này, tất nhiên, được gợi lên bởi những điểm đặc biệt trong tiểu sử của tôi, làm tôi từ tấm bé đã luôn thấy bất ổn, hay đúng hơn là luôn có cảm giác xê dịch không yên, vì thế dường như không ở đâu tôi có cảm giác đang ở quê nhà và không ở đâu người ta coi tôi như đồng bào”. Trong hoàn cảnh ấy, tìm điểm mốc cho mình thế nào đây?

Tôi đã thay đổi rất nhiều kể từ khi nói những lời này. Đọc chúng, ta có cảm tưởng cái cảm giác được mô tả phải là một vấn đề hoặc một nỗi đau. Còn hiện giờ cảm giác của tôi không còn là ở nơi nào mình cũng là kẻ vô xứ, mà là mình đang ở quê nhà ở khắp mọi nơi, dù vẫn cứ là một người nước ngoài. Tôi sống ở Đức từ hơn năm năm nay. Ở Berlin, tôi có cảm giác đang ở nhà mình, nhưng cũng không quên rằng tôi không phải là người Đức. Đó là cảm giác phù hợp với tôi, cảm giác mà tôi đeo đuổi.

Nhân vật da đen và những chi tiết liên quan đến châu Phi dần xuất hiện, từ Rosie Carpe với Lagrand, nhân vật da đen đầu tiên của bà, tới Ba phụ nữ can đảm với liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với một nơi chốn cụ thể ở châu Phi… Đó có phải là sự ý thức rõ nét hơn, sự nhận biết hay nói cho cùng là sự thừa nhận bản thân và căn tính?

Nên nói thế này: Tôi hình như không còn ngại ngùng, nhìn từ quan điểm nghệ thuật, khi đưa vào văn học cái thực tế đó. Trước kia, tôi lo ngại sự quá tải của hiện thực. Giờ thì tôi có thể cho nó sống chung với cái lạ thường mà không có cảm giác làm hỏng sách mình. Đó không hẳn là “sự thừa nhận căn tính”: với tôi, là người da màu không có ý nghĩa gì cả, và không nên mang ý nghĩa gì. Có điều là, đối với rất nhiều người khác, biết ai đen ai trắng lại quan trọng. Còn theo một cách nào đó thì nó chẳng liên quan đến tôi.

Một số người này xếp bà vào hàng ngũ nhà văn Pháp ngữ hoặc Pháp-Phi, những người khác lại coi bà là nhà văn hậu thuộc địa, nhưng có vẻ như bà cảm thấy mình không liên quan gì đến các “nhãn hiệu” này. Vậy bà thấy mình ở đâu trong làng văn học Pháp?

Bản thân tôi cũng không biết. Tôi chỉ biết rằng tôi không phải là nhà văn Pháp ngữ, nếu ta xét theo định nghĩa của thuật ngữ này (một nhà văn không phải người Pháp nhưng viết bằng tiếng Pháp). Tôi cũng không phải là người châu Phi. Tôi cho rằng tôi chỉ đơn giản là một nhà văn Pháp.

Bà nhìn nhận như thế nào về các nhà văn cùng thời chạy theo trào lưu “chỉ chăm chăm vào bản thân mình”?

Tôi nghĩ người ta có thể “chăm chăm vào bản thân mình” mà vẫn tạo ra được một tác phẩm lớn, đó không phải là vấn đề, cũng như người ta có thể nuôi tham vọng bao quát toàn thể thế giới song vẫn chỉ là một nhà văn tầm thường. Mọi sự cốt nằm ở lối viết và sự tinh tế của cái nhìn.
Bà từng nhắc đến các tác giả ảnh hưởng tới mình, như William Faulkner, Joyce Carol Oates, Malcolm Lowry… Bà bị lôi cuốn vì điều gì ở họ?
Cá tính duy nhất trong cách viết của từng người trong số họ.

Bà có thể chia sẻ dự định sáng tác của bà trong thời gian tới? Bà có tiếp tục khai thác nhân vật nữ không?

Tôi đang hoàn thiện một tiểu thuyết chủ yếu, đúng thế, viết về phụ nữ.

(CF5)

6 comments:

  1. Có hôm nhìn thấy tiểu thuyết Ba người phụ nữ mà mình lại lướt qua vì... bìa quá xấu :(

    ReplyDelete
  2. hihi, mình nhìn thấy là mua luôn. Mua là đọc luôn. Đọc là kết luôn, dù ngay khi đọc về người phụ nữ đầu tiên ( cũng nghĩ nhiều tới số phận của mình), mình biết như bao cuốn mình đọc và thích. Biết là sẽ ít ( rất ít ) người đọc.

    ReplyDelete
  3. Hic bìa thế mà xấu ạ. Thật ra đây là một lần rất hiếm hoi sách dịch sang tiếng Việt sử dụng tranh một hoạ sĩ Việt Nam (cụ thể là Nguyễn Thuý Hằng; cái này là do quan hệ cá nhân giữa người dịch và hoạ sĩ :p). Các bác cứ tin đi, rất ít khi ngành xuất bản VN làm ra được một ấn phẩm như thế này. Đã thế, ta gọi nó là de luxe ;d

    ReplyDelete
  4. Trời ơi, bìa như thế mà bị kêu là xấu :(
    HTV

    ReplyDelete
  5. Nguyễn Thúy Hằng là bác Bởi từ lâu chúng ta không thể ngủ phải không bác?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vâng, và sắp (rất sắp :p) là một cái mới nữa.

      Delete