Oct 7, 2012

Từ tổ tiên đến chúng ta

Sáu, bảy năm trời cho một bộ sách, giờ nhìn thấy nó được tạo hình hoàn chỉnh, thấy vui thì ít hơn là thấy oải. I nostri antenati (Tổ tiên của chúng ta) gồm Nam tước trên cây, Tử tước chẻ đôiHiệp sĩ không hiện hữu (thứ tự hơi lệch so với nguyên tác, ở đó Tử tước là tập trước của Nam tước). Quá trình hoàn thành bộ sách này trong tiếng Việt cũng đi cùng với một giai đoạn cực kỳ phức tạp của xuất bản và dịch thuật Việt Nam.

Tôi gặp anh Vũ Ngọc Thăng lần đầu vào năm 2006, tầm tháng Chín tháng Mười gì đó, tại Hà Nội. Trước đó đã có viết email trao đổi, hình như qua giới thiệu của Phạm Thị Hoài, nhưng gặp nhau cũng chẳng nói mấy chuyện; đi theo Italo Calvino hình như toàn những người không nói lắm. Anh Vũ Ngọc Thăng là một trong vài người đang sống ở Canada đóng góp cho dịch thuật tiếng Việt, thuần túy vì văn chương. Hai người nữa là Nguyễn Khánh Long (Vu khốngLại chơi với lửa) và Nguyễn Quốc Trụ (Istanbul); hình như ba người không ai quen biết ai, và cả ba đều có những trang dịch thần sầu từ mấy tác giả cũng thần sầu, và cũng thuần túy văn chương.

Giữa chừng cuộc thực hiện I nostri antenati xảy ra rõ lắm chuyện, nhất là chuyện thường gặp nhất trong dịch thuật: chậm trễ. Chậm trễ trong thời đại này phải trả giá bằng không biết bao nhiêu lần xin gia hạn bản quyền, muối mặt với người đại diện tác quyền của Italo Calvino. Nhiều khi tưởng chừng như không sao mà hoàn thành cho nổi. Nhưng đã có Nam tước rồi thì nhất định phải có Tử tước, và nếu không có Hiệp sĩ thì cầm chắc những ý đồ to lớn của Calvino sẽ bị thất thoát đi phần nhiều. Hiệp sĩ giống như một ý niệm siêu hình mà nếu không có thì đừng hòng nắm bắt được các tập trước; những tập trước vẫn có thể tồn tại độc lập, nhưng khi ấy chúng sẽ chỉ giống như vài bài tập vui vẻ thông thường, vài ý tưởng lóe sáng thiên tài nhưng chẳng đi đến đâu. Mấy đoạn đầu chương của Hiệp sĩ đã giải thích tất cả: Calvino đã đặt ở đó nhiều hơn cả quan niệm của ông về tiểu thuyết.

Vì Italo Calvino đích thực là một nhà siêu hình học cô độc, cực kỳ hiếm hoi vào thời hiện đại. Người ta hay kể tên các nhà văn Ý danh tiếng gộp Calvino bên cạnh Umberto Eco, nhưng hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Umberto Eco là pop, tuy rằng trong pop cũng lắm thứ đáng ngưỡng mộ, nhưng Eco không có gì chung với một truyền thống Ý siêu hình trầm trọng trong văn chương, kể từ Dante, Boccaccio cho tới Leopardi rồi Sciascia, cộng thêm một Malaparte quái đản.

Lẽ ra nếu mọi chuyện thuận lợi, cách đây hai năm đã có một kỳ hội thảo dài chuyên vào Italo Calvino tại Hà Nội, trong đó có cả kế hoạch mời Pietro Citaci sang nói về Calvino. Nhưng cũng như mọi thứ thuần túy văn chương, ý tưởng thì nhiều, thực hiện được thì ít.

Italo Calvino kế tiếp sẽ là Le città invisibili. Nhưng phải nói rằng các tiểu luận phê bình của Calvino cũng là cả một dòng sông siêu hình thâm trầm kỳ lạ.

4 comments:

  1. Italo Calvino quả thực rất khác biệt.

    ReplyDelete
  2. *"Sách dịch ơi! Giờ thì mi đã xong. Thời gian vừa qua chúng ta đã cặm cụi mờ cả mắt gãy cả cổ... Là gì vậy nhỉ, cơn xung động, nỗi sốt ruột cuồn cuộn trong chúng ta....?"

    *bạn NL sách tứ tung trong đầu: mình gặp nhau lần đầu trong email (2006)...tháng 2/2007 ra Hà Nôi mới đi uống càfe...

    *Anh Nguyễn Khánh Long là bạn thân với mình, thường đi uống cà phê với nhau cùng với dịch giả Quế Sơn hồi ở Montréal vào thập niên 1990. Nguyễn Quốc Trụ thì chỉ quen sơ...

    *nhân tiện: chương III, Hiệp sĩ không hiện hữu có thêm chú thích về tên riêng của Gurdulù (http://vungocthang.wordpress.com/2012/10/09/hiep-si-khong-hien-huu-iii/), nhân vật làm mình liên tưởng tới Lão Ngoan Đồng trong Anh hùng xạ điều và Bùi Giáng tiên sinh của chúng ta...

    VNT

    ReplyDelete
  3. Hì bao thời gian đã chảy dưới chân cầu, bao xung động đã xung đột ở trên cầu :)

    ReplyDelete